PDA

View Full Version : Tôi đi Lính Úc



Longhai
02-16-2014, 03:39 AM
Tôi đi Lính Úc


Nguyễn Khắp Nơi



Cách đây khoảng một năm, một buổi sáng, tôi đang tiếp khách hàng mới thì nghe có tiếng chuông báo mở cửa rồi tiếng khách hàng nói dồn dập ở bên ngoài, tôi chắc là có một khách hàng nào đó có chuyện khẩn cấp về thuế vụ. Quả đúng như vậy, cô thư ký gọi điện thoại nội bộ cho tôi, báo rằng :

- "Thưa chú, ông bà Tom nói có chuyện gấp, muốn nói chuyện với chú.”

- "Ông bà Tom hả ? Họ ký hồ sơ thuế rồi mà ! Cháu hỏi xem họ muốn gặp chú về chuyện gì để chú sửa soạn.”

- Dạ, con có hỏi rồi, nhưng chú thím Tom không nói, chỉ nói là có chuyện rất gấp, muốn gặp chú liền. Con có nói chú đang bận khách hàng, xin chờ một chút, chú thím cứ hôí con gọi cho chú để xin gặp, nói là chuyện gấp lắm, không thể chờ được.”

Vợ chồng anh Tom là khách hàng khai thuế với tôi lâu lắm rồi, từ khi hai vợ chống mới có đứa con đầu lòng, bồng cháu theo tới khai thuế. Tới nay anh chị đã có bốn đứa con rồi, cháu gái đầu lòng đã tốt nghiệp Đại Học, đã có việc làm rồi, cháu trai thứ hai vừa mới thi VCE (Tốt nghiệp Trung Học), đang chờ tin tức. Tôi không biết anh chị có chuyện gì mà gấp quá như vậy ? Nếu là chuyện thuế vụ thì chắc chắn Sở Thuế đã gởi thơ báo cho tôi biết rồi. Nể tình khách quen, tôi thu xếp mau mau với người khách đang tiếp rồi mời anh chị Tom vào phòng làm việc.

Vừa vào tới phòng, chị Jane đã khóc nức lên :

- "Anh An ơi...chết tụi em rồi anh ơi...anh giúp dùm tụi em...”

Anh Tom thì bình tĩnh hơn, tuy không khóc nhưng cũng rất là hốt hoảng :

“Anh An cứu dùm tụi em anh ơi...”

Tôi phân vân :

“Chuyện đâu có đó, hai vợ chồng cứ bình tĩnh nói cho anh chuyện gì đã xẩy ra ? Anh chưa biết chuyện gì hết thì làm sao mà giúp hai em được.”

“Thằng con trai của tụi em...”

“Cháu nó làm sao ? Có bị bệnh gì không ?...Cháu có bị Cảnh sát giữ hay không ? Cháu nó ngoan lắm mà, cháu có chuyện gì mà hai vợ chồng em lo dữ vậy ? Bộ cháu Tuấn...thi rớt hả ?”

(Thi VCE ỏ Úc không có chuyện đậu hay rớt, chỉ có điểm thấp hay cao mà thôi. Nhưng đối với người Việt mình, nếu con cái không đạt được điểm cao để vào các trường Đại Học nổi tiếng, sẽ được coi như là... thi rớt).

- "Dạ không, thằng con em nó hổng có “trá bồ” gì hết á ! Nó học giỏi lắm, nó đậu hạng cao lắm...cao hơn điểm của chị nó nữa lận đó.”

- "Vậy thì hai vợ chồng phải mở tiệc ăn mừng chớ tại sao lại lo lắng quá như vậy !”

- "Dạ tại... thằng con em...nó... nó đòi... Đi Lính !”


Thần kinh của tôi đang là căng thẳng đến tột cùng, đầu tôi như cái bong bóng bị bơm phồng lên như muốn nổ tung ra, chợt xì hơi xẹp xuống thật là đột ngột. Tôi thả người rơi xuống ghế, đua hai tay lên trời :

“Aaah... Nghe hai vợ chồng nói chuyện, anh tưởng chừng như Trời xập ở đàng nhà em, đè lên cháu Tuấn rồi chớ ! Ai dè chỉ là chuyện cháu Tuấn muốn đi lính mà thôi. Đi lính là chuyện bình thường, đâu có gì đâu mà hai em phải lo quá như vậy !”

- "Đâu được anh An, lỡ nó... chết thì sao ? Tụi em có một thằng con trai hà anh ơi.”

- "Đi lính đâu có nghĩa là chết đâu ! Thiếu gì người đi lính mà vẫn sống tới già đó... Em coi anh nè anh cũng đi lính, cũng đi đánh trận triền miên... nhưng mà anh vẫn sống tới giờ nè... Sống chết có số hết mà !”

- "Anh đi lính hồi đó là khác, vì mình cần Bảo vệ Tổ quốc của mình. Còn bây giờ là khác, xứ này... đâu có phải là xứ của mình, anh An... ”

- "Em nói sao ? Xứ Úc cũng là xứ của mình mà. Mình đang mang Quốc tịch Úc, khi nhập Quốc tịch, mình có hứa trung thành với Nữ Hoàng, Trung thành với nước Úc mà, em còn nhớ không ? Đó là chuyện của mình, còn đối với cháu Tuấn, cháu sinh tại nước Úc, đây chính là Tổ quốc duy nhất của cháu mà. Khi cháu nó đòi đi lính, cháu có nói lý do gì hay không ?”

- “Thì nó cũng nói... nó đi lính để Bảo vệ nước Úc... ”

- “Vậy thì cháu nó nói đúng rồi. Lính cũng là một nghề vậy, khi Tốt nghiệp trường Quân sự, cháu cũng vẫn có quyền chọn ngành, Chính phủ cũng vẫn cho cháu học thêm về Y khoa, Luật, Kỹ sư, Chuyên viên Điện toán... Sau 5 năm hoặc 10 năm, cháu cũng có quyền xin giải ngũ để trở về đời sống dân sự mà. Sống chết có số, em đừng lo.”

- “Thì con của em nó cũng nói như vậy, nhưng mà... hổng được đâu anh An... Tối hôm qua, em kêu đứa con gái lớn về, tụi em họp cả gia đình lại, không cho thằng Tuấn đi lính, không thấy nó nói gì hết. Bữa nay tụi em đến anh, nhờ anh nói dùm tụi em một tiếng với thằng Tuấn, vì nó nể anh lắm, anh nói nó sẽ nghe liền đó.”

Tôi nghe hiểu tất cả mọi chuyện rồi, nhưng tôi đã là lính, bây giờ lại đi khuyên một người khác đừng đi lính thì tôi không bao giờ làm chuyện này được, nên tôi lảng ra liền :

“Cám ơn hai em đã nhờ anh, nhưng anh nghĩ, dù sao đây củng là chuyện gia đình của em, anh không nên can thiệp vào, vì dù sao cháu Tuấn đã lớn rồi, có thể tự quyết định tương lai của mình, hơn nữa, gia đình em cũng lại cho ý kiến rồi, anh nghĩ Tuấn sẽ suy nghĩ và có một sự lựa chọn thích đáng. Chúc mừng cháu Tuấn đã thi đậu VCE với điểm cao. Chúc mừng sự thành công của gia đình em. ”

Bao nhiêu người Úc gốc Việt vác ba lô lên đường gia nhập Quân lực Úc ?

Từ ngày đó, lúc nào tôi cũng phân vân : Hiện tại, không biết có bao nhiêu người Úc gốc Việt vác ba lô lên đường gia nhập Quân lực Úc? Nếu mai đây, lỡ một Quốc gia lân bang nào đó xâm chiếm nước Úc, liệu có người Úc gốc Việt nào tình nguyện nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ quê hương của mình hay không ? Riêng phần tôi, tôi xin tuyên bố chắc chắn rằng, nếu lúc đó tôi còn sống, tôi sẽ khuyên bảo con cháu tôi nhập ngũ để Bảo vệ Quê hương Úc của tôi. Nếu lúc đó tôi còn cử động chân tay được, tôi sẽ xin làm bất cứ việc gì để Bảo vệ Tổ quốc Úc của tôi.

Vào khoảng đầu năm 2014, tôi lại nhận được một cú điện thoại của cô Giang (Làm việc cho Commonwealth Bank), cô hớn hở khoe với tôi :

- "Chú ơi, cháu của con đậu Thủ Khoa lớp Hải Quân Hoàng Gia Úc năm 2014, mừng quá ! Cả nhà của anh con được mời đi dự lễ mãn khóa của cháu Nam, anh chị ấy hãnh diện lắm, khoe khắp nơi. Con cũng hãnh diện lây.”

Tôi mừng quá, nói cà lăm :

- "Có thật không ? Cháu nói cháu của cháu đi lính Úc... đậu thủ khoa lớp Hải Quân Hoàng Gia Úc ?”

- "Thật mà chú, cháu của cháu tên là Nguyễn Khoa Nam, vừa mới mãn khóa Hải Quân Hoàng Gia Úc, được cả Nữ Tổng Toàn Quyền Úc, đại diện Nữ Hoàng Anh trao Huy chương nữa đó. Để cháu gởi email hình của Nam cho chú xem nha.”

Trời Phật Thánh Thần A Men !

Người Việt của tôi đã có người đi lính Úc rồi !

Mai đây, nếu nước Úc xẩy ra chiến tranh, chắc chắn có người Úc gốc Việt của tôi đi hàng đầu chiến đấu Bảo vệ Tổ quốc của chúng ta rồi.

Tôi mừng quá, vội vàng hỏi cô Giang tới tấp về cháu Nam, về cha mẹ của cháu, để biết thêm thật nhiều chi tiết.

Tôi gọi điện thoại, chuông mới reo có hai lần là ba của Nam đã nhắc lên, khi nghe tôi xưng tên họ và ý định, anh đã rất sốt sắng trả lời đồng ý.

Anh tên Khoa, họ Nguyễn, Bắc Kỳ Di Cư chín nút (1954), định cư ở Hố Nai, cha đi lính Cộng Hòa thời Tổng Thống Diệm. Khoa được gia đình sắp xếp vượt biên tìm tự do vào tháng 12 năm 1982 lúc đó mới 16 tuổi. Khoa được định cư tại Meobourne, anh học nghề thợ hàn, lấy vợ sinh con. Với nỗi nhớ thương nước Việt Nam của mình, đứa con trai đầu lòng sinh ra được dặt tên là NAM, thêm tên của cha ở giữa, để thành cái tên thật đẹp : Nguyễn Khoa Nam.

Qua vài câu nói xã giao, tôi hỏi liền mà không sợ mắc cở :

“Anh chị có đồng ý hoặc khuyến khích cháu Nam đi lính hay không ?"

Anh Khoa trả lời ngay lập tức :

- “Cháu Nam thích hoạt động, cháu đi Hướng Đạo từ nhỏ, lớn lên nhập vào Cadet, cháu quen với đời lính rồi. Khi cháu quyết định vào lính, chúng em đồng ý và khuyến khích cháu ngay. Ba em cũng đã đi lính, em vì chưa đến tuổi đã bị mất nước nên không có cơ hội đi lính để Bảo vệ Tổ quốc. Nay con em có dịp, em phải khuyến khích cháu chớ.”

- “Anh chị có một mình Nam là con trai, không sợ... không có người nhang khói hay sao ?”

- “Sống chết là chuyện thường tình, con người ta có số cả, đâu có gì đâu mà phải quan tâm”

Đúng với cái tên tiền định, từ khi mới lớn, được cha mẹ đưa đi xem những buỗi diễn hành của Lính Úc, Lính Việt Nam Cộng Hòa trong những buổi lễ, nhất là ANZAC DAY, Nam đã rất thích hình ảnh của những người Lính oai hùng đi trong hàng quân. Lớn lên, Nam đã được cha mẹ kể lại thời thơ ấu của gia đình ở Việt Nam, với ông nội đi lính Cộng Hòa để bảo vệ Miền Nam Việt Nam rồi sau đó Miền Nam thất thủ, Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam đã không đầu hàng giặc mà chọn hành động Tự Sát để giữ tròn danh dự của một người Lính, Nam đã hãnh diện là con cháu của một người lính Cộng Hòa, hãnh diện được mang tên trùng với tên của một vị Tướng anh dũng oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Nam càng hãnh diện hơn và thích đời Lính hơn bao giờ hết.

Dịp may đã đến, Nam thi đậu vào trường Trung học kiểu mẫu của Melbourne : Melbourne High, trường này có kết hợp với Quân Lực Hoàng Gia Úc để nhận học sinh vào Chương trình Australian Army Cadets (AAC) dịch tạm ra tiếng Việt là chương trình Quân Sự Học Đường. Nam gia nhập liền lập tức và mỗi tuần cháu được Huấn luyện về cơ bản thao diễn, cách thức sống trong rừng, Mưu sinh thoát hiểm, Lịch sử và cơ cấu tổ chức của Quân Đội Hoàng Gia Úc.

Tốt nghiệp Trung học với điểm cao vào năm 2009, Nam có thể xin học về những ngành Y Nha Dược, Kiến Trúc, Kỹ sư, Điện toán... Nhưng Nam đã có ước mơ riêng của mình : Gia Nhập Quân Đội Úc.

Theo lời chỉ dẫn của những Sĩ quan Huấn luyện trong Cadet, Nam nộp đơn dự thi cả ba Quân chủng : Hải, Lục và Không Quân Úc và được chấm đậu cho cả ba Quân trường. Thích mộng hải hồ, cháu đã chọn Hải Quân.

Khi được dịp nói chuyện với Nam, vào dịp đầu năm, tôi cũng đã hỏi cháu :

“ Cháu đi lính, không sợ... chết hay sao ?”

“Thưa bác, ai cũng sợ chết, nhưng cũng có lúc mình không sợ chết. Đó là lúc mình phải liều chết để Bảo vệ đồng đội, Bảo vệ đất nước. Nếu chết trong hoàn cảnh đó, cháu không sợ và lại rất hãnh diện. Nếu mình nằm nhà bị cây rớt xuống đầu hoặc uống rượu lái xe chết, thì cái chết đó rất đáng sợ, và cháu không thích chết như vậy.”

Hai bác cháu tôi đều là Lính, nên nói chuyện hợp lắm, cháu kể cho tôi đời lính của cháu như sau :

Vào tháng 1 năm 2010, Nguyễn Khoa Nam được gởi đi thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Hoàng Gia Úc HMAS CRESWELL NAVAL COLLEGE (RANC), tại Vịnh Jervis, Sydney, để tham dự khóa học “Undergraduate Entry Officer Course UEOC” kéo dài bốn năm.

Đúng 8 giờ sáng, xe Bus của Bộ Quốc Phòng đã đến đậu trước cửa nhà của Tân Khóa Sinh Nguyễn Khoa Nam, vị Sĩ Quan Hải Quân gõ cửa để nhận linh mới, kèm theo một vài phóng viên chụp hình làm kỷ niệm.

Người Sĩ quan cùng đi với Nam và các bạn tới phi trường Melbourne để lên máy bay tới Sydney để từ đó có xe bus tới Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Tân Khóa Sinh Trình Diện Huynh Trưởng

Cùng đi với Nam, có chừng hai chục Tân khóa sinh, được một Huynh trưởng tiếp đón. Trước đây, khi còn ở trong Cadet, Nam trình diện trước hàng quân rất nhiều lần, nhưng lần này, với tư cách là một người lính thật sự, Nam vẫn có phần... lạng quạng. Khai tên tuổi nhận Quân trang Quân dụng, nhận phòng rồi, việc kế tiếp của Nam là... hớt tóc.

Theo lời ông Nội kể lại thì người lính sẽ bị hớt láng hết, chỉ còn ba phân ở đằng trước, nhưng Quân đội Úc dễ dãi hơn, đã để cho Nam còn ít tóc ở chung quanh đầu, không đến nỗi trọc lóc bình vôi. Quân phục được đo cắt hẳn hoi, nên Nam không phải... bơi trong bộ quần áo mới. Người Lính Việt Nam chỉ có hai hoặc ba bộ Quân phục thay đổi, những lính Úc thì nhiều lắm, nào là Quân phục mùa Hè, mùa Đông, Quân phục dạo phố, quần áo thể thao...

Những ngày đầu tiên, mặc dù là lính Thủy, nhưng tất cả đều phải học những bài học về căn bản Bộ binh, vì đôi khi người lính biển cũng phải lên bờ chiến đấu. Nào là bò hỏa lực, bắn súng trường, võ cận chiến, hành quân dã trại... tất cả đều phải học cho nhuần nhuyễn. Lính biển vậy mà cũng ba lô lên vai súng đạn đầy đủ, đi bộ 10 cây số là thường lắm.

Nguyên khóa học của Nam có 120 Sinh Viên Sĩ Quan (cả Nam lẫn Nữ). Tại đây, các tân Khóa sinh được học về Căn bản Quân sự Bộ binh, Hải quân...

Quan trọng nhất là kỳ thi “Vượt Bức Tường Lửa” : Giả dụ rằng chiếc tàu của bạn bị bắn cháy không thể cứu chữa được, bạn và đồng đội được lệnh nhảy xuống biển thoát thân. Lửa cháy trên tàu lan xuống biển bao la, bạn phải lặn sâu xuống nước, bơi qua biển lửa rồi mới có thể trồi lên mặt nước an toàn được.

Đây là điều căn bản mà bạn phải vượt qua để trở thành một Thủy thủ. Rất may là Nam đã lặn và bơi được 50m rồi mới nổi lên và được chấm đậu kỳ thi sát hạch và sáng Thứ Bẩy đã hãnh diện khoác lên người bộ Quân phục Hải Quân đi dạo phố.

Ghi chú : Thực sự, cuộc thi chỉ có cái tên dữ dằn như vậy thôi, chứ còn các tân Khóa sinh thi ở trong hồ bơi, không có lửa không có khói gì cả. Tuần lễ đầu tiên coi như là tuần lễ “Huấn Nhục”. Cuối tuần là có cuộc thi này. Đậu kỳ thi sát hạch này thì mới được coi là một Thủy thủ, mới được coi là “Sinh Viên Sĩ Quan” và tiếp tục khóa học. Những tân Khóa sinh nào chưa bơi thạo, sẽ phải học thêm nghề bơi lặn và thi lại cho đến khi nào vượt được bức tường lửa thì mới được tiếp tục.

Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân này còn có một khóa học nữa, gọi là “Reserve Entry Officer Course (REOC), kéo dài 6 tháng, dành cho những Khóa sinh đã tốt nghiệp Đại Học muốn trở thành Sĩ Quan Hải Quân, ví dụ như các Bác sĩ, Nha sĩ, Kiến trúc sư, IT... Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ được mang lon Đại Úy.

Đã có căn bản học thức, kèm thêm ý thích riêng tư về đời lính và giấc mộng hải hồ, Nam đã từng bước vượt qua mọi trở ngại để cùng học tập cùng các bạn đồng khóa. Mỗi lần làm xong công việc của mình, Nam luôn luôn nhìn quanh để nếu có bạn bè nào cần giúp đỡ, Nam sẵn sàng giúp bạn một tay. Mỗi buổi tối, thay vì đi ra Câu lạc bộ ngồi nghe nhạc, Nam mở sách ra đọc thêm để trau dồi kiến thức hoặc tập thể thao riêng, nên Nam đã giải quyết hoặc trả lời được nhiều câu hỏi hóc búa của các Huấn luyện viên.

Thật là bất ngờ khi học xong khóa Hải Quân Căn bản, Nam đã được chọn để nhận lãnh Huy chương “The Midshipman Megan Anne Pelly Perpetual Memorial Award (2012 & 2013) Australian Defence Force Academy. Huy chương này dành cho những Khóa sinh có điểm cao trong các môn học và giúp đỡ Trung tâm Huấn luyện được nhiều việc.

Sau khi học xong khóa căn bản, các Sinh viên Sĩ quan sẽ được mang lon Thiếu úy và tiếp tục học thêm về Hải hành : Cách điều khiển con tàu, vẽ hải trình, chấm tọa độ, cách sử dụng các loại súng đại bác trên tàu, chiến tranh nguyên tử, hóa học... Cùng với việc học quân sự, các Sinh viên Sĩ quan còn phải học Văn hóa ở các trường Đại học tại Sydney để khi tốt nghiệp, sẽ có văn bằng Đại học cộng với văn bằng tốt nghiệp Sĩ Quan Hải Quân, và được mang lon Trung úy. ADFA Graduation Parade 2013

Nguyễn Khoa Nam nhận lãnh huy chương “Commander - in - Chief’s Medal ” Do Nữ Tổng Toàn Quyền Úc Quentin Bryce trao tặng.

Nam đã chọn học môn Thương Mại, chú trọng về Kinh tế, điều hành và chính sách, của trường Đại Học University of w South Wales và đã tốt nghiệp Cử nhân Thương mại của trường này.

Nam và các bạn đồng khóa tốt nghiệp vào đầu tháng 1 năm 2014, mấy ngày trước, Nam chỉ được biết là mình sẽ dẫn đầu các bạn đồng khóa đi diễn hành trình diện Nữ Tổng Toàn Quyền Úc Quentin Bryce, nhưng khi đến nơi, Nam rất rất ngạc nhiên khi nghe xướng danh, mình được trao tặng Huy chương “The Commander-in-Chief’s Medal” là huy chương dành cho Khóa sinh đã đạt được điểm cao nhất về Quân sự cũng như văn hóa, bao gồm tài Chỉ huy, uy tín cá nhân (The Commander-in-Chief’s Medal is awarded to the most outstanding Midshipman or Officer Cadet in the fields of military and academic achievement. The criteria for this medal include leadership skills, personal standards and academic excellence).


Người Việt của tôi, là thế đấy.


Nguyễn Khắp Nơi