PDA

View Full Version : Sống chết có số



Longhai
12-19-2013, 05:00 AM
Sống chết có số


Trần Ngọc Toàn


23 tuổi đầu, tôi tốt nghiệp Khoá 16 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tại Đà Lạt. Vừa khi bước sang năm thứ Tư, với tư cách là khóa đàn anh lớn nhứt trong 4 khoá, chúng tôi bắt đầu đi phố xuất trại với bộ “Complet” thường phục, do quy định. Bốn khóa gồm Khoá 17, 18 và 19. Nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban lệnh ra trường sớm để đáp ứng nhu cầu chiến trường. Thế hệ của chúng tôi vừa thoát khỏi chính sách thuộc địa Pháp và chế độ vua Bảo Đại của Nhà Nguyễn. Với chương trình Huấn luyện Quân sự và Văn hóa mới, chúng tôi ra trường với khí thế chất ngất, như những Tráng sĩ “Xuống núi cứu dân độ thế” hun đúc từ vị Chỉ Huy Trưởng Trường, là Đại Tá Trần Ngọc Huyến với văn bằng Cử nhân Văn Khoa, vào thời ấy. Sau khóa học cấp tốc “Rừng Núi Sình Lầy” tại Trung tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, tại Dục Mỹ, Nha Trang, trở về Đà Lạt, chúng tôi nôn nóng chuẩn bị làm lễ ra trường. Với thứ tự cao thấp từ kết quả thi văn hóa cuối năm thứ ba, chúng tôi dành nhau tình nguyện vế các Quân Binh Chủng nổi danh như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến…và tất nhiên là các Sư Đoàn Bộ Binh, từ Bến Hải xuống tới Cà Mau. Nhờ sự can thiệp của vị CHT, Bộ Tổng Tham Mưu cho Khóa chúng tôi một cấp số gồm 30 Không Quân nhưng cuối cùng chỉ có 27 người, 15 đi Hải Quân rồi sót lại 7 người vì 7 người xin trở lại Bộ binh do bất mãn phải tháo lon Thiếu Úy vào học khóa HQ tại Nha Trang. 3 cho Nhảy Dù với Thủ Khoa Bùi Quyền và sau này thêm Lê Minh Ngọc, Phạm Kim Bằng và Trần Như Tăng từ BĐQ sang. Á Khoa Nguyễn Xuân Phúc dẩn thêm 9 người sang TQLC. Sau 15 ngày phép chúng tôi kéo nhau lên xe Taxi vào trình diện Liên Đoàn TQLC, tại doanh trại Thị Nghè, vào đầu năm 1963. Lúc ấy, Liên Đoàn Trưởng là Trung Tá Lê Nguyên Khang đang đưa 4 Tiểu đoàn tác chiến tham dự Chiến dịch Sóng Tình Thương, ở vùng Năm Căn, mũi Cà Mau. Ngoại trừ một người được giữ lại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, chín anh em chúng tôi đòi ra các Tiểu Đoàn tác chiến và được phân phối theo thứ tự ABC tên. Trong ấy, đặc biệt có Thiếu Úy Trịnh An Thạch nhất quyết không chịu về Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thủy Bộ để được ra TĐ1 TQLC và anh bị tử trận tại Tây Ninh 6 tháng sau đó. Chúng tôi được đưa đi nhận ngay hai bộ đồ trận rằn ri vải Ny-long mới chưa cắt chỉ, để sáng hôm sau ra bến Bạch Đằng xuống Hải vận Hạm HQ 401 trực chỉ Năm Căn Cà Mau. Tôi đi TĐ4 TQLC với Nguyễn Đằng Tống và Đỗ Hữu Tùng. Tùng lớn hơn tôi mấy tháng nhưng Tống sinh sau tôi một ngày. Do đó số quân mới Hải Quân là 60A/ 701.162 và 701.163 so với số quân Bộ binh là 402.189 và 402.190. Chúng tôi đáo nhậm đơn vị hành quân chỉ với chiếc ba-lô kềnh càng đời Pháp để lại từ trong trường. Hai bàn tay trắng.

Tôi kể chi tiết như thế để cho thấy số phận của tôi và Tống rất giống nhau nhưng cũng khác nhau từ việc lập gia đình với hai người khác nhau về sau này. Hai ngày sau, chúng tôi leo lưới xuống một chiếc tàu đổ bộ LCU dưới Mủi Cà Mau. Chẳng có lấy một người gặp hỏi chuyện hoặc chỉ dẩn tình hình theo kiểu “Briefing” của Mỹ. Tờ mờ sang hôm sau, chúng tôi chợt thức giấc khi tiếng la hét ồn ào, tự nhiên nhào ra cắm cổ chạy theo bước chân của đám lính TQLC đã bạc màu áo trận, đổ bộ lên dải đất sình lấy, với chiếc ba-lô trên lưng và hai bàn tay trắng. Vô tình và ngẫu nhiên, chúng tôi lọt theo Đại đội 2 do Trung Uý Trần Văn Hoán làm ĐĐ Trưởng, vốn xuất thân từ khóa 13 Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Ông cũng chẳng nói gì đến chúng tôi. Cho đến trưa hôm ấy, khi đơn vị dừng quân, Chúng tôi được lệnh lội qua rừng cây Đước trình diện Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Uý Bùi Thế Lân. Lớ ngớ đến nơi chúng tôi thấy một Sĩ quan gầy còm, mang kính cận dày cộm, đang cúi đầu nhìn xuống tấm bản đồ trải dưới chân. Ông không nhìn lên mãi một lúc cho đến khi ông ngước đôi mắt kính cận lên, miệng nói không hở môi : "Các ông từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt ra học hành Đại học mà như thế à ! Chó mèo cũng còn có tên.” Ngay tức khắc, tôi nổi điên, đưa tay chào thật đúng cách và la lớn : "Tôi, Thiếu Uý TNT xin trình diện Đại Uý”. Tống và Tùng cũng hét lớn như khóa đàn anh trước khóa đàn em. Trong không khí rừng Đước ngập nước yên ắng cỏ cây như rung chuyển.

Đại Úy Lân cúi xuống nhìn bản đồ, và gọi Đại Úy Trần Hướng Trung là ĐĐT Đại Đội Chỉ Huy bảo : “Ông phát cho ba ông Thiếu Uý ba khẩu Shotgun và đưa đi 3 Đại đội cho tôi.”

Lý tưởng chất ngất của ngày ra trường trong lòng tôi chợt sụp đổ như đống cát. Tuy thế, vốn là SQ Hiện dịch chúng tôi một lòng đi tới, đạp lên chông gai tiến bước.

Nhưng phải nói là lúc ấy, chúng tôi còn quá non nớt và trẻ dại, như câu : “Điếc không sợ súng”. Mấy tháng sau cuộc hành quân ở Mật khu Hố Bò, Tân Uyên rồi đổ bộ xuống Mật khu Đỗ Xá trở về, với tư cách là Trung Đội Trưởng, Đại Uý BTL trở về Hậu phương làm Tham Mưu Trưởng do vấn đề sức khỏe. Trung đội 1 thuộc Đại đội 2/TĐ4 TQLC của tôi với hầu hết là những tay súng dày dạn chiến trường xuất thân từ lực lượng Commando của Pháp, gồm Trung đội Phó Trung Sĩ Nhất Lý Pitch người Miên, và 3 Tiểu Đội Trưởng là T/S Wong Say người Nùng, T/S Lợi và T/S Hiệu. Quân số Trung Đội tham chiến đến 44 người. Tôi không khỏi nể phục họ và thực lòng tôi cũng rất quý thương họ vì họ luôn tuân lệnh và luôn xông xáo vào lằn tên mũi đạn ngoài chiến trường. Theo thời gian tôi chinh phục được niềm tin của họ do có lúc nghe lén họ thì thầm bảo nhau : "Thiếu Uý của mình xuất thân từ Trường Đà Lạt đó. Ổng chịu chơi và lỳ lắm…”

Tôi cố gắng không để phụ lòng tin của họ. Có lần tôi nói chuyện với họ tại sao bọn du kích VC chỉ có quần đùi và súng thô sơ mà dám chống lại Quân Đội như TQLC, và cấp bậc cùng chức vụ có đấy nhưng một ngày nào đó cũng sẽ mất đi mà chỉ còn Tình Người và Tình Đồng Đội là tồn tại theo thời gian. Thực tâm, tôi hết sức bất mãn và muốn chống đối khi thấy những SQ xuất thân từ Quân đội Thuộc Địa Pháp , chỉ mới mang cấp Trung Uý thôi, nhưng cầm cây đánh đập người phạm kỷ luật. Phải nói rõ là họ còn rất quan liêu phong kiến với lon “Quan Một, Quan Hai ”. Họ đã không biết Cấp bậc và Chức vụ của họ là từ xương máu của người lính dưới quyền. Trước ngày Đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, 1/11/1963, do không có quy chế, các SQ xuất thân từ Trường Võ Khoa Thủ Đức, từ Khóa 6 đến 12 vẩn đều còn mang cấp Chuẩn Uý. Với cấp bậc Thiếu Uý, mấy tháng sau ngày ra trường, tôi được bổ nhiệm kiêm Đại Đội Phó ĐĐ2/ TĐ4 TQLC.Vào khoảng tháng 8 năm 1963, khi Tiểu đoàn tham dự cuộc hành quân lùng địch ở Ấp Tầm Vu, Vĩnh Long, tôi theo sát chân Tiểu Đội tiền phong tiến vào rặng Tre ngoài bìa làng. Vừa khi bố trí dàn hàng ngang đội hình tấn công, tôi còn đứng quan sát mục tiêu, chợt nhiều lọat đạn Trung liên nổ dòn, chát chúa ngang tai. Tức khắc, theo phản xạ, đám lính hai bên tôi đã nhào xuống ẩn nấp, trong khi tôi còn đứng lớ ngớ do thuộc mẫu người phản ứng chậm. Chợt tôi quay sang nhìn bên tay phải. Chiếc nón sắt trên đầu người lính gốc Miên bị lật ngược ra với mảng óc trắng phếu. Binh Nhất Lý Siêng đang nằm dưới con mương cạn, đầu quay về phía địch, khẩu súng Garant M1 còn trên tay phải nhưng đã chết ngắt. Nếu viên đạn trúng lệch một tí, nón sắt sẽ bị xoay nhưng Siêng không chết. Viên đạn trúng ngay chính giữa nón sắt nên đã xuyên qua bề dày mặt thép làm vỡ toang đầu của Siêng. Bỗng nhiên, tôi chợt lóe ra ngay ý nghĩ con người chết có số. Tôi còn đứng chỉ cách B1 Siêng một bước mà không hề hấn gì. Tôi vẫn còn nhớ vào năm thứ Nhì trong trường Võ Bị, khi cả Đại đội chúng tôi đã ôm khẩu súng trường Garant M1 nằm trên sân bắn, lệnh tác xạ đã vang lên, chợt một con nai chạy suốt từ đầu đến cuối sân bắn, dưới làn đạn nhưng con nai không bị trúng một viên đạn nào. Thống kê cho biết phải mất 300 viên đạn mới có một người lính tử trận. Súng lục còn không trúng tấm bia to lớn chỉ cách độ 10 mét thôi. Chỉ có Cao Bồi trên phim mới bá phát bá trúng.

Từ đó, ngoài chiến trường cứ thế tôi nhào lên với Binh sĩ dưới quyền. Khi họ đã nể sợ mình thì bảo gì họ làm nấy dù có thấy cái chết trước mặt.



Trần Ngọc Toàn

_______

Trung Tá Nguyễn Đằng Tống, Lữ Đòan Trưởng LĐ 369 TQLC kết hôn năm 1973 và chết trong Trại Tù CS ở Yên Bái, Việt Nam năm 1979.