PDA

View Full Version : Một Lần Lầm Lỡ



hieunguyen11
02-15-2014, 12:31 AM
Tiên Sha – Một Lần Lầm Lỡ

1- Nghĩa trang chiều nay vừa có thêm một ngôi mộ mới. Vài bó hoa layơn trắng nở muộn, đặt nằm trơ trọi trên nấm mộ còn tươi mùi đất mới. Người đưa tiễn đã về hết, chỉ còn trơ lại ngọn đồi thấp mênh mông với khoảng trời cô quạnh hiu hắt những nấm đất cao thấp, không hàng không lối, nhập nhòa trong ánh tà dương chìm khuất xa xa tận cuối chân trời.

Người con gái khuôn mặt đầm đìa nước mắt, bơ vơ một mình trên ngọn đồi tha ma, gục đầu thổn thức trước mộ mẹ. Đôi vai gầy run rẩy từng hồi, tiếng khóc chỉ còn là giọng nấc nghẹn ngào. Ngôi mộ còn mới nhưng sao thấy hoang lạnh, đìu hiu quá.

Mãi đến lúc sắp qua đời, bà Thiện mới chịu tiết lộ thân thế của người con gái. Thế mà bấy lâu nay nàng vẫn tưởng mình không có cha.

Sau bảy lăm, bà Thiện lủi thủi sống cô đơn bên người con gái mới lên chín. Không họ hàng thân quyến, không màng chuyện thiên hạ, bà dốc lòng tần tảo một nắng hai sương, chắt chiu nuôi con ăn học thành người, chẳng hề hé răng than thở hay nhắc đến cha nàng nửa lời. Vừa đủ trí khôn, thảng hoặc lắm cũng có lúc nàng đánh bạo hỏi mẹ. Cứ mỗi lần như thế, bà Thiện dửng dưng trả lời đã chết rồi. Và từ đó nàng vẫn đinh ninh là như vậy, nhưng sự thật không phải vậy. Rồi cuộc sống dần trôi qua trong cảnh nhà thanh bần, ngược lại với cái hạnh phúc cứ bừng sáng theo từng bước trưởng thành của nàng trên ngưỡng cửa đại học.

Gần đây những cơn đau bất thường của bà Thiện bỗng xuất hiện thường xuyên hơn. Đến bệnh viện các bác sĩ chẩn đoán cho biết đó là hậu chứng của lúc mang thai phải lao lực quá và ngâm mình nhiều ngày trong nước lạnh, khiến các khớp xương và tế bào bị hoại tử và giai đoạn nầy là thời kỳ bộc phát cuối cùng. Y học hiện tại vô phương cứu chữa.

Nàng xót xa nhìn những cơn đau đớn vật vã của mẹ. Biết mình khó qua khỏi, nên đợi lúc tỉnh táo bà Thiện cố gắng tâm sự với con gái…

2- Thưở xuân xanh, bà Thiện yêu một chàng trai làng cùng quê Đồng Xuân, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Sau một năm yêu nhau, hai người quỳ lạy bàn thờ tổ tiên đôi bên và ra mắt họ hàng làng nước, kết tình phu thê. Hương lửa mặn nồng chưa được bao lâu thì chiến tranh bộc phát dữ dội, lan tràn đến tận thôn làng yên lành của bà, vốn là vùng đất gần núi Vàng và không cách núi Đình Cương bao xa. Chổ ấy là căn cứ địa của VC.

Mùa đông năm đó trở lại, mang theo cái rét mướt thê lương và những cơn mưa dầm lạnh lẽo ảm đạm, mà bà Thiện nhớ đời. Trời vừa chập choạng tối, lúc bầy gà đang gọi nhau vào chuồng thì toán du kích xã xuất hiện dẫn theo một đám bộ đội chính qui đột nhập vào nhà bà. Họ ngang ngược trói tay bắt chồng bà dẫn đi và thu hết thóc lúa dành dụm trong nhà, bảo đó là phần đóng góp nuôi quân “giải phóng”. Bà đau đớn khóc lóc, lạy lục van xin mấy người du kích xã quen biết, cho chồng được thả ra chờ ngày bà sinh nở, nhưng họ lạnh lùng bỏ đi không thèm đoái hoài gì đến người đàn bà cô đơn đang thai nghén.

Từ đó bà Thiện sống lẻ loi trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm, còn nồng nàn hơi hướm da thịt tình yêu đầu đời. Bà quắt quay trong nỗi thương nhớ và lo sợ không nguôi mệnh hệ người yêu bị địch cưỡng bức bắt đi.

Nhưng không, sự thật không như bà nghĩ. Một ngày chồng bà bất ngờ xuất hiện, cũng mũ tai bèo, cũng súng đạn đầy mình, hiển nhiên như một bộ đội. Bà trố mắt nhìn như không tin vào mắt mình, nhưng khi hỏi ra thì mới biết từ lâu chồng bà vốn đã bí mật tham gia vào lực lượng du kích, chuyện bắt bớ chỉ là màn kịch để qua mắt chính quyền quốc gia địa phương khỏi làm khó dễ bà.

Từ đó, bà Thiện âm thầm sống vụng trộm với chồng, dẫu rằng họ có cưới hỏi hẳn hoi. Cha mẹ lo sợ gọi bà về Chợ Vom sống với gia đình, nhưng bà từ chối, ở lại quê nhà bí mật tiếp nối chuyện tình yêu dang dở trong bóng tối.

Chiến tranh càng ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội. Để chận đứng các cửa ngõ xâm nhập của bộ đội chủ lực miền Bắc trên hành lang đường mòn từ Lào sang, từ Bắc vào, Quân Đoàn I quyết định điều động một đơn vị lính Mỹ và một đại đội địa phương quân Việt Nam về lập đồn trú đóng trên Gò Rú, Núi Vàng để chận đứng tất cả các con đường ra vào hoạt động của địch. Vài hôm sau người dân sống ở vùng nầy ngày nào cũng nghe tiếng đạn bom vi vu, tiếng máy bay quần đảo tiếp tế hoặc yểm trợ hành quân. Lính Mỹ với lực lượng cơ giới hùng hậu, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi vài tuần đã chận đứng và bít kín các lối đi về của địch. Bộ đội VC bị dồn đuổi phải chạy ngược về phía bên kia biên giới. Chồng bà Thiện cũng bị bít lối về thăm nom người vợ đang thai nghén. Thôn làng có lại cảnh thanh bình, yên vui như xưa. Vào những đêm trăng sáng, thanh niên trai gái quây quần bên nhau dưới ánh trăng đàn hát, nô đùa vô tư thỏa thích. Làng quê như chưa hề có chiến tranh bao giờ.

Cuối năm đó, bà mang thai được tám tháng. Trong một đêm tối trời, chồng bà cùng đồng bọn mò mẫm về làng. Trời bất dung gian, họ bị lính Nghĩa Quân phục kích phát giác, và nổ súng. Chồng bà bị thương được đồng bọn đưa vào trốn ở căn hầm phía sau nhà bà. Nhìn chồng đau đớn quằn quại, bà đâm ra căm thù những người lính Quốc Gia trấn giữ tuyến đầu cho hậu phương có được cuộc sống bình an, no ấm. Mấy hôm sau thấy vết thương chồng đã đỡ, bà tìm cách đưa chồng ra khỏi vòng vây của lính Quốc Gia.

Lần thứ hai, bà Thiện xa chồng trong nỗi thương nhớ quay quắt. Bà gượng vui ngoài mặt nhưng trong lòng thì canh cánh nỗi lo an nguy cho chồng, chưa biết đến bao giờ thì mới được gặp lại nhau khi chiến tranh càng ngày càng lan rộng, hung hiểm.

Từ đó ý niệm chống đối Quốc Gia manh nha trong lòng người đàn bà quê mùa chất phác, một mực nghe lời chồng, chẳng cần phân biệt chân giả, thiện ác. Bà Thiện hết lòng ủng hộ bộ đội VC, không tiếc lời ca tụng. Cứ thế mãi cho đến mùa đông năm sau, khi sinh mạng mẹ con bà bất ngờ bị vướng vào hoàn cảnh thập tử nhất sanh, bà mới có cơ hội thức tỉnh để suy nghĩ, cân nhắc lại chuyện phải trái, đúng sai của cuộc đời.

…Trời đổ mưa tầm tã mấy ngày liền, nước không ngớt tràn vào căn hầm trú ẩn nhỏ bé của bà Thiện. Người dân nông thôn dựa vào thế đất rộng thường đào hầm ngoài vườn, không mấy ai đào trong nhà vì sợ khi nhà sập không có lối thoát. Nhưng làm như vậy cũng có điều bất lợi như hai hôm nay, mưa lớn quá mà bờ đất đắp ngăn thì mong manh nên bị trôi, nước ào vào liên tục. Khi súng nổ, bà Thiện chạy vào hầm tránh đạn thì nước đã lên cao tới đầu gối, bà phải lấy mấy chiếc ghế kê cao để ngồi tạm.

Nghe đâu trận chạm súng nầy lớn đến cấp tiểu đoàn. VC kéo về đông nghịt vây đánh đồn Gò Rú, có du kích chỉ điểm đường đi nẻo bước. Họ quyết tâm bứng sạch đơn vị đóng chốt đã ngăn chận con đường yết hầu của chúng. Đồn Nghĩa Quân và Ủy Ban Hành Chánh Xã bị địch tràn ngập, phải rút chạy lên đồn Gò Rú. Đại pháo CS từ rừng sâu dồn dập nã về.Pháo binh Cộng Hòa từ huyện Nghĩa Hành bắn lên. Đất trời chao đảo, không gian tăm tối, ngột ngạt vì khói súng và tiếng đạn nổ. Nhà cửa, cây cối thi nhau đổ sập. Đã có nhiều người chết, bị thương vì đạn không biết của bên nào. VC chết, bị thương mang về để nằm chật sân Ủy Ban Hành Chánh Xã mà họ mới chiếm được từ hôm trước.

Qua ngày thứ ba, Biệt Động Quân từ dưới huyện tiếp viện lên, quân Mỹ đóng trên đồn bắt đầu mở cuộc phản công. Súng cá nhân, cộng đồng, lựu đạn thi nhau nổ rền trời, liên miên bất tận. VC bị vây hãm lâm vào thế gọng kềm, thương vong rất nhiều nên hoảng loạn đành phải tháo chạy trở lại rừng sâu, bỏ cả thương binh và một số “đồng chí” chậm chân bị bắt làm tù binh. Chiều hôm đó lính Cộng Hòa chiếm lại làng. Họ tổ chức phòng thủ, tận lực giúp đỡ bà con săn sóc những người bị thương và tiếp tục hành quân truy bắt số VC chậm chân lạc đường, trốn chui trốn nhủi trong nhà dân. Đây đó vẫn còn tiếng súng nổ lẻ tẻ.

Đúng vào lúc hiểm nghèo đó, bà Thiện trở dạ. Những cơn đau dữ dội cuồn cuộn như những đợt ba đào, cứ mỗi lúc một dâng lên cao. Mồ hôi bà vã ra, tai ù điếc không còn nghe cả tiếng súng đạn réo rít. Bà thầm lo âu không biết phải sinh đẻ thế nào đây? Cuối cùng như không còn có thể chịu đựng nổi những cơn đau dồn dập xé lòng, bà Thiện buột miệng kêu than, rên rỉ. Bất ngờ tiếng kêu la của bà lọt đến tai một toán lính Mỹ đang lục soát gần đó. Lập tức họ rọi đèn chĩa súng vào hầm. Dưới ánh đèn pin sáng rực, hiện rõ lồ lộ một người đàn bà bụng chửa vượt ngực, đang bì bõm dưới hầm nước. Trong ánh sáng nhòe nhoẹt, đầu óc quay cuồng hoảng loạn, bà Thiện hình dung họ như là những hung thần, đang chực chờ cướp đi mạng sống mẹ con bà. Bà chờ đợi tiếng súng nổ. Ý nghĩ hãi hùng cộng thêm những cơn đau đớn liên tục như sóng tràn xông thẳng lên não, khiến phút chốc thần trí bà Thiện bỗng trở nên phiêu hốt, bềnh bồng. Bà lịm dần vào cơn mê sảng, hai tay chới với trong căn hầm nhỏ ngập nước.

Toán lính Mỹ cũng hoảng hốt trước tình cảnh thương tâm đó. Lập tức họ vực người đàn bà sắp lâm bồn ra khỏi hầm nước, quấn poncho sưởi ấm, chích thuốc khỏe, làm hô hấp nhân tạo và gọi máy báo cáo khẩn cấp sự việc lên cấp trên. Vị sĩ quan chỉ huy BĐQ Việt Nam được triệu hồi cấp tốc để hỏi ý kiến. Sau vài phút trao đổi ngắn ngủi, họ quyết định chuyển gấp bà Thiện lên ở tạm trên đồn Gò Rú, nhờ y sĩ đơn vị cấp cứu, chờ sinh nở.

Và người con gái đã ra đời ngay trong vùng lửa đạn, dưới ánh sáng hỏa châu chập chờn đầy nanh vuốt hăm dọa khủng khiếp của tử thần chiến tranh.

Tiếng đứa bé khóc chào đời giữa trận địa đầy gió tanh, mưa máu, hận thù quả là điều hiếm hoi, khó tưởng. Những người lính khác chủng tộc, màu da đang chong mắt, ghìm tay súng chờ giặc dưới giao thông hào bỗng mừng vui, rạng rỡ hẳn lên. Như một điềm lành, họ không còn lo sợ nữa. Không ai bảo ai, họ đồng thanh reo mừng. Hỏa châu được bắn ra thắp sáng rực rỡ cả bầu trời đang tăm tối vì hiểm họa chiến tranh. Trời đêm bỗng như được kết hoa đăng và trận địa như vừa đổi sắc thanh bình với những tiếng reo cười ngây ngô, tiếng hát hòa nhịp vui vẻ theo nhau lan nhanh dưới vòng giao thông hào phòng thủ như để chào mừng một hài nhi mới chào đời. Một dấu hiệu tốt đẹp để xóa bỏ hận thù, đem sự bình an và hạnh phúc đến cho mọi người.

Đứa bé gái được mớm những dòng sữa ngọt ngào đầu tiên trong vòng tay yêu thương và nụ cười trìu mến của những người lính khác giống nòi, tiếng nói, nhưng cùng chung lý tưởng tự do. Nhìn những con người to lớn với cánh tay đầy lông lá, ngây ngô vụng về chuyền nhau bồng ẵm đứa bé nhỏ xíu còn đỏ hỏn, với nụ cười rạng rỡ sung sướng chân thật trên những khuôn mặt đen sạm sương gió chiến trường của người lính Mỹ, bà Thiện chợt nghĩ chuyện đời không đơn giản như tâm hồn cô gái ngây thơ lầm tưởng.

Những người lính xa lạ từ nửa vòng trái đất nầy, vẫn thể hiện được đầy đủ tình yêu thương nhân bản của con người qua chính hành động thực tế của họ, mà không cần phải nói ra bằng những lời thêu dệt hoa mỹ. Trong con tim của họ vẫn đầy ắp dòng máu của tình nhân loại. Họ biết minh định rạch ròi, phân biệt rõ ràng phải trái, bạn thù. Họ không cần bận tâm tìm hiểu đứa bé sơ sinh được họ bảo bọc, ẵm bồng là con của vợ chồng một tên Việt cộng. Họ chỉ cần biết nó là một đứa bé sơ sinh vô tội. Suy nghĩ và hành động của họ thật cao thượng và hoàn toàn khác xa với bà, với chồng bà và những người “đồng chí” của chồng bà, chỉ biết dai dẳng hận thù truyền kiếp. Ý nghĩ xấu xa, sai lệch đối với những người lính trẻ xa lạ nầy phút chốc bỗng được tiêu trừ.

Mấy ngày sống nhờ trong đồn lính Mỹ, dưới sự chăm sóc và yêu thương của họ, mặc dầu không thể trao đổi tâm tình với nhau bằng lời nói nhưng bà Thiện cũng cảm nhận được lòng nhân đạo của họ qua hành động yêu thích đứa bé. Hôm vị y sĩ người Mỹ cho xe Jeep chở mẹ con bà về làng với một lô quà sữa cho em bé, bà Thiện ẵm con trên tay thành tâm cúi đầu cám ơn những người ân nhân xa lạ đã cứu giúp đùm bọc, đem lại sự sống quý giá cho mẹ con bà.

Chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt, mẹ con bà Thiện vẫn cố nấn ná ở lại quê hương mong có được tin chồng, nhưng chỉ hoài công. Chồng bà không biết còn sống hay đã chết, biệt vô âm tín. Mòn mỏi đợi chờ, cuối cùng mẹ con bà đành phải ra đi để tránh tai kiếp bom đạn vô tình. Từ đó cuộc đời người đàn bà thủy chung còn trẻ mất hẳn đi nụ cười.

Năm 1975, Cộng Sản thôn tính trọn vẹn miền Nam. Bà Thiện vừa bước qua cái tuổi “tam thập như lập” liền tức tốc trở về quê nhà dọ hỏi tin chồng, nhưng chỉ hoài công. Bà thất thểu quay ra thị xã mà nước mắt rưng rưng, trái tim rướm máu và cuộc đời như vừa chít mảnh khăn sô. Chút tình rơi rớt ngày cũ còn lại bà dành hết cho đứa con gái lên mười. Thắt lưng bà buộc chặt hơn nữa để trọn lời thề nguyện trung trinh của người đàn bà thủy chung Việt Nam, nuôi con thờ chồng. Cứ thế thời gian lặng lẽ trôi qua. Cho đến một ngày…

3- Cả đám dân buôn, từ một ít gạo nếp đậu đường đến vài ký thịt, thậm chí mấy mét vải hay chục trái mít, vài ba buồng chuối… đều bị dồn vào một góc chật hẹp trong Chi Cục Thuế Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, chờ cán bộ thuế vụ đến làm việc. Bà Thiện than thầm trong bụng, chuyến nầy chắc mất nhẵn hết vốn làm ăn.

Buổi sáng tinh mơ từ lò đường gánh hàng ra chợ huyện bà đã có linh cảm không may. Quả thật, hàng bị bắt mà người cũng bị giữ. Chiến tranh chấm dứt, “cách mạng” bảo là đã được đổi đời rồi nhưng sao càng ngày càng thấy khổ, thấy khó hơn xưa gấp bội. Đầu tắt mặt tối mà cũng không đủ cơm no áo lành, cuộc sống búa đe cơ cực cứ từng ngày bào mòn dần sinh lực người dân. Hóa ra mọi người đã bị mắc lừa. “Cách mạng” bịp bợm, tuyên truyền láo. Phải đến hơn chín giờ người phụ trách chi cục thuế mới lững thững đến, thái độ quan liêu hách dịch. Thoạt nhìn thấy người cán bộ, bà Thiện bỗng xây xẩm mặt mày, trống ngực đập loạn nhịp. Rồi từng người, từng người một được gọi lên ký tên vào biên bản tịch thu hàng hóa, kèm theo một tờ giấy phạt và những lời giáo huấn, răn đe cấm buôn bán hàng trốn thuế trái phép. Đến lượt bà Thiện. Vừa thoáng thấy bà, mặt người cán bộ bỗng đổi sắc và cử chỉ bối rối lúng túng. Phải mất một hồi ông ta mới lấy lại được vẻ thản nhiên lạnh lùng giả tạo. Bà hoài nghi như không còn tin vào mắt mình nữa.

Nhưng rồi… Bà Thiện lắc lắc cái đầu cho tỉnh táo. Nhìn dáng đi khập khiểng, bước thấp bước cao không bình thường vì vết đạn năm xưa, đằng sau khuôn mặt tự mãn kia là một vết sẹo dài nằm dưới tai trái sau cổ, khiến bà tin chắc rằng mình không thể nào nhầm lẫn được. Cuộc đời bà đã hai lần sai lầm, với những người lính Mỹ nhân từ, và nay thì với chồng. Cứ mong là không đúng mà sự thật vẫn hiển hiện sờ sờ trước mắt. Thế mà người đàn ông lại dửng dưng, đểu giả nhìn bà như một kẻ xa lạ có tội. Lòng tự trọng bị tổn thương, tâm hồn tan nát, đất dưới chân bà Thiện như sụt lở thành hố sâu. Hết rồi những năm tháng mòn mỏi đợi chờ, ôm ấp hy vọng. Đêm về nhìn đứa con dại mà tái tê cỏi lòng, nước mắt lã chã hai hàng. Bà âm thầm nuốt ngược những uất ức, hờn căm dồn trở vào tim.

Điều tra kỹ bà Thiện mới rõ. Thì ra tình yêu bà tôn thờ suốt cả cuộc đời người con gái thủy chung, chỉ được trả lại bằng sự lừa dối bịp bợm. Nghĩa nhân chỉ là thứ đồ xa xỉ bọt bèo đối với những kẻ mang danh “cách mạng”. Một người đàn bà khác trẻ hơn, có vai vế trong xã hội đã thay thế vị trí của bà. Một lũ bội bạc tận nhân tình. Bà Thiện uất ức nguyền rủa.

Tất cả đã lỡ làng, đến khi chợt tỉnh ra thì đã một đời lầm lỡ. Từ đó, bà Thiện chết hẳn đi niềm tin và lòng ngưỡng phục “cách mạng”. Bà trở thành kẻ căm thù chế độ và khinh ghét cán bộ ra mặt. Trong lòng người đàn bà quê mùa chất phác chỉ còn lại niềm hối tiếc ray rứt về những suy nghĩ sai lầm, những việc làm thiếu công bằng của bà trước đây đối với người lính Cộng Hòa miền Nam.

Kể từ đó bà Thiện thay đổi hẳn cung cách sống. Bà trở nên chai lỳ và bắt đầu ứng xử thuần thục, thường xuyên với con người và xã hội CS bằng những chiêu thức lọc lõi, ma mãnh, điêu trá hơn để sinh tồn và để trả thù cuộc đời. Và cũng bắt đầu từ hôm đó, bà lập lời thề với lòng, cương quyết quên đi quá khứ và xem như chồng bà đã chết mất xác từ lâu.

4- Hôm nay mẹ cô gái đã nằm xuống. Bà thật sự quên hẳn đi, không những quá khứ mà cả hiện tại đầy buồn đau nầy. Còn chăng, chỉ là nỗi vương vấn trong lòng đứa con gái ngày xưa đã ra đời vào một đêm đầy lửa đạn, chết chóc, hận thù, trong vòng tay chăm bẳm, yêu thương của những người lính đồng minh xa lạ quý trọng tự do và bác ái. Ngày đó trong cảnh đời hoạn nạn, thực tế đã giúp mẹ nàng ngộ ra chân lý: tình yêu chân chính chỉ có thể có trong quả tim của những con người thật sự chân chính.

Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ chuyên tuyên truyền những điều lừa mị dối trá, do đó chỉ có thể đào tạo nên những con người bất nhân, máu lạnh và phản bội. Cha nàng cũng không khác gì hơn, một thứ đồng loại đã trắng trợn lường gạt tình yêu chân thật cao quý của mẹ nàng, khiến người đàn bà đau khổ, cả đời tuổi trẻ dở dang. Cuối cùng, bà đã cương quyết tống khứ ông ta đi vào cõi mịt mùng quên lãng và vĩnh viễn không hề chỉ mặt nói tên cho nàng biết rõ con người phản trắc./-

Nguồn
http://www.bietdongquan.com