PDA

View Full Version : Đời Pháo Binh



Longhai
01-20-2014, 11:13 PM
Đời Pháo Binh


Trần Văn Bường


Nay sống xa quê hương những nửa vòng trái đất, đôi lúc hồi tuởng lại cảnh cũ nguời xưa tôi cảm thấy bùi ngùi tủi hổ, vui ít buồn nhiều. Với trách nhiệm và thành quả cá nhân mình lúc đương thời, nếu không nói là đáng tự hào, ít ra cũng không xấu hổ với lương tâm, với ân nhân và với những người nằm xuống cho mình được sống.


Trần Bường


***

Sống “bụi đời” mấy tháng, ba mẹ của một người bạn học cùng lớp tốt bụng (Bắc trước năm 1954) nhà khá giả nằm trên đường Trần Hưng Ðạo quận Nhì cho tôi về nhà ăn ở mà không lấy một đồng nào với hai điều kiện : Ưu tiên một là phải cùng với con Bác (bạn tôi) chịu khó học hành không chơi bời lêu lỏng, thứ hai, nếu có thời giờ rảnh rỗi, kèm dùm cô con gái cưng của bà học sau tôi hai lớp.

Tình Nguyện vào Khóa 18 SQHD Đà Lạt

Ở đây đuợc hai năm, con đuờng học vấn cũng chưa đến nổi “Ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh”, nhưng tình hình chiến sự nước nhà đã bùng nổ lớn. Chánh phủ đang lần luợt gọi nhập ngũ từ khóa 12 Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Ðức những nguời cùng lứa tuổi với tôi. Thấy con đường khoa bảng như Kỹ sư, Tiến sĩ còn khó khăn nhiều, hơn nữa không thể sống theo kiếp “cây tầm gởi” mãi giữa lúc cuộc chiến ngày càng dữ dội, tôi phải quyết định chọn hướng đi cho đời mình. Ðó là đuờng binh nghiệp. Ðã là lính thì phải “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực” (Một là chết thành phân nuôi cỏ, hai phải là Tướng). Tôi tình nguyện vào Khóa 18 truờng Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt nhập ngũ từ tháng 11 năm 1961 khi vừa bước sang tuổi hai mươi mốt để thỏa mãn chí tang bồng ấp ủ từ lâu :

“ Làm trai cho đáng lên trai,
Xuống Ðông Ðông tĩnh, lên Ðoài Ðoài yên”.

Rồi lại chuyến “Tàu đêm năm cũ” mang chúng tôi rời ga Sài Gòn lúc bảy giờ tối, tới ga Tháp Chàm (Phan Rang) rồi đến Ðà lạt trưa hôm sau, bỏ lại sau những ánh đèn màu rực rỡ của nếp sống phồn hoa đô thị đầy cạm bẫy của “Hòn Ngọc Viễn Ðông”. Biết tôi vào lính, gia đình không lấy gì vui nếu không nói là phản đối; không ai đưa tiển ngoài anh Quan - người bạn học cũ - thuộc diện “học tài thi phận” chưa có duyên với khoa bảng. Bị trắc trở mấy lần thi, anh đành về lại quê nhà Phan Thiết đeo đuổi nghiệp cha truyền con nối “văn chương không bằng xương cá mòi” phụ giúp cha mẹ trong nghề chế biến hải sản mà tôi tình cờ gặp lại sau này trong trường hợp thật oái oăm.

Ðón chúng tôi tại sân ga Ðà lạt là một nhóm Sinh Viên Sĩ Quan Ðà Lạt khóa trước. Anh nào anh nấy cũng cao ráo trong bộ đại lễ dạo phố mùa Đông màu xám đậm trông oai nghi lẫm liệt khiến đám này thêm phần thích thú và mừng thầm mình đã chọn đúng nghề. Lần đầu tiên đặt chân đến xứ hoa đào, nơi mệnh danh là "Hoàng Triều cương thổ” (Đất dành cho dòng họ nhà Vua) mà từ nhỏ mình từng ao ước có một ngày du lịch nơi đây. Lúc ấy về mùa Ðông thời tiết lành lạnh, cái lạnh không giá buốt lắm, tạm thích hợp với tuổi trẻ đang hồi sung sức. Cảnh và người chung quanh tươi đẹp làm sao ! Mặt ai cũng hồng hào hấp dẫn. Những cành hoa Lyon, Tu lip tươi sáng và những bụi hoa Pensé vàng nhung tím phô bày bên cạnh những cánh hoa Anh đào bông trắng nhụy hồng gần bờ Hồ Xuân Hương tạo nên một bức tranh đẹp lộng lẫy giữa bầu trời mùa Đông phủ đầy sương lạnh chưa từng thấy nơi quê mình cung như không thấy ngay cả vườn hoa tươi được trưng bày bán tại đường Nguyễn Huệ Sài Gòn trong dịp Tết.

Trước khi rời Sài gòn, tôi đã chuẩn bị đem theo mấy bộ đồ “kẻng nhất” lên Ðà lạt du hí mấy ngày để xem phong cảnh hữu tình như thế nào mà nhiều người ‘lắm tiền nhiều của’ ca tụng. Nào ngờ, vừa thưởng thức xong vài cái bánh kem cùng chai nước ngọt xong tại phòng tiếp tân trường Vỏ Bị Ðà Lạt, tai bổng nghe những tiếng hò hét phát ra từ các ‘Lão mặc đồ Kaki’ (Sinh viên cán bộ) : Mời quý vị vào hàng đôi, đồ đạc vác lên vai… chạy vào doanh trại, nhanh lên ! nhanh lên !!! Dù chua từng mặc áo nhà binh, mình vẫn thi hành lệnh như cái máy nhờ từng đi Hướng đạo sống theo nề nếp từ nhỏ tại Phan Thiết. Tuy vậy trong đầu vẫn nghĩ thầm : “Trời ơi ! mấy thằng cha này (Xin lỗi các Niên trưởng), mới cho nuốt mấy cái bánh chưa qua khỏi cổ đã bắt chạy và quát tháo rùm beng. Nghĩ là nghỉ vậy chứ phải cắm đầu cắm cổ chạy bám sát các bạn chạy truớc. Nhiều anh thuộc diện công tử Saigon mang theo “đờn địch” cồng kềnh chạy theo không kịp, vậy là bị phạt dài dài.

Từ đó về sau ngoài giờ ăn ngủ, lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai các điệp khúc hối thúc : Nhanh lên, bám sát, lề mề, yểu điệu như con gái, cùng những tiếng la phạt - bò, chạy, nhảy xổm, hít đất v...v của các hung thần khóa đàn anh. Mười tuần lễ "đầu tắt mặt tối” đầu tiên, với tư cách là tân khóa sinh, chỉ biết thi hành lệnh như cái máy, không còn thì giờ mơ mộng suy nghĩ ‘Linh tinh lang tang’ về những ánh đèn hồng nhấp nháy với tiếng nhạc ‘xập xình’ ở các phòng trà Sài Gòn hoặc viết những cái thư tình mùi mẫn cho em gái Thành đô mà chỉ còn hướng về tương lai đang trong giai đoạn thử thách ‘Chí làm trai ngang dọc hải hồ’. Nếu lơ tơ mơ bị rớt phải ra trường nửa chừng mang lon ‘Cánh gà’ (Trung sĩ) sẽ ân hận như ta thường nghe câu nói đùa : “Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”.

Vào một buổi tối trong tuần lễ thứ hai, tôi bị phạt chạy mười vòng sân doanh trại (Khoảng tám cây số) về tội sắp xếp giường ngủ không thẳng góc. Ðang thi hành lệnh phạt tới vòng thứ tám người mệt bở hơi tai, lại nghe tiếng người thở hổn hển đang chạy sát bên cạnh mình. Nhìn qua,thấy gương mặt khá quen quen, nhìn kỹ lại chính là thằng bạn học chung năm đệ Tam trường Phan Bội Châu Phan Thiết. Ðó là Nguyễn Quang Hành, em của cựu Đại Tá Nguyễn Quang Hoành từng làm Tỉnh trưởng Bình Thuận năm 1964. Anh ta cho biết bị phạt chạy vì tội đánh giày không bóng. Ðó là hai người Bình Thuận duy nhất học Khóa 18 Ðà Lạt năm đó. Thương thay anh Hành đã đền nợ nước năm 1972 tại chiến trường Campuchia lúc đang là Tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân tại Vùng bốn Chiến thuật.

Sau hai năm được gọi là văn võ song toàn; cuối năm sáu mươi ba (1963) “chưởng lực” đã đủ mạnh và được “xuống núi” với cấp bậc Thiếu úy thực thụ tuổi vừa hăm ba, mặt còn búng ra sữa nhưng không thể dấu nổi vết phong sương gian khổ Quân trường. Từ đó tạm ca bài “Ðà Lạt ơi ! Giã từ em nhé ”.

Ra trường chọn Binh chủng Pháo binh. Sau bốn tháng học căn bản chuyên môn rồi chọn về Pháo binh Sư Ðoàn 9 đóng tại vựa lúa miền Tây nước Việt. Tuổi trẻ nhiệt tình, máu còn hăng nóng thích đi nơi xa lạ để biết thêm về đất nước ‘Tiền vàng biển bạc’ mà ông cha ta có công gầy dựng. Ngành Pháo binh bắt buộc phải tính toán yếu tố trước khi cho lệnh bắn đạn đi phù hợp với năng khiếu mình chứ không phải ham “giật le” như câu người ta thường đùa : “Em ơi chớ lấy pháo binh, đêm đêm nó bắn rung rinh chiếu giường”.

Đời Pháo Thủ

Ngày rời Sài gòn về đơn vị tác chiến trong cảnh độc thân, với chiếc ‘ba lô’duy nhất không một bóng dáng tiễn đua như cảnh bịn rịn ta được học trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” :

"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hon ai !"

Chiếc xe đò Miền Tây rời bến xe Pétrus Ký qua ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) đầy cây ăn trái, quẹo phải đến Cai Lậy rồi bến Phà Mỹ Thuận. Qua phà, xe quẹo phải (Quẹo trái về Vĩnh Long, Vĩnh Bình hay Cần Thơ) xuyên qua Cái Tàu Hạ, Nha Mân rồi tới Sa đéc. Khá vui, trên chuyến xe đò hôm ấy tôi ngồi cạnh một thiếu nữ trắng trẻo khá đẹp, tóc xỏa bờ vai, có lẽ tuổi vừa qua khỏi trăng tròn, học trường trung học Tống Phước Hòa Sa đéc. Nhờ có dịp chuyện trò, tôi được biết nhiều địa danh và đặc sản từng vùng xe vừa chạy qua. Câu chuyên vui và hào hứng khiến quên để ý cả thời gian lẫn không gian đến khi xe ngừng tại khoảng đất trống gần nhánh sông nhỏ mới biết mình đa đến noi. Tôi giã từ người đẹp Sa đéc, xuống con đò nhỏ băng ngang sông Sa đéc trình diện đơn vị bên kia cầu (đi tắc). Ðó là cô gái Miền Tây đầu tiên tôi hân hạnh được gặp trên đường trình diện đơn vị.

Miền Tây ruộng lúa phì nhiêu, rộng bao la ‘Cò bay thẳng cánh’ không thấy bờ chia cắt từng mảnh nhỏ như ở miền Trung mà cố ca sĩ Duy Khánh đã diễn tả trong một bài hát ta từng nghe “miền Trung đất cày lên sỏi đá”. Miền Tây gần đến mùa gặt, lúa chín vàng đầy đồng tỏa mùi thơm ngát. Cây trái và đặc sản địa phương nhiều thứ rất ngon, nào là mận đặc ruột Trung Lương (Mỹ Tho), xoài Cao Lãnh, nem Nha Mân, bánh phòng tôm Sa đéc, dừa Bến Tre, cam quít, vú sữa thơm ngọt nơi nào cũng có. Các nhánh sông Cửu Long mang đất phù sa trù phú cho nghề trồng trọt. Sông có nhiều tôm cá ngon. Thuyền bè buôn bán nhộn nhịp chở đầy hoa quả, tôm cá, rùa, rắn qua lại hoặc xuôi ngược khắp các nhánh sông, hầu hết đều được mang về Sài Gòn tiêu thụ.

Viết đến đây tôi cảm thấy thèm nhớ lại món cá lóc nướng trui, ếch chiên bơ, rùa rang muối, cháo rắn nấu đậu xanh ăn vào mát rượi, mắm thái Châu đốc, chuột khìa Cao Lãnh (chuột đồng), đun Chà là (Ba Ðộng,Vĩnh Bình), lẩu cá bông lau Cần Thơ. Ôi ngon ơi là ngon ! Dân tình hiền hòa chất phát, ít cảnh bon chen, cuộc sống thật vô tư bình dị. Hầu như dân chúng đều sống về nghề nông ngọai trừ tỉnh Rạch Giá (K.G.) sống về nghề biển là chính; nên khi nói đến Miền Nam người ta nghĩ ngay đó là vựa lúa Việt Nam. Khi đất nước thanh bình lúa là nguồn xuất cảng chính đến gần khắp thế giới.

Trên đường hành quân, tôi đã đặt chân đến hầu hết các tỉnh Miền Tây, sang cả Cao Miên, nhiều nhất là các tỉnh Châu Ðốc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa đéc, Mỹ Tho, Kiến Phong. Ðặc biệt taị quận Mỹ An (Kiến Phong.) năm 1967, tình hình chiến sự khá yên tĩnh, thỉnh thoảng đơn vị tôi chỉ bắn quấy rối mười quả đạn pháo binh về đêm mà thôi.

Nhờ thế tôi đã có thời gian rảnh dạy giúp trường trung học bán công Mỹ An về Hình học và Đại số cho hai lớp đệ Lục và đệ Ngũ gần bốn tháng cho đến khi thuyên chuyển đi nơi khác mới thôi. Vì vậy tôi có rất nhiều kỷ niệm được sống lại thời cấp sách và quen biết nhiều dân địa phương ở đây. Ðó cũng là kỷ niệm hiếm có của đời lính. Lúc còn “độc thân vui tính tiền lính tính liền”, những ngày không hành quân, tôi thường bách bộ hay lái xe tà tà vào giờ tan trường nơi mình đóng quân nhu trung học Huỳnh Quang Tiên (Trà Vinh), Tống Phước Hòa (Sa Đéc), Tống Phước Hiệp và trường Sư phạm (Vĩnh Long). Cũng như trường Phan Bội Châu tỉnh mình, vào giờ tan học những tà áo trắng các trường này (trừ trường Sư Phạm) phất phới như đàn nhạn trắng tung bay tìm về tổ ấm. Ðó là dịp rửa mắt tốt nhất, tốt và tự nhiên hơn thời mình còn cấp sách chưa thấy tương lai.

Năm 1964 trên đường về thăm gia đình trong chiếc xe đò Tiến Lực, bị VC chặn đường tại rừng lá, nhờ đề phòng trước, họ không phát hiện ra mình là Sĩ quan nên tôi thoát khỏi cụm từ “đền nợ nước” như bao Chiến sĩ khác từng chết. Từ dịp chết hụt đó về sau tôi không về thăm quê bằng xe đò nữa mà chỉ đi phi cơ thôi. Mỗi năm được mấy ngày phép ưu tiên về SG thăm em gái thành đô (thông cảm) không còn thời gian về thăm cha mẹ thường như trước.

Về Ninh Thuận.

Xa quê hương đã lâu, hơn nữa khi nghĩ cảnh “cha mẹ già chờ mong bóng con” ở tuổi về chiều; sau khi học xong khóa Pháo binh cao cấp, tôi xin chuyển về đơn vị gần nhà nhất lúc bấy giờ là Tiểu đoàn 233 Pháo binh đóng tại Sông Mao từ giữa năm 1971.

Sông Mao - 05/1967

Trong khi chờ ra nhận chức Pháo đội trưởng kiêm Sĩ quan liên lạc tại tỉnh Ninh Thuận, tôi được bốn mươi tám giờ phép về thăm gia đình cha mẹ tại Phan Thiết. Sau thời gian dài xa cách ba má thấy tôi về bất ngờ rất mừng rở dường như trẻ lại được mấy tuổi. Chuyện trò chưa được lâu, bạn bè cũ đang phục vụ tại Tiểu khu Bình Thuận đến thăm và ’bắt cóc’ tôi đi nhậu nhẹt tạm gọi là ”Mừng ngày tái ngộ”. Nhậu xong về ba má tôi lại trách: “sanh mấy thằng con trai như mầy chẳng ích lợi gì cho gia đình ngoài việc nối dòng nối giống. Vừa về ngồi chưa nóng mông đã biến rồi. Vì thương nhớ con quá nên “ông già” nói vậy khi giận chứ mình cũng chưa đến nổi bê tha quên công đức sanh thành của cha mẹ. Từ đó về sau, lợi dụng một vài chuyến công tác từ Phan rang về Sông Mao nhận lương cho đơn vị, tôi lại vượt đoạn núi Tà Dôn khá nguy hiểm về thăm cha mẹ và bạn bè.

Bằng hữu tôi cấp nào cũng có, từ anh Nhân dân Tự vệ đến anh lính kiểng lính cậu, Hạ sĩ quan và Sĩ quan, nhà mô phạm, thương gia v.v... thành phần nào cũng có phe ta cả .’May mắn thành quan, lang thang thành lính cậu, lính kiểng’. Một ít bạn khác bất hạnh “Theo ông theo bà” sớm cả rồi. Cuộc chiến mang đến những đau thương chết chóc, anh nào may mắn còn sống gia đình nhờ, cho nên khi có có hội gặp nhau thì phải mừng sức khỏe ‘Dzô !dzô’; “Năm mươi phần trăm em ơi !”. Vừa ‘dzô’vừa nhắc chuyện cũ. Nhắc lại chuyện xưa khởi đầu từ lớp học vỡ lòng tại căn nhà ngói xập xệ ở phường Ðức Nghĩa, qua trường Nam tiểu học với thầy Mô thầy Khánh thầy Thảnh, sang Tiến Ðức của cụ Ðặng Vu Tiễn rồi trường Phan Bội Châu thời thầy Lê Tá làm Hiệu trưởng, thầy Lê Chính Long dạy Anh văn, thầy Trần Phụng Tường dạy Pháp văn. Ðặc biệt, thỉnh thoảng thầy Tường thường gọi cô Ðặng Thị Bê (đệ Tứ, sau chúng tôi một lớp) lên đọc Pháp văn rất hay. Nếu không nhìn thấy người thì nghĩ đó là Ðầm thứ thiệt đọc tiếng Tây.

Ra nhận chức Pháo đội trưởng tại Phan Rang, tình cờ tôi gặp lại Phạm văn Quan, người bạn “Học tài thi phận” năm xưa đã từng tiễn tôi tại ga Saigon, ngày rời kiếp thư sinh vào đường binh nghiệp mười năm trước trên chuyến “Tàu đêm năm cũ”. Những năm mới ra đơn vị chúng tôi còn liên lạc nhau qua vài cái thư mỗi năm, sau đó tôi vì bận hành quân, anh vì cuộc sống phải rời quê Bình Thuận, chúng tôi không còn liên lạc nhau cho đến ngày tái ngộ này. Gặp nhau tay bắt mặt mừng trong cảnh vui buồn lẫn lộn. Từ đó mỗi khi nghe lại bài “Tàu đêm năm cũ” với giọng ca liêu trai đầy tình cảm của Thanh Thúy, tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác lo lửng trong tâm hồn. Anh mang cấp Trung sĩ trong đơn vị tôi. Ðể giúp đỡ bạn bè, tôi chuyển anh về làm Hạ sĩ quan tác xạ pháo đội gần gũi tôi hơn và chờ khi nào có lớp Sĩ quan đặc biệt sẽ đề nghị anh đi học. Thỉnh thoảng có tiệc tùng tôi không quên rủ anh cùng chung vui. Trước mặt các Quân nhân khác anh đều xưng hô với tôi theo lễ nghi Quân cách, lúc chỉ còn hai đứa, anh gọi tôi bằng tên cúng cơm (B.) và xưng tôi. Ðôi khi cao hứng quá không có mặt người khác, xung hô nhau mầy tao nhu thuở học trò rất thân mật.

So với trong Nam, Tỉnh Ninh thuận rất an ninh. Ba Trung đội Pháo binh trong vòng trách nhiệm tôi đóng ba nơi trải dài theo Quốc Lộ Một. Trung đội của Trung Úy Nguyễn văn Anh đóng tại quận Ninh Phước, Trung Úy Nguyễn duy Mẫn đóng tại Ninh Chữ và Trung Úy Nguyễn văn Thuận (Thuận Lé, xin lỗi) đóng tại Du Long sát Cam Ranh. Sau đó Trung đội anh dời ra phi trường Nha Trang. Ðặc biệt ba anh Trung đội trưởng này vừa là đồng hương Bình Thuận vừa là cựu học sinh cùng mái trường mẹ - trung học Phan Bội Châu Phan Thiết với tôi. Tất cả đều học sau tôi mấy lớp (PBC 64-67). Dù địa vị và cấp bậc chênh lệch nhau, ngoài nhiệm vụ phải làm, anh em chúng tôi rất vui vẻ với nhau và thỉnh thoảng tôi tạo điều kiện để có dịp cùng gặp nhau vui choi sau nhiều ngày làm việc căng thẳng. Có thể nói thời gian an nhàn hưởng thụ ít hiểm nguy này đã bù đắp lại phần nào những năm tháng hành quân vất vả nguy hiểm khắp Miền Tây của tôi trước đó.

Ba Trung đội Pháo binh đóng riêng rẽ, các Trung đội trưởng chịu trách nhiệm an ninh và tác xạ của đơn vị mình. Quan theo tôi sống ở Thị xã Phan rang.Công việc tôi nhẹ nhàng đon giản. Mỗi sáng vào Trung tâm hành quân Tiểu khu dự thuyết trình xong, huấn luyện cho Pháo binh Phan Rang ít giờ đồng hồ rồi có thể đi thăm các đơn vị. Vì vậy tôi có nhiều cơ hội và thời giờ rảnh rỗi đi lại các vùng lân cận như Nha Trang, Ðà Lạt, Phan Thiết.

Mồi khi về Sông Mao tôi thuờng ghé Tuy Phong, Chợ Lầu, Hòa Ða, Phan Rí thăm vài bạn cũ và ăn gỏi cá mai cá trích. Khi vượt núi Tà Dôn về Phan Thiết tôi không quên dừng lại chợ Phú Long ăn bánh hỏi lòng heo ngon nổi tiếng mà lúc còn hàn sinh hiếm có dịp thưởng thức. Trên đường về thăm cha mẹ, xe phải chạy ngang qua trường Phan Bội Châu. Ðôi lần đúng vào giờ tan học, được dịp nhìn lại cảnh hàng hàng lớp lớp các chiếc áo dài trắng tung bay trước gió với các nụ cười vô tư xinh xắn trông duyên dáng và đẹp đẽ làm sao ! Mình chỉ khen ngầm và nuối tiếc “Ván đã đóng thuyền rồi, nếu không cũng vớt được con nhạn lạc đàn xấu số” (Vì xấu số mới gặp tôi). Tôi cũng thường thăm cụ Ðặng Vu Tiền, giám đốc trường Trung học Tiến Ðức. Thầy thương tôi lắm nhưng có lần thầy cũng xém đuổi tôi vì tội xúi quẩy đám con trai “cúp cua” giờ Vạn Vật của cô Y đi đá banh tại sân vận động Lạc Ðạo gần trường.

Có vài lần vào giờ Pháp văn, thầy Vị (Ba thầy Thành dạy trường PBC), trách tôi a dua với mấy thằng bạn ngỗ nghịch trong lớp vào giờ tập đọc. Chẳng hạn như thầy Vị đọc ngắn gọn chữ Le montagne; các anh lại đọc theo và cố ý kéo dài Lo Mông Tan... Nhờ và nhận mạnh những từ không cần thiết. Khi chia các động từ “Recouvrer và Remouvrir” : Ro rờ .. cu vờ.. rờ; hay ro rờ mu vờ.. rờ. Lập lại xong đám con trai ở các bàn sau đắc ý cuời ngầm trong khi đám con gái ngồi bàn trên cùng đỏ mặt tía tai. Thầy Vị lại la : Ậy ! Ậy ! các anh lại nghịch nữa. Vừa nói thầy vừa nhìn xuống đám con trai với gọng kính đen xệ xuống chân mày trông càng muốn cười thêm. Bây giờ tuổi đời chồng chất mới cảm thấy thắm thía tại sao mang cái kính xệ như vậy. May mắn thay nhóm bạn hay ‘cúp cua’ đá banh năm đó đều vượt qua kỳ thi trung học đệ nhất cấp tại Phan Thiết lần đầu tiên, nếu không thầy ‘dũa’ tôi dài dài mặt mũi nào dám trở lại thăm thầy.

Cảnh cũ trường xưa và những nơi chốn quen thuộc thời thơ ấu thường hiện ra trong tiềm thức người viễn xứ khi có dịp gặp lại bạn bè thời cấp sách ở một nơi nào đó. Quê nghèo chứ tình người không nghèo, tôi cung trong tâm trạng đó. Mỗi khi về quê, tôi thường qua lại những ngôi trường cũ xóm xưa thăm thầy kính bạn yêu. Chiều chiều lái xe xuống biển Thương Chánh ngồi dưới bóng mát đồi dương với vài người bạn, nhấm nháp ít lon bia nhìn những con thuyền xa tít tận ngoài khơi đang lướt sóng hướng mũi về cửa biển Phan Thiết trong niềm phấn khởi sẽ gặp lại gia đình sau một vài ngày lênh đênh trên đại dương mò tìm nguồn sống. Ðôi khi trên đường ra Mũi Né thăm mấy bạn cũ, dừng chân tại Rạng uống mấy trái dừa xiêm ngọt mát làm sao ! Trước khi rời Rạng, tôi cũng không quên mua một ít mảng cầu dai đem về biếu cha mẹ. Ðứng từ Lầu Ông Hoàng nhìn ra Rạng, Mũi Né, Ghềnh (ngoài MN) quay ngược một trăm tám mươi độ về Thương Chánh, Bình Tú, Khê Gà rồi La gi, thấy Bình Thuận mình đẹp quá ! Một vùng đất rộng hình bán nguyệt giáp biển Ðông nhiều hải sản quý, dân tình cần cù chất phát, thân thiện. Quê ta đẹp quá, kể cả lòng người !!!

“Thảnh thơi thơ túi rượu bầu” chẳng được bao lâu, cuộc chiến trở nên dữ dội ở vùng Cao nguyên còn gọi là ”Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Tháng 5/72 Cộng Sản Bắc Việt trang bị đầy đủ Vũ khí xe tăng, đại bác đủ loại đánh tan Sư Ðoàn 22 Bộ Binh VNCH tại Tân Cảnh (KonTum). Thừa thắng xông lên họ tiếp tục tiến đánh Thị xã Kontum nhưng bị thất bại do Sư đoàn 23BB, lực lượng Tiểu khu Kontum và nhiều đơn vị tăng phái khác cùng tử thủ, đặc biệt là nhờ bom hạng nặng từ phi cơ B 52 của Mỹ thả ngày đêm trên đường tiến quân của địch.

Lúc bấy giờ trong cùng Tiểu đoàn tôi, Đại Úy Nguyễn Văn Chí vừa đưa pháo đội A/TÐ 233 PB từ Phan Thiết lên Kontun bị tử trận. Pháo đội phó, Trung Úy Nguyễn Văn Nhường (PT) thay thế Đại Úy Chí đóng tại căn cứ 42 A. Pháo đội B của tôi đang đóng từ Phan rang được lệnh lên thay thế Pháo đội A (Thay nhân viên từng Trung đội một thôi). Lệnh hối thúc gấp, chỉ cần một Trung đội đi thay trước, hai Trung đội còn lại sẽ đi sau. Ðể cho công bình trong việc thay đổi này, tôi hỏi ý kiến ba Trung úy trực thuộc xem ai muốn đi lên trước cùng tôi. Cả ba môn đệ Phan Bội Châu đều chịu chơi cả không ai muốn đi sau. Cuối cùng tôi nhận thấy Trung Úy Nguyễn duy Mẫn, Trung Úy Nguyễn Văn Thuận đều có gia đình bên cạnh; tôi quyết định chọn Trung Úy Nguyễn Văn Anh (Ma Lâm) đang còn “độc thân thực thụ” đi truớc với tôi. Trung Sĩ Quan cũng muốn đi ngay không chịu thuộc loại “vịt đẹt” chết nhác. Khi đó vợ tôi vừa sanh đứa con thứ hai khoảng một tuần còn yếu không được ai chăm sóc ngoài vợ của anh tài xế tôi nhờ giúp tạm mấy ngày. Tôi không muốn lấy lý do vợ mới sanh để xin nghỉ phép đặc biệt đua vợ về Saigon trong lúc này mà chỉ thi hành lệnh. Tôi đã điện thoại nhờ bà nhạc tôi ra đón dùm vợ con tôi về Sài gòn những đến giờ tôi phải ra đi mà chưa thấy bóng bà đâu. Không thể chần chờ lâu, tôi dự trù phải đi sớm ra Quy Nhơn nghỉ đêm, ngày hôm sau sẽ đi Pleiku.

Sau khi từ giã vợ con và dặn dò vợ cậu tài xế chờ má vợ tôi ra tới nơi cô mới về nhà. Một cuộc chia tay không báo truớc đem lại nhiều sự lo âu cho người ở lại. Ðể tránh sự bịn rịn nghẹn ngào của vợ tôi, sau một phút an ủi vợ con, tôi ra xe lệnh tài xế trực chỉ Nha Trang. Hoàn cảnh hiện tại làm tôi nghĩ lại khổ tâm của thân phận các người yêu hay các bà vợ lính trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của bà Ðoàn Thị Ðiểm :

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”

Ðèo Chư pao

Những ai đã từng sống hoặc hành quân ở Cao nguyên thuộc Vùng II Chiến Thuật (Trung Phần) trước đây chắc đã hơn một lần nghe thấy tên đèo Chư pao. Ðèo này nằm sát quốc lộ 14, ở khoảng một phần ba đoạn đường từ Pleiku đi Kontum. Ðó là con đường huyết mạch tiếp tế cho Kontum từ Pleiku. Ðộ cong và độ dốc của đeo chỉ hơi thoai thoải không có gì nguy hiểm lắm về mặt giao thông, nhung nó lại có hổn danh là “Ðèo Tử Thần” từ vào “Mùa Hè Ðỏ Lửa”(1972). Mùa này, sương mù rất chậm tan trong buổi sáng. Gần bảy giờ sáng, sương mù vẫn còn lo lửng trên mặt đường. Thỉnh thoảng xuất hiện đó đây vài ba anh lính qua lại chuẩn bị cơm nước để sau đó phải đối diện với tử thần khi mở và giữ đường này.

Cộng Sản Bắc Việt đã đóng chốt chặn con đường này hơn tháng nay, xe đò không dám chạy, chỉ có xe nhà binh tiếp tế hoặc cứu thương ở “thế bắt buộc” phải di chuyển mà thôi. Chạy qua khúc quanh này rất nguy hiểm. Nếu tài xế lái chậm dễ bị chúng sơi tái bằng B40, còn nếu lái nhanh xe bị lật cũng chết. Cứ mười lần chạy qua đó có năm lần bị bắn trúng đạn. Trong năm lần trúng đạn ít ra có một hai lần bị thuong hoặc chết. Người xe trước bị thương hoặc xe bị lật, xác người văng tứ tung; xe sau không dám ngừng,cứ tiếp tục đe lên xác người phía trước và nhiều xe như vậy nối tiếp nhau, nên ta có thể nói “Người chết hai ba bốn lần thịt da nát tan” không ngoa chút nào.

Biết vậy nhưng đoàn quân có trách nhiệm giữ an ninh đuờng vẩn bất lực. Pháo binh không thấy vị trí súng cối địch đặt chỗ nào để trực xa. Lực lượng ta mở đường vào sâu hơn cũng không được. Ta đến điểm này thì chúng dời tới điễm khác gần đó, ta không đủ quân trải dài hết con đuờng. Sát chân đèo này có một căn cứ hỏa lực khá hùng hậu với tên "Căn cứ hỏa lực 42A”, trong đó có bốn khẩu đại bác 155 ly (thuộc TD 37 PB đóng bên kia đường) và sáu khẩu 105 ly (TD 233 PB) do Liên Đoàn 22 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng của Trung Tá Dương đức Mại chịu trách nhiệm bảo vệ tổng quát.

Tại đây tôi vừa đưa Trung đội của Trung Úy Anh vào thay thế một trung đội của pháo đội A vào lúc bốn giờ chiều ngày 17 tháng 6 năm 1972 dưới những tràng đạn pháo kích chào đón của địch. Từ lúc đó tôi chỉ huy trực tiếp sáu khẩu đại bác 105 ly này. Mỗi khi anh em pháo thủ ra bắn yểm trợ quân bạn, Việt Cộng lại pháo vào vị trí ta khiến chúng ta không thể đứng mãi một chỗ trống bắn yểm trợ quân bạn mà chỉ bắn mấy tràng rồi chạy vào hầm núp để sau khi địch pháo kích xong ta lại ra bắn tiếp tục. Tình thế đó liên tục suốt ngày nọ sang ngày kia khó có thì giờ ngơi nghỉ hay chôn bỏ thuốc nạp thừa.

Cũng như các nơi dừng quân khác trước đây, trời vừa tối, tôi cho thuộc cấp kéo dây kẽm gai tròn (Concertina) ngang dọc trong vị trí để địch không thể di chuyển dễ dàng nếu họ đã vượt qua hàng rào kẽm gai thứ nhất do Bộ binh bảo vệ. Chính lính ta cũng khó khăn khi di chuyển trong đêm. Mỗi vọng gác thường có hai người để yểm trợ lẫn nhau và bắt đầu gác đôi từ một giờ khuya đến bốn giờ sáng. Trung Úy Nguyễn Văn Anh và tôi ngủ trong hầm nổi (trên mặt đất) che bằng tôn cong hình bán nguyệt, sắp theo hình chữ lờ (L) có lớp bao cát che quanh. Trung Sĩ Quan trực trong đai tác xạ (Đai tính yếu tố bắn) với Hạ Sĩ Thạch, Truyền tin gần đó.

Ðêm đầu tiên địch pháo lai rai không tổn thất gì. Ðêm kế tiếp khi màn đêm buông xuống trong vắng lặng đìu hiu bên sườn đồi trống trải đầy mùi tử khí và mùi thuốc súng bốc lên khó ngửi,cùng tiếng côn trùng ai oán bên tai, lính tráng chìm sâu trong giấc ngủ ngon lành sau một ngày bận rộn bắn yểm trợ quân bạn, dưới nhiều tràng pháo kích của địch. Ðặc biệt hơn, hôm nay đơn vị bên ngoài không yêu cầu pháo binh yểm trợ. Nghỉ thầm, đêm nay Việt Cộng tử tế quá không pháo kích hay đánh phá các tiền đồn gì cả, nào ngờ khoảng ba giờ sáng, sau mấy đợt súng nhỏ yếu ớt có nhiều tiếng nổ lớn tương tự như tiếng pháo kích nổ tiếp quanh và trong vị trí. Nghe tiếng nổ,hai chúng tôi chợt dậy ngồi nhận định tình hình. Sau mấy tiếng nổ kế tiếp,tôi biết đó là loại thuốc nổ Bêta đặc công CS sử dụng. Chưa nghe tiếng súng bắn nhau nhiều tại sao có tiếng nổ của Bêta trong vị trí rồi ? Chắc lính Biệt Ðộng Quân ngủ gục hết để địch lọt vào trong vị trí dễ dàng ném thuốc nổ khắp nơi! Tôi thầm nghỉ nhu thế. Biết địch đã lọt vào vị trí nhưng chúng tôi chưa nhảy xuống đai tác xạ vội vì sợ lính mình tưởng địch bắn lầm. Tôi gọi anh Thạch (Hạ sĩ truyền tin) : “Mang máy lên cho tao Thạch”. Thế là hai quả Bêta từ đâu nhá lửa trước miệng hầm khói bụi bay mù mịt. Chúng tôi choáng váng tưởng bị thương. Sau vài phút tỉnh lại rờ khắp người không thấy bị sứt mẻ gì, chúng tôi quyết định phải nhảy xuống đai tác xạ (Đào chìm dưới đất) rồi ra vị trí súng thúc giục lính ra chiến đấu chứ không thể núp trong hầm này chờ chết hay đưa hai tay cho địch còng. Thế rồi vừa chạy vừa la lớn: “Tao xuống hầm đây Quan, đừng bắn”. Hai đứa vừa vào trong hầm, lại một loạt tiếng nổ “Ầm !ầm ! nửa phía sau, đất văng tứ tung.

Trung Úy Anh và Trung Sĩ Quan nhảy ra hai khẩu đại bác khác nhau và hô hào lính ra bắn trực xạ với loại đạn “Bi-hiu” (Beehive) và đạn nổ cao ghi sẵn ‘hai giây’ về hướng địch. Ðặc biệt loại đạn ‘bi hiu’ chứa bên trong hai ngàn mủi tên nhọn như đinh lớn bắn ra tứ phía khi nổ (loại đạn này cung tự động nổ khi ra khỏi nòng súng hai giây,dùng để phòng thủ chống biển người rất hiệu quả). Mặt khác tôi báo cáo rõ tình hình lên pháo binh sư đoàn xin tiếp tục yểm trợ mà trước đó Ðại Úy Cảnh - Sĩ quan liên lạc Liên Ðoàn 22 BÐQ – nằm vòng đai trung tâm đã yêu cầu pháo binh bắn yểm trợ từ lúc mới nghe súng nổ. Sau khi nghe tiếng tôi báo cáo rõ ràng tình hình, từ đầu máy bên kia Đại Úy Từ Ðức Tài (Phan Thiết) trực Pháo Binh Sư Đoàn 23, yêu cầu pháo đội của Đại Úy Phạm Văn Sáu và Bùi Minh Ngọc (Hai đồng môn trường Tiến Ðức và PBC/PT với tôi) - đóng ở căn cứ Pleime rộng cách vị trí tôi tám cây số - “Bắn nhanh lên kẻo địch tràn ngập vị trí Bắc Bình” (Bắc Bình là kẻ viết bài này). Báo cáo xong tôi để Thạch - Hạ sĩ truyền tin - tiếp tục yêu cầu bắn các điểm cũ, phần tôi ra chỉ huy các Trung đội phản công địch.

Trước sự hiểm nguy có bạn bè đồng hương và đồng môn như Tài, Sáu, Ngọc tận tình yểm trợ hết mình, tinh thần chiến đấu càng tăng lên quên cả mạng sống (Buồn thay, đồng môn trường Trung Học Phan Bội Châu, Đại Úy Bùi Minh Ngọc, đã hy sinh trong trận mở màn Chiến Dịch Mùa Xuân 1975 của Cộng Sản tại chiến trường Ðức Lập tỉnh Quảng Ðức. Khi đó tôi đang là Chỉ huy trưởng Pháo binh kiêm Tham mưu phó hành quân Tỉnh này đang bay trực thăng chỉ huy với Đại tá Tỉnh trưởng trên vùng anh mà chẳng cứu được anh). Bị phản công chính xác bất ngờ, địch bỏ nhảy tứ tung, nhờ vậy lính Tiểu Đoàn 71(?) Biệt Ðộng Quân Biên Phòng (Hầu hết là lính Thượng) của Thiếu Tá Ðồng Văn K.( K19DL) bị VC bắt giữ từ đầu trận, thoát chạy vào vị trí tôi, mừng rở nói lớn : “Tụi em Biệt Ðộng Quân đây, Đại úy đừng bắn”.

“Trời tối, tao không thể phân biệt đuợc ai, ra ngồi đằng sau kia hết, đi bậy tao bắn bỏ”, tôi ra lệnh họ như vậy. Bị phản công đúng lúc, địch không còn làm chủ tình thế được. Tiếng nổ Bêta của địch thưa dần rồi tắt hẳn đúng lúc bình minh vừa hé từ chân núi. Màn sương tan dần,bầu trời mỗi lúc một rõ hơn. Nghe yên tiếng súng, hai tên chiến binh Cộng Sản núp nơi nào trong vị trí Pháo binh bổng chạy ra nhưng đã trể rồi. Sau ba tiếng kêu “đứng lại” họ ngoan cố tiếp tục chạy, anh pháo thủ gác trên hầm đạn cho tiếp một loạt M 16; cả hai giã từ cuộc chơi.

Hết tiếng nổ tôi cho thu dọn chiến trường, tịch thu được 14 khẩu súng phần nhiều là AK47 bá xếp, 2 khẩu K54, 2 máy truyền tin Trung Cộng và nhiều gói thuốc nổ Bêta. Họ để lại chiến trường 18 xác chết hầu hết mặc quần đùi mặt còn non choẹt đáng thương hại; không hiểu họ đã đem đi được bao nhiêu xác. Tôi cho lệnh lính đem chôn gần đó. Ðơn vị tôi cũng tịch thâu được mười mấy khẩu M16 và súng phóng lựu M 72 (Cộng Sản lấy của Biệt Động Quân nhưng không thể mang đi được), giao cho lại Thiếu Tá Ðồng V. K. Riêng phần đơn vị tôi bị hư hại 3 khẩu đại bác 105 ly vì thuốc nổ Bêta và B4ng, B41.

Có một điều huyền diệu không ngờ; về nhân mạng đơn vị tôi chỉ có một người hy sinh duy nhất đó là người bạn từ thời khố rách của tôi - Trung Sĩ Nguyễn Văn Quan. Quan đã hy sinh nằm trong lòng đất mẹ cứu được nhiều đồng đội, đặc biệt hơn, chính anh và Trung Úy Nguyễn Văn Anh cùng nhiều đồng đội khác đã góp phần tô thêm “Đường công danh” của tôi ngày hôm đó. Quan đã trúng nguyên quả đạn B41 đúng lúc tay đang giựt cò đại bác trực xạ địch mấy quả đầu tiên. Riêng tổn thất bên Biệt Động Quân ít thôi không đáng kể (Đám lính Thượng ngủ gật bị VC bắt sống, đon vị tôi đã cứu và lấy súng lại được rồi. CS không thể kéo xác bọn họ theo được làm sao mang súng của BÐQ theo).

Thường đối phương thấy chắc ăn mới tấn công mình, đặc biệt hôm đó lại là Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6 năm 1972. Có lẽ chúng nghỉ ngày đại lễ chúng ta ăn nhậu no say lơ là nhiệm vụ, họ đánh là thắng. Lần này họ đã lầm nên chuốt lấy thảm bại đau thương để lại chiến trường đầy “Xác người non dại bị lường gạt” khi đụng phải một đơn vị gan dạ và cấp chỉ huy biết lo xa cho tính mạng thuộc cấp cũng như cho chính mình.

Khoảng bảy giờ sáng, dù mặt trời lên hơi cao nhưng màn sương chua tan hẳn trên trận địa, Chuẩn tuớng Trần Văn Hai (Chỉ huy trưởng lãnh thổ quân khu II),đáp trực thăng xuống vị trí tôi giữa lúc địch quân vẫn pháo kích lai rai (Vì thấy trực thăng xuống và biết phe hắn thất bại chém vè hết rồi). Tôi đội mũ sắt áo giáp ra đón và hướng dẫn Chuẩn tướng đi quan sát chiến trường. Ông rất can đảm, đang pháo kích nhu vây, ông chỉ đội cái mủ nâu tay cầm cây gậy ngắn đứng quan sát trận địa tỉnh bơ rất lâu. Tôi nghĩ thêm : Là Tướng ông không sợ chết, mình ăn thua gì, vì vậy tôi yên chí hướng dẫn ông đi quan sát tận chỗ địch cắt hàng rào kẽm gai, chỗ nào địch bị vướng ngã trên những vòng kẽm gai, lính Pháo binh đã kéo về đem, chỗ nào địch chết vì đạn Beehive.

Trước mặt Tướng Trần Văn Hai, Trung Tá Dương Ðức Mai ca ngợi sự chiến đấu anh dũng của pháo binh khi hôm và nhận trách nhiệm không chu toàn bổn phận phòng thủ của đơn vị Biệt Ðộng Quân đêm hôm qua. Tôi còn nhớ lời ông trình với Chuẩn tướng Trần Văn Hai : “Thưa Thiếu tướng, khi hôm chỉ có Pháo binh đánh giặc thôi, nếu không địch đã tràn vào Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn rồi”. Ông cũng đề nghị cấp trên ân thưởng đơn vị tôi. Cố vấn Mỹ của Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân bắt tay cám ơn đơn vị tôi cứu họ. Một tháng sau tôi nhận được một Anh dũng bội tinh với Huy chương bạc do Đại Tướng Westmoreland ký.

Tôi khâm phục sự trung thực của cấp Chỉ huy dám chịu trách nhiệm như Trung Tá Mai. Liên đoàn không hoàn thành trách nhiệm phòng thủ vòng đai ngoài, để địch lọt vào trong hàng rào một cách dễ dàng sau vài loạt súng lẻ tẻ gây hu hại những ba khẩu đại bác 105 ly. Lúc đó pháo binh không phản ứng nhanh, chết nhát núp mải trong hầm, chắc chắn nếu không chết cũng sẽ bị hốt trọn cả đám. Pháo binh đã phản ứng mạnh, nhanh, kịp thời gây thiệt hại cho địch như thế là cả một công trạng hiếm có (1/18). Trưa hôm đó tôi được về Pleiku nghỉ ngơi.

Lợi dụng cơ hội này tôi vào nhà xác Quân Y Viện Pleiku viếng và cầu nguyện cho linh hồn anh Phạm Văn Quan sớm siêu thoát. Tuần lễ sau tôi được gọi lên Kontum gắn cấp bậc Thiếu tá “Đặc cách mặt trận“.

Trong một tư thế bất lợi khi địch đã tràn đầy vị trí, được thoát khỏi bàn tay tử thần là cả một sự may mắn lắm rồi, không ngờ đơn vị đã chuyển từ chỗ thất thế sang thành công như vậy ngoài sự tưởng tượng của tôi. Thăng cấp đặc cách mật trận là trường hợp hiếm có ngoài sự mong đợi của Binh chủng Pháo binh. Lại một tuần sau nữa, Thiếu Tá Quân Cảnh Trương Văn Cao, một đồng môn Võ Bị Ðà Lạt với tôi, làm tiệc rửa lon cho tôi gọi là “ Mừng người về từ Cõi Chết ”. Cám ơn Trương Văn Cao.

Sau khi được thăng cấp, giữa tháng (8/72), tôi được đề bạt làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 69 Pháo binh đóng tại Ngã Tư Biển Hồ (Pleiku). Cuối năm 1973 thuyên chuyển về làm Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh kiêm Tham Mưu Phó Hành Quân tiểu khu Quảng Ðức cho đến ngày di tản chiến thuật mà tôi đã có dịp trình bày trong quyển sách “Thân Phận Người Lính VNCH” do nhà văn Mường Giang trình bày. Tàn cuộc chiến cùng chịu chung phận tù đầy từ Nam ra Bắc như bao Chiến hữu khác. Qua Mỹ theo diện HO đầu năm 1991.

Tuổi trẻ không bao giờ trở lại nhưng những kỷ niệm buồn vui vẫn lưu mãi trong tôi. Trong quãng đường đời đã qua, ngoài ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, tôi còn được sự giúp đỡ của nhiều ân nhân và ân sư. Với sự khuyến khích của bạn bè cùng sự phấn đấu của bản thân, tôi đã trang bị cho mình một số kiến thức tổng quát tạm đủ làm hành trang vào đời. Tôi đã cùng đồng đội chung lưng chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do cho miền Nam để thể hiện bổn phận làm trai trong thời loạn lạc. Cuộc chiến đấu Quân sự đã chấm dứt kết quả không theo ước vọng của ta.

Nay sống xa quê hương những nửa vòng trái đất, đôi lúc hồi tưởng lại cảnh cũ người xưa tôi cảm thấy bùi ngùi tủi hổ, vui ít buồn nhiều. Với trách nhiệm và thành quả cá nhân mình lúc đương thời, nếu không nói là đáng tự hào, ít ra ủng không xấu hổ với lương tâm, với ân nhân và với những người nằm xuống cho mình được sống. Tôi chỉ dám hãnh diện mình là người Bình Thuận - tỉnh cuối cùng của miền Trung nước Việt - được thiên nhiên ưu đãi, nhiều hải sản quý, dân tình hiền hòa, chịu khó làm ăn và rất tốt bụng. Tôi có mấy câu thơ sau đây tả về quê hương mình để phụ cho phần kết luận bài này.

Muờng giang lờ lững trăng vờn nuớc, Cầu bắt ngang tha thuớc dáng học trò. Cồn Chà Thương Chánh đò qua lại, Lầu nuớc cao vang mãi tiếng đờn ca. Trai thanh lịch, gái đẹp mặn mà, Người Bình Thuận, quê hương ta nhớ mãi.

Mùa Giáng Sinh 2007

Trần Văn Buờng
Cựu Học Sinh TH. PBC.PT