PDA

View Full Version : Chợ nổi ngày cuối năm



Longhai
01-30-2014, 11:44 AM
Chợ nổi ngày cuối năm


RFA


Cuối năm, với người dân sông nước bao giờ cũng là khoảnh khắc vừa bận rộn lại vừa hứng khởi nhiều nhất, âm vang sông nước quyện vào tiếng người gọi nhau í ới, tiếng ghe xuồng nổ máy và tiếng người mua bán, trả chác làm cho cả một đoạn sông dài trở nên náo hoạt, thay da đổi thịt. Chợ nổi Cái Răng ở miệt Cần Thơ trong dịp này cũng âm vang sắc Xuân, âm vang lòng người miền Tây nước nổi.

“Ví dụ như trên đất liền thì bán gì sẽ có bảng hiệu ghi bằng chữ, nhưng ở chợ Nổi thì họ sẽ không ghi bảng hiệu, mà người ta treo trên cây sào trước ghe, ví dụ như bán sầu riêng thì sẽ treo mấy trái sầu riêng trên cây sào, bán chôm chôm hay bán gì cũng vậy, xem như là dấu hiệu vậy đó !”

Hàng hóa tăng số lượng đột ngột.

Thường thì chừng độ Rằm Tháng Chạp trở đi, số lượng hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng tăng đột ngột, ghe xuồng từ các miệt vườn Tây Nam Bộ kéo về đây chật ních bến sông, các loại trái cây, củ quả, thậm chí hoa bán sỉ cũng tụ về đây để phân bổ đi các tỉnh. Dưới sông ghe, xuồng nổ máy inh ỏi, tiếng rao vang vọng bến nước, trên bờ, xe chở hàng cũng bóp còi inh ỏi, không khí rộn ràng.

Tuy nhiên, theo một nhà buôn lâu năm trên chợ nổi Cái Răng cho biết thì năm nay, hàng hóa về nhiều nhưng sức mua quá kém so với mọi năm, mọi thứ vật giá leo thang, từ xăng dầu cho đến gas, điện, thức ăn. Chỉ riêng việc mua thực phẩm về tự nấu ăn trong thời gian duy trì ở lại chợ để bán hàng cũng đủ làm cho nhà xuồng tối tăm mặt mày vì vật giá leo thang nhanh vùn vụt. Trong khi đó, hàng hóa không tiêu thụ được sẽ làm cho nhà xuồng mệt mỏi, buồn chán.

Một nhà xuồng Nam Bộ tên Huy cho biết thì chợ Nổi Cái Răng, Cần Thơ là một chợ nổi thuộc vào tầm lớn nhất miền Tây Nam Bộ, hầu như tất cả mọi thứ nông sản ở đây đều bị đứng khựng, không tiêu thụ được. Nếu như mọi năm trước, đến thời điểm bây giờ, các loại củ quả miền Tây đã được các nhà buôn trên bờ mua sỉ gần hết để chuyển về miền Trung, đưa ra miền Bắc thì năm nay, những chuyến hàng đi Trung và ra Bắc hầu như không hoạt động.

Nguyên nhân xãy ra tình trạng miền Trung và miền Bắc không ăn hàng miền Tây nữa cũng bởi sự tràn ngập vô tội vạ của củ quả Trung Quốc. Với mức giá thấp, rẻ mạt và hình thức bóng bẩy nhờ dùng thuốc kích thích tăng trưởng, củ quả Trung Quốc dễ dàng đập vào tầm mắt của đa phần người mua nhà nông ở hai miền này. Bởi túi tiền hạn chế, trong khi vật giá leo thang, khả năng mua của người dân trở nên co cụm, với tình hình như vậy, người dân ít suy nghĩ về độ an toàn thực phẩm và nghĩ về giá thành cũng như hình thức của nó nhiều hơn. Miễn sao có cái để ăn Tết giống như người khác. Đây chính là kẽ hở để củ quả Trung Quốc đánh gục củ quả miền Tây trên các địa bàn miền Trung và miền Bắc.

Không dừng ở đó, củ quả Trung Quốc còn lấn sân vào cả thị trường miền Nam, theo như anh Huy cho biết thì năm nay, lượng củ quả mà các thương lái mua về bỏ mối ở các chợ Sài Gòn cũng giảm đáng kể. Số lượng mua còn chừng 70% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhà vườn miền Tây, nhất là các miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre luôn dự đoán rằng năm nay lượng củ quả tiêu thụ ở thị trường Sài Gòn sẽ tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi lần năm ngoái vì mùa Đông năm nay, lượng củ quả dự trữ ở các chợ Sài Gòn đã cạn kiệt. Chính vì dự đoán như thế nên nhà nông các miệt vườn miền Tây đã tăng cường trồng củ quả.

Và một khi lượng cung vượt mức nhưng lượng cầu giảm thiểu sẽ dẫn đến không khí ảm đạm ở các chợ đầu mối. Trong khi đó, phần đông những nhà buôn vốn là bạn hàng của nhà xuồng chợ nổi Cái Răng trước đây đã chuyển sang buôn củ quả Trung Quốc, những chuyến xe từ miền Tây lên Sài Gòn, ra Trung, ra Bắc đã đổi tuyến chạy gió ra Bắc, chở củ quả Trung Quốc từ các cửa khẩu phía Bắc về phân phối ở miền Nam.

Nhà xuồng chợ Cái Răng lo lắng vì Tết.

Bà Nguyên, một người gắn bó hơn hai mươi năm trên sông nước miền Tây bằng nghề buôn củ quả và cắm xuồng trên chợ nổi Cái Răng gần ba năm nay, chia sẻ : “Bán sỉ cũng có mà bán lẻ cũng có, ví dụ như người ta đi tới, cập thuyền tới rồi mua sỉ mua lẻ gì cũng có. Nhưng bây giờ ế rồi, ít có ai lắm, bây giờ tại các vựa trái cây người ta ít mua bán, bởi vì các phương tiện người ta không có đi xuống nữa, nếu anh muốn mua gì chỉ cần gọi điện đặt hàng ở vựa trái cây là người ta gửi lên tới Sài Gòn cho anh luôn. Bây giờ cũng hạn chế lắm, nhiều lúc người ta không biết hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc nên cũng sợ lắm !”

Cũng theo bà Nguyên, với tình hình mua bán hiện tại, nhà xuồng trên chợ nổi Cái Răng sẽ đón một cái Tết buồn và thiếu hụt. Vì cả một năm đầu tư chỉ dồn vào thu nhập những ngày cận Tết. Nhưng Tết năm nay, nhà xuồng đóng vai trò làm kiểng cho những Tour du lịch hơn là buôn bán, thu nhập và dự trữ cho năm sau.

Một nhà xuồng khác trên chợ nổi Cái Răng than thở rằng với đà bán hàng cận Tết nhưng chỉ tương đương với những ngày cuối tháng trong năm như thế này, chắc chắn là Tết này, gia đình bà sẽ đón một cái Tết ảm đạm. Nghĩ đến chuyện quanh năm buôn bán ở sông nước, ít khi về đến gia đình, dịp Tết là dịp đại đoàn tụ gia đình, ông bà, con cháu quây quần bên mâm cơm thơm tho hương nhớ quê kiểng và ấm áp tình gia đình. Tết này, mâm cơm sẽ thiếu vắng nhiều món và tăng thêm nỗi lo cho một năm buôn bán mới vì những mối nguy từ phương Bắc, e rằng khó để có một cái Tết ấm áp được !

Và người nhà xuồng này tỏ ra hoài nghi về cái gọi là chính sách khuyến nông, ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam mà lâu nay bà vẫn hay nghe đài báo trong nước rêu rao. Bà nói rằng nếu như có chính sách khuyến nông thật sự, cho bà con nông dân vay vốn để nuôi trồng thì lượng hàng nông sản sẽ tăng cao. Một khi hàng nông sản Việt Nam tăng cao để rồi lại bị hàng nông sản Trung Quốc sang đè bẹp thì chẳng khác nào nhà nước đã đặt bẫy để nông dân Việt Nam bước vào làm gọn một vố, chết cả chùm.

Ngày hết Tết đến, những âm thanh trên sông nước ngày giáp Tết bao giờ cũng khiến cho lòng người trở nên xốn xang một mối cảm hoài xa vợi, khó diễn tả. Và, những thanh âm trầm bổng nơi chợ Nổi Cái Răng vào những ngày giáp Tết này cứ như một dự cảm buồn, một tiếng thở dài của người nông dân, nhà xuồng Việt Nam trước trận gió đen có tên “Củ quả Trung Quốc” !



RFA