PDA

View Full Version : Trại Tiên Lãnh



Longhai
03-04-2014, 03:41 AM
Trại Tiên Lãnh


BS Phùng Văn Hạnh.


Trại Tiên Lãnh thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, nằm sâu trong Cao nguyên Trà mi. Trong thời chiến tranh, đây là Chiến khu của Liên khu 5 Việt cộng. Trại cách Tam kỳ và Quốc lộ số 1, độ 50 km. Năm 75, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng có ba trại cải tạo chính : An Điềm, Phú Túc và Tiên Lãnh dành cho Công chức, Đảng phái, Đoàn thể và tù nhân hình sự gồm có lưu manh, trẻ em hè phố, xì ke ma tuý, đĩ điếm. Sau này có thêm tù vượt biên. Quân đội có trại Kỳ sơn theo quy chế tù binh chiến tranh lúc đầu, cuối cùng cũng giao lại cho Công an quản lý. Hàng trăm Sĩ quan dồn lên Tiên lãnh, và trại nầy trở nên quan trọng bậc nhất trong Tỉnh.

Trại Tiên lãnh còn gọi là trại 1. Các trại khác là Na sơn, thôn Năm, thôn Tư cùng ở dưới quyền điều khiển của Ban giám thị trại 1. Nơi tôi lên cuối năm 76 là trại 1. Chừng 40 người tù di chuyển trên một xe GMC cũ. Đường đất bùn lầy, xe chạy chậm. Hai bên đường là rừng rậm. Xe rời Đà nẵng 10 giờ sáng, mãi đến 3giờ chiều mới đến nơi. Xe đậu trong sân ngay trước cổng trại. Tù nhân xuống xe, ngồi chồm hổm hai hàng. Cổng trại bằng gỗ. trên cao có tấm biển đề : “Trại cải tạo Tiên lãnh”. Sát cổng là nhà nhỏ bằng gỗ, lợp tôn. Trong nhà có hai Công an đứng phía sau cầm súng. Phía trước có một Công an ngồi sau cái bàn mà sau nầy mới biết là Cán bộ trực trại. Tên Công an dẫn giải giao bản danh sách tù nhân lại cho tên trực trại rồi lên xe ra về. Tên trực trại lại gần đám tù nhân cùng với tên trật tự. Cuộc lục soát bắt đầu. Lục soát trong người, trong hành lý mang theo. Những vật cấm như quẹt máy, dao, đều bị tịch thu. Xong điểm số rồi đi vào cổng. Người đi đầu hô 1, người tiếp hô 2 và cứ thế tiếp tục cho đến người cuối. Ra trại, điểm số, vào trại điểm số, trước khi vào phòng ban đêm, lại đếm số. Để kiểm soát có ai trốn trại. Trại nằm trên sườn đồi, có hàng rào thép gai bao bọc, vuông vức, mỗi bề độ 300m. Bốn góc có chòi canh.

Từ thấp lên cao có ba mặt bằng. Mỗi mặt bằng có ba nhà tranh dài 60m. Có tam cấp giao lưu giữa các mặt bằng Trại có độ 500 người gồm Chính trị và Hình sự. Chính trị gồm Công chức, Đảng phái, Hội đoàn chống cộng. Hình sự là du đảng, trẻ em hè phố, xì ke ma tuý. Các đội hình sự mang tên Lưu động. (Có lẻ là rút gọn hai chữ lưu manh và lao động ). Có 8 đội lưu động. Các đội Chính trị mang tên kiến thiết chắc là được dùng vào trong việc kiến thiết trại. Đoàn tù chính trị đầu tiên đã trải qua những hải hùng, bắt đi bộ từ Tam kỳ lên dưới mưa dầm. Lên đến Tiên lãnh, thì chỉ là đồi núi hoang vu, vắt búng lia chia, muổi mòng như trấu. Họ đã dãi nắng, dầm mưa, khai quang rừng, san bằng nền, cắt tranh, đốn cây về làm chỗ ở cho mình và cho Đại đội Công an áp giải họ. Họ đã hoàn thành trại giam cho chính mình, và nhà cửa khang trang cho Ban giám thị. Hai khu vực cách xa nhau chừng 200m Có một con suối chia đôi rộng 20m với một cầu ván bắc ngang.

Ngày đầu vào trại, thấy ở đây thoáng mát hơn ở phòng giam Đà nẵng. Mỗi phòng giam là nhà tranh thấp. Tường bằng cây rừng cở cổ tay ghép lại nên gió lưu thông. Chỗ nằm cũng thế. Tối ngủ đau lưng quá chừng, song dần rồi cũng quen. Ban đêm, mở tấm liếp che lối ra vào, ra sân mà tiểu tiện. Đề phòng bị bắn nhầm, mỗi lần ra phải hô to : "Báo cáo Cán bộ có người đi đại tiện ” hoặc “Báo cáo Cán bộ có người đi tiểu tiện”. Đại tiện thì có một nhà cầu công cộng rất lạ đời. Một tấm đan (dalle ) dài 30m, rộng 1m, đặt trên nhiều trụ xi măng cao 1m. Tấm đan ấy có những lỗ cầu cách nhau 1m. Dưới lổ cầu là những thùng thiếc hứng phân. Trên tấm đan là một mái nhà tranh che nắng, mưa. Ngồi đi cầu nghe gió mát rượi. Song nhìn hai bên thấy dái bạn tù co dãn mà muốn cười.

Nhìn xuống lỗ cầu thì rợn người. Dòi lúc nhúc trong thùng phân. Giấy đi cầu rất hiếm, thường là giấy báo cũ. Phần lớn dùng que tre gạt qua đít. Kỷ hơn thì mang theo gô nước để rửa, rồi về rửa tay sau. Tù hình sự lo việc đổ các thùng phân. Mỗi thùng có quai. Chúng xỏ cây vào khiêng đi đổ dồn vào một hố cách chỗ đi cầu chừng 20m. Bên cạnh hố là một đống tro lấy từ các lò nấu cơm nước của cấp dưỡng. Chúng xúc tro trộn vào phẩn để làm phân xanh. Mỗi ngày tổ rau và các đội nông nghiệp đều vào xúc phân đem ra bón rau và ruộng. Tôi đã có nhiều lần bốc phân ấy rải ruộng. Thật gớm ghiếc. Tối về rửa Xà-phòng nhiều lần mà tay vẫn thum thủm. Bọn hình sự còn rửa thùng phân ở suối. Dịch kiết lỵ hay xảy ra vì thế. Dân chúng dọc sông suối chắc cũng bị ô nhiễm. Tại sao nhà nước XHCN lại mù tịt về tai họa phẩn (péril fécal ). Phẩn là ổ của vi trùng đường ruột. Nếu không chôn dấu kỷ sẽ ô nhiểm nước uống thức ăn. Ruồi, bọ sẽ phát tán vi trùng gây bịnh lây lan đường ruột. Bởi thế Tây phương có hệ thống nhà cầu, là một chu kỳ kín. Nước nhà cầu được sát trùng trong nhà máy lọc trước khi trở lại thiên nhiên. Đúng là vận mạng của một nước lại giao vào tay kẻ ngu dốt. Có ba vị đầu Tỉnh ít học, đến xin Lénin rút lui, vì công việc khó quá. Song Lénin bảo cứ làm đi, rồi sẽ thông thạo. Chính quyền Cộng sản Việt nam cũng thế, dùng toàn Đảng viên dốt nát. Đến khi họ thông thạo, thì đất nước đã tan tành, Nhân dân đói khổ.

Trong nhóm tù Chính trị có Xã trưởng, và các thành phần nòng cốt của chế độ Miền Nam giữ gìn nông thôn chống Cộng. Họ là những người đáng khâm phục vì họ đã đứng đầu tên, mũi đạn trong chiến tranh. Nay cũng chịu đày đọa, thống khổ triền miên. Họ rất thông thạo về nông nghiệp cổ truyền. Chính họ bắt đầu khai thác lại những ruộng nấc thang mà trong chiến tranh, đồng bào đã chạy về Thành phố bỏ hoang. Họ rèn dụng cụ nông nghiệp cho trại. Cày, bừa, đạp lúa bằng trâu, trồng mía, đậu phụng, chăn nuôi, trồng rau bầu bí, họ đều thông thạo. Họ đã làm giàu cho trại. Họ xây lò gạch, dựng nhà mộc, nhà máy ép mía và lò nấu đường.

Trước khi trại Kỳ sơn nhập vào Tiên lãnh, nền dốc ba bậc cao thấp của trại đã được 8 đội Lưu động san bằng. Ban Giám thị dùng quỷ sản xuất mua xi-măng. Gạch, ngói, do lò gạch sản xuất. Gỗ sườn nhà do thợ rừng, trại mộc cung cấp. Cửa sắt, song sắt do lò rèn. Chuyên viên xây nhà, cũng là Trại viên. Trên mặt bằng, xây lên 12 căn nhà, có độc một cửa vào đóng lại bằng một tấm sắt, cửa sổ có song sắt. Có 3 cửa sổ hẹp mỗi bên, bề ngang 50 phân. Mỗi nhà bề ngang 5m, dài 30m, cao 3m5, tường gạch mái ngói, có ba phòng, ngăn cách bằng một vách tường, và thông nhau bằng một lối đi ở giữa rộng 1m. Phòng ngoài cùng sát cửa đi vào, vuông vức 5mX5m. Tiếp theo là phòng dài 23m. Phòng cuối là nhà cầu gồm một bồn chứa nước dài, và hai đầu là hai lổ cầu thông với hầm cầu. Đi cầu xong thì múc nước trong bồn dội cho phẩn trôi xuống hầm cầu. Hầm cầu ở ngoài phòng, có nắp che, để tổ phân bón lấy phân sử dụng làm phân bón ruộng, trồng rau cải v.v... Mỗi nhà có hai bệ xi măng dài rộng 2m, cao 50cm. dọc theo bờ tường, là chỗ ngủ cho tù nhân. Nằm như cá hộp, mỗi người được 50 cm bề ngang.

Mỗi người có chiếu cá nhân trải lên trên sàn xi măng cho đỡ lạnh. Dọc bờ tường trên cao, có giá gỗ để chất đồ cá nhân, thường là hai bộ quần áo, và đồ thăm nuôi, cải thiện. Mỗi sáng, nghe kẻng thức, vội vàng dậy, cuốn chiếu mền để sát vào bờ tường. Mỗi phòng có một trực phòng, có nhiệm vụ gánh nước đổ vào bồn chứa, quét phòng, đổ rác, chùi sàn xi măng v.v... Có tường ngăn giữa phòng ngủ và nhà cầu. Mỗi nhà có thể chứa 100 người nằm sát nhau. Tù binh Kỳ sơn lên, chiếm 8 nhà. Cũng kể từ đây tối đến, trại viên bị giam sau cửa sắt kiên cố, chứ không ra ngoài tiểu tiện như trước kia. Ngoài hàng rào thép gai quanh trại với vọng gác, mỗi nhà trong trại đều cách ly bằng hàng rào thép gai bao quanh, chừa một cửa đi vào. Gần cổng trại có hai nhà kỷ luật kiên cố có cùm chung làm bằng một cây sắt dài, một Kỷ thuật mà chỉ nhà tù Cộng sản mới có.

Khi làn sóng vượt biên lan tràn ngoài dân sư, thì trại Tiên Lãnh phải có thêm chỗ để nhốt tù vượt biên. Đó là nhà Ri mà Bác sĩ Sang đã từng bị giam ở đó, tả tỉ mỉ thành một giai thoại. Khi trại xây cất lại nhà Ri cũng bị phá hủy. Đội thợ nề và mộc cũng xây trong khuôn viên trại một Hội trường lớn có ghế dài để ngồi trong những ngày học tập nghe thuyết trình và một Bệnh xá. Khu cấp dưỡng xây lại rộng lớn vì phải nấu ăn hơn 1500 trại viên.

Họ còn xây trước trại một nhà để dụng cụ Nông nghiệp, và một nhà đạp lúa với một sân phơi lót gạch.

Trại nữ, cách trại nam chừng 500m, cũng xây lại bằng gạch ngói. Nhà máy xay gạo, lò đường, nhà thăm nuôi, nhà máy thủy điện, khu chăn nuôi, chuồng heo, trâu, bò, gà, vịt cũng vậy. Trại mua thêm xe tải. Nhà chứa xe xây lại rộng hơn. Các chuyến xe tải chở sản phẩm trại xuống ty Công an cũng tăng lên để tiếp tế cho cấp trên đang sa sút vì lạm phát.

Cơ quan gồm văn phòng, nhà ở Cán bộ. Kho lẫm cũng xây lại khang trang rộng lớn vì trại thu hoạch nhiều lúa và ngũ cốc. Nhà Ban giám thị và Cán bộ có cả những tiện nghi nhà cầu, nhà tắm hiện đại, mua cũng với tiền quỷ sản xuất trại. Nhà Thủy tạ, nơi giải trí của Cán bộ và tiếp đón quan khách, xây trên hồ cá rộng mênh mông. Nhà ăn của toàn thể Cán bộ trại chứa 200 thực khách cùng nhà bếp cũng lợp ngói đỏ. Tất cả cơ ngơi ây dựng trên mồ hôi nước mắt tù nhân. Nói chung toàn cảnh trại là một làng có nhà ngói đỏ, khác hẳn với làng dân chúng gần đó, chỉ nhà tranh lụp xụp.

Sở dĩ trại được xây dựng lại bằng gạch, ngói, là kế hoạch khai thác lâu dài lao động cưỡng bách, bóc lột nước sông, công tù. Khi Kỳ sơn nhập vào, số trại viên tăng lên và nhân lực thêm dồi dào. Trại lại mở rộng diện tích canh tác, đốt thêm rừng trồng sắn, khai thác thêm ruộng nấc thang. Tính cách vô nhân đạo trong sử dụng tù càng ngày càng tăng vì kinh tế chung cả nước đang xuống dốc. Tù nhân quần quật làm tối mắt, ban ngày ngoài đồng, ban đêm tranh thủ, cuối tuần Lao động XHCN :

“Tù nhân làm việc gấp ba,
Cho Ban giám thị xây nhà, mua xe.
Tù nhân lao nhọc bỏ thây
Công an các cấp no đầy nhởn nhơ ”.



Bác sĩ Phùng Văn Hạnh