PDA

View Full Version : Sơn Tù Trưởng



Longhai
04-16-2014, 01:40 AM
Sơn Tù Trưởng


Phạm Văn Phú


Thân tặng bạn Trần Kim Sơn để hồi tưởng lại những chuỗi ngày còn một chút gì để nhớ.


Lời Mở Đầu


Đã 7 giờ tối. Ngoài trời lất phất mưa nhưng trên đường phố thiên hạ vẫn nườm nượp qua lại. Xe đạp, xích lô, gắn máy đủ loại chen nhau lượn lách tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp. Dưới hàng hiên một quán cà phê gần chợ Phú Nhuận, tôi ngồi lặng yên lắng nghe tâm sự của Sơn, người bạn thuở cùng chung Đại đội thụ huấn Quân sự tại các Quân trường Quang Trung, Thủ Đức, và chung Phi trường Biên Hòa, nơi mỗi khi có dịp lên đài Không lưu Spartan tôi thường được nghe giọng rặt miền Nam của anh và các Chiến hữu thuộc phi đoàn UH-1 Lôi Điểu 223 vang vang trên tần số. Từ dạo gặp Sơn lần cuối vào giữa tháng tư năm 1975, thế gian đã trải qua nhiều biến đổi. Tháng 10 năm 1975, Sơn đi tù gần tròn một con giáp tại các trại tập trung cải tạo khắp hai miền Nam Bắc. Xuất trại, lang thang bán vé số dạo; và giờ đây bạn cũ gặp nhau, tâm sự trùng trùng. Sơn bộc bạch niềm riêng, kể rõ ngọn nguồn từ thuở còn thơ; tôi trân trọng lắng nghe, ngược bước thời gian trở về thuở bạn mình còn tấm bé...

Phú Nhuận, ngày 20 tháng 7, năm 1991

Thời Thơ Ấu

Mùa thu năm 1948, tại làng Thái Bình, xã Thái Hiệp Thạnh, nơi thành lập Thị xã Tây Ninh, bé Sơn cất tiếng khóc chào đời. Lúc bấy giờ địa thế xung quanh Thị xã vẫn còn chi chít những rạch, suối, bàu, bưng, trảng, và thú dữ như cọp, beo rừng thường xuất hiện. Trong giai đoạn này, hay xảy ra những cuộc tàn sát do Việt Minh thuộc phe Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế gây ra đối với các Tín hữu thuộc các Tôn giáo như Cao Đài và Thiên Chúa. Bà con lối xóm cho biết, các Tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo luôn bị Việt Minh với Chủ nghĩa duy vật Vô thần cho là sản phẩm của Thực dân du nhập vào cần phải loại trừ.

Năm 1953, khi Sơn bắt đầu ê a học đánh vần, công trình kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh, niềm vui và tự hào chung của toàn thể Tín hữu đạo Cao Đài, được hoàn tất sau hơn hai thập niên xây dựng. Những năm tiếp theo, làn sóng hàng triệu người ồ ạt di cư từ miền Bắc vào phiêu dạt khắp nơi trên mảnh đất miền Nam kể cả Tây Ninh. Đầu óc non nớt của Sơn lúc bấy giờ nào hiểu được tại sao họ lại bỏ nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của mình để bôn ba lập nghiệp, vì lẽ đối với Sơn không nơi nào quý và đẹp hơn nơi mình sinh ra cả. Qua giải thích của cô bác lớn tuổi và của chính đồng bào di cư, họ chạy vào Nam để lánh nạn Cộng sản vì chính sách Cải Cách Ruộng Đất bắt đầu từ năm 1953 của Đảng cầm quyền miền Bắc đã làm họ kinh hoàng. Hàng trăm ngàn người đã bị đấu tố kết tội là Việt gian, địa chủ, cường hào ác bá. Bà con ruột thịt của họ bị buộc phải chứng kiến hoặc phải tham gia tố khổ người thân của mình đến chết. Một số cô bác lên tiếng cho rằng chính sách này rập khuôn từ chủ trương của bọn Tàu Cộng. Trong giai đoạn Đảng và nhà nước Cộng sản còn non trẻ, việc thực hiện cái gọi là "Tước của trọc phú chia đều cho Bần cố nông" chỉ là cái cớ để Đảng này dễ dàng củng cố chế độ độc tài thu gom của cải vật chất vào trong tay mình.

Mặc cho thế sự nổi trôi, tuổi thơ của Sơn xuôi êm đềm dưới sự cưng chiều của ba má. Trong cách xưng hô, ba thường gọi đùa Sơn là “Ngài” vì chỉ có “Ngài” mới muốn gì được nấy. Càng được nuông chiều, Sơn càng gắn bó với người thân và bản quán. Ngoài thời gian đi học, suốt ngày Sơn quanh quẩn trong khu đất và căn nhà ngói ba gian một chái do ba má dày công tạo dựng. Sơn thuộc từng ngõ ngách lối đi, cách trang trí nội và ngoại thất. Sơn nhớ từng khóm cây, bụi cỏ, giếng nước sau hè, cây me và rặng dừa ba má trồng trước nhà. Cảnh vật xa gần đối với Sơn là cả một Thiên đàng kỷ niệm. Trong ký ức Sơn thường hiện ra hình ảnh rừng núi thân quen, dáng uy nghi của thánh đường Công Giáo nơi má dắt Sơn đi xin lễ cuối tuần. Ngoài ra, Sơn cũng không thể nào quên được cảm giác lành lạnh ở đôi chân mỗi khi nắm chặt tay má bước qua Cầu Quan bắc ngang rạch Tây Ninh, một nhánh nhỏ của sông Vàm Cỏ Đông, trên đường xuôi ngược từ nhà sang phố chợ. Tuy sợ nước vì mình không biết lội nhưng Sơn vẫn thích chầm chậm bước chân, mắt ngước nhìn về hướng Đông Bắc ngắm núi Bà Đen hùng vĩ nổi bật trên nền trời xanh xám, đồng thời ngắm cảnh sông nước bồng bềnh thiên hạ giăng câu và ghe đò qua lại thật vui mắt dưới chân cầu.

Bên cạnh huyền thoại của Sơn lâm Hà bá, bầu trời mây mưa trăng sao đối với tuổi thiếu niên của Sơn là cả một kho tàng Khoa học viễn tưởng. Sơn mơ ước được cất cánh bay xa ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương. Hàng tuần, căn đúng ngày giờ ấn định của những chuyến bay Dân sự vụ đem phim ảnh tài liệu tới chiếu cho bà con Thị xã, Sơn ngong ngóng nhìn bầu trời và lắng nghe tiếng ù ù bụp bụp của chiếc máy bay kiểu tựa như L.19 từ phương xa bay tới. Thoạt nghe tiếng động cơ quen thuộc, Sơn đã ba chân bốn cẳng chạy một mạch đến sân bay phía Tây Bắc để kịp xem máy bay đáp, ngắm nhìn con chim sắt một cách mê say cho đến khi nó cất cánh rời phi đạo và bay mất hút mới lững thững cuốc bộ về nhà.

Thuở Sách Đèn

Tháng Sáu năm 1960, ba Sơn mất. Sơn càng quấn quít bên má hơn nhưng cũng chỉ vỏn vẹn đặng vài năm vì sau khi thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, Sơn phải chuyển lên Sài Gòn học Đệ Tam trường Trung học Nguyễn bá Tòng.

Cứ hai tuần một lần, trên đường về thăm nhà, lòng Sơn nôn nao khôn tả. Tới ngã 3 Mít Một, trạm tạm ngừng để thả một số khách xuống đi về nẻo Thánh Thất Cao Đài trước khi xe tiếp tục chạy vào Thị xã, Sơn muốn xuống xe chạy bộ ngay về nhà, nhưng ghìm lại được vì thấy mình không còn là cậu học trò Tiểu học bé bỏng ngày xưa nữa. Ấy vậy mà, khi về đến nhà, ban đêm Sơn vẫn rúc vào nách má ngủ như thuở còn thơ. Đã thế Sơn lại sợ ma nên mỗi lần ra cầu tiêu sau vườn cách nhà khoảng hai trăm mét vào buổi tối, má vẫn phải xách đèn dầu đi kèm và đứng chờ Sơn bên ngoài để dẫn về.

Một buổi tối lần về thăm nhà vào khoảng giữa năm Đệ Tam, trên đường ra nhà vệ sinh, Sơn thấy một đoàn Trực thăng bay là là trong tư thế sẵn sàng đáp xuống ở phía trước, tiếng cánh quạt phạch phạch vù vù, ánh đèn màu chớp tắt liên hồi trông thật mê hồn. Sơn nắm chặt tay má và thốt lời ấp ủ tận đáy lòng mình :

- Má ơi, sau này con sẽ học lái máy bay. Con hứa sẽ mua pom xá lị (táo và lê) má ưa thích cột vào dù trái sáng bay ngang nhà thả xuống cho má ăn.

Má xoa đầu Sơn rồi nói :

- Ừa, dzậy mày hãy ráng học cho giỏi đặng lái máy bay...

Từ bữa đó trở đi, Sơn chuyên tâm đèn sách. Năm 1965, Sơn học đệ Nhị trường Hưng Đạo, thi đậu Tú Tài I, nạp đơn vô Không Quân nhưng bị bác vì chưa tròn 18 tuổi. Thất vọng, quay trở về quê, gặp lúc má lâm bệnh nặng, Sơn đành gác mọi việc để lo chăm sóc má cho đến khi má mất vào ngày 4 tháng 11.

Năm 1966, Sơn lên Sài Gòn học trường Văn Học, thi đậu Tú Tài 2, rồi ghi danh học Luật niên khoá 1967 - 1968.

Trong thời gian học Quân Sự Học Đường, Sơn gặp lại Hằng, cô bạn gái quen ở Tây Ninh. Tâm đầu ý hợp, đôi bên kết thành chồng vợ. Tuy đã vào Đại học, hương lửa vui vầy, nhưng Sơn vẫn nặng niềm trăn trở vì lời hứa với má năm xưa lúc nào cũng canh cánh bên lòng...

Nhập Ngũ

Tháng bảy năm 1968, Bộ Tư Lệnh Không Quân tuyển Sĩ quan. Nhiều bạn học chung trường Luật cùng hàng ngàn Sinh viên các phân khoa Đại học khác ùn ùn nạp đơn thi tuyển vào Sĩ quan không phi hành gồm các môn Toán, Lý Hoá, luận văn Anh hoặc Pháp, còn Sơn nhất quyết chọn cuộc đời bay bổng.

Sơn nạp đơn tại cổng Phi Long và chuẩn bị thật kỹ lưỡng để vượt nan ải khám sức khoẻ vì lẽ ngoài điều kiện sơ khởi phải có bằng Tú Tài 1 trở lên, chiều cao tối thiểu 1 mét 60, cân nặng ít nhất 50 kí, các ứng viên Phi hành phải đạt tiêu chuẩn sức khoẻ thật hoàn hảo để có thể giải quyết nhanh chóng mọi tình huống trong chiến đấu, đồng thời mới bền bỉ chịu đựng được mọi áp lực khắc nghiệt khi cao độ, tốc độ, trọng lực, và vị thế bay nhào lộn thay đổi thường xuyên và bất chợt.

Kết quả thật mỹ mãn. Ngày 30 tháng 9 năm 1968, cùng trên 250 thí sinh trúng tuyển Phi hành lẫn Không phi hành Sơn chính thức lên đường Nhập ngũ với Số quân 68/601029.

Quân Trường Quang Trung

Một, Hai, Ba, Bốn.
Một, Hai, Ba, Bốn.
Một... Hai... Ba... Bốn.
Tiểu đoàn Nguyễn Huệ sống mạnh sống hùng.
Cho dù mưa nắng gió cát bão bùng...
To lên !

Rầm rập đều bước tay ôm khẩu Garant M1, Sơn cùng đội ngũ ca vang khúc hát di hành đầy ấn tượng của Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ khi từ bãi tập vượt qua cổng trại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để trở về Tiểu đoàn sau trọn ngày võ luyện thao trường. Dù toàn bộ 255 tân Khoá sinh tràn đầy nhựa sống thuộc đại đội E do Trung úy Đại Đội Trưởng Trần thế Phong chỉ huy đã mở hết âm lượng gần như gào thét nhưng Tân Khóa Sinh Quản Ca kiêm Kỷ Luật Đại Đội Trương hữu Trung vẫn luôn miệng thúc “To lên !” khi đội ngũ về gần tới cổng Tiểu đoàn.

Phía trong cổng, sừng sững trên nền cao, Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng Trần văn Hiến đằng đằng sắc mặt chờ sẵn và chỉ khoát tay cho phép vào cổng về Đại đội nghỉ ngơi sau khi xét thanh âm, nhịp đi, tư thế bồng súng và dáng Quân hành của đại đội quyện vào nhau tuyệt đẹp và khí thế.

Cứ như vậy trong 9 tuần lễ, giai đoạn 1 cơ bản Quân sự gồm di hành, thực tập tác xạ, sử dụng các loại vũ khí, bò hỏa lực v.v.. tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã hoàn tất, nhưng đã để lại trong Sơn nhiều ấn tượng thật sâu sắc. Sơn luôn nhớ nét dáng cao, nghiêm nhưng dễ mến của Đại đội trưởng Trần thế Phong, những giờ phút sinh hoạt thân mật gần gũi với các bạn đồng khoá 7/68 Không Quân, những Nickname anh em gán đặt cho nhau, những giây phút nhìn hàng cây bã đậu nhớ về gia đình, và nhất là cảm giác sung sướng tuyệt vời khi nhận tờ phép xuất trại đầu tiên về thăm Hằng vào lúc tờ mờ sáng sau khi Đại đội kết thúc công tác chà láng vách giao thông hào trong đêm.

Quân Trường Thủ Đức

Xong giai đoạn 1, đoàn xe GMC chở nhóm 7/68 KQ lên trường Bộ Binh Thủ Đức, tọa lạc trên đồi Tăng Nhơn Phú, KBC 4100, để học tiếp giai đoạn 2.

Khi đoàn xe tới nơi, một số Sĩ quan Cán bộ thuộc Tiểu Đoàn 3 Khóa Sinh và SVSQ Huynh trưởng đã chờ sẵn. Vừa xuống xe chưa kịp ổn định, đội hình dài xanh đẹp thuở Quang Trung bất thình lình bị Cán bộ ra lệnh cắt khúc đuôi sớt qua Trung đội 341 thuộc Đại đội 34 khoảng 40 anh em nhập chung với khoảng một chục Khóa sinh Cơ hữu KQ do BTLKQ gởi tới với chuỗi tên gọi vần cho dễ nhớ “Sáng, Sáng, Nam, Hùng, Dũng” “Ngọc, Quới, Tuấn, Thành, Tùng...”

Hơn 200 anh em còn lại chưa kịp định thần đã bị Huynh trưởng thét lệnh vác túi Quân trang chạy vòng vòng trước khi dừng lại trước sân Đại đội 38 do Trung úy Ninh xuân Đức làm Đại Đội Trưởng. Giây phút đầu tiên vô doanh trại cất Quân trang trước khi tiếp tục ra sân tập họp trở lại, Sơn cảm thấy tâm tư vương một nỗi buồn tựa cảnh biệt ly. Lúc này Sơn mới biết mình đã coi một số anh em bị tách qua Đại đội khác như thân thiết tự bao giờ...

Riết rồi mọi việc đều ổn định theo trật tự mới. Tất cả các tân Khóa sinh dự bị Sĩ quan bắt đầu trải qua những tuần huấn nhục không đủ thì giờ ngủ nghỉ nhằm triệt bớt tính ương ngạnh, chống đối, tùy tiện, hoặc cái tôi và tự ái cá nhân to tát ngoài đời trước kia.

Mới tờ mờ sáng, tất cả phải nhanh chóng thức dậy, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp phòng ốc, ăn sáng, tập họp điểm danh nghe nhật lệnh trước khi ra bãi học địa hình, chiến thuật. Bất kể giờ giấc, lúc nào anh em cũng có thể bị huynh trưởng phạt hít đất, nhảy xổm, hoặc dã chiến vì những lý do chẳng hạn như ăn chậm, giày dơ, đội nón lệch, đi cóm róm, đi tướng xà bát, đi tướng kênh kiệu, yểu điệu quá, nói nhỏ quá, nói to quá, cười dỡn trong hàng, ngủ gục trong lớp, lề mề, quên chào Huynh trưởng v.v...

Ngoài ra, tất cả mọi di chuyển ra bãi tập, khu Huấn luyện, nhà bàn, và trở về đều phải chạy, chạy đến mờ người vẫn phải chạy. Đã vậy, chiều về anh em vẫn phải tập họp ổn định đội ngũ, sinh hoạt học nội qui, Quân phong Quân kỷ, hát hùng ca, sau đó chuẩn bị ứng chiến ban đêm tại các tuyến phòng thủ A, B, C, hoặc D.

Hết thời gian Huấn nhục và sau lễ gắn Alpha, các Tân Khoá Sinh 7/68 chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan khoá 7/68 của trường Bộ Binh Thủ Đức. Lúc này, anh em bắt đầu thay phiên nhau thực tập điều hành Trung đội bao gồm việc đọc nhật lệnh, điểm danh, cắt công tác, và xử lý nghiêm minh kỷ luật nội bộ của Trung đội.

Tới phiên mình tập Chỉ huy, Sơn áp dụng phương thức “Thi hành trước khiếu nại sau” và “Pháp bất vị thân” đối với nhiều anh em cùng Trung đội, trong đó Sơn đặc biệt nhớ trường hợp của SVSQ Đại Diện Đại Đội Đào hiếu Thảo, cựu xướng ngôn viên Đài truyền hình băng tần số 9. Bữa đó Thảo đi công tác Đại đội nhưng không báo cáo trước cho Sơn biết nên bị Trung đội điểm danh báo cáo vắng mặt. Vừa nhác thấy bóng Thảo trở về trung đội, Sơn liền bắt Thảo trình diện và thi hành ngay hai chục cái hít đất, sau đó mới cho giải thích lý do. Cứ thế tới phiên anh em khác điều hành, Sơn chạy đằng trời cũng không khỏi nắng !

Ngoài việc nới lỏng việc tự quản, các SVSQ còn được phép gặp thân nhân vào cuối tuần. Tuy nhiên vì tình hình an ninh sau Tết Mậu Thân, Biệt Khu Thủ Đô và Tổng Cục Quân Huấn có lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho nên ngoại trừ một số rất ít trường hợp đi phép 24, 36, hoặc 48 do nhu cầu công tác hoặc lý do đặc biệt, các Sinh Viên Sĩ Quan khoá 7/68 chỉ được gặp thân nhân vào ban ngày. Những ngày Chủ nhật nếu cắm trại, anh em được gặp thân nhân ở khu tiếp tân, nếu xả trại, anh em được cấp phép về thăm gia đình với thời gian sáng đi chiều vào trình diện.

Thế rồi vào một buổi chiều thứ bảy nọ, nhìn một vài anh em đi công tác cho đại đội được cấp phép 24 giờ thênh thang ra cổng chính, Sơn nôn nao ngồi đứng không yên. Cuối cùng, Sơn đi đến quyết định tự cấp phép về thăm Hằng. Liên tiếp mấy lần tự cấp phép như vậy tính cho đến ngày mãn khoá, Sơn đều bị Chuẩn uý Tâm, Cán bộ phụ trách Trung đội tống xuống phòng giam của Phân đội Quân Cảnh 301. Từ đó trở đi, Sơn có biệt danh là “Sơn Tù Trưởng.”

Tháng 6 năm 1969, nhóm 7/68 KQ ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. Giã từ KBC 4100 ! Giã từ đồi Tăng Nhơn Phú ! Đoàn xe GMC chở anh em từ từ lăn bánh xa dần cổng chính, nhưng Sơn vẫn còn thấy thấp thoáng hàng chữ “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm” nổi bật trên nền trời....

Học Anh Ngữ Trong Nước

Sau khi rời mái Quân trường, nhóm 7/68 KQ trở về trình diện Bộ Tư Lệnh để nhận Chỉ số ngành, chờ phân phối công tác, thụ huấn chuyên môn, hoặc ra thẳng đơn vị phục vụ. Sau những giờ phút xum vầy còn sót lại là cảnh chia tay. Bồi hồi nhìn các bạn tản mát bước đi trong bộ Quân phục thẳng nếp nổi bật nền thêu Quân hiệu thiêng liêng Tổ Quốc Không Gian, tim Sơn đập mạnh trước cảnh đoàn Đại bàng ra ràng tung cánh.

Cuối Hè 1969, khi những trái điệp khô rụng đen đen trải đầy sân cỏ bùng binh khu vực gần phi trường Tân Sơn Nhất, một số anh em Không Phi Hành bắt đầu lên máy bay ra Nha Trang học Anh ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, còn Sơn cùng các bạn Phi Hành học Anh ngữ ngoại trú tại trường Sinh Ngữ Quân Đội tọa lạc trên đường Nguyễn văn Tráng ở khu vực Ngã Sáu Sài Gòn.

Thấm thoát mùa mưa qua, mùa hanh lạnh tới, Sơn mãn khóa Anh ngữ trong nước, nhập Trại Khóa Sinh (Tent City) chờ làm thủ tục lên đường Du học

Học Anh Ngữ ở Lackland

Ngày 4 tháng giêng năm 1970, Sơn sang Hoa Kỳ. Lúc máy bay đáp xuống phi trường Travis trời đã xế chiều; gió mùa đông đất Mỹ thổi từng cơn lạnh buốt. Vậy mà, sau khi được xe Bus đưa về BOQ (Bachelor Officer Quarters) nhận phòng nghỉ tạm, Sơn cùng một vài bạn đồng hành vẫn đón Taxi qua San Francisco để thưởng thức cảnh đẹp về đêm của Thành phố “Cựu Kim Sơn” lịch sử nổi tiếng này. Sáng hôm sau, Sơn tiếp tục cuộc hành trình qua San Antonio, Texas nhập học Anh ngữ tại Căn cứ Không quân Lackland.

Buổi sáng sớm đầu tiên trên đường từ phòng nghỉ tới nhà ăn trước khi vào lớp, Sơn vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy cảnh những vũng nước đọng chiều qua ven lối đi và sân cỏ nay đã đóng băng khiến Sơn thích thú. Cứ như cậu bé con, thỉnh thoảng Sơn vừa đi vừa bước xuống ven lề đạp đạp day day trên những mảng băng mỏng để nghe tiếng lạo xạo vui tai cho đến khi gặp các Học viên khác thuộc nhiều thành phần Quốc gia trên Thế giới đang đi tới mới thôi.

Sau bữa ăn sáng tại Mess Hall, Sơn vào lớp học. Qua tuần lễ kế tiếp, Sơn bắt đầu cảm thấy việc học tại trường Anh ngữ Lackland khá căng thẳng một phần vì đề thi mới tương đối khó hơn so với đề thi ở trường Sinh Ngữ Quân Đội và một phần do áp lực có thể bị gởi trả về nước nếu quá thời hạn qui định vẫn chưa đạt đủ điểm ECL (English Comprehension Level) tiêu chuẩn cho từng ngành nghề du học của mình tại Mỹ. Thế rồi miệt mài cho tới một ngày nắng ấm giữa tháng Tư, Sơn được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp Anh ngữ trước sự chứng kiến của Trung Tá Trần minh Thiện, Trưởng Phòng Sĩ Quan Liên Lạc tại Lackland.

Khóa Bay 70 - 40 - B3

Sau giai đoạn Anh ngữ, Sơn cùng với một nhóm Khóa sinh trong đó có 7/68 KQ Phan minh Nhơn qua trường bay Lục quân Fort Wolters ở Mineral Wells, Texas để học giai đoạn một cơ bản về trực thăng. Tại đây Sơn nhập Khóa bay 70-40-B3 nón trắng bao gồm 25 Khóa sinh do Trung úy Ngô thành Phụng làm Trưởng lớp.

Sau khi bầu xong Trưởng lớp, toàn khóa 70-40-B3 bước vào Chương trình huấn luyện. Ngoài những buổi học Địa huấn chung, những buổi học bay được phân định trung bình cứ mỗi IP (Instructor Pilot) phụ trách hai Khóa sinh. Vị thày Dân sự dạy bay của Sơn và bạn đồng môn Nguyễn văn Thạch là William Comi.

Ngày 23 tháng 4, Sơn chính thức học lái buổi đầu tiên trên chiếc trực thăng TH-55A mang số 6762 với tâm trạng đối nghịch hẳn với niềm háo hức hân hoan tuyệt diệu thuở học trò hằng tưởng tượng mình được cất cánh bay cao. Chiếc TH-55 trông mỏng manh nhỏ nhắn, vậy mà khi vừa ngồi vào ghế bay, Sơn thấy cả một bầu trời hoang mang lạnh toát trong tâm tưởng; tay chân đâm luống cuống vụng về. Đầu óc căng thẳng, miệng nhẩm Checklist tiền phi, mắt dán vào bảng phi cụ, tai cố lắng nghe chỉ thị, Sơn gồng cứng toàn thân, tay bám chắc kéo đẩy thật mạnh cần điều khiển phối hợp đồng bộ, nhưng con tàu vẫn cứ ngóc lên chúi xuống hoặc vẹo mình lệch hướng lúc gặp gió giật hoặc bạt mạnh ngang hông.

Đã thế, sau khi trở về Barrack, Sơn còn ngồi hàng giờ tập thao tác cho quen tay trong máy bay đồ chơi điện tử. Việc làm này tuy không tác dụng gì trong việc điều khiển máy bay thật, nhưng cũng giúp Sơn vơi bớt phần nào nỗi ám ảnh có thể bị loại ở vòng sơ khởi vì thiếu khả năng. Tuy nhiên, mọi việc đều suông sẻ. Huấn luyện viên William Comi lúc nào cũng nhỏ nhẹ trấn an khiến Sơn từ từ thư giãn sau đó mới chậm rãi chỉ dẫn từng động tác từ đơn giản đến phức tạp. Qua phong thái và cung cách lịch sự điềm đạm của người thày Dân sự này, Sơn học được nhiều điều bổ ích. Dần dà khi thao tác càng lúc càng trở nên nhuần nhuyễn, Sơn có thể cảm nhận hướng gió qua cảnh vật lay động xung quanh, đồng thời vừa chính xác điều khiển thăng bằng con tàu lúc hover định vị, nhích phải, trái, tới, lui, lên xuống, đáp đậu trên mọi địa hình ngày cũng như đêm vừa mở rộng tầm mắt thưởng thức cảnh đẹp dọc phi trình.

Ngày 14 tháng 5, Sơn được thả Solo. Một mình một tàu, Sơn đem hết khả năng sở học bay thật đúng bài bản dưới sự theo dõi chấm điểm từ phía đài quan sát của HLV William Comi và Flight Commander Donald Wolgamott. Kết quả là nét tươi cười rạng rỡ tràn ngập niềm vui khi Sơn được thày chúc mừng và gắn cánh...

Ngay sau khi Sơn và một vài Khóa sinh khác được gắn cánh solo, toàn khóa bay 70-40-B3 cùng lên xe Bus tới hồ bơi của Holiday Inn. Đến nơi, các khoá sinh vừa được gắn cánh trịnh trọng bước qua chiếc cổng hình chữ A do hai cánh quạt chính của trực thăng chập lại với nét ngang được nối bằng tấm bảng ghi hàng chữ “Các khoá sinh trực thăng lỗi lạc nhất thế giới đã bước qua dưới những cánh quạt này” (Under these rotor blades passed the finest helicopter students in the world.) Khi vào bên trong hồ, dưới sự giám sát của các Huấn luyện viên, lần lượt từng Khóa sinh trong bộ đồ bay mới gắn cánh nhảy ùm xuống nước ngụp lặn một hồi giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Tới lượt mình, Sơn vừa tìm cách lựa chỗ cạn vừa la to trước khi nhảy :

- Ê, tao không biết lội nghe tụi bay !

Ùm ! Mặt nước bắn tung. Sơn lóp ngóp, quơ quơ đập đập hai tay; anh em xúm tới dìu Sơn lên bờ. Lần này, tiếng hò reo cổ vũ của mọi người càng vang động hơn nữa vì thích thú. Nghi lễ chúc mừng truyền thống diễn ra thật đơn giản, nhưng mỗi khi hồi tưởng lại Sơn luôn cảm thấy lòng mình rộn rã...

Cách ngày mãn khoá chừng ít bữa, các khoá sinh đồng sư đã hoàn tất giai đoạn solo được Flight Commander Donald Wolgamott và IP của mình cho phép bay chung. Tiết mục “Buddy Ride” này đối với Sơn thật vui nhộn và đầy ấn tượng vì mình được bay cùng Thạch, người bạn tính tình cởi mở, dễ mến, và trên môi hầu như lúc nào cũng nở một nụ cười hồn nhiên thoải mái. Suốt dọc hành trình luân phiên đáp đậu để hoán đổi vị trí giữa hoa tiêu chính và hoa tiêu phụ trong bước đầu làm quen với việc lên kế hoạch vạch phi trình hợp đồng thực hiện trọn vẹn một chuyến bay, cả hai tha hồ đối thoại với nhau bằng tìếng Việt với những tràng cười rôm rả do sự phối hợp đôi bên thảy đểu nhịp nhàng ăn ý.

Sau này, khi có dịp sánh vai tác chiến bên nhau trên vùng trời Quân đoàn 3 ở quê nhà, chuỗi cười sảng khoái ấy giữa Thạch và Sơn vẫn được duy trì nguyên vẹn, ngoại trừ vào những giây phút then chốt cần căng đầu quyết định thật nhanh chóng và dứt khoát việc phải bắn hạ hay lao xuống bắt sống địch quân. Điển hình trong số nhiều chuyến bay chung với Thạch, Sơn nhớ nhất phi vụ Trinh sát nới rộng vòng đai tại Tiểu khu Long Khánh vào thời điểm sau Hiệp Định Paris do Thiếu Tá Trần gia Bảo cắt lệnh hành quân. Trong phi vụ này, Sơn Thạch phát hiện Việt Cộng phía dưới đang vọt chạy sắp lẩn thoát vào rừng.

Trước sự chứng kiến của Thiếu Tá Tân, trưởng phòng 3 Tiểu khu, đôi bạn hội ý thật nhanh cho phi cơ lao xuống, và Sơn lấy tư cách trưởng phi cơ đã ra lệnh cho xạ thủ đại liên Bảy bắn hạ một Cán binh Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt vừa mới kết nạp đảng...

Sau chuyến thực tập bay chung lần cuối vòng quanh phi trường trên vùng trời Mineral Wells với Thạch, Sơn từ giã IP William Comi, Flight Commander Donald Wolgamott, một số giảng viên địa huấn, và gia đình ông bà mẹ nuôi Paul và La Verne Justice để lên đường học bay giai đoạn hai bên Fort Hunter ở Savannah, Georgia, cùng các bạn khoá 70-40-B3. Rất tiếc, Trung Uý Ngô thành Phụng, vị trưởng lớp đầu tiên, vì lý do kỹ thuật phải ở lại; sau này Phụng chuyển sang ngành Navigator máy bay vận tải.

Khóa Bay 70-11

Qua tới Fort Hunter, một trường bay rộng lớn cách bờ biển Đại Tây Dương chừng 10 dặm, Sơn nhập khoá 70-11 nón đỏ học lái UH-1, loại trực thăng bán phản lực nhanh, mạnh, to và chắc chắn hơn so với chiếc TH-55 nhỏ bé bên trường bay cũ. Trên vùng trời Savannah, Sơn thích thú điều khiển càng lúc càng nhuần nhuyễn chiếc UH-1 cơ động bên cạnh vị IP dày kinh nghiệm hành quân tại chiến trường Việt Nam nhưng với cung cách ứng xử gắt nhanh như giông bão với dụng ý có lẽ ông muốn tập cho Sơn quen với chuyên thoại thực tế khi lâm trận.

Thấm thoát, thời gian học phi tác cơ bản đáp đậu trên mọi địa hình đã trôi qua cùng với các buổi thực tập bay Beacon FM Homing, Link và phi cụ IFR. Một ngày gần lễ Tạ Ơn, vài anh em xuất sắc nhất trong quá trình huấn luyện tổng hợp được nhà trường chọn học bay trực thăng Vũ trang (Gunship), còn Sơn và các anh em khác sang khu chiến thuật TAC-X ở Fort Stewart để học chuyên vụ bay Slicks bao gồm chiến thuật trực thăng vận, bay hợp đoàn, đổ bộ, tản thương, cấp cứu, thả toán, rưóc toán, chuyển quân, và mưu sinh thoát hiểm.

Sau hơn bốn tuần đóng lều trại dã chiến thực tập ở TAC-X, nhóm Sơn trở lại Fort Hunter để chuẩn bị ra trường cùng với nhóm bay Gunship. Lúc này đang nhằm dịp lễ Noel, trời trở lạnh nhiều, Sơn được gia đình ông bà mẹ nuôi Paul và La Verne Justice từ Texas qua thăm mấy bữa. Vào ngày tốt nghiệp, trong phút giây long trọng của buổi lễ, Sơn không cầm đặng xúc động khi được bà La Verne Justice gắn cánh bay với những lời chúc lành thay cho má ! Sáng hôm sau, giã biệt gia đình ông bà Paul và La Verne Justice, Sơn lên máy bay về nước...

Bốc Thăm Nhận Đơn Vị

Sau cuộc hành trình du học, Sơn và các bạn đồng khóa bay vào trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân để bốc thăm ra đơn vị. Sơn bốc trúng Vùng 1, nhưng sau đó hoán đổi với bạn Hoàng quang Trung bốc trúng Vùng 2 vì Trung có bạn gái ở Đà Nẵng còn Sơn có bạn thân khóa 7/68 KQ Võ văn Trung (Nickname là Trung già và Trung chứng chỉ) đang làm Trưởng Đoàn Quân Cảnh ở phi trường Nha Trang.

Bốc thăm xong, anh em tách nẻo lên đường thực hiện sứ mạng Bảo quốc Trấn không khắp bốn Vùng chiến thuật... Trước cảnh y như lúc các bạn 7/68 KQ chia tay nhau vào năm ngoái cũng tại bãi sân rộng trước phòng Tham Mưu Phó Huấn Luyện, Sơn lại cảm thấy lòng mình bồi hồi khôn xiết. Lúc này, Sơn mới rõ mình đã khăng khít với các bạn đồng khoá bay qua những buổi địa huấn, những giờ chờ đợi phiên bay, những chặng thực tập tại TAC-X, những lúc gần gũi sau giờ học hay dạo phố cuối tuần, và những phút hàn huyên tâm sự bàn chuyện buồn vui trong đời. Sự gắn bó này thoạt tiên tưởng chừng không đậm nét bằng thuở Quân trường Quang Trung đầy ấn tượng, nhưng về sau lại chính là động lực tạo thành tiếng thét rung chuyển tâm can thề bắt diệt quân thù bằng mọi giá khi Sơn phải chứng kiến hoặc hay tin bạn cùng đơn vị hoặc lớp bay hy sinh tại chiến trường...

Phục Vụ Tại Phi Đoàn Thần Tượng 215 Nha Trang

Trong năm đầu tiên khi ra Nha Trang phục vụ tại phi đoàn Thần Tượng 215 thuộc Không Đoàn 62 Chiến Thuật do Thiếu Tá Phạm Bính làm Phi Đoàn Trưởng, mỗi lần bay hợp đoàn tác chiến Sơn thường xuyên chứng kiến cảnh đồng đội che chắn cho nhau trước lưới lửa phòng không của địch cũng như cảnh các phi đội trực thăng anh dũng bất chấp mây giông địa hình hiểm trở lao ngay vào trận địa dưới làn mưa pháo địch để tiếp tế, tản thương, hoặc giải cứu cho bằng được từng chiến sĩ đơn vị Biệt kích, Dù, Biệt động, hoặc Địa phương Quân với lời quyết thệ “Không bỏ anh em, Không bỏ bạn bè”.

Cuối năm 1971, trong một phi vụ bốc biệt kích cùng Đại Uý trưởng phi cơ Nguyễn minh Lương tại toạ độ YV 880 gần biên giới Campuchia, Sơn trúng đạn AK xuyên đùi trái, cần lái bị gãy phải đáp khẩn cấp xuống Đức Cơ. Ngay lúc đó, hợp đoàn chiến hữu Nguyễn bá Thân, người bạn điềm đạm mẫu mực cùng khoá 7/68 KQ và lớp bay 70/11 nón đỏ tức tốc đáp xuống bốc Sơn về điều trị tại trạm xá Sư Đoàn 2 KQ và một tuần lễ sau chuyển qua Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang. Trong giây phút lâm nạn này, Sơn lệ trào vì xúc động trước sự ân cần lo lắng chăm sóc của Thân đối với mình.

Biệt Phái Pleiku

Năm 1972, sau khi xuất viện được vài tháng, Sơn cùng biệt đội của phi đoàn Thần Tượng 215 rời Nha Trang ra tăng phái Pleiku khi chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa diễn ra tại Đắc Tô, Tân Cảnh, Kontum.

Tại phi trường Cù Hanh, Sơn rất vui vì được gặp lại một số bạn cũ đồng khoá phi hành lẫn không phi hành đang phục vụ tại các Không đoàn Yểm cứ và Chiến thuật, thảy đều tất bật tập trung vào công tác yểm trợ hành quân và kháng, công, diệt địch.

Vào thời điểm này, trước mắt Sơn, chiến trận Bắc Tây Nguyên diễn biến thật ác liệt với vũ khí tối tân của cả hai khối Thế giới Tự do và Cộng sản Quốc tế càng lúc càng thể hiện rõ nét tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của các Chiến sĩ Không Quân và hợp đồng binh chủng với kết quả đoàn quân Bắc Việt xâm lược miền Nam bị thảm bại nặng nề tại Kontum.

Trong số nhiều gương Vị quốc vong thân chói ngời Quân sử của các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã góp phần tạo nên chiến thắng này, Sơn khắc tâm gương vì bá tánh của Anh hùng khu trục, Thiếu Tá Phạm văn Thặng thuộc Phi đoàn Thái Dương 530 vào một buổi chiều ngày 26 tháng 5 khi cánh phải máy bay AD-6 của anh bốc cháy vì trúng đạn phòng không nhưng anh nhất quyết không nhảy dù thoát thân trên vùng trời Kontum khi cao độ an toàn còn cho phép mà đã cố đưa máy bay ra khỏi bầu trời Thị xã mới chịu làm Crash khiến chiếc phi cơ phát nổ ngay trên mãng ruộng trống ở ngoại ô bên bờ sông Dakbla.

Trong bối cảnh bi hùng đó, một số chiến hữu cùng đơn vị Sơn cũng vĩnh viễn ra đi như Trung úy Phạm thành Rinh, Trung úy Trần văn Long, 70/40/B3 Võ Diện và 70/40/B3 Nguyễn tường Vân khiến Sơn bàng hoàng đau đớn thề quyết tâm diệt Cộng quân bằng mọi giá dù mình chỉ chuyên vụ bay Slick nên không thể cùng các Chiến hữu Gunship thiện chiến của đơn vị như Trung Uý Vĩnh Hiếu hoặc 7/68 KQ Phạm chí Thành v.v... đích thân phóng nã hàng loạt Rocket tiêu hủy từng ổ Phòng không, từng chiếc T-54, và từng đoàn xe Molotova chở bộ đội Bắc Việt vũ trang xâm lược miền Nam...

Phi Vụ Đầu Tiên Tại Sư Đoàn 3 Không Quân

Sau thời gian tăng phái Pleiku, Sơn được thuyên chuyển về phục vụ tại Phi đoàn Lôi Điểu 223 thuộc Không Đoàn 43 Chiến Thuật / Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa do Trung Tá Trần văn Luân làm Phi Đoàn Trưởng. Trong phi vụ đầu tiên tại đơn vị mới, Sơn được Trưởng Phòng Hành Quân Trần gia Bảo cắt công tác tại Tiểu khu quê nhà. Khi chiếc UH1-H bắt đầu vô tới địa phận Tây Ninh, Sơn được Đại úy Trưởng Phi Cơ Nguyễn dương Hinh trao cần lái điều khiển con tàu bay lượn nhiều vòng thả khói màu chào kính trên vùng trời Thánh địa, khu vực làng Thái Bình xã Thái Hiệp Thạnh nơi ba má Sơn ở lúc sinh tiền, và trên nóc ngôi nhà nơi Sơn sinh trưởng trước khi cùng phi hành đoàn tiếp tục phi trình công tác... Kể từ đây, cuộc đời binh nghiệp của Sơn chuyển sang một bước ngoặt thật quan trọng với quyết tâm thực hiện bằng được lời thệ quyết vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm xưa của mình.

Gắn Bó Cùng Phi Đoàn Lôi Điểu 223

Cũng như tại Phi Đoàn Thần Tượng 215, nơi đầu tiên Sơn được dịp sống cùng các chiến hữu trong tinh thần không bỏ anh em không bỏ bạn bè, tại Phi Đoàn Lôi Điểu 223 tinh thần ấy cũng chan hoà trong tất cả mọi người khiến bản thân Sơn sống với tình cảm thật gắn bó với đơn vị.

Sơn nhớ từng âm giọng, hình ảnh, cử chỉ, dáng điệu của nhiều chiến hữu trong đơn vị mà Sơn có dịp học hỏi rút tỉa kinh nghiệm từ tác phong đạo đức lẫn kỹ thuật tác chiến. Tùy mức độ gây ấn tượng nhạt nhòa hay sâu đậm qua từng nét đặc thù của họ, tất cả thảy đều chiếm một địa vị quan trọng trong lòng Sơn.

Trong số các chiến hữu ấy Sơn luôn nhớ mãi nét trầm tĩnh của Thiếu Uý Nguyễn thế Hùng, người Co-pilot từng cứu Sơn và toàn bộ phi hành đoàn tại đồn Bố Lá thuộc quận Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, Sơn đang mải mê cho con tàu bay rà thật thấp cùng Trung Tá Quận Trưởng Phan văn Hiệp khoá 17 Đà Lạt theo dõi từng lằn đạn đại liên của xạ thủ phi hành bắn hạ đám địch vây đồn văng khỏi hố cá nhân và giao thông hào thì những cụm mây Nimbus đen ngòm thình lình kéo tới khiến Sơn buộc lòng phải bay lên sa vào mây nên bị Vertigo nhất thời không định được phương hướng và độ cao thấp của con tàu. Trong giây phút thập phần nguy hiểm ấy, Hùng chụp cần lái bình tĩnh đưa con tàu ra khỏi hiểm trạng mây mù, sau đó đáp an toàn tại Bến Cát.

Chiến hữu có nét trầm tĩnh thứ hai là 70-40-B3 Lạc văn Nở, nhân vật đã từng cùng Sơn bắt sống địch quân, một hành động đã được khá nhiều hoa tiêu ngành trực thăng thực hiện bằng nhiều dạng khác nhau.

Gương Sáng Của Đàn Anh Trong Phi Đoàn Lôi Điểu 223

Ngoài sự gắn bó với các chiến hữu đồng cấp chức trở xuống, đối với cấp Chỉ huy, những vị đã từng hiển hách chiến công từ thuở Sơn vừa dứt bậc Tiểu học, Sơn không hề quên những kỷ niệm bản thân thuở ban đầu bỡ ngỡ đã được các đàn anh tận tình dìu dắt hướng dẫn từng bước những kỹ thuật tác chiến chưa từng được cập nhật trong binh pháp mà Sơn đã được học.

Trong số các đàn anh ấy, Sơn luôn khắc tấm gương sáng của Trưởng Phòng Hành Quân Trần gia Bảo qua cung cách cư xử thật nhẹ nhàng uyển chuyển đối với đàn em. Không những vậy, trong các cuộc hành quân lớn nhỏ, Thiếu Tá Bảo đều tiên phong không hề chịu để đàn em lâm vòng nguy khổn. Những hành động ấy của Thiếu tá Bảo đã được thể hiện điển hình trong các phi vụ thường xuyên tản thương tiếp tế cho căn cứ Tống Lê Chân tọa lạc tại Biên giới giữa hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh do Thiếu Tá Lê văn Ngôn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên phòng Chỉ huy, trấn giữ và tử thủ trước sự vây hãm bởi hàng Sư đoàn Cộng quân kể từ tháng 5/1972.

Thế rồi, vào một ngày trung tuần tháng 8 năm 1973, trong một phi vụ do Trung úy Lâm Quẩn và Thiếu úy Trần hồng Minh thực hiện, chiếc UH1-H của họ bị trúng đạn phòng không, Quẩn bị thương và toàn bộ phi hành đoàn bị kẹt lại tại căn cứ. Tức tốc, toàn bộ thành viên các cấp trong Phi đoàn Lôi Điểu 223 được triệu tập để bàn đối sách trước thực trạng căn cứ Tống Lê Chân đang bị địch thắt chặt vòng vây và đan lưới lửa phòng không. Tinh thần xung phong lúc bấy giờ của mọi người dâng rất cao; tuy nhiên, Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Trần văn Luân đã hết sức đắn đo trong việc chọn nhân tuyển thích hợp vì lẽ công tác này đòi hỏi đối tượng xung phong cần hội đủ một số điều kiện tối thiểu như độc thân, dũng cảm, lái giỏi, giàu kinh nghiệm nghi binh trong tác chiến, thành công nhiều lần trong việc giải cứu đồng đội, và dày kinh nghiệm đáp tại Căn cứ Tống Lê Chân.

Đang lúc việc ưu tiên đề cử nhân tuyển trong số các Phi Đội Trưởng và Phi Đội Phó hội đủ điều kiện còn chưa ngã ngũ thì Thiếu Tá Bảo nhất quyết tình nguyện xung phong với lý do ngoài việc giải cứu đàn em, công tác này còn nhằm mục đích khích lệ tinh thần và nâng cao sĩ khí của mấy trăm chiến sĩ Biệt Động Quân Biên Phòng đang tử thủ tại Căn cứ Tống Lê Chân dưới sự Chỉ huy của Thiếu Tá Lê văn Ngôn, người bạn cùng khoá 21 Đà Lạt với mình. Sau buổi họp, ngay khuya hôm ấy, rời BCH hợp đoàn ứng chiến tại An Lộc, Thiếu tá Bảo cùng Co-pilot Thái ngọc Thành và cơ phi xạ thủ đã lên đường xuyên đột vòng vây địch với kết quả thành công mỹ mãn trong công tác tiếp tế Quân y dược, bốc tản thương bệnh binh cùng phi hành đoàn Minh-Quẩn, đồng thời đích thân trao cặp lon vinh thăng Trung Tá đặc cách mặt trận vừa mới nhận được từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho Tiểu Đoàn Trưởng Lê văn Ngôn. Hình ảnh và sự kiện đôi bạn anh hùng gặp nhau nơi chiến địa, một bên mang nặng tinh thần Không bỏ anh em Không bỏ bạn bè của Binh chủng Không Quân và một bên nêu cao tinh thần quyết chiến vì uy tín và danh dự chung của toàn Binh chủng Mũ nâu Biệt Động Quân, từ đó trở đi đã trở thành giai thoại truyền tụng rộng rãi trong toàn Quân Binh chủng...

Những Cuộc Hội Ngộ Kỳ Thú

Cuối năm 1972, sau khi hoàn tất khóa Huấn luyện Trưởng Phi Cơ, Sơn hăng say lao vào các cuộc hành quân yểm trợ Sư Đoàn 5, 18, 25 Bộ Binh, và các công tác biệt phái tại Tiểu khu Phước Tuy, Bình Tuy, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa, Hậu Nghĩa, Biên Hòa, Gia Định v.v... nên có dịp gặp lại nhiều bạn bè thân thiết thuở học trò đang phục vụ tại các Binh chủng bạn.

Ngoài ra, Sơn cũng gặp lại một số Cán bộ Quân trường chuyển sang tác chiến, trong đó thú vị nhất là việc tương ngộ cùng hai vị Niên trưởng hằng gây ấn tượng đẹp thuở đầu đời Quân ngũ của mình. Vị Niên trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Tham Mưu Phó Hành Quân Liên Đoàn Phòng Vệ Trần thế Phong, nguyên Đại Đội Trưởng khóa sinh thuộc Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ, mà Sơn có cơ hội thường xuyên sinh hoạt thắt chặt tình anh em sau những chuyến bay thị sát bảo vệ khu vực phi trường và vòng đai Tiểu khu Biên Hòa.

Vị thứ hai là Niên trưởng Trần văn Hiến, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Khóa Sinh Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ mà Sơn tình cờ gặp lại trên đường công tác biệt phái tại Tiểu khu Gia Định. Bữa đó khi bay ngang khu Rạch Cát, Sơn phát hiện dấu vết địch quân bên dưới bèn liên lạc xin gặp bộ Chỉ huy Tiểu Đoàn 382 Địa Phương Quân trú đóng ở gần cầu Ông Thìn nên được biết vị Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng chính là Niên trưởng Hiến. Sau phút tay bắt mặt mừng cho cuộc tương ngộ kỳ thú đầy kỷ niệm thuở Quân trường, Niên trưởng Hiến tức tốc xách khẩu M 79 cùng Đại úy Trưởng Ban 3 và Sơn lên tàu bay thị sát việc triển khai lục soát hiện trường nghi điểm với kết quả phát hiện được một vài địa điểm ẩn nấp, một bè nổi vượt sông làm bằng can nhựa loại 20 lít, một khẩu AK và một số tài liệu quan trọng của địch. Việc tương ngộ hôm ấy tuy chỉ vỏn vẹn một lần ngắn ngủi nhưng mãi lưu lại trong Sơn nét uy dũng của vị Niên trưởng mà một thời gian sau đó đã lên giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng sau chiến dịch hành quân vào mật khu Lý văn Mạnh. Không những thế, vùng trời Rạch Cát nơi cùng Niên trưởng Hiến bay thị sát cũng trở thành một ấn tích khó quên bởi lẽ chỉ hai tháng sau cũng tại địa điểm này vào ngày 23 tháng 3, Sơn và phi hành đoàn đã phát hiện bắt sống được một Cán bộ Việt Cộng từ phía xóm Củi qua.

Tóm Lược Quá Trình Phục Vụ Tại Sư Đoàn 3 Không Quân

Đối với Sơn, trong suốt thời gian phục vụ tại Sư Đoàn 3 Không Quân, ngoài những điều đã học từ binh pháp, đa số những vụ phát hiện dấu vết địch dọc phi trình hành quân Sơn đều dựa vào kinh nghiệm một phần do các đàn anh trong đơn vị truyền thụ, một phần nhờ từng chiến hữu trong phi hành đoàn, và một phần đã học được từ Đại Tá Lê văn Năm, Tỉnh Trưởng Long An.

Dựa vào những kinh nghiệm này, Sơn có thể phân biệt được những đối tượng Việt Cộng nào giả dạng dân làm ruộng rẫy qua cử chỉ, dáng điệu, cách trang phục với nếp nhăn gấp hoặc màu sắc đậm nhạt tươi bóng xỉn ố khác nhau; đồng thời nhận biết chính xác những dấu hiệu khả nghi trên mặt ruộng, kênh rạch, và trên khu rừng tràm hoặc vùng dừa nước rậm rạp tạo thành đám lá tối trời. Mỗi khi phát hiện, tiêu diệt hoặc bắt sống được địch quân, Sơn thật vui và an dạ vì đã góp phần tạo an toàn cho đơn vị mình và bạn, nhất là khi được biết những đối tượng địch đó lại là thành phần Đặc công ám sát nguy hiểm hoặc cấp cao.

Với những kinh nghiệm chiến đấu nơi vùng biển bao la và đồi núi chập chùng kết hợp cùng những điều mới học hỏi từ Chiến hữu các cấp trong và ngoài Binh chủng trên vùng đồng ruộng rừng chồi dừa nước lau sậy rậm rạp kênh lạch sông ngòi chằng chịt, Sơn lập nhiều chiến công trong công tác yểm trợ các đơn vị bạn, đồng thời bản thân luôn rèn luyện với tinh thần Tự thắng để Chỉ huy không hề vi phạm Quân phong Quân kỷ. Từ tháng 8/72 đến cuối 1973, Sơn nhận lãnh 11 Anh Dũng Bội Tinh với kết quả được thăng cấp Đại úy đặc cách mặt trận vào năm 1974.

Trở Về Tâm Bão

Trong những đoạn hồi tưởng về Chiến trường xưa với những trận đánh ngoạn mục, có đôi lúc màn ảnh ký ức đang sống động ào ạt như phong ba bão tố bỗng trở về tâm bão phẳng lặng như tờ vì Sơn cảm thấy có một điều gì đó khiến lòng mình se thắt.

Tâm trạng này được thể hiện rõ nét nhất trong thời gian Sơn công tác biệt phái tại Tiểu khu Long An. Thông thường, sau khi chiến trường được thu dọn, Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê văn Năm luôn ra lệnh tập trung phân loại xác địch rồi đưa về trụ sở các Xã sở tại để báo cho thân nhân của họ tới nhận lãnh đưa về chôn cất. Trường hợp nếu xác địch vô thừa nhận, Đại Tá Năm cũng lệnh cho các Xã địa phương trích ngân quỹ thuê người an táng. Có đôi lần Sơn đưa Đại Tá Năm về một số trụ sở Xã địa phương nên đã chứng kiến cảnh các thân nhân mắt đầy ngấn lệ khi tới nhận xác chồng con theo Việt Cộng. Lúc ấy, dù trong tâm luôn thề sống mái, một mất một còn với Cộng quân, nhưng trước cảnh các thân nhân mắt đỏ hoe ôm xác con em theo Việt Cộng đa số tuổi chưa đầy 18, Sơn cảm thấy lòng mình bất nhẫn.

Càng bất nhẫn chi tâm, những hình ảnh tương phản lại càng hiển hiện ngập tràn trong lòng Sơn với những tiếng khóc và những vòng khăn tang của các gia đình có thân nhân theo phe Quốc Gia bị Việt Cộng đang đêm gõ cửa dẫn đi thủ tiêu mà Sơn thực tế đã từng nhiều lần ghi nhận qua những chuyến công tác biệt phái tại các Tỉnh vùng 3.

Mỗi khi nghĩ đến những hình ảnh ấy, Sơn luôn liên tưởng đến những điều ba của Sơn kể hồi Sơn còn nhỏ. Thời ba còn niên thiếu, vì không thể chấp nhận những hành động phi nhân của nhóm Việt Minh, ba của Sơn đã phải thoát chạy khỏi vùng ảnh hưởng của Việt Minh tại làng quê Thanh Điền, nơi ba vẫn luôn vương vấn rất nhiều kỷ niệm cùng bà con họ hàng thân thích, đặng sang lập nghiệp tại làng Thái Bình, xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh Tây Ninh. Chính vì vậy, sau những phút se lòng trong tâm bão, Sơn càng dứt khoát một lòng thề quyết chiến bảo vệ miền Nam.

Giai Đoạn Sau Tháng Tư 1975

Di Tản

Sau Tết Ất Mão 1975, Sơn tiếp tục lao vào các cuộc hành quân chiến thuật lẫn biệt phái tại các Tiểu khu. Lúc này, mặc dù cường độ giao tranh đôi bên vẫn diễn ra ác liệt, nhưng Sơn nhận thấy phía bạn có phần sút giảm trầm trọng về hỏa lực so với trước kia vì ngoại viện Quân sự đã bị cắt giảm nhiều trong khi quân Bắc Việt càng lúc càng được Quân viện tối đa.

Giữa tháng 4, Sơn thực hiện lần cuối phi vụ bốc toán quá tải khi chở mấy chục Chiến sĩ thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù ra khỏi rừng Phước Long đang bị Cộng quân tràn ngập.

Chiều 27 tháng 4, phi đoàn Sơn di tản về phi trường Tân Sơn Nhất, và Sơn vẫn tiếp tục phi vụ yểm trợ Sư Đoàn 18 BB giao tranh với Cộng quân tại Long Bình. Sau đợt pháo kích của Cộng quân vô phi trường Tân Sơn Nhất, Sơn bay xuống Nhà Bè.

Xế trưa ngày 29, Sơn xuống Long Xuyên đón vợ con nhưng không gặp đành bay rà theo dòng người di tản, có lúc đáp hẳn chiếc UH1-H xuống ven lộ, mắt dáo dác tìm thê tử một cách tuyệt vọng. Lúc này, ngoài phi hành đoàn bốn người ra, trên tàu còn có thêm 6 hành khách. Tất cả thảy đều dõi mắt tìm kiếm vợ con phụ Sơn nhưng chỉ hoài công. Thất vọng, đồng thời không thể chần chờ thêm nữa, đúng 5 giờ rưỡi chiều Sơn liên lạc với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ qua tần số Guard. Trực chỉ biển Đông trong tâm trạng rối bời, Sơn nhủ lòng mình chỉ tạm thời di tản mà thôi, sau đó sẽ trở lại đón vợ con.

Tuy nhiên, ngay sau khi đáp xuống một chiếc Hộ tống hạm và mọi người cùng Sơn vừa an lành bước xuống boong tàu thì chiếc UH1-H đã bị bốn Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sáp lại lật càng xô xuống biển để nhường chỗ cho các máy bay đáp khẩn cấp khác khiến Sơn bàng hoàng tiêu tan hy vọng vì phương tiện quay trở về đất liền không còn nữa...

Xế trưa ngày 30 tháng 4, ngay sau khi nghe tin Tổng Thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng và đoàn quân Bắc Việt mà Sơn luôn gọi là lũ xâm lược miền Nam đang tràn ngập Thủ Đô Sài Gòn, một ý tưởng kình chống bạo lực xen lẫn mối âu lo cho sự an nguy của vợ con lập tức bùng phát càng lúc càng xoáy ngự tâm não khiến Sơn nhất quyết bằng mọi giá phải trở về… Vài ngày sau, Sơn và đoàn người di tản được chuyển từ Hộ tống hạm sang một tàu buôn. Tàu buôn này ghé cảng Subic neo đậu mấy bữa, sau đó Sơn và mọi người lại được chuyển sang một tàu buôn khác trực chỉ đạo Guam.

Trở Về Việt Nam Bằng Tàu Việt Nam Thương Tín

Vài tháng sau, tất cả thành viên đi cùng chuyến bay UH1-H với Sơn và mấy chục ngàn người khác đã lần lượt rời đảo Guam để qua định cư tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Còn Sơn mặc dù liên lạc được với gia đình ông bà Paul và La Verne Justice ở Texas sẵn sàng bảo trợ nhưng Sơn ngày đêm chỉ mong mỏi gặp lại vợ con mà thôi. Chính vì vậy, Sơn đã cùng với một số người có thân nhân còn kẹt lại ở Việt Nam tới văn phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc xin được hồi hương. Vì vấn đề này đòi hỏi phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến Công pháp Quốc tế nhất là đối với tình hình phức tạp tại Việt Nam lúc bấy giờ, văn phòng Cao Uỷ LHQ thận trọng nghiên cứu giải quyết từng bước.

Quá sốt ruột hay vì một động cơ thúc đẩy nào khác, một vài người quá khích đã xách động bà con tụ tập biểu tình đòi hồi hương ngay lập tức bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín đang neo đậu tại đảo khiến Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc buộc phải mở văn phòng ghi danh những ai có nhu cầu, và sau đó tiến hành việc chọn thuyền trưởng lẫn việc bảo hiểm cho chiếc tàu Việt Nam Thương Tín và hành khách. Hợp đồng bảo hiểm này đã được hãng bảo hiểm Hàng hải Quốc tế Đan Mạch đứng ra nhận lãnh khi biết viên Thuyền trưởng xung phong điều khiển con tàu chính là Trung Tá Hải Quân Trần đình Trụ, người trước kia đã từng có kinh nghiệm sang đảo Guam lãnh tàu. Trước khi tàu rời đảo, đại dìện Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và viên chức đại diện Chính phủ Mỹ mời riêng từng người vào một phòng tách biệt để phỏng vấn lần chót xem họ có thật sự tự ý dứt khoát muốn quay trở về nước hay không.

Cuối cùng, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín do Trung Tá Trụ điều khiển đã rời đảo Guam trực chỉ Việt Nam mang theo hơn một ngàn sáu trăm hành khách trong đó có Sơn lòng đầy thấp thỏm lo âu không biết vợ con mệnh hệ thế nào.

Vượt Trại Tù Lần Thứ Nhất

Cuối tháng 9, tàu Việt Nam Thương Tín về tới Vũng Tàu nhưng lập tức bị áp giải ra Nha Trang.

Tại Nha Trang, sau thủ tục kiểm dịch nhập nội, mọi người quay trở về đều bị tạm giam tại một địa điểm gần cổng phi trường để Công an Cục Bảo Vệ Chính Trị tiến hành điều tra phân loại đối tượng về nước. Tại đây, Sơn tìm cách liên lạc với Thiếu Tá Hạm Trưởng khoá 16 Hải quân Nguyễn văn Phước, một chiến sĩ đàn anh thật bản lĩnh, với ý định cùng nhau thoát thân một khi tình hình biến chuyển không thuận lợi. Tuy nhiên, ngay sau đó cả hai cùng một tốp đông người trong nhóm hồi hương đã bị tống lên xe bít bùng chở tới trại giam A-20 thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy Hoà, Phú Khánh.

Tại trại A-20, trong quá trình tiếp tục chuẩn bị việc trốn trại ngoài dự kiến ban đầu chỉ có hai người, Sơn kết nạp thêm Đại úy Phi công AC-47 Nguyễn văn Hóa. Sau khi vượt trại được bốn ngày, bộ ba bị du kích phát hiện. Hoá bị bắt, còn Sơn và Phước tiếp tục băng rừng vượt núi trực chỉ hướng ngã ba biên giới. Ba bốn bữa sau vào lúc nhá nhem tối, Sơn và Phước bị Thượng cộng phát hiện bắt gò trói lại đạp nằm dưói đất rồi tập trung buôn làng tới hành tội. Lúc đầu, có hai tên Thượng cộng nói rành tiếng Việt nhào tới vừa chửi bới, đấm, đá, đạp Phước, Sơn túi bụi vừa hô hào mọi người xung quanh tiếp tay liệng đá giáng đòn, nhưng riết rồi thấy dân làng chẳng ai hưởng ứng cả nên hai tên này đành phải nhốt Phước và Sơn lại chờ áp giải về trại giam A-20.

Sau khi bị bắt trở về biệt giam tại trại A-20, cả Sơn, Phước lẫn Hóa đều bị chuyển về khám Chí Hòa. Tại đây, Sơn chính thức bị kết án tù kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1976, sau đó chuyển ra miền Bắc giam tại trại Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú trên cùng chuyến tàu với Đức Cha Nguyễn văn Thuận vào tháng 12 năm 1976. Tại trại Vĩnh Quang, tuy bị tách mỗi người một đội khác biệt, nhưng Sơn và Phước vẫn tìm cách thường xuyên liên lạc thăm hỏi động viên lẫn nhau. Vài năm sau, Thiếu tá Phước vượt trại nhưng bị bắt lại đày lên trại Cổng Trời thuộc tỉnh Hà Tuyên.

Vượt Trại Tù Lần Thứ Hai

Khoảng một tháng sau đợt học tập chính trị gọi là “Học tập đào sâu suy nghĩ nhận rõ tội lỗi của bản thân” vào năm 1979 tại Vĩnh Quang, Sơn trốn trại. Rất tiếc, sự việc không thành. Lúc Sơn bị bắt lại, viên quản giáo đã giơ cao khẩu K-54 trở ngược báng giáng mạnh vào đầu Sơn, nhưng Chính trị viên đứng gần bên đã kịp thời vừa đỡ gạt văng khẩu súng qua một bên vừa hét to :

- Xin đồng chí ngưng tay !

Sau lần trốn trại không thành ấy, Sơn bị cùm biệt giam khoảng bảy tháng trong một căn phòng ẩm thấp nhỏ hẹp; bên cạnh cùm có một thùng gỗ nhỏ để đại tiện và một ống nứa để tiểu tiện. Cứ cách khoảng ba bốn ngày Sơn mới được cai ngục mở cửa cho Sơn xách đồ phóng uế đem đi đổ một lần. Đây là một hình thức phạt mà các Cán bộ trại gọi là nhằm tạo điều kiện để Sơn “tự phản tỉnh”. Trong mấy tuần lễ biệt giam đầu tiên, ngoài những khoảnh khắc phải tự kềm hãm những cơn vật vã vì đói khát đau nhức trong môi trường chật hẹp hôi thối nóng lạnh thất thường ra, Sơn ngày đêm chỉ sống với tư tưởng đào thoát vì bản thân không hề chịu khuất phục. Mặc cho đối phương gán tội hành xác, Sơn càng khẳng định lập trường của bản thân chống lại Cộng Sản, một chủ thuyết mà Sơn cho là ngoại lai du nhập vào Việt Nam với tiền tích đấu tranh đẫm máu bằng bạo lực.

Thế rồi, sau những tuần lể đầu tiên để bản thân tự “phản tỉnh” ấy, nửa năm biệt giam còn lại Sơn cảm thấy mình như đang chịu sự thử thách của Bề Trên nên đã dốc lòng cầu nguyện với niềm tin mãnh liệt vào sự hiện hữu màu nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng…

Xuất Trại Về Trình Diện Địa Phương

Năm 1982, Sơn được chuyển trở về miền Nam giam tại trại Z-30A thuộc địa phận Gia Ray, Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Năm 1987, ngày 11 tháng 9, Sơn được phóng thích, kết thúc thời gian tù đày gần tròn một con giáp kể từ lúc bị tạm giam vào cuối tháng 9 năm 1975 để trả giá cho sự hồi hương mong gặp lại vợ con của mình.

Sau khi xuống xe tại khám Chí Hoà, các bạn đồng tù chia tay nhau. Lúc đó trời đã xế chiều, Sơn theo Trung Tá Hùng thuộc Phi đoàn khu trục Biên Hoà về nhà bà chị ở Khánh Hội.

Hôm sau, Sơn ghé Phú Lâm thăm một bạn đồng tù đuợc thả về đợt trước, rồi đón xe đò xuống thăm bé Thi đang sống với bà ngoại ở Mỹ Tho. Phút chia tay để về trình diện chịu thêm 12 tháng quản chế tại địa phương, Sơn buồn rười rượi vì người vợ sống chung thứ hai tên Nguyễn thị Bé đã mất vì mìn bẫy ngày 30 tháng 5 năm 1975 tại khu vườn nhà thuộc vùng Việt Cộng chiếm đóng để lại bé Thi lúc ấy mới có hai tuổi lớn dần trong môi trường đào tạo với hệ tư tưởng khác biệt với bố; đồng thời người vợ sống chung ban đầu tên Hằng đã cùng bé Hương qua Pháp theo diện con lai và đã lập gia đình bên đó lúc Sơn còn đang ở trại tù Vĩnh Quang...

Trên đường rời Mỹ Tho về lại mái nhà xưa tại Thị xã Tây Ninh sau mười mấy năm xa cách, mặc dù tâm sự ngổn ngang nhưng Sơn vẫn không sao nén được cảm giác nôn nao như thuở học trò ngày xưa thường đi xe đò từ Sài Gòn về Tây Ninh thăm má vào những ngày cuối tuần tại khu đất thần tiên và ngôi nhà ắp đầy kỷ niệm nơi sinh trưởng. Nhưng niềm háo hức ấy chợt vụt tắt hóa thành nỗi bàng hoàng chết lặng vì khi về tới nơi vào lúc bốn giờ chiều Sơn chỉ nhìn thấy cảnh nắng chiếu rọi xiên trên vách ba dãy phòng ốc hai tầng xa lạ vây quanh nền sân gạch rộng thênh thang.

Than ôi ! Ngôi nhà cổ kính với những tàn cây phủ bóng mát quanh năm do ba má dày công tạo dựng đã không còn nữa !!!. Khu đất và căn nhà ngói ba gian một chái này của gia đình Sơn đã bị chính quyền địa phương tịch thu, phá hủy biến thành Trường Mầm Non Một Tháng Sáu tọa lạc trên đường đổi tên từ Phan thanh Giản sang Cách Mạng Tháng Tám. Toàn bộ di tích khu nhà nay chỉ còn lại cây me chua, cụm dừa ba má trồng phía trước, và giếng nước ngọt trong sân được đào từ thuở Sơn chưa chào đời. Sau phút bàng hoàng, Sơn vô gặp cô Hiệu trưởng để tìm hiểu ngọn ngành, sau đó đi vòng quanh sân, tới giếng múc nước uống, rồi thẫn thờ bước trở ra. Thế là hết, cả đến chút kỷ niệm thuở ấu thơ, niềm an ủi cuối cùng của Sơn cũng không còn nữa ! Bất giác, bao nỗi chua xót đắng cay xen lẫn uất ức chợt ùa ập tâm tư khơi trào suối lệ khiến Sơn cứ ôm chặt lấy thân cây me đã từng một thời làm bạn với mình mà khóc ròng. Cuối cùng, không còn chỗ trú thân, Sơn phải sang một nhà quen ở lối xóm để ngủ nhờ...

Vài ngày sau Sơn đành phải tới văn phòng Công An tỉnh Tây Ninh xin giấy phép chuyển về Sài Gòn cư trú tại nhà ông anh, sau đó cầm giấy phép này trở lại trại tù Z-30A Xuân Lộc để điều chỉnh địa chỉ cư trú. Căn cứ vào giấy phép của Công An tỉnh Tây Ninh, giám thị trại Xuân Lộc bèn đánh máy dập xóa địa chỉ “B22/4 đường Phan thanh Giản, Thị xã Tây Ninh” trên Giấy Ra Trại để thay vào bằng địa chỉ mới số 211/27 Bis, đường Minh Phụng, Phường 9, Quận 6, T.P. HCM.

Trở Lại Sài Gòn

Về địa chỉ mới, Sơn bán vé số dạo, ngày ngày lang thang trên nhiều con đường vương đầy kỷ niệm thân quen nhưng mang tên xa lạ giữa lòng Thành phố Sài Gòn cũng bị đổi danh. Các đường phố chính vẫn đông đảo khách bộ hành, xe đạp, xích lô, gắn máy qua lại, duy chỉ khác xưa là có thêm nhiều Bộ đội, Công an mặc sắc phục lẫn dân ở miền Bắc vào, còn xe cộ có thêm xe hơi “cơ quan”, vô số xe đạp và xe gắn máy hiệu Trung Quốc xen lẫn xe Honda, Suzuki, Yamaha v.v... thời trước 75 hoặc được tuồn từ nghĩa địa xe ở biên giới Căm Pu Chia qua.

Đi dọc theo những căn phố cũ, lòng Sơn quặn thắt vì một số nhà quen đã bị đổi chủ, vắng bóng người xưa. Trong suốt thời gian Sơn bị tù, Thành phố Sài Gòn đã trải qua nhiều đợt đổi tiền, kiểm kê của cải tư sản, khuyến dụ lẫn áp lực đưa dân đi vùng Kinh Tế Mới khiến nhiều gia đình thuộc chế độ cũ tiếp tục vượt biên bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả. Ngoài ra, một số gia đình bạn bè thân quen có con em đi vượt biên mà Sơn gặp lại sau khi về địa chỉ mới đã thổ lộ rằng chính họ đã phải tìm đủ mọi cách chỉ để lo cho con mình tới được một xứ sở Tự do nơi mà chúng sẽ không còn bị liệt vào thành phần gia đình tư sản phản động bởi chế độ xét duyệt lý lịch của chính quyền Cộng Sản.

Hiện tại trước mắt Sơn, một thực thể xã hội mới đang được hình thành xuất phát từ giai cấp gia đình Đảng viên được hưởng đặc quyền đặc lợi nắm giữ chức vụ quyền thế. Chẳng mấy chốc, giai cấp này sẽ trở nên giàu có vượt tách hẳn tầng lớp bình dân lao động.

Chương Trình ODP

Bắt đầu từ cuối năm 1989, Sơn cảm thấy bầu không khí tại các khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Bình, Gia Định trở nên sinh động hẳn lên vì Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự gọi tắt là ODP (Orderly Departure Program) ký kết giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính quyền Hà Nội bắt đầu được thực hiện. Hàng vạn gia đình ùn ùn nộp đơn theo diện đoàn tụ, và hàng vạn gia đình cựu tù cải tạo hội đủ điều kiện tiêu chuẩn nộp đơn theo diện HO (Humanitarian Operation). Sơn cũng đã ghi danh và đang chờ đợi giấy mời phỏng vấn. Cảm giác mong đợi này thật tuyệt diệu. Sơn cảm thấy lòng mình xao động trước hình ảnh các nhóm bạn cựu tù ngày ngày bắt đầu tụ tập ở tất cả mọi nẻo đường, từ vỉa hè quán cóc cho đến những nơi tôn nghiêm như khuôn viên Phật tự, Thánh đường để hàn huyên tâm sự lẫn bàn về mọi vấn đề xoay quanh Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự. Hơn bao giờ hết, Sơn hòa nhập cùng nhóm bạn để nghe chính lòng mình đồng cảm với niềm khát vọng tự do của từng chiến hữu đã cùng nhau trải qua nhiều năm tháng tù đày mà bản thân chỉ thực sự tìm thấy niềm vui chắp cánh của riêng mình nếu may mắn được chìm vào giai mộng khi thiếp đi sau một ngày khổ sai lao động.

Trải qua bao thử thách, Sơn hiểu được bản thân mình vẫn giữ vững lập trường cố hữu thuở phơi phới ra trường vai mang cấp bậc Chuẩn úy giã từ Quân Trường với bầu nhiệt huyết trào dâng và tín niệm Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm.



Phú Nhuận, ngày 20 tháng 7, năm 1991
Phạm văn Phú