PDA

View Full Version : Con Dzởm Chí Hòa



Longhai
12-05-2013, 10:55 PM
Con Dzởm Chí Hòa


hoanghaithuy


Trong 4 năm nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hoà - từ Tháng 4/1984 đến Tháng 12/1988 - tôi có khoảng 5 chú tù trẻ gọi tôi là Bố, tự xưng là Con. Ngày tôi ra khỏi Nhà Tù Chí Hoà Tháng 12/1988 đến hôm nay Tháng Chín 2013 : thấm thoắt dzậy mà ngày tháng qua đã 22 năm. Hôm nay tôi nhớ những chú Con Dzởm Nhà Tù Chí Hòa của tôi : Lượm, Vĩnh, Cường, Bạch, Lâm Tới, Tuấn Sí Cà Ve. Cả năm chú những năm xưa ấy đều khoảng từ 25 đến 30 tuổi. Con Dzởm trong tù hầu Bố Dzởm mấy việc : đặt bát lấy cơm canh, rửa bát, dành nước tắm, dăng mùng, tháo mùng, canh giữ thức ăn khi có đồ gia đình gửi vào.v..v.. Lượm là anh con dzởm ngây ngô, hiền lành nhất trong tù của tôi. Là con hoang bị mẹ đẻ quăng trong bụi tre, người ta lượm được đem về nuôi đặt tên là Lượm. Lượm - khoảng trên dưới 20 tuổi - theo người ta lên Nam Vang kiếm ăn. Ðó là thời quân VNCS chiếm đóng Kampuchia. Con trai Việt sang Nam Vang chuyên trộm, cướp, con gái sang Nam Vang hành nghề mãi dâm. Mỗi năm vài lần bọn Bắc Cộng bắt vài lô cả trăm trai gái Việt ở Nam Vang đưa về Nhà Tù Chí Hoà nằm chờ sưu tra lý lịch - xem có phạm tội gì trước khi sang Nam Vang hay không - rồi thả. Hôm được Cai Tù gọi ra hỏi lần cuối, Lượm về phòng nói với tôi :

“Con nói với cán bộ cho con ở tù, đừng bắt con ra tù. Cán bộ hỏi sao muốn ở tù, con nói ở tù con có cơm ăn...”

Cường 10 tuổi năm 1954, theo bố mẹ di cư vào Nam, định cư ở Cái Sắn, gia đình đạo dòng, mới lấy vợ hai năm, đưa vợ về Sài Gòn tìm đường vượt biên, bị bắt trong tổ chức vượt biên. Bạch, thanh niên Công giáo ở Hố Nai, bị bắt vì tham gia tổ chức Già Lam trong có các ông Tuệ Sĩ, Trí Siêu, ni sư Trí Hải. Năm 2012 tôi được biết Bạch làm người giữ một nhà thờ, thường gọi là Ông Bõ, người giữ chùa gọi là Ông Từ. Tuấn có tên là Tuấn Sì Ca Ve vì lúc nhỏ bị chích thuốc trúng gân nên bị lép một bên chân. Năm 2012 tôi được Lâm Tới cho biết Tuấn định cư ở Bỉ.

Vĩnh và tôi có những đêm bố con ăn bánh tráng trong tù. Năm ấy Nhà Tù Chí Hoà không cho gửi nước mắm vào cho tù, vì có vụ tù dùng nước mắm tẩm vào chấn song sắt phòng tù để cưa và vựợt ngục. Nhưng cho gửi nước mắm cục. Những cục nước mắm như những viên Chocolat. Khoảng 11 giờ đêm, tôi khều chân Vĩnh. Hai bố con ngồi trong màn. Vĩnh lấy nước mài cục nước mắm, lấy nước nhúng bánh tráng, cuộn lại, bố con chấm nước mắm ớt cùng ăn. Như bánh ướt. Ngon tuyệt.

Tôi đi tù về. Vĩnh đi tù về đến nhà tôi tìm tôi. Tôi hỏi :

“Bây giờ con làm gì để sống ?”

“Con bán vé số.”

“Ði bán dạo?”

“Không. Con có sạp ở gần nhà.”

“Người ta đi bán dạo đầy Thành phố. Bán vé số ở sạp ai mà mua?”

“Vẫn có người mua, bố ơi. Những người chơi vé số phải đến sạp bán để chọn vé. Mua vé người bán dạo họ không chọn vé được. Người bán dạo chỉ có 10 vé là cùng. Có những ông theo một con số, dặn con để dành những vé mang số ấy cho mấy ông mua.”

Vĩnh dính vụ rải truyền đơn gì đó. Ðêm khuya hay bốn, năm giờ sáng, Vĩnh chạy xe Honda, người bạn Vĩnh ngồi sau rải truyền đơn. Bị bắt nhưng không tang chứng, cả hai đều chối tội. Vĩnh tù một năm ở Nhà Tù Số 4 Phăn Ðăng Lưu, một năm ở Nhà Tù Chí Hoà, bị đưa đến Trại Tù Khổ Sai Ðồng Hoà cuốc đất, xúc phân, gánh nước tưới rau hai năm.

Lâm Tới là tên Con Dzởm ly kỳ nhất của tôi. Nó có nhiều tên. Vào Phòng 10 Khu ED Chí Hoà năm 1987 nó nói tên nó là Tới nên chúng tôi gọi nó là Lâm Tới, theo tên một diễn viên xi-nê thời ấy. Năm ấy tôi ăn chung với Thầy Sáu Lê Văn Bẩy và Tu Sĩ Phật Giáo Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Mấy năm trước Tới từng học lớp Giáo Lý do Thầy Bẩy dậy, nên vào phòng - Tới dính tổ chức vượt biên - Tới nhập bọn với chúng tôi.

Tụ lại một thời gian rồi chúng tôi tan hàng. Thầy Bẩy can “Tội in ấn bất hợp pháp.” Cùng hai ông Thầy khác - ba ông đã tu xong nhưng không được bọn Cộng cho thụ phong linh mục - in ronéo một số bài giảng phát cho giáo dân vùng Ngã Ba Ông Tạ - Tân Sa Châu. Khi xét nhà bọn Công an tìm thấy Thầy Bẩy cất giữ một bản đánh máy tác phẩm Ðồi Fanta do Duyên Anh viết năm 1982 sau khi đi tù Xuyên Mộc về, trước khi vượt biên đi thoát và sang Pháp. Sợ tác phẩm bị mất, Duyên Anh nhờ Thầy Bẩy đánh máy Ðồi Fanta thành nhiều bản. Thầy Bẩy giữ một bản. Vì giữ Ðồi Fanta, Thầy Bẩy bị phang án tù 8 năm, hai ông Thầy In Ấn Roneo bất hợp pháp kia mỗi ông tù 3 năm. Năm 2010 nhờ Lâm Tới, tôi được biết Thầy Lê Văn Bẩy, người bạn tù cùng phòng với Trí Siêu, Lâm Tới và tôi những năm 1986, 1987, đến năm 2000 trở thành một Linh mục ở trong nước. Linh mục Bẩy có nhiều cháu ở Mỹ, năm nào Cha cũng sang Mỹ chơi.

Một hôm tôi đọc được lời Lâm Tới gửi đến :

“Con là Tới, từng ở Phòng 10 với Bố. Số phone của con... Bố phone cho con.”

Tôi phone cho Tới, và anh Con Dzởm với ông Bố Dzởm gặp nhau trên đất Kỳ Hoa. Tôi théc méc không hiểu bằng cách nào năm 1987 ở Phòng 10 ED Nhà Tù Chí Hoà, tên Tù Lâm Tới chỉ biết có hai tiếng Yes, No. Hai mươi năm sau gặp lại Nó ở xứ người - Bố Dzởm Tám Bó, Con Dzởm Năm Bó Gặp - Nó là Chuyên viên cơ khí Quản trị Máy Bay Không Người Lái của Không Quân Mỹ. Lâm Tới và vợ đến Virginia thăm vợ chồng tôi. Nó là đứa Con Dzởm duy nhất tôi gặp lại ở Kỳ Hoa Ðất Trích.

Lâm Tới viết gửi tôi bài “Ði Xe Ðạp ở Arizona.” Thấy bài viết tạm được, tôi đăng mời quí vị đọc.




Lâm Tới. Hôm nay tôi đi Xe đạp

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp… vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn : Hôm nay tôi đi học. (Thanh Tịnh).

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai bầu trời Arizona, cái lạnh vẫn còn se sắt lắm, vợ tôi âu yếm nắm lấy “tai” tôi và kéo lê trong cái phòng dài và hẹp…và trên khuôn mặt tôi có một sự thay đổi lớn (đau quá!): Hôm nay tôi đi (xe) đạp (Sáu Cam).

Ðã vậy bả còn âu yếm rít lên :

“Dậy đi ông cố nội, nướng gì mà đến khét vẫn chưa chịu dậy, dậy mà thể thao với người ta !”

Tánh Sáu Cam tui hay nể vợ (Hổng phải sợ vợ à nhe), nên tui, tuy đầu óc còn u mê, thể xác còn nặng nề, bật dậy như lò xo, phóng ba bước vô Bathroom, đánh răng, lấy ngón tay thấm nước quẹt hai bên mép và hai bên mắt, chụp cái lược tính chải đầu, sực nhớ ra đầu hổng còn một cọng tóc. Thế là xong một phút vệ sinh ban sáng. Người bạn đang chờ trước cửa nhà với hai chiếc Mountain bike trên cái giá sau xe ô tô. Anh ta sẽ là bạn “đồng đạp” chứ hổng phải “đồng chí” của tôi hôm nay. Cả hai chiếc xe đạp đều là của Zi, tên người bạn. Anh là một cựu Phi công Blackhawk về hưu, nay làm việc cho Quân đội và cùng làm một chỗ với Sáu tui. Zi đã từng 15 năm” kinh nguyệt,” ý quên : kinh nghiệm có thừa về Mountain bike, anh muốn có bạn đồng hành, nên rủ tui theo cho đời bớt cô đơn chăng ? Tui thường “nể” vợ nên cũng “nể” bạn và để tỏ ra mình cũng là một “giận động diên” có hạng, nên tui nói với Zi :

“OK, it’s a piece of cake.” Dễ như ăn cơm sườn. Gọn mà đủ ý là: “Cơm sườn!”

Ở đất nước này, thực phẩm dư thừa cả về chất lẫn lượng, nếu ăn uống mà hổng “chịu khó” dòm chừng thi mai này sẽ bị” khó chịu” với sức khỏe của mình. Mountain biking là một môn thể thao khá thịnh hành ở Mỹ dành cho mọi lứa tuổi, già như anh bạn đồng đạp của tui, hay lằng nhằng như thằng tui, hoặc sồn sồn như con mẹ hàng xóm, và nhí nhố như hai đứa con của bả mới chừng 10, 12 tuổi.

Ai chưa biết về Mountain bike, tui xin tóm tắt vài lời như sau : Mountain Bike là một loại xe đạp bình thường như mọi xe đạp khác nhưng được thiết kế đặc biệt như bộ số Shimano để chạy trên những con đường gồ ghề, dốc núi hiểm trở (off - road) và chịu được những dằn sóc trên đường xuyên núi. Bánh xe to bản hơn xe đạp thường và có nhiều gai để bám đường. Khung sườn phải bằng nhôm cho nhẹ nhưng vẫn đủ cứng để “chịu” được những chàng/nàng liễu yếu đào tơ non một tạ rưỡi ở đất nước lắm sữa nhiều bơ nầy.

Có nhiều loại Mountain bike như cross-country, downhill, free-ride, trail-riding v…v… Sáu tui thuộc loại trail-riding sau cùng. Muốn chơi môn này, bạn phải biết tự sửa và bảo trì chiếc xe của mình vì nếu xe hư giữa đường thì phiền lắm. Ở giữa rừng núi hoang vu, xa nơi người ở, lấy đâu ra tiệm để mà sửa. Quan trọng nhất là nước uống, mà phải là những loại nước có thể thay thế Electrolytes (Gatorade) cho cơ thể đã bị mất calori khi ra mồ hôi, và nước lã (water) vẫn là chất lỏng cần có và phải có. Tiểu bang Arizona này là sa mạc, chỉ có loại xương rồng như Cactus, Saguaro, hoặc những loại cây cỏ đặc biệt có thể thích hợp với khí hậu nắng cháy da và khô rốc như ngói. Mùa hè bước ra khỏi nhà, ta có cảm tưởng như ai đem lò lửa mà hắt vô mặt mình. Nóng nhưng khô là hai yếu tố khiến con người ta mất nước nhanh nhất. Nếu bạn đến Arizona, lời khuyên thứ nhất là “Stay hydrated” (Uống nước cho thật nhiều), khô đến nỗi Sáu tui khi đếm tiền, vừa liếm ngón tay chưa kịp đếm thì ngón tay đã khô mất rồi (Cái lày nà “nếu náo” đấy nhá), đừng tin !

Thêm nữa là quần áo (Gear), bảo vệ cho “thằng lớn”; quần short nên là loại có đệm (Padding) để che chở cho “thằng nhỏ” và cho cái bàn tọa; nón bảo vệ cái gáo dừa, bao tay và giày bảo vệ cho những cơ phận làm ra tiền và cho việc chạy… thật lẹ khi bà nhà nổi trận lôi đình. Kính thể thao và hệ thống định vị (GPS Navigation device) là 2 thứ cũng không thể thiếu khi Trail- riding để khỏi lạc đường và che chở mắt khỏi bụi và tia nắng mặt trời chói chang. Nói chung là nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nếu mình muốn, còn không thì những cái nêu trên là đủ rồi.

Lái xe từ nhà đi khoảng 10 miles, đậu lại, chuẩn bị ba lô, nước uống, kiểm lại vài dụng cụ cần thiết và không quên mang theo 1 khẩu súng ngắn đề phòng thân vì mới có 5 giờ sáng, nên Bobcat hoặc Mountain-lion vẫn còn lảng vảng đi kiếm mồi, chúng chỉ kiếm chỗ núp khi mặt trời lên cao. Những loại thú hoang nầy đôi khi rất hung hăng, có thể tấn công người khi chúng thấy chúng bị làm phiền.

Chúng tôi bắt đầu đạp xe vào một con đường mòn tương đối bằng phẳng để warm-up những bắp thịt khá là khiêm tốn trên đôi chân gầy gò như cái ống điếu của tui. Chay khoảng vài dặm thì bắt đầu đoạn đường chiến binh, khúc đường này bắt đầu lên dốc và sỏi đá lởm chởm hơn, rất dễ té, mà té thì bạn biết cái gì sẽ xảy ra ngay. Sỏi đá sẽ làm rách quần áo hoặc trầy xước da, còn xui xẻo hơn nếu bạn té vào bụi xương rồng gai lởm chởm, thì mất cả ngày để ngồi buồn mà gỡ từng cái gai, thú vị lắm ! Trước đây Sáu tui bị một cái gai xương rồng Agave đâm vào mu bàn tay trái, phải vào Emergency nhờ lấy ra, vì nó vô lút cán, cái gai dài khoảng 1 inch, may mà không chạm vào bất cứ cái gân nào.

Ðường càng dài, hơi thở càng gấp gáp, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, bắp thịt chân như bị chuột rút, đau tê tái, muốn nghỉ mà không dám, sợ bị ông bạn già bỏ lại đằng sau. Căng thẳng vì phải nhìn đường nếu không muốn té xe. Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay! Mãi đến khi bạn đồng đạp phán một câu mà Sáu tui vẫn chờ đợi nãy giờ :

“Take a break, you are a tough guy, man.”

Nghỉ một chút, mày cũng chì lắm đấy. Chì cái khỉ khô, gần chết mà làm bộ tỉnh thôi ! Tui thầm nghĩ thế mà không nói ra.

Tiếp tục “Trèo non, lội suối” thêm khoảng 2 dặm nữa qua những vùng cát khô cằn, “Mồ hôi thành biển mặn trên môi” (Nhạc Trần Thiện Thanh). Bánh xe lún sâu xuống đất, bắp chuối như tê đi không còn cảm giác, chỉ còn biết đứng lên mà đạp theo phản xạ tự nhiên vì không muốn xe dừng lại. Qua khỏi con suối cát đó, phải dừng lại để lấy hơi, nếu không chắc sẽ không mong gì gặp lại người vợ dấu yêu của “buổi sớm mai hôm ấy”. Buông xe đạp ra là té ngồi bệt xuống đất, “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt,” đầu óc quay cuồng vì không có đủ dưỡng khí trong phổi. Mất hồi lâu mới trở lại tạm bình thường, làm một hơi gần hết nửa chai nước Gatorade, tim mới trở lại nhịp đều đặn. Bố khỉ, cứ tưởng Mountain bike là “piece of cake,” nào ngờ “piece of gân gà” khó nuốt.

Thôi “Lỡ cỡi lưng xe đạp rồi (Không phải lưng cọp), không thể xuống xe, bỏ xe giữa đường được”. Ðã đạp xe đi là phải đạp xe về. Ðành vậy ! Sau khi feeling better, giờ phải theo con đường mòn Sáu tôi gọi là “Ðường mòn Hồ Chí Minh” mà trở về điểm xuất phát. Lịch sử được lặp lại một lần nữa, đỡ chăng là đường về có một đoạn dài xuống dốc. Ðổ dốc cũng không kém phần gay go vì xe lao nhanh như tên bắn, nếu bánh xe cán phải một hòn đá chỉ cần bằng quả trứng gà là ta có thể “Lăng ba vi bộ” bay ra khỏi xe, người đi đằng người, xe đi đằng xe, đáp trúng một bụi cactus, về nhà vợ nhận không ra. Cặp thắng phải làm việc tối đa, đôi tay phải “Nạng nách có chình độ” (Lạng lách có trình độ) theo kiểu phát ngôn của các Cán Ngố vào miền Nam năm “Bẩy Nhăm.”

Sau hơn 2 tiếng Mountain bike, thấm đòn và bèo nhèo như cái mền rách, được ngồi vào xe ô tô với máy lạnh mở Maximum, có tài xế lái, thật sung sướng cho cái thân còm này. May là về nhà vợ không phải đấm bóp hay massage gì cả, nếu không nàng lại âu yếm “Véo tai tôi” một lần nữa thì bỏ bu. Nhưng kìa, nàng đang nhẹ gót ngọc đến bên, dịu dàng và âu yếm hỏi :

"Còn sức làm không ?”

“Làm gì ?”

Tôi hỏi, đầu óc liên tưởng đến chuyện kia kia, ấy ấy, thì đến Năm Cam cũng chịu chứ đừng nói Sáu Cam tui.

“Rửa chén chứ làm gì.”

Nàng nhẹ nhàng buông lời. Ôi... thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu khó lóng phèn mà xài.

Lâm Tới