Log in

View Full Version : Tháng 3, nhớ Thanh Tâm Tuyền



chieutim
03-22-2014, 10:02 AM
(1936-2006)


<TABLE style="BACKGROUND-IMAGE: url(http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1395586001.jpg); WIDTH: 650px; HEIGHT: 390px" border=0 align=center><TBODY><TR><TD>
<MARQUEE style="WIDTH: 635px; HEIGHT: 340px" direction=up height=350 scrollAmount=1 scrollDelay=150>
<DL><FONT color=#fff5ee size=3 face="Times New Roman"><P align=right>
1.
Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi

Ðất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những dòng sông những đường cày núi nhọn
những biệt ly rạn nứt lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng

Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố đồng ruộng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh
cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng
chảy máu
tiếng kêu

2.
Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
nhìn gót giầy miệng uống tro than
nghe tiếng ca của một người không quen
của cuộc đời tình nhân

3.
Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
của anh của anh tất cả

Em gối đầu sương xuống
chuyện trò bằng bóng hình

Tôi đẹp như hình tôi
như cuộc đời
như mọi người
như chút thôi
anh yêu lấy em

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là khói sóng
đêm màu hồng

Vòng tay dĩ vãng và bát ngát
chỗ yên nghỉ cuối cùng
dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con

4.
Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đọa đày
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam




(trong tập "Liên, Đêm mặt trời tìm thấy",
Sáng Tạo xuất bản, Sài Gòn 1964)
</P></FONT></DL></MARQUEE></TD></TR></TBODY></TABLE>http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1395482167.mp3</DIV>

chieutim
03-23-2014, 03:56 PM
Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ:
Từ "Liên, Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy" đến "Thơ Ở Ðâu Xa"



http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1395589260.jpg
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)

Tôi hình dung Thanh Tâm Tuyền từ một cuốn sách cũ trong tủ sách tôi. Cuốn "Bếp lửa" mà tôi nghĩ in rất lâu, đến nay phải chừng nửa thế kỷ. Màu giấy đã ố vàng, bìa đã long và tôi đi bọc bìa cứng lại. Tôi chẳng nhớ tại sao tôi đã có cuốn sách ấy, cũng như tôi đã có cuốn "Vang Bóng Một Thời" có chữ ký của Nguyễn Tuân với câu đề tặng độc đáo "Tôi Tặng Tôi...". Và, đây chân dung thi sĩ mà tôi tưởng tượng từ những trang sách:

"... Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết. Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng "biến cải thế giới", đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng "thay đổi cuộc đời", đọc Dostoievski tìm thấy thái độ "tất cả hay không có gì hết", đọc Gide tìm thấy "đời sống thành khẩn trung thực", đọc Malraux tìm thấy hào quang của trí tuệ đối đầu với Ðịnh Mệnh,đọc Sartre tìm thấy "cuộc hiện sinh và chọn lựa" . Hắn lớn lên cùng bè bạn vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt..."

Thực ra, đó là những dòng chữ của tác giả "Bếp Lửa" viết về nhân vật Vũ Ðạo Ánh, nhưng trong cảm nhận của tôi có nét chung mang của thế hệ những người sinh trước chúng tôi một thập niên. Họ, những người trí thức lơ láo giữa ngưỡng cửa lịch sử và triết học. Họ, đứng trước những ngã ba, ngã tư và như một tình cờ, bị cuốn theo cuộc sống. Chiến tranh, càng hằn thêm nỗi ngơ ngác giữa hư không. Có những cuộc khởi hành mà trong đó, nhà văn nhà thơ đóng vai kẻ sống sót của một thời định mệnh. Họ đã gánh vác trên vai gánh nặng của thế gian...

Nhân vật trong "Bếp Lửa " ấy, cũng là một nhân vật của thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ của nỗi mê sảng quằn quại của tuổi trẻ thời chiến tranh. Thơ, bức xúc. Và, thơ nhuốm nỗi hư vô chập chờn trong ngày tháng nổi trôi theo từng biến cố thời sự :


"Trên đèo Hải Vân
Nếu nhớ quê hương
Muốn chết
Vũ Ðạo Ánh
Chiến tranh vẫn còn (đến khi nào)
Ðồn đóng sườn núi
Ngó biển không
Chiều chẳng mặt trời
Một mình rừng
Mây lõa thể
Vũ Ðạo Ánh
Ðập cụt cổ chai bia
Lấy súng bắn lên không
Ðạn chì sẽ ghim ngực tao lép
Vũ Ðạo Ánh
Chim én vẫn bay đầy đàn trên trời chiều đường phố Sài Gòn."

Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ của những ngày Sáng Tạo. Trèo lên cây bưởi hái hoa, là bài viết của những dòng về một nền thi ca mới, của nỗ lực lên đường, đã gây ra những ảnh hưởng cho một nền văn học đang thời phát triển. Thơ, mang những nỗi niềm của mênh mang hướng vọng về một quê hương đã xa nhưng cũng là đích nhắm đến của tương lai nhiều khuôn cửa mở ra cho một bình minh chữ nghĩa.

Với "Liên, Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy", thi ca đã khác với Thơ Mới ngày xưa của Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng... Thơ mở toang các cánh cửa còn đóng kín. Thơ là những xúc cảm còn hôi hổi, rạt rào. Trong chữ nghĩa có nhiệt tâm của tuổi trẻ của hăm hở kiếm tìm từ những chân trời xa. Và, là nối tiếp của những bàn tay, kéo lôi băng băng theo dòng đời rẽ theo những ngõ ngách lịch sử nhiều bất ngờ biến dịch.

Thơ cho một biến cố chính trị có lẽ ít sống lâu trong tâm trí độc giả yêu thơ. Thế mà, bài thơ về một thời sự như thế của Thanh Tâm Tuyền lại vẫn được nhắc đến như một mốc dấu của một thời thi ca:


"Hãy cho anh khóc bằng mắt em.
Những cuộc tình duyên Budapest.
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho em run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giơí
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi..."

Tôi tẩn mẩn đọc đi đọc lại bài thơ này để chiêm nghiệm những tìm kiếm cho một bài thơ hay. Cũng là những điệp khúc, cũng là những liên tưởng, dù viết như một hành động biểu dương chính nghĩa nhưng vẫn có âm hưởng của một bản tình ca. Ngôn ngữ bình dị, nhưng trong phong cách có một nỗ lực làm cho khác đi những bến sông xưa nếu không nói là làm mới những xúc cảm cũ.

Một bài thơ khác, "Dạ Khúc", chẳng hạn. Những hình ảnh đã khác với những tượng hình ước lệ xa xưa. Có những biểu tượng của thành thị, của những góc cạnh của chân trời tây phương xa xôi cùng với những hình bóng của kỷ niệm, của những điều tưởng thật xa nhưng lại gũi gần trong cuộc sống. Thành phố ấy, kéo dài ra những phương hướng xa, những góc cạnh mới. Thiên nhiên, cảnh vật, khoác bộ áo tân kỳ, không phải để tươi màu hơn mà đề chuyên chở theo những nỗi niềm, những dàn trải cho cuộc sống vẫn nhịp dồn dã ngoài kia ...


"Anh sợ những cột đèn đổ xuống.
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa.
Ði đi chúng ta tới công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng..."

Không cần phân biệt là thơ để đọc hay thơ để ngâm. Cũng như không cần phải cái tâm phân biệt của người thưởng thức thơ của ngày xưa và bây giờ. Không cần những cái rườm rà hiện đại hay không hiện đại, thơ viết từ nửa thế kỷ trước vẫn tạo được những liên tưởng cho người đọc thơ. Tôi thực tình khá ngỡ ngàng trước những thơ ô vuông hay cánh én, hoặc những lên hàng xuống hàng mà có người cho rằng nếu thiếu hoặc sai lệch sẽ giết hại thơ một cách tàn bạo. Tôi vẫn nghĩ, từ xưa tới nay, thơ cần phải cảm xúc và tương thông. Cái mới, cần nhưng chưa đủ. Cũng như, cái khác lạ không giống với cái kỳ cục.

Cũ và mới, như trong một chu kỳ, có thể cũ với thiên niên kỷ trước nhưng mới với ngày hôm nay. Ðó là cái hiểu thô thiển của tôi. Tôi vẫn nghĩ nếu có sự cố công thơ chỉ là trang trí thủ công. Ý thức làm mới chỉ bắt nguồn từ những không cố tình mới có sự mời gọi chia sẻ chân thực và tự nhiên.

Thơ Thanh Tâm Tuyền vào lúc tôi mới lớn đã như một luồng gió lạ thổi tới. "Tôi không còn cô độc" và "Liên, Ðêm Mặt trời Tìm Thấy" là tập thơ có khá nhiều ảnh hưởng với người đọc và người viết cũng như hiện tượng "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện của thập niên sau. Thơ tự do đã thành một thể loại quen thuộc trong văn học Việt Nam và vần điệu thơ trong sự khơi mở nhiều phá cách đã làm thơ có nét lôi cuốn riêng của một thời kỳ văn chương đòi hỏi và kêu gọi sự sáng tạo. Thơ mới với bảy chữ, tám chữ, lục bát của những năm trước 1945 quá quen thuộc dễ thành nhàm chán cũng phải, biến dạng. Thơ lục bát xuống dòng theo từng điệu nhấn theo từng cách đọc, hoặc, thơ bảy chữ, tám chữ biến ra những khuôn khổ vần điệu khác phóng túng hơn.

Có bữa, tôi đọc lại tập thơ của Thanh Tâm Tuyền in ở hải ngoại. Tập "Thơ ở Ðâu xa". Tôi thấy những bài thơ khá chân phương, lục bát, bảy chữ như của một thuở nào tiền chiến. Sau một cuộc đổi dời, thơ cũng dời đổi chăng?
Bây giờ, những Sartre, những Malraux, những Gide,... là những hình bóng đã qua? Những từ ngữ nhiều vần trắc, xử dụng trong một phong thái phù thủy đã ít xuất hiện. Và, thơ, là một mặt gương phản chiếu đời thực với tất cả những đường nét thô nhám của nó. Suy tưởng, triết lý, có khi là những chuyện hư không.

Bây giờ, là ngày tháng bắt đầu cho những điều mà từ lâu dã biết đã hiểu đang từ từ hiện đến. Thơ không còn là lời tiên tri nữa mà là mô tả sự thực, Như bài đầu của tập thơ, Ngày Ðến:


"tinh mơ xe đến Long Giao
đón người đám cỏ tranh cao ven đường
trông lên đồi núi mờ sương
mưa bay tất tưởi mưa rong tần ngần
tiêu điều ngơ ngác trại quân
đất lầy bùn đỏ quánh chân ghê người
ngổn ngang chiến cụ bỏ rơi
xanh om bờ bụi tả tơi lũy đồn
nhà hoang vách trống gió luồng
vắng tanh nỗi nhớ dập dồn bóng vang
ngả lưng trên đất mơ màng
hé trời trôi dạt ngỡ ngàng tấm thân."

Trong tập sách "La Part d'Exil" có lời biện giải của tác giả "Thơ ở đâu xa" về trường hợp làm thơ của mình:

... Ðối diện với hiện trạng hỗn loạn sống mơ hồ không chủ đích của thời điểm sau 1975, tôi có cảm giác đã sống xong cả cuộc đời, phần còn lại của cuộc sống tôi chỉ là dư thừa và không đáng quan tâm tới nữa. Hoàn toàn là ảo vọng. Năm đó, chế độ mới bắt tôi vào trại tập trung cải tạo như các bạn bè tôi, những kẻ cùng chia sẻ và cam chịu sự lưu đầy lên những vùng ma thiêng nước độc, bình thản, dửng dưng, không hy vọng nhiều nhưng cũng chẳng tuyệt vọng lắm. Tôi đã có ý nghĩ mình đã "biến mất" và chẳng có ngày trở về, như bọt bèo trôi trên sóng lịch sử. Tại sao không? Nhưng, quả là sự lầm lẫn. Người ta đưa tôi lên vùng thượng du Bắc Việt, cô lập với thế giới bên ngoài. Tôi sống trong thiên nhiên, "tự do hạn chế với chỉ tiêu gỗ mỗi ngày" với nhiều cơ hợi để trốn trại. Nhưng mỗi ngày lao động qua đi, tôi vẫn trở về trại giam theo con đường cũ. Tại sao lại có tình trạng ấy? và tại sao tôi lại phản ứng như vậy? Có phải là trường hợp kẻ trắng tay hoặc nỗi niềm của người tuyệt vọng tận cùng khi bị bỏ rơi? Lúc đó, là niềm hy vọng không hiện hữu của môi trường chẳng thể thẩm thấu qua với tình trạng không liên hệ. Chẳng có điều gì rõ rệt với tôi. Nhưng, tôi nhủ thầm, mình sẽ hồi sinh, nghĩa là thi ca trở về và ngự trị. Tôi thật sung sướng trong hoàn cảnh ấy. Tôi nhút nhát e lệ như khi sáng tác những bài thơ đầu. Tôi giấu diếm mọi người, kể cả bạn tù, tôi không dám đưa họ đọc. Cuộc sống ngày lại ngày vô cùng dửng dưng, không lý tương lai, chẳng nề dĩ vãng, không phập phồng hiện tại, thì thử hỏi, còn lại chi cuộc đời? Ðiều hiện hữu hiển nhiên ở trong bạn, có sẵn không mong muốn. Ðể qua đi, tất cả những ngày đen tối, những đêm mưa gió, thời tiết lạnh căm, bão bùng của những mùa tiếp qua mùa... Tôi tìm niềm vui riêng từ những nỗi niềm hiện diện trong tôi. Và, tôi mang vác độc nhất sự thực luôn luôn có mặt và ẩn khuất trốn lánh trong thân thế tôi..."

Có người cho rằng thơ bây giờ và thơ xưa cũ của Thanh Tâm Tuyền có vóc dáng khác biệt nhau. Một giản dị chân thật có khi còn cổ điển của "Thơ Ở Ðâu Xa". Một kiểu cách trí thức phức tạp nhiều suy tư nặng cách khai phá của "Liên, Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy" hay "Tôi Không Còn Cô Ðộc".

Riêng tôi, trong cảm nhận mình, tôi nghĩ vẫn chỉ là một, nhưng biểu hiện bằng hai phương cách. Nhiều chất suy tư, thi sĩ đã biểu hiện tình cảm mình theo từng trường hợp khác nhau. Thơ, rốt cuộc chỉ là biểu hiện của con người thực, lãng mạn, và cố vượt thoát những mê lú đời thường, những khó khăn trở ngại của con đường nhân gian đầy gai chông.

Ðọc những trang thơ, thấy hiển hiện những sinh hoạt của trại tù. Dù bị trù dập, dù bị đè nén, nhưng vẫn là thái độ rõ ràng, thua trận nhưng không bại hoại tư cách. Và, ở tất cả, vẫn nhú lên những mầm nụ của yên lành, vô ngại vô ưu.


"Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy sóng
Ðứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đóa hồng rợ.
Vang vang trời vào xuân
Ta bật kêu mừng rỡ
Ơi bè bạn xa xăm
Tim ta cũng cháy đỏ
Rực thắm bóng trăng ngần"

Một bài thơ khác, hơi cổ điển, thất ngôn bát cú, nhưng lai láng tình cảm của phút giây xúc động thực, của nỗi niềm trao gửi nhau. Thơ không có hơi hướng Ðường Tống xa xưa mà lại có nét sinh động của một hiện tại mà tâm sự với bạn bè cùng nhau thì miên man không dứt như biển cả. Bài "Thư gửi P.L.P. ở K5T1″


"Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào
Ðường gần nhưng cách trở xiết bao
Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?
Râu tóc long đong hẳn bạc phau?
"Ðằng ấy" còn chăng nét "tiếu ngạo"
"tớ đây" vẫn giữ vẻ "tiêu dao"
Mong ngày hội ngộ nằm chung chiếu
Tán gẫu qua đêm như độ nào."

Thanh tâm Tuyền đã nói về trường hợp làm thơ của mình:

"Và làm thơ trong trại cải tạo, đó cũng là trở về với thi ca bình dân. Chế độ lao động trong trại rất căng thẳng, một ngày tám tiếng, một tuần bảy ngày không nghỉ không cuối tuần. Mỗi tù nhân có một mảnh chiếu tạo thành một thế giới riêng, sắp lớp hai hàng sáu chục người thành một phòng trên trăm tù. Viết là một xa xỉ từ chỗ ngồi và thời gian để viết. Với một đời sống có nhịp điệu như thế, hối hả chụp giựt cộng lẫn đói lạnh.. làm sao có ai nghĩ đến chuyện sáng tạo? Ngay cả đến bực thiên tài cũng chẳng thể vượt qua được những "khó khăn " ghê gớm này. Tuy nhiên người Việt có câu "làm thơ" chứ không ai nói "viết thơ". Ấy, người ta có thể làm thơ bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu, đi, đứng nằm ngồi bất kể.. Thơ gặp anh, không hò hẹn trước mà cũng chẳng định rõ ngày giờ. Người ta không thể kiếm nó vì chẳng biết đâu mà tìm. Bạn chỉ có độc một việc: đón nhận nó, trò chuyện cùng nó.. Và, chỉ một yêu sách duy nhất: hãy giữ vẹn tiếng nói chân chất của bạn. Tiếng nói này, sau sẽ định rõ số phận riêng nó. Nó, chính là nàng thơ, luôn ẩn mật, có lúc vào bằng chính lộ nhưng đôi lúc vào bằng hẻm nhỏ. Hãy lắng nghe. Nàng thơ hay đeo mặt nạ, khuôn mặt khuất sau tấm voan che kín, nếu ký ức không tỉnh táo, sẽ chẳng thể nào nhận diện nàng. Trong khi lao động hụt hơi nàng tới. Ðột nhiên, giữa đồng, giữa rừng, nàng ngưng. Nàng ra lệnh cho bạn ngưng tay. Bạn sẽ bắt đầu nhìn trời đất, quên trong một phút những việc làm theo phản xạ. Nàng kéo lôi bạn trong cơn ru êm ả. Trong hiện hữu tự nhiên, là nguồn vui. Bởi, khi nàng thơ rời bỏ, bạn trở lại cuộc sống và nhận diện để thấy đời như một nhịp thơ. Như vậy, khi làm việc bằng chân tay, đôi tai bạn sẽ đuổi theo nhịp điệu và tiết tấu bài thơ. Sự hài hòa này đem đến yếu tố kết hợp giữa công việc (vốn hạn định những động tác) – và ký ức (đang ghi nhận để chứa đựng)..."

Ít có người như Thanh Tâm Tuyền, ông viết rất nhiều bài về thơ, và luôn đề cập tới trường hợp của mình như một ví dụ. Từ thời Sáng Tạo, ông đã viết: "Nỗi buồn trong thơ hôm nay" và sau này mấy chục năm sau ông viết "Kinh nghiệm làm thơ trong tù" , cũng là một cách chiêm nghiệm, suy tư về thơ. Thơ của ông hình như lúc nào cũng gần gũi với ý thức và với một tâm hồn nhạy cảm tràn đầy những giấc mơ,những câu thơ nhiều khi chỉ là những âm động báo thức để thi sĩ rời khỏi giấc miên du và nhìn lại vào cuộc sống.

Văn tiểu thuyết của một người thất bại thì thơ là của bóng đen, của những nỗi niềm của một thế kỷ xa lạ.


"Một người da đen một khúc hát đen
bầu trời đen sâu không cùng
những giòng nước mắt
xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
giữa rừng không lời rừng mãi trống không
ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt
tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai
tôi rằng không quên chẳng thể được quên
vì Blues không xanh vì điệu Blues đen
trên màu da nức nở.."

Có người đã viết những câu thơ. Một thuở nào, xa lắm. Những ngày, mà Hà Nội chỉ còn hiện diện trong giấc mơ. Những ngày, mà Sài Gòn đã thành hiện hữu.

Có những câu thơ, bắt đầu một thời kỳ của tình yêu bị chia cắt. Những câu thơ, của một thi sĩ đang đi tìm lại một giấc mơ:


" sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường
của một ngày..."

Có một người, tự gọi tên mình để nhận diện cho ra chân dung nỗi buồn. Vào trong góc vắng, nghe những vỡ vụn của thanh âm tiếng chuông. Những câu thơ, hoang mang, xa lạ. Những câu thơ, của nỗi niềm xa vắng:


"tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quì thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không mầu..."

Có một người làm thơ, tìm giấc mơ trên những giây phút cảm xúc của nhịp thở. Hôm nay, ngày mai là chính là cái kết tinh của ngày hôm qua. Thơ, là gợi ý cho con người bước đi trên nhịp cầu sinh tử.


"...những giấc mơ-hôm qua là phá hủy-hôm nay là ngày mai
nhỏ như con tim đôi mắt chớp lẹ
nhỏ như hơi thở trong một ngực tình cờ
hung thần chạy trốn
hào quang trên môi hôn
lời nhiệm mầu tác phẩm"

Có những câu thơ, viết về nỗi buồn. Thi sĩ, làm những câu thơ, nói lên những nỗi niềm chung mang của một thế hệ.


"tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rã rượi.
Ðôi khi anh muốn tin
Ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
Mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
Ðến ngày cuối
Ðôi khi anh muốn tin
Ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
Nguồn sữa mật khởi đầu.."

Cũng những câu thơ ấy, về sau, là một trời suy tư. Chữ nghĩa, là những để lại cho đời.


"nghe lời vọng lòng sách u uẩn
trang giấy ố mọt xông mở quên
chữ nghĩa dày dạn hàm hồ
nghe tuyệt tích cám dỗ
dưới mái dột nát tạm trú
ngọn điện chong rực lóa vắng xưa
chiếc bóng ám sàn vách loang lổ
dị hợm vô hình thù..."

Có vài khúc dạo tặng tri âm. Thơ, ở trí biệt khuất ngoài lịch sử.


"Rũ bỏ ký ức –ký ức người
mông muội đắm mình
không thể khác
ngậm tanh tiếng sơ sinh
lạnh bất trắc.."

Người thi sĩ bay vào miền đất lạ. Hồi trước, thi sĩ đã khóc người bạn, thi sĩ Quách Thoại. "còn gì chăng. Tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa. Trời –đất rưng rưng. Em không để cầm tay. Khi người thi sĩ ấy chết trơ trụi. Không một lời trối trăn từ biệt. Mắt khép không đợi vuốt. Nửa đêm.." Bây giờ, có một câu thơ vẫn còn hiển hiện:


"xin trao thi sĩ vòng hoa tặng.
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời.."

Thanh Tâm Tuyền. Thi sĩ đã ra đi. Tôi Không còn Cô Ðộc. Liên Ðêm mặt trời Tìm Thấy. Thơ Ở Ðâu xa. Những tập thơ đánh dấu những cột mốc của thi ca Việt nam. Bây giờ, từ những vận động để làm mới thi ca cũng như những tâm sự nỗi niềm của một thời đại, đã qua đi. Thi sĩ đã khuất vào trong cõi vô thủy vô chung. Thơ như tài sản để lại cho đời ... Của Việt Nam chiến tranh. Của đất nước một thời chia cách....

Nguyễn Mạnh Trinh
(nguồn: sangtao.org)