PDA

View Full Version : Nhớ lại Nguyễn Tấn Trào



Longhai
03-22-2014, 02:16 AM
Nhớ lại Nguyễn Tấn Trào


Hồ Phong


Mấy bữa nay chiều Sài Gòn bỗng nắng hừng hực. Tôi rời Tòa soạn, ra khỏi căn cứ. Đường phố buồn. Không có bóng dáng những chàng lính Không Quân. Kẹt xe và nắng.

Tôi xuống Đa-Kao, Cầu Bông, đi vào Lê văn Duyệt, Gia Định.

Từ dốc Cầu Bông đổ xuống, ở ven đường, chiếc quán ăn thật nhỏ của bà Bảy. Bà Bảy là Chị Hai cố Thiếu tá Nguyễn Tấn Trào.

Nguyễn Tấn Trào, cái tên thật gần mà cũng thật xa.

Thật gần, bởi nhắc đến Ông, ít người ở Không Quân không biết. Thật xa, bởi có bao giờ Ông về nữa ?

Nguyễn Tấn Trào, Bà Bảy nhắc lại, bằng nước mắt nhiều hơn giọng nói, thằng Sáu đó, tôi thương nó quá trời, không hiểu sao nó không thèm về ?

Bà Bảy khóc, bà vén áo bà ba chùi mắt, tôi cúi đầu. Tôi đến thăm bà làm chi cho bà khổ ? Tôi là kẻ khuấy động tâm tư người khác ? Tôi cúi đầu. Tôi xin lỗi bà Bảy. Tôi trình bày rằng nhiều người muốn ghi nhớ, muốn tưởng niệm một Chiến sĩ đã sớm bỏ Gia đình Không Quân.

Bà Bảy cười, vừa khóc vừa cười, Nguyễn Tấn Trào, thằng Sáu đó, tức cười lắm. Hồi nhỏ nó ham học. Nó hà tiện quá trời. Nó ham đi Pháp, nó trốn nhà đăng vô Đà lạt, đăng vô Không Quân. Nó đậu cả hai bên. Giấy Đà lạt kêu trước, nó vô Đà Lạt. Ở nhà, lại có giấy của Không Quân kêu.

Nhớ lại người em xưa, như cố nén đau buồn trước mặt khách lạ, bà Bảy vẫn không cầm được nước mắt.

Bà Bảy khóc, tôi biết làm sao bây giờ ? Tôi ngồi lặng thinh.

Lát lâu, Bà Bảy nói ngày nó nhập ngũ, không có tiền. Nó mượn tiền của bạn. Nó bảo tôi chị cho ít chục hớt tóc để đi. Mai mốt tiền nhiều tôi cho chị.

Bà Bảy ngưng lại. Khi đó tôi không nhìn, nên không biết bà bảy có đang âm thầm khóc ? Tôi cúi nhìn trên trang giấy làm như chép, nhưng thực ra không ghi chép gì. Tôi chờ đợi bà Bảy. Im lặng.

Ngoài kia, đường Lê văn Duyệt từ dốc Cầu Bông Đa Kao đổ về Lăng Ông Gia Định, xe cộ ngược xuôi, tấp nập. Nóng. Chiều nay nóng khủng khiếp. Để rồi tối lại mưa ?

Tôi hỏi : Thưa bà Thiếu tá Trào có hay kể chuyện đi bay cho gia đình nghe không ?

Bà Bảy cười. Nó kể nhiều. Thường thì dấu những điều cực. Rồi pha trà cho bà Cố. Bà Cố cưng, cho uống riết đâm ghiền. Hồi nó học Không Quân bên Pháp, viết thư về cũng chỉ xin gởi cho ít bộ bài tứ sắc và mấy gói trà. Nó ở Cần Thơ. Nó bay hoài, bay hoài hổng sao. Rồi nó được đổi về Sài Gòn. Tôi hỏi nó thích về Sài Gòn không ? Nó nói không thích. Ở dưới đó Ông nào cũng thương nó. Lính ở dưới nghe nói nó đổi về Sài Gòn, nhiều ông buồn, nên nó không muốn về. Nó nghỉ phép một tuần. Nó ở nhà tôi. Hồi được bầu làm Anh hùng Diệt Cộng, nó được tặng đủ thứ, nó xách về cho tôi ít chai nước tương, tội nghiệp, tôi nhớ hoài. Mộng của nó không gì cao xa. Nó chỉ mong làm tròn được phận sự. Bữa chót, nó soạn Huy chương ra, được nhiều lắm. Nó nói giỡn, đem cho người nào không có, để người ta lên lon. Nó nói, Huy chương của nó đeo hết một bên áo. Nó kêu thằng con tôi bảo nhỏ đem tặng cậu Tám mầy ( hồi đó là Thiếu Úy Long, Pilot ) đi con.

Lúc tới nhà thằng Tám chơi, nó bảo Long rót tao miếng nước coi. Trời đất, thằng Long hồi nào tới giờ có rót nước cho tôi đâu ?

Bà này nói hổng biết có phải đó là điềm gở không ? Bữa sắp đi Cần Thơ nó qua bên tôi ngồi chơi khuya lắm. Nó tính kiếm nhà làm ăn buôn bán. Nó nói hồi chiều có xin xâm ở Lăng Ông sao mà xấu quá. Đó là lần đầu tiên nó xin xâm. Tôi bảo nó, em đi cho cẩn thận, kẻo xe cộ.

Rồi sáng sớm hôm sau nó đi. Bữa hổm hai vợ chồng tôi gây lộn. Thằng em tôi đi. Tôi ra cửa đứng ngó. Không ngờ, bữa đó nó về Cần Thơ bay dùm người bạn, nó lại đi luôn.

Bà bảy vén vạt áo bà ba chùi hai dòng nước mắt đang chảy nhiểu xuống má. Mấy người con gái, con trai của bà sửa soạn mấy kết vỏ chai đem đổi những kết bia và nước ngọt ngoài chiếc xe của hãng BGI mới đậu xế cửa tiệm.

Ngoài kia đường Lê văn Duyệt từ dốc Cầu Bông Đa Kao đổ về Lăng Ông Gia Định, xe cộ vẫn nhộn nhịp. Hơi nóng của buổi chiều mùa nắng vẫn chưa nguôi.


Hồ Phong.
Nguyệt San Lý Tưởng 1970