PDA

View Full Version : Những Kỷ Niệm Với Phan Rang



chimtroi
03-16-2009, 02:05 AM
Những Kỷ Niệm Với Phan Rang: Đời Lính Và Nổi Buồn Còn Đó

Tác giả: Vĩnh Khanh

http://hoiquanphidung.com/vnaf_pics/Phanrangab.jpg


Phi Trường Phan Rang (hình Wikipedia)

Vài lời phi lộ:


Địa thế phi trường Phan Rang nằm trong lòng một thung lũng rộng lớn, với nhiều dãy núi non chập chùng ở phía Tây, trệch một chút về hướng Tây Nam là thị xã Tân Mỹ với quốc lộ 11 bắt ngang. Hướng Bắc và Đông Bắc cũng có nhiều cao điểm tiếp giáp với thị xã Du Long, hướng Nam giáp thị xã Tháp Chàm, hướng Đông song song với Quốc lộ 1 và xa hơn nữa về hướng Đông là biển Ninh Chữ, quê hương của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Từ cổng số 1 của phi trường đi ra hướng Tháp Chàm, bên tay trái ngay cổng là một nhà máy đường thật lớn, ra đến Tháp Chàm bên tay phải có 3 toà Tháp đứng sừng sửng như tiếc nuối một thời oanh liệt xa xưa.

Trước khi người Mỹ đến, phi trường Phan Rang là một phi trường dân sự, sau đó đã được quân đội Mỹ trú đóng mở rộng ra rất nhiều. Sau khi Hiệp Định Paris ký kết, kế hoạch Việt Nam Hoá Chiến Tranh bắt đầu, Mỹ bàn giao phi trường Phan Rang lại cho Không Quân VNCH thì phi trường này đã trở thành một trong những phi trường quân sự rộng lớn nhất VN thời bấy giờ...

Thời tiết ở đây khá khắc nghiệt. Ban ngày nóng gắt đến độ ngồi trong nhà nhìn ra mặt đường nhựa người ta cũng cảm nhận được hơi nóng hừng hực lùa theo từng đợt gió khô khốc mang đầy cát bụi khiến cho ai nấy đều có cái cảm giác khó chịu vô cùng. Ban đêm lại rất lạnh do hơi núi toát ra. Vậy mà CC20CTKQ (Căn cứ 20 Chiến Thuật Không Quân) ở trong phi trường này lại là đơn vị nơi tôi phục vụ trong suốt đời lính ngắn ngủi của mình.

Một vài người bạn, và ngay cả vợ tôi, cứ thúc dục tôi hoài: "Anh viết những hồi ký kể về chuyện anh ở tù, về những chuyến vượt biên, viết về tuổi thơ và gia đình ,truyện ngắn, tạp ghi, bút ký,…đủ thứ… vậy mà không thấy anh viết gì về chuyện lính của anh? Anh hãy viết lại đi, ít ra cho mấy con anh đọc để biết ngày xưa chuyện lính tráng của anh ra sao?"

Thật ra đời lính của tôi ngắn ngủi lắm và không có gì sôi động cả, ngoài những kỷ niệm vui buồn vụn vặt. Từ khi ra trường, tôi chỉ phục vụ có mỗi một đơn vị duy nhất cho đến ngày tan hàng. Tôi đến đơn vị với những ngày đầu rụt rè bỡ ngỡ và chững chạc dần theo ngày tháng ở đây… để rồi cũng từ nơi đây tôi đã chứng kiến những giây phút cuối cùng hấp hối của đơn vị và tất cả đều phải bỏ lại đàng sau để thoát chạy. Những hình ảnh cuối cùng và nổi đau đớn đó rất thật, rất sống động đến nổi chúng cứ âm ỉ trong lòng tôi mãi cho tới bây giờ mỗi khi hồi tưởng lại. Cho nên không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến lại thấy buồn! Chính lý do đó khiến tôi không muốn viết kể về kỷ niệm lính tráng của mình chút nào cả.

Mới đó mà đã 31 năm rồi, nhanh quá! Ngày nào tôi chỉ là một Chuẩn Úy "sữa" mới ra trường, trình diện đơn vị với gương mặt và tuổi đời non choẹt… thế mà giờ đây nhìn lại mình với những chứng bệnh mang trong người như cao máu ,cholesterol, thấp khớp, đau lưng kinh niên… hậu quả của những năm tháng tù đày đang hành hạ. Tôi bỗng thấy mình trở nên mệt mỏi, yếu ớt và "già" đi hồi nào không hay, mặc dù tuổi đời thì cũng chưa cao lắm. Ba mươi mốt năm trôi qua với biết bao biến đổi của cuộc đời. Tôi đã tránh không nghĩ tới nó nữa để cho nỗi buồn không có dịp trấn áp tôi. Nhưng sao buổi sáng hôm nay… có gì xui khiến mà đầu óc tôi cứ nhớ lại chuyện cũ hoài. Hôm nay 16-4-2006. Đúng ngày này 31 năm về trước. Cũng vào khoảng giờ này - 10:30 sáng - Tôi đã cùng với biết bao chiến hữu tháo chạy!!... Và phi trường Phan Rang đang rơi vào tay giặc ở phía sau lưng! Niềm đau và nổi nhục này rất thật, rất gần và mãi mãi vẫn là nổi buồn sót lại trong tôi, cũng như trong lòng biết bao nhiêu người khác nữa.

Không còn tiếp tục cưỡng được. Tôi ngồi vào bàn làm việc và bắt đầu viết say sưa như thể chỉ sợ ngừng đi một thoáng chốc là tôi có thể đổi ý ngay vậy. Thôi thì cứ cho nỗi niềm tuôn trào ra hết một lần đi. Rồi thôi!

Viết về phi trường Phan Rang nơi tôi đã phục vụ cho tới ngày phi trường này thất thủ, tôi không dám lạm bàn về những dữ kiện có tính cách quân sự, chiến thuật, chiến lược… nhất là về trận đánh ở những ngày cuối cùng. Tôi không viết về vấn đề này chỉ đơn giản là khả năng và kiến thức quân sự của tôi không đủ để bàn đến nó. Vả lại những điều này đã được nhiều người trong cuộc viết ra rồi. Ở trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn kể về đời lính của mình khi ra đơn vi, những kỷ niệm vui buồn…và đặc biệt chi tiết hơn, là những gì tôi đã trãi qua vào những ngày chót, trước và sau khi Phan Rang thất thủ. Thế thôi!

*****


Tôi là lính Không Quân, nhưng xuất thân từ khoá 6/72 SVSQTB/Thủ Đức. Mùa Hè Đỏ Lửa chiến trường sôi động khắp mọi nơi. Các quân binh chủng hầu như nơi nào cũng thiếu nhân sự, kể cả quân chủng Không Quân. Do thế ngay trong khi chúng tôi đang thụ huấn tại quân trường Thủ Đức đã có nhiều Quân, Binh Chủng như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Hải Quân , Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến… vào tuyển chọn. Tôi và 3 người bạn khác cùng khóa may mắn được trúng tuyển Không Quân. Đến ngày mãn khóa, 3 người bạn cùng trúng tuyển Không Quân một lượt với tôi đều đã được BTL Không Quân cho xe đến rước ngay sau khi làm lễ mãn khóa ở Vũ Đình Trường. Chỉ có mình tôi không được gọi tên! Trong bụng buồn lắm nhưng đâu biết làm gì hơn. Tôi nghĩ là mình đã bị lọt sổ rồi và phải chấp nhận SĐ25BB là đơn vị mà tôi đã chọn trước đó.

Sau hai tuần lễ nghỉ phép, tôi đi trình diện bộ chỉ huy SĐ25BB ở Tây Ninh. Nhưng có lẽ đời lính của tôi quả thật gắn liền với Không Quân VNCH, nên sau một đêm ngủ tại bộ chỉ huy SĐ25BB chờ được điều động ra đơn vị chiến đấu, thì… Sự Vụ Lệnh từ Bộ Tư Lệnh Không Quân đến "triệu" tôi về. Thật không còn gì vui sướng bằng. Tôi cầm tờ sự vụ lệnh rời khỏi cổng SĐ25BB mà cảm thấy mình may mắn vô cùng.

Sau đó tôi trình diện tại Đơn vị Thặng Số ở Tân Sơn Nhất, tại đây tôi gặp lại một anh bạn cùng khóa Thủ Đức cũng trình diện và đang nằm chờ. Chúng tôi được đổi sang số quân Không Quân, mỗi sáng vào chờ điểm danh xong, nếu không có tin tức của đơn vị nào nhận thì phòng Nhân Viên Bộ Tư Lệnh KQ lại cấp giấy phép cho chúng tôi xuất trại về nhà. Hôm sau lại vào trình diện điểm danh chờ tiếp… cứ như vậy kéo dài cũng hai tuần lễ. Một hôm tôi được thông báo sẽ trình diện SĐ6 Không Quân ở Pleiku . Anh bạn cùng khoá với tôi sẽ nhận đơn vị ở CC20CTKQ, phi trường Phan Rang. Anh ta năn nỉ tôi hoán đổi vì anh ta có gia đình ở Pleiku, nên muốn được về Pleiku cho gần nhà. Tôi nghĩ thầm trong bụng cả hai nơi đều xa lạ với mình cả, đi đâu cũng vậy. Vả lại nếu chọn Phan Rang thì sau này có đi phép về Saigon dẫu sao cũng gần hơn. Thế là chúng tôi hoán đổi đơn vị cho nhau .

Chờ chuyến bay hoài không có chuyến nào ra phi trường Phan Rang, mà ngày trình diện thì đến rồi. Mọi người ai cũng bảo tôi :" Không có phi cơ thì cứ chờ, hơi đâu mà lo. Đâu phải lỗi của mình đâu, chừng nào có phi cơ thì hãy đi". Nhưng thú thật lính mới ra trường còn nhút nhát, tôi không dám trể ngày trình diện nên quyết định đi xe đò ra Phan Rang. Bước xuống bến xe đò thị xã Phan Rang cũng gần 3 giờ chiều rồi. Không biết đâu là đâu. Trời nắng gắt và nóng bức một cách thật khó chịu. Khi còn ở Tân Sơn Nhất đã có người nói với tôi là khí hậu Phan Rang oi bức lắm nhưng không ngờ thành phố này lại nóng đến thế. Tôi hỏi thăm dân chúng thì phi trường còn cách khoảng 6,7 cây số nữa và phải đón xe lam đi vào, bến xe lam lại ở một nơi khác. Thôi thì đón xe Honda ôm cho chắc ăn.

Tôi bước vào cổng số 1 phi trường Phan Rang, đưa sự vụ lệnh trình diện đơn vị cho một anh Quân Cảnh. Anh này nói :

- Chuẩn Úy trình diện Liên Đoàn Phòng Thủ hả? Vậy thì cùng Liên Đoàn với tôi rồi. Từ đây đi vào trong còn xa lắm. Đi bộ biết chừng nào mới tới. Thôi đứng đây đi. Chờ có người bên ngoài đi vào, tôi sẽ nhờ họ cho Chuẩn Úy "quá giang", chứ đi bộ mệt lắm.

Sau đó anh ta gọi qua bên trạm gác kế bên nói lớn:

- Mấy anh em Phòng Vệ. Có Chuẩn Úy Khanh mới về trình diện đơn vị các anh nè.

Một anh lính Phòng Vệ đeo súng M16, dây ba chạc …trang bị gần như một người lính bộ binh bước ra. Anh Quân Cảnh chỉ về phía trạm gác Phòng Vệ:

- Chuẩn Úy đứng chờ bên đó một chút đi, có người đi vào tôi sẽ nhờ họ chở vào cho.

Tôi bước qua bên trạm gác của đơn vị Phòng Vệ nói chuyện xã giao với hai người lính bên đó độ 5 phút thì có một chiếc Honda 90 từ bên ngoài Tháp Chàm đi vào. Anh Quân Cảnh chận lại và nhờ chở tôi vào trong, anh lái Honda này vui vẻ nhận lời ngay.


Lúc đó trời đã chiều lắm rồi. Những vạt nắng cuối cùng trong ngày đã bớt đi cái gay gắt ban nãy, nhưng gió vẫn còn mang đến cái oi bức pha lẫn chút bụi cát, làm cho cổ họng tôi khô khốc và không cảm thấy dễ chịu chút nào. Đường từ ngoài cổng số 1 đi vào quả xa thật. Trên đường vắng tanh chỉ thấy toàn đồng trống, thỉnh thoảng nhô lên vài vọng gác phòng thủ bên tay phải, chen lẫn những bụi cỏ dại còn sót lại sau đợt khai quang, lâu lâu mới có một chiếc xe Honda hoặc Pickup xanh chạy ngang qua. Tôi than thầm: "Phi trường gì mà vắng vẻ quá! Ở đây chắc buồn thấy mẹ!" Trong bụng tôi có một thoáng hối tiếc về việc hoán đổi đơn vị trước đây. Còn đang suy nghĩ thì anh lính cho tôi "quá giang" bỗng nói:

- Bây giờ cũng đã chiều lắm rồi, phòng Nhân Viên và các phần sở khác đã nghỉ việc hết. Chắc mai Chuẩn Úy mới trình diện được. Chuẩn Uý có ai quen ở đây không? Tôi chở dùm đến đó ngủ một đêm rồi mai hẳn tính.

Tôi lo lắng nói:

- Hôm nay là ngày trình diện đơn vị của tôi. Đợi đến mai là bị trể rồi.

Anh ta cười:

- Không có sao đâu Chuẩn Úy ơi. Ngày mai Chuẩn Uý trình diện cứ nói đã đến đây hôm nay nhưng muộn quá, phòng Nhân Viên đóng cửa hết, không có ai để trình diện. Tôi nghĩ ngoại trừ ông xếp nào hắc ám lắm thì mới bắt bẻ chuyện đó, chứ không ai để ý chuyện đó đâu.

Tôi cũng vẫn chưa hết lo âu:

- Thú thật với anh, đây là lần đầu tôi đến phi trường này, cũng không quen biết với ai hết.

Anh lính nói:

- Đơn vị sắp tới của Chuẩn Úy là Liên Đoàn Phòng Thủ thì ở đó chắc chắn có người trực. Nếu Chuẩn Úy muốn, tôi có thể chở Chuẩn Úy tới đó. Họ sẽ sắp xếp chỗ ngủ cho Chuẩn Úy tối nay. Còn nếu Chuẩn Úy không chê, thì đến chỗ tôi ngủ một đêm. Nơi tôi ở cũng rộng rãi lắm. Chỗ làm việc của tôi cũng gần Liên Đoàn Phòng Thủ, ngày mai trên đường đi làm tôi chở Chuẩn Úy đến phòng Nhân Viên trình diện sau đó chở Chuẩn Úy đến Liên Đoàn Phòng Thủ rồi đi làm sau cũng được. Chuẩn Úy chịu vậy không?

Thật đúng là "buồn ngủ mà gặp chiếu manh", tôi nhận lời giúp đỡ của anh lính tốt bụng này liền. Xe chạy được một lúc, tôi đã bắt đầu thấy những dãy nhà tiền chế bên tay trái mà anh Vinh, tên người chở tôi, cho tôi biết đó là khu gia binh... Những cấu trúc của quân đội Mỹ xây cất để lại hầu như còn nguyên vẹn hết. Anh lính chở tôi về khu gia đình binh sĩ và hạ sĩ quan nơi anh ở với vợ và đứa con trai nhỏ trong một căn nhà hai phòng tương đối rộng rải với những tiện nghi khá đầy đủ. Đối với một gia đình từ hạ sĩ quan trở xuống mà được hưởng quy chế nhà ở như vậy là quá sức tốt rồi. Khu này gồm những dãy nhà tiền chế do Mỹ xây cất trước đây dành cho các Hạ Sĩ Quan của họ ở, nay dành ưu tiên cho gia đình binh sĩ, hạ sĩ quan trong căn cứ. Từ trong nhà nhìn ra phía sau xa xa của những dãy gia binh này, mặc dầu ở ngay bên trong vòng đai của căn cứ, tôi vẫn thấy dấu tích thiên nhiên như đồi núi và rừng chồi đầy dẫy, đủ thấy phi trường này rộng lớn cở nào.

Tôi được giới thiệu với vợ con của chủ nhà và một anh lính độc thân tên Huỳnh Văn Đông ở share phòng trống thứ hai và ăn cơm tháng do vợ anh Vinh nấu dùm. Mọi người niềm nở đón tiếp tôi với một thái độ thân thiện, đánh tan đi những ái ngại trong tôi lúc ban đầu.Tôi được biết anh Vinh trước đây ở Nha Trang là nơi tôi học hết bậc Trung Học trước khi vào Saigon và thật là thú vị khi câu chuyện lan sang những đề tài vụn vặt khác để rồi phát giác ra lúc còn ở Nha Trang, anh Vinh này có lúc đã theo đuổi một người em của cô bạn gái tôi. Câu chuyện hôm đó giữa ba người chúng tôi bỗng trở nên vui vẻ, gần gủi thêm lên bên cạnh mấy ly cà phê ngon tuyệt vời do chủ nhà chiêu đãi. Với tính tình cởi mở của tuổi trẻ, Vinh, Đông và tôi nhanh chóng thân mật nhau hơn và trở thành như những người bạn đã biết nhau từ lâu lắm vậy. Vinh làm việc ở Phòng An Phi, nhiệm vụ xếp những chiếc dù an toàn cho các phi công A37, cấp bậc Hạ Sĩ, còn Huỳnh Văn Đông cấp bậc Trung Sĩ làm việc cho phòng Không Ảnh. Đêm đó chúng tôi uống cà phê nói chuyện với nhau cho tới thật khuya mới đi ngủ. Đó là kỷ niệm hôm đầu tiên tôi mới đến với phi trường Phan Rang đã kết giao được hai người bạn và sẽ không bao giờ tôi có thể quên được kỷ niệm này.

Qua hôm sau, Vinh chở tôi đến phòng Nhân Viên, Không Đoàn Yểm Cứ gặp Đại Úy Lý Phước Lộc. Tại đây sau khi làm một vài thủ tục cần thiết, Đại úy Lộc cho tôi biết quân số của tôi thuộc Liên Đoàn Phòng Thủ và bảo tôi đến trình diện Thiếu tá Trương Khương Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ rồi tùy nghi ông này sắp xếp sau.


Cũng lại anh Vinh giúp chở dùm tôi đến trước cửa Liên Đoàn Phòng Thủ. Trước khi lái xe đi làm, anh ta còn cẩn thận nhắc tôi số điện thoại nơi anh làm việc và dặn trưa có gì thì gọi anh đến đón về ăn cơm… thật là số của tôi đi đâu cũng gặp "quới nhơn" giúp đỡ cả.

Tôi hỏi thăm văn phòng của ông Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ, sửa lại quân phục, mũ lưỡi trai ngay ngắn rồi rụt rè gõ cửa, với một giọng điệu còn rặt mùi quân trường:

- Xin vào.

Bên trong có tiếng vọng ra:

- Vào đi.

Tôi bước vào, đứng với tư thế nghiêm, chào trình diện Thiếu Tá Trương Khương và cất cao giọng đúng theo bài bản:

- Chuẩn úy Lê Vĩnh Khanh, số quân 72/609-391 trình diện Thiếu Tá. Chờ Lệnh.

Thiếu Tá Trương Khương đang ngồi trước bàn làm việc, ngước mắt nhìn tôi, giơ tay chào đáp lễ và chỉ vào ghế bảo tôi ngồi xuống. Tôi trình Sự Vụ Lệnh trình diện đơn vị mới cho ông và ngồi xuống. Vị Thiếu Tá này rất nhỏ con, tuy nhiên với hàng ria mép trông ông cũng oai nghiêm lắm. Chúng tôi trao đổi mấy câu xã giao xong ông hỏi tôi đã có nơi ăn ở ổn định gì chưa…. Tôi kể ông nghe về chuyện đến phi trường quá muộn ngày hôm qua… ông ân cần hỏi:

- Anh có cần gì không? Cứ nói đi. Phải ổn định trước rồi hãy làm việc sau cũng không muộn.

- Thưa Thiếu Tá. Hiện nay tôi chưa biết ở đâu? Tạm thời chắc phải nhờ anh Hạ Sĩ tốt bụng ngày hôm qua rồi tới đâu hay tới đó. Chắc cũng không sao? Lính mà Thiếu Tá, như vầy cũng tốt lắm rồi.

Thiếu Tá Khương cười:

- Đâu có được. Anh là Sĩ Quan của Liên Đoàn Phòng Thủ thì Liên Đoàn có nhiệm vụ sắp xếp chỗ ở cho anh ổn định chứ. Anh có gia đình chưa? Nếu anh còn độc thân thì chúng tôi sẽ sắp xếp cho anh ở khu Sĩ Quan độc thân, còn nếu có gia đình thì anh phải làm đơn xin để được cấp nhà ở khu gia đình Sĩ Quan.

- Dạ tôi đã lập gia đình rồi. Chưa có con.

- Anh cần gì không? Cứ nói đi , đừng ngại. Giúp gì được tôi sẽ giúp, sau đó thì phải làm việc cho đàng hoàng. Tôi biết mấy ông sĩ quan trẻ sau khi ra trường xong, gần gủi với gia đình không bao lâu lại phải ra đơn vị rồi, nên chắc buồn lắm phải không?- Thiếu tá Khương vui vẻ hỏi tôi- Nếu anh thấy cần đưa vợ con ra đây thì tôi sẽ cấp sự vụ lệnh cho anh về đưa vợ con ra đây để an tâm làm việc. Thế nào?

Thật là không có gì vui mừng bằng. Mới ngày đầu trình diện đơn vị đã gặp đơn vị trưởng tốt bụng, giúp cho như vậy rồi, nên không còn thắc mắc chần chờ gì nữa, tôi cám ơn ông và nhận lời ngay. Thiếu Tá Trương Khương đề nghị cấp cho tôi sự vụ lệnh về Saigon một tuần lễ với lý do đi công tác mua dụng cụ cho Liên Đoàn và bảo tôi buổi chiều trở lại phòng văn thư Liên Đoàn nhận Sự Vụ Lệnh vì phải chờ Không Đoàn Trưởng Không Đoàn Yểm Cứ ký chấp thuận. Ông cho biết tôi sẽ làm việc ở Đoàn Phòng Vệ và sẽ được hướng dẫn trình diện Đại Úy Đoàn Trưởng. Sau đó, ông cho người gọi Trung Úy Thái là Sĩ Quan trực của Đoàn Phòng Vệ ngày hôm đó đến giới thiệu tôi và nhờ Trung Úy Thái hướng dẫn tôi đi trình diện Đại Úy Đoàn Trưởng và đi thăm phạm vi trách nhiệm cũng như giới thiệu cho tôi biết sơ khởi về địa hình và nhiệm vụ của Đoàn Phòng Vệ…

Trung Úy Thái có gia đình ở ngay tại thị xã Phan Rang. Miệng anh lúc nào cũng sẵn sàng một nụ cười nhờ đó gương mặt luôn toát ra một nét vui vẻ làm người đối diện có cảm giác thân cận và thấy mến anh ngay. Anh hướng dẫn tôi đi trình diện vị chỉ huy trực tiếp của tôi: Đại Úy Trương Hải, Đoàn Trưởng Đoàn Phòng Vệ (Lúc bấy giờ ông chưa lên Thiếu Tá và Đại Úy Đoàn Văn Phước, Đoàn Phó chưa chuyển về). Đại Úy Trương Hải còn trẻ và khá đẹp trai, ông là một Navigator phục vụ ở Phi Đoàn Spooky, Biên Hoà từ 1965 đến 1971 chuyển về. Ông cũng rất vui vẻ đón mừng tôi về với đơn vị, cũng hỏi thăm về gia cảnh, chổ ăn ở… có ổn định chưa… sau đó ông chỉ thị cho Trung Úy Thái tiếp tục hướng dẫn tôi đi thăm các nơi khác. Cảm giác của tôi lúc đó rất nhẹ nhỏm và vui lắm. Thú thật tôi có hơi lo lắng trong lòng vì đây là lần đầu tiên trình diện đơn vị với cấp chỉ huy, cái ý nghĩ không biết người chỉ huy của tôi có khó khăn, hắc ám không… không thể tránh khỏi trong đầu, nhưng hiện nay thấy ai nấy đều cởi mở và đối với tôi rất tốt nên cảm giác lo âu ban đầu không còn nữa.


Tôi về Saigon mang vợ ra ngay sau đó. Vấn đề nhà cửa ở khu gia đình Sĩ Quan, sau khi làm đơn xin cũng phải mất một thời gian lâu mới được chấp thuận, trong khi chờ đợi tôi có thể cùng vợ ở tạm khu Sĩ Quan độc thân cho đến khi đơn xin nhà được chấp thuận. Tuy nhiên ở khu độc thân thì quả thật bất tiện cho hai vợ chồng, nhất là cho vợ tôi. Vợ chồng Vinh biết vậy nên vui vẻ mời vợ chồng tôi ở chung. Nhận thấy điều này rất tiện cho chúng tôi, nhất là vợ tôi không thấy buồn trong khi tôi đi làm, ở nhà giúp vợ Vinh cơm nước … hai vợ chồng tôi cùng ăn uống chung với gia đình Vinh như vậy cũng quá tốt. Chúng tôi hoan hỉ nhận lời giúp đỡ của hai vợ chồng tốt bụng và cũng chẳng màn đến việc làm đơn xin cấp nhà ở khu gia đình sĩ quan nữa.

Tôi được Đại Úy Trương Hải phân phối về Phân Đoàn 2 với chức vụ Phụ Tá Phân Đoàn Trưởng Phân Đoàn 2, dưới quyền của Trung Úy Thái. Được một thời gian thì Xử Lý Thường Vụ Phân Đoàn Trưởng Phân Đoàn 2 vì Trung Úy Thái bị ra toà về một việc xảy ra từ lúc tôi chưa ra đơn vị. Tôi không muốn viết lại những chuyện tôi thật sự không biết rõ ở đây vì những chuyện đó tôi chỉ nghe kể lại mà thôi. Tuy nhiên đối về tình cảm riêng tư tôi quý mến Trung úy Thái thật lòng.


Theo lời Thiếu Tá Trương Hải cho biết, chỉ riêng về vấn đề phòng thủ, ở phi trường Phan Rang trước đây khi còn Mỹ có hai tiểu đoàn Đại Hàn, một tiểu đoàn Mỹ cấp số lên đến khoảng 2000 người, ngoài ra còn có hàng rào điện tử. Đến khi giao lại cho KQVNCH thì quân số của cả Liên Đoàn Phòng Thủ chưa bằng ¼ quân số trước đây khi quân đội Mỹ trú đóng. Trách nhiệm thì quá lớn mà quân số cơ hữu của chúng tôi lúc bấy giờ, dàn trải trên một chu vi 24km phải thành thật mà nói là… còn quá mỏng. Vòng đai phi trường rộng lớn đến độ ban đêm đi tuần một vòng bằng xe Zeep cũng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới giáp hết. Vì thế ngoài Liên Đoàn Phòng Thủ ở trong căn cứ ra, nhiệm vụ bảo vệ phi trường còn được tăng cường, phối hợp nhiều mặt với nhiều đơn vị bạn. Bên ngoài vòng đai phi trường là một Chiến Đoàn Địa Phương Quân (Quân số thực dụng khoảng 200) có nhiệm vụ hành quân tuần tiễu, đóng chốt… rải rác. Song song đó là những đơn vị như Tình Báo Lãnh Thổ, An Ninh… của căn cứ và Tỉnh Ninh Thuận phối hợp, cũng như những phi vụ tuần tra làm việc ngày đêm để bảo vệ cho sự an toàn khắp căn cứ. Tất cả đều là những nỗ lực không ngừng của toàn thể các đơn vị.

Theo bảng cấp số, Đoàn Phòng Vệ khoảng trên dưới 500 người (Trên thực tế con số thực dụng khoảng 300). Ngoài Đoàn Trưởng Thiếu Tá Trương Hải và một ban văn thư ra còn có :


1/ Một ban điều hành: Do Đại Úy Đoàn Văn Phước Đoàn Phó Đoàn Phòng Vệ và Thượng Sĩ Nhất Thường Vụ tên Lợi phụ trách. (Đại Uý Phước ở cùng đơn vị với Thiếu Tá Trương Hải trước khi về với LĐPT )


2/ Các Phân Đoàn 1,2,3: Cấp số 108 cho mỗi phân Đoàn (Thực tế chỉ khoảng 75-90), chịu trách nhiệm phòng thủ và thay phiên nhau canh giữ những yếu điểm như khu vực kho bom, khu vực kho nhiên liệu với những bồn xăng khổng lồ, khu vực phi đạo và các cổng chính ra vào… Gồm các sĩ quan chịu trách nhiệm như sau: Trung Úy Nguyễn Hữu Tô Châu , Trung Úy Trần Ngọc Bảo, Trung Úy Thái, Thiếu Úy Nguyễn Thành Lân, Thiếu Úy Nguyễn Văn Khoa , Thiếu Uý Nguyễn Văn Lộc và tôi là Thiếu Úy Lê Vĩnh Khanh. Tất cả các sĩ quan của 3 Phân Đoàn được bổ nhiệm và thường xuyên hoán đổi lẩn nhau về nhân sự cũng như địa điểm khu vực trách nhiệm phòng thủ.


Lý do thứ nhất chúng tôi phải thay phiên nhau canh giữ những điểm trọng yếu này là để tránh nội tuyến, một trong những nguyên tắc căn bản của phòng thủ là không thể để một đơn vị hoặc nhân sự trú đóng ở một nơi mãi.

Lý do thứ hai là cho công bằng: Vì địa thế ở phi trường Phan Rang quá rộng lớn, vòng đai chu vi lên đến 24 Km. Những nơi xa xôi như kho bom về phía Tây của phi trường, từ trong BCH đi ra kho bom cũng phải cả 5,6 cây số, nếu Phân Đoàn nào trách nhiệm ở đó thì buổi chiều có xe GMC chuyển quân ra các vọng gác, sau đó thì lính tráng ai nấy chỉ biết nằm ở các vọng gác cho tới sáng mới có xe GMC ra chở về lại. Đã vậy ở ngoài kho bom là một nơi rất tối tăm. Điện không được sử dụng ở đây vì lý do an ninh. Tại bộ chỉ huy Phân Đoàn cũng chỉ được phép có một bóng đèn vàng vọt mà thôi. Nói chung không Phân Đoàn nào thích ra đóng ngoài kho bom cả vì buồn lắm, nhất là các lính tráng và Hạ Sĩ Quan. Trong khi vùng trách nhiệm của mấy Phân Đoàn khác ở gần khu gia binh, nơi buôn bán giải trí… nên chỉ cần một lính trực gác nơi vọng gác của mình lúc đó ra , những binh sĩ còn lại chưa tới phiên gác có thể la ca ở các khu gia binh ăn uống, vui chơi cho đến tối mới đi ra những nơi trách nhiệm gác của mình…


3/ Ngoài 3 Phân Đoàn lính gác kể trên, chúng tôi còn có một Phân Đoàn Vũ Khí Nặng do Trung Úy Hồng và Thượng Sĩ nhất Mới phụ trách, gồm có 6 xe V100 trang bị súng đại liên M60 di động yểm trợ những nơi cần thiết (trên thực tế chỉ có 2 hoặc 3 chiếc V100 là còn khiển dụng được), 9 cơ động và những ụ súng cối đặt rải rác chung quanh phi trường với mục đích yểm trợ hoả lực súng cối khi cần thiết. Tuy nhiên hầu như nhiệm vụ chính của các ụ súng cối này là bắn hoả châu chiếu sáng yểm trợ ban đêm cho toàn phi trường. Đoàn Phòng Vệ còn chịu trách nhiệm bảo vệ một nhà máy nước nằm bên ngoài căn cứ, do một Phân Đội trấn giữ dưới quyền điều động của Thượng Sĩ Trần Văn Di. Nhà máy nước này cung cấp nước cho toàn căn cứ từ con sông bên ngoài thị xã đưa vào. Trên danh nghĩa, Phân Đội bảo vệ nhà máy nước này cũng trực thuộc vào Phân Đoàn Vũ Khí Nặng, nhưng thực tế thì chịu trách nhiệm trực tiếp với BCH Đoàn Phòng Vệ.


Ngoài ra Đoàn Phòng Vệ chúng tôi còn được yểm trợ bởi một tiểu đội Quân Khuyển trực thuộc Liên Đoàn Phòng Thủ. Tiểu đội Quân Khuyển này dưới quyền một Thượng Sĩ nhất phụ trách nằm kích điểm rải rác trong kho bom ban đêm.

Cả Đoàn Phòng Vệ chúng tôi cùng sát cánh nhau làm việc, chia xẻ với nhau những vui buồn bên ly bia hoặc bên những bàn Dominoes vào những lúc rỗi rảnh hoặc đôi khi cả đám chạy vắt giò lên cổ điều động từng binh sĩ, hạ sĩ quan ra đơn vị trách nhiệm mỗi khi có vấn đề xảy ra hoặc phi trường báo động bất thình lình. Có nhiều khi chỉ là những buổi thực tập báo động, hay đôi khi thỏ, nai chạy vướng mìn bẫy, đủ để cho Tổng Đài của BCH Phòng Thủ Hỗn Hợp báo động trên máy inh ỏi rồi.


Khi tôi đến phi trường Phan Rang thì mọi sắp xếp tổ chức hầu như đã ổn định hết. Nhân sự ở các nơi trong căn cứ đã đông đúc lắm rồi so với những ngày đầu mới nhận bàn giao từ người Mỹ. Nghe nói trước đó có rất nhiều rắn, đi đâu cũng gặp rắn, nhiều người nói rắn vào cả trong nhà . Nhưng khi tôi đến thì quả tình tôi không thấy rắn nhiều, chỉ thỉnh thoảng có một con đi lạc nhưng cũng bị phát giác ngay. Tuy nhiên thỏ và các thú rừng nhỏ khác rất nhiều. Hầu như bữa nào tới phiên tôi trực qua hôm sau cũng có thịt rừng ăn, nhất là thịt thỏ vì chúng rất dạn, thấy đèn xe zeep đi tuần đến thì cứ đứng nhìn sững sốt, cứ thế mà bắn hoặc ngay cả một đôi lần nhảy tới… bắt sống luôn. Với thú rừng nhiều như thế, tôi lại gặp mấy ông Hạ Sĩ Quan trong Phân Đoàn toàn là những tay sành làm đồ nhậu nên phải nói tôi biết uống bia rượu là do "công" của của mấy ông hạ sĩ quan này mà ra.


Trong phi trường, ngoài câu lạc bộ Sĩ Quan trên đồi "Đại Tá" (vì Đại Tá Căn Cứ Trưởng ở trên ngọn đồi này) và Câu Lạc Bộ Hạ Sĩ Quan trên đồi Đại Hàn ra, còn có khu gia đình binh sĩ và những Câu Lạc Bộ do gia đình Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ lập ra thêm rải rác trong căn cứ buôn bán những thức ăn uống, tạp hóa… phục vụ cho đời sống quân nhân các cấp. Những ngày cuối tuần các quân nhân nếu không đi chơi xa ở Đà Lạt, Nha Trang, Cây Số 9 Cam Ranh (nơi có nhiều khu giải trí "tươi mát" còn sót lại sau khi Mỹ rút quân đi )… Thì đa số đi ra ngoài thị xã Tháp Chàm hoặc Phan Rang ăn uống giải trí. Bên ngoài Tháp Chàm có một quán tiết canh rất ngon mà tôi là một trong những thực khách trung thành ở quán này. Một quán bún bò Huế cũng rất khá ở ngay trên Quốc Lộ 11. Ngoài ra khu ngả ba Tháp Chàm này còn có những địa điểm "chị em ta", mà nổi tiếng nhất là “động” bà Tô luôn luôn là những nơi hấp dẫn các quân nhân đến "mài gươm thử súng" vào dịp cuối tuần. Lính tráng trong Căn Cứ gần như không ai là không biết những chỗ này, nhất là các quân nhân còn độc thân.

Chịu khó đi xa một chút ra ngoài thị xã Phan Rang thì có một quán thịt rừng và chim nướng rất ngon và một quán Nem Ninh Hoà nổi tiếng. Phía sau chợ, ở đầu một con hẽm có một quán bún thịt nướng giá bình dân mà lại rất ngon. Mỗi khi ra Phan Rang vợ chồng tôi rất thích ra ăn chỗ này. Phan Rang còn có một món ăn bình dân khác rất nổi tiếng, đó là bánh căn. Đây là một loại bánh pha bằng bột gạo được đúc từ những cái khuôn tròn nhỏ đặt trên bếp, sau khi bột chín thành bánh được lấy ra và ăn với cá nục kho hoặc một vài thứ cá kho khác tùy theo khẩu vị và ý thích của người ăn. Ngoài ra ở Phan Rang còn có một đặc sản mà mỗi khi về phép tôi hay mua về làm quà cho gia đình. Đó là tỏi sấy. Tỏi sấy ở đây rất thơm và rất nổi tiếng. Những dịp cuối tuần, thỉnh thoảng chúng tôi cũng ra biển Ninh Chử chơi. Bãi biển nơi đây không lấy gì đặc sắc cho lắm. Những chỗ tương đối đẹp thì lại bị rào cấm vì đó là khu của gia đình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên ở Ninh Chử có dưa gan, vỏ vàng tươi rất ngon được dân chúng mời bán dọc theo hai bên đường, khi bổ ra trong ruột tươm đầy mật, ngọt lịm làm dịu đi cái nắng gắt gao, nóng bỏng của người thưởng thức…

*****

chimtroi
03-16-2009, 02:09 AM
.Trong thời gian tôi ở phi trường Phan Rang, có mấy sự kiện sau đây xảy ra mà tôi còn nhớ:

Chuyện thứ nhất xảy ra vào ngày Chủ Nhật 15 tháng 9 năm 1974. Lúc bấy giờ Đại tá Phan Quang Phúc (Biệt Danh Anh Năm Phúc Gogo) Tư-Lệnh Phó Sư-Đoàn 2/KQ vào thay Đại tá Đổ Trang Phúc, Căn Cứ Trưởng CC20CTKQ đi học khóa Tham mưu cao cấp. Đồng thời vì là ngày Chủ Nhật, nên đa số các đơn vị trưởng không có mặt trong căn- cứ, chỉ còn lại Sĩ-Quan Trực Chỉ-Huy Căn Cứ là Thiếu Tá Trương Hải, Đoàn Trưởng ĐPV mà thôi. Theo như tin tức kiểm chứng được sau này với những người biết rõ câu chuyện thì vào ngày nói trên có một chiếc Boeing 727-121C số đuôi XV-NJC của Hàng Không Việt Nam, do Trưởng phi cơ là một Trung Tá KQVNCH tên Nguyễn Thanh Lịch cất cánh lúc 2:12 chiều từ Đà Nẳng đi Saigon. Đến khoảng 2:30 chiều thì đài Không Lưu Saigon được báo cáo phi cơ bị không tặc cưỡng ép bay ra Hà Nội. Lập tức lệnh ra cho Phi Trường Phan Rang cấp tốc ngụy trang giả làm phi trường Nội Bài, Hà Nội, trong khi đó phi hành đoàn sẽ bay vòng vòng tìm cách đánh lạc hướng tên không tặc. Đồng thời Liên Đoàn Phòng Thủ được lệnh bố trí chận bắt tên không tặc khi phi cơ đáp xuống. Theo như phỏng đoán sau này: Phi hành đoàn đã cố gắng đánh lừa tên không tặc và sau đó cho phi cơ đáp xuống. Nhưng có lẽ tên không tặc nhìn thấy cờ vàng vẽ trên các mái nhà, biết là bị gạt nên rút chốt lựu đạn cho nổ. Phi cơ nổ tung và rơi xuống gần phi đạo. Tất cả hành khách, phi hành đoàn tổng cộng 75 người và tên không tặc đều chết hết. .

Phân Đoàn của tôi được lệnh canh gác chung quanh hiện trường để nhân viên bệnh viện đi thu liệm tử thi và xương thịt vương vãi khắp nơi. Đây là hình ảnh thảm khốc đầu tiên trong đời mà tôi đã chứng kiến. Tuy tôi không được chứng kiến tận mắt tất cả thi thể mà các nhân viên bệnh viện thu nhặt hết, nhưng những mảnh vụn của xương thịt vương vãi khắp nơi thì tôi có thấy mấy chỗ. Sau đó mấy ngày mùi hôi thối bốc lên thật kinh hoàng. Tất cả mọi người gần khu vực đó không chạy tránh đâu cho khỏi được, ngửi mùi đó hầu như ai nấy đều muốn bệnh hết. Thỉnh thoảng lính gác đi lục xoát, lai rai vẫn có người thông báo về tìm được mảnh xương thịt nào đó còn sót ở khu vực chung quanh. Kế tiếp đó là tin đồn từ lính gác ban đêm: Nào là có người đang gác bỗng nghe tiếng người nói chuyện. Có người đang đứng gác nửa đêm bỗng thấy có tiếng trẻ nít vừa đi vừa khóc… và ngay cả có mấy người lính tìm được tiền bay rơi vãi đâu đó nữa. Ôi thôi đủ thứ lời đồn nhưng thật ra sau khi chúng tôi kêu mấy người lính gác lên hỏi trực tiếp thì ai nấy đều chối phăng hết.


Chuyện thứ hai xảy ra vào ngày 22 tây tháng 12 năm 1973. Đó là có hai đặc công VC bò vào phá hủy 2 chiếc F5E và làm hư hại một chiếc khác do Không Quân Hoa Kỳ mới vừa viện trợ. Vụ này xảy ra là do đặc công móc nối với nội tuyến gài vào một đơn vị của Chiến Đoàn Địa Phương Quân canh gác mặt trách nhiệm bên ngoài. Sau khi An Ninh Quân Đội điều tra, phát hiện được dấu vôi bột trắng do nội tuyến để lại dẫn đường cho đặc công bò vào. Hai tên đặc công bị trực thăng Gunship bay lên truy đuổi và bắn hạ ngay bên ngoài căn cứ. Còn tên nội tuyến ở Chiến Đoàn Địa Phương Quân bỏ trốn mất từ lâu. Tôi không biết sau này có bắt được hắn hay không? Cả Liên Đoàn Phòng Thủ gần như ở vào tình trạng báo động đỏ một thời gian dài. Riêng quân nhân các cấp ở Đoàn Phòng Vệ chúng tôi thật là vất vả sau sự kiện này, vì Sĩ Quan cao cấp ở khắp nơi liên tục bay ra Phan Rang kiểm tra. Sự tổ chức và kế hoạch phòng thủ căn cứ của chúng tôi đương nhiên là bị chiếu cố đến từng chi tiết nhỏ, cả đám thầy trò chúng tôi gần như túc trực 24/24 ở vị trí trách nhiệm của mình một thời gian dài không đi đâu rời xa vị trí được.


Sự kiện thứ ba xảy cũng vào năm 1973, tôi đang làm Phụ Tá Phân Đoàn Trưởng Phân Đoàn 2, thì được bổ nhiệm kiêm luôn Trung Đội Trưởng Trung Đội Xung Kích. Trung Đội Xung Kích này được thành lập sau khi có nhiều tin tức tình báo đưa về cho biết ban đêm có nhiều Việt Cộng len lỏi từ núi rừng về những thôn làng lân cận mang đồ tiếp tế lên núi. Không Đoàn Trưởng KĐYC (Không Đoàn Yểm Cứ) Trần Đình Giao muốn thành lập một Trung Đội Xung Kích ban đêm đi ra nằm tuyến bên ngoài vành đai phi trường. Thứ nhất cũng nằm trong kế hoạch Phòng Thủ phi trường Phan Rang, Thứ hai để góp phần với các đơn vị Địa Phương Quân bấy lâu nay chịu trách nhiệm này được rảnh tay mở rộng vòng kiểm soát ra xa hơn. Thật ra các thành phần ở Đoàn Phòng Vệ chúng tôi từ Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan cho tới lính tráng đa số đều xuất thân từ bộ binh hoặc các binh chủng chiến đấu trước đây vì bị thương loại hai hay một lý do gì đó được tuyển về Không Quân làm nhiệm vụ phòng thủ. Thí dụ trong Phân Đoàn của tôi có Trung Sĩ nhất Lâm Sên, ông này người Miên, từ binh chủng Nhảy Dù về, võ thuật rất giỏi lại có cả bùa Miên. Người ông ta xâm đầy khắp, ngay cả các lóng tay cũng đều xâm chữ Miên trên đó, nhìn mặt ông ta là thấy "ngán" rồi, lính tráng không ai dám chọc ông Trung Sĩ nhất này giận, dù ông rất hiền và đặc biệt ông rất kỷ luật. Hoặc Trung Sĩ nhất Tiệp ở TQLC bị thương loại hai chuyển về… Lính tráng thì cũng vậy, đa số cũng từ các đơn vị bộ binh khác chuyển về, nên phải nói là rất hổn tạp. Tôi là Sĩ Quan "sữa" mới từ quân trường ra gặp đám lính hỗn tạp như vậy quả thiệt cũng nhức đầu với họ lắm, may nhờ có mấy ông Hạ Sĩ Quan này phụ giúp nên cũng đỡ.

Kế hoạch thành lập Trung Đội Xung Kích được chúng tôi đón nhận không chút phàn nàn vì đa số là quân nhân gốc tác chiến. Vả lại nhiệm vụ chỉ đi ra ngoài vành đai phi trường ban đêm gài mìn bẫy và chia phiên nhau canh gác đến sáng lại gở mìn ra đi về lại căn cứ. Mấy chuyện này đối với mấy ông "thần" tác chiến trước đây, bây giờ ở Phân Đoàn của tôi thì nhằm nhò gì. Chúng tôi còn khoái với kế hoạch này nữa vì được Không Đoàn cho nhiều ưu đãi. Cứ đến chiều là chúng tôi qua phòng Vũ Khí của Liên Đoàn do Trung Sĩ Tập phụ trách, ký nhận vũ khí, đạn dược, mìn bẩy, máy truyền tin PRC25… đầy đủ như lính tác chiến thực thụ, xong xe GMC chở ra xuất phát tại cổng kho bom đi đến điểm đã được chỉ định trước trên bản đồ, giăng mìn bẫy phục kích và chia nhau canh gác đến sáng. Cứ thế chúng tôi thay phiên nhau mỗi đêm một Tiểu Đội. Riêng tôi và Phân Đoàn Trưởng nếu không có gì cần ở trong căn cứ thì cũng thay phiên nhau đi ra ngoài nằm kích với anh em.

Một đêm không nhằm phiên trực, tôi đang nằm ngủ thì máy walkie talkie từ Tổng Đài Bộ Chỉ Huy Phòng Thủ Hỗn Hợp gọi tôi lên trình diện gặp Không Đoàn Trưởng và Liên Đoàn Trưởng gấp. Không biết chuyện gì nhưng chắc chắn là phải quan trọng lắm. Tôi choàng dậy và chạy ngay lên BCH Phòng Thủ Hỗn Hợp của căn cứ. Đến nơi thì thấy Trung Tá Trần Đình Giao, Không Đoàn Trưởng KĐYC, Thiếu tá Trương Khương, Liên Đoàn Trưởng LĐPT và Thiếu Tá Trương Hải, Đoàn Trưởng Đoàn Phòng Vệ… tất cả đều có mặt đầy đủ ở đó. Tôi được thông báo là một tiểu đội trong toán Xung Kích của tôi phục kích bên ngoài đã hạ được Việt Cộng. Quả là một tin sốt dẻo. Không Quân mà phục kích ngoài rừng giết được Việt Cộng thì đúng là chuyện ít xảy ra. Sau đó tôi tháp tùng theo Trung Tá Trần Đình Giao và Thiếu Tá Trương Khương bay trực thăng ra ngoài điểm nơi một tiểu đội Xung Kích của tôi đang nằm.

Sau khi dọn an toàn bãi đáp và được sự yểm trợ chiếu sáng của một chiếc trực thăng khác. Chúng tôi đáp xuống điểm. Trung Sĩ nhất Tiệp, Tiểu đội trưởng đội Xung Kích báo cáo một Việt Cộng vướng mìn chết ngay tại chỗ, một tên khác bỏ chạy, bị anh em trong tiểu đội bắn đuổi theo và chắc chắn tên này cũng bị trúng đạn rồi. Cả tiểu đội nói có nghe tiếng la thét đau đớn của nó. Vì trời tối quá, Trung Sĩ nhất Tiệp không cho đi tìm dấu vết bắt nó. Nghe thế, Trung Tá Trần Đình Giao cho trực thăng bay lên soi đèn tìm và quả nhiên thấy tên thứ hai nằm chết cách đó không xa . Lục xét chung quanh thì thấy có gạo, muối, súng ống của hai tên du kích VC này. Trung Tá Trần Đình Giao ra lệnh cho khiêng xác hai tên VC lên trực thăng chở về và ra lệnh Tiểu Đội tiếp tục nằm kích cho đến sáng…

Qua hôm sau trong khi Không Đoàn Trưởng thuyết trình cho Đại Tá Trần Văn Tự, Tỉnh trưởng Tỉnh Ninh Thuận và các Sĩ Quan cao cấp khác trong đơn vị, tôi được đề cử lên làm một màn giới thiệu về Trung Đội Xung Kích của đơn vị và nói về thành tích đêm qua. Tiếp theo đó Không Đoàn Yểm Cứ thưởng Trung Đội chúng tôi một số tiền đãi các anh em ăn nhậu một chầu từng bừng. Đó là một kỷ niệm khó quên trong khi phục vụ tại đây.


*****

***** *****

*****


Những ai ở CC20CTKQ vào những ngày tháng cuối trước khi Căn Cứ thất thủ, tôi nghĩ là khó có thể nào quên được. Phi trường lúc bấy giờ gồm nhiều đơn vị tác chiến như Địa Phương Quân, SĐ2BB, Biệt Động Quân, Nhảy Dù tiếp ứng để cố phòng thủ phi trường. Những đơn vị phòng vệ của chúng tôi cũng ứng chiến 24/24 với sự phối hợp của các đơn vị bạn. Khi Lữ Đoàn 3 Dù chuyển về căn cứ, Phân Đoàn 2 chúng tôi nhận nhiệm vụ canh giữ cổng số 1 và khu nhiên liệu. Các vọng gác của chúng tôi có đơn vị Nhảy Dù tăng cường yểm trợ. Cứ mỗi một vọng gác lại có một chốt của anh em Nhảy Dù nằm gần đó. Tất cả các Phân Đoàn khác cũng nhận được sự tăng cường yểm trợ của Nhảy Dù, BĐQ, SĐ2BB…như thế để canh giữ các yếu điểm khác. Bên trong căn cứ thì như vậy, bên ngoài thị xã chúng tôi còn có một nhà máy nước cung cấp nước cho toàn căn cứ với một phân đội trú đóng dưới quyền điều khiển của Thượng Sĩ Trần Văn Di, khi bình thường thì không sao nhưng lúc bấy giờ nhà máy nước này cũng trở thành một điểm quan trọng vô cùng. Lở địch quân chiếm đóng nhà máy nước thì căn cứ sẽ lâm vào tình trạng khó khăn. Do thế một bộ phận Nhảy Dù cũng được phái ra tăng cường bảo vệ nhà máy nước. Nói chung việc phòng thủ đơn vị lúc bấy đó được lấp dày kín bởi sự tăng cường của nhiều đơn vị bạn.

Đơn vị chúng tôi lúc bấy giờ sinh hoạt như thành phần tác chiến thực thụ. Chúng tôi được trang bị súng ống đạn dược đầy đủ như các đơn vị chiến đấu chuyên nghiệp bạn. Thực phẩm cũng được phân phối theo tiêu chuẩn đầu người với gạo sấy và đồ hộp của Quân Tiếp Vụ. Vì lệnh cấm quân gắt gao nên không ai ra vào mua bán tiếp tế thêm gì được ngoài những khẩu phần được phát. Có một sự kiện như sau mà tôi tin ai ở căn cứ lúc đó sẽ khó mà quên được. Đó là lệnh cho bắn bò để ăn. Địa thế trong phi trường rộng lớn với nhiều đồng cỏ do đó có nhiều Sĩ Quan cao cấp đã mua bò về thả và mướn người canh giữ. Đàn bò của mấy vị này lên tới mấy trăm con chứ không ít. Tới những ngày chót của CC20CTKQ, bò không ai chăm sóc, đi lung lung khắp căn cứ. Nhân lúc phi trường không được tiếp tế từ bên ngoài sau lệnh cấm quân, các vị Sĩ Quan cao cấp này đã cho phép quân nhân được bắn bò làm lương thực. Thế là mọi người có thịt bò ăn thoải mái. Nhưng việc bắn bò giết thịt một cách vô trật tự đã nảy sinh ra mấy vấn đề khó khăn khác:


- Thứ nhất nhiều quân nhân lạm dụng cơ hội này bắn giết bò một cách bừa bãi và quá phí phạm. Chính mắt tôi trông thấy có những quân nhân khi thấy xác một con bò mới bị bắn hạ, chạy đến định xẻ thịt thì phát giác hai đùi sau của con bò đã bị cắt mất. Mấy quân nhân này đã "chê" không thèm cắt phần thịt còn lại trên con bò đó mà đi kiếm con bò khác bắn để lấy hai đùi sau mà thôi và tình trạng như vậy không phải là ít. Ban đầu bò còn dạn dĩ, dần dần hể thấy dáng người là chúng bỏ chạy toán loạn.


- Thứ hai, sau lệnh cho bắn bò được mấy ngày, xác bò bị rửa và sinh ra mùi hôi thối khắp căn cứ đến độ bệnh viện trong căn cứ phải báo động khẩn cấp là nguy cơ bệnh truyền nhiểm sẽ xảy ra nếu không có biện pháp ngăn chân kịp thời. Lập tức lệnh ngừng không cho tiếp tục bắn bò được ban ra. Sau đó nhân viên y tế của bệnh viện phải đi lùng xác bò nằm rải rác trên những cánh đồng khắp căn cứ rải vôi hoặc hoá chất diệt trùng để khử mùi hôi thúi. Thiệt hết ý luôn!


Trước đó thân nhân của quân nhân các cấp lần lượt đều được di tản hết kể cả các quân nhân KQ ở những đơn vị không chiến đấu. Những đơn vị trọng yếu như Liên Đoàn Phòng Thủ, Truyền Tin, Nhiên Liệu thì phải ở lại ứng chiến và yểm trợ. Lệnh cấm quân được ban hành rất gắt gao. Ngoại trừ những quân nhân có phận sự, tất cả còn lại đều phải ở yên một chỗ, không ai được di chuyển lộn xộn Ở bên ngoài căn cứ tình hình cũng rất bất ổn. Các đơn vị tan hàng từ Đà Nẳng, Nha Trang… chạy về ngày càng nhiều kéo theo một số đông dân chúng đã bắt đầu hoang mang vào phi trường xin di tản gây nên một trình trạng hỗn loạn vô cùng. Cuối cùng lệnh đóng cổng không cho bên ngoài vào ồ ạt như trước nữa. Với sự giúp đỡ của Nhảy dù, chúng tôi làm một nút chận cách cổng số 1 khoảng 100 thước và kiểm soát từng quân nhân một trước khi cho họ vào, còn dân chúng thì người nào là thân nhân gia đình của các quân nhân chạy về thì mới cho vào... còn lại thì lính Nhảy Dù giải tán hết.

Tuy nhiên biện pháp đó kéo dài không được bao lâu thì dân chúng lại kéo vào nữa. Lần này với báo cáo là bên ngoài thị xã có nhiều thành phần xấu và các quân nhân rã ngũ vô kỷ luật đã bắt đầu cướp bóc, hảm hiếp nên dân chúng thà chết chứ không ai muốn trở ra ngoài nữa. Thật là một tình huống khó khăn! Chúng tôi báo cáo lên cấp trên và xin chỉ thị ứng phó với tình hình này và cuối cùng được lệnh cho dân chúng vào. Sau đó chúng tôi thành lập một Tiểu Đội đặc biệt phối hợp với Nhảy dù hành quân ra ngoài thị xã tước khí giới của các quân nhân đào ngũ, vô kỷ luật và các tay du đãng thừa nước đục thả câu. Chúng tôi được lệnh bắn bỏ không tha nếu những tên này kháng cự lại. Nhờ sự giúp đỡ của các anh em binh sĩ Nhảy dù, nên việc trấn áp thành phần bất hảo này không mấy khó khăn dù con số của bọn chúng rất đông và nhờ thế vãn hồi được trật tự cho thị xã Tháp Chàm.

Sáng sớm 16 tháng 4 năm 1975 ngày định mệnh! Bên trong phi trường đã khá hỗn loạn. Đạn pháo kích của VC đã lai rai rót vào phi trường từ suốt đêm qua và đến sáng sớm thì nhịp độ pháo kích càng gia tăng. Quân nhân và một số dân chúng chưa di tản kịp đã nhốn nháo túa ra phi đạo dành nhau lên những chiếc C119 hoặc các trực thăng tải thương đến độ bửng của một chiếc C119 phía sau chịu không nỗi sức nặng của bao nhiêu con người bu bám lên nên bị gảy rớt xuống luôn. Số người chen chúc trong lòng phi cơ đông nghẹt đến độ các pilots không thể cất cánh được vì thiếu an toàn và cuối cùng đành phải bỏ một phi cơ C119 nằm lại trên phi đạo.


Tôi đang đứng cạnh một chốt gác gần một bơm xăng tiếp tế nhiện liệu thì Trung Úy Trần Ngọc Bảo Phân Đoàn Trưởng gọi máy hỏi vị trí của tôi. Mấy phút sau anh ta lái một chiếc xe Pickup Không Quân không biết anh ta lấy ở đâu ra vì cấp số chúng tôi không có xe này. Anh ta nói với tôi là em ruột của anh ta vừa tử trận trong một phi vụ A1 Skyrader khi làm nhiệm vụ. Thật là một tin bất ngờ. Mới hôm qua Trung Úy Bảo còn chở tôi đến gặp người em của anh nói chuyện ở dưới cánh phi cơ A-1 khi biết được phi đội A1 này biệt phái ra tăng cường yểm trợ cho chiến trường Phan Rang, vậy mà bây giờ đã nghe anh ấy chết rồi! Tôi còn đang đứng nói chuyện với Trung Úy Bảo thì Thiếu Tá Trương Hải Đoàn Trưởng Đoàn Phòng Vệ gọi tôi trên máy báo tin này đồng thời ra lệnh cho tôi nhận nhiệm vụ Xử Lý Thường Vụ Phân Đoàn 2 để Trung Úy Trần Ngọc Bảo theo máy bay về Saigon lo cho người em. Trung Úy Bảo chở tôi đến một chiếc C119 khác, anh giao tôi cái máy Walkie Talkie của anh và chiếc pickup xong theo C119 về Saigon. Số Trung Úy Bảo như vậy mà còn hên, nhờ vậy mà anh không phải chạy bộ.


Tôi tiếp tục đi tuần đến mấy vọng gác nói chuyện trấn an các binh sĩ, hạ sĩ quan thuộc quyền, vì đã có mấy lính gác bỏ vọng gác trốn hoặc nhảy theo phi cơ về Tân Sơn Nhất rồi. Tình trạng quả thật đã tồi tệ lắm! Các binh sĩ ở các vọng gác không còn tinh thần, ai nấy đều nhốn nháo lên hết trong khi pháo kích địch đã bắt đầu tăng dần. Ngay tôi cũng hoang mang không biết mình phải làm gì! Một vài vọng gác chỉ còn 1,2 người lính. Một vài vọng gác khác không còn ai! Những người còn ở lại với tôi cũng bồn chồn không yên và tất cả lệnh lạc tôi đưa ra vào giờ này đối với họ gần như không tác dụng gì khi họ chứng kiến cảnh dân chúng và quân nhân từ các nơi chạy về mấy bữa trước túa hết ra phi đạo, mạnh ai nấy tìm bất cứ phi cơ nào có thể bay được để xin đi theo. Cảnh hỗn loạn đã đến lúc không còn gì có thể ngăn chận được. Ban đầu, lính Nhảy Dù canh gác không cho dân chúng và quân nhân tiến vào phi đạo để tìm phi cơ nào trống nhảy lên theo đi, nhưng càng lúc số người hỗn loạn càng đông đến độ 1ính Nhảy Dù nổ súng ngăn cản cũng không làm sao cản nổi.


Tôi gọi Thiếu Tá Trương Hải. Không thấy trả lời. Tôi gọi Thiếu Tá Trương Khương cũng không thấy trả lời. Tôi cứ lái chiếc pickup vòng vòng gần hanga dùng làm Bộ Chỉ Huy Tiền Phương nơi có lính Nhảy Dù đang canh giữ chiếc trực thăng cho Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Thấy hơi yên tâm khi thấy chiếc trực thăng của Trung Tướng vẫn còn đó. Ở một hanga gần bên hanga dùng làm Bộ Chỉ Huy SĐ6KQ của Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, tôi gặp Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt KĐP/KĐYC đang ngồi. Cho đến giờ phút này, nhắm mắt lại tôi vẫn còn nhớ rõ ràng dáng ngồi của Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt trong hanga ngày hôm đó. Ông ta là một người mập mạp, gương mặt lúc nào cũng vui vẻ và có tài hí họa rất nổi tiếng trong tạp chí Không Quân Gió Cát của căn cứ. Nhưng lúc bấy giờ nét vui vẻ cố hữu trên gương mặt phốp pháp của ông không còn nữa, thay vào đó là gương mặt của một người đã mất hết thần khí! Ông ngồi xếp bằng tròn, trên người mặc chiếc áo giáp và đôi mắt lạc thần đang nhìn ra một hướng xa xăm nào đó. Không biết ông đang nghĩ gì, nhưng đôi mắt và dáng ngồi thiểu não của ông đã để lại trong tôi một ấn tượng khó tả mãi cho tới bây giờ !


Tôi tiếp tục lái xe đến một chốt gác khác. Trống trơn. Lính gác đã bỏ đi đâu mất hồi nào rồi! Tôi quay xe lại chạy ngược về phía kho nhiên liệu mà lòng dạ rối bời, không biết mình sẽ phải làm gì trong khi bên ngoài phi đạo từng cuộn khói bốc lên theo từng viên đạn pháo kích. Nghe những báo cáo qua lại trong máy walkie walkie báo về tổng đài BCH Phòng Thủ Hổn Hợp thì VC đã lên đến đồi Đại Hàn và đang làm đề lô cho pháo kích vào phi trường?? Mà quả thật vậy, đạn pháo kích càng lúc càng chính xác vào các phi đạo làm hư hỏng mấy đường băng. Phi cơ gần như tê liệt không còn cất cánh được. Tôi gọi mấy vị chỉ huy của tôi một lần nữa, cũng không nhận được trả lời. Tôi gọi tổng đài BCH Phòng Thủ Hỗn Hợp thì được trả lời cũng không liên lạc được với Bảo Châu (danh hiệu Thiếu tá Trương Hải). Tôi gọi Trung Uý Nguyễn Hữu Tô Châu là Phân Đoàn Trưởng Phân Đoàn 1. Ngày thường chúng tôi chơi thân với nhau lắm, hể lên máy là có ngay, vậy mà giờ đó tôi cũng không thể liên lạc được với anh.


Lúc đó khoảng hơn 10 giờ sáng, vừa lái xe Pickup vừa lo âu suy nghĩ vẫn vơ thì phía trước tôi có một đám quân nhân Địa Phương Quân với súng ống và máy PRC25 truyền tin đầy đủ…. đứng giữa đường chận xe lại. Một Thiếu Úy Địa Phương Quân bước tới bên cửa xe:

- Thiếu Úy cho chúng tôi "quá giang" đi với.

- Mấy anh đi đâu? Tôi đang đi tuần mà??

- Trời đất! Giờ này còn tuần với tiễu gì nữa Thiếu Úy. Lệnh ra cho tan hàng rồi. Còn không chạy là không kịp đó. Tụi nó đã vào bên trong phi trường nhiều lắm rồi. Bên tụi tôi đã cho lệnh "bung" hết nãy giờ rồi.

Tôi còn đang hoang mang thì phía sau xe pickup, đám Địa Phương Quân đã nhảy lên đầy nhóc hết. Anh chàng Thiếu Úy Địa Phương Quân này cũng tự động nhảy lên phía bên ghế hành khách và dục tôi chạy. Hai bên đường và trên phi đạo, trên bờ cỏ… lúc bấy giờ xuất hiện đủ mọi loại xe: gắn máy Honda, Zeep, GMC, pickup…tuôn ra chạy về hướng cổng số1 của phi trường. Không còn chần chờ, nghĩ ngợi gì nữa, tôi cũng phóng gas chạy theo đoàn xe hỗn loạn đó trong khi phía sau những đợt nổ và khói bốc lên từ những viên đạn pháo kích địch đang rót xuống càng lúc càng nhiều.


Ra tới cổng số 1 không bao xa thì không thể đi được nữa. Bao nhiêu chiếc xe lớn nhỏ đều dồn ra nơi này nên gây ra một cảnh kẹt xe khủng khiếp. Trên đường, dưới lề cỏ, dầy đặc những xe nằm ngổn ngang một cách vô trật tự. Xe chúng tôi không thể nào nhích đi đâu được chứ đừng nói là có thể chạy. Cuối cùng phải đành bỏ xe pickup lại và tất cả đi bộ ra thị xã Tháp Chàm. Một quang cảnh thê thảm và buồn tủi chưa từng thấy khi chúng tôi ra tới nơi đây. Dân chúng thì mặt mày nhốn nháo sợ hãi, tay xách nách mang, già trẻ lớn bé kéo nhau đi lung tung khắp mọi nẻo đường. Còn lính tráng thì một số đông đã cởi bỏ quân phục, súng ống vứt la liệt khắp đường phố, một số cứ nhắm theo người trước mà đi một cách bất định. Có một vài thương binh dìu nhau đi vất vưởng không một ai ngó ngàng tới. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh sống động thê thảm vô cùng, mà cá nhân tôi là một nét chấm phá trong đó! Bức tranh này sống động đến độ nó ám ảnh tôi mãi tới bây giờ, nếu nhắm mắt lại tôi vẫn như còn thấy rõ ràng trước mắt vậy.


Tôi đang đi theo đám đông thì có người mặc đồ dân sự nắm tay tôi lôi vào một căn nhà kế bên. Té ra đó là hai người lính trẻ trong Phân Đoàn 2 của tôi. Một người tên là Tám, biệt danh là Tám Dẹo và một người nữa tên Thu, thằng Thu này lại đang đi với một cô gái giang hồ ở "động" bà Tô mà nó cặp từ lâu. Tôi được lôi tuốt ra sau nhà. Nơi đây đã đầy hết người đang đứng ngồi lố nhố, còn chủ nhà không biết là ai, có thể đã bỏ đi đâu mất từ lâu, Tám Dẹo nói:

- Trời đất! Giờ này mà ông còn mang súng ống làm chi. Dzô đây tui kiếm đồ civil cho thay.

Tám Dẹo bảo tôi đứng yên đó với thằng Thu và con bồ của nó, xong chạy đi đâu đó một lát quay trở lại với một bộ đồ dân sự cũ và một đôi dép. Nó nói nó đi xin những người dân bên ngoài cho tôi đó. Tôi thay đồ lính và mặc vào bộ đồ Tám Dẹo đưa thì may thay khá vừa vặn. Suốt cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác cởi bỏ bộ quân phục ra thay vào bộ đồ civil dân chúng cho tôi ngày hôm đó. Tôi xếp bộ quân phục lại, nhét cây súng P38 và hai cái máy walkie talkie vào trong bộ quân phục, xoa nhẹ lên bông mai Thiếu Uý trên chiếc mũ lưỡi trai mà lòng cảm khái vô cùng trước khi thảy bỏ tất cả xuống cái giếng phía sau ngôi nhà. Tôi chỉ giữ lại tờ giấy Chứng Chỉ Tại Ngũ và xếp nhỏ nó lại nhét vào lai áo sơ mi. Một cảm giác buồn tủi và nhục nhả vô hình tự nhiên dâng trào lên không diễn tả được. Cái cảm giác đó sẽ mãi mãi là một nỗi buồn không bao giờ có thể tan biến hết mỗi khi tôi hồi tưởng lại. Thú thật chưa bao giờ tôi thố lộ ra với ai cái cảm giác đó, kể cả vợ con tôi. Tự tôi buồn và xấu hổ lắm nên không dám nói ra. Cho tới bây giờ khi đang viết những dòng này diễn tả lại cảm giác ngày hôm đó, hai hàng nước mắt của tôi rơi xuống hồi nào không hay.


Tôi, Tám Dẹo, Thu và con bồ của nó theo đám đông dân chúng đi một lúc thì gặp một toán quân thuộc Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù. Tất cả tháp tùng đi theo. Toán Nhảy Dù mở đường băng suối, băng rừng với dự tính di chuyển về hướng Cà Ná. Đoàn người đi theo theo toán quân Nhảy Dù ngày hôm đó ước chừng cũng hơn trăm người chứ không ít. Trong khi đi có hai ba chiếc trực thăng quần trên đầu nhiều lần và gọi máy truyền tin hỏi có Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi trong đoàn không? Sau khi bên dưới xác nhận là không có, hai chiếc trực thăng lại bay đi mất. Trên đường đi, toán Nhảy Dù khinh binh đi trước mở đường có vài lần chạm súng lẻ tẻ và đánh đuổi một vài chốt du kích. Chúng vừa chạy vừa bắn trả, nhưng may mắn không có ai bị trúng đạn và không có gì nguy hiểm xảy ra cả. Đêm đó chúng tôi nghỉ đêm bên một dòng suối. Tôi nói với Tám Dẹo và Thu là ngày mai tôi sẽ tìm hướng khác đi ra phía quốc lộ 1 vì đi cả đoàn quá đông như vầy nguy hiểm quá. Chúng tôi bây giờ đã giả làm dân, trong tay không có vũ khí, nếu đụng địch quân thì chỉ biết nằm im chịu trận giữa hai lằn đạn thôi chứ cũng không thể làm gì hơn. Nên tôi quyết định ngày mai tách ra đi riêng. Tám Dẹo, Thu và con bồ của nó xin đi theo tôi. Nếu thoát thì thoát chung còn nếu lỡ có gì thì thầy trò đành chấp nhận. Thế là qua hôm sau, 17-4-1975, chúng tôi tách rời đám đông dân chúng và đoàn quân Nhảy Dù, tìm hướng ra quốc lộ 1 với mục đích kiếm xe đò di chuyển về Phan Thiết. Bốn người chúng tôi đi mãi miết trong những cánh rừng chồi, khát quá gặp những vũng nước trâu bò nằm rất hôi thối cũng phải ráng nhấp môi uống chút đỉnh cho đỡ khát. Khoảng 2,3 giờ chiều, khi nghe tiếng xe chạy bên ngoài xa, mừng quá chúng tôi bương ra thì gặp ngay bộ đội CS nằm kích bắt tại trận! Chúng dẫn 4 người chúng tôi ra phía bên ngoài quốc lộ 1 thì thấy xe Motolova chuyển quân của bộ đội CS Bắc Việt đậu đầy ngoài đó, ngoài ra không có xe cộ nào chạy trên quốc lộ 1 vào lúc đó hết cả. Té ra tiếng xe chúng tôi nghe ban nãy là tiếng xe chuyển quân của chúng!

Bọn bộ đội CS dẫn chúng tôi tới một khoảng đất trống nơi đây đã có đầy dân chúng và quân nhân bị bắt trước từ hồi nào ngồi ở đó rồi. Tôi hỏi thăm mấy người bị bắt từ trước thì địa điểm ở đây còn cách Cà Ná khoảng 2,3 cây số. Ngồi chờ ngoài nắng khoảng 2 tiếng đồng hồ thì một tên sĩ quan bộ đội ra lên lớp chúng tôi một thôi một hồi, sau đó bảo chúng tôi phải đi trở lui về tỉnh Ninh Thuận, không được đi về phía trước. Lúc đó trời đã chiều lắm rồi. Tất cả đám đông dân, quân chúng tôi bị xua đuổi đi ngược lại hướng Phan Rang hết.


Trời sập tối thật mau. Tôi nhìn hai bên núi rừng vắng vẻ đang mờ dần trong màn đêm từ từ phủ xuống, rồi nhìn lại cả đám người chúng tôi lố nhố trên đường như những cánh ma trơi đang tiến thối lưỡng nan không biết phải đi về đâu đêm nay? Cái hình ảnh đó sao mà thê lương chi lạ! Cả đám đông cuối cùng bàn với nhau là nằm dọc theo ven đường nghỉ ngơi qua đêm rồi mai sáng hẳn hay. Lúc đó dọc đường có nhiều chiếc xe đò định đi về Phan Thiết nhưng bị VC chận lại không cho đi, họ cũng nằm dọc theo hai bên đường ngủ qua đêm với hy vọng ngày mai có thể chạy về Phan Thiết được. Nhờ thế đám đàn bà, con nít được các tài xế cho lên hết trên xe tránh sương đêm. Cả đêm hôm đó thỉnh thoảng xe của quân bộ đội CS Bắc Việt di chuyển về hướng Phan Thiết không ngừng. Tôi buồn và lo trong bụng vô cùng. Như vầy thì hy vọng về tới Saigon của tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn lắm, với tình hình này không biết sẽ ra sao? Tôi nằm bên lề đường thức sáng đêm nhớ về gia đình, nhớ về người vợ trẻ đang mang thai sắp sanh mà lòng buồn không tả nổi.

Mới tờ mờ sáng ngày 18 tháng 4 năm 1975, cả đám tàn quân và dân chúng lết thết đi bộ về hướng Phan Rang, nhưng đi chưa được bao lâu thì mấy chiếc xe đò đêm qua nằm chờ quay đầu trở lại Phan Rang hết luôn. Họ bị bộ đội CS Bắc Việt nổ súng chận đuổi không cho đi về phía Phan Thiết. Sẵn đó mấy tài xế xe đò chở hết đám chúng tôi về Phan Rang

chimtroi
03-16-2009, 02:11 AM
Thị xã Phan Rang rất nhỏ, đường phố không nhiều và đặc biệt người dân ở đây rất hiền hoà. Nhưng giờ đây nó đã trở thành một nơi xô bồ, hổn độn chưa từng thấy. Lính tráng tan hàng lẩn dân chúng chạy loạn từ miền Trung, Đà Nẳng, Nha Trang về đầy cả mọi nẻo đường lớn nhỏ. Những nơi công cộng, chùa chiền, trường học… chỗ nào cũng đông nghẹt người ta. Bốn đứa chúng tôi đi lang thang không biết tấp về đâu. May còn chút tiền nên chúng tôi mua ít thức ăn lót dạ chứ hai ngày qua cả 4 người chúng tôi không có gì vào bụng cả. Sau hai hôm thoát chạy vừa qua rốt cuộc cũng phải quay trở lại thị xã Phan Rang. Mệt mỏi và chán nản, chúng tôi tấp vào chùa kiếm chỗ ngả đại trên nền xi măng nghỉ. Cả 4 người đều mệt nhoài sau hai ngày căng thẳng và thiếu ngủ. Cuối cùng con bồ của Thu đề nghị nên đi về lại ngả ba Tháp Chàm vì nó có người quen ở đó, ít ra cũng có chỗ tá túc, cơm nước nghỉ ngơi, tắm rữa lấy sức rồi tính sau. Tôi thật sự không muốn đi ngược về lại Tháp Chàm vì thấy không an toàn, mà chỉ muốn ở ngay ngoài Phan Rang tìm người quen dò hỏi tin tức. Tối đến cùng lắm thì vào chùa nghỉ qua đêm như bao người chạy loạn khác cũng đâu có sao? Nhưng Tám Dẹo và Thu nói quá, cuối cùng tôi cũng xiêu lòng. Tội nghiệp con bồ của Thu thấy chúng tôi đồng ý về lại ngả ba Tháp Chàm thì vui lắm. Thế mới biết trên đường hoạn nạn, một cô gái giang hồ đôi khi cũng vẫn tràn đầy tình người và sẵn sàng chia xẻ tương trợ khi cần.


Chúng tôi đón xe lam về lại ngả ba Tháp Chàm và được tiếp đón niềm nở ngay chỗ bạn của con bồ thằng Thu đang ở. Trước đây nơi này cũng là một ổ mãi dâm. Chúng tôi tắm rửa xong, chưa kịp ăn uống gì thì có mấy tên sĩ quan bộ đội gõ cửa yêu cầu chủ nhà trong vòng 1 tiếng đồng hồ nấu cho chúng một nồi cơm lớn, sẽ có người đến lấy, gọi là để "góp phần vào công cuộc giải phóng". Tên bộ đội sĩ quan CS còn nói khi bộ đội đến nhận cơm, chủ nhà sẽ được cấp một giấp chứng nhận "có công với Cách Mạng"... Lúc đó ở ngả ba Tháp Chàm quân cộng sản Bắc Việt đã đóng quân ở đó rồi và với màn tương tự chúng đi từng nhà biểu nấu cơm tiếp tế cho chúng ăn.

Sau khi tên sĩ quan bộ đội Bắc Việt đó đi rồi, chủ nhà là bà chủ động chưởi quá trời:

- Tổ mẹ nó. Đói đi xin ăn thì nói mẹ nó đi. Còn bày đặt nói thơ, nói chữ "góp phần vào công cuộc giải phóng" này nọ. Tổ mẹ nó, ai cần tụi bây giải phóng. Chưa gì mà thấy ghét quá rồi… Bà ta còn chưởi um sùm một hồi lâu, mấy cô gái giang hồ trong nhà phải can ngăn mãi bà ta mới chịu im.

Tôi thấy coi bộ không xong nên nói với Tám Dẹo:

- Điệu này không khá rồi. Mày muốn ở lại thì ở chứ tao chắc "thăng" ngay bây giờ. Thà là ra ngoài Phan Rang ở trong chùa còn an tâm hơn nằm đây rủi có gì là tụi nó "cum" tao liền. Bị "tó" ở đây thì đúng là lãng nhách.

Tám Dẹo đồng ý đi theo tôi. Hai đứa chỉ cám ơn vội bà chủ động, bồ thằng Thu rồi hai thầy trò biến nhanh ra ngoài ngả ba đón xe lam chứ giờ đó chiều lắm rồi sợ hết xe ra Phan Rang. Thằng Thu muốn đi lắm nhưng con bồ nó níu kéo quá nên nó đành ở lại.

Thế là chỉ còn lại tôi và Tám Dẹo, hai thầy trò chúng tôi ra tới Phan Rang còn đang ngơ ngác trên đường thì gặp một "đệ tử" khác tên Hiệp cũng ở trong Phân Đoàn 2 của tôi lúc trước đang lái chiếc Honda Dame đỏ đi trên đường. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi hỏi thăm nhau. Tôi hỏi nó ở đâu, có thể kiếm chỗ cho Tám Dẹo và tôi tá túc đỡ qua đêm được không? Hiệp cho chúng tôi biết nó ở nhờ nhà ông chú họ sau khi Phan Rang thất thủ, nên nó không thể dẫn chúng tôi về ở đó được, vả lại nhà ông chú họ nó giờ này cũng đông người lắm. Tuy nhiên nó có thể kiếm cho chúng tôi một cái mền. Như vậy cũng tốt quá rồi. Thế là nó chở Tám Dẹo và tôi về nhà ông chú họ của nó ở gần nhà máy nước đá. Chúng tôi chờ bên ngoài một lát sau nó đi ra với một cái mền cũ và chở chúng tôi trở lại hướng chùa. Hai thầy trò chúng tôi chen chúc với dân chúng trên nền xi măng trước cửa chùa qua một đêm ở đó. Đêm đó là đêm 18-4-1975.


Qua hôm sau Tám Dẹo và tôi lại lang thang khắp khu Phan Rang mong tìm gặp được người nào quen hay không? Khi đi ngang gần tới toà Tỉnh Trưởng, thấy đông đúc người bu đen phía trước. Tôi hỏi thăm một anh lính VNCH vừa từ trong bước ra xem ở đây có chuyện gì? Anh ta cho hay đây là Uỷ Ban Quân Quản Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mọi người chờ được cấp giấy để khi di chuyển nếu bị bộ đội CS xét hỏi thì đưa giấy đó ra sẽ không bị làm khó dễ vì đã có trình diện với Uỷ Ban Quân Quản rồi… Nghe nói vậy tôi hỏi anh ta khi vào trình diện, có bị hạch hỏi, rắc rối gì không? Anh lính trả lời không bị khó dễ gì cả, khai thế nào là họ chứng nhận thế đó, nhanh lắm. Tôi nghỉ thầm trong bụng:" Đường về Saigon chắc chắn sẽ phải qua nhiều chặng gian nan lắm, nên nếu nhờ giấy này cho dễ dàng hơn thì tại sao không kiếm một cái?"

Thế là tôi và Tám Dẹo cùng xếp hàng theo đoàn người. Tôi khai là binh nhất, lính gác cổng ở phi trường Phan Rang. Tám Dẹo cũng vậy. Chúng tôi được cấp giấy đã trình diện Ủy Ban Quân Quản tỉnh Ninh Thuận, chứng nhận chúng tôi là lính rã ngũ và trên đường về sum họp với gia đình.


Sau đó hai thầy trò đi vào chợ tìm mua đồ ăn. Chúng tôi đến con đường phía sau chợ nơi có quán bún thịt nướng rất nổi tiếng, thấy còn bán nên vào ăn. Đây là quán bún thịt nướng rất ngon, chúng tôi mỗi khi từ trong Căn Cứ đi ra Phan Rang hay ghé ăn mà tôi đã đề cập ở phần trên. Bà chủ và cô con gái biết mặt tôi. Bà hỏi thăm tình trạng chúng tôi và tỏ ý thương cảm lắm. Tội nghiệp bà ta không lấy tiền hai tô bún ngày hôm đó khi nghe chúng tôi kể chuyện đang tìm đường về với gia đình ở Saigon… và sau khi biết hiện thời lại lang thang không có chỗ nào tá túc, bà đã ngỏ ý cho chúng tôi về ở tạm nhà bà chờ có chỗ ở tốt hơn hoặc tình hình yên ổn đâu đó rồi hãy tính. Bà nói những câu tôi còn nhớ hoài:

- Nhà tôi tuy chật, nhưng ngả lưng ngủ qua đêm thì cũng có chỗ cho mấy cậu mà. Còn về việc ăn uống thì có gì ăn nấy. Thêm đũa thêm chén chứ đâu có gì mà ngại.

Con gái của bà cũng rất tốt bụng đã cùng góp tiếng vô thúc dục chúng tôi nhận lời. Tôi thật cảm động với lời đề nghị đầy nhân ái này và vui mừng nhận lời giúp của hai mẹ con bà. Cô con gái đưa Tám Dẹo và tôi vào nhà cách đó không xa, cô dọn dẹp đồ đạc và sắp xếp cho chúng tôi ở trên một bộ ván nhỏ trước đây dùng để những đồ lặt vặt, sau đó cô phải trở ra chợ phụ với mẹ buôn bán tiếp. Như vậy là yên tâm về mặt chỗ ở. Tuy nhiên lúc đó thấy nhà không có ai cả chúng tôi cũng ngại, nên gởi cái mền Hiệp cho hôm qua ở trên bộ ván và hai thầy lại tiếp tục đi lang thang tìm người quen dò hỏi tin tức.


Trên đường đi tôi gặp một vài anh em Không Quân làm việc ở khu nhiên liệu trước đây, chúng tôi trao đổi tin tức hỏi thăm lẫn nhau, thì có tin là Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt Không Đoàn Phó KĐYC đã chết và Thiếu Tá Trương Khương Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ của chúng tôi đã bị bắt rồi. Tôi quả thật chới với khi nghe tin này, hỏi ngay anh ta:

- Anh có chính mắt thấy không?

Anh ta nói:

- Không! Nhưng trong khi chạy nghe nhiều người nói về chuyện Trung Tá Thiệt chết lắm.

- Ông ta chết ra sao?

- Tôi không rõ lắm, nhưng nhiều người nói như vậy thì chắc trúng rồi - Anh ta còn nói thêm - Riêng Thiếu Tá Trương Khương thì có người quả quyết đã chính mắt trông thấy Thiếu Tá bị địch quân bắt dẫn đi.

Tôi và Tám Dẹo buồn vô cùng với tin đó. Không ngờ chỉ mới đó mà một người đã chết một người bị bắt, không biết số phận ra sao. Tôi thầm cầu mong sao cho Thiếu Tá Trương Khương cũng giống như trường hợp của chúng tôi, cũng bị bắt và được thả cho đi. Tôi nhớ lại đôi mắt mất hết thần khí của Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt lúc ông ngồi xếp bằng tròn trong ụ chứa phi cơ hôm 16-4-75 mà không khỏi cảm khái trong lòng.


Chúng tôi lại tiếp tục đi dọc theo các ngả đường thì tình cờ gặp Thiếu Tá Trương Hải, Đoàn Trưởng Đoàn Phòng Vệ của tôi mặc đồ dân sự đang đứng ngắm nghía trước một cửa tiệm bán nón. Thật không còn gì vui mừng cho bằng gặp được ông ta trong lúc này. Tôi mang tin của Trung Tá Thiệt và Thiếu Tá Trương Khương mới nhận được, nói cho ông nghe thì ông cũng xác nhận là đã có nghe qua tin đó. Ông kể cho chúng tôi biết riêng phần ông, khi bung ra khỏi phi trường ông đi cùng với Nhảy Dù và đến Cà Ná thì bị bắt. Trong khi bộ đội CS di chuyển tù trên đường, ông cùng một người lính Biệt Động Quân trốn thoát được, cũng mới vừa về tới Phan Rang không bao lâu. Thiếu Tá Trương Hải và tôi nắm tay nhau, không nói ra thành lời nhưng cả hai đều hết sức ngậm ngùi. Thầy trò, quan quyền mới chỉ một sớm một chiều nay nhìn lại không giống ai hết. Thiếu Tá Hải vào tiệm lựa mua một cái nón. Tôi hỏi nhỏ:

- Thiếu Tá có dự tính gì không?

Thiếu Tá Trương Hải thở dài buồn bã, cho tôi biết ông mới được bà chị ở Tháp Chàm cho hay gia đình ông ở Nha Trang gồm có Mẹ già, chị dâu, mấy đứa em gái và mấy đứa cháu của ông nay không biết ra sao, vì nhà bị pháo kích sập rồi. Ông nóng ruột quá nên phải liều tìm cách đi về lại Nha Trang xem gia đình có sao không rồi tính, chứ ngay giờ này ông cũng chẳng biết tính gì hơn được. Ông hỏi về tình trạng của tôi và Tám Dẹo. Chúng tôi trình bày hoàn cảnh của mình đang tạm trú ở nhà của bà bán bún thịt nướng tốt bụng. Nghe xong Thiếu Tá Trương Hải cảm khái lắm, ông nói:

- Thiệt tôi cũng không biết phải làm sao để giúp cho hai anh, tôi lại tính đi Nha Trang ngay trong ngày nay. Nhưng tôi có quen một nơi thân lắm để tôi hỏi xem họ có thể giúp gì được cho hai anh không?


Thế rồi ông dẫn tôi và Tám Dẹo đi đến nhà máy xay lúa Ngô Thị Liên. Đây là nhà máy xay lúa lớn nhất ở Thị Xã Phan Rang, chủ có bà con với Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh. Thiếu Tá Trương Hải dẫn hai chúng tôi vào giới thiệu với ông chủ. Trong câu chuyện tôi được biết con ông chủ nhà máy xay lúa tên Ngô Văn Thành, cũng là một Đại Úy VNCH trong đơn vị 101 Tình Báo và là bạn thân của Thiếu Tá Trương Hải. Thiếu Tá Trương Hải trình bày hoàn cảnh của hai chúng tôi và ngỏ ý hỏi xem có thể giúp đỡ gì được cho chúng tôi không? Thật là cảm động vì sau khi biết được hoàn cảnh của tôi và Tám Dẹo, ông chủ nhà máy xay lúa đã sốt sắng nói ngay:

- Bây giờ hai cậu đi về Saigon chưa được đâu. Thôi thì ở đây với gia đình tôi, đợi khi nào êm rồi hẳn đi. Mấy công nhân nhà máy về quê hết rồi, trên gác bây giờ rất rộng rãi, tha hồ mà ở. Hiện giờ bên ngoài còn lộn xộn lắm, không ai để ý tới mấy cậu đâu. Cứ yên tâm ở đây nghỉ ngơi đi, đừng ngại.

Ông ta nói xong gọi ngay cô con gái lớn tên Liên ra bảo dẫn hai chúng tôi lên gác chỉ chỗ ở cho chúng tôi. Tôi thật không biết phải nói làm sao diễn tả hết được sự vui mừng và lòng biết ơn của tôi lúc bấy giờ đối với lòng tốt của hai người này. Được ở đây chúng tôi thấy tiện và ít ngại hơn là ở nhà bà bán bún thịt nướng. Thiếu Tá Trương Hải thấy 2 đứa tôi có được chỗ ở ông cũng vui và an lòng. Sau đó ông từ giã và tìm cách đi về Nha Trang. Đó là kỷ niệm cuối của tôi với Thiếu Tá Trương Hải, từ đó tôi không có được tin tức của ông nữa. Chúng tôi đi trở lại lấy cái mền ở nhà bà bán bún thịt nướng, cám ơn hai mẹ con bà và cho biết chúng tôi đã có chỗ tạm trú mới nên không dám phiền đến hai mẹ con bà nữa. Tội nghiệp bà nghe nói vậy cũng rất mừng, bà còn bảo:

- Hai cậu cứ ghé quán chúng tôi ăn bất cứ lúc nào. Đừng ngại và đừng nghĩ gì tới tiền bạc hết. Hoạn nạn giúp nhau chút đỉnh thì có gì đâu mà ngại.Tôi cũng cầu mong sao Phật Trời giúp cho hai cậu sớm về được với gia đình.

Chúng tôi cám ơn và từ giã hai mẹ con bà bán bún thịt nướng với lòng biết ơn vô cùng. Trong cơn hoạn nạn lần này, hai thầy trò đúng là đã gặp được nhiều "quới nhơn" ra tay cứu giúp.


Tôi và Tám Dẹo ở trên căn gác của nhà máy xay lúa được ông chủ và chị Liên giúp đỡ nhiệt tình. Chúng tôi được ông sai người ra chợ mua cho mấy cái quần đùi, áo thun và khăn tắm, bàn chải đánh răng… lo lắng cơm nước đàng hoàng. Đã vậy ông còn cho mượn cái radio nhỏ để chúng tôi theo dõi đài BBC ban đêm nghe ngóng tin tức. Đêm đó 19 tháng 4 năm 1975 tôi nghe báo tin trên đài BBC Phan Thiết đã thất thủ, lòng nôn nóng lắm. Ông chủ biết vậy nhưng bảo tôi:

- Bây giờ nếu hai cậu đi thì cũng chỉ tới được Phan Thiết rồi lại bị chận ở đó. Lại tiếp tục đi lang thang. Thôi thì nghe lời tôi cứ ở đây thêm ít ngày rồi hãy tính.

Tôi thật tình nôn nóng lắm muốn liều đi cho rồi, nhưng nghe lời ông khuyên cũng có lý nên tôi nán lại. Qua đêm sau 20-4-75, lại nghe đài BBC báo tin Bình Tuy thất thủ tiếp theo. Tôi thật không còn kiên nhẫn chờ được nữa.


Mới sáng sớm hôm sau 21-4-75, tôi đã la cà ra bến xe đò ngóng tin tức. Đa số xe đò vẫn án binh bất động chờ đợi, nhưng cũng có một vài chủ xe bạo gan chở khách đi Phan Thiết dò đường rồi. Những chủ xe còn lại cho tôi hay nếu tin tức đưa về không gặp trở ngại gì thì ngày mai họ sẽ bắt đầu nhận khách đi Phan Thiết. Cả ngày hôm đó tôi cứ lãng vãng ở khu bến xe ngóng tin tức và tới cuối ngày thì tin tức đưa về: Mấy chiếc xe đò đi lúc sáng đến Phan Thiết an toàn, đường đi thông suốt không gặp trở ngại nào cả. Nghe như vậy tôi mừng lắm. Tôi và Tám Dẹo đến từ giã hai mẹ con bà bán bún thịt nướng. Sau đó về báo cho ông chủ nhà máy xay lúa và chị Liên con gái của ông ta hay. Ý định của tôi là khi đến được Phan Thiết chúng tôi sẽ tìm mướn ghe đi về Vũng Tàu. Hai cha con cố khuyên chúng tôi ở lại thêm mấy bữa nữa cho chắc ăn nhưng tôi đã quyết tâm đi nên chỉ đành cám ơn lòng tốt của hai cha con ông. Thú thật mấy ngày qua, có đêm nào tôi ngủ được đâu, lòng lo âu đủ mọi thứ, chỉ mong mõi bằng mọi cách về được với gia đình mà thôi. Ở nhà giờ này chắc đang lo âu cho số phận của tôi lắm, nhất là vợ tôi đang mang thai sắp sanh… thì lòng dạ nào mà nấn ná ở lại chứ. Tội nghiệp thằng Tám Dẹo cũng ở vào một tâm trạng như tôi nên ý tôi thế nào nó theo tới đó. Nhà nó ở Phú Xuân, Nhà Bè nên cũng nôn nóng muốn về lắm. Biết khuyên chúng tôi không được nên ông chủ nhà máy cũng thôi không cản nữa. Tôi còn nhớ đêm đó trong khi chúng tôi nằm chờ nghe đài BBC, ông chủ nhà máy xay lúa bước lên gác biếu cho chúng tôi ít tiền ngày mai dùng làm lộ phí trên đường đi và cầu chúc chúng tôi đi đường bình an, sớm gặp được người thân. Tám Dẹo và tôi thật cảm động khôn cùng với nghĩa cử đó. Không bao giờ tôi có thể quên ơn những người có tấm lòng vàng này.


Sáng 22-4-1975 chúng tôi từ giã hai cha con ông chủ nhà máy xay lúa ra bến xe đò đi Phan Thiết. Đến nơi thì cũng gần trưa rồi. Quang cảnh nơi đây cũng không khác gì ở Phan Rang cho mấy. Dân chúng và lính tráng mất đơn vị cũng từ mọi nơi đổ xô về gây nên một cảnh xô bồ, nhốn nháo bất thường, xen kẻ là những xe Motolova chở đầy bộ đội Bắc Việt nghêng ngang chạy khắp đường phố. Chúng tôi hỏi thăm đường đi dọc theo con sông xuống bến tàu với mục đích mướn ghe đi về Vũng Tàu. Trong bụng không biết phải mở miệng làm sao cho người ta khỏi nghi. Nhưng thật ra những lo âu của chúng tôi chỉ bằng thừa, bởi vì mới vừa quẹo xuống đi dọc theo con sông mấy bước thì đã có nhiều người chạy tới níu kéo mời mọc:

- Đi Vũng Tàu không? Đi Vũng Tàu không?

- Lên đây đi ghe tôi đi.. Ghe đi Vũng Tàu đây… Ghe đi Vũng Tàu đây bà con ơi. Ghe chạy liền, không có chờ lâu đâu….

Họ đi theo níu kéo mời gọi luôn miệng như vậy và rất đông người theo lời mời gọi đi xuống những chiếc ghe gần đó. Không ai ngăn cản và không có dấu hiệu nguy hiểm nào hết… Tám Dẹo và tôi mừng quá bước theo xuống ghe liền. Tuy thế chúng tôi phải đợi đến xế chiều ghe mới bắt đầu chạy vì phải chờ chủ ghe đón thêm đầy khách. Ghe đi suốt đêm hôm đó tới địa phận Vũng Tàu thì trời vừa mới bắt đầu sáng. Ai nấy đều hồi hộp nhìn lên những cột cờ của tàu Hải Quân đang neo từ xa và mọi người đã ôm nhau nhảy múa reo hò như điên khi thấy lá cờ vàng 3 sọc đỏ thân yêu phấp phới trên cao. Ghe tiến gần vào nhưng bị tàu Hải Quân trú đóng nổ súng ngăn không cho chúng tôi vào Vũng Tàu vì lý do an ninh. Cuối cùng ghe phải đi vòng lại và tấp vào Long Hải.


Tôi đặt chân lên bãi biển Long Hải mà lòng vui mừng vô hạn pha lẩn cái cảm tưởng của một người vừa từ cõi chết trở về. Những người dân chạy loạn ở các nơi về giăng lều bạt tạm trú đầy kín hết cả bãi biển. Có tin đồn tàu Hải Quân sẽ rướt tất cả đi nên ai nấy đều muốn ở ngay trên bãi biển chờ đợi. Chúng tôi về được đến đây rồi thì chẳng thiết đến những thứ gì khác ngoài lòng nôn nóng về lại với gia đình, nên cũng không cần biết tin đồn đó có thật hay không? Tôi và Tám Dẹo cho dân chúng tất cả đồ đạc mền, khăn và những vật dụng cá nhân xong xuôi hai đứa đi ngay ra đường đón xe đò về Saigon. Qua các nút chận chúng tôi bị Quân Cảnh của nhiều binh chủng phối hợp chận lại xét hỏi rất gắt gao vì có lệnh cấm quân nhân các nơi không được mang vũ khí vào Saigon. Tôi xuất trình tờ giấy Chứng Chỉ Tại Ngũ đã dấu trong lai áo trước đây cho một Trung Sĩ Quân Cảnh KQ. Anh nhìn giấy CCTN của tôi và hỏi tôi với Tám Dẹo nhiều câu hỏi về đơn vị cùng tên các chỉ huy trưởng… Chúng tôi trả lời thông suốt hết nên được cho đi. Tôi chia tay với Tám Dẹo sau khi xuống xe đò ở khoảng ngả ba Hàng Xanh rồi hai thầy trò đón xe ôm đi về nhà. Lúc đó khoảng 10:30 sáng ngày 23-4-1975.

Ba mươi mốt năm trôi qua là cả một thời gian dài với quá nhiều thay đổi, nhưng mỗi khi hồi tưởng lại đời lính ngắn ngủi của tôi ở CC20CTKQ, những ngày cuối cùng với những kỷ niệm khó quên trên đoạn đường tìm về Saigon với gia đình. Tôi vẫn hình dung lại thật rõ ràng và tưởng chừng mọi sự việc như mới vừa xảy ra hôm qua vậy! Tất cả giờ đây đã trở thành quá khứ, chỉ còn sót lại một nỗi buồn.


Kỷ Niệm 31 năm ngày Phan Rang thất thủ….

Từ Phố Đá Tròn, nhớ về CC20CTKQ.



Vĩnh Khanh



Ghi chú:


Sau khi qua Mỹ, tác giả có dịp kiểm chứng lại thì tin đồn đã viết trong bài về Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt bị chết là không đúng. Ông chỉ bị bắt thôi. Còn tin đồn về Thiếu Tá Trương Khương bị bắt thì chính xác. Nhưng để cho bài viết được trung thực, tác giả vẫn giữ nguyên những gì nghe được lúc bấy giờ.


Bài viết này được viết xong vào ngày 16 tháng 4 năm 2006 nhân kỷ niệm 31 năm phi trường Phan Rang thất thủ.


Ngày 18 tháng 9 năm 2006, sau 31 năm bặt tin, tác giả đã liên lạc lại được với cựu Thiếu Tá Trương Hải, Đoàn Trưởng Đoàn Phòng Vệ hiện đang định cư tại Vương Quốc Hòa Lan cùng gia đình. Nhờ vậy anh Trương Hải đã giúp bổ khuyết thêm một số dữ kiện cho bài viết được hoàn hảo hơn.

Đồng thời còn được anh Lưu Huy Cảnh ( Biệt danh Cảnh Đầu Bò) hiện đang định cư tại Virginia, USA bổ sung thêm một chi tiết khác.


Thành thật cám ơn hai anh Trương Hải và Lưu Huy Cảnh về những dữ kiện quý báu này.



V.K.

(nguồn : http://dactrung.net )

(xem thêm hình ảnh phố Phan Rang) (http://members.tripod.com/donstaylor1/id30.htm)

chimtroi
05-08-2009, 12:45 AM
Chimtroi vừa nhận được thư của anh Phihien2005 về bài viết trên đây, xin phép được trích đăng lại như một lời cảm ơn đến tác giả của bài viết : Vĩnh Khanh


... xin cám ơn tác giả Vĩnh Khanh về bài viết "Kỹ niệm với Phan Rang". Phan Rang hay đúng hơn là CC20CTKQ (sau này SĐ6KQ về đây ), là nơi mình công tác trong suốt cuộc đời quân ngũ (dù chỉ là hơn 2 năm) . Từ giửa tháng 3 năm 1975 mình được cắt đi công tác biệt đội tại SĐ2KQNT và phải di tản CT cùng SĐ2KQ vào ngày 1 tháng 4 năm 1975 . Sau này dù cố mình vẫn không về lại PR được và chỉ biết tin PR thất thủ vào ngày 16 tháng tư năm 1975...
Cho mình gửi lời chúc sức khỏe đến anh Vĩnh Khanh và gia đình của anh ấy ...

Xin cám ơn anh Phihien2005

thanh nguyen 53
09-03-2013, 01:11 PM
Chắc là anh không biết tôi là ai phải không ? đã lâu quá rồi ,phải nói đúng hơn là trên 38 năm nay tôi mới nhận ra anh . tôi đã từng ở căn cứ không quân Phan Rang từ tháng 1/1973 và ngày cuối cùng rời Phan Rang vào buổi chiều ngày 15/4/1975 trên một chiếc C130 có lẻ là đây là một trong những chuyến bay cuối cùng vào buổi chièu hôm đó . tôi thuộc cấp số của liên đoàn phòng thủ , nhưng bên phân đội súng cối 82 ly ,phân đoàn trưởng tên gì lâu quá tôi không còn nhớ , nhưng phân đoàn phó là hạ sỉ nhất Hiền . mà hình như anh đến PR sau tôi một năm phải không . số quân của tôi là 73/606..., Tôi có 2 đứa con đã trưởng thành và đã có gia đình .còn tôi hiện nay cũng nhàn nhả và cũng không phải làm gì . bà xả thì buôn bán . Còn anh qua bên này lâu chưa .còn đi làm hay về hưu rồi . có thể kể cho tôi biết một chút về cuộc sống gia đình của anh . Đây là những dòng chử chân thành lần đầu tiên tôi gửi đến anh ,mong sao anh em mình sẽ là bạn với nhau để hàn huyên và nhớ lại những kỷ niệm ,những ký ức lúc còn ở căn cứ phan rang . hy vọng trong những lần sau anh em mình sẽ viết cho nhau nhiều hơn , nếu có thể anh cho tôi địa chỉ mail của anh . còn mail của tôi ( abxuanaz@gmail.com ). mong nhận hồi âm của anh . chúc anh vui . chào anh ./