PDA

View Full Version : Kỷ niệm với Tướng Nguyễn Khoa Nam



Longhai
03-25-2009, 06:59 AM
Một chút kỷ niệm với
Tướng nguyễn Khoa Nam

Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1974, tôi cùng một HSQ và một Binh Sĩ, đại diện Sư Đoàn 18BB, về Thủ Đô Sài Gòn tham dự Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19/6.

Đây không phải là lần đầu tôi có cái vinh dự lớn lao này. Tôi đã vinh hạnh được hưởng một lần trước đây vào Ngày Quân Lực năm 1971. Lúc đó tôi là một Đại Đội Trưởng. Đơn vị vừa hoàn tất cuộc hành quân dài ngày trên đất nước bạn Campuchea, dưới thời của Tổng Thống Lon Nol. Cũng như lần này, tôi không hề được biết trước. Niềm vui đã đến quá bất ngờ!

Đơn vị vừa từ bên kia biên giới về đến Thiện Ngôn thuộc Tây Ninh thì tôi được lệnh giao quyền chỉ huy Đại Đội cho Đại Đội Phó, Thiếu úy Võ Kim Thạch, để về Xuân Lộc nhận Sự Vụ Lệnh của Sư Đoàn về Sài Gòn trình diện Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (hình như là Cục Chính Huấn tại số 2Bis đường Hồng Thập Tự), để tham dự phái đoàn Chiến Sĩ Xuất Sắc đi Du hành Quan Sát Đài Loan. Lần đó, vị trưởng phái đoàn là Chuẩn Tướng Trần Bá Di, Tư Lệnh Sư Đoàn 9BB.

Vào những ngày cuối mùa Hè năm 1974, quân CSBV đưa nhiều Sư Đoàn về chiếm giữ một vùng đất rộng lớn ở phía Tây quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chúng đánh chiếm căn cứ 82 ở Rạch Bắp, chiếm xã An Điền, gần QL 13. Sư Đoàn 18BB của Tướng Lê Minh Đảo được lệnh mở cuộc hành quân giải tỏa. Hai Chiến Đoàn 43 của Đại Tá Lê Xuân Hiếu và 52 của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng được tung vào mặt trận. CĐ43 mở cuộc hành quân đánh thọc ngang hông từ hướng Nam lên. CĐ52 đánh vào chính diện, từ hướng Đông vào. Cuộc chiến đang hồi giằng co thì tôi được lệnh giao quyền chỉ huy cho Tiểu Đoàn Phó, Đại Úy Lê Văn Ven để về Xuân Lộc nhận SVL về Sài Gòn tham dự Ngày QL 19/6 và đi Du hành Quan Sát Đài Loan một tuần lễ. Lần trước vì đơn vị ở xa, bận hành quân vượt biên Campuchea, nên tôi đã không về kịp để tham dự Ngày Lễ QL 19/6. Năm nay tôi đã về kịp, nên đã có dịp tham dự tất cả mọi lễ tiết quan trọng, nhưng vẫn chưa có dịp gặp vị Trưởng Phái Đoàn: Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Sư Đoàn 7BB.

Trước chuyến đi vài ngày, những Chiến Sĩ Xuất Sắc chúng tôi được đưa vào phòng hội của Tổng Cục CTCT (hình như nằm trên Đại Lộ Thống Nhất). Đúng 2 giờ 30 chiều, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam xuất hiện trong bộ quân phục dạo phố mùa hè, trông rất oai nghiêm. Cuộc gặp mặt chỉ diễn ra ngắn ngủi để ông có dịp làm quen với chúng tôi, và có vài điều dặn dò. Tướng Nam ít nói, dáng người hiền từ. Ông chào hỏi và hỏi chuyện từng người. Phái đoàn năm nay có khoảng 40 quân nhân, cấp bậc từ Binh Nhì đến cấp Thiếu Tá. Có 5 Thiếu Tá, gồm Nhảy Dù, BĐQ, Thiết Giáp, Không Quân và Bộ Binh là tôi. Sau một lúc tâm tình và ban những huấn lệnh cần thiết, Thiếu Tướng Nam nhìn quanh một lượt, rồi hướng thẳng tầm nhìn về phía tôi, ra lệnh:
“Thiếu Tá Chế, anh làm Phụ Tá cho tôi, và kiêm Sĩ Quan Kỹ Luật của Phái Đoàn”.

Khi không, tôi được cắt cử một trọng trách khá tế nhị. Thật ra thì công việc cũng nhẹ nhàng. Tôi chỉ nhận lệnh trực tiếp từ Thiếu Tướng rồi chuyển lệnh lại cho anh em trong phái đoàn để thi hành, và tôi là người chịu trách nhiệm việc thi hành lệnh.

Sau đó Thiếu Tướng Nam cùng Trung Tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục Trưởng TC/CTCT hướng dẫn Phái Đoàn vào Dinh Độc Lập trình diện Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Đây là một thông lệ. Các Phái Đoàn Chiến Sĩ Xuất Sắc đều phải vào trình diện Tổng Thống trước khi xuất ngoại. Mỗi đoàn viên đều được Tổng Thống lì xì cho một phong bì, hình như là 20.000 đồng.

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam tuy là Trưởng Phái Đoàn nhưng chỉ xuất hiện vào giờ chót, trước khi lên đường. Vì ông là Tư Lệnh Sư Đoàn, không muốn rời xa đơn vị lâu. Ông đã không có dịp tham dự các buổi tiệc tùng, kể cả buổi tiệc do Tổng Thống khoản đãi tại Dinh Độc Lập, và buổi Tiếp Tân của Đại Tướng TTMT tại BTTM/QLVNCH nhân ngày Quân Lực 19/6, cũng ngày này, năm 1966, Quân Đội đứng ra nhận lãnh trách nhiệm điều khiển Quốc Gia trước Lịch Sử.

Tôi đã được nghe danh vị Tướng từ lâu. Lần đầu tiên là năm 1968, lúc đó tôi đang phục vụ tại Tiểu Đoàn 31/BĐQ. Sau hai đợt tổng công kích của CSBV vào Thủ Đô, tình hình an ninh chưa được khá, các đơn vị Dù và BĐQ phải liên tục mở những cuộc hành quân ven đô để tiểu trừ cộng phỉ. Đơn vị tôi nằm trong vùng lãnh thổ trách nhiệm của Lữ Đoàn 3 Dù, của Đại Tá Nguyễn Khoa Nam. Ông nổi tiếng là một cấp chỉ huy nghiêm khắc và kỹ luật. Một buổi sáng chúng tôi được lệnh tất cả phải đội nón sắt và mang áo giáp! Thông thường nếu không đi hành quân thì chúng tôi chỉ đội chiếc nón nồi màu nâu, màu của Binh Chủng, vừa nhẹ nhàng, lại đẹp, và kiêu hãnh. Nhưng hôm đó có Đại Tá Nam đến thăm đơn vị. Đại Tá Nam thì đầu ông không bao giờ rời nón sắt!

Thời gian du hành Đài Loan kéo dài lối một tuần lễ. Chiếc Boeing 747 tối tân của Air Vietnam đưa Phái Đoàn đi Hồng Kông, trước khi đến Đài Bắc. Tại Phi Trường Quốc Tế, có nhiều du học sinh, mà phần lớn là Quốc Gia Nghĩa Tử ra đón với những vòng hoa tươi thắm để choàng lên cổ những chiến sĩ xất sắc. Trong số kiều bào, có ái nữ của ông Đại Sứ Nguyễn Văn Kiểu. Một vị tiểu thư duyên dáng và nhiệt tình. Thời dụng biểu được sắp xếp rất sít sao. Chỉ có một số ít thời gian tự do để đi dạo phố Đài Bắc. Lần này Phái Đoàn không được đưa ra thăm đảo Kim Môn, một hòn đảo nhỏ, chiều dài lối 3 cây số, và chiều ngang lối 1 cây số, nằm sát tỉnh Phúc Kiến của Trung Cộng mà tôi đã có dịp thăm viếng trong chuyến đi năm 1971. Đảo Kim Môn nằm sát nách Trung Cộng, nên chuyến đi của Phái Đoàn CSXS đã được Quân Đội Trung Hoa Dân Quốc bảo vệ cẩn trọng. Phái Đoàn đi trên một chiếc C.119, một phi tuần phản lực chiến đấu bảo vệ vùng trời, và mấy tàu chiến bảo vệ mặt biển. Khi máy bay đáp xuống phi trường, cũng có đội nhạc và các em gái bản xứ bước vội đến choàng vòng hoa, nhưng chỉ trong chốc lát, tất cả lên xe bus, chạy thẳng vào một hang động khá lớn. Theo Đại Úy Điền, sĩ quan liên lạc của Quân Đội Trung Hoa Dân Quốc hướng dẫn cho biết, đó cũng là bệnh viện dã chiến trong trường hợp có chiến tranh. Một điều khá khôi hài là Trung Cộng pháo kích vào đảo trong những ngày nhất định, và pháo cách nhật. Tháng này bắn pháo ngày lẻ thì tháng tới sẽ vào ngày chẵn. Pháo bắn liên tục, suốt ngày và rất tàn bạo. Nhưng những trận mưa pháo như vậy chỉ có tính cách thị uy, hù dọa và quấy phá, hơn là hủy diệt. Vị sĩ quan phòng thủ tuyến đối đầu với tỉnh Phúc Kiến chỉ tay xuống bãi chiến trường, mà cách đó 22 năm, quân Trung Cộng chết như rạ, lớp này chồng lên lớp kia, đã ngả gục ngay khi vừa đặt chân lên bờ. Trận chiến diễn ra trong nhiều ngày. Quân Trung Cộng thiệt hại gần bốn Quân Đoàn, nhưng vẫn không chiếm được hòn đảo Kim Môn nhỏ bé với số quân trú phòng khiêm nhường! Từ những pháo đài này, với mắt thường ta có thể nhìn thấy sự sinh hoạt của người dân Trung Cộng. Vì đảo chỉ cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến hơn 2 cây số, mà điểm gần nhất chỉ có 2.310 mét! Quân nhân phục vụ trên đảo không mang cấp hiệu, không mang bảng tên. Vị Tư Lệnh là một sĩ quan cấp Trung Tướng.

Từ Đài bắc, Phái Đoàn đáp máy bay đi Cao Hùng, một thành phố kỹ nghệ, cũng là hải cảng nổi tiến. Từ Cao Hùng, đi xe bus về Đài Nam. Từ Đài Nam đi xe lửa về Đài Trung, sau đó lên xe bus đi Nguyệt Nhật Đàm. Đây là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đảo quốc này. Nghe nói du khách có thể mướn thuyền do các cô gái người bản xứ ăn vận dản dị như các cố gái Hạ Uy Di chèo, thả hồn lênh đênh trên mặt nước hồ phẳng lặng.

Theo chương trình, từ Đài Trung, Phái Đoàn đi xe bus đến thị trấn Thạch Đầu Sơn nghỉ qua đêm để ngày hôm sau thì đi chơi Nguyệt Nhật Đàm. Phái Đoàn đã đã lấy phòng ngủ. Tất cả đều đi dạo phố. Thạch Đầu Sơn là một thị trấn nhỏ miền núi, nhưng khá nổi tiếng vì có nhiều loại trà ngon. Trà Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng của ta cũng rất nổi tiếng. nhưng ngon hay dở thì tùy theo sở thích của mỗi người. Trời sắp tối. Đêm nơi thị trấn miền núi đến nhanh. Chúng tôi vẫn chưa dùng bửa cơm chiều. Nhưng một cú điện thoại gọi từ Đài Bắc yêu cầu Tướng Nam và 5 vị Thiếu Tá gồm Nhảy Dù, BĐQ, Thiết Giáp, Không Quân và Bộ Binh là tôi phải có mặt tại Đài Bắc ngay trong đêm để sáng sớm ngày hôm sau vào Bộ Tổng Tham Mưu Tam Quân của Quân Đội Trung Hoa Dân Quốc trình bày cho các vị Tướng Lãnh Dân Quốc về kinh nghiệm chiến trường của mình. Thiếu Tướng Nam cho gọi tôi để cho lệnh Phái Đoàn chuẩn bị trở về Đài Bắc. Khi biết chuyện, tôi trình Thiếu Tướng xin cứ để anh em ở lại vui chơi. Nhưng ông nói: “Tôi và anh đều phải về Đài Bắc, vậy ai trách nhiệm coi Phái Đoàn ở đây?” Vậy là chúng tôi đành thu dọn hành trang để lên xe bus trở lại Đài Bắc.

Một lần khác, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Đội Trung Hoa Dân Quốc mở tiệc khoản đãi Phái Đoàn. Chương trình sẽ bắt đầu từ lúc 5 giờ chiều. Buổi sáng hôm đó Phái Đoàn được đưa đến thăm Trường Đại Học CTCT. Ngôi trường nằm ở vùng ngoại ô, khá xa. Chúng tôi được các sinh viên tranh nhau để chụp hình chung lưu niệm. Khuôn viên trường rộng rãi, nên đôi chân lâu nay chỉ “thích đi bộ, không quen đi xe” đã được tận dụng. Khi trở lại Đài Bắc trời đã quá trưa. Sau khi dùng bửa, tất cả đều ngủ vùi. Trong lúc đang mơ mơ màng màng, tôi nghe tiếng gỏ cửa. Tôi vội ra mở thì thấy Tướng Nam đã áo quần chỉnh tề:

“Anh Chế đánh thức anh em dậy chuẩn bị”.

Nhìn đồng hồ thấy mới 2 giờ, tôi nói:

“Thưa Thiếu Tướng còn sớm”.
“Thì cứ đánh thức anh em dậy chuẩn bị là vừa”.

Tôi đành phải tuân lệnh. Nhanh chóng bận quần áo, xuống phòng khách của Teacher’s Hotel ngồi tán chuyện với ông Tướng, nhưng tôi vẫn để cho anh em ngủ, chưa đánh thức vội.

Sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là một Trung Úy, tôi không nhớ tên, đã kể cho nghe câu chuyện khá lý thú về tính ngay thẳng quá đáng của vị Tướng khả kính này: Một Pilot kiêm Observer thường bay bao vùng yểm trợ cho Sư đoàn 7BB của ông Tướng nhiều lần. Trong số lần, có nhiều trận đánh thắng lớn của Sư Đoàn, nhưng chưa một lần được Sư Đoàn tưởng thưởng huy chương. Viên Phi công kiêm Quan sát viên là cháu của ông Tướng, có viết bức thư riêng như để khiếu nại, thì Tướng Nam trả lời: “Hắn làm gì mà cho huy chương?”.

Là người đồng hương, cùng dân Huế với nhau, tuy cấp bậc và tuổi tác có xa cách, mỗi người sống trong một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cũng rất dễ dàng bắt chuyện. Lúc chuyện trò, ông rất cởi mở và thân tình. Hai người Huế nói chuyện thì không thể nào không nhắc đến những kỷ niệm đẹp của đất thần kinh. Con sông Hương với giòng nước trong xanh lờ đờ chảy. Cầu Trường Tiền trắng xóa, sáu vài mười hai nhịp. Bất thần, ông hỏi tôi học trường nào. Tôi nói Trường Quốc Học. Ông nói ông cũng học trường đó, nhưng ngày trước có tên là trường Khải Định, Lycée Khải Định, ngôi trường lớn nhất xứ Đông Dương thời bấy giờ. Thấy ông vui vẻ và cởi mở, tôi đánh bạo hỏi sao Thiếu Tướng chưa lấy vợ. Bị hỏi bất ngờ, ông làm thinh, mặt hơi ửng đỏ, rồi ông nói lãng sang chuyện khác.

Ở Huế, ngoài Tôn Thất nhà Nguyễn, có nhiều gia đình vọng tộc. Nguyễn Khoa là một trong những gia đình vọng tộc mà ai ai cũng biết. Cụ tổ của dòng họ ông là Nguyễn Đình Thân, theo phò Chúa Nguyễn Hoàng, lập được nhiều công lớn. Đến đời thứ ba, được vua ban, đổi chữ lót “Đình” thành “Khoa”, và từ đó, con cháu đều mang họ “Nguyễn Khoa”.

Một câu hò nổi tiếng xứ Huế:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biết như tranh họa đồ.
Thương em, anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Truông nhà Hồ một thời nổi tiếng là ác địa. Bọn thổ phỉ thường xuất hiện cướp bóc khách buôn và quấy nhiễu dân lành. Vào đời thứ năm của dòng họ Nguyễn Khoa, có cụ Nguyễn Khoa Đăng, giữ chức Chánh Dinh Nội Tán Thống Tri Quân Quốc Sự, đã lập kế diệt được bọn thổ phỉ. Từ đó truông nhà Hồ không còn là mối lo của khách buôn và dân lành. Mặc dù người trai đất Bắc không có cái oai dũng “lên Đông, Đông tĩnh, xuống Đoài, Đoài tan”. Nhưng vì yêu, “chín bỏ làm mười”, người con gái đa tình của xứ Huế nhớ nhung người yêu, đã trấn an:

“Phá Tam Giang ngày nay đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm”.

Một quân nhân mẫu mực với tính liêm khiết đến độ khắc khe, với tinh thần trách nhiệm cao độ như vậy, nên tôi đã không ngạc nhiên chút nào khi nghe tin ông tự sát khi được lệnh đầu hàng. Theo Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, Tướng Nam đã chia sẻ với ông những lời cuối, trước khi giao cho ông trách nhiệm thay Tướng Nam lo cho anh em. “Làm Tướng mà không giữ được nước thì tôi phải chết theo nước. Tôi chỉ e đám tàn quân rồi đây sẽ ra sao? Được ông giúp cho việc này, tôi rất an tâm…”. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã dùng súng lục bắn vào đầu chết tại phòng khách dinh Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu 4 vào lúc 3 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Cái chết của Tướng Nam cũng giống như cái chết của Võ Tánh năm xưa tại thành Bình Định, Hoàng Diệu tại thành Hà Nội, hay như Phan Thanh Giản uống thuốc độc quyên sinh để giữ tròn khí tiết của một kẻ sĩ.

Nhân ngày Quân Lực 19/6, chúng tôi xin nhắc lại một kỷ niệm nhỏ, rất riêng tư với một vị Tướng nay đã trở thành Thần: “Sinh vi Tướng, tử vi Thần!”, cùng với những vị Thần khác là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai và Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, được người đời xưng tụng là Ngũ Hổ Tướng.

Michigan, Ngày Quân Lực lần thứ 42.

Bảo Định

loibangTQLC
03-25-2009, 07:19 PM
Cám ơn Thanhlong ,
Rất có ý nghĩa , Tướng Nam đã từng nổi tiếng khi còn là Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù , rất nghiêm nghị và liêm khiết .
Thời gian trôi quá nhanh , chỉ còn hơn tháng nữa là ngày giỗ 34 năm của Ngũ Hổ Tướng VNCH ( 30 tháng 4 năm 2009 ) Xin nghiêng mình chào kính và Tưởng Niệm
các Vị Anh Hùng Dân Tộc .
TCB .
của