PDA

View Full Version : Mậu Thân Trên Xứ Huế



hieunguyen11
01-07-2014, 02:51 AM
Mậu Thân trên Xứ Huế (Kb. Ngụy Sàigòn)

Bài viết nầy để vinh danh các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến kiêu hùng và Trung Tá Nguyễn Văn Phán đã giải tỏa trại Phù Đổng . Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ và Thiếu Tá Nguyễn Hóa đã chiến đấu anh dũng trong trận chiến Mậu Thân tại Huế.

Ngụy Saigon


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1389063047.jpg

“Nước Ðại Việt phong thổ khí hậu, đại ước: khí âm thịnh, khí dương suy.

Nghiệm chứng: Muôn vật phát sinh về thu đông, làm việc dùng ban đêm, con trai thông minh không bằng con gái”. Ðây là một đoạn trích trong Hải Ngoại Ký Sự của nhà sư Thích Ðại Sán. Ông là một nhà sư Trung Hoa qua Việt Nam một năm rưỡi. Bốn tháng ở Hội An còn lại đều ở Huế. Cái nước Ðại Việt mà ông nói đó là xứ Huế.

Ðiều nhận định rất lạ mà tếu. Ngụy tui chưa bao giờ ra Huế, chưa bao giờ biết Huế, nhưng nghe ông sư luận cũng muốn đi ra Huế một lần cho biết cái xứ âm thịnh dương suy như thế nào. Lại còn làm việc ban đêm. Như vậy ban ngày người dân ở đó làm gì? Mà hễ âm thịnh dương suy thì tất nhiên con gái phải hay hơn con trai. Vậy mà Ngụy tui nghe là “Con trai Huế vẫn muôn đời nói dối”. Làm sao mà mấy chàng trai xứ Huế dám nói dối, khi phe tóc thề ngon lành hơn. Mà ông là nhà sư thì ông làm cách nào để tìm hiểu về mấy cô gái Huế. Khó hiểu thật. Giọng nói của người Huế là một giọng nói có âm vực hẹp, nghe ngọt ngào, nhẹ nhàng, như rót vào tai thì có thể gọi là giọng nói đầy âm tính. Khác với giọng khoẻ, nhanh, mạnh là giọng có nam tính. Còn một cái lạ là giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, ru lòng nguời còn giọng hò thì nghe buồn thê thiết. Có nhiều cách giải thích. Các nhà nhạc học thì cho là âm giai hò mái đẩy với những cung bực lơ lớ nên dễ đi sâu vào tâm hồn. Lại có cách giải thích bằng sinh hoạt địa phương vì điệu sống bình thản. Có người nói Huế không phải là nơi buôn bán làm thương mại. Xa Huế năm muời năm không thấy gì lạ. Vài cửa tiệm, còn lại là nhà ở. Nhiều biệt thự. Có một khoảng vườn, có cây, có kiểng. Mọi nguời sống nhàn nhã giống nhau. Như vậy là bình thản chăng. Hay bởi vì là đất thần kinh là kinh đô đất nước nhiều thế kỷ. Ðó là nơi tập hợp nhân tài của quốc gia. Làm quan thì dĩ nhiên là phải có chữ nghĩa.

Phải huy hoàng áo trạng nguyên hay cũng là ông nghè, ông cống, phải biết giao thiệp, phải biết ăn chơi, trà, ruợu, đàn bà… v..v… và… v..v… cho nên phải ăn mặc trau chuốt, phải ăn nói lịch sự, và xử thế phải điệu nghệ… Về ăn thì Huế dồi dào nhất miền Trung, nhiều món, nhiều màu sắc. Món ăn thật phong phú. Về mặc thì Huế trang trọng hơn những nơi khác. Dù là lam lũ, dù là bán hàng rong thì người đàn bà Huế vẫn mặc áo dài. Không thể là áo ngắn được… Ở Huế có nhiều người thợ kim hoàn có tay nghề cao nhất nước. Nhưng mà đâu phải ai ở Huế cũng làm quan. Vậy mà phong cách dường như giống nhau. Bắt chước chăng? Thật không dễ hiểu. Còn về lời nói thì nguời Huế ăn nói ra sao?

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Nguời khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

Gì chớ giọng người Huế rất dịu dàng. Còn hơn thế nữa nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng.

Người Huế tiêu biểu cho hình dáng mảnh mai thanh tú. Giọng nói dịu dàng dễ nghe… Nói thì dỏ dẹ còn chửi thì dẹ dàng thanh tao như ca hát. Lời nói êm tai dễ ru lòng nguời, mất hẳn tính phòng ngự, khi tỉnh lại thì đã quá muộn màng.

Còn lời nói êm tai từ nguời phụ nữ mảnh mai thanh tú thì lại làm tăng thêm nét quyến rũ. “Học trò xứ Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế bước đi không đành”.

Thực ra cái khéo léo của đàn ông không nhất thiết phải là trí trá và cái ngọt ngào của đàn bà nhiều khi chưa hẳn là tình tứ, nhiều khi đó chẳng qua là sự giao thiệp. Tóm lại nguời Huế sống rất chững chạc khuôn mẫu không sôi nổi, phiêu lưu.

Về giọng Huế có hai người nói đến là Phạm Duy và Phan Nhật Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy có nêu lên một số đặc điểm địa phương trong “Ðặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam” như miền Trung nhiều điệu hò nhất, miền Nam nhiều điệu lý và Trị – Thiên có nhiều bài hò giã gạo hay nhất. Ở Tiền Giang các điệu hò ngắn và giản dị và ở Hậu Giang thì dài và nhiều nghệ thuật hơn. Các điệu hầu văn ở miền Trung thì phong phú và phức tạp hơn miền Bắc. Cái nầy thì đọc để biết thế thôi chứ nhạc sĩ PD đã không có lời giải thích những sự khác biệt đó.

Và tới giờ nầy cũng chưa nghe ông giải thích. Nhưng với ca Huế thì nhạc sĩ có nhận xét: “Nhịp điệu ca Huế rất bình thản giống như nhịp sống của người dân Thuận Hoá”. Như vậy có thể hiểu ca Huế bình thản vì nó phản ảnh nhịp sống của xứ Huế.

Nhà văn Phan Nhật Nam rất nổi tiếng với bút ký “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Chữ nầy cũng đã đi vào cách ăn nói của lính. Ngụy tui đã đi theo ông từ Charlie với Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù rồi tới Bình Long anh dũng và sau cùng dừng chân ở Trị-Thiên vùng dậy.

Tôi rất thích chữ nghĩa của ông cũng như cách nhìn vấn đề. Chưa nói chuyện trúng trật nhưng với cái sôi nổi, nhiệt thành của ông cũng khiến tôi có nhiều thiện cảm với ông. Ông là một nguời con của miền Trung đã về lại Trị-Thiên trong mùa hè đỏ lửa, đã chứng kiến tận mắt những thảm cảnh kinh hoàng trên quê hương: nhiều trẻ con chết phơi xương, hình ảnh người vợ ngồi tước từng miếng thịt, xoa trên chiếc đầu lâu của người chồng vắn số và nhất là ông tả những cảnh kinh khủng tàn ác mà VC đã thực hiện trên đoạn đuờng 9 cây số mà báo chí đã đặt tên là Ðại Lộ Kinh Hoàng.

Ông nhớ lại Mậu Thân với màn chôn sống hằng ngàn người Huế. Nhớ lại mùa hè đỏ lửa, ở cả ba mặt trận lớn Bình Long, Kontum và Trị-Thiên đều là dân Trị-Thiên. Tại chiến trường Bình Giả năm 1965 cũng lại là những người dân vừa mới di cư từ Cam Lộ, Khe Sanh vào. Cũng như từ mùa hè năm đó, Chi Ðoàn Thiết Kỵ của chúng tôi đã giải toả dinh điền Ðôn Hậu, Hồng Ngự ở tận Miền Nam. Khi vào được, Ngụy tui cũng đã bàng hoàng và ngạc nhiên vì không phải dân miền Nam. Mà là dân Trị – Thiên di cư vào dinh điền. Họ xin gạo xấy, thịt hộp, mà thật tình tôi không hiểu họ muốn gì. Chữ nghĩa và cách phát âm rất là xa lạ. Nhà văn Phan Nhật Nam đưa ra nhận xét: người dân Trị-Thiên luôn nhận lãnh những tai ương tàn khốc là vì giọng Huế. Hãy nghe ông viết trong “Mùa Hè Đỏ Lửa”: “Nỗi oan khiên chập chùng trên mỗi âm, mỗi chữ, cách lên xuống của từng câu.., tai ương đã hiển hiện lên giọng nói, bất hạnh đã đặt mầm lên tiếng khóc kể bi ai hờn oán. Nói thì như vậy hò còn “trệ” hơn: “Bất hạnh cũng đã có điềm ở giọng hò thê thiết đến rợn da khi những con thuyền chập chùng trong bóng tối lướt thướt trên sông qua Bảng Lảng, Ngô Vân, Ngô Xá, La Vân, La Chữ, Vân Trình. À… ơ chỉ hai tiếng nhỏ con thuyền đi hết khúc sông mà âm thanh còn lộng gió… Ai đã đứng ở bờ sông Bồ, sông Thu Rơi, sông Hương nghe giọng hò cất lên từ những khoang đò khi chiều vào tối mới hiểu được vì sao có những quê hương cứ mãi tàn tạ, oán hờn. Ðịnh mệnh đã xếp đặt như thế…”. Ðúng hay sai khó lòng mà biết vì chỉ là cảm nghĩ của nhà văn Phan Nhật Nam. Ðây có thể là một cảm nghĩ chủ quan về giọng nói của quê hương mình. Giọng nói Trị – Thiên đã là một sự khác thường ngay cả đối với nguời Trị – Thiên.

Nói về món ăn, trước hết phải nói bún bò. Ngày trước thời Ngụy tui còn học ở Khoa Học trong nhóm thực tập ba người ngoài Ngụy tui, còn có một em người Bắc và một em Công Tằng Tôn Nữ. Giọng Bắc mà là giọng Hà Nội thì Ngụy tui chết mê chết mệt. Chỉ có giọng Huế của nguời đẹp Tôn Nữ Công Tằng theo sau cái tên dài lê thê đã làm Ngụy tui tôi ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ vì giọng nói dẹ dàng, chậm rãi và nhất là bằng bằng. Không như giọng Saigon của Ngụy tui, hoặc giọng Bắc của người bạn. Nhưng sau đó chúng tôi thân nhau dễ dàng và các bạn cũng chọc nhóm “Nam – Trung – Bắc đề huề”. Sau thực tập, chúng tôi thỉnh thoảng đi ăn chung hôm thì bánh cuốn Thanh Trì, khi phở, khi cơm thố, có khi đi ăn cà ri Nị ở chùa Chà. Ngụy tui và nguời đẹp Công Tằng không hề gì, nhưng rất khó khăn cho người đẹp xứ Bắc. Cho đến một hôm người đẹp Công Tằng rủ đi ăn món Huế. Ngày ấy món Huế là cả một sự lạ ở Saigon.

Chúng tôi lâu lâu cũng cơm Tàu, Tây, Hủ tiếu Nam Vang, Cà Ri Ấn Ðộ. Nhưng món Huế thì với người đẹp xứ Bắc rất là mới mẻ. Truớc khi đi người đẹp Công Tằng đã cảnh cáo là coi chừng khóc vì cay. Ngụy tui thì không sợ. Nhưng người đẹp xứ Bắc thì ngần ngại. Cuối cùng ba người cũng đến quán ăn Huế.

Theo như người đẹp Công Tằng thì tiệm ăn nầy bất cứ người Huế ở Saigon đều biết. Bây giờ thì khác, đâu đâu cũng bún bò, người người cùng ăn bún bò.

Ði đâu cũng ăn được bún bò. Bún bò trong tiệm, trong nhà hàng, bún bò gánh bán lều chợ, trên vỉa hè, có gánh len lỏi trong các xóm lao động… Thôi thì đủ mọi cách để đi vào quần chúng. Cái đặc biệt bún bò không từ từ tiệm tiến mà đùng một cái rất nhanh, bún bò Huế đã chinh phục đuợc dân Saigon. Họ không chê bún bò nữa, không khóc vì bún bò nữa, mà đã chấp nhận sự hiện diện của tô bún bò giữa lòng Saigon. Nhưng cũng giống như Phở, Hủ tiếu Mỹ Tho, Mì Quảng, Bún Bò Huế cũng phải chịu cảnh biến chế cho hợp khẩu vị người Saigon. Nhưng cái gì đã làm bún bò Huế hấp dẫn dân Saigon, có lẽ là cái thơm và cái cay của tô bún bò. Thật vậy bún bò đã cay lại rất thơm. Thơm như phần đông món ăn Huế. Cái thơm của bún bò Huế, có khả năng đánh thức những kẻ ngủ dậy muộn nhất bằng mùi thơm. Có lẽ mùi thơm đã chinh phục đuợc người Saigon. Mùi thì thơm, vị thì cay. Món Huế rất nồng nàn gia vị. Vì thiếu thốn chất liệu, nên hương liệu được sử dụng tối đa. Món ăn ít, gia vị nhiều, cũng như nói với hát ít, nhưng ngân nga dài lê thê. Ðó là Huế, xứ của hương hoa, và nghệ thuật. Sau đó tình cờ tôi gặp lại nguời đẹp Công Tằng ở Vĩnh Long. Người đẹp thuyên chuyển về trường Tống Phước Hiệp và Ngụy tui lúc đó đã là một người lính mũ đen đang tà tà tán tỉnh mấy em học sinh. Ngụy tui mời nguời bạn Công Tằng đi ăn tối và Ngụy tui không thể mời người bạn Công Tằng một tô bún bò Huế. Bởi vì mặc dù là “Rồng chầu ngoài Huế. Ngựa tế Ðồng Nai”. Ðã có sự liên hệ mật thiết giữa miền Nam và kinh thành Huế, thế nhưng bún bò Huế đã ngừng lại ở Saigòn và không thể Nam tiến. Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và xa hơn là Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá chưa chấp nhận tô bún bò Huế.

Viết về Huế, Ngụy tui nghĩ phải nói tới ba người. Ðây là ba người con xứ Huế Ngụy tui không nhắc tới Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, bởi vì hai người đã lộ mặt, đã là đao thủ phủ đưa giặc về giết, chôn sống bạn bè, đồng bào. Ðã là hai con chiên ghẻ, mà bất cứ nguời dân Huế nào cũng phải kinh tởm việc làm của chúng nó: Cõng rắn về tàn sát Huế đô. Ngụy tui muốn nói tới Trịnh Công Sơn, Thiếu Tá KB Nguyễn Hóa và Trung Tá TQLC Nguyễn Văn Phán. Người trước thì nổi tiếng, nhiều người biết, hai người sau chẳng ai biết đến.

Trịnh Công Sơn là một người con xứ Huế, là một nhạc sĩ rất nổi tiếng trong giới trí thức thượng lưu của Saigon và những thành phố lớn. Người ta nói Trịnh nhạc sĩ phản chiến. Cái đó phải xét lại. Nhưng chắc chắn Trịnh nhạc sĩ là tay trốn lính. Lý do có thể vì Trịnh nhạc sĩ chết nhát, vì sợ chết nên trốn. Ðược Ðại Tá Lưu Kim Cương bảo bọc nên Trịnh nhạc sĩ sống ung dung giữa Saigon làm nhạc “phản chiến”. Thật ra những ca khúc da vàng hay Kinh VN hay gì gì đi nữa, thì cũng chỉ là một giòng nhạc hơi cường điệu một chút, về những khổ nạn của dân VN trong chiến tranh. Nhưng đó là chuyện khác trong một bài khác.

Ở đây chỉ thử coi ổng làm gì trong thời trốn lính. Ổng viết nhạc tình sau khi thất tình tùm lum tà la. Nào là Tình Xa, Tình Nhớ, Tình Sầu, Nguyệt Ca… v..v…v..v… Thất tình những người đẹp xứ Huế. Như Diễm, như Dao A, như Nguyệt và một tỉ em khác mà chỉ có Trịnh nhạc sĩ biết thôi. Tóm lại ông nầy là nhạc sĩ viết nhạc thất tình chứ phản chiến gì anh. Khi Lưu Kim Cương chết, anh nhạc sĩ viết bài “Hát Cho Người Nằm Xuống” để tạ cái ơn bảo bọc cho anh nhạc sĩ trốn lính. Trong bài nhạc Trịnh nhạc sĩ viết là “anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên” Ngụy tui thật không hiểu hận thù nào, ai hận thù ai, và ai phải quên. Hay là Trịnh nhạc sĩ muốn Lưu Kim Cương đánh giặc lỡ chết, thôi thì đừng hận thù mà đi nhát ma mấy thằng bộ đội CSBV. Hay ông cho là Lưu Kim Cương hận thù CS bây giờ lỡ chết thì hãy quên đi hận thù, yên vui nơi cõi hằng. Như vậy thì ông nhạc sĩ nầy xứng đáng là một triết gia, thiền hết cỡ như “Thiền Sư có vợ Thích Nhất Hạnh” hay là “Thiền Sư vén váy” Thanh Hải .

Chắc người đời đã ca tụng ảnh vì ảnh là một “thiền sư thất tình”. Hay là anh nhạc sĩ nầy ảnh khuyên gia đình Lưu Kim Cương và quân chủng Không Quân hay QLVNCH phải quên hết hận thù để cho Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương siêu thoát. Ngụy tui không thể hiểu bởi chữ nghĩa của anh nhạc sĩ được đời ca tụng là thi ca, là thiền, là tiên tri, là đủ thứ kiểu và anh nhạc sĩ được đời tưởng nhớ vì thứ chữ nghĩa đó. Tết Mậu Thân thì anh nhạc sĩ có lò dò ra bãi Dâu, rồi hát “chiều đi qua Bãi Dâu hát trên những xác nguời” (Không biết ảnh có mò ra khe Đá Mài để hát hò gì chăng mà không nghe nói). Không hiểu ảnh hát để vinh danh hay cổ xuý một hành động bạo ngược, sát nhân tỉnh táo của người CS, hay đến đó hát giúp vui cho những nạn nhân bị bọn đồ tể chôn sống. Rằng thì là lỡ chết rồi, sống lại cũng không đuợc, thôi để tôi (nhạc sĩ) hát giúp vui để quí vị đi về bên kia thế giới mà quên hận thù nha. Thôi hãy dẹp anh nhạc sĩ nầy qua một bên. Có thể sẽ viết ở một bài khác.

Người thứ hai là Thiếu Tá Nguyễn Hóa Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 2/7TK là một người con xứ Trị Thiên. Hơn 25 năm xuôi ngược chiến đấu vùng đất Trị Thiên kiêu hùng. Xuất thân từ hàng binh sĩ. Khi Quân Đội Quốc Gia VN được thành lập thì Ông mang lon Trung Sĩ I. Đã chiến đấu dưới quân kỳ binh chủng Thiết Giáp từ hồi còn trai trẻ. Theo nhu cầu bành trướng binh chủng Ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Căn Bản tại quân trường Thiết Giáp. Đến năm 1967 về chỉ huy Chi Đoàn 2/7TK trực thuộc SD 1BB hoạt động tại vùng hoả tuyến.

Tết Mậu Thân, Chi Đoàn 2/7 đang tăng phái cho Trung Đoàn 1 BB tại Quảng Trị. Khi Cộng quân vi phạm lệnh hưu chiến tấn công vào Quảng Trị Ông đã cho chi đoàn vào tiếp ứng. Trong một trận đánh ngắn ngủi chi đoàn làm chủ tình hình loại khỏi vòng chiến nhiều Cộng quân, bắt sống 20 cán binh VC và tịch thu hơn 50 súng đủ loại. Đến 12 giờ trưa mùng 2 Tết, Quảng Trị hoàn toàn yên tỉnh. Đến 5 giờ chiều thì Tướng Ngô Quang Trưởng đã gọi cho biết thành phố Huế đã bị Cộng quân tràn ngập chỉ còn thành Mang Cá nơi Tướng Trưởng và Bộ Chỉ Huy SD1BB đang tử thủ, Tướng Trưởng cũng cho biết Thiết Đoàn Trưởng TD 7 KB Trung Tá Phan Hữu Chí và Đại Úy Lê văn Chúc Trưởng ban 3 đã tử trận. Chi Đoàn 1/7TK và 3/7TK đã bị tê liệt. Tướng Trưởng yêu cầu Thiếu Tá Nguyễn Hóa đem chi đoàn về cứu viện.

Sáng mùng 3 Tết, Ông đem Chi Đoàn rời Quảng Trị qua Diên Sanh đến Mỹ Chánh rồi vượt sông từ Hà Lổ qua Phường Tích băng qua đồi bên trái QL1 và nhánh sông Ô Lâu tới cây số 17 hậu cứ Chi đoàn lấy thêm nhiên liệu và nhập thành Mang Cá. Sáng mùng 4 Tết, Ông cho Chi đoàn xuất trận với nửa Đại Đội Hắc Báo làm tùng thiết. Ông đánh sang khu Tây Linh chiếm lại phi trường Thành Nội. Thừa thắng Chi Đoàn đánh bật VC ra khỏi nhà thờ chiếm lại chợ Tây Lộc. Tấn công cửa Chánh Tây rồi chiếm lại khu Xã Tắc phía sau Đại Nội.

Cho tới 18 Tết các cánh quân SD 1BB mới rút về được phối hợp cùng TQLCVN ra tăng cường và đến 21 Tết Quân ta đã làm chủ được tình hình. Quân VC tháo chạy khỏi thành phố sau khi đã giết hàng ngàn người dân vô tội. Trong cảnh khói lửa ngập tràn đó. Thiếu Tá Nguyễn Hóa đã phải bỏ lại 4 con thơ ở Quảng Trị và trực chỉ về Huế. Hơn 60 km đường từ Quảng Trị về Huế không bộ binh tùng thiết. Không trinh sát cơ dẫn đường. Có thể bị phục kích bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu và Chi đoàn có thể bị tan hàng như CD 3/7TK cùng Bộ chỉ huy Thiết Đoàn. Nhưng bởi vì lòng yêu quê hương, yêu đồng bào. Với tình thần quả cảm của một Kỵ binh cùng với tinh thần đồng đội nghe lời kêu cứu của Tướng Trưởng đã chấp nhận thiệt hại chấp nhận hy sinh, Ông cùng Chi đoàn 2/7TK đã về đến Huế. Trong khi các đơn vị SD1BB và các đơn vị Tổng Trừ Bị bị cầm chân tại các mặt trận khác. Chi Đoàn 2/7TK đơn độc lẻ loi chỉ một mình với nửa đại đội tùng thiết đã lần lần chiếm lại những nơi quan yếu làm đầu cầu để quân ta trở về đuổi giặc khỏi Huế đô. Ôi hào hùng và cảm động biết là bao.

Nguời thứ ba Ngụy tui muốn nói tới là Trung Tá Nguyễn Văn Phán, một Tiểu Đoàn Trưởng lừng danh của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Một nguời con xứ Huế, một nguời lính và là một nguời vô danh, không ai biết đến. Trong chiến sử TQLC, Lữ Đoàn Trưởng khi viết về Tr/tá Phán đã cho biết. Ông sinh làng Phú Nhơn, Huế. Nhưng vì giọng Huế cho nên khi nghe lại là Phu Nhân.

Và đây cũng chính là danh hiệu truyền tin của ông. Ông là rể của một triệu phú đã từng ra tranh cử Tổng Thống. Với tư cách đó. Ông đâu cần phải đi lính hay nếu muốn ông sẽ là một chậu kiểng ngon lành. Giấy tờ hợp lệ đâu cần phải trốn chui, trốn nhủi như Trịnh nhạc sĩ. Vậy mà đã không trốn lính, còn tình nguyện vô lính thứ dữ. Để sống một cuộc đời hào hùng đúng nghĩa của trai thời loạn, không phản chiến, không thiền, không ôm ấp đau thương những cuộc tình đòi đoạn. Tết Mậu Thân, sau khi giải toả Trại Cổ Loa, Xóm Mới, Gò Vấp, Gia Ðịnh, Tiểu Ðoàn TQLC của ông đuợc không vận ra Huế. Tới Huế lòng ông tan nát đau đớn khi nhìn chợ Ðông Ba sụp đổ, phố Trần Hưng Ðạo tang thương không một bóng nguời. Cả thành phố chết. Ông nghĩ “vành khăn tang đã cuốn lấy Huế”. Với cõi lòng đau đớn, tan nát như thế, ông nhập trận với 170 tay súng. Chỉ hơn 300 mét từ Mang Cá đến nhà ông sao quá dài. Nơi đó ông biết chắc rằng có mẹ, có chị, có em, có bà con đang chờ đợi nguời con của Huế đã trở về để lấy lại Huế từ tay giặc. Tiếng gọi, những giọt nước mắt, những cánh tay vẫy chào nhắc nhở trách nhiệm. Ông tự nhủ lòng phải đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, Rồi ông than nhỏ “Vinh dự nầy thật khổ”. Ngụy tui cũng là một người lính, cũng đã từng vào nơi sinh tử. Nhưng chưa bao giờ phải nói lời từ biệt mẹ già để bước ngay vào trận địa như Tr/tá Phán. Thật khổ cho ông. Chỉ là một đoạn đường ngắn ông đã lăn lộn, bò trườn, chạy, quỳ, lê lết đã phải gạt lệ, âm thầm chia tay, vuốt mắt những thằng đệ tử để đến được kỳ đài cắm lá cờ vàng trên đài sau bao nhiêu ngày bị rơi vào tay giặc. Nuớc mắt tôi đã lăn theo bước chân của Tr/tá Phán và Tiểu Đoàn của ông trên các ngã đường mà ông đã cùng chiến hữu cố vượt qua để cắm cho bằng được ngọn cờ vàng trên Kỳ Ðài. Bắt đầu với 170 tay súng sau bao nhiêu lần bổ sung chỉ còn 65 tay súng tại hàng khi ngọn cờ vàng đã tung bay trong gió.

Máu của Tr/tá Phán, một nguời con của Huế, và những chiến sĩ không sinh ra ở Huế, nhưng đã cùng ông trở về để lấy lại Ðế Ðô từ tay giặc, đã chấm dứt cảnh giết người, chôn sống của bọn CS phi nhân. Ôi thật đẹp, thật kiêu hùng, hình ảnh người con xứ Huế đã trở về trong điêu linh tàn phá, để đuổi giặc ra khỏi quê hương chứ không đứng đó ôm đàn mà hát “Chiều đi qua Bãi Dâu hát trên những xác nguời”.

Hãy nghe Tr/Tá Phán nói: “Ðược sinh ra và lớn lên ở Huế, tôi cố trả phần nào chữ hiếu cho nơi chôn nhau cắt rún. Máu của tôi, của anh em tôi, của đồng bào tôi đã tạo thành con sóng thần cuốn trôi tất cả kẻ thù để dựng ngọn cờ trên Kỳ Ðài, tượng trưng cho Huế”. Bây giờ nơi đây Tr/Tá Phán vẫn ước mong: “Lạy trời, một ngày nào đó, cũng Cố Đô đó, cũng Kỳ Đài đó cho tôi góp phần dựng lại ngọn cờ lần nữa để đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, nơi tôi đã sinh ra, nuôi tôi lớn lên và cho tôi làm người”. Ðây là lời khoắc khoải, hay lời hy vọng của một người con xứ Huế muốn làm một cái gì để trả nợ quê hương. Tôi thật kính phục ông vô cùng. Ðâu cứ gì ông, những người tuổi trẻ cũng có cùng một hoài vọng như ông. Hãy nghe họ trải tấm lòng qua những câu thơ mộc mạc nhưng đượm hết cả trời quê:

“….Hỏi Huế bây giờ còn trong ta?
Dù ai xa Huế, Huế chẳng xa
Bài thơ nón lá vùi kỷ niệm
Gái Huế tình em vẫn đậm đà”

“…Phố Huế nay còn đâu hỡi anh
Người con gái Huế đã xa rồi
Viễn xứ tha hương chiều gió lạnh
Cali ôm trọn Huế trong lòng”

(Bảo Bình)

Và đây tâm tình của một nguời con xứ Huế chỉ biết quê mình qua tiếng nói mẹ cha :

” .. Hơi thở Huế trong góc tim buồng phổi
Nhưng chưa một lần thăm đất thần kinh…
…Sẽ có ngày em về thăm nơi ấy
Ðể thấy khói mờ Thiên Mụ chiều thu
Trên sông Hương theo đò về phố chợ
E ấp môi cười sau chiếc nón bài thơ”

(Ngậm Ngùi)

Bằng vào những tình cảm chân thật đó, Ngụy tui một người chưa từng biết Huế, đã cố gắng sưu tầm, tham khảo những hiểu biết về Huế, cũng như đã trải những ý nghĩ, tình cảm của mình đối với một miền đất đã đi vào lịch sử. Ước mong những người sinh ra, lớn lên ở Huế chia sẻ những tình cảm rất thành thực với Ngụy tui, một người lúc nào cũng mơ được đến Huế một lần.

KB Nguỵ SàiGòn

Tham khảo:

Thích Ðại Sán Hải Ngoại Ký Sự,
Phạm Duy,
Mùa Hè Đỏ Lửa Phan Nhật Nam,
Tùy Bút Võ Phiến,
Thép và Máu Hà Mai Việt,
Chiến sử Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam,
Thơ Bảo Bình,
Thơ Ngậm Ngùi.