PDA

View Full Version : Đà Lạt ngày nay



Longhai
12-23-2013, 09:39 AM
Đà Lạt ngày nay



Trần Ngọc Toàn



Tôi được sinh ra tại nhà thương Đà Lạt, dưới sự chăm sóc của các nữ tu từ Lãnh địa Domaine de Marie, ở phía Tây của thành phố Đà Lạt. Sau ngày tốt nghiệp Khóa 16 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tại Đà Lạt, vào cuối năm 1962, tôi ra đi theo binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Dù vậy, hằng năm, tôi vẫn cố thu xếp về thăm gia đình còn ở Đà Lạt. Sau ngày Cộng sản chiếm Miền Nam, vào 30 tháng 4 năm 1975, tôi bị lùa vào các Trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc Việt Nam. Cho đến đầu năm 1984, tôi được thả ra từ Trại Z30 C ở Hàm Tân. Công an CS đã buộc tôi phải về lại sinh và nguyên quán vì vợ và hai con của tôi đã vượt biên sang Mỹ từ năm 1978.

Ra khỏi Trại tù, tôi lần khần quanh quẩn Sài Gòn một tuần lễ rồi lên xe đò về lại Đà Lạt. Từ những năm của thập niên 1950, tôi thường theo Ba tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn, trên Quốc lộ số 4. Hai bên đường chỉ có rừng cây rậm rạp mù mịt và thường gặp những thú rừng chạy băng ngang đường hoặc có khi nằm ngay trên mặt đường nhựa, như heo rừng, nhím, hươu nai và cọp nữa. Sau chín năm dưới chế độ CS, người ta bám theo con Quốc lộ kiếm sống, suốt từ Dầu Giây qua Định Quán, Phương Lâm, đến sát chân Đèo Chuối ở Ma Đa Gui. Hầu như suốt đoạn đường gần 200 cây số ấy, nhà cửa tạm bợ mọc lên san sát. Khi qua khỏi Bảo Lộc và Di Linh, khó ai có thể nhận ra Tùng Nghĩa, Liên Khương ( Khàng), Ngả Ba Đức Trọng Fi-nom cho đến sát chân Đèo Prenn. Nhà cửa mọc lên như nấm. Tìm hiểu mới biết do giai cấp CS cầm quyền đã trở thành Tư bản Đỏ và Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới bơm tiền về nuôi gia đình. Từ trên dốc Đèo Prenn nhìn xuống đường đèo Prenn cũ đã tràn ngập nhà và vườn rau cải. Người ta đã không ngần ngại chận dòng suối làm nước tưới rau nên mặt Thác nước Prenn chỉ còn vài dòng chảy loe ngoe, với cuộc khai thác thương mại xô bồ nhưng rỗng tuếch.

Cùng chung số phận của đất nước dưới sự thống trị tàn ác của CS, Đà Lạt ngày ấy cũng tả tơi, nhếch nhác. Những ngươì có máu mặt đã vội cao bay xa chạy, nay chỉ còn giới dân nghèo bám theo vườn rau cải ngày càng héo mòn vì thiếu nguồn phân bón. Ai cũng rách nát để nói chuyện du lịch và nghỉ mát. Ngay sau đó, tôi nhờ Ba tôi chạy chọt giấy tờ rối vội quay về Sài Gòn để may mắn vượt biên vào đầu tháng 5 năm 1984 sang Mỹ

Cho đến đầu năm 2010, tôi mới có dịp trở lại Đà Lạt. Khi ba tôi qua đời cuối năm 2009, tôi đang phải trải qua một cuộc đại giải phẫu. Ông được bảo lãnh qua Mỹ năm 1995 ở San Jose, California được 6 năm thì ông quyết định trở về Đà Lạt sống với các con cháu còn kẹt lại. Kế tiếp, bà mẹ vợ của tôi cũng ra đi, tôi phải bay ra Huế để làm giỗ 49 ngày cho bà cụ, sau đó mới tìm đừơng về Đà Lạt thăm mộ của ba tôi. Từ Huế về Đà Lạt không có máy bay nên chúng tôi phải đi đường bộ về Nha Trang để từ đó lên Đà Lạt. Trong buổi họp mặt các Cựu học sinh Trung Học Cam Ranh, vợ tôi gặp được một người học sinh cũ nay làm kiến trúc sư khá giả, đã tình nguyện dùng xe riêng đưa lên Đà Lạt bằng đường xe mới từ Nha Trang lên Đà Lạt. Đoạn đường chỉ dài 185 cây số thay vì từ trước kia, từ Nha Trang phải về Tua Chàm, Phan Rang rồi lên Sông Pha ( Krong Pha) để leo Đèo Ngọan Mục, lên Đơn Dương rồi Tram Hành, Trại Mát và Đà Lạt. Từ sau năm 1975, do không có phương tiện bảo quản đường xá nên xe tải chở hàng và xe đò không được phép chạy trên con dốc từ Đơn Dương qua Trạm Hành lên Đà Lạt, mà phải chạy bọc theo tuyến đường Mơ Lon qua Đức Trọng để lên Đèo Prenn.

Con đường mớí vốn là con đường do Công Binh Pháp mở ra từ sau ngày Đà Lạt được xây dựng, từ thưở thập niên 1800, từ hướng Đông Bắc ngang làng Da Rơ Hoa qua Hồ Than Thở. Do quân Việt Cộng được gài lại sau Hiệp Định Geneve 1954 và quân Bắc Việt xâm nhập từ năm 1958 quấy phá nên con đường bị bỏ hoang. Mãi đến năm 2006, CS mới mở lại, nối liền tuyến giao thông từ Đà Lạt về Nha Trang với nhu cầu du lịch cho khách ngoại quốc.

Từ Nha Trang chiếc xe Ford nhỏ chỉ chạy mất 2 tiếng đồng hồ lên tới Đà Lạt. Đoạn đường từ Nha Trang lên chân Đèo chỉ có một dãi lưu thông, xuyên qua khu rừng núi vắng vẻ với vài ngôi làng người Thượng thưa thớt. Ngọn đèo chỉ dài độ 12 cây số nhưng thoai thoải hơn cả Đèo Prenn, với khung cảnh còn hoang sơ và tĩnh lặng. Chừng nửa đường đèo có những khúc quanh được mở rộng cho xe tạm dừng.

Lòng tôi chợt bàng hòang và đau xót khi xe xuống hết dốc Nha Địa Dư đổ xuống Hồ Xuân Hương nay chỉ còn một khỏanh đất trũng đầy cỏ non mọc trên mặt hồ đã khô cạn. Và Ngôi Nhà Thủy Tạ trắng nên thơ ngày nào nay đứng trơ trụi vô duyên lỏng chỏng trên mặt đất khô, bên con lộ đất đỏ nối tiếp từ Ngả Tư Câu Lạc Bộ Thể Thao đâm ngang mặt Hồ nước cũ qua đường Võ Tánh. Bây giờ, tôi mới thấm thía câu nói: “Quê hương mình đã mất” Đà Lạt vốn đã mất những nguồn nước thiên nhiên do những ngu xuẫn của người cầm quyền. Nay, Đà Lạt mất hồ Xuân Hương như một cô gái kiêu sa đã tự lột trần mình ra đưa những nét xấu xí và trần trụi ra trước mắt mọi người, từ xa tìm đến tưởng để ngưỡng mộ.

Nghe nói, sau khi Thành phố Đà Lạt được trao cho Hà Nội quản lý, người ta muốn biến nơi này thành trung tâm du lịch cho khách ngọai quốc, nên “Lên kế hoạch chỉnh trang” Tuy thật ngu muội nhưng kẻ có quyền tha hồ chia nhau bộn bạc. Người ta xả hết nước của Hồ rồi xây lại một đập nước mới, thay cái gọi là Cầu Ông Đạo. Xả nước nhưng không có nơi dự trữ. Rồi từ đó chờ cho Mưa sẽ làm đầy mặt hồ. Ai cũng biết từ gần cả 100 năm nay, từ khi ngừơi Pháp xây dựng Đà Lạt đã chận hai dòng suối từ phía Bắc và Đông Bắc đổ về Hồ Xuân Hương. Dòng nước thứ nhất từ Hồ Than Thở, cũng nhân tạo, và hồ Mê Linh chảy dọc theo con đường sắt cũ xuống Ấp Hồng Lạc xuống Hồ Xuân Hương, từ hơn 10 năm qua, người ta đã lấp kín Hồ Mê Linh và lấp luôn con suối chảy về Hồ Xuân Hương để cất nhà nên chẳng còn giọt nước nào. Nguồn nước thứ hai bắt nguồn từ sau lưng chân núi Lap Be’ Bắc và Nam chảy vòng qua những ngọn núi trọc, sau lưng Viện Nguyên Tử Lực Cuộc và Trường Võ Bị ngày xưa, xuống phía chiếc cầu dẩn lên Viện Đại Học Đà Lạt, nay cũng bị chặn lại để cung cấp nước tưới cho mấy chục mẫu đất trồng trọt từ Khu Đại Học lên hướng Ấp Số Sáu đi Dankia. Ngày trước, đó là một dòng suối rộng chừng 2 đến 3 mét bề ngang nay chỉ còn lưng nửa thước nước chảy. Không còn hai dòng nước chính này, cho đến bao giờ nước mưa mới làm đầy Hồ Xuân Hương.

Giai cấp Tư bản Đỏ cứ đua nhau xây cất bừa bãi, bất chấp tất cả mọi căn bản về thiết kế Đô thị. Với hình thể núi đồi, nhà cửa vội xây dựng lên, cao thấp lộn xộn với hệ thống cống rãnh và điện nước bừa bãi. Từ xa, nhìn về Đà Lạt tưởng như thấy một góc phố lao động của thành phố Hồng Kông chen chúc, chật hẹp. Với những đợt đưa người từ Miền Bắc vào định cư không kế hoạch, các ông Trời cán bộ thoải mái chặt phá hết những dồi Thông vây quanh thành phố nên dù ở độ cao hơn 1500 mét trên mặt biển, không khí Đà Lạt không còn trong lành và mát mẻ nữa. Suốt từ Chi Lăng về tới ngả rẽ bên cạnh Hồ Xuân Hương, nhà cửa cao thấp, đủ kiểu mọc lên vô trật tự, san sát bên nhau như cố chen chân tìm hơi thở.

Con suối khá lớn ngày xưa chảy từ dưới chân Núi Mã Thánh giữa đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng đưa về Thác Cam Ly, nay cũng bị chận lấy nước tưới vườn cây và tệ hơn nữa đã bị lấp kín để họ đua nhau cất nhà từ Đa Nghĩa đến Lò Gạch (Ấp Hoàng Diệu) nên không ai ngạc nhiên khi thấy thác nước Cam Ly nay chỉ loe ngoe vài giọt nước dơ bẩn từ nguồn nước thãi của Thành phố.

Ở phía Đông, do Ấp Thái Phiên chận dòng suối làm nước tưới nên Hồ nhân tạo Than Thở nay lại càng than thở vì trơ trụi không còn bóng cây thông vây quanh. Người ta dựng nhà suốt từ khu rừng thông bên hồ Than thở đến khu định cư Đa Rơ Hoa về con đường mới đi Nha Trang. Chỉ tòan là nhà cửa cất bừa bãi, lộn xộn san sát bên nhau. Cơ sở của Trường Võ Bị Quốc Gia nằm trên ngọn đồi 1515, giửa núi Labe’ Nam và hồ Than Thở nay nhìn vào không thấy một bóng người. Doanh trại bề thế ngày xưa nay đã hoang tàn và cũ kỹ. Không biết CS Việt Nam đào tạo Sĩ quan cho Quân Đội ở đâu, trên đất nước. Cơ cở này vẫn do Quân đội CS canh giữ nhưng không còn sinh động do thiếu chăm sóc sau mấy mươi năm trôi qua. Ngôi trường Võ Bị được xây cất hiện đại từ năm 1960 nay đã trở thành hoang phế.

Nhờ Nhà Sư chuyên xin tiền bá tánh chận dòng suối Tiá từ Áp Suối Cát chaỷ xuống nên một hồ nhân tạo với ngôi đập, dựng lên ngôi chùa uy nghi, đắt tiền, vào thời dân Việt còn đói khổ vào thập niên 1980, tên gọi là Thiền Lâm Tự. Nay ông còn nhiều tiền nên ra tận ngoài Huế dựng thêm ngôi thiền viện trên núi Bạch Mã, hòng “Làm vua một cõi”...

Còn hơn thế nữa, những “Đỉnh cao trí tuệ” ở Tùng Nghĩa đã chận dòng nước từ Đà Lạt chảy xuống xây đập nước tạo nguồn thủy điện. Chưa thấy gì nhưng thác nước Liên Khương, Gougah và Pon gour vĩ đại ngày nào nay chỉ còn những chỏm đá khô cằn với những giọt nước loe ngoe. Từ đó con sông Đà Rằng cũng cạn dần theo năm tháng.

Từ chân Hồ Đội Có, bên Hồ Xuân Hương, dọc theo con đường Võ Tánh, khách sạn và nhà lầu chen nhau lên tuốt vòng lưu thông trước cửa Trường Đại Học, che lấp mất ngôi trường Bùi Thị Xuân với ngổn ngang hàng quán và chợ búa. Từ đó, cũng không sao nhìn ra khu trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị nằm trên ngọn đồi nhìn về Trường Nữ Trung Học BTX. Từ ngã ba đường dọc theo Viện Đại học nay mang tên Phù Đổng Thiên Vương bây giờ tràn lan nhà cửa vây kín luôn hai con lộ dẩn về Ấp trồng dâu Tây Đa Thiện, nhà mọc lên như nấm với đủ dạng đủ cỡ, đủ kiểu và cao thấp lởm chởm vô trật tự.

Ngay sau lưng khu chợ Hòa Bình, có một khoảnh đất được chọn làm bến xe nối liền qua đường Hàm Nghi. Trên đỉnh núi vốn là dinh Tĩnh trưởng với vài ngôi biệt thự lẩn khuất trong rừng thông. Ngày nay, nhà cửa đủ kiểu nằm san sát bên nhau, che kín cả ngọn núi ấy, suốt từ sau lưng Nhà Thờ Tin Lành vòng qua hai đầu đường Võ Tánh. Từ mặt đường nhìn lên chỉ thấy nhà ở và hàng quán và không còn một bóng cây xanh làm bóng mát.

Từ dốc Nhà Đèn đi về hướng Tây không làm sao tìm cho ra được ngôi trường Petit Lycée một thời chế ngự một khu đất rộng thênh thang với cây cối sầm uất. Nhà cửa và hàng quán nối tiếp nhau liên tục suốt quảng đường này nối liền với Đại lộ Yersin từ Nhà Thờ Con Gà về tới gần Thác Cam Ly.

Trở về Đà Lạt ngày nay ngỡ như đi lạc vào một góc của thành phố Sài Gòn ngay trước năm 1975. Với hàng quán ngổn ngang, chồm ra mặt đường vốn đã nhỏ hẹp càng chật chội với xe cộ đủ loại lách nhau chạy ồn ào trên các khu phố chợ.

Các hảng xe đò Phương Trang, Mai Linh, vốn nằm trong tay của Công an CS, đã ngang nhiên mua đứt bến xe ở đầu dốc Prenn. Đã thế lại còn lập một bến xe riêng tư ngay trong khu đất trứớc đây là đường Phạm Phú Thứ và Trạm mổ heo bò bên này Nhà Máy Điện. Xe đò lớn nhỏ hầu hết đều nhập từ hảng xe Huyndai của Nam Hàn.

Ai cũng biết nguồn thu nhập chính của Đà Lạt là rau cải và du khách. Ngoài không khí tương đối còn mát mẻ do vị trí nằm trên cao độ nay khung cảnh đã trở nên nhếch nhác, xô bồ với các hồ nước và ngọn thác khô cạn nên chẳng còn gì để thu hút du khách ngoại quốc. Ngay cả lượng du khách trong nước cũng giảm xuống tệ hại.

Theo thời gian, bao nhiêu chế độ cai trị đã sụp xuống, từ 100 năm Pháp thuộc cho đến cái gọi là cộng sản nay đã biến thành tư bản với đất nước Việt Nam vẫn còn đó. Từ thập niên 1980, sau khi bọn Việt Cộng nằm vùng đã bị loại trừ, cho đến những tay súng len lỏi từ Miền Bắc vào Nam đã chết lần hồi vì bệnh tật và bị cho về hưu, quyền thống trị nay lọt vào tay gần 3 triệu đảng viên CS trên lưng 85 triệu dân Việt. Tất nhiên một biến đổi sẽ đến khi áp lực ngày càng nặng nề từ phía Cộng sản Tàu ở phía Bắc.

Đà Lạt cũng cùng chung một số phận của đất nước.




Trần Ngọc Toàn