PDA

View Full Version : Cánh Dù Bay Xa



Longhai
02-20-2014, 12:08 PM
Cánh Dù Bay Xa


Nam Thảo


Lời nói đầu : Mẫu chuyện ngắn sau đây được góp nhặt từ những mãnh vụn đó đây trong đời Quân ngũ tầm thường của một cựu Quân nhân QLVNCH. Có chi tiết có thể không đúng một trăm phần trăm. Những lời kể lại trong chuyện hoàn toàn vô tư.

Tuy nhiên, nếu câu chuyện đơn sơ có mục đích để giải trí ngắn ngủi nầy có chỗ nào không được vuông tròn, người kể chuyện cầu mong đọc giả bỏ qua và tha lỗi cho.

Nam Thảo


***

Lính Của Người Yêu.

Vào khoảng giữa hay gần cuối năm 1963, với cao trào Tòng quân diệt giặc, tôi được trở thành một Sinh viên Sĩ quan Trừ bị khóa 17 Thủ Ðức.

Sau những tháng thuộc lòng với bản “Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn. Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang...” và trận bò hỏa lực cuối cùng của giai đoạn một, chúng tôi được lên giai đoạn hai và có quyền mang lon con cá có đuôi.

Nhờ chó ngáp phải ruồi khi thi trắc nghiệm ở trường Võ bị Thủ Ðức, tôi được chọn về ngành Quân Nhu.

Vài ngày sau khi được gắn lon đàn anh, ai thuộc Ngành nào được đưa về Ngành đó để tiếp tục học giai đoạn hai. Sáng hôm đó có nhiều chiếc xe GMC của các Quân trường chuyên môn đến chở Sinh viên Sĩ quan được tuyển chọn về thụ huấn. Tôi và một số đông bạn bè về ngành Quân Nhu nên được hai chiếc xe GMC của trường Quân Nhu chở về trường Quân Nhu lúc đó ở Biệt Khu Thủ Ðô trong trại Lê văn Duyệt.

Khi xe chạy ra khỏi cổng trường Võ bị Thủ Ðức, tôi bỗng nghe đâu đây tiếng hát khàn khàn của một anh bạn nào ngồi đâu đó. Anh ta ca mấy câu trong bản Người Yêu Của Lính của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Tiếng hát của anh tuy không ngọt ngào, nức nỡ, nhưng cũng êm êm, nghe không đến nỗi nào :

Nếu em không là người yêu của lính.
Em sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh ?

Quân Nhu Dù

Khóa Sĩ quan Quân Nhu của tôi học năm đó là khóa Sĩ quan căn bản Quân Nhu đông nhất từ trước tới giờ. Khóa nầy có tới 75 Sinh viên Sĩ quan.

Tôi nhớ chương trình học có rất nhiều môn : nào là môn Thực phẩm Quân trang, môn Nhiên liệu, môn Chung sự, môn Quân khuyển, môn Tiếp tế thả dù và Tồn trữ dù, v.v... Trong các môn học nầy, tôi thích môn Tiếp tế thả dù nhất.

Ngày xưa hình như trước năm 1970, ngành Quân Nhu có hai đơn vị dù : Thứ nhất là Liên Ðội 91 Tiếp Tế Thả Dù và thứ hai là Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chửa Dù. Sau năm 1970, hai đơn vị nầy sáp nhập lại thành Căn Cứ 90 Tiếp Tế Và Sửa Chữa Dù.

Liên Ðội 91 Tiếp Tế Thả Dù đóng ở sát bên trường đua Phú Thọ, bên phải là một đơn vị Truyền Tin và bên trái hình như là Doanh trại của Lực Lượng Biệt Cách Dù trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Liên Ðội 91 Tiếp Tế Thả Dù trực thuộc ngành Quân Nhu, nhưng nhận lệnh hành quân trực tiếp từ Bộ Tổng Tham Mưu. Ðơn vị nầy là một đơn vị Tiếp tế Không vận duy nhất của Quân lực VNCH lúc bấy giờ.

Tuy được gọi là lính Quân Nhu, nhưng trước khi được phục vụ tại đơn vị nầy, Quân nhân của Liên Ðội 91 TTTD cũng như Quân nhân trực thuộc Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chữa Dù, đều phải trải qua một khóa Huấn luyện nhảy dù giống hệt những Quân nhân tác chiến Nhảy dù khác.

Nhiệm vụ hành Quân chính của Liên Ðội 91 TTTD gồm có : Dùng phi cơ để thả dù lương thực, Nhiên liệu, Vũ khí, Xe vận tải, v.v… cho các tiền đồn và cho các đơn vị tác chiến trong những trận chiến lớn nhỏ.

Ngoài ra, Liên Ðội 91 TTTD còn có trọng trách thả hỏa châu ban đêm trên các tiền đồn hay trên những mặt trận đang đánh nhau để Quân lực ta phòng thủ hay tấn công.

Nhảy xuống chiến trường thu hồi những chiếc dù thả tiếp tế đem về đơn vị để xử dụng lại ngay trong trường hợp khẩn cấp cũng là một nhiệm vụ hấp dẫn của Liên Ðội 91 TTTD.

Trong khi đó, Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chữa Dù nằm gần Viện Hoá Ðạo ngày xưa, chuyên môn lo công việc tồn trử và sửa chữa dù. Tất cả dù gồm dù nhảy và dù để thả tiếp tế Không vận đều được tồn trữ và sửa chữa tại căn cứ nầy. Cũng như Liên Ðội 91 TTTD, Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chửa Dù là một đơn vị tồn trữ và sửa chữa dù lớn nhất và độc nhất của Quân lực VNCH ngày xưa.

Quân nhân của hai đơn vị nầy được Bộ Tổng Tham Mưu cho đội mũ đỏ và mặc Quân phục Nhảy dù vì nhiệm vụ tiếp tế nguy hiểm có tính cách tác chiến từ trên không của họ.

Quân Nhu cũng có hoa Dù.
Chín mươi (90) Chín mốt (91) kẻ thù cũng kiên.
Nắng chiều giọt ngã nghiêng nghiêng.
Dù bay bãi chiến ưu phiền đối phương.

Giấc Mơ Làm Cánh Hoa Dù.

Lúc bấy giờ, môn Tiếp Tế Thả Dù do Thiếu úy Vinh phụ trách. Thiếu úy Vinh có vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm trang và trông rất “chì”, nhưng rất cởi mỡ và dễ dãi.

Sau nầy, Thiếu úy Vinh được lên Đại úy và tình nguyện về Sư đoàn dù, tốt nghiệp Nhảy dù điều khiển và đã từng nhảy dù tự do (free fall) biểu diễn trong các buổi nhảy dù biểu diễn. Ðại úy Vinh trước khi Sài-Gòn thất thủ, là một Thiếu tá của Sư đoàn dù tham dự nhiều trận đánh đấm trên khắp 4 miền Chiến thuật.

Trong giờ học về môn Tiếp Tế Thả Dù, thấy Thiếu úy Vinh mặc bộ Quân phục Nhảy dù, tôi bỗng nhiên có cái cảm tưởng mình có duyên số với bộ Quân phục nầy.

Tôi đã có ý định xin về phục vụ tại Liên Ðội 91 TTTD lúc chưa ra trường. Vì vậy lúc mãn khóa, khi Thiếu úy Vinh lên trường SQTÐ chọn Sĩ quan về phục vụ cho Liên Ðội 91 TTTD, Thanh, Vĩnh và tôi đưa tay lên chọn ngành nầy. Còn hai anh Hân và Ninh thì chọn về Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chửa Dù.

Tôi đi làm lính Quân Nhu.
Thấy bê-rê đỏ áo Dù lại mê !
Ðưa tay lựa chỗ đi về.
Nguyện tình bay thả chưa hề thở than.

Lính Mới.

Hình như khóa Sĩ quan 17 Thủ Ðức mãn khóa vào khoảng giữa năm 1964. Tất cả chúng tôi được móc cái lon Chuẩn úy vàng khè mới toanh. Tôi được nghỉ phép hình như một tuần lễ trước khi trình diện đơn vị.

Bảy ngày nghỉ phép không mấy chốc đã hết. Tôi lên Sài-Gòn để trình diện đơn vị. Sáng hôm đó, với áo quần, giày nón đâu ra đó, chúng tôi ba lính mới tò te đến trình diện Liên Ðội 91 TTTD rất đúng giờ.

Chỉ huy trưởng Liên Ðội 91 TTTD lúc đó là Đại úy Tự. Ông Tự là người Huế, dáng người có vẻ ốm nhưng không yếu. Giọng Huế của ông trong ấm và rất Huynh đệ chi binh.

Sau mấy phút chào hỏi, Đại úy Tự mời chúng tôi ngồi và ông bắt đầu thuyết trình cho chúng tôi nghe về tổ chức, Quân số và điều hành của đơn vị nầy.

Tôi còn nhớ mài mại trong đầu : Liên Ðội 91 TTTD có hai chi đội hành quân và một Trung đội hành chánh. Mỗi chi đội có hai Trung đội. Ðơn vị được đặt dưới quyền Chỉ huy của Đại úy Tự và Chỉ huy phó là Trung úy Hoàn.

Ðại úy Tự có lúc được chuyển qua làm Chỉ huy trưởng Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chữa Dù. Trong thời gian được biệt phái ra Ðà Nẵng, tôi có gặp ông Tự một lần, nhưng lần nầy ông không còn thuộc ngành Quân Nhu dù nữa.

Khi Liên Ðội 91 TTTD và Kho 90 Tồn Trữ Và Sửa Chữa Dù được sáp nhập lại thành Căn Cứ 90 Tiếp Tế Và Sửa Chữa Dù vào khoảng năm 1970, Trung tá Nguyễn Ngọc Hoàn đã từng làm Chỉ huy trưởng Căn cứ nầy một thời gian.

Trở lại buổi trình diện đơn vị của chúng tôi, tôi nhớ sau khi giới thiệu tổ chức và điều hành của đơn vị, Đại úy Tự cho chúng tôi biết trước khi được bổ nhiệm chính thức về Trung đội, chúng tôi phải trải qua một khóa học Nhảy dù ở Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù nằm trong phi trường Tân Sơn Nhất.

Ðã ngao ngán học hành theo kiểu nhà binh quá lâu rồi, nay lại phải tiếp tục đi theo con đường dồi mài kinh sử nầy nữa, tôi thấy ớn quá ! Tuy nhiên, chúng tôi đã biết trước chương trình học tập nầy rồi, nên trong lòng ngoài mặt vẫn cười vui, hăng hái lên đường.

Bắt tay niềm nỡ mời ngồi.
“Xếp” trông vui vẻ bổng hồi mã thương :
“Anh đi một tháng sương sương.
Nhảy dù dễ ợt học đường gần đây”

Nhảy Dù

Sáng nào chúng tôi cũng ngồi xe GMC lên Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù ở Tân Sơn Nhất để học Nhảy dù.

Chương trình huấn luyện nhảy dù kể cũng gay go. Trước khi chính thức được trở thành Khóa sinh khóa nhảy dù, chúng tôi phải thử sức và chạy bộ nhiều ngàn thước với đầy đủ trang bị hành quân để chứng tỏ có đầy đủ sức khỏe theo học khóa nầy.

Tôi và hai anh bạn Thanh, Vĩnh đều chứng tỏ sức khỏe còn ngon lành mặc dù cả sáu tháng ở trường Quân Nhu chúng tôi không có cơ hội tập luyện leo trèo và bay nhảy.

Ở giai đoạn đầu, tôi nhớ chúng tôi phải học cách mang dù, cách nhảy từ phi cơ ra, cách kiểm soát và lái dù, cách đáp thế nào cho khỏi bị thương tích và cách thu lượm dù sau khi đáp xuống đất. Trong giai đoạn nầy, chúng tôi còn học cách nhảy ra khỏi phi cơ để quen cao độ và học cách đáp để quen tốc độ lúc chạm mặt đất với các đài cao 4 thước, 11 thước (Chuồng cu) và 12 thước (Dây tử thần). Chúng tôi cũng phải học qua cách thức làm sao tránh dù lôi khi đáp xuống trong cơn gió.

Giai đoạn hai là giai đoạn nhảy dù thật sự.

Trong thời gian thụ huấn Nhảy dù ở Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù, tôi có hai kỷ niệm khó quên : Thứ nhất là lúc tập té và thứ hai là lúc nhảy chuồng cu.

Những bài học tập té nằm ở giai đoạn một trong tuần lễ đầu. Hồi ở quân trường Thủ Ðức, tôi quen tai với những khẩu lệnh như : “Ðàng trước ! Bước !”, “Ðứng lại ! Ðứng !”, v.v… Ngày đầu ở Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù, tôi được nghe một khẩu lệnh hơi mới lạ. Ðó là khẩu lệnh : ” Té bên trái ! Té !” Rồi mấy ngày sau đó, tôi lại được nghe thêm khẩu lệnh mới : “Té bên phải ! Té !, Té đàng sau ! Té !”.

Chúng tôi phải học té thật đúng cách để tránh bị gảy chân khi đáp dù xuống đất lúc có gió mạnh. Chúng tôi tập té hết bên trái qua té bên phải. Hết té bên phải qua té đang trước. Hết té đàng trước đến té đàng sau.

Trong thời gian tập té, có một anh bạn mang lon Chuẩn úy vàng khè đứng kế tôi thật là một tổ sư bồ đề. Sao anh ta té cách nào cũng gọn lõn ! Hỏi ra thì tôi mới biết trước khi vào Quân ngũ, anh đã từng là một “Cao thủ võ lâm” tứ đẳng huyền đai môn Nhu đạo.

Còn tôi thì cứ phải té lên té xuống, vì mỗi lần té không đúng cách, tôi lại bị mấy ông Huấn luyên viên bắt phải té lại !! Cứ té như vậy mà té suốt ngày từ sáng tới chiều. Ðến tối về, tôi cảm thấy thân thể mình như bị nhừ tử ra từng mãnh !

Nhảy chuồng cu cũng ở giai đoạn một, nhưng có lẽ trong tuần lễ thứ hai. Chuồng cu là một cái đài được xây cất giông giống như phần bên trong của chiếc phi cơ C47. Nhà nầy cao khỏi mặt đất khoảng mười một thước. Trước khi nhảy thật sự từ phi cơ ra ngoài, khóa sinh phải tập nhảy với cái chuồng cu nầy. Tất cả những tác động từ chuẩn bị đến nhảy ra ngoài ở đây đều giống hệt như ở trên máy bay thật.

Sau khi khệ nệ với bộ dù giả gồm dù lưng và dù bụng và leo lên mấy chục nấc thang, chúng tôi mới đi vào được cái chuồng cu ác nghiệt nầy. Chúng tôi phải đứng theo thứ tự. Huấn luyện viên kiểm soát dù lưng, dù bụng và dây đay đâu ra đó như đi nhảy thực sự.

Rồi khóa sinh đuợc lệnh móc cái móc dù lưng vào một sợi dây cáp to lớn treo trên đầu. Lúc nầy tôi mới thấy ớn vì chuồng cu cao quá, mà mình lại phải phóng đại từ đây xuống đất ! Mặc dù khi nhảy ra, người nhảy được treo chạy theo một sợi dây cáp theo kiểu nhảy dây tử thần ở Thủ Ðức. Tôi nghĩ chơi cái kiểu nầy giống như là mình nhảy để tự vận vậy !

Sau kiểm soát đủ thứ, Huấn luyện viên ra lệnh nhảy. Khi nghe lệnh nhảy, Khóa sinh không được chần chờ, mà phải ôm dù phóng ngay ra khỏi chuồng cu, đầu phải cuối sát ngực, hai chân phải chụm lại.

Sau khi phóng ra khỏi chuồng cu, người nhảy dù phải lập tức la to lên : “341 ! 342 ! 343 ! 344 !”. Chúng tôi được dạy, sau khi la đến số 344 mà dù lưng không mở, kẻ nhảy dù phải lo mở dù bụng cho kịp lúc. Nếu dù bụng không được mở đúng cách và đúng lúc, thì cuộc đời của dân Nhảy dù kể như rồi !

Ba trăm bốn bốn anh ơi !
Dù lưng phải mở cho đời đong đưa.
Nếu dù dây vẫn cù cưa.
Mở mau dù bụng để trưa còn về.

Tôi còn nhớ hồi xưa kế bên cái chuồng cu nầy có một cái quán bán các thức ăn và uống cho các Quân nhân Khóa sinh Nhảy dù. Hình như quán nầy có một cô gái tuổi vừa đôi chín giúp bán các thức ăn uống. Nhan sắc của cô cũng rất dễ coi.

Nhiều khóa sinh hay đến uống La-ve trước khi bước lên chuồng cu. Tôi không biết mấy anh chàng nầy uống La-ve cho đã khát, để thừa dịp chiêm ngưỡng sắc đẹp của cô nàng hay là “Để cho khỏi phải” ngần đi ngại lại khi sắp phóng người ra khỏi chuồng cu !

Ra Đi Khắp Nơi Xa Vời.

Sau khi đi học Nhảy dù hình như khoảng một tháng và trải qua sáu lần nhảy ban ngày và một lần nhảy ban đêm, tôi tốt nghiệp bằng… Nhảy dù, rồi trở về đơn vị bắt đầu sống với đời lính thực sự một trăm phần trăm chớ không phải nói chuyện giỡn nữa.

Lần bay thả tiếp tế Không vận đầu tiên của ba anh em chúng tôi gồm Chuẩn úy Thanh, Chuẩn úy Vĩnh và tôi. Chuyến bay thả nầy do Thiếu úy Vinh (Thầy của chúng tôi lúc còn ở trường Quân Nhu), lúc đó là Chi đội trưởng Chi đội 2, Chỉ huy và hướng dẫn. Tôi còn nhớ đây là chuyến bay thả cho một đơn vị của quân ta đóng trong vùng Năm Căn ở Cà Mau.

Ðúng 5 giờ sáng, chúng tôi chia nhau ngồi trên hai chiếc GMC đầy ấp với những kiện hàng trong đó chứa những thùng đạn 105 ly và hỏa pháo của nó. Xe chạy từ Phú Thọ đến phi trường Tân Sơn Nhất mất khoảng 15 phút. Vào phi trường, Thiếu úy Vinh liên lạc với Sĩ quan Hành quân của Không lực VNCN để biết thêm chi tiết chất hàng.

Chúng tôi bay thả với phi cơ C 47 của Không quân Việt Nam. Lúc bấy giờ, Không lực VNCH chỉ có loại phi cơ nầy để chuyên chở Quân nhân và hàng hóa. Sau nầy để Việt Nam hóa chiến tranh Việt, Mỹ mới bắt đầu viện trợ cho quân ta phi cơ loại C 119, C 123 và C 130. Hai loai phi cơ C 47 và C 119 đều được Không quân Mỹ dùng hồi Thế chiến thứ hai, rất cũ. Trong thời gian quân Mỹ được rầm rộ đổ vào Việt Nam, chúng tôi mới được bay thả với phi cơ loại C 123 và C 130.

Phi cơ C 47, như đã nói, là phi cơ Vận tải nhỏ, thuộc loại cổ lỗ sĩ. Vì kích thước phi cơ không lớn, nên hàng hóa được chuyên chở cũng không được nhiều lắm.

Sau khi chất hàng lên máy bay xong, tất cả chúng tôi vào chỗ ngồi và nay nịt đâu ra đó. Những kiện hàng đạn 105 ly nằm giữa lòng phi cơ từ trước tới sau, chiếm gần hết chiếc phi cơ. Nhìn những kiện hàng chết người nầy, trong đầu tôi hơi thắc mắc : “Nếu rủi ro một viên đạn vô tình nào của đối phương bắn trúng vào chỗ độc, chắc chiếc C 47 nầy phải tan tành và xác thịt của mình không biết sẽ bay về đâu !”

Tôi thấy năm bảy chiếc dù điều khiển nằm gần bên tôi, nhưng không ai màn để ý tới.

Chiếc C 47 gầm gừ chạy ra phi đạo, rồi cất cánh trực chỉ về miền Hậu giang, mang theo hơn 15 sinh mạng và một máy bay chứa đầy những viên đạn cùng hỏa pháo 105 ly.

Sau gần khoảng một giờ lướt gió tung mây, chiếc C 47 đã đến địa điểm thả hàng. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị thả hàng. Mọi người cùng đứng dậy một lượt và riêng tôi thấy hồi hộp trong lòng.

Cánh cửa sau đuôi của chiếc C 47 được anh Trung sĩ Cơ khí Không Quân mở ra. Chiếc máy bay vì đang xuống thấp nên cứ chông chênh như không thích nằm yên. Những luồng gió lạnh và rất mạnh thừa dịp nầy thổi thốc vào trong lòng phi cơ làm tôi phải cố gắng để đi đứng được vững vàng.

Tất cả chúng tôi kể lính với quan, mỗi người tập trung tư tưởng thi hành nhiệm vụ của mình như một cái máy. Chúng tôi có mang theo dây đay an toàn và trên phi cơ cũng có những dây đay an toàn, nhưng không ai mang vào người, vì để không như vậy chúng tôi xoay trở dễ dàng hơn. Chúng tôi tháo gở dây đai chằng giữ những kiện hàng, kiểm soát những móc dù thả vật liệu trên những kiện hàng lần cuối. Những kiện hàng đạn và hỏa pháo 105 ly sẳn sàng được đẩy ra khỏi phi cơ.

Chiếc C 47 nghiêng cánh bay thêm vòng thứ ba. Tôi nhìn xuống đất thấy cây cối, nhà cửa phía dưới cũng nghiêng theo. Tiếng máy bay từ hồi nãy đến giờ vẩn ù ù đều đều liên tục. Tốc lực bay của nó cũng không thay đổi. Nút đèn màu đỏ chuẩn bị thả hàng vẩn còn cháy trên bảng báo hiệu nằm gần đó.

Bổng nhiên, dường như bị điện giựt, con đại bàng C 47 gầm to lên, rồi vụt cấm đầu xuống với một tốc lực nhanh khủng khiếp. Sức ép của không khí lúc phi cơ xuống thấp đè nặng vào lồng ngực của tôi. Chúng tôi biết trước đã đến giây phút thả hàng. Chiếc C 47 càng xuống thấp hơn. Tôi thấy dưới đất có làn khói trắng bay lên cao. Con chim sắt C 47 thình lình lại chuyển mình bay bổng trở lên. Một phen nữa tôi bị lộn ruột.
Lúc đó tiếng chuông báo hiệu thả hàng reo vang và nút đèn xanh trên bảng báo hiệu nổi lên. Tất cả chúng tôi dùng hết sức mình đẩy những kiện hàng ra khỏi máy bay. Kiện hàng cuối cùng bay ra.

Mọi việc xảy ra như chớp nhoáng. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhìn theo những kiện hàng bay ra khỏi máy bay đang lơ lửng dưới những chiếc dù trắng phao phao.

Anh Trung sĩ phụ tá Cơ khí Không Quân nhìn chúng tôi vừa cười toe toét :

- May quá ! Lần nầy mình không ăn đạn của Việt Cộng !

Trung sĩ Sáng cười hề hề :

- Anh biết tại sao không ?

Anh Trung sĩ Không Quân nhìn Trung sĩ Sáng, hai mắt mở lớn :

- Tại sao ?

Trung sĩ Sáng tỉnh bơ :

- Tại vì lần nầy có tôi đi !

Anh Trung sĩ Không Quân đưa ngón tay cái lên :

- You’re Number one !

Rồi cả hai anh Trung sĩ cùng cười lớn lên trong tiếng trời gầm của máy bay.

Chiếc C 47 bây giờ quay đầu bay trở lại Sài-Gòn. Chuyến thả dù tiếp tế đầu tiên của chúng tôi kể như được hoàn thành.

Trên đường về Sài-Gòn, có người ngồi nhắm mắt ngủ gà ngủ gật, có người ngồi hút thuốc lá để quên mệt và quên đời. Thiếu úy Vinh hỏi tôi :

- Anh thấy sao trong chuyến thả đầu tiên nầy ?

Tôi nhăn mặt :

- Tôi thấy hồi hộp lúc máy bay cắm đầu xuống quá !

Thiếu úy Vinh tỉnh bơ :

- Nếu nó cắm xuống luôn thì bà xã mình khỏe chớ có gì mà lo !

- Tôi mới có bồ thì làm sao có bà xã !

- Vậy thì còn sướng hơn !

- Tại sao vậy ?

Thiếu úy Vinh cười như tiếng máy đuôi tôm bắt đầu chạy :

- Có gì đâu ? Sống làm “mẹ” gì trên cái cõi đời ô trọc này cho thêm khổ !

Sau chuyến thả tiếp tế thực tập lần đầu trong cuộc đời của người lính tiếp tế Nhảy dù Quân nhu, tôi thấy rất thích thú bay thả với các anh em Quân nhân trong đơn vị. Tôi thích bay thả ở nơi nào tôi chưa đến dù nơi đó xa hay gần. Hai anh bạn Thanh và Vĩnh của tôi cũng vậy. Hai anh nầy còn bay thả nhiều hơn tôi nữa.

Thật ra trách nhiệm vật thể trong một chuyến thả dù không đòi hỏi sự có mặt của một Sĩ quan. Những Quân nhân Trưởng toán của đơn vị đều có kỹ luật cao, được Huấn luyện Kỹ thuật tiếp tế thả dù một cách cặn kẽ và chu đáo. Họ có thừa hiểu biết và kinh nghiệm để Chỉ huy thành công trong các chuyến thả dù bình thường.

Tuy nhiên, sự có mặt của một Sĩ quan trách nhiệm trực tiếp luôn luôn cần thiết trên phương diện Chỉ huy và nâng cao tinh thần thi hành Quân lệnh. Trong những giờ phút nguy hiểm, sự có mặt của cấp Chỉ huy rõ ràng là sự chia xẻ với nhau tình Huynh đệ chi binh đáng quý.

Ðường bay dù tận chân trời.
Thả dù tiếp tế một đời ra đi.
Lon đeo quan đến binh nhì.
Cũng bay cũng nhảy cũng “chì” thế thôi !

Số Ba Xui Lắm !

Nói về chuyện bay thả dù với anh em Quân nhân ngày xưa, tôi còn nhớ một mẫu chuyện “Số ba xui lắm”.
Vào khoảng đầu hay giữa năm 1970, tôi được đổi ra Ðà Nẳng để phụ trách đơn vị tiếp tế thả dù tại Vùng 1 Chiến thuật. Trong thời gian nầy miền Trung bị một trận bão rất nặng. Việc tiếp tế lương thực cho các nơi bị bão rất khó khăn.

Trước khi Trung cộng dùng võ lực chiếm đóng vào năm 1974, hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa ngoài khơi Ðà Nẵng do quân ta trấn giữ vì đây là lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Trường Sa và Hoàng Sa lúc đó cũng không tránh khỏi được trận bão nầy. Vì biển động gió lớn, tàu bè không thể nào chạy ra để tiếp tế cho anh em địa phương quân trấn giữ ngoài đó. Trong khi đó, số gạo dự trữ cho binh sĩ địa phương đã tụt đến mức báo động.

Chúng tôi được lệnh khẩn cấp từ Quân đoàn 1 bay ra thả gạo tiếp tế cho đảo Hoàng Sa.

Sáng hôm đó sau khi chất hàng xong xuôi, tôi có việc định ra về. Tôi mới vừa quay lưng đi thì bổng nghe tiếng Hạ sĩ Lào kêu :

- Trung Úy ơi ! Tụi tôi bay ba người. Số ba xui lắm ! Trung Úy đi theo tụi tôi để thành số bốn đi !

Tôi dừng chân quay lại nhìn hạ sĩ Lào, nhăn mặt :

- Dân Nhảy Dù mà cũng tin dị đoan nữa à ?

Hạ sĩ Lào nài nĩ :

- Nhiều khi mình phải tin đó Trung Úy ơi !

Tôi thấy chuyện quái gở, im lặng vài giây, rồi nói với hạ sĩ Khanh, người tài xế của đơn vị :

- Anh Khanh lái xe về trại chờ tôi. Khi tôi về, tôi sẽ gọi anh.

- Trung Úy đi thả với mấy ảnh à !

Tôi nhìn Hạ sĩ Khanh nói giỡn :

- Ðúng vậy. Anh Lào nói như vậy mà tôi không đi, rủi ro có chuyện gì thì tôi chịu sao nổi ! Thôi ! Có gì tụi tôi cùng bỏ vợ con lại cho đồng đều vậy !

Hạ sĩ Lào vổ tay :

- Hoan hô Trung Úy ! Trung Úy chịu chơi thiệt !

Trời ơi ! Có cái gì mà chịu chơi với không chịu chơi !

Tôi vừa cười vừa nhảy phóc lên máy bay cùng đi thả gạo cho đảo Hoàng Sa với ba anh em Quân nhân trong đơn vị. Thế là tổng số toán thả nầy bây giờ là bốn, chớ không còn là ba nữa.

Chiếc C 47 rời Ðà Nẵng hướng về hải đảo Hoàng Sa. Ðây là lần đầu tiên tôi đi thả ngoài biển. Tôi nhìn xuống thấy chỉ có mây mù và nước biển. Không biết vì cơn bão chưa dứt hẳn hay vì có gió mạnh ở ngoài biển khơi, chiếc máy bay C 47 cứ trồi lên sụp xuống, làm tôi thấy lo ngại.

Phi cơ đã tới địa điểm thả hàng. Cũng như những lần thả trước, chiếc C 47 bay vài vòng và cuối cùng cắm đầu xuống để cho chúng tôi chuẩn bị đẩy hàng ra khỏi phi cơ. Lần nầy sao tôi thấy máy bay cấm đầu xuống quá thấp. Tôi thấy nhiều hòn đảo nằm gần nhau. Chiếc C 47 bay thật nhanh, nhưng tôi thấy loáng thoáng được nhà cửa và nhiều người đang đứng ở phía dưới.

Tôi từ lo ngại sang hơi sợ. Tôi nghĩ chắc nó đi xuống luôn rồi ! Nhưng sau đó đôi giây, nó vọt trở lên. Và chúng tôi đẩy được tất cả những kiện hàng gạo ra khỏi phi cơ.

Tôi nhìn chung quanh coi tình hình anh em ra sao. Tôi thấy mặt mày anh nào cũng lo ra. Có lẽ ai cũng tưởng cuộc đời mình đã đi đoong rồi !

Khi về tới phi trường Ðà Nẵng, tôi bước lên phòng lái đùa với anh Trung úy phi công :

- Hồi nãy sao anh xuống thấp dữ vậy ? Tôi tưởng tụi mình rồi đời rồi.

- Tôi phải xuống thấp. Vì nếu không, sợ những kiện hàng của anh sẽ bay xuống biển hết !

Rồi anh Trung úy nầy bắt tay tôi cười :

- Anh về đề nghị Anh dũng bội tinh cho tôi đi !

Tôi làm bộ nghiêm trang :

- Ngôi sao đồng hay ngôi sao chì đây ?

Chúng tôi siết tay nhau cười như pháo nổ. Bổng Hạ sĩ Lào từ đâu chạy tới cười cười, nói nói :

- Trời ơi ! Lúc sắp thả tôi tưởng máy bay rớt luôn rồi, Trung Úy ! Gió sao mạnh dữ quá, mà chiếc máy bay lại vừa chồng chềnh vừa xuống thấp quá chừng ! Tôi tưởng nó cắm xuống luôn rồi ! Lần thả nầy thiệt như chết đi sống lại đó Trung Úy ơi ! Nhờ mình đi bốn người, chớ nếu mình có ba người, chắc Ngọc Hoàng đã giũ sổ tụi tôi rồi !

Tôi lập lại lời của Thiếu úy Vinh đã tếu với tôi hồi trước :

- Nếu nó cắm xuống luôn thì Bà xã mình khỏe, chớ có gì mà lo !

Tôi vỗ vai Hạ sĩ Lào cười cảm thông, chớ trong lòng không tin có “Chuyện ba-bốn”.

Hoàng Sa hải đảo xa xôi.
Bạn đi tôi ở bồi hồi lòng nhau.
Chuyện đời máu chảy ruột đau.
Ta cùng bay thả “anh hào” đệ huynh.

Tiếp Tế Không Vận và Người Lính Nhảy Dù Quân Nhu.

Trong suốt thời gian phục vụ tại Liên Đội 91 Tiếp Tế Thả Dù ngày xưa, tôi rất ít có dịp liên lạc và tiếp xúc với các bạn đồng khóa sau khi ra trường mặc dù tôi có rất nhiều bạn bè phục vụ tại Sài-Gòn. Nguyên nhân lớn là vì chúng tôi trực thả hành quân cứ một tuần trực và một tuần nghỉ. Trong tuần lễ trực, nếu có lệnh thả hành quân ở bất cứ ở đâu, chúng tôi phải sẳn sàng bay đi thả ngay. Trong tuần lễ không trực, chúng tôi vẫn cũng phải ở vị thế sẵn sàng tăng cường cho Chi đội trực khi chiến trường trở nên nóng bỏng. Cộng thêm vào đó, chuyện cấm trại một trăm phần trăm xảy ra thường xuyên trong đơn vị không phải là chuyện lạ.
Phải nói thời gian rảnh rổi của chúng tôi ở đây không có bao nhiêu. Rồi ngày qua ngày, chúng tôi quen với lối sống “Ếch ngồi đáy giếng” nầy.

Tôi thích bay thả và đã có dịp bay thả nhiều lần trên nhiều vùng Chiến thuật trong nước và ngoài nước.

Quân nhân Liên Ðội 91 TTTD đã từng phụ trách thả tiếp tế cho nhiều mặt trận lớn cũng như những cuộc hành quân đặc biệt và bí mật trên chiến trường Kampuchia và Lào trong cuộc chiến tại Việt Nam ngày xưa.
Ðời lính tiếp tế thả dù không phải cầm súng đấu với giặc, nhưng có cái thú giỡn với hồi hộp, với tử thần khi phải bay thả cho các tiền đồn đang bị giặc bao vây hay ngay trên các chiến trường sôi động.

Việc phi cơ thả dù trong các phi vụ tiếp tế Không vận bị đối phương bắn và bị bắn rơi ngay tại chiến trường là chuyện không có gì lạ trong cuộc chiến giữa ta và địch ngày xưa.

Trong những lần thả tiếp tế với Không lực VNCH và Không lực Hoa-Kỳ, máy bay tôi đi thả đã bị bắn nhiều lần trên vùng trời Năm Căn - Xuyên Mộc... Máy bay tiếp tế của ông bạn láng giềng Thanh của tôi ngày xưa cũng đã được nếm mùi đạn VC một lần ở Quế Sơn, bắt buộc phải đáp khẩn cấp ở phi trường Ðà Nẵng.

Tôi còn nhớ lúc phi cơ bị bắn, tiếng đạn trúng vào thân phi cơ giống như âm thanh của những hòn sỏi được ném chọi mạnh vào thân chiếc xe hơi đang chạy lẹ. Có lần lỗ đạn bắn chơm chởm chỉ cách chỗ Trung sĩ Dậu và tôi đứng khoảng chừng nửa thước.

Trong chiến trận mùa Hè đỏ lửa (1972), Quân nhân Liên Ðội 91 TTTD đêm ngày đã thay nhau hết phi vụ nầy sang phi vụ khác, bay thả vũ khí và lương thực cho nhiều đơn vị của Quân lực VNCH bị đối phương bao vây hay trực chiến với kẻ thù. Trong lần tiếp tế thả dù cho một đơn vị ta bị VC bao vây ở Xuân Lộc, một chiếc phi cơ C 123 thả tiếp tế bị đối phương bắn rơi. Trung sĩ Trưởng toán Sáng, Hạ sĩ Ðồng và cả toán tiếp tế thả dù của anh trên chiếc phi cơ nầy đều bị tử trận.

Vì hàng ngày cùng chia xẻ với nhau sự nguy hiểm trên trời, chúng tôi rất đoàn kết và thương yêu nhau với tình nghĩa Huynh đệ chi binh. Trong những tháng năm sống xa quê nhà với đớn đau cho dỉ vãng và với bao kỷ niệm u buồn, nhiều khi tôi thấy lòng hối hận vì đã không có cơ hội gần gũi nhiều hơn với các anh em Quân nhân thuộc quyền. Tôi hối tiếc vì đã không hoặc quên để ý đến cuộc sống vất vã của nhiều anh em nầy trong khi cuộc sống của riêng tôi ngày qua ngày cũng không hơn gì họ.

Giờ đây thế sự đổi thay. Có kẻ còn người mất. Người còn sống, hầu hết ai cũng đã hay đang trở thành già nua. Mỗi người sống mỗi nơi ở trong một hoàn cảnh “Chẳng đặng đừng”, sướng có, đở khổ có, và khổ cũng có.

Thỉnh thoảng tôi nhớ lại những gương mặt, tiếng nói, tính tình của những anh em Quân nhân phục vụ cùng một đơn vị với nhau ngày xưa. Tôi thương những anh em Quân nhân có đầy đủ tác phong đáng kính, tôn trọng kỷ luật và không bao giờ nề hà với công việc nặng nhọc, hiểm nguy.

Có những buổi chiều nhạt nắng tôi đứng trên lưng đồi cỏ một mình. Nhìn lên bầu trời xanh có những áng mây trắng lang thang, tôi mơ ước được làm một cánh dù bay về một phương trời xa xôi nào đó để được sống lại với những ngày đã qua, với bao nhiêu người thân thương đã từng mặc bộ Quân phục Ka-ki giống như tôi vào thuở xa xưa.

Lang thang đồi cỏ một mình.
Về đâu khóc hận duyên tình lãng du.
Hết rồi lá đổ chiều Thu !
Còn đây giấc mộng cánh Dù bay xa.



Nam Thảo