PDA

View Full Version : Xuân này con không về



Longhai
03-25-2009, 12:59 AM
Xuân này con không về



Lúc còn đi học ở Huế, mỗi năm tôi đều về làng quê ăn Tết. Nơi đó có Mạ, có Ôn Mệ, có bà con nội ngoại xa gần, có bà con lối xóm. Năm nào bị nhà trường chỉ định, sáng mồng một Tết, tôi phải trở lại Huế sớm, đi xe đạp về Sịa, qua bến đò Hạ Lan, đến Văn Xá, đi vào cửa An Hòa để đến Công viên Phú Văn Lâu kịp dự buổi lễ chào cờ đầu năm do Tòa Thị chính Thành phố tổ chức. Công viên Phú Văn Lâu là nơi bình thơ phú của các thi văn nhân đời nhà Nguyễn. Ngày nay Phú Văn Lâu là Quảng Trường để người dân thành phố tụ họp meeting, biểu tình. Công viên rộng, thoáng mát, với những hàng cây thẳng hàng, cao vút, chạy dài hai bên đường QL1, rộng từ bờ Bắc sông Hương đến tận chân Hoàng thành, đối diện với cột cờ. Sau phát súng thần công, lá đại kỳ màu vàng ba sọc đỏ từ từ được kéo lên, ngạo nghễ tung bay trước làn gió sớm mùa Xuân. Sau này, vào năm 1968, Tết Mậu Thân, một đơn vị của Đại Đội Hắc Báo thuộc Sư đoàn 1BB đã chiến đấu cam go, đổ nhiều máu để chiếm lại cột cờ, hạ lá cờ máu của cộng sản để kéo lá cờ Quốc Gia, cờ vàng ba sọc đỏ lên. Nếu không phải ở lại để dự meeting đón tiếp Tổng Thống Ngô Đình Diệm về Huế ăn Tết, tôi lại đạp xe trở về làng trong ngày.

Tết ở làng quê không rộn ràng, se sua như ở thành thị. Đêm giao thừa không có tiếng pháo nổ đì đùng, nhưng sáng ngày mồng một Tết thì muôn màu muôn sắc được khoe trương, qua những chiếc áo mới mà hầu như mỗi năm chỉ được xử dụng vài lần, được người dân súng sính bận vào để đi thăm bà con, chúc Tết họ hàng. Họ chúc nhau những lời chúc tụng chân tình đẹp đẻ nhất, chúc nhau sức khỏe, chúc mưa thuận gió hòa, chúc chân cứng đá mềm, chúc trời yên biển lặng, chúc được mùa…

Năm 1962, sau khi “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam”, con đẻ của CS Hà Nội ra đời, bị động viên vào lính, tôi nhập ngũ khóa 13 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Sau 10 tháng “Thao trường đổ mồ hôi”, mãn khóa vào ngày cuối năm dương lịch, tôi đã chọn về phục vụ tại một đơn vị trấn đóng vùng quanh Huế, bởi vì Huế là quê hương của tôi, tôi muốn bảo vệ quê hương tôi trước. Trong số 18 tân sĩ quan chọn cùng đơn vị như tôi đều là dân Huế hay Quảng Trị, một vài người bắc di cư.

Trung đoàn 46 Biệt lập là đơn vị đầu đời lính của tôi. Đơn vị được thành lập tại Phú Lộc, Thừa Thiên, dưới đời Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tư Lệnh Quân Khu, gồm hầu hết là quân nhân tái ngũ từ các tỉnh quanh Huế, và đồn trú tại Huế. Nhưng về sau, đơn vị di chuyển vào Đà Nẳng, đồn trú tại Bến Giàng, một vùng núi non hùng vĩ của tỉnh Quảng Nam, nằm sát bên QL 14. Tình hình chiến sự khắp 3 Vùng Chiến thuật (lúc này Quân đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật chưa được thành lập) tương đối yên tĩnh, mặc dù chúng tôi vào lính là theo lệnh động viên từng phần do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành, và Quốc Gia được đặt trong tình trạng khẩn trương. Nhưng Việt Cộng chỉ mới hoạt động lẻ tẻ, chưa có những trận đánh qui mô. Phần lớn chỉ có tính cách quấy phá, làm rối loạn tình hình trị an tại các làng xã xa xôi. Các đơn vị chủ lực của chúng thường trốn trong rừng sâu, hay trên núi cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Chúng không bao giờ dám đối đầu. Chỉ khi nào tập trung được một lực lượng lớn mới dám tấn công một đồn bót lẻ tẻ, rồi rút đi ngay. Các đơn vị Cộng Hòa thường phải vất vả mở những cuộc hành quân xa, vượt đèo, lội suối, vào tận hang ổ của chúng tìm để tiêu diệt. Vì là một đơn vị biệt lập, Trung đoàn phải đặt dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh Sư đoàn sở tại. Lúc ở Huế thì dưới quyền Tư Lệnh của Sư đoàn 1BB, nay hoạt động trong lãnh thổ tỉnh Quảng Nam thì được đặt dưới quyền điều động của Sư Đoàn 2 BB của Đại tá Lâm Văn Phát, và khi vào Quảng Ngãi thì dưới quyền Tư Lệnh Sư đoàn 25BB của Đại Tá Lữ Lan. Tháng 7 năm 1963, Trung đoàn xuống tàu HQ500, di chuyển vào Nam, trấn đóng vùng Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An (lúc này tỉnh Hậu Nghĩa chưa thành lập), đặt dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh Sư đoàn 5BB của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau này). Khi Sư Đoàn 25 Bộ Binh di chuyển vào Nam, chỉ đi vào hai Trung đoàn, Trung đoàn 46BL được sát nhập vào đại đơn vị này, và trở thành đơn vị cơ hữu của Sư đoàn.

Mùa Xuân năm đó, tôi ăn cái Tết đầu tiên trong đời lính. Trong lúc Xuân về Tết đến, mọi người nô nức sắm Tết. Những ai phải làm việc xa nhà đều cố tìm cách về sum họp gia đình. Hành khách chen chúc nhau trên những chuyến xe đò chiều 30 Tết. Nhưng người lính thì phải ở lại đơn vị, không ai được đi phép, phải túc trực ứng chiến 100 phần trăm. Hàng ngày phải tăng cường các hoạt động quanh khu vực trách nhiệm để giữ yên cho người dân ăn Tết, thưởng Xuân. Ngày xưa người lính thú:

“Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thời canh điếm, đêm dồn việc quan”.

Ngày nay người “lính thú” trấn giữ tiền đồn cũng không mấy rảnh rỗi. Phải hành quân, tuần tiểu, phục kích, tiền đồn, hầu ngăn chận địch quân tìm những sơ hở để bất ngờ tấn công tiêu diệt mình, hay xâm nhập về thành phố. Trấn đóng nơi một vùng rừng núi xa xôi, niềm an ủi là những lá thư nhà, những cánh thư người yêu. Thời gian này đài phát thanh Quân Đội chưa có chương trình Dạ Lan, một chương trình rất được những người lính chiến ưa thích, nhưng những người lính thành phố thì cho rằng có vẻ cải lương! Vấn đề nghỉ phép thì thật khó khăn. Một năm, hay may mắn lắm, nửa năm mới được vài ngày phép về thành phố. Nhưng gặp những ngày lễ hay Tết thì mọi giấy phép đều bị hủy bỏ. Do đó, Tết đến chỉ làm khổ lính! Xuân về, Tết đến chỉ làm cho người lính thêm bận rộn. Nhưng dù sao Xuân là Xuân của đất trời, mỗi năm chỉ đến một lần. Và lòng người lính cũng nôn nao chờ đợi. Nếu không có những đòn bánh chưng, bánh tét, và mức kẹo được mang ra từ Hậu cứ, thì người lính cũng không hề biết Xuân về hay chưa:

“Đồn anh, đồn anh đóng ven rừng mai.
Nếu mai không nở, thì anh đâu biết Xuân về hay chưa?”
(Trần Thiện Thanh)

Chiếc xe GMC rời thành phố vào lúc sáng sớm. Xe rời QL 1, tiến vào vùng rừng núi, theo QL 14 để đi Bến Giàng. QL 14 là con đường nối liền các tỉnh Cao Nguyên Miền Trung về đến tỉnh Quảng Nam. Đường chỉ trải đá. Lòng đường hẹp, vừa đủ cho hai xe đi ngược chiều nhau. Hai bên là rừng và núi. Có những vách đá dựng đứng một bên, và một bên là vực thẳm với những khúc sông nước chảy xiết. Nhìn xuống, nếu là những ai sợ cao độ thì sẽ chóng mặt! Xe chở 18 tân sĩ quan, một tài nguyên quốc gia, nhưng không có hộ tống, không cả máy truyền tin để liên lạc. Khi xe đi vào một khúc quanh, phía tay trái là vách núi dựng đứng, phía tay phải là con sông rộng uốn khúc. Màu nước xanh thẳm. Vì lòng đường hẹp, xe phải chạy chậm. Nhưng những người lính mới như chúng tôi nào có thấy nguy hiểm là gì. Trái lại lòng cảm thấy nao nao như tâm trạng của cậu bé trong lần đầu tiên đi đến trường của Thanh Tịnh. Chúng tôi “đi trên con đường dài và hẹp”, vô tư ca hát, và chuyện trò rôm rả. Một tiếng nổ lớn vang dội, kèm theo là những tiếng nổ nhỏ, vài loạt đạn, rồi im bặt. Khói súng, đất đá bay lên mù mịt. Chiếc xe nghiêng hẳn một bên, đâm đầu vào vách núi. Lần đầu tiên chúng tôi đối diện với hiểm nguy, nên thoáng chút hoang mang, sợ hãi. Trên xe không ai bị thương vong, vài người bị xây xát nhẹ. Tài xế cũng vô sự. Xe vẫn nổ máy, nhưng bánh trước bên trái bị bung do sức nổ của trái mìn. Chúng tôi đã may mắn nhờ có người lính tài xế giàu kinh nghiệm, và nhanh trí cầm lái. Khi nghe tiếng nổ, anh đã nhanh trí bẻ tay lái đâm vào vách núi. Nếu địch quân có kinh nghiệm, đặt trái mìn bên lề phải thì chiếc xe đã bị lao xuống vực thẳm. Và Đài Phát thanh Hà Nội hẳn đã có dịp để loan tin “Quân và dân Miền Nam anh hùng đã đánh chặn và tiêu diệt gọn đơn vị ngụy, hạ sát 18 tên sĩ quan ác ôn, bắn cháy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép!” Lối nửa tiếng đồng hồ sau, Đại úy Tú, Tiểu đoàn trưởng 3/46 dẫn một toán lính ra gặp chúng tôi. Đơn vị này hoạt động gần nơi xảy ra tai nạn. Ông nhận lãnh những sĩ quan được phân phối về Tiểu đoàn, còn lại, chúng tôi tiếp tục lên một chiếc xe khác về Bến Giàng.

Bến Giàng, một trong hai địa danh quen thuộc của người dân tỉnh Quảng Nam. Địa danh kia là Bến Hiên. Nơi đây là vùng rừng núi âm u, cách xa thành phố Đà Nẳng lối nửa ngày đường xe hơi. Bộ chỉ huy Hành quân Trung đoàn bố trí trên một ngọn đồi thấp, thoai thoải, sát đường QL 14. Thời gian này VC chưa đủ mạnh để có thể mở những cuộc tấn công các đơn vị chính qui Quân đội Cộng Hòa, chúng chỉ hoạt động rời rạc, nên việc bố phòng không cần lực lượng lớn. Để bảo vệ Bộ chỉ huy Trung đoàn chỉ có Đại đội Chỉ huy và Công vụ do Trung úy Thái Doãn An làm Đại đội trưởng. Trung úy An là Giáo sư Pháp văn của tôi tại Trường Kỹ thuật Huế. Thầy mới được lệnh tái ngũ khi tôi vào lính, sau một thời gian trở lại quân ngũ, thầy lại được giãi ngũ trở về nghề dạy học, và thầy đã bị VC sát hại hồi Tết Mậu Thân tại Huế. Đại đội Trọng pháo do Đại úy Tùng làm Đại đội trưởng. Đại úy Tùng cũng là lính tái ngũ, gốc sĩ quan pháo binh. Lúc này pháo binh chưa nhiều, Trung đoàn chỉ có Trung đội súng cối 106 ly để yểm trợ tầm xa cho các đơn vị trực thuộc, và các Trung đội súng cối 81 ly, 60 ly để phòng thủ.

Đêm giao thừa, chúng tôi thức suốt đêm để ăn bánh mức thưởng xuân, và tăng cường phòng thủ. VC thường lợi dụng những dịp như thế này để mở cuộc tấn công các đơn vị Cộng Hoà. Việc hưu chiến đơn phương để người dân ăn Tết lúc này chưa có. Nhưng dù có, VC vẫn vi phạm, như vụ tổng tấn công và nổi dậy hồi Tết Mậu Thân là thí dụ điển hình. Trời tối đen như mực. Đêm trừ tịch mà! Trời mưa lất phất. Gió núi từng cơn thổi qua làm tung các lều trại. Những người lính gác co ro trong các chòi canh, nhưng mắt không dám chớp, cố nhìn vào đêm đen theo dỏi động tịnh bên ngoài. Đúng giờ giao thừa, các trái đạn soi sáng súng cối 60 ly được bắn lên, soi sáng cả một vùng rừng núi, vừa để đón Xuân, vừa để quan sát. Vài tràng đạn đại liên 30 được kết bằng những viên đạn lửa bắn lên trời, xuyên qua màn đêm, tạo thành những vệt đỏ nối nhau trông rất đẹp mắt. Sau đó là yên lặng. Mọi người ai nấy trở về nhiệm vụ của mình. Đêm đen bao phủ núi rừng. Mưa vẫn tiếp tục rơi, không nặng hạt, giống như mưa phùn đất Bắc. Gió núi vẫn rạt rào, lay động những chiếc lều vải mong manh của người lính, mang đến cái lạnh buốt của mùa Đông. Tôi rùng mình, thấy ớn lạnh. Lần đầu tiên sống nơi rừng núi hoang vu, chiến tranh rình rập, tôi thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên, và mạng sống rất là mong manh trước cuộc chiến. Tôi thấy nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ cảnh sum họp gia đình, quây quần chung quanh bếp lửa đêm 30 Tết. Nhớ nồi bánh chưng, bánh tét sôi sùng sục. Nhớ những lát mức gừng cay, những hạt dưa hấu đỏ. Ở đây cũng có những thứ đó, được mang từ hậu phương lên, nhưng hương vị không phải là hương vị quê nhà! Chưa quen đời lính, tình đồng đội chưa gắn bó, tuổi lính mới tròn một tuổi, tôi cảm thấy tâm tình mình hơi bất ổn và hoang mang. Sáng mồng một Tết, chúng tôi tập trung tại căn lều của vị Trung đoàn trưởng để chúc Tết. Sau đó là cuộc du hành đầu Xuân lên cầu Bến Giàng, rồi tất cả đều trở lại công việc thường nhật của một người lính thú.

Xuân đến rồi đi, không để lại trong lòng người lính một ấn tượng nào sâu đậm. Núi rừng sau cơn ngủ mùa đông giờ đang trổi dậy. Núi đồi bao phủ một màu xanh mơn mởn, tươi da thắm thịt như hình tượng của người con gái đến tuổi dậy thì.

Đất nước đang vào Xuân, nhưng tình hình chiến sự ngày một tồi tệ. Quân Cộng sản Bắc Việt, cùng vũ khí đạn dược của Nga Tàu và khối Cộng sản Đông Âu, theo con đường mòn Trường sơn, đang xâm nhập ồ ạt vào Nam. Bọn đầu lĩnh bắc Bộ Phủ đang chuẩn bị chiến trường. Cường độ chiến tranh ngày một thêm khốc liệt làm cho người lính chiến không có giây phút nghỉ ngơi. Sau khi Quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến, tạo cái cớ chính đáng cho Cộng sản Bắc Việt tăng cường đưa người và vũ khí xâm nhập vào Nam hầu thực hiện mưu đồ thôn tính, và nhuộm đỏ phần đất còn lại này của đất nước thân yêu. Là một lính chiến, ngày này qua tháng khác, băng rừng lội suối, tôi không còn tha thiết với mùa Xuân. Xuân về, Tết đến chỉ làm cho người lính thêm khổ, thêm bận rộn. Thế mà lúc này muốn khổ, muốn bận rộn cũng không được. Người lính giữa đường gãy súng. Rồi những năm tù tội nơi vùng núi rừng âm u ngoài Việt Bắc, tiếp theo là cuộc đời lưu vong tỵ nạn. Hồi tưởng lại mùa Xuân năm ấy, mùa Xuân đầu đời lính, tôi vẫn không quên được những kỹ niệm. Kỹ niệm thì bao giờ cũng đẹp, và đã khắc sâu vào lòng của một tên lính mới.



Michigan, một ngày mùa Đông năm 2008.
Bảo Định Nguyễn Hữu Chế