PDA

View Full Version : Sài Gòn, mùa Tết đã về



Longhai
01-18-2014, 09:46 PM
Sài Gòn, mùa Tết đã về


Văn Lang


Có thể vì cảm giác “song hành” của Âm - Dương mà thời gian như trôi nhanh hơn, vội vã hơn để bất chấp không khí ảm đạm của nền kinh tế èo uột một năm qua, những dấu hiệu đầu Xuân, không khí Tết đã bắt đầu chớm nở ở vùng ven đô, rồi tràn về nội ô Sài Gòn.

Đầu tiên, thấp thoáng đây đó trên những con đường nhỏ, ăn thông ra phố lớn, gần những khu chợ như Tân Định, chợ Nancy (cũ), thấp thoáng những tấm bảng nhỏ, đôi khi chỉ là tấm bìa cạc-tông ghi vài dòng chữ : "Ở đây nhận đánh bóng lư đồng”. Từ trước ngày mùng 1 tháng Chạp những tấm bảng nhỏ như trên đã “nhắc” cho người dân Sài Gòn rằng một năm mới đang đến gần.

Quanh các khu chợ vùng ven, như chợ Bà Quẹo, chợ rau củ trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) giáp ranh với quận 12 (Trước kia là Hóc Môn, đã thấy bán đầy củ kiệu. Những đống củ kiệu chất trên vỉa hè chợ ”lòng đường” lại được “cắm” lên ngọn tấm bảng : "Có tro làm kiệu”. Điều đó làm cho người mua yên tâm là vì mua kiệu thì sẽ được kèm theo tro (bếp) để làm kiệu. Vì đã từ nhiều năm nay người dân Sài Gòn, dù giàu, dù nghèo không ai còn nấu bếp củi nữa mà toàn nấu bếp Gaz, do vậy không kiếm đâu ra tro bếp để làm kiệu như xưa nữa.

Những tiệm bánh chưng, bánh tét, những tiệm giò chả cũng bắt đầu “trưng” bảng cho biết nhận đặt bánh chưng, bánh tét, chả lụa, chả bò cho ngày Tết.

Ngoài những tiệm bánh (Chủ yếu là bánh chưng và chả lụa) lớn ở Sài Gòn buôn bán quanh năm đã có thương hiệu, có uy tín thì những phiên chợ vùng ven đô vẫn thấy những người bán dạo (Bằng xe Honda) đòn bánh tét 5 ngàn đồng (Bánh miền Tây, như Long An, Bến Tre), hay bánh chưng của người Bắc (Hố Nai) cũng giá 5 ngàn. Dĩ nhiên là bánh 5 ngàn đồng là loại bánh “ăn sáng”, ăn chơi, ăn đỡ đói, chứ bánh Tết đặt hàng thì luôn có giá cao “ngất ngưởng”, như đòn bánh tét loại nửa ký có giá không dưới 50 ngàn đồng, cặp bánh chưng loại từ 1 ký tới ký rưỡi thì có giá không dưới 250 ngàn đồng…

Năm nay, ngoài chuyện Kinh tế khó khăn, lại thêm thông tin về việc có nơi này, nơi kia đã sử dụng hóa chất trong việc nấu bánh, như “Công nghệ” nấu cho thêm mấy cục pin vào nồi bánh cho mau chín (Nghe nói rút ngắn chỉ còn 1/5 thời gian (?!). Nhiều người dân dự định nhờ dưới quê nấu bánh gởi lên, để “đối lưu” hàng thì trên Thành phố sẽ gởi về vài ba thùng bia, thùng nước ngọt, vậy là “Vui vẻ cả làng” khỏi lo hóa chất độc hại.

Có một điều, không biết có phải là “Nghịch lý” không, đó là người nghèo, người thất nghiệp có lẽ lại sớm nhận ra dấu hiệu của Tết trước nhà giàu.

Đó là, khi chúng tôi ngồi nơi quán bình dân ven đường, nhìn qua bên kia đường nơi có một tiệm tạp hóa, thấy trương tấm pa-nô với dòng chữ : "Thấy Kinh Đô là thấy Tết”. Một người đàn ông trong quán kêu : “Ô, năm nay Tết sớm quá”.Chúng tôi hỏi vậy mấy năm trước khi nào anh mới cảm thấy Tết, người đàn ông cười, cho biết : “Năm rồi, đầu tắt mặt tối tới tận chiều 30 mới xong việc, lãnh một “cục” tiền xong về nhà tắm rửa, lai rai chút đỉnh mệt quá lăn ra ngủ, quên luôn cả giao thừa”. Năm nay thì thất nghiệp, đã mấy tháng rôi, tự nhiên chợt nhận ra Tết về sớm, người đàn ông thở dài.

Chạy dọc theo những con đường, cảm nhận được những dấu hiệu Tết đang về sớm. Đường Trần Hưng Đạo khu quận 5, Chợ Lớn đã xuất hiện nhiều những nơi bán phong bao lì-xì,cùng những lồng đèn trang trí cho ngày Tết.

Nơi quận 7, thấy một tấm bảng quảng cáo cho việc đổi tiền mới để lì-xì ba ngày Tết, ngoài tiền 2 đô-la lấy hên như mọi năm, chỗ này còn quảng cáo có bán tờ 2 đô la mạ vàng do Bộ tài chánh Hoa Kỳ phát hành (Mua số lượng nhiều được giảm giá).

Đây đó, trên đường phố Sài Gòn giăng mắc những tấm pa-nô quảng bá cho Hội chợ Hoa ngày Tết. Có nơi thì “đề bảng” từ ngày 15 tháng Chạp tới trưa 30 Tết, có nơi thì trễ hơn phải tới ngày 23 đưa ông Táo chợ Hoa Xuân mới bắt đầu.

Chợ Hoa quận 8 - Khu vực Bến Bình Đông vẫn “chủ trương” như năm trước là khôi phục lại cảnh “ Trên bến - Dưới thuyền”, dù dòng nước kênh vẫn không hứa hẹn gì cảnh xanh, sạch, đẹp, thoáng như một thuở…xa xưa.

Về khu làng hoa Gò Vấp, tuy không còn những khu nhà vườn “Muôn hồng, nghìn tía” khoe sắc trong nắng Xuân, những khu nhà vườn kiêm tiệm hoa trên đường Phan Huy Ích đã rộ lên một sắc màu của cúc vàng rực rỡ, làm khách đường xa chợt nhớ nhà.

Vào sâu trong những khu nhà vườn, mà thực chất nay chẳng khác nào là những con hẻm của một khu đô thị mới, bắt gặp một người thanh niên đang chăm sóc bông trên một mảnh vườn nhỏ. Nghe chúng tôi hỏi thăm, chàng trai thở dài, cho biết : "Địa danh làng hoa Gò Vấp bây giờ làm gì còn, đất đai từ ngày có giá đã lên nhà phố, biệt thự hết ráo, còn sót lại vài ba nhà vườn nho nhỏ”.

Chàng trai cũng cho chúng tôi biết, những nhà vườn còn muốn theo đuổi nghề trồng hoa, thường họ đi thuê đất trên miệt Hóc Môn hay xa hơn là Bình Dương, và cũng chỉ trồng vào mấy tháng cuối năm cho kịp bán vào mùa Tết. Không ít người thì làm việc tiện hơn là nhập luôn hoa của mấy làng hoa kiểng miền Tây như vùng Sa-Đéc, Vĩnh Long về bán trong dịp Tết.

Chúng tôi đi xuyên qua khu biệt thự, nhà phố sau lưng con đường Phan Huy Ích để ra phía một cánh đồng. Có lẽ cánh đồng này là nơi hy hữu còn sót lại sau bao năm bị “hụt” lên quy hoạch đô thị, nơi mà nhiều năm nay khi Xuân về chúng tôi đều hồi hộp chạy tới với hy vọng nhìn thấy gương mặt nàng Xuân trên một cánh đồng hoa, mà chỉ lo rằng lần cuối sẽ chỉ nhìn thấy một công trường nham nhở, những tòa nhà xây dang dở…

Như một phép lạ, cánh đồng hoa vẫn còn đó, nhưng thay gì tràn đầy một sắc vàng của hoa cúc, chúng tôi thấy mơn mởn một cánh đồng xanh tươi của những cây hoa Mãn Đình Hồng đang phơi mình trong nắng Xuân, chờ khai hoa vào những ngày cận Tết.

Gió Xuân thổi mơn man trên cánh đồng lá xanh, và nơi phía xa mờ cuối cánh đồng ánh lên màu vàng tươi của hoa Cúc, nơi phía những tòa cao ốc màu trắng phơi mình trong ánh nắng vàng hanh. Sau lưng chúng tôi, tức phía nơi khu đô thị là cảnh người ta đang ồn ào, vui vẻ sơn phết lại nhà đón Tết.

Nàng Xuân đã về như người tình muôn thuở của Đất - Trời, hoa Xuân đến hẹn lại lên, dù mùa Đông kinh tế ảm đạm vẫn chưa qua trên những gương mặt người.



Văn Lang