PDA

View Full Version : Đà Lạt Ngày Tháng Cũ - TÌNH YÊU NHƯ BÓNG MÂY



KiwiTeTua
01-27-2014, 05:57 AM
TÌNH YÊU NHƯ BÓNG MÂY


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1390513031.jpg

Đà Lạt Trong Nỗi Nhớ - Diễm Liên
http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1390513674.mp3


Đà Lạt xưa kia giống như một thiếu nữ tuổi xuân thì, dáng đài các, đã từng làm siêu lòng biết bao nhiêu là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và cả nhiếp ảnh gia nữa… Thật quyến rũ. Thật đắm say. Ghé thăm Đà Lạt để rồi khi chia tay nhau lại bịn rịn.

Đà Lạt là cả một thiên đường của kỷ niệm, của hạnh phúc. Biết bao nhiêu người đã dàn trải nỗi lòng nhung nhớ về thành phố này thành những dòng hồi ký, những lời tình tự, những vần thơ lai láng, những âm thanh, điệu nhạc thánh thót, trữ tình hay những bức tranh vẽ, những tấm ảnh chụp rất nghệ thuật… Mỗi người một vẻ… Quả thật Đà Lạt mãi mãi in đậm nét trong lòng người, nhất là những người đang sống một cuộc đời xa xứ.

KHÁNH GIANG năm 1959 viết về “Đà Lạt với du khách” đã nói:

“Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin đen ngòm, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái “tâm hồn” sâu xa và thấm thía của Đà thành. Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa.”

Tình yêu với Đà Lạt thật muôn vẻ. Khi thì lặng lờ như mặt nước hồ thu êm dịu hay cuồng nhiệt như những bọt nước trắng xóa của thác nước bên đèo. Khi thì giăng mắc như sương khói phủ trên khắp cánh rừng thông. Khi thì tan biến vào thinh không theo tiếng chuông chùa Linh Sơn... tiếng chuông nhà thờ Con Gà... Tình yêu vang vọng và lan đi để rồi hội nhập vào núi đồi Đà Lạt mỗi buổi sáng sớm khi mặt trời còn khuất dạng...

Phải chăng đối với những ai đã từng sinh trưởng tại Đà Lạt, hay đã có một thời gian dài sinh sống tại đây hoặc chỉ là du khách ghé thăm thành phố trong ít ngày thời Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã để lại trong tận cùng tâm khảm con người những niềm thương nỗi nhớ sâu đậm và thiết tha… như suối nguồn tuôn chảy. Nói hoài không hết!

Sau đây chỉ thâu thập và ghi lại được một phần nào cái tình cảm thương yêu và nhớ nhung đó mà thôi! Mỗi người một vẻ! Tình yêu với Đà Lạt bồng bềnh như bóng mây, một thời đã hội tụ quyến luyến trên bàu trời thành phố cao nguyên thời nay lại man mác dàn trải ra khắp cả bốn phương trời… Nỗi nhớ khôn nguôi!

KHÁNH LY

Giọng ca của KHÁNH LY một thời vang vọng trong các phòng trà của thành phố Đà Lạt và nay mãi còn âm hưởng trong lòng người. Hãy nghe kể một chút về tiểu sử của KHÁNH LY, nhất là cuộc gặp gỡ đầu tiên với Trịnh Công Sơn:

“Năm 1954, lúc 9 tuổi - trước khi theo mẹ di cư vào Nam - trong một Kermesse được tổ chức ở Hà Nội, Khánh Ly đã leo lên sân khấu tham dự cuộc thi hát được dựng lên theo kiểu tuyển lựa ca sĩ bây giờ. Ngày ấy, bé Lệ Mai hát bài “Thơ Ngây” học lóm từ những cửa hàng trên con phố Hàng Bông, nhưng bé không được giải gì cả.

Cuối năm 1956, dù mới khoảng 11-12 tuổi nhưng với niềm đam mê ca hát có được từ bé, một lần nữa Lệ Mai quyết định đi thi hát. Lệ Mai chuẩn bị đến với cuộc thi quan trọng của mình bằng cuộc quá giang xe rau chở bắp cải đi từ Đà Lạt về Sài Gòn để ghi danh dự buổi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp-Á tổ chức tại rạp Norodom. Em bé Lệ Mai hát bài “Ngày Trở Về” của nhạc sĩ Phạm Duy và đoạt giải nhì, sau thần đồng Quốc Thắng.

Năm 1962, Khánh Ly thật sự bước vào cuộc đời ca hát của mình. Cô bắt đầu trình diễn ở phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Sài Gòn. Khoảng cuối năm 1962, Khánh Ly rời Sài Gòn lên hát cho một Night Club ở Đà Lạt và cô ở lại đó suốt 6 năm.

Năm 1964, tại Đà Lạt, Khánh Ly gặp một người nhạc sĩ nghèo. Anh đến với cô bình thản như cơn mưa dầm của Đà Lạt vào đêm hôm đó. Qua vài câu chuyện, cô và nhạc sĩ trở thành hai người bạn. Người bạn ấy không ai khác, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rất nhiều lần Trịnh Công Sơn đề nghị Khánh Ly về Sài Gòn đi hát với ông nhưng cô đều từ chối bởi cô yêu Đà Lạt, sự yên tĩnh thanh bình của Đà Lạt đã quyến luyến bước chân cô, không như Sài Gòn vốn đông người và luôn nhộn nhịp. Nhưng nếu tin vào định mệnh thì cuộc gặp gỡ của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn tuy bình thản, giản dị là thế song đã trở thành định mệnh của cuộc đời Khánh Ly, là khoảnh khắc lịch sử không riêng của Khánh Ly mà còn của nền âm nhạc nước nhà.

Bởi vì đã gọi là định mệnh cho nên đến năm 1967, như một sự tình cờ, Khánh Ly gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa giòng người đi lại trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, vào một buổi chiều êm ả. Từ một đêm mưa của Đà Lạt đến một buổi chiều trên đường phố Sài Gòn, tất cả đã bắt đầu. Ngay chiều ấy, trên nền gạch đổ nát có một quán lá sơ sài được dựng lên với cái tên là Quán Văn. Ca sĩ Khánh Ly bắt đầu hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại đây.”

KHÁNH LY gắn bó nhiều với Đà Lạt. Người ca sĩ tâm sự trong một bài viết ghi tháng 4 năm 1985 như sau:

“Đà Lạt không xa lạ lắm với tôi, 1956 bố tôi làm việc tại thành phố này, từ khu Chi Lăng, mỗi ngày tôi đi bộ đến trường Phan Chu Trinh nằm ngay ngã tư đường Nguyễn Du và Trần Hưng Đạo. Trò chơi thuở nhỏ của tôi là chui vào những bụi rậm hái hoa hoặc men theo ven hồ Chi Lăng mò ốc. Về đến nhà thì chui vào cái rãnh nhỏ quanh nhà, đắp đất trồng rau. Tôi không có búp bê, không có những cuốn sách hình, không có bạn. Tôi sống lủi thủi một mình, lủi thủi chơi một mình. Đầy mặc cảm ở cái tuổi 12. Gia đình tôi ở Đà Lạt một năm, lại trở lại Sài Gòn. Nhưng cái thành phố núi đồi trùng điệp, những buổi sáng sương mù rét mướt lội bộ đến trường, co ro trong chiếc áo len, đã nằm gọn trong khối óc bé nhỏ của tôi. Do đó khi bà chủ Night Club Đà Lạt về Sài Gòn tìm ca sĩ lên hát cho nhà hàng của bà, tôi đã không ngần ngại nhận lời.

Lúc đó tôi chưa được xem là ca sĩ. Chỉ mới là mầm non có cũng được không có cũng chẳng sao…

Một ngày tháng 11-1962, tôi rời Sài Gòn. Chiếc xe đò Minh Trung đưa tôi lên vùng Cao Nguyên Đà Lạt thơ mộng nơi mà mọi người vẫn xưng tụng là Hoàng Triều Cương Thổ. Cùng đi với tôi là nữ ca sĩ Ngân Hà và bà chủ Night Club Đà Lạt. Năm đó tôi 17 tuổi.”

KHÁNH LY bày tỏ lòng quyến luyến Đà Lạt của chính mình:

“Đến Đà Lạt rồi tôi không còn nhìn thấy chỗ náo đáng yêu bằng, dù sau đó, tôi phải rời xa. Cho nên bạn tôi, ông Kiêm Thêm, cổ thụ Đà Lạt thường nói đó là thiên đường lỡ. Năm 1967 tôi về Sài Gòn đi lêu bêu, gặp lại Trịnh Công Sơn. Nhờ Diễm Xưa, tôi được sự yêu mến. Bằng những bài hát của Sơn tôi đi qua rất nhiều nơi mà lòng vẫn không quên Đà Lạt.

Cái mơ ước một ngày được trở lại thành phố này, trở lại và sẽ ở lại, vẫn ngày đêm thôi thúc trong tôi. Một căn nhà nhỏ bằng gỗ, một khu vườn nhỏ xanh rờn bóng trúc bao quanh, một gốc đào, một gốc ngọc lan, một giàn thiên lý và một người yêu tôi. Rồi có nhắm mắt xuôi tay, lòng tôi cũng bình thản.

Vào những năm chiến tranh khốc liệt nhất, tôi trở lại Đà Lạt đôi lần hát ở quán Lục Huyền Cầm đường Võ Tánh, hát ở Viện Đại Học Đà Lạt. Tôi trở lại Đà Lạt như người Đà Lạt trở về Đà Lạt, ngồi uống café ở nhà Thủy Tạ mà lòng đầy những ngậm ngùi. Đà Lạt có nhiều thay đổi, phải là những người yêu Đà Lạt lắm mới cảm nhận được điều đó.

Nhà hàng Night Club từ Lý Thái Tổ, dời ra Hotel du Parc, rồi bị cháy vào một đêm mùng 5 Tết, thêm một lần di chuyển lên lầu trên của ciné Ngọc Lan đường Thành Thái. Thêm cái dancing Tulipe Rouge nằm bên cạnh chợ Hòa Bình, tôi cũng có dịp cộng tác một thời gian, cho tới lúc tôi rời Đà Lạt. Sau này chỉ còn một dancing duy nhất nằm trong khách sạn Duy Tân. Tôi ở tại đây khi lên hát cho Lục Huyền Cầm.

Lần sau cùng, tôi lên Đà Lạt vào tháng 11-1974. Đường bị cắt ngang Rừng Lá. Tôi phải quay về với bao nỗi tiếc thương… Khi nghe tin Đà Lạt bị chiếm giữ. Tôi đau đớn như người bị trúng thương…

Vết thương dù có lành, tự nó cũng là một vết thương, đã một lần làm ta đau đớn. Tôi vẫn ôm mơ ước về một Đà Lạt của tôi dù đã có những con đường phai mờ trong tâm tưởng… Mười ngàn cái hồ ở Minnesota, sáu ngàn cái hồ ở Florida, không đủ sức làm tôi rung động, như ngày xưa mỗi lần xe Minh Trung chạy ngang hồ Xuân Hương để về bến. Tôi có khó tánh quá không? Tôi có bảo thủ quá không? Tôi nghĩ rằng không và tôi còn nghĩ rằng tất cả những ai đã từng ghé Đà Lạt, bây giờ dù ở xa, quá xa quê hương, cũng đều cùng một ý nghĩ như tôi. Bởi Đà Lạt cũng là Việt Nam và chúng ta chỉ có một nơi để nghĩ tới, một chốn để mơ về đó là Việt Nam, mà ở đó có Đà Lạt. Niềm mơ dấu yêu của riêng tôi.”

KHÁNH LY, hơn một chục năm sau đó, vào tháng 10 năm 1998, lại viết thêm về thời gian khi mới lên ở tại Đà Lạt:

“Tôi bắt đầu đi học lại ở trường tiểu học Phan Chu Trinh. Ngôi trường nhỏ nằm ngay tại ngã tư tôi không còn nhớ tên đường… Dẫu ít khi được cho đi chơi phố, nhưng những khoảng đất rộng đầy hoa dại và những loại giây leo lúc nào cũng thơm ngát mùi gỗ thông và con đường đất nhỏ dẫn tới Hồ Chi Lăng đã là một quyến rũ khiến cho đến bây giờ, mấy chục năm trôi qua, lòng tôi vẫn xao xuyến bồi hồi mỗi khi có ai nhắc tới Đà Lạt…

Tôi bỏ nhà đi hoang lần thứ nhất là năm 1956 ở Đà Lạt. Tôi không còn nhớ vì sao tôi có đủ can đảm mở lời xin đi nhờ một chiếc xe chở bắp cải về Sàigòn dự thi tuyển lựa ca sĩ Nhi Đồng. Tôi cũng không nhớ đã nhờ ai ghi danh bài Từ Giã Kinh Thành của Châu Kỳ. Ban tổ chức từ chối vì bài hát của người lớn, không hợp với tuổi của tôi. Thế là tôi đổi qua bài Ngày Trở Về của Phạm Duy. Tôi mặc quần soọc trắng, áo sơ-mi carô. Nhận được giải nhì, tôi lại xin chiếc xe đã chở tôi từ Đà Lạt cho tôi quá giang một lần nữa. Bác Tuất gái là chị ruột của mẹ tôi, bà thương tôi, ôm tôi và nói: "... Tội nghiệp, mày về là chết đòn con ạ...", mà quả thật như vậy. Đây là trận đòn thứ nhất tôi lãnh chịu trước cái nhìn kinh hoàng của anh chị tôi... Tôi không khóc lúc những ngọn roi tới tấp quất xuống mình nhưng sau đó, tôi trốn ra Hồ Chi Lăng ngồi khóc một mình. Không phải vì đau mà vì tôi đã bước được bước chân thứ nhất vào định mệnh của tôi.

Năm 1962, trong một lúc bơ vơ thiếu thốn, khổ sở trăm bề. Tôi nghĩ đến Đà Lạt. Ngày còn men theo Hồ Chi Lăng mò những con ốc nhỏ xíu, tôi cũng nhỏ nhoi như thế. Lần này trở lại Đà Lạt, tôi không còn là một cô bé, tôi đã là một thiếu phụ. Tôi đã hết ngây thơ, không gia đình, không bạn bè, tôi tự bước đi trong đời bằng chính đôi chân của mình. Không khởi đi từ Sàigòn mà ở ngay nơi thành phố nhỏ bé, thơ mộng, hiền như nước mưa. Đà Lạt hợp với nhạc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, của Tô Vũ, của Biệt Ly, của Lá Đổ Muôn Chiều, của Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa, của Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, của Lá Thư... Đà Lạt là nơi người ta dễ đến gần nhau, dễ yêu nhau và cũng là nơi để người ta chạy trốn và tìm quên.

Đà Lạt chỉ cách Sàigòn mấy tiếng đồng hồ xe nhưng hoàn toàn khác biệt, lạ lẫm tưởng chừng như từ thuở khai thiên lập địa, bàn tay Thượng Đế đã đặt lầm chỗ… Giữa những bát nháo, ồn ào, nhầy nhụa. Đà Lạt vẫn im lìm dịu dàng thanh cao như một người tình khuê các… giữa tiếng bom rơi đạn nổ, tiếng la khóc thảm thương, những tà áo tím hồng vẫn nhẹ nhàng lướt nhẹ trên phố với tiếng thông reo vi vu chưa bao giờ ngưng nghỉ, có một chút gió heo may và một thoáng mưa bụi… Tất cả, đủ làm người ta yêu nhau. Thánh thiện và trong sáng…

Một phần đời của tôi là Đà Lạt. Có khởi đầu. Có chấm dứt. Có hân hoan. Có tuyệt vọng. Tôi gắn bó với Đà lạt như đương nhiên cuộc đời của tôi gắn bó với Việt Nam. Có qua đi nhiều năm tháng nữa, như đã qua, tôi vẫn một niềm yêu thủy chung như thế.”

KHÁNH LY, năm 2002, trong mục “Chuyện kể sau 40 năm” lại tâm sự thêm về kỷ niệm với Đà Lạt:

“Thời đó, tôi mới 18 tuổi, còn ham ăn, ham chơi. Chẳng có gì thú vị cho bằng quăng giầy dép, chân không, đi, chạy, nhẩy khắp Đồi Cù, xuống Tòa Tổng Giám Mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Tòa Tỉnh rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. Không nhớ đến ai cũng không cần biết mình là ai, ngày mai sẽ ra sao. Không nhớ ai thật, không cả yêu đương. Không hề nghĩ đến gia đình và Sàigon…

40 năm trước, đó là ý nghĩ của một thiếu phụ tuổi 18, nằm ngủ quên dưới gốc thông già. Buổi trưa, nắng vàng chan hoà trên cỏ lá, tiếng thông reo ngân dài, bất tận như một lời ru buồn. Lời ru âm thầm đi vào giấc ngủ và ở lại đó. Lời ru buồn. Rất buồn.”…


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1390513307.jpg

Trong một bài viết khác KHÁNH LY tâm sự tiếp khiến người Đà Lạt xa xứ nghe thấy thật ngậm ngùi, thật thấm thía:

“Mùa Ðông Ðà Lạt như mùa Thu kéo dài. Thêm chút lửa ấm từ lò sưởi ngọt ngào mùi gỗ thông. Ðêm Ðà Lạt bao giờ cũng lạnh. Hơn, kém một tí cũng không cho ta thấy rõ mùa đang chuyển. Bốn mùa xoay quanh những thói quen đáng yêu. Hương café thơm ngát qua bao nhiêu suối khe đồi núi. Dốc thấp, dốc. Mái nhà ngói đỏ và mùi thơm của gỗ thông. Tôi yêu Ðà Lạt vô chừng. Như một người tình. Hơn một người tình. Tôi rời Ðà Lạt không ngờ, như khi đến. Rời xa mà vẫn yêu. Yêu nhiều hơn vì trong cái yêu có cái tiếc nuối mặc dù sự việc rời bỏ Ðà Lạt năm 1967 đã đưa tôi đến một đổi thay, đến một hạnh phúc may mắn không bao giờ tôi dám nghĩ đến.

Năm 1964 khi Trịnh Công Sơn rủ tôi về Saigon đi hát với anh. Tôi từ chối. Không phải vì không yêu nhạc Sơn. Nhưng lúc đó tôi yêu Ðà Lạt hơn. Cái lối sống xô bồ, ồn ào mánh mung của Saigon không hợp với tôi. Trong khi đó Ðà Lạt là thiên đường. Êm ả, trong sáng. Saigon đó có một chỗ đứng nào cho tôi. Là một người không hề có một chút tham vọng. Thích an phận, bằng lòng với những điều mình có. Một đứa con gái tầm thường như tôi. Những ngày tháng ở Ðà Lạt đã là một an ủi quá đủ rồi. Với làm vui chi những điều quá xa vời. Cũng không hề mơ ước một đổi thay. Hơn thế nữa con người tôi, tâm hồn tôi hợp với Ðà Lạt hơn. Thế mà rồi tôi đã rời xa nơi chốn đã cho tôi biết bao ngày tháng đẹp đẽ trong sáng.”

(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ” - LS. Ngô Tằng Giao)