PDA

View Full Version : Tại Sao? và Tại Sao



Longhai
04-22-2014, 09:45 PM
Tại Sao? và Tại Sao


Ngô Quang Liêm


Vài hàng lý lịch “Trích ngang” : Họ Tên : Ngô Quang Liêm, sinh ngày 20-10-1943, nhưng thực sự tôi sinh 20-10-1940; lý do : Vì hồi nhỏ tôi học quá tệ, nên ba tôi đã làm giấy “Thế vì khai sanh” xin rút tuổi cho tôi. Năm 1966, tôi đang học Đại Học Dược Khoa năm III thì bỏ ngang để gia nhập học Khóa I BTV - Học Viện CSQG. Cấp bậc và chức vụ cuối cùng : Thiếu tá (Quan Tư) ĐĐT/CSDC 310 Tỉnh Hậu Nghĩa.

Đây là lần đầu tiên, sau 47 năm, tôi mới tập tễnh viết bài để đăng báo. Vì thấy bạn bè cùng Khóa, nhiều đứa đã viết mà viết cũng khá hay nên tôi tự nghĩ, “Không lẽ, mình cũng là K1 mà thua tụi nó sao ?” Suy nghĩ kỹ lưỡng, “Quan Tư Liêm” mới mạnh dạn viết nên áng văn bất hủ này để bạn bè… ngán chơi. (Nổ chút cho vui vậy thôi, xin các bạn thứ lỗi cho).

Năm 1966, tôi đang học năm III Đại Học Dược Khoa đường Cường Để, chỉ còn một năm nữa là trở thành Dược sĩ. Nhưng, ở đời thường có chữ “nhưng”, thế mới chết. Tôi vừa học vừa đi kèm trẻ tư gia, mà trẻ này lại là người con gái đẹp đang chuẩn bị thi Tú Tài II. Tôi dạy không bao nhiêu nhưng lại khoái cô ta hơn tất cả nên dẹp hết sách vở để về quê xin cưới vợ. Muốn cưới phải có tiền, may thay cơ hội đã đến : Tổng Nha Cảnh Sát mở khóa thi tuyển BTV và tôi đã trúng tuyển. Và may mắn nữa là người con gái tôi kèm học ngày đó, sau này còn tiếp tục cho tôi kèm tới nay đã 47 năm.

Trời không phụ lòng người, nhưng, lại nhưng, khi tốt nghiệp tôi lại bốc thăm trúng Ngành CSDC. Hồi còn Sinh viên, tôi đã từng bị CSDC cho ăn lựu đạn cay, thế mà giờ đây, hỡi ơi !!!

Ra trường Học Viện CSQG Khóa I, tôi cùng 30 tên nữa được gởi đi học Khóa Tác Chiến Rừng Rậm ở Mã Lai. Nghe được đi nước ngoài thì khoái thật, nhưng có đi mới thấy nó cũng chẳng hay ho gì hơn ở trong nước. Có một chuyện tôi không bao giờ quên được : Đó là con vắt. Khi chúng tôi thực tập hành quân băng qua một con suối, trời đất ơi, hàng trăm con vắt bám đầy mình tôi, tôi la làng và nhảy đại lên một tảng đá gần mé suối. Đá trơn vì rong rêu làm tôi trợt chân té nhào. Mắt kiếng cận cùng với cây súng “Mút ăng-lê” trôi theo dòng nước đi đâu mất biệt khiến cho Trang Thiện Nhơn (Cùng khóa 1) phải ra tay giải cứu. Hết bắt con này đến con khác, trong khi tôi sợ quá mặt không còn chút máu. 47 năm sau nhớ lại tôi vẫn không quên ơn người bạn này.

Ba tháng học trôi qua, chúng tôi trở về nước được lệnh thuyên chuyển lên Trung Tâm Huấn Luyện CSDC Đà Lạt. Đứa làm Huấn Luyện Viên Chiến Thuật, đứa làm HLV/Cảnh Sát Căn Bản hoặc làm Cán Bộ Đại Đội. Duy nhất chỉ có 2 thằng được “làm lớn” là Trung “D... Dừa” làm Tiểu Đoàn Trưởng Khóa sinh, và Mã Thành Vinh làm Tiểu Đoàn Phó KS. Tên sau này thuộc diện hay nói năng lỗ mãng, đầu đội nón lưỡi trai, tay cầm cây gậy đả cẩu bổng như của Bang Chủ Cái Bang (Hồng Thất Công), mở miệng hay nói tiếng Đan Mạch. Tên này hiện nay cũng ở Georgia với tôi và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp gỡ hàn huyên nhắc lại chuyện cũ. Tôi nói đùa với hắn : “Mã mà thành Vinh thì cũng hay đấy, nhưng mà thành dzinh là thành cái gì dzậy ?”.

Qua mấy trào Giám Đốc TTHL/CSDC, không có chuyện gì đáng nói; nhưng đến thời Thiếu tá BĐQ Vĩnh Nguyên về Trung Tâm, chúng tôi đã bị đẩy đi. Lý do cũng dễ hiểu : Trong một lần họp, Thiếu tá Nguyên nói : “Tôi đưa các anh đi học Dục Mỹ”. (Dục Mỹ là Trường Huấn Luyện HSQ của BĐQ). K1 Nguyễn Thái Hoàng tức giận đập bàn và mạnh dạn nói : “Chúng tôi là Sĩ quan Cảnh sát chứ không phải là Sĩ quan BĐQ mà đi Dục Mỹ học. Chúng tôi không đi đâu hết.” Thế là sau đó, chúng tôi phải hành trang giã từ gác trọ để về trình diện BTL/CSQG.

Có điều tôi muốn nói thêm, ở TTHL/CSDC Đà Lạt, đa số các bạn cùng Khóa 1 với tôi đều độc thân, chỉ có mình tôi nặng nợ tang bồng thê nhi nên hàng ngày tôi phải tận dụng vỏ thông và trái thông để làm ra các món đồ lưu niệm bán kiếm thêm tí tiền còm mua sữa cho con. Trong khi đó, lũ bạn kia hết giờ Huấn luyện tha hồ la cà Billard, Cà phê, chơi Domino thật là nhàn hạ.

Rời Đà Lạt, tôi bị đổi lên Phước Long làm Đại Đội Trưởng 301 CSDC. Thấy mà hỡi ơi ! Ở đây, Lính không ra lính, Quan cũng không ra quan. Người nào tóc tai cũng dài như “Người rừng không tên tuổi”. Tết đến, Đại Đội cấm trại 100% mà tụi nó bỏ về Sàigòn ăn tết gần hết, chỉ còn lại vài ngoe lẻ tẻ. Sở dĩ tụi nó làm thế là vì Cảnh sát Dã chiến Phước Long đa số từ các Đại đội khác chuyển đến vì lý do “kỷ luật” chờ sa thải nên bọn chúng bất cần đời.

Lúc ở Phước Long, cố vấn Mỹ thường tổ chức hành quân “Diều Hâu” bằng trực thăng (3 chiếc yểm trợ, 2 chiếc chở CSDC và ĐĐT Liêm). Một lần, tôi bị VC bắn trúng bọng đái, máu ra lênh láng, những tưởng thằng Cu tí theo tôi đi luôn, nào ngờ may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Hú hồn !

Trong khi đó, ĐĐT/CSDC 302 Bình Long do K1 Nguyễn Văn Kiên chỉ huy, trong một lần về họp ở Bộ Chỉ Huy Khu III, tôi đã nói đùa khi gặp Kiên : “Ê Kiên ! Mày là Chú Tư Kiên, con của Chú Tư Cầu mà Tư Cầu là con của nhà văn Lê Xuyên. Như vậy mày phải kêu ông Lê Xuyên bằng Ông Nội.” (Lê Xuyên là tác giả Dưới Rặng Trăm Bầu). Kiên cười nhìn tôi : “Kêu cái Con C…” Chú Tư Kiên sau này có quen một cô giáo, mà cô giáo này thật độc đáo. Khi Bình Long được giải tỏa bởi Biệt Cách Dù (Liên Đoàn 81) trong Mùa Hè Đỏ Lửa, cô giáo đã làm hai câu thơ để đời :

“An Lộc Địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”

Rồi nghe đâu, sau 1975, cũng cô giáo này đã làm hai câu thơ bất hủ :

“Đôi dép râu giẫm nát đời son trẻ,
Nón tai bèo che khuất ánh tương lai.”

Như thế, người yêu của Chú Tư Kiên của chúng ta đã phải gỡ lịch mút chỉ rồi, không biết số phận cô bây giờ ra sao ?

Tôi ở Phước Long chưa nóng đít thì có Huỳnh Mãng (cũng K1), người hay khoái đeo kiếng đen như điệp viên, ở đâu lên thay thế. Thế là tôi lại khăn gói lên đường về Ban Đại Diện CSDC Khu III (trú tại Tam Hiệp) trình diện Thiếu tá Hoàng Tích Hữu Ái, CHT/CSDC/Khu III chờ lệnh.

Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Khi Quân đội Mỹ chuyển giao căn cứ Long Bình lại cho VNCH, toàn bộ khu vực Căn cứ và một phần gần Hố Nai thuộc trách nhiệm của BCH/CSQG/Khu III. Tôi được giao trách nhiệm ĐĐT/CSDC Long Bình. Từ nơi này, tôi và Phạm Văn Minh (K1) thỉnh thoảng có dịp gặp nhau khi tôi về Sàigòn công tác, rủ nhau ra Khu Dân Sinh lai rai vài chai La ve. Lúc đó, Minh đang làm việc ở Khối Hành Quân. Có thể nói, Minh là người bạn mà tôi gần gũi nhiều nhất (cùng ở CSDC, cùng đi Mã Lai, cùng làm việc ở TTHL/CSDC/ĐL, rồi sau lại ở tù chung ở Hàm Tân, …). Sau khi căn cứ Long Bình được giải tỏa xong thì Đại Đội CSDC Long Bình cũng giải tán, tôi được ngồi chơi xơi nước…

Cho đến bắt đầu từ 1972, tình hình bắt đầu gay cấn, tương lai của tôi cũng từ chỗ này có sự thay đổi lớn. Đại đội trưởng Liêm được thuyên chuyển về làm ĐĐT/CSDC 310 Hậu Nghĩa. Thực tình mà nói, Đại Đội 310 đã được tổ chức hoàn chỉnh, nếu không muốn nói là thật hoàn chỉnh nhờ công lớn của vị ĐĐT tiền nhiệm. Tôi muốn nói lời cám ơn tới Trung Úy Huỳnh Văn Xuyên, cựu ĐĐT/ CSDC tỉnh Hậu Nghĩa.

Đại Đội của tôi phòng thủ hình chữ L, kế bên là Pháo Binh Tiểu Khu và Dinh Tỉnh Trưởng. Tôi cho tăng cường thêm hàng rào kẽm gai Concertina và mìn Claymore chiếu sáng và mìn con cóc (Tất cả 6 lớp). Lại thêm 3 đại liên 30 (dọc và chéo) và 3 đèn pha cực mạnh. Từ vòng đai phòng thủ ra phía ngoài, tôi cho đào một con mương rộng bao quanh chữ L và thả ngỗng làm lính báo động vì ngỗng mỗi khi thấy người lạ sẽ la òm lên. Nhờ thế mà một hôm khi VC xâm nhập vòng đai đã bị chúng tôi phát hiện ngay và VC đã phải bỏ xác 9 tên. Sáng hôm sau, chúng tôi hành quân Cảnh sát các làng quanh Đại Đội lại thấy có thêm 3 xác VC nữa chúng không kịp đem đi.

Nhờ chiến công này, Tỉnh Trưởng đã khen thưởng và gắn Huy chương cho đơn vị. Đích thân Đại tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Khu III đã xuống tận Hậu Nghĩa ủy lạo, khen thưởng và gắn Huy chương cho Đại Đội.

Ở Hậu Nghĩa, Đại Đội 310 tổ chức hành quân cấp Đại đội liên miên xuống tận Xã ấp. Chỉ Huy Trưởng CSQG Hậu Nghĩa lúc đó là Trung Tá Hoàng Tích Hữu Ái. Hầu hết hạ tầng cơ sở VC bị CSĐB và CSDC phối hợp tóm gọn. Đặc biệt có tên Hùng (Quân báo) vừa về xã Mỹ Hạnh hoạt động, chưa làm được gì thì đã bị chúng tôi nắm đầu hắn lôi lên từ dưới hầm. Tôi lấy khẩu Colt 12 gõ đầu hắn cho hả giận rồi giải hắn về BCH/CSQG Hậu Nghĩa. Chính cái vụ gõ đầu này sau mới chết cho tôi. Vì sao? Vì chính hắn sau này là Trưởng Công An Phường của tôi khi tôi ở tù về. Mỗi tuần tôi phải trình diện một lần. Gặp tôi, nó đập bàn và liệng một tập giấy : “Anh còn nhớ cái thẹo trên đầu tôi không ? Khai đi ! Khai đi !”. Đúng là số con rệp.

Trở lại chuyện làm ĐĐT/CSDC ở Hậu Nghĩa. Ở đây phải nói đến BTV/K1 Nguyễn Công Vinh, lúc đó là Trưởng F Đặc Biệt. Không phải vì Vinh là bạn cùng khóa với tôi mà tôi khen, nhưng đúng anh là một Chỉ huy tài ba, nếu không nói là xuất chúng. Nhờ anh tổ chức lưới tình báo chặt chẽ, tin tức thật chính xác, nên tôi mới có thành tích như vậy. So về tài năng, Mr Liêm chỉ là con tép riu làm sao sánh với con tôm hùm Nguyễn Công Vinh. Sau, Trung Tá Ái đổi về Tây Ninh, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt lên thay. Nhờ có thêm nhiều chiến công khác nên năm 1974 có 3 người được thăng cấp để trở thành Trung Tá Đạt, Thiếu Tá Vinh và người viết bài này, CSDC Liêm cũng được lên cấp Thiếu Tá.

Nhờ được lên lon Thiếu Tá, Mr Liêm được gởi đi thụ huấn khóa “Bộ Binh Cao Cấp” ở Long Thành cùng với 10 Sĩ quan Cảnh sát cấp Tá khác chung với 190 Sĩ quan cấp Tá thuộc các Quân Binh Chủng. Tổng cộng có 200 Khóa sinh.

Trước khi đi thụ huấn, Trưởng Ty đã thân mật nhắc nhở : “Chú mày không phe phái nên phải ráng học cho có hạng cao, nếu không thì hậu quả sẽ khó lường.” Vì vậy, tôi đã biết thân biết phận nên đã tốt nghiệp với hạng 9/200 được Trung Tướng Vĩnh Nghi phát chứng chỉ. Hãnh diện bút mực nào tả xiết. Khóa học này có cả Thiếu Tá Liên Thành, CHT/CSQG Thừa Thiên-Huế. Tay này nhỏ con có chút xíu thế mà lãnh đạo Chỉ huy cảnh sát ở Huế khá tài giỏi. (Vừa qua, nhân xem cuốn sách “Biến Động Miền Trung” của anh ta xuất bản năm 2009, tôi phải khâm phục anh ta có trí nhớ siêu phàm.)

Sau 1975, ai cũng đi ở tù và tôi cũng vậy, nhưng có một câu chuyện thật buồn cười lúc ở trại Hà Nam Ninh. Một hôm, tên Cán bộ của trại gọi tôi lên hỏi : “Anh là Ngô Quang Liêm, và là gì của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng?” Trời đất mẹ ơi! Trước 1975, tôi nào biết ổng là ai đâu, chỉ nghe tên ổng trên Radio hoặc báo chí chứ chưa bao giờ thấy dung nhan của vị danh Tướng đó. Biết khai cái gì đây? Cả một tháng ròng rã cũng không khai được chữ nào (Vì biết gì đâu mà khai). Tên cán bộ nói: “Anh ngoan cố sẽ cải tạo lâu dài.” Tôi nói thầm trong bụng, “Kệ mẹ mày, chừng nào thả cũng được”, và tôi cũng đã suy nghĩ phen này chắc là tù mút chỉ hết có ngày về nhà, nên tôi đã khuyên bà vợ trẻ đẹp của tôi nên lấy chồng khác đi. Nhưng bà không chịu nên giờ này tôi vẫn phải tiếp tục “kèm” bà. Cũng đúng thôi, vì bà đã tặng cho tôi 4 quý tử liên tiếp các năm 1968, 1969, 1970 và 1971. Tôi “chơi” ra-phan, năm một bốn năm liền. Thế mới tài, thế mới tuyệt.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời bà học trò cũ nay là bà vợ già của tôi (67 tuổi) đã khuyên rằng : Thôi, ông Liêm đừng viết nữa, ông càng viết thì càng viết bậy; "Văn hay chẳng luận đặt dài, chỉ một chữ đầu bài cũng biết văn hay." Vì vậy, nên tôi phải dừng thôi. Thực ra, mình cũng có tài… nổ, cho nên nếu bạn nào không tin thì cứ nói, “Thằng Liêm Đui xạo quá”, cũng xong. Xin các bạn nhớ, tôi còn có Nickname là Thằng Liêm Đui hay Ông Già Ugly ở Georgia.



Ellenwood (GA), Tháng 10-2013
Ngô Quang Liêm
(K1/HVCSQG)