PDA

View Full Version : Tu và Tù



Longhai
11-29-2013, 10:23 PM
Tu và Tù


Hoàng Hải Thủy


Tháng 11, 2013. Trên Internet tôi thấy một bài viết về Chuyện Tù, tôi trích bài viết đăng ở đây mời các bạn tôi ở tám phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca đọc đỡ buồn.

Bài trên Web. Tôi xin lỗi đã không ghi tên Tác giả và Tên Blog khi tôi save bài này.

Một hôm, một vị sư ở Tu viện của chúng tôi được thỉnh đi dạy Thiền ở trong một nhà tù gần Thị trấn Perth, nơi mà tình hình an ninh được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Một nhóm tù nhân đã trở nên quen biết và kính trọng Sư Thầy. Vào cuối một thời pháp thoại, một số người tù hỏi Sư Thầy về nếp sống hằng ngày trong một Tu viện Phật giáo.

Sư Thầy trả lời :

“Buổi sáng chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ. Đôi khi cũng lạnh lắm vì phòng chúng tôi không có máy sưởi.

Chúng tôi ăn mỗi ngày một bữa, tất cả thức ăn đều bỏ chung vào một bình bát. Vào buổi chiều và tối chúng tôi không ăn. Dĩ nhiên là chúng tôi không có chuyện sex hoặc rượu chè. Chúng tôi không có vô tuyến truyền hình, truyền thanh, hay âm nhạc. Chúng tôi không bao giờ xem phim, mà cũng không chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc nhiều, và dành thời gian tọa Thiền, theo dõi hơi thở. Chúng tôi ngủ trên sàn nhà.”

Những người tù tỏ ra ngạc nhiên về sự kham khổ của nếp sống tu hành. So sánh với Tu Viện, thì cuộc sống của những người tù trong nhà tù hết sức nghiêm nhặt này như là một khách sạn năm sao. Quả thật, một người tù đã quá thương cảm cuộc sống thanh bần của vị sư đồng môn của tôi đến độ quên khuấy là mình đang ở đâu, anh ta chợt nói :

“Sống trong Tu viện cực khổ quá. Hay thầy đến ở đây với chúng tôi đi !”

Mọi người trong phòng ai cũng bật cười. Tôi cũng bật cười khi nghe nhà Sư kể lại câu chuyện. Rồi tôi suy nghĩ :

Quả thật những điều kiện sống trong Tu viện của tôi kham khổ hơn cả cuộc sống của tù nhân trong những nhà tù khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên nhiều người tự nguyện vào Tu Viện sống và họ cảm thấy sống trong Tu Viện họ có hạnh phúc. Trong khi đó, nhiều người tù lại muốn thoát khỏi nhà giam kia, họ không cảm thấy hạnh phúc ở đó. Tại sao như thế ?

Bởi vì các tu sĩ muốn sống ở Tu viện, còn tù nhân thì không muốn ở tù. Sự khác nhau là ở chỗ đó.

Bất cứ nơi nào mà bạn không muốn ở thì dù cho có tiện nghi đến đâu chăng nữa, đối với bạn, nơi đó cũng là một nhà tù. Đây là ý nghĩa thật sự của tiếng “tù”. Nếu bạn đang làm một công việc mà bạn không thích thì bạn cũng đang ở tù. Bạn tù trong công việc bạn phải làm. Nếu bạn đang có một mối quan hệ mà bạn không mong muốn thì các bạn cũng đang ở tù. Nếu các bạn đang ở trong một thân thể ốm đau bệnh hoạn mà các bạn không muốn thì thân thể ấy cũng là một nhà tù đối với bạn. Nhà tù là bất cứ một hoàn cảnh nào bạn không muốn mà lại dính mắc vào.

Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi các nhà tù của cuộc đời ?

Dễ thôi. Hãy thay đổi quan niệm về hoàn cảnh mà bạn đang sống. Thậm chí là ở ngay trong nhà tù San Quentin, hay ở Tu Viện của chúng tôi. Nếu bạn thấy muốn sống ở đó thì nơi ấy không còn là một nhà tù đối với bạn nữa. Bằng cách thay đổi quan niệm về công việc, về mối quan hệ, về thân thể ốm đau, bằng cách chấp nhận hoàn cảnh thay vì không ưa muốn, thì nó không còn là một nhà tù nữa. Khi các bạn bằng lòng thì các bạn được tự do.

Tự do là bằng lòng với nơi chốn mình đang ở. Nhà Tù là nơi mình không muốn ở. Thế Giới Tự Do là thế giới mà người ta bằng lòng sinh sống.

Tự do thật sự là giải thoát khỏi dục vọng chứ không bao giờ là tự do thỏa mãn dục vọng.

Hết bài Tu và Tù.

CTHĐ : Không cần hỏi tôi biết chắc tác giả bài Tu và Tù là người chưa từng một lần bị ở Tù. Không ai có thể tự cho là mình hài lòng với cuộc sống trong tù. Tù thời Quốc Gia Việt Nam Cộng hoà đã dễ sợ, Tù thời Cộng Sản dễ sợ gấp trăm lần. Duyên Anh từng kể trong hồi ký của anh về Tù Đầy :

“Sáng kẻng đánh. Trở dậy, thấy trong ánh sáng lờ mờ quanh mình lố nhố những người và người, ở trần, sà lỏn, tóc bù sù, râu rậm rịt. Mình có cảm giác như mình đang ở trong địa ngục.”

Tất cả những người cư ngụ tại Sài Gòn phạm tội gọi là phản động, văn huê là tội chính trị, đều bị đưa vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn của Sở Công An Thành Phố Hồ chí Minh. Nhà Tù này nguyên là Đề Lao Gia Định xưa, bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn xây thêm 3 khu trong nhà tù này. Khu A - khu Đề Lao Gia Đinh cũ, phòng giam có trần, có một hàng chấn song, phòng tù mát, thoáng, người tù đỡ khổ - Khu B, Khu C1, Khu C2 mới xây, phòng giam mái tôn, không có trần, tường vây quanh kín mít, nóng như trong lò than. Phòng giam nếu có 20 người tù thì mỗi người tù được nằm một chiếu cá nhân. Khi tù bị bắt vào đông, phòng giam chứa đến 40 người tù. Muỗi ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu nhiều kinh khủng. Cầu tiêu ngay trong góc phòng. Đêm, chuột cống từ lỗ cầu tiêu chui lên, con nào con nấy bự như bắp chân, trụi lông, lở loét. Ống nước nghẹt. Nóng từ mái tôn đè xuống, nóng từ hơi người bốc lên, nải chuối xiêm còn xanh lúc vào phòng, chỉ sau một đêm là chín vàng.

Đó là những cái khổ về thân xác, chưa kể đến những nỗi khổ về tinh thần. Lo cho vợ con đói khổ, thân tù không biết ngày nào về. Năm 1977, trong những ngày tù đầu tiên của tôi, tôi làm bài thơ :

Đã buồn cho nó buồn luôn
Vào Tù xem mặt Tù Buồn ra sao.
Vào Tù mới rõ thấp cao
Buồn Tù chẳng có Buồn nào buồn hơn.
Vào Tù mới biết nguồn cơn
Buồn nào thì cũng chẳng hơn Buồn Tù.

Cảm giác Tù như cảm giác Thiền. Ai ở Tù thì biết Tù là thế nào. Tôi không muốn kể thêm về chuyện Tù Khổ, tôi mời quí vị đọc vài chuyện trong Tù của Nhà Văn An Khê. Có chuyện vui vui, có chuyện buồn thảm. Tôi kể những chuyện này để nhắc lại lời nói của tôi : “Không ai có thể tự làm mình thư thái, thảnh thơi, thoải mái trong Tù.”

An Khê Nguyễn Bính Thinh là người viết tiểu thuyết Phơi-ơ-tông nổi tiếng của làng báo Sài Gòn từ năm 1956 đến năm 1975. Phim Hai Chuyến Xe Hoa - Thanh Nga, Thành Được - làm theo một Tiểu thuyết của anh. Tôi không được quen thân với anh, tôi chỉ biết anh từng là Sĩ quan dự trận đánh ở An Khê những năm 1952, 1953. Ở trận này anh bị thương ở cánh tay trái. Viên đạn để lại trên cánh tay anh vết sẹo dài nhưng không làm anh gẫy tay. Giải ngũ, anh về Sài Gòn sống bằng việc viết truyện Phơi-ơ-tông cho các Nhật báo. Anh sống nghiêm túc. Sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 anh kẹt lại ở Sài Gòn. Khoảng năm 1980, anh và gia đình sang Pháp. Hồi Ký “Từ Khám Lớn tới Côn Đảo” được anh viết ở Pháp, Nhà Làng Văn Canada xuất bản năm 1993.

Năm 2000, tôi đọc “Từ Khám Lớn đến Côn Đảo,” tôi thán phục anh An Khê. Anh viết hồi ký lao tù này thật xuất sắc, giọng văn của anh trong hồi ký dí dỏm, có duyên, sắc, tả chân, linh động, thực tế, khác hẳn với văn anh trong tiểu thuyết. Đọc hồi ký lao tù của anh tôi mới biết anh tham gia tổ chức chống Pháp từ những năm 1940, anh từng nằm phơi rốn trong Khám Lớn Sài Gòn những năm xưa ấy ở đường Gia Long. Anh bị đưa ra Côn Đảo năm 1944, anh được chính phủ Trần Trọng Kim cho ông đại biểu chính phủ Trần Tấn Phát ra Côn Đảo tuyên cáo Việt Nam độc lập và cho những tù nhân chính trị bị giam ở Côn Đảo về nước. Trong số tù nhân trở về dịp này có các ông Phan Khắc Sửu, Võ Oanh, Đào Duy Phiên, và Lê Duẩn, Phạm Hùng. Số tù nhân chính trị Côn Đảo trở về Sài Gòn ngày ấy là 123 người.

Đầu năm 1946 quân Pháp trở lại Sài Gòn. Sureté - Công An Pháp coi những người tù Côn Đảo được về đất liền là tù vượt ngục. Họ đi bắt lại những người tù đó. Có người tù bỏ chạy bị bắn chết, có người tù bị bắt lại, bị đưa trở ra Côn Đảo, chết ở đảo. Người tù Côn Đảo Phan Khắc Sửu không bị Pháp bắt lại, ông sống an ninh, đàng hoàng ở Sài Gòn.

Anh Nguyễn Bính Thinh, dù là tù Côn Đảo, có án, vẫn gia nhập được Quân Đội Việt Nam. Năm 2005 trong một Hồi ký Nhà Văn Nguyễn Đạt Thịnh, kể chuyện năm xưa ông là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Khinh Quân, ông gặp Thiếu Tá Nguyễn Bính Thinh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Khinh Quân cùng dự trận đánh An Khê. Thiếu Tá Nguyễn Bính Thinh bị thương trong trận này. Khi viết truyện, ông lấy bút hiệu An Khê.

Mời quí vị đọc :

An Khê. Từ Khám Lớn đến Côn Đảo.Trang 77, 78.

Trong việc tù viết thư về nhà, mặc dầu cặp-rằng luôn nhắc anh em chớ có viết gì khác ngoài chuyện sức khỏe, xin thực phẩm, trong phòng tù có tôi là một tù nhân cũng có hai anh viết nơi cuối thư một lời nhắn chị vợ, khiến hai chị vợ bị mang họa.

Đây là trường hợp anh tù Lương Văn Có, một tay chơi ngoài đời, anh viết cho vợ anh trong thư :

“….Cái đồ chơi của tao, tao để đâu mày đừng động tới. Để tao ra khám tao xài..”

Thư gửi về nhà của anh Có bị khám đường chuyển sang Bót Catinat kiểm duyệt. Lính kín đến nhà bắt chị Có về bót điều tra. Chị bị đánh đến nỗi cả tháng sau mặt chị còn vết bầm tím. Chị có biết ất giáp gì đâu. Đến khi anh Có bị đưa sang Bót Catinat đối chất với chị vợ. Anh phải khai cái anh viết là “đồ chơi” ấy là khẩu súng lục anh chôn dưới gốc mít trong vườn nhà anh. Chị vợ được thả sau mấy tháng bầm dập.

Trương hợp thứ nhì tôi chứng kiến là anh tù tên Xê. Anh viết thư cho vợ anh ở Cầu Bông, Thị Nghè :

“Món đồ quí của anh em ráng giữ gìn, đừng để thằng khác xâm phạm. Anh sẽ về không lâu.”

Thế là chị vợ anh bị bắt, bị điều tra xem “Món đồ quí” đó là món đồ gì. Anh chồng có âm mưu vượt ngục hay sao mà cho vợ biết ngày anh về không lâu. Chị vợ nào có biết gì. Bị đánh đau quá chị kêu trời như bộng. Lính kín cho hai vợ chồng gặp nhau để chị vợ hết đường chối cãi.

Anh Xê không dè vì anh vô tình viết rỡn mà vợ anh mang hoạ. Anh la lên :

“Sao không hỏi tôi mà lại đánh vợ tôi như vậy ! Đồ chơi của tôi là hai cái ở ngực vợ tôi, một cái ở dưới bụng. Có dậy mà cũng không biết.”

Bị anh tù xài xể, bọn lính kín không giận mà tức cười. Thì ra anh chồng tù căn dặn vợ quá kỹ.


***

Hạng tù ông Cố là tù tử hình, loại tù này được trọng đãi. Họ muốn gì cũng được trừ việc đi dạo phố hay ngủ với đàn bà. Vì họ là những người chờ chết, chờ ngày lên máy chém nên nhà tù có lòng nhân đạo mà đối xử đặc biệt với họ chăng. Thưa rằng không phải như thế. Theo luật thời bấy giờ, khi thi hành bản án tử hình phải có sự chứng kiền của một phái đoàn gồm vị đại diện tòa án, một đại diện luật sư biện hộ, một vị đại diện tinh thần - thường là một linh mục vì bên Phật giáo không dự vào việc sát sanh - một vị nhân sĩ hay một thanh tra khám đường. Do vậy, Xếp Chánh Khám Lớn phải vỗ béo con thịt, làm sao cho người tù tử hình khi chịu án được khỏe mạnh.

Chẳng phải chỉ Xếp Khám phải chăm sóc, o bế ngừời tù tử hình mà đến cáx xếp gác khám, các thầy chú cũng phải chiều ý anh tù tử hình. Có người tù tử hình thích chơi dế đá. Thầy chú phải mua ngay một cặp dế than, dế lửa đem vô cho y. Tờ mờ sáng y la lối om sòm, bắt phải đưa cặp dế ra sân để dế quần sương, lấy hơi đất, lấy cỏ tươi cho dế ăn. Rủi dế nhẩy mất, anh tù bỏ ăn, xếp khám phải đến ngoài song sắt năn nỉ anh, bắt nhân viên đi tìm mua ngay cặp dế khác.

Mỗi sáng từ tử hình được ăn điểm tâm cà phe sưã, bánh mì bơ hay hủ tíu, mì, bánh bao, xiếu mại. muốn ăn gì, thầy chú phải lo đi mua đúng thứ y muốn. Xong điểm tâm thầy chú phải hỏi người tù tử hình muốn ăn món gì bữa trưa, bữa tối, như cơm sườn nướng, cơm tôm càng rim. Cơm chiên Dương Châu, cơm thịt heo quay, cơn xá xíu. Những món này được giao cho nhà thầu nấu cơm tù cung cấp. Tất cả chi phí do Nhà Nước trả.


***

Lần thứ hai tôi phải xuống khám còng chân vì tôi bị tê, bị xuội hai chân và cánh tay mặt. Lúc ấy khám 1 quá đông người, tôi được đưa sang nằm nơi khám 2, nhỏ hơn, tôi không bị còng chân nhờ lịnh của bác sĩ . Khi tôi vào, khám chỉ có một tù mi-nơ khoảng 18 tuổi, bị bịnh ho lao, gầy còm, ốm hen, coi bộ khó sống.

Bữa cơm trưa ngày thứ bẩy có thịt heo kho với nước muối. Mỗi người tù được hai miếng thịt heo như hai ngón tay. Gã tù mi-nơ nói với tôi :

“Em sắp chết. Xin anh cho em thêm chút cơm, chút thịt. Em ăn lần cuối để chết. Ở tù cực quá, anh ơi.”

Tôi cho hắn nửa phần cơm và trọn phần thịt của tôi. Ăn xong, hắn nằm ưỡn bụng tròn vo, thở ì ạch.

Đến khoảng chín giờ tối, người ta khiêng vào và quăng lên sập xi-măng một anh tù, nói là tướng cướp Bình Xuyên vừa từ Bót Catinat chuyển sang. Người anh tù này đầy máu. Anh nằm thiêm thiếp, đến khuya bỗng anh kêu rống lên một tiếng thảm thiết rồi dựng người lên, lộn đầu xuống dưới sạp mà chết. Một chân anh còn mắc trong còng, người anh gập cúp trên lối đi. Tôi kêu gọi Xếp Khám. Không ai tới. Xác người tù chết không được đưa ra ngoài. Tôi sợ nếu chờ đến sáng, xác anh tù sẽ cứng đơ, làm sao mang đi chôn. Phải đỡ anh lên, cho anh nằm trên sập ngay ngắn. Nhưng tôi bị tê bại, sức một mình làm không nổi. Tôi lay gã tù mi-nơ. Gã cũng chết rồi. Tôi đành một mình hì hục kéo, đẩy xác anh tù Bình Xuyên cho lên nằm trên sập.

Đêm hôm ấy một mình tôi nằm giữa hai xác chết trong khám hẹp nặng mùi tử khí, lòng sầu thảm khôn cùng.

Ngưng trích “Từ Khám Lớn đến Côn Đảo.”

“Tự do thật sự là giải thoát khỏi dục vọng chứ không bao giờ là tự do thoả mãn dục vọng” không liên can gì đến chuyện Ở Tù !

Trên Internet không có tấm ảnh nào của Nhà Văn An Khê Nguyễn Bính Thinh. Trên những Trang Tiểu Thuyết Việt không thấy Trang nào có bản Hồi Ký “Từ Khám Lớn đến Côn Đảo.”



Hoàng Hải Thủy