PDA

View Full Version : Viết về một đơn vị cũ



Longhai
12-04-2013, 10:04 PM
Viết về một đơn vị cũ


Trần Hoài Thư


Đêm nay, tôi nhận một cú điện thoại thật bất ngờ từ một người tôi từng nghe tên mà chưa một lần thấy mặt. Anh Hồ văn Hòa, một người cựu Đại đội trưởng tiền nhiệm của Đại đội 405 Thám kích Sư đoàn 22/BB, đơn vị mà tôi đã có mặt suốt hơn 4 năm. Chúng tôi đã nói với nhau thật nhiều điều. Từng người và từng kỷ niệm, anh Hòa nhắc lại, 35 năm mà như thể hôm qua. Về một Y Đao như một con sóc. Nó nhanh lẹ không thể tưởng. Người nó lùn, khi mang ba lô 17 ngày lương thực, không thấy nó, chỉ thấy cái ba lô. Còn Hạ sĩ Nùng Lương văn Tướng, ông ta nói tiếng Việt vẫn còn lắp bắp, mặt lúc nào cũng lầm lì. Ông ta còn có biệt danh là ông Tướng Giải Phóng. Toán tam tam chế của ông bị phác giác. Lính Bắc hỏi : Ai đấy ? Ông Tướng lính quính trả lời : Biệt kích giải phóng. Trời ơi, Việt Cộng làm gì có Biệt kích. Còn Trung sĩ Tám, Trung sĩ Khoái, Trung sĩ Đặng, Hạ sĩ Dự, Hạ sĩ Lực, còn Chuẩn úy Bùi Toàn Hảo, Chuẩn úy Âu Hoàng Minh, Chuẩn úy Phan Thái Gia, Chuẩn úy Nguyễn Thái Lâm... Anh kể như thuộc lòng. Đó là điều hiếm hoi cho một người đã trải qua rất nhiều đơn vị. Nó chứng tỏ Đại đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào tâm trí của một người lính cũ. Nó chứng tỏ, anh đã có một nơi để tự hào trong đời binh nghiệp của anh.


***


Trong đêm xứ người, nói gì về những người muôn năm cũ. Mỗi người như rưng rưng để nhớ về những đồng đội cũ của mình. Tôi hỏi anh về những gì anh biết về Đại đội 405 Thám kích. Bộ quân sử không nói về 405. Quân đội miền Nam cũng chẳng bao giờ nhắc đến một 405. Nó vô danh. Nó cô đơn không tiền pháo hậu xung, không phi pháo yểm trợ tối đa như những lực lượng Tổng trừ bị. Nó là những tổ 3 người, những toán 4 người, mang trên vai những ba lô như khối đá tảng, mười mấy ngày lương khô và xâm nhập trong lòng mật khu. Thế giới của nó là những cánh rừng thâm u, những ngôi làng sâu trong rừng, những con đường mòn xâm nhập của địch. Nó không cần ai biết. Nó buồn như thế đó. Lạc loài như thế đó. Nó lầm lì như thế đó. Nhưng tại sao, anh và tôi lại phải giữ gìn như giữ gìn những gì trân quí nhất ? Anh Hòa nhắc lại Hạ sĩ Y Brep và Hạ sĩ Ba. Địch trồi lên đánh cận chiến. Thằng Y Brep quạt Thopmson bảo vệ anh, thằng Ba xô anh xuống hố. Và kết quả, Lê Lai cứu chúa. Hạ sĩ Ba chết và Y Brep bị mù một con mắt. Tôi lắng nghe tiếng anh nghẹn lại. Vâng, tôi cũng vậy. Anh nói rằng, những người lính 405 anh hùng quá, dũng cảm quá, anh chưa bao giờ thấy đơn vị nào mà tất cả đều cùng một lượt xung phong lên đồi cỏ tranh, đứng thẳng mà tiến lên. Anh chưa bao giờ thấy một Đại đội lại đánh tan tành một Tiểu đoàn... Vâng, anh kể lại thời của anh từ 1963 đến 1964 và tôi kể lại thời của tôi 1967 đến 1971. Anh làm tôi nhớ lại Hạ sĩ Đông mang máy truyền tin. Đông cũng cõng tôi mà chạy dưới bao lằn đạn. Và ông Y Suk đã cứu tôi thế nào trên đỉnh Kỳ Sơn. Tôi cũng muốn nói về cái uy danh của đơn vị, khiến lúc đơn vị bị vây khổn, ngỡ chừng như tuyệt vọng, nhưng địch vẫn không dám ùa ra cận chiến...


***

Đêm nay, quê người và hơn 30 năm xa cách cho hai cánh diều hâu bỏ đàn bỏ tổ. Những giọt lệ bỗng nhiên lại thêm một lần chảy lạnh cả tâm hồn. Người sống nhớ về người đã chết. Người may mắn nhớ về người không may mắn. Nguồn cội từ một mái nhà được phanh ra, để cùng nhau tự hào và cũng để cùng nhau mà khóc thầm. Những con người, không bao giờ nhìn lên, mà chỉ nhìn xuống, cam phận. Có ai còn nghĩ đến họ. Nghĩ đến một người như Hạ sĩ Ba chịu hứng đạn thù để cứu một Đại đội trưởng Hồ văn Hòa, để anh còn sống, để anh được cơ hội nhận 2 lần thăng cấp tại mặt trận chỉ trong vòng 2 tháng - từ một ông Tướng khó nhất là tướng Đỗ Cao Trí - để trở thành một người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 35/BĐQ trẻ nhất của QLVNCH - 25 tuổi - Đó là lời thú nhận thành thật nhất, phát ra từ một trái tim của một ông Sĩ quan từng mang danh hiệu Tử Thần : "Thư à, lon mình không phải do tướng Đỗ Cao Trí gắn mà là do Hạ sĩ Y Brep, Hạ sĩ Ba gắn..."


***

Cám ơn anh Hòa đã nhắc lại thời kỳ đầu tiên của một Đại đội. Khi tôi hỏi anh một câu mà tôi nghĩ là quá thừa : Anh nghĩ thế nào về Đại đội mình ? Bên đầu dây xa, giọng anh ấy trở nên phấn khích : Đó là một đơn vị chỉ biết chiến thắng. Anh kể lại những địa danh rừng núi. Những mật khu, đặc khu. Những đồi tranh và những trận đánh ác liệt. Anh lại kể lần tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Linh Quang Viên, đáp xuống ngọn đồi giữa ầm ầm tiếng pháo và la liệt xác phe bên kia. Tôi cũng kể lại những nồi cơm mà Bắc quân bỏ chạy còn nấu lở dở, khi chúng tôi đột kích mật khu. Chúng tôi cùng nhau cười ha hả. Anh lại nhắc đến công trạng của Thiếu úy Đặng Đức Thành, người khai sinh ra đơn vị Biệt kích Sư đoàn, tiền thân của Thám kích, với những chiến thắng rúng động Vùng II, để Bộ Tổng tham mưu phải thành lập thêm 6 Đại đội Thám kích biệt lập.

Anh còn nói nhiều nữa. Và xin anh tha lỗi nếu tôi phải ghi ra điều bí ẩn và có lẽ là một chuyện có một không hai của QLVNCH. Chính cái cái khăn quàng đen mà Tiểu đoàn 35 Biệt động quân mang như là một biểu tượng, chính là biểu tượng của Đại đội 405 Thám kích Sư đoàn 22/BB : "Thư à, mình phải kể cho Thư nghe, ngày về nhận Tiểu đoàn 35/BĐQ, mình đã mang theo chiếc khăn quàng cổ thám kích cho đơn vị mới"


***

Từ 405, anh Hòa đã mang chiếc khăn quàng cổ màu đen về 35/BĐQ. Từ 405, tôi đã mang 9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả. Con số quá đủ cho một tấm lòng đối với bạn bè đồng đội của mình. Nhưng bây giờ, tôi lại ngồi trước máy. Những lời của anh Hòa chẳng khác cơn bão xoáy lốc vào tâm não. Một đằng, tôi cảm thấy hãnh diện, bởi vì tôi, một người viết văn, với đôi mắt cận 7 độ, gầy như que củi, có lẽ bị chê bởi bất cứ một đơn vị tác chiến nào, lại dự phần tại một đơn vị đã từng tạo nên những chiến tích rúng động. Không phải để làm phóng sự chiến trường mà để chiến đấu thật sự. Nhưng mặt khác, tôi lại càng cảm thấy có lỗi, thật sự có lỗi đối với những người đồng đội của mình.

Bởi vì tôi đã vô tình quên những người Hạ sĩ nhất Y Brep. Cũng như đã quên những huyền thoại về một ông "Tướng Giải Phóng", hay những người lính của Trung đội tôi như Y Đao, Nay Lat, Y Suk, như Tròn, Hường, Nai, Lợi, Ký, Mễ. Tôi không bao giờ thắc mắc về cuộc đời của họ. Tôi chỉ bận tâm đến bản thân tôi, tìm mọi cơ hội để được thăng quan tiến chức, hay để được thoát khỏi địa ngục trong lúc họ vẫn tiếp tục cùng chiếc Poncho, hay lon cơm gạo sấy, coi đơn vị là mái nhà vĩnh viễn của mình. Bây giờ họ là những người muôn năm cũ. Còn tôi, vẫn quanh quẩn với hào quang và những Huy chương của một thời. Những cái Huy chương bạc, đồng, chiến thương bội tinh mà tôi đã không dám khai trên những trang kiểm thảo trong trại tù.

Phải, tôi biết có một người cựu Trung sĩ già vừa chết hôm qua ở quê nhà, lời trăn trối cuối cùng là trên ngực áo quan còn gắn thêm những tấm Huy chương của một thời lính trận mà ông đã giữ gìn qua bao mùa tang thương của lịch sử...



Trần Hoài Thư