PDA

View Full Version : Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên



Longhai
12-05-2013, 07:20 AM
Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên


MX Phạm Văn Tiền


Khóa 20 Võ bị Quốc Gia Ðà Lạt ra trường ngày 20-11-1965. Tình nguyện và được tuyển chọn về Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến 25 tân Thiếu úy. Sau khi thụ huấn 6 tuần lễ khóa 23 Rừng núi Sình Lầy tại Trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ, trình diện Bộ Tư Lệnh Lữ Ðoàn TQLC và được Trung tá Bùi Thế Lân, Tham mưu trưởng phân phối đều cho các Tiểu đoàn tác chiến.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1375090010.jpg

Về Đơn Vị mới

Anh em chúng tôi gồm 5 người Tiền, Minh, Liêm, Kiệt, Chính về Tiểu Ðoàn 2, hậu cứ gần chợ Tam Hà, Thủ Ðức. Ðơn vị vừa mới trở về nghỉ dưỡng quân sau cuộc hành quân dài 3 tháng, tăng phái cho Quân đoàn II giải vây áp lực địch tại Ðức Cơ. Thiếu úy Nguyễn Văn Diễn trưởng ban I kiêm Chỉ huy hậu cứ, tiếp chúng tôi và đệ trình danh sách theo thứ tự tuổi tác về các Ðại đội tác chiến. Nguyễn quang Minh, Hoàng như Liêm, tuổi lớn nhất về Ðại đội 1, Tr/úy Trần Kim Hoàng Đại đội trưởng; Nguyễn Tuấn Kiệt về Đại đội 2, Ðại úy Nguyễn văn Hay ÐÐT Kiêm Tiểu đoàn phó, tôi về ÐÐ3 với Tr/úy Nguyễn Ngọc Ðiệp Đại đội trưởng, còn Nguyễn Quốc Chính nhỏ nhất về ÐÐ4, Tr/uý Nguyễn Xuân Phúc Đại đội trưởng. Danh sách đề nghị được duyệt qua văn phòng Tiểu đòan phó trước khi được quyết định bởi Tiểu đoàn trưởng. Tôi được Ð/u TÐP (Biệt danh Hay chùa) giữ lại ÐÐ2 của ông ta do thật giản dị là Ðại đội ông ta đang có Thiếu úy Võ Tấn Tài vừa mới mãn khóa học Basic School từ Hoa Kỳ trở về, cần tôi nữa là “Tiền-Tài” đủ bộ, sẽ làm ăn khấm khá. Sau nầy anh em thường gọi đùa tôi là đệ tử “Hay Chùa”, Tr/U Trần Văn Thuật, Thiếu úy Vũ Ðoàn Dzoan, tôi, Tài hình thành được một “Group” có tên là “Băng Hay Chùa” vì cùng chung một Đại đội. Thiếu tá Lê Hằng Minh, Tiểu đoàn trưởng cũng vừa đảm trách đơn vị chỉ vài tháng, sau khóa học A.W.S. lần thứ 2 tại Hoa Kỳ. Tôi, một Thiếu úy “sữa” tròn 21 tuổi mới ra trường, còn bỡ ngỡ lạ lùng như chim non vừa rời tổ mẹ chẳng biết nói gì hơn ngoài việc ấp a, ấp úng trước hàng quân, một Trung đội 32 người toàn là những chiến sĩ già dặn đầy kinh nghiệm chiến trường. Mặt tái xanh, tim đập mạnh, vụng về bắt tay từng người, bằng tất cả những cố gắng tôi mới thốt được nên lời : “Ðược thượng cấp chỉ định về Chỉ huy các Anh, tôi rất hãnh diện, nguyện cùng nhau sát cánh để hoàn thành được trách nhiệm mà thượng cấp giao phó.”

Công việc hàng ngày lúc nầy là có mặt đều đặn tại văn phòng Đại đội, điểm danh và làm quen với các anh em binh sĩ. Kiểm tra lại quân trang vũ khí, trang bị thêm đạn dược để sẵn sàng cho cuộc hành quân kế tiếp. Ban đêm thay phiên nhau đi phép, còn ban ngày thì phải thường xuyên có mặt ngày 2 bữa tại cơm nhà bàn. Ðây là dịp để các Sĩ quan trong Tiểu đoàn làm quen với nhau, mà cũng là hình thức kiểm soát rất tế nhị của vị Tiểu đoàn trưởng. Ở tuổi đời trên dưới 30 nhưng trông ông có vẽ đạo mạo, chững chạc, mực thước của một cấp Chỉ huy, chứ không ồn ào hấp tấp, vui chơi vội vã như bạn tôi. Bên cạnh những tài hoa văn nghệ, với những ngón đờn “Guitar” tuyệt diệu, ông còn là một người con hiếu thảo, một cấp Chỉ huy tài ba, gan dạ trên chiến trường. Là Sĩ quan độc thân ông sống hết mình với thuộc cấp, xuất hiện rất đều đặn ở trại gia binh để theo sát đời sống khó khăn của binh sĩ, đến không ai hay và ra về không ai biết. Với bộ ria mép được tỉa gọn gàng, bình dân cùng chiếc “Radio” ấp chiến lược mỗi lần lên xe Jeep đi đâu đó, mãi mãi là hình ảnh thân thương quen thuộc đối với mỗi thuộc cấp trong Tiểu đoàn. Chỉ vài tuần lễ sau đó, Tiểu đoàn có lệnh hành quân thay thế một đơn vị Nhảy Dù ở vùng Tân Thuận Ðông, Long Kiển trong nhiệm vụ hành quân bảo vệ vòng đai phòng thủ Sàigòn. Thiếu úy Nguyễn Quang Minh đã bị tử thương trong cuộc chạm súng với một Đại đội địch tại xóm Bánh Tét trong lúc còn đang tập sự chức vụ Trung đội trưởng (OJT). Một viên đạn địch cũng đã chợt qua đỉnh đầu vị Tiểu đoàn trưởng trong lúc ông ta đang Chỉ huy điều động đơn vị, để lại một lỗ hỏng khá lớn trên chiếc mũ sắt của ông.

Với địa thế hiểm trở, nhiều kênh rạch chằng chịt và bị ta bao vây tứ bề, địch chỉ còn cách là cố tử thủ, chống trả mãnh liệt lại cuộc tấn công bất ngờ của ta. Còn ta cũng chẳng thể nào tiến chiến mục tiêu dễ dàng ở một vùng đầy kênh nước như vậy. Ðược yểm trợ hữu hiệu bởi các Giang đoàn Hải quân và phi pháo, địch bị thiệt hại khá nặng nề, nằm chờ đêm tối để chém vè tẩu-thoát. Trung đội tiền đồn của tôi đã diệt gọn một đám rút lui của địch khi chúng di chuyển bằng ghe vào tuyến. Lục soát mục tiêu và kiểm soát trận địa vào sáng ngày hôm sau, địch đã để lại nhiều xác và vũ khí. Tiểu đoàn 2 TQLC đã thắng lớn trong trận nầy, bù lại ta có gần hơn chục mạng bị thương vong. Chiếc nón sắt đầy kỷ niệm của vị Tiểu đoàn trường đã được ông ta giữ mãi trong văn phòng Tiểu đoàn cho đến lúc sau nầy. Lệnh bắt buộc tất cả các Sĩ quan phải đội mũ sắt trong lúc hành quân cũng bắt đầu từ đây. Ðám tang của cố Thiếu úy Nguyễn Quang Minh đã được tổ chức theo đúng “Lễ nghi quân cách” tại Nghĩa trang quân đội Gò Vấp. Anh không được vinh thăng cố Tr/úy mà chỉ được ân thưởng ADBT ngôi sao vàng. Đây là một quyết định kỳ lạ làm đau lòng nhiều người tham dự lễ tang. Chính tay vị tư lệnh Lữ đoàn gắn chiếc Huy chương nầy lên quan tài Anh trước khi hạ huyệt. Hình ảnh vợ Minh đang mang thai trong bộ tang phục màu trắng cùng lời đáp từ của ông cụ thân sinh Anh đã làm nhiều người rơi lệ. Trong phần cuối bài điếu văn ông đã nói : “Sự ra đi của Minh là một mất mát lớn lao với gia đình chúng tôi, nhưng sự mất mát ấy không đáng kể nếu so với đại cuộc, vì Tổ quốc đã mất đi một Chiến sĩ trẻ đầy lòng nhiệt huyết hết lòng phục vụ quê hương”

Trung tuần tháng 3 năm 1966, Tiểu đoàn lại có mặt tại chiến trường Bồng Sơn, Tam Quan cùng với Chiến đoàn “A” TQLC. Lần nầy được tăng phái cho Sư đoàn 22 Bộ binh trong một chiến địch hành quân hỗn hợp. Nhiều Sư đoàn địch trong số có Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt đã có mặt tại đây trong nhiều tháng liền với ý định tiến chiến quận lỵ Bồng Sơn hầu chận yết hầu trên đoạn đường tiếp tế từ Qui Nhơn ra Quảng Ngãi. Mục tiêu hành quân lần nầy là các vùng An Quý, Cự Tài, Trường Phước nằm về phía Tây QL1 khoảng 7-8 km đường chim bay. Tiểu đoàn tấn công với đội hình 2 Đại đội hàng ngang. Vượt tuyến xuất phát từ tờ mờ sáng, di chuyển qua những dãy rừng dừa cao rậm rạp, khoảng 9 giờ 30 sáng cùng ngày khi gần đến từ mức xung phong thì đơn vị bắt đầu chạm phải toán tiền đồn của địch. Trung đội 4 của tôi có 2 binh sĩ bị thương. Lệnh Ðại đội cho dừng lại để cũng cố lại đội hình và tìm cách thanh toán địch. Trung đội 2 của Th/úy Tài bên phải đã phát hiện địch từ những ngọn dừa cao trước mặt, xa chừng 200m. Tổ đại liên 30 do Hạ sĩ Nguyễn Nữa xạ thủ được điều động từ Trung đội vũ khí năng phiá sau tới, hạ gục 2 tên tại chỗ cùng 2 khẩu CKC có ống nhắm chính xác.Từ xã An Quý trước mặt, địch bắt đầu khai hỏa mãnh liệt vào đoàn quân đang di chuyển của ta, phi cơ bao vùng cũng cho biết là địch rất đông đang trú ẩn nằm chờ ở các hầm hố kiên cố ! ÐÐ2 chúng tôi đã bám được vào con suối cạn nằm chơ vơ giữa đồng trống, ta và địch chỉ cách nhau khoảng ba bốn trăm mét qua một khoảng ruộng lúa mênh mông. Ta bị bất lợi ở thế tấn công còn địch thì ưu điểm hơn về mặt phòng thủ. Ðó là lúc khoảng 12 giờ trưa cùng ngày. Pháo binh cơ hữu TQLC chưa đặt xong vị trí ở đồi 10, và vì vậy hỏa lực yểm trợ cho ta rất hạn chế ! Nằm chịu trận ở địa thế thấp đã là mục tiêu tác xạ tốt nhất cho địch. Số binh sĩ thương vong mỗi lúc một nhiều hơn, riêng Trung đội tôi thì cũng mất gần 10 mạng từ sáng tới giờ. Lệnh tấn công chiếm mục tiêu bất cứ giá nào từ vị Tiểu đoàn trưởng là động cơ duy nhất hối thúc chúng tôi. Tôi bắt đầu đứng dậy hô xung phong, nhìn quanh các Tiểu đội không ai nhúc nhích. Các anh hãy theo tôi “Xung phong, xung phong!” phóng qua khỏi mép suối bò lên qua phía bên kia, Hạ sĩ Nguyễn Văn On, Binh I Nguyễn Trung đã bị gục tại chỗ khi cố theo sát tôi phía sau. Hỏa lực yểm trợ chỉ nhờ mấy khẩu súng cối 81 ly từ Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Cuối cùng rồi Trung đội còn lại của tôi không đầy 20 chục mạng cũng dàn được hàng ngang trên các bờ đê thấp. Ở cạnh trái và phải còn các Trung đội 1 của Th/u Vũ Ðoàn Dzoan và Trung đội 2 của Th/u Võ tấn Tài. Tiếp tục hô và chạy về phía trước, vừa tác xạ vừa hò hét : “Xung phong ! Xung phong !” được ngụy trang liên tục nhờ các quả khói màu. Các khẩu M79 do Hạ sĩ 1 Nhành và HS Nghêu tỏ ra rất công hiệu khi tiến gần sát mục tiêu. Mọi chuyện tải thương, tiếp đạn đều do Trung sĩ 1 Nguyễn Văn Ðợi đảm trách, một Trung đội phó gan dạ, nhanh nhẹn và sốt sắng đã giúp đỡ tôi trong mọi tình huống ngặt nghèo. Bám sát được vị trí giao thông hào địch đầu tiên vào lúc 6 giờ chiều, một vài tên vừa mới chết còn máu tươi lênh láng bên khẩu thượng liên Tiệp Khắc mà chân vẫn còn xích chặt ở mấy gốc dừa. Lục soát và bung rộng mục tiêu, Đại đội tìm thấy thêm nhiều xác chết và thu hơn 20 vũ khí đủ loại. Ở các cánh quân khác của Tiểu đoàn số thương vong cũng không ít ỏi gì so với Ðại đội tôi. Trung úy Nguyễn Ngọc Ðiệp ÐÐT/ÐÐ3 bị tử thương, Thiếu úy Hoàng Như Liêm thuộc Đại đội 1 đã bị bắn gãy nát giò khi dũng mãnh hiên ngang điều động Trung đội mình vào mục tiêu. Lần đầu tiên TÐ2 TQLC có số thương vong cao nhất trong một trận đánh, khoảng 40 người chết cùng 60 người khác bị thương. Nhưng bù lại, đơn vị đã dành được chiến thắng, một chiến thắng nhiều “Vành khăn sô” nhất của Tiểu đoàn.

Ðầu tháng 4 năm 1966 trong một cuộc gắn Huy chương và thăng cấp tại hậu cứ Tiểu đoàn. Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh TQLC đề nghị là Tiểu đoàn 2 nên có một biệt danh nào khác như Tiểu đoàn 42 Biệt động quân “Cọp Ba đầu rằn” chẳng hạn. Và cái tên “Trâu Ðiên” đã ra đời trong lúc nầy vì những chiến tích trước đây tại Bồng Sơn, Tam Quan, được kẻ thù coi là “Đánh giặc không sợ chết như con bà phước và húc như trâu khùng”. Chuẩn úy Nguyễn Văn Cầu, Trưởng ban 5 đã được lệnh thực hiện ngay huy hiệu nầy với tài họa sĩ của anh. Các tên Quái Ðiểu, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng, Mảnh Hổ, Ó Biển cũng được lần lượt chào đời.



MX Phạm Văn Tiền