PDA

View Full Version : Kẻ Ở Miền Xa



Longhai
02-22-2014, 02:53 AM
Kẻ Ở Miền Xa


Đỗ Đức Thịnh


Người lính dưới mắt nhìn của người lính thì họ hoàn toàn khác biệt với mắt nhìn và ý nghĩ của người dân. Ngoài ba lô súng đạn cùng chung chiến trường thì họ cũng bình thường như mọi người. Họ cũng mang đủ thất tình : “Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Bi, Lạc, Dục.” Và trong tập thể của Quân Đội thì nhân tài có quá nhiều, từ những nhân tài tơ lơ mơ cho đến những bậc thầy trứ danh đủ mọi ngành nghề. Một thí dụ nhỏ để dẫn chứng, điển hình trong 12 toán Thám sát của Delta, tôi lại không ngờ sau bộ đồ rằn ri không đeo tên tuổi cấp bậc mỗi khi đi nhảy toán lại có khá nhiều Ca sĩ và Nhạc sĩ tơ lơ mơ. Những ca nhạc sĩ tơ lơ mơ này đã mang đến cho chúng tôi những giây phút thật thoải mái trong những ngày đi hành quân hay ở hậu cứ. Những bản nhạc thời trang, kích động nhạc qua các Ca sĩ nhà nghề trình diễn trên TV hay phát thanh qua làn sóng điện để gọi là “Anh trai tiền tuyến, Em gái hậu phương.” làm sao hát hay hơn được Hạ-sĩ Nguyễn Miễn của Liên toán Thám sát Delta.

Hạ-sĩ Nguyễn Miễn có khuôn mặt chữ điền vuông vức, da sạm đen, tiếng nói lớn. Đầu tóc húi cua nên trên đầu Nguyễn Miễn lại phô trương đủ cỡ đồng hồ Seiko trắng (Sẹo lớn, sẹo nhỏ). Thân hình vạm vỡ sau bộ đồ bông, tay áo sắn lên cao đưa ra hai cánh tay cuồn cuộn bắp thịt xâm đầy hình ảnh rồng rắn. Từ nhân dáng của Miễn tự nó thoát ra một tay hảo hán, tứ chiếng giang hồ và dân nhà binh gọi nôm na là : “Dân chơi bốn mùa lá rụng”. Mỗi lần chúng tôi đi bát phố mọi người thường né tránh ánh mắt nhìn của Miễn. Với vóc dáng Cô hồn như thế nhưng Hạ-sĩ Nguyễn Miễn được Trời ban cho một giọng hát mượt mà truyền cảm nhiều khi dí dỏm. Những bản nhạc Nguyễn Miễn hát đã để lại sâu thẳm trong tâm hồn tôi những ray rức của tháng ngày xưa cũ. Thú thật với các bạn khi còn đi học tôi không mấy khoái Cải lương, Nhạc thời trang mà chỉ chạy theo những bản nhạc Tiền chiến hay nhạc Ngoại quốc nhiều khi khó nhai, khó nuốt. Những ngón đàn Ngoại quốc học lóm của bạn bè để giựt “le” tôi cũng chẳng vớt được con nhạn nào. Cái kiến thức Âm nhạc nửa mùa của tôi, nhiều khi tôi không dám phát biểu ý kiến trong các buổi họp mặt Văn nghệ có các em gái hậu phương thơm phưng phức vì sợ mình bàn trật quẻ. Và tôi càng lớ ngớ hơn khi nghe các em đưa các bản nhạc của Schubert, Chopin, Beethoven ra so sánh rồi đấu hót xem nhạc của ai lãng mạn hơn. Tôi đành cúi đầu bái phục các cô để trở về với cái nhạc thời trang mà Miễn đã truyền lại trong tôi từ lúc nào không biết.

Hai tay đưa lên trời, lắc lắc cái mông trong vũ điệu Twist, Miễn hát “Đời lính chuyên môn giặt quần đàn bà, tay cầm bàn chải tay cầm xà bông, Anh mong làm sao giặt quần cho trắng, giặt xong rồi anh tắm, Ấy ! Lính mà em. Từng từng tưng tưng tưng tứng tưng từng….” Đó là bản “Lính mà em” (1) qua sự sửa lời của Nguyễn Miễn. Những cái ngô nghê têu tếu của Nguyễn Miễn nhiều khi cũng mang chút cay đắng tình đời, qua cái cười mếu máo.

“Đã lâu rồi, đăng lính tính nuôi em nhưng em chê tiền anh ít, thích tiền đô nên em đành lấy Mỹ cho tơ duyên mình bẽ bàng. Và nơi đó em ơi có tiền dư xin “măng đa” về cho anh, ít “ghim” anh xài. Đêm nay binh sập xám, em ơi thua nhiều quá. Em ơi biết cho chăng đời lính ….Binh nhì.” (2)

Thế nhưng có một bản nhạc mà Hạ-sĩ Nguyễn Miễn luôn luôn hát với sự trịnh trọng, và thả hồn mang theo tất cả những rung động của con tim của Miễn là bài “Kẻ ở miền xa” của nhạc sĩ Trúc-Phương.

Năm 1969 khi Trung tâm Huấn luyện Hành quân Delta đi hành quân thám sát đường mòn Hồ chí Minh vùng I chiến thuật. Hành quân Delta 45 và 46. Trung tâm Hành quân đóng ở gần làng Cùa (Mai-Lộc) tỉnh Quảng-Trị. Từ Quảng Trị đi vào làng Cùa là con đường đất độc đạo vừa đủ rộng cho một chiếc xe chạy qua. Con đường ngoằn ngoèo uốn quanh những đồi cỏ tranh vàng úa. Làng Cùa rất nhỏ, làng gồm vài dẫy nhà tranh chung vách chạy dài như Khu gia binh. Đa số dân chúng lập nghiệp ở đây là dân chạy giặc từ Khe-Sanh sau chiến trận khốc liệt năm 1968. Dân tình mộc mạc, sống rất xa phố thị nên họ thật chất phác hiền hòa. Dân chúng sống ở đây một phần lớn cũng là gia đình Binh sĩ của tiền đồn Khe Sanh ngày trước, nên ngoại trừ các bà vợ lính trong làng chẳng có bóng hồng nào còn độc thân để các chàng Kinh-Kha của Delta lâm ly nỉ non ca bài : “Ai cho tôi tình yêu ? để làm duyên nụ cười. Tôi xin dâng tình tôi trọn đời. Người hỡi người , xin đừng e ấp làm tim nghẹn ngào…” (3) Trong cái cảnh thâm sơn cùng cốc ở làng Cùa đó các dũng sĩ Delta đành ngậm ngùi ca bản : “Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá. Tây Ninh nóng nung trời mà trận địa thì loang máu rơi, Đồng Tháp vắng bóng hồng Tôi Yêu Ai ?” (4) Đã không có bóng hồng để mơ tưởng nhớ nhung, và cũng trớ trêu thay, trong những dũng sĩ Delta coi thường mạng sống của mình lại có những tay nhát gái số một. Các tâm hồn đơn lẻ đó lại tả oán đến não nùng : "Chân nghe lạ từng khu chiến thuật, áo đường xa không ấm gió phương xa. Nghìn đêm vắng nhà…” (5) Để sưởi ấm lòng kẻ chinh nhân đóng ở làng Cùa các tửu linh “thợ nhậu” của Delta và tiểu đoàn 81/Biệt Cách Nhảy Dù thường hay ra quán duy nhất trong làng. Quán chị Ba. Quán chị Ba nghèo nàn nhưng chị Ba lại có tấm lòng thật tốt đối với những người lính nghèo như bọn tôi. Chị Ba cho nhậu chịu cuối tháng lãnh lương trả lại. Tiền bạc thanh toán sòng phẳng nên các đại ca Huấn, đại ca Quế không hay biết thuộc cấp của mình đã vi phạm lệnh cấm.

Căn cứ Hành quân của chúng tôi đóng cách làng Cùa khoảng 1 cây số. Những dẫy bạt (Lều lớn cấp Trung đội) dựng lên trên những trảng cỏ tranh lớn. Chung quanh lều có chiến hào, hố phòng thủ cá nhân do máy móc của LLĐB Hoa-Kỳ đào hộ. Những mái lều xanh màu Olive chen lẫn vào màu cỏ tranh vàng hòa lẫn bụi đất đỏ. Xa kia là dẫy núi Trường Sơn chập chùng. Gió núi nóng hun hút từ hạ Lào thổi về chốn khô khan, đồng không mông quạnh cho tôi thấm thía hơn khi nghe câu hát : "Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá…” (6)

Từ Trung tâm Hành quân ở gần làng Cùa này, các toán Thám sát Delta được phi đội trực thăng 281 của Hoa-Kỳ bay thả vào đường mòn Hồ chí Minh, đường mòn số 9… Những ngày chờ đến lượt toán của mình ở làng Cùa dài như bất tận. Các bản báo cáo hành quân của các toán đi trước, tình hình địch, hứa hẹn nhiều căng thẳng sau dãy núi Trường Sơn kia.

Để giải trí cho các Toán thám sát, bộ Chỉ huy Delta mỗi tuần thường hay chiếu ngoài trời các phim rất mới vào thời ấy. Các phim như Yellow Submarine của The Beatles, phim Cao bồi The Good, The Bad and the Ugly, phim chiến tranh Hell in the Pacific vv…chưa chiếu ở ngoài rạp, nhưng chúng tôi đã được xem ở một địa danh ít người biết đến. Ngoài ra khi có Chương trình TV của đài Truyền hình Huế, bộ Chỉ huy mở TV lên cho anh em thưởng thức. Việc bắt sóng không được tốt lắm nhưng anh em cũng theo dõi tận tình. Đa số những người lính trẻ như Miễn thích các chương trình nhạc thời trang nên khi nào có Phương Hồng Quế, Chế Linh, Duy Khánh…Hùng Cường, Mai lệ Huyền là các chàng ngồi nghe chật lều. Có nhiều đêm chương trình phát tin tức dài, sau tin tức mới đến chương trình văn nghệ. Lính ngồi chờ mỏi cổ sau đó người xướng ngôn viên giới thiệu đến Ban nhạc Tiếng Tơ Đồng thì tiếng Hạ-sĩ Mai Bông bất mãn ra mặt : "Thôi đi dzìa “Bắn máy bay”, ở đó nghe bà nội Thái Thanh ré lên là “Xe Hoa Ra Nghĩa Địa” ? Họ “hạ bia” giải tán một cách mau chóng. Các bản nhạc có âm hưởng dài lê thê, lời nhạc sâu xa có vẻ trừu tượng không len được vào tim óc Mai-Bông, Nguyễn Miễn. Nhưng trong chương trình phát thanh có nhạc thời trang chỉ cần nghe các lời bàn tán của đám lính chúng tôi vừa nghe vừa bàn tán, những cái bàn tán đã phụ chú mặn mà thêm cho bài hát. Trên TV chàng Ca sĩ trong bộ Quân phục ủi hồ thẳng nếp dang uốn éo ca : “Từ xa tôi về phép, hai mươi bốn giờ tìm người thương trông người thương, chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà…” (7) Ôi đang nằm ở nơi khỉ ho cò gáy mà làm sao bạn hình dung được bước chân mình đang lê bước vội vã về nhà. Để rồi lính Delta nhà ta lim dim tưởng tượng :" Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về. Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi…” Độc thân như bọn tôi tình yêu dư đủ để cho, nhưng không có người nhận nên nếu có 24 giờ phép các chàng đành ra sông Hương đi “lắc đò” hay tác xạ tình yêu ở ngã ba chú Ía. Hãy nghe Trung sĩ Thiểu tán thêm : " Nếu tao về phép đúng ban ngày, việc đầu tiên là…” Đánh đêm là nghề của bọn tôi, nhưng còn ban ngày Trung sĩ Thiểu phải dùng kế “Điệu hổ ly sơn” với thằng con trai 6 tuổi.

- Cu Tí ! ba cho con mười đồng ăn kẹo, chạy ra quán bà Xia đong thêm cho ba ly rượu đế thiệt đầy đem về đây. Đi cẩn thận không được tràn giọt nào ra ngoài nghe mậy ?

Chị vợ đang tắm sau nhà, Trung sĩ Thiểu nhà ta cười khoái chí ôm súng lên giường để “Anh cho em tất cả em ơi, Ta đưa nhau lên đỉnh tuyệt vời…” Ngoài quán bà Xia, thằng cu nhỏ hai tay ôm ly rượu, mắt chong chong giữ cho ly rượu không tràn đang lết chân bước từng bước nhỏ trở về nhà.

Có những đêm buồn, ngồi trong lều tôi lấy đàn Guitare của con nhà Lễ ra dạo nhạc chơi, thế nào Hạ-sĩ Nguyễn Miễn cũng rề tới.

- Ê ! Thịnh đệm cho tao ca bài “Kẻ ở miền xa” đi mày.

- Ừa ! Đm. Thằng Miễn ca “Kẻ ở miền xa” còn hay hơn Duy Khánh. Trung sĩ Trương cư Chính chõ miệng nói vô.

- Đm tụi mày đừng có cười, Thịnh mày cứ đờn cho tao luyện giọng, Đm rồi có ngày tao cũng hát hay như Duy Khánh.

- Mày có giọng nhưng ca trật bù lon, tao nghĩ mày đi bán thuốc mại võ sơn đông, thay thế cho con khỉ nhỏ đạp xe đạp chắc lượm tiền. Vừa nói Hạ-sĩ Mai Bông đứng dậy nhe răng quay mặt qua bên trái, bên phải hai tay khuỳnh lại gãi gãi bên hông chân co chân chống như đang đạp xe đạp.

- Thôi đủ rồi Bông để nó ca cho mày.

Tôi can ngăn khi nhìn thấy con nhà Miễn bị chọc quê hơi quá đáng. Tôi dạo đàn Guitare theo nhịp điệu mùi mẫn Boléro. Thằng Miễn mắt lim dim mơ màng, tay phải đưa ra trước mặt như đang cầm Micro, tay trái hơi đưa ra như đang nâng nhẹ sợi dây Micro vô hình đi qua đi lại như đang ở trên sân khấu chờ tiếng đàn đệm dứt câu nhạc để bắt đầu ca. Tai chàng đang chăm chú nghe tiếng đàn “Tắng tăng tăng tằng tăng tằng” Trung sĩ Chính cười hề hề “Dzô”.

“Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ, nhiều Đông lắm Hạ năm tháng đi qua, thiếu bóng đàn bà. Người nâng Lính khổ viết bởi câu ca Vì Tiền hay thiết tha…Xin đối diện một lần bên tôi, cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi. Đến với tôi, hãy đến với tôi. Đừng yêu lính….bằng lời….” Lời ca mộc mạc nhưng trong khung cảnh buồn như chấu cắn ở Căn cứ hành quân làng Cùa thật sự đang gặm nhấm thấm sâu vào nỗi suy tư của những thằng lính như bọn tôi. Lời ca của Miễn đang phá tan cái yên lặng của một đêm cô đọng những tâm hồn xa nhà. Giọng Miễn ngọt ngào quanh tiếng đệm đàn Guitare. Nó đang miên man “Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc…Thèm trong hãi hùng, tiếng hát môi em, tiếng hát ngọt mềm…Ngoài kia súng nổ ổ.. ổ.. ổ.. ổ.. ổ.. ổ..” Miễn đang say sưa ngân dài chữ nổ cho giống Duy Khánh ngân bỗng có tiếng của Hạ-sĩ Mai Bông hát chen vô “Đào lỗ chôn anh” Cả bọn phá ra cười bò lê bò càng, cười sặc sụa. Con nhà Miễn đang say sưa diễn tả bị hạ sĩ Mai Bông thọc cây gậy lãng nhách vô bánh xe nên cụt hứng.

- Đm. thằng Mai Bông ! Đm. thằng Mai Bông ! Hạ sĩ Miễn chửi thề.

Những cái Tiếu ngạo giang hồ đó là chuỗi ngày vui sống của bọn lính tôi. Chiến trường mỗi ngày mỗi khốc liệt, thằng biệt phái về đơn vị này, đứa tình nguyện về Binh chủng khác, mỗi thằng một ngả. Nhưng người lính nào dù có ở đâu, cũng vẫn tay ôm súng, chân mang giầy trận đi khắp nẻo quê hương để diệt thù. Và từng ngày, từng đêm súng vẫn nổ nên chuyện “Đào lỗ chôn anh” là chuyện dĩ nhiên thường tình đối với người lính. Nhưng kẻ ở miền xa Nguyễn Miễn đã bị Hạ-sĩ Mai-Bông chôn tức tưởi trong đêm tối ở làng Cùa trong tiếng cười vang vang của lính Thám sát Delta.

Giờ này mỗi đứa một phương trời, sau bao nhiêu năm lưu lạc. Một đôi khi rỗi rảnh mở nhạc lên nghe, những lời ca của bản nhạc đã làm tôi chao đảo, hụt hẫng…

“Người ngỡ đã xa xăm, nhưng người vẫn quanh đây…” (8) Nguyễn Miễn ơi ! Giờ này mi ở đâu ?


Đỗ Đức Thịnh


Chú thích : Tên của các bản nhạc chính :
(1) Lính Mà Em - Anh Thy
(2) Đêm Buồn Tỉnh Lẻ - Tú Nhi
(3) Ai Cho Tôi Tình Yêu - Trúc Phương
(4) (5) Trên 4 Vùng Chiến Thuật - Trúc Phương
(6) Không nhớ tựa và tên Tác giả
(7) 24 giờ phép - Trúc Phương
(8) Tình Nhớ - TCS