PDA

View Full Version : Câu Chuyện Tháng Tư và Quyển Lịch



mimosa phuong vinh
04-22-2014, 05:58 PM
Câu Chuyện Tháng Tư và Quyển Lịch

Mimosa Phương Vinh


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1398190496.png

Bây giờ là tháng Tư, một cái tháng gợi nhiều nỗi niềm trắc ẩn cho những người Việt tha hương trên đất Mỹ và trên nhiều đất nước khác. Đặt biệt tháng Tư năm nay tâm hồn tôi bị giao động bởi vài biến cố đáng tiếc đã xảy ra nơi tôi đang cư ngụ.

Những cơn ác mộng không đầu đuôi trở về trong giấc ngũ chập chờn. Tôi thức dậy rất nhiều lần trong đêm để tìm cho mình một chút nước lạnh. Nước mát làm cổ tôi bớt khô, làm êm dịu phần nào sự buồn bực trong lòng. Tôi, hình như cảm thấy xa lạ với chính mình trong những buổi đi làm về rất sớm, ngồi cô đơn trong ngôi nhà vắng lặng. Khung cảnh quen thuộc xung quanh, cái mái ấm mà tôi đã bỏ nhiều công sức để tô điểm, trau chuốt hình như cũng trở nên xa lạ và không gợi cho tôi niềm hứng thú thường ngày!

Tôi tự nhủ mình rất nhiều lần: hãy nhớ rằng mình chỉ là một người đàn bà, một người đàn bà rất yếu đuối từ tinh thần đến vật chất. Còn rất nhiều những người đàn ông xung quanh đây, hãy để cho họ đương đầu với những cơn sóng dữ của cuộc đời. Tại sao mình lại để cho sự tức tối lôi kéo mình vào những cảm giác nặng nề khó thở như thế này. Tôi bỗng thèm những giây phút bình an mà mình đã từng có. Hãy nghĩ về một điều gì đó, một người nào đó, một đôi mắt nào đó, một tình yêu muộn màng nào đó mà quên đi cái thực tế chán nản này.

Cuộc đời đã biến thành sân khấu với những vai diễn khác nhau: trung, nịnh, hèn nhác, gan lì, tráo trở hay vô tư, lãnh đạm trong một vở tuồng cải lương có đầy tình tiết hỷ, nộ, ái, ố, sầu bi. Tuồng cải lương diễn ra trong thành phố đứng thứ mười chín trên đất Mỹ, đứng thứ ba ở vùng Đông Nam, lớn nhất Tiểu Bang Tennessee và được Forbes Magazine gọi đùa là thành phố lười nhất nước vì có nhiều người dư cân, thích xem ti vi hơn bốn mươi giờ một tuần.
Memphis có nhiều người da đen và là nơi ông Martin Luther King Jr. (The leader of civil rights) đã bị bắn chết. Memphis còn là nơi an nghĩ của ca sĩ nổi tiếng Elvis Presley (The King of Rock and Roll) với ngôi biệt thự cùng chiếc phi cơ của ông mà hàng năm vẫn có nhiều người ái mộ về thăm viếng mộ phần.

Ngày đầu tiên đến Mỹ, gia đình tôi đi theo diện mồ côi (không có ai bảo trợ) được đưa đến Memphis. Tôi ở lại, vì ở đây dễ kiếm việc làm và nhà cửa rất rẻ. Memphis có nhiều người da đen nghèo sống ở vùng Downtown, Midtown, người Việt tương đối ít hơn những thành phố khác. Đa số người Việt Nam ở đây đều thành công, có công ăn việc làm và nhà cửa hẳn hoi. Sống độ vài ba năm ở Memphis, đa số người mình đều dọn về vùng phụ cận như Collierville, Arlington, Cordova, Germantown, Bartlett hay West Memphis… vì nhà cửa khang trang và an ninh hơn. Tôi sống ở vùng Berryhill thuộc Cordova, chỉ cách xa Midtown độ gần hai mươi dặm và luôn xem Memphis là Hometown. Memphis là quê hương thứ hai sau thành phố quê hương Dalat mà tôi đã phải ngậm ngùi từ giã hơn hai mươi mấy năm trước.

Tôi nghĩ rằng trong tương lai nếu có cơ hội tôi sẽ viết về Memphis, thành phố với khu Dowtown trống vắng ban ngày nhưng rất sôi động những tối cuối tuần với Beale Street( The heart of Memphis Music and Entertainment) và giòng sông Mississippi lặng lờ chảy ngang. Lần đầu tiên nhìn giòng sông Mississippi xa lạ, nước mắt tôi tuôn tràn vì tủi thân, vì thương cho kiếp tha hương của mình. Tôi còn nhớ bốn câu thơ mà mình đã cảm tác bên giòng Mississippi. Thơ không hay nhưng đã nói lên niềm xúc động khôn cùng của tôi lúc đó:

Khi tôi đến cả đất trời xa lạ
Giòng sông người không vọng một âm xưa
Hàng cây khô đứng chết tự bao giờ
Đường phố lạnh tìm đâu lời thăm hỏi …

Cái cảm giác ngậm ngùi, cô đơn khi đi trong một thành phố lạ làm trái tim tôi se thắt lại. Nếu bạn đến nước Mỹ, được đến những nơi có nhiều người Việt như những thành phố ở California hay Texas, hoặc Atlanta, Seattle, Washington D.C…thì bạn thật là may mắn, bạn sẽ không bị cái cảm giác cô đơn đè nặng trong tim như tôi ngày ấy.

Và cũng cái cảm giác đau đớn, tủi thân khi đi giữa thành phố quê hương Dalat trong những ngày sau Tháng Tư Bảy Mươi Lăm của mấy chục năm trước bỗng trở về với tôi trong những ngày tháng này. Thành phố vắng lặng, trống trơn, chết điếng vì những người đã chạy thoát, những ngưòi bị bắt bỏ tù, những người còn lại đói rách, lầm than, đời sống thay đổi một cách dị dạng khó hiểu. Những khuôn mặt lạ hoắt với những cách ứng xử, ngôn từ lạ lùng. Chúng tôi đã vô cùng cô đơn, vô cùng đau đớn tủi nhục và bị bạc đãi, hành hạ, lạc loài trên chính quê hương của mình. Nỗi thống khổ không có đủ ngôn từ để diễn đạt. Mọi người chỉ biết nhìn nhau để bắt gặp niềm uất hận, đắng cay ngút trời đè nặng trong trái tim của mình.

Mọi người đã ra đi, rồi có dịp tái ngộ, để ôn lại với nhau những kỷ niệm đau buồn, nhức nhối thuở xưa mà người ta không biết vùi lấp nơi nào trong vùng ký ức để vơi bớt đau thương, để cho đời sống dễ dàng hơn. Gần bốn mươi năm rồi mà cứ tưởng như hôm qua, chỉ cần đến Tháng Tư Đen những người dân miền Nam nói riêng và của cả dân Tộc Việt Nam nói chung lại đối diện với nỗi đau ngày cũ. Vết thương trong lòng như không bao giờ lành được.

Tháng Tư, tôi đọc được nhiều bài viết hay từ bạn bè gởi đến, nhiều bút ký đầy nước mắt, những cuộc đời vẫn còn ngút tràn uất hận, nhiều tâm sự chứa bao nhiêu đắng cay, muộn phiền, thống khổ. Và cũng trong tháng Tư này, thành phố Memphis nơi tôi đang ở, cái thành phố khá lớn trên nước Mỹ nhưng có ít người Việt này đã có những sự kiện xảy ra vô cùng khó hiểu!

Mấy chục năm qua, người Việt trong thành phố đang sống yên lành bỗng xuất hiện nhiều quyển lịch tháng có ghi chú ngày Ba Mươi Tháng Tư (30 tháng 4) là ngày Giải Phóng Miền Nam và ngày Hai Tháng Chín (2 tháng 9) là ngày Quốc Khánh. Oái oăm thay Quyển lịch lại phát hành từ một Tu Viện Phật Giáo để tặng cho các đạo hữu. Tu viện rất khang trang, có nhiều đạo hữu, các thầy đều trẻ trung từ Việt Nam qua.

Cộng Đồng người Việt phản đối, Tu Viện trả lời bằng sự im lặng. Cộng đồng làm dữ, gởi thư và dán báo cáo tẩy chay quyển lịch có ngôn ngữ tuyên truyền cho Cộng Sản. Tu Viện cho biết đó là lỗi của nhà in bên Việt Nam mà các thầy vì sơ ý nên không thấy. Tu viện nói có bôi xóa một số lịch rồi, nhưng thật ra bôi xóa sau khi đã phát hành rồi thì khó có thể thanh minh được. Thầy tiếc một lời xin lỗi nên cộng đồng nhao nhao như bầy ong vỡ tổ.

Đạo hữu lại xúi thầy thuê Luật Sư đi kiện cộng đồng vì tội chụp mũ, vu khống, làm mất danh dự Tu Viện. Mà đạo hữu của các thầy cũng có ai xa lạ đâu, cũng là đồng bào mình, cũng là những người đã từng là thuyền nhân, cũng những người đã từng bị Cộng Sản bắt đi tù, bỏ đói, đối xử bất công nên phải tìm đường mà chạy. Tam lục thập kế tẩu vi thượng sách.

Những quyển lịch sờ sờ ở đâu đó, nó làm gai mắt mấy ông nhà binh đã có thời chiến đấu cho nền tự do của Miền Nam và đã từng điêu đứng vì bị lừa vào các trại lao động cải tạo cho bọn họ hành hạ thừa sống, thiếu chết. Cộng Đồng thành phố nhỏ nghèo xơ, nghèo xác. Hội Cựu Chiến Sĩ là những người lính già tóc bạc gió sương, vừa lo đi làm, vừa phải lo việc thuê Luật Sư chống lại đối phương nếu bị đưa ra tòa. Tức quá nên nhịn không được, chứ thật lòng cũng chẳng ai muốn động đến các Thầy làm chi. Ai cũng biết vấn đề tôn giáo rất tế nhị, dễ bị đụng chạm. Họ chỉ muốn thầy nói lời xin lỗi.

Có người lý luận nếu quả thật các thầy có lỗi thì có tội với Phật, sao bắt thầy phải xin lỗi chúng sinh. Còn chúng ta phải kính trọng chiếc áo nhà sư, nếu phỉ báng sẽ sa vào Đại A Tỳ địa ngục.
Đồng bào có kẻ bàn rằng đã là Thầy sao lại đi kiện. Giáo lý từ bi, hỷ xả của Đức Thích Ca muôn đời vẫn còn ngời sáng trong lòng nhân thế, điều đó có lẽ các thầy hiểu rõ hơn ai cả.
Rồi cũng có kẻ nói: họ quên rằng Đức Phật há đã từng khuyên chúng sanh hãy tự thắp đuốc mà đi, hãy làm theo lương tâm mình và phải có con mắt sáng suốt để phân biệt đâu đúng, đâu sai.
Có người lại góp ý: Trời ơi, có ăn nhằm gì vài trăm quyển lịch đặt in ở Việt Nam mà xé cho to chuyện, họ đòi giải phóng ai thì kệ họ. Mình ở đây rồi, mình ở trên nước Mỹ rồi thì làm gì được nhau. Thách đó! Làm gì được nhau!

Người đáp lại: Không làm gì được nhau à? Thì phá cho vui có được không? Quậy cho tan tành có được không? Quyển lịch khiến Chủ Tịch Cộng Đồng (bấy lâu nay là người khỏe mạnh, năng nỗ, vui tính) bỗng xin từ chức vì cớ đã già yếu, công việc đa đoan. Vài ba người trước đây là hội viên thường trực của các hội đoàn bỗng trở thành người nhái (lặn luôn). Cũng có anh sợ vợ rầy nên lấy cớ bận cộng việc nhà quá nên từ đây không tham dự hội họp (tưởng vui vẻ với nhau thì bà xã cho đi đến với cộng đồng, nay có việc kiện cáo, quốc gia đại sự thì bà xã cho cấm trại). Đôi ba người vừa đứng bên này, vừa đứng bên kia chờ ai thắng thì chạy theo. Như hồi Ba Mươi Tháng Tư lâu lắm rồi đó, có mấy anh chị cầm cờ hoan hô, đả đảo được đồng bào ta ưu ái tặng cho hỗn danh là Cách Mạng Ba Mươi! Cũng khối anh chị giữ im lặng vì im lặng muôn đời vẫn là vàng mà!

Câu chuyện kéo theo mấy ông Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tình nguyện tham dự. Các ông đã quá chán cô đào Jane Fonda đâm sau lưng chiến sĩ nay lại được phen ngạc nhiên vì người Việt Nam ta. Trời ơi! Sống với Việt Cộng bao nhiêu năm chưa đủ sao mà giờ đây còn có kẻ bênh vực ngôn ngữ của họ. Ủa, thích Việt Cộng sao không về Việt Nam mà ở, sao lại ở trên đất nước của chúng tôi là cớ làm sao!

Biết trả lời sao đây, người Việt Nam tôi có lắm người vậy đó, tôi là người Việt Nam tôi còn không hiểu được đồng bào tôi. Ông là người Mỹ làm sao ông hiểu được. Triết lý sống của người Việt Nam nằm trong hai chữ dùng dằng:

- Dùng dằng nửa ở, nửa đi!
- Dùng dằng nửa thương, nửa ghét!
- Dùng dằng nửa nói, nửa không!
- Dùng dằng nửa về, nửa đến!
- Dùng dằng nửa bỏ, nửa ôm!
- Dùng dằng nửa muốn, nửa thôi!

Vân vân và vân vân. Bởi dùng dằng nên thiếu gì bà bị chồng đánh, chồng chửi tối ngày mà vẫn không dám ra tòa ly dị. Nhiều ông có vợ dữ như sư tử, hỗn như gấu mà vẫn chưa bao giờ dám nói lời giã biệt. Dùng dằng nên đã nếm mùi Xã Hội Chủ Nghĩa, đã biết thế nào là đắng cay mà cũng rình rình chạy về xem xã hội đổi mới như thế nào.

Vậy đó! Không biết nghe có mấy ông Cựu Chiến Binh Mỹ dính vào các đạo hữu và Thầy có ngưng vụ kiện không đây, chuyện đó chỉ có tương lai mới trả lời được mà thôi. Đất bằng nổi sóng, một thành phố không đông người Việt chưa hẳn là không có gì xảy ra, thế mới biết ít người chưa hẳn là ít chuyện.

Tháng Tư, ngậm ngùi nhớ về dĩ vãng. Những vết thương xưa chưa lành nay lại có người cào cấu thêm ra. Với tôi, tháng Tư năm nay là tháng Tư cười ra nước mắt, tháng Tư để anh em nhận diện nhau thêm một lần nữa. Tháng Tư có những người còn cố giữ cho mình một chút gì đó, tạm gọi là chút nghĩa khí, chút lòng trung thành, chút liêm sĩ, chút công chính. Và tháng Tư cũng có nhiều người an phận với cuộc đời hiện tại: áo ấm, nhà to, lên xe, xuống phố, vật chất dư thừa, họ cho phép mình đứng ngoài mà nhìn vào sự việc một cách lãnh đạm, vô tư. Và tháng Tư cũng có những người bôi mặt chống phá anh em, bênh vực những sự vô tình hay cố ý dùng mũi dao ngôn ngữ khuấy mạnh vào nỗi đau của hàng triệu người đã phải bỏ quê hương ra đi bằng cách này hay cách khác. Còn những người đã chết cho tự do, chết trong chiến tranh, chết ngoài biển khơi, chết trong nhà tù, chết oan khiên tức tưởi. Linh hồn họ có được an vui, siêu thoát không khi cái ác vẫn còn tồn tại đâu đó, khi mọi người vẫn chưa phân biệt thế nào là thiện, thế nào là ác!

Nước Mỹ đã dạy tôi hai điều giản dị, rất giản dị mà chứa chất cả một triết lý sống tuyệt vời của con người. Tôi yêu nước Mỹ vì trong những ngôn từ vô cùng nhẹ nhàng, đơn sơ đã nói lên được một lối sống văn minh, nhân ái, tràn đầy tình thương và hòa bình. Hai điều giản dị đó là:

- Hãy biết nói lời cảm ơn (Thank you!) khi đón nhận một điều gì nơi tha nhân.
- Hãy biết nói lời xin lỗi (I am sorry!) khi vô tình hay cố ý gây tổn hại cho kẻ khác.

Hàng ngày, khi làm việc part time ở một trường Tiểu Học vùng Collierville (Vicinity of Memphis), tôi luôn nghe các cô giáo dạy những đứa học trò bốn năm tuổi phải biết nói cảm ơn khi được nhận, phải biết xin lỗi khi chúng vô tình hay cố ý làm phiền người khác. Nền Văn Minh Mỹ Quốc đã bắt đầu từ những đứa bé lần đầu tiên bước vào lớp Mẫu Giáo.

Ba mươi chín năm đã trôi qua, nhà nước Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ biết xin lỗi về những lầm lỗi họ đã làm, những oan khiên, đau khổ họ đã mang đến cho dân tộc Việt Nam. Họ chỉ biết nói quanh co, lý luận vu vơ, loại lý luận một chiều mà khó có người bình thường nào chấp nhận được.

Tháng Tư người Việt lưu vong nhận diện nhau trong bẽ bàng chua xót vì không biết phân biệt ai là thù, ai là bạn. Sau gần bốn mươi năm qua, bốn chữ Giải Phóng Miền Nam vẫn đạp gió, tung mây đáp xuống Memphis và len lỏi trong cộng đồng. Tất cả bỗng rối tung lên như mớ tơ vò! Vô tình hay cố ý. Mà dù vô tình hay cố ý một lời xin lỗi thôi cũng đem lại an lành cho mọi người. Đâu có cảnh: gà nhà lại một phen bôi mặt đá nhau! Anh em nhìn nhau thù hận.

Các bạn bè tôi hỏi: Sao tháng Tư về mà im lặng vậy, không có gì để viết hay sao? Bao nhiêu lần tôi định viết về câu chuyện quyển lịch ở thành phố này nhưng lại do dự, tự hỏi lại mình là có nên hay không? Vì viết ra biết đâu lại bị hiểu lầm, lại sinh ra ngộ nhận. Tuy nhiên nếu không viết thì thấy lòng cũng chẳng an nhiên.

Dù không phải là một Phật Tử thuần thục nhưng giáo lý từ bi, nhiệm mầu của Đức Thích Ca cũng ảnh hưởng khá nhiều trong lối sống và cách hành xử của tôi. Cảm động sao câu chuyện của một vị Hoàng Tử cao sang, chối bỏ cung vàng, điện ngọc đi vào nơi gió bụi, nghèo nàn để tìm chân lý hầu giải thoát chúng sinh. Vì ngài biết rằng tiền tài, danh vọng nơi thế gian là những trói buộc ngăn cản con đường tu học. Nếu ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa xin vua cha xây cho ngài một ngôi chùa thật lớn, thật đẹp trong vườn thượng uyển để tu học thì chắc Phụ Hoàng cũng không từ chối. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra thì chắc chắn rằng sẽ chẳng có một đấng Như Lai để chúng ta chiêm bái như ngày nay.

Tháng Tư Đen đang trở về với đồng bào tôi, một dân tộc chịu quá nhiều hệ lụy, bất hạnh trong những cuộc chiến tranh vừa qua. Vết thương tháng Tư vẫn còn hành hạ những con người đang sống sót sau cơn sóng dữ của cuộc đời. Và sau tháng Tư, lại là mùa Phật Đản, mùa của thương yêu, an lạc trong lòng mỗi chúng sinh. Những cái ác không bao giờ có chỗ đứng trong giáo lý từ bi của Phật Giáo.
Cuối cùng thì tôi cũng đã viết. Câu chuyện tôi viết ra chắc cùng chẳng có gì mới lạ hay hấp dẫn nhưng tôi đã thuật lại những gì đã xảy ra ở nơi tôi đang cư ngụ. Một thành phố trên đất Mỹ với những đồng bào của tôi, với những vui buồn của kiếp sống tha hương, trong cộng đồng người Việt Tị Nạn cộng sản mà tôi là một thành viên. Tôi viết như một sự đóng góp nhỏ nhoi cho tháng Tư Đen. Vì giản dị tôi là một người Việt Nam và biết đau với cơn đau của đồng bào tôi . /.

Mimosa Phương Vinh