PDA

View Full Version : Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu



TAM73F
11-19-2013, 08:34 PM
Bà Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Lệ Xuân

Nguyễn Vy Khanh


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1384967808.PNG

Ở hải-ngoại, từ giữa thập niên 1980, từ sau cuốn hồi-ký của ông Đỗ Mậu, các hồi-ký về cái chết của Việt-Nam Cộng-Hòa, về cái chết của Đệ nhất cộng hòa và anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, về cuộc chiến chấm dứt ngày 30-4-1975 ở miền Nam, ... đua nhau xuất-bản, tái-bản. Sử liệu thì cũng có dù giả-chân đầy ra đó, nhưng không thiếu những lời tự biện hộ hoặc tự đề cao cá nhân và phe nhóm; toàn là lời chót lưỡi của những con người khi có quyền lực đã không làm gì hoặc đã nhúng tay vô chàm hay đồng lõa, nay đánh bóng lại cái sai lầm, cái đồng lõa một thời, và nếu có thủ phạm thì toàn là người đã chết không còn tự biện hộ hoặc phản pháo lại “đồng đội” được nữa! Và mỗi năm đến ngày 2 tháng 11, người ta lại tổ chức tưởng niệm người đã chết, chạy theo khí tiết người bị giết, đăng đàn diễn thuyết, ra sách, viết báo về những chuyện tưởng chưa bao giờ nghe nhưng thực ra đã nghe đâu đó rồi! Năm nay là đã 50 năm sau ngày đảo chánh 1-11-1963, công tội đã rõ, nhưng người ta vẫn chưa thỏa mãn, đặc-biệt người ta mong đợi cuốn Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu từ nhiều năm qua – mong đợi có thể vì tò mò và sẵn sàng “phản pháo, đính chính, chụp mũ” hơn là vì muốn biết Bà Ngô Đình Nhu nghĩ gì về những biến cố bi thảm đã xảy ra cho đất nước và cho riêng gia-đình bà và chồng bà.

Và cuối cùng, sau gần 47 năm im hơi lặng tiếng, bà viết xong tập hồi-ký ngày 22-8-2010 tại nhà riêng (Tịnh-Quang-Lâu) ở ngoại ô Rome nước Ý, do sự thôi thúc của cô gái út Lệ Quyên và con rể Olindo Borsoi (mà bà xem là do Chúa sắp đặt vì bà đã muốn giữ im lặng, tr. 190), và 6 tháng sau, ngày 24-4-2011, bà qua đời tại bệnh viện ở La-Mã, tên thánh Maria (bà trở lại đạo Công-giáo sau khi lập gia-đình), thọ 87 tuổi, sau 48 năm sống lưu vong. Hôm 2-11-2013 vừa qua tại nhà thờ giáo xứ Việt-Nam ở Paris, nhân lễ tưởng niệm 50 năm ngày qua đời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, thứ nam của ông bà Ngô Đình Nhu là ông Ngô Đình Quỳnh đã cho ra mắt quyển sách tiếng Pháp La République du Việt Nam et les Ngô-Đình ( Nền Cộng Hòa Việt Nam và Gia Đình Ngô-Đình) mà hơn một nửa là di-cảo hồi ký của mẹ ông. Ông đã cho biết lý do ra đời của quyển sách này như sau: “Cuốn sách được xuất bản hôm nay có một phần hồi ức của Mẹ tôi được ghi chép từ năm 1963. Đồng thời chúng tôi có ý muốn soi sáng một phần của lịch sử hãy còn mù mờ. Một số sai lầm về hình ảnh của hai anh em họ Ngô mà cả bên Tây Phương lẫn đảng Cộng sản Việt Nam đã lưu truyền. Từ quyển sách này chúng tôi muốn đem lại cái nhìn đúng đắn hơn, đồng thời có phần đóng góp của Mẹ tôi với nhãn quan có phần huyền bí của Bà. Thế thôi!». Chúng tôi được một tín hữu cùng giáo xứ với bà Nhu ở Paris gởi cho một bản; trong bài này chúng tôi chỉ ghi lại những điểm đặc-biệt hoặc ít được biết, hoặc theo cách nhìn và cắt nghĩa của bà Nhu, còn phần thần học tâm linh, sẽ để một dịp khác hoặc người khác trong ngành bàn đến.

Tập sách 246 trang nhưng phần hồi-ký do Bà Ngô Đình Nhu viết với tựa đề “Le Caillou blanc” (Viên Sỏi Trắng) được hơn 130 trang (tr. 109-241) kể cả phụ lục 3 bức thư viết tay chưa từng công bố của ông Ngô Đình Nhu viết gởi cho đồng môn Ecole des Chartes ở Paris (20-4-1956, Tết 1963 và 2-9-1963) nay vẫn được giữ ở Văn khố nhà trường này. Phần đầu do hai người con Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ-Quyên (tử nạn giao thông, 16-4-2012) và bà Jacqueline Willemetz dẫn nhập với tài liệu gia-đình về lịch-sử Việt-Nam từ sau ngày thành lập nền đệ nhất cộng hòa, ngày 26-10-1956, đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 và sau đó.

Bà Ngô-Đình Nhu nhủ danh Trần Lệ Xuân, sinh năm 1924 tại Hà-Nội, thân phụ là Trần Văn Chương, con Tổng đốc Nam Định, mẹ là Thân Thị Nam-Trân - với bên ngoại, bà Nhu là cháu ngoại vua Đồng Khánh và là cháu họ vua Bảo Đại. Bà Nhu gọi ông Bùi Quang Chiêu là “ông bác” (anh cả của bà nội) bị Hồ Chí Minh ra lệnh giết một cách tàn ác giết hết cả nhà kể cả 6 người con mà đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi; cả Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cũng là anh em họ với thân phụ bà. Bà học Albert Sarrault, thi đậu tú tài Pháp. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu ở Hà-Nội ngày 30-4-1943, sau đó ông bà về sống ở Huế.

Không biết khi đặt tựa Viên Sỏi Trắng/Le Caillou blanc cho cuốn hồi-ký, bà muốn nói thân phận bà bị lịch-sử đối xử như vậy mà vẫn trắng trong, nhỏ bé, hay muốn tả nỗi lòng trơ như đá, bất nhẫn trước thời cuộc? Thật vậy, trong hơn nửa tập hồi-ký, bà nói đến chuyện tâm linh, những chuyện cao xa hơn chuyện thế tục thường tình, về sự hiện hữu của Thượng Đế và của con người. Mở đầu hồi-ký, bà Nhu ghi lại lời sách Khải Huyền “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho man-na đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Apocalyse 2, 17). Và thêm lời Thánh Thư Luca : “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Luc 9, 48).

Bà bắt đầu hồi-ký ở chương 1, “Lý lẽ của định mệnh” như sau: “Vào cuối cuộc đời tôi, sau nửa thế kỷ im lặng, và vì ý nghĩa đơn thuần của nhiệm vụ, tôi ghi lại những gì cần phải được biết. Đó là sự giải thoát cho tất cả. Không phải để thỏa mãn tò mò nào đó, nhưng để trả lại những gì mà định mệnh đã đòi hỏi “kẻ nhỏ nhất” của Thiên Chúa, vào thời điểm của kẻ đó. Tôi bắt đầu cuốn ký ức này, nếu tôi có thể viết xong được, cốt để làm cho người khác hiểu được những đòi hỏi của một chuỗi dài đời-sống đã được định sẵn trước, nhận ra rằng cuộc sống không bao giờ có hành động trái với ý muốn của mình, mà trái lại, luôn luôn như là phải như vậy” (tr. 112).

Như vậy, bà xem thân phận bà như viên sỏi trắng “nhỏ bé” mà định mệnh đã đặt vào thời đó, nơi đó. Từ suy nghĩ về cuộc đời mình, bà khám phá ra được Thiên Chúa một cách bất chợt và khủng khiếp. Cái gì thuộc về Tạo Hóa sẽ trả lại cho Tạo Hóa để thực hiện đầy đủ và tột cùng chương trình của con người. Định mệnh, đó là cắt nghĩa đơn giản của bà lúc này là lúc bà đã bắt đầu cảm nhận sống những ngày tháng cuối đời, và trước nay bà sống một cuộc sống mà bà không bao giờ nghi ngờ gì.

Bà ra đời do một bác sĩ người Pháp đỡ đẻ thay vì là một cô mụ người Việt, ông ta nắm 2 chân trẻ sơ sinh và đánh vào mông thật mạnh cho đến khi đừa bé khóc ré lên phản đối. Đó là khung cách bạo lực mà bà đến với cuộc đời này, đã vậy mẹ bà lại thất vọng vì bà là cô con gái thứ hai. Sau bà là một em trai sẽ khiến mẹ bà càng hất hủi bà - khi cha mẹ bà vào Sài-Gòn, đã để một mình bà lại cho bà nội nhưng sinh hoạt chung với người làm, khiến bà bị bệnh nặng. Được về sống lại với gia-đình, bà lớn lên trong tự tin một cách tự nhiên, dễ chấp nhận nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với thực tại, ở trường cũng như trong gia-đình, nhưng bà không được yêu thương như chị và em trai, trở thành đứa trẻ không thể động đến (Intouchable). Khiến về sau bà biết lúc cần xuất hiện và lánh mặt khi không còn cần thiết, cho đến khi bà phải đối đầu với Tây phương, thực-dân và đế quốc, bà vốn dè dặt một cách đặc-biệt. Đối đầu đòi hỏi sự tôn trọng tha nhân, nhưng ở đời không phải lúc nào cũng vậy, bà thường rút lui, không muốn tấn công ra mặt, cuối cùng bà chịu sự bất cảm thông hoặc ác ý của kẻ kia.

Năm 17 tuổi, bà gặp ông quản thủ thư viện Ngô Đình Nhu, lần đầu khi đến thăm gia-đình bà vốn là chỗ thân giao từ kinh thành Huế. Hai người mến nhau từ việc ông Nhu đến mà cô Trần Lệ Xuân chưa chưng xong hoa vừa đi mua về theo lệnh mẹ; cô gái đẩy ông Nhu vào phòng đợi nhỏ và dặn chỉ được đi ra khi cô xong chậu hoa. Sau đó thì chàng tặng sách, nàng hồi thư – được chàng tặng cho danh hiệu “Bà De Sévigné” vì thư nào cũng dài hơi và linh hoạt. Chính ông Ngô Đình Diệm quyền huynh thế phụ (đã mất) đến xin hỏi cưới cô Xuân cho em mình. Sau ngày cưới, cô Xuân hài lòng thoát gia-đình, đưa theo bà vú, về nhà chồng ở Huế. Vai trò bà đã thay đổi, hết bị rẻ rúng như ở với cha mẹ, nhất là từ khi anh cả Ngô Đình Khôi và con trai nối dòng bị Việt-minh giết, con cái bà sẽ nối dõi tông đường. Bà vú xin thôi việc sau đó vì cảm thấy không thiết yếu trong khung cảnh sống mới, điều mà bà Nhu sau này tiếc nuối, nhất là thời gian bị Việt-minh bắt lên rừng và sống ở Đà-Lạt.

Bà cảm nhận rằng rừng núi Nam-Giao, một nơi thiêng liêng độc nhất ở Việt-Nam, tượng trưng cho sự đợi chờ Thần Thánh Vạn Năng không tên, của cả một dân-tộc, trãi qua nhiều tôn giáo. Bà đã du lịch nhiều nơi nhưng chỉ có Nam Giao là đã cho bà ấn tượng mãnh liệt rằng thần linh đã chúc phúc cho dân-tộc Việt. Bà không thể lường trước cuộc sống đầy bất trắc với chồng và gia-đình chồng, nhiều lúc bà trách chồng “dối” bà (không tiết lộ gì) khi làm chính-trị, bí mật. Ban đầu ông Nhu thường sang nhà các người anh để trò chuyện, đến bữa ăn ông bà sang nhà từ đường phía bên kia kinh An Cựu để dùng bữa. Một năm làm quen với Huế và đại gia-đình nhà chồng, thì bất hạnh xảy đến cho người anh cả Ngô Đình Khôi và con trai ngày 22-8-1944. Sau đó chồng bà biến mất, sợ rơi vào tình huống của ông anh cả và ông Ngô Đình Diệm, người anh thứ ba, cũng đã bị Việt-minh bắt trên xe lửa từ Sài-Gòn về Huế và đưa ra nhốt ở miền thượng-du Bắc Việt từ tháng 9-1945 đến 12-1946. Ông Diệm được thả ở Hà-Nội nhờ chồng bà đã gặp ông Hồ, vả lại họ Hồ bí không trả lời ông Diệm được tại sao lại giết anh cả và cháu của ông. Ông Nhu đã ra Hà-Nội lúc đó, ở nhà cha mẹ bà và không ai biết ông làm gì lúc đó (bà Nhu không hay biết gì, mà ông Nhu cũng không hề kể). 20 tuổi, một mình ở Huế dù có người làm, bà dần dà thấy chồng bà không những không bảo vệ bà mà còn là một mối nguy cơ đe dọa bà và tiểu gia-đình bà (tr. 135) – may mà bà còn có an ủi: ngày 27-8-1945, bà hạ sinh cô con gái đầu Lệ-Thủy.

Ông bà Trần Văn Chương cuối cùng bỏ Hà-Nội (villa bị tịch thu) vào ở Huế, ông Nhu cũng trở về Huế, nhưng cán bộ cộng-sản đến nhà tìm, bà Nhu đã khéo léo lần lữa bắt tên này chờ đến phải bỏ về và hẹn trở lại, nhưng đêm đó ông Nhu phải bỏ trốn, và bà Nhu không có tin tức chồng trong một thời-gian dài sau đó. Sau ngày 19-12-1946, chiến-tranh lại bùng nổ, bộ đội Việt-minh cưỡng bách gia-đình bà Nhu phải bỏ nhà cửa sơ tán khỏi thành phố Huế theo vào vùng họ kiểm soát, trãi qua suốt mùa Đông lạnh lẽo. Cuối cùng mẹ con bà được một linh-mục Dòng Chúa Cứu Thế đem thuyền đến giúp trốn về Nhà Dòng, ở nhà kho nơi ông Cẩn đang tạm trú, nhưng hôm sau bà ôm con 3 tuối theo xe vào Đà Nẵng và mua vé máy bay quân sự vào Sài-Gòn. Tạm trú ở nhà người chị, bà Nhu vô cùng ngạc nhiên gặp lại chồng bí mật ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó ông bà lên sống ở Đà Lạt, ở nhà người chị của bà, theo bà là "thời gian hạnh phúc nhất", bà sinh thêm hai người con trai, Ngô Đình Trác 1947 và Ngô Đình Quỳnh 1952, và cuộc sống của gia-đình bà tại Đà Lạt tuy giản dị, trong khung cảnh hoang dã nhưng an ninh, lúc đầu xa rời chính trị. Nhưng rồi bà thừa nhận bà đã cô độc khi ở đây và viết: "Chồng tôi thường biến mất mà chẳng nhắn lại gì" (tr. 152).

Từ khi ông Ngô Đình Diệm, anh chồng bà, được cử làm Thủ tướng từ Pháp về nhận chức (7-7-1954), ông bà Nhu xuống Sài-Gòn để phụ tá. Ông bà Nhu và 3 con sống tạm nhiều nơi trước khi về ở trong Dinh Độc Lập. Ông Nhu làm báo Xã-Hộitòa soạn ngay trong căn nhà nhỏ hẹp. Trong lúc thủ đô Sài-Gòn tình hình chưa ổn định, phe Bình Xuyên và tay chân của Pháp liên tục quấy phá, bà Nhu đã thành công một việc ngoài sức tưởng tượng: nhân dịp tướng Nguyễn Văn Xuân mời ông bà Nhu ăn ở một nhà hàng trong Chợ Lớn, bà Nhu đã hỏi thẳng ông Xuân tại sao không cách chức tướng Nguyễn Văn Hinh tổng tư lệnh quân đội, ông Xuân đã thách thức bà Nhu tìm cho được 5 chữ ký thì ông sẽ thuận theo yêu cầu đó. Bà Nhu tình cờ gặp những người từ Bắc mới di cư vào, cùng họ vận động những người di cư kín đáo tụ tập rồi giơ cao biểu ngữ trước nhà thờ Chánh tòa Sài-Gòn ngày 21-9-1954. Dù cảnh sát Bình Xuyên được mật báo nên đã có mặt ở trại di cư trước với 2 xe tăng, bà lái chiếc xe hiệu Panhard đến và tra hỏi tại sao cảnh sát lại cấm cản người dân đi chợ. Đám cảnh sát bỏ đi, xong trở lại, bà lên xe rồ máy bỏ chạy đến trước nhà thờ nơi mà những người di cư đang chờ, và họ đã giương cao biểu ngữ ủng hộ kiến nghị của bà Nhu (đòi hỏi tướng Hinh phải từ chức). Hình ảnh và thông tin được gởi cho tờ báo tiếng Pháp duy nhất ở Sài-Gòn.

Ông Trần Chánh Thành bộ trưởng Thông tin đã kiểm duyệt không cho báo-chí VN đăng tin đó, nhưng báo tiếng Pháp đã đăng tải phổ biến thông tin và hình ảnh vụ biểu dương mà không được phép của chính phủ. Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Xuân đã phải từ chức 3 ngày sau đó, trở thành “nạn nhân” đầu tiên của bà Nhu (tr. 165). Nội các Ngô Đình Diệm phải cải tổ, bà Nhu bị người Pháp với sự giúp đỡ của người Mỹ, ép đưa đi ra ngoại quốc 3 tháng để Nội các cải tổ được ổn định, và để bà Nhu không thể ra ứng cử dân biểu Quốc hội lập hiến và lập pháp sau đó. Nhưng vô ích, vì dù ở xa, bà sẽ vẫn đắc cử, với sự ủng hộ của tập thể người di cư. Bà sang Hoa-Thịnh-Đốn nơi ông thân bà làm đại sứ ở Hoa-Kỳ, ông đưa bà đến ăn sáng do thượng nghị sĩ J.F. Kennedy (về sau đắc cử Tổng thống) mời, sau đó bà ở lâu hơn ở tu viện nữ người Ý ở Hương-Cảng. Bà tận dụng thời-gian ở đó để học thêm tiếng Anh.

Bà Nhu trở về miền Nam và vào ở trong Dinh Độc Lập. Sau Trưng cầu dân ý 23-10-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống, mở đầu cho nền Đệ nhất Cộng-hòa, và cử ông Ngô Đình Nhu chính thức làm Cố vấn chính-trị – với chức này, ông Nhu đề ra thuyết Nhân Vị đề cao tính siêu việt của con người, tức sự tái sinh bởi khả năng con người hành xử Đức độ như Thiên Chúa đã dạy (Mt. 19, 28). Theo bà Nhu, thực dân Pháp chưa buông tha, rút người về Cam Bốt, từ nơi đó tổ chức gây rối ở miền Nam.

Vụ tiếp theo là vụ ám sát Tổng thống Diệm ở Ban-Mê-Thuột, có liên quan đến Lê Văn Kim người của Pháp đào tạo và từng là tùy viên của Thierry d'Argenlieu, đang là chỉ huy Trường Võ bị Đà-Lạt. Rồi đến vụ đảo chánh 11-11-1960 và vai trò của tướng Nguyễn Khánh từng là tùy viên của thủ tướng Nguyễn Văn Xuân và từng tổ chức những buổi pique-nique ở Đà Lạt có bà Nhu và Bảo Đại, Nguyễn Khánh xưng là đại diện cho nhóm đảo chánh. Bà Nhu tin là do Pháp giật dây. Bà Nhu đã can thiệp khi thấy tướng Khánh dùng thủ đoạn đánh điểm yếu của Tổng thống Diệm là thương người và sợ đổ máu. Bà Nhu hối chồng hất cẳng tướng Khánh và kêu gọi quân lính trung thành về chiếm lại đài phát thanh. Tướng Khánh do đó bị đám đảo chánh kết tội phản bội, nhưng đã thua nên phần lớn bỏ trốn sang Nam Vang. Đại diện CIA gặp anh em Tổng thống Diệm cam đoan là Hoa-Kỳ đã đứng ngoài vụ đảo chánh, bà Nhu có mặt ở đó đã trách móc người Mỹ “Tôi không mong chờ các ông đồng minh, tức là bạn, giữ trung lập trong vụ này!”.

Thái độ của bà Nhu gây chú ý của Hoa-Thịnh-Đốn. Vụ tiếp theo là chuyến viếng thăm Việt-Nam của Phó tổng thống Lyndon B. Jonhson ngày 12-5-1961. PTT Mỹ xuống máy bay, bất chấp nghi thức ngoại giao, thay vì đến chào PTT Nguyễn Ngọc Thơ trước, ông đã đến thẳng bà Nhu, khiến ông Thơ phải chạy theo sau lưng ông PTT Mỹ. Trong buổi điểm tâm sau đó do PTT Thơ mời, có cả ngoại giao đoàn và các dân biểu, ông PTT Johnson thêm một lần gây bối rối khi mời bà Nhu sang thăm trang trại của ông ở Texas mà bà Nhu lại từ chối với lý là chưa có dự tính đó. Vô tình bà Nhu nói dí dỏm sẽ sang thăm nếu ông PTT trở thành Tổng thống. Không ngờ lời nói đó khích động PTT Mỹ, ông kéo bà Nhu ra bao lơn nhưng vô tình sức mạnh kéo tay bà Nhu lại kéo luôn phu nhân Chủ tịch Quốc hội, ông nhìn thấy hớ hênh bèn chữa thẹn rằng muốn bà Nhu giới thiệu thắng cảnh Sài-Gòn từ bao-lơn. Không ngờ lời nói cho qua chuyện lại thành sự thật hơn 2 năm sau đó. Năm 1964, ông Ngô Đình Cẩn - thành viên cuối cùng của dòng họ Ngô Đình còn ở Việt-Nam, bị xử tử sau khi đã xin tị nạn chính-trị với lãnh sự Hoa-Kỳ ở Huế lại bị giao cho nhóm đảo chánh dựng tòa án kêu án tử hình. Bà Nhu đã viết thư yêu cầu TT Johnson can thiệp, nhưng ông đã tỏ ra “hèn hạ” (tr. 177)

- Bà Nhu từng khen ông Cẩn phụ trách cả miền Trung khiến nơi đó yên bình mà không tốn kém gì cho chính quyền Sài-Gòn (tr. 182). Trước đó, vào mùa Thu 1963 khi sang Hoa-Kỳ “giải độc”, bà Nhu đã nhận lời mời đến thăm trang trại của hàng xóm của Johnson, Johnson đã không có hành động gì và trong 1 lá thư duy nhất trả lời thư bà Nhu hỏi tại sao ông ta có vẻ sợ bà, ông viết ”Làm sao tôi có thể sợ một phụ nữ tuyệt vời như bà?”. Lá thư này về sau bà gởi lại một người bạn đồng môn của ông Nhu ở Paris nhờ giữ khi bà Nhu dọn về Rome, đã bị một người đánh tiếng với con trai trưởng của bà Nhu là sắp chết nên muốn nhìn thấy nó trước khi chết, nhưng lá thư không bao giờ trở lại - về sau bà Nhu mới biết người này làm cho tình báo Pháp.

Đắc cử dân-biểu, đến năm 1958, bà đề nghị Luật Gia-Đình có mục-đích giải phóng phụ nữ về mặt pháp lý (một vợ một chồng, nam nữ bình quyền cả trong quản trị, sử-dụng và phân chia gia sản, thừa kế di sản, v.v.), đã bị đa số vẫn còn tinh thần gia trưởng, gia tộc hoặc đa thê, phản đối; dù Hiến pháp 26-10-1956 đã nêu cao nam nữ bình quyền nhưng trong thực tế, người phụ nữ vẫn phải phục-tùng chồng là người vẫn được xã-hội xem là giám-hộ. Bà tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới (với hình biểu tượng Ngọn đèn dầu của những cô trinh nữ trong Thánh Kinh) kêu gọi và giúp đỡ người phụ nữ ra đời làm việc xã-hội, thiện nguyện. Bà Nhu kêu gọi tinh thần tái dựng lòng yêu nước. Cùng lúc, bà tổ chức lực lượng Phụ nữ bán quân sự (10-1961) tự nguyện, được huấn luyện tự vệ, sử-dụng vũ khí và y tế thường thức. Trưởng nữ Lệ Thủy cũng gia nhập lực lượng này từ khi 16 tuổi.

Sáng sớm ngày 27-2-1962, thêm một vụ chính biến do 2 phi công bắn phá Dinh Tổng thống. Con cái bà bị thương và bà phải vào bệnh viện vì muốn cứu con với bà vú của cô út Lệ Quyên. Biến cố khiến bà thêm ghê tởm bọn thực dân (tr. 180) - bà ghi rõ vụ bắn phá Dinh Tổng thống là do thực dân (“colon”), sau đó là căn nhà từ đường bằng gỗ của gia-đình Ngô Đình ở Huế cũng bị phá hủy, do “la rage francaise contre le Việt-Nam que nous représentions...”(tr. 181).

Xảy ra vụ Phật giáo, bà Nhu muốn có đại diện các đảng phái và các nhóm xã-hội trong Ủy Ban Liên Phái, nhưng Tổng thống Diệm không thuận vì không muốn có bà. Nhưng khi xong Thông cáo chung và bên Phật giáo đã ký, ông Nhu lại hỏi ý kiến bà trước khi cố vấn Tổng thống ký. Bà thấy lạ vì các đòi hỏi của Phật giáo đều là những thứ chưa bao giờ cấm, bà đề nghị ký nhưng ghi tay thêm mấy chữ là những đòi hỏi trong đây chưa bao giờ cấm. Ông Cố vấn đem Thông cáo chung đến buổi họp sau đó và nói lại ý vừa kể, ngoại trưởng Phật giáo Vũ Văn Mẫu yên lặng không nói gì, nhưng Phó Tổng thống Thơ phát biểu: ”Họ uống trà sâm còn mình uống trà thường khiến mình thành người ngu”. Vì câu nói này mà ông Mẫu cạo đầu từ chức. Theo bà Nhu cũng ông VV Mẫu này đến cận ngày 30-4-1975 nghe lời thực dânủng hộ và theo tướng Big Minh (lực lượng thứ 3), nhưng đế quốc mạnh hơn muốn chấm chấm dứt chiến-tranh (tr. 188)!

Trước ngày đảo chánh, từ ngày 12-9-1963, bà Nhu và cô trưởng nữ Ngô-Đình Lệ-Thủy lên đường đi “giải độc” ở Âu châu và Hoa-Kỳ; trước khi xảy ra vụ ám sát anh em Tổng thống, bà và con gái được đông đảo cảnh sát bảo vệ, nhưng sau đó thì bị bỏ rơi, may có một gia-đình người Mỹ do 1 linh-mục giới thiệu, đã giúp đỡ mẹ con bà cho đến khi rời nước Mỹ đi Rome. Phần ông Cô vấn Ngô Đình Nhu, vài ngày trước đảo chánh đã gọi cậu Ngô Đình Trác đưa 2 em lên Đà-Lạt và dặn dò khi có biến hoặc ông Nhu chết, thì phải đưa 2 em trốn vào rừng. Khi xảy ra tiếng súng đảo chánh, các cô cậu đã chạy trốn vào rừng phía sau nhà, trãi qua một đêm trong mưa lạnh. Cả ngày hôm sau đi xuyên qua sông rạch để tránh để lại dấu vết, và cuối cùng đến một nơi trực thăng có thể đáp và chờ đợi. Chỉ trong vòng ba ngày, mấy đứa trẻ đã thoát khỏi sự nguy hại và tới được Rome trước khi mẹ và chị cũng đến đó.

Ngày 15-11-1963, bà và con gái rời Los Angeles để đi Roma sinh sống. Bị đế quốc bỏ rơi, nhưng ở phi trường đầy phóng viên báo-chí và truyền hình. Rồi lúc ghé Paris, bà cũng được đông đảo báo-chí phóng viên đón như vậy, ông đại sứ Mỹ ở Paris bí không biết phải trả lời báo-chí ra sao bèn nói “Chúng tôi có làm gì thì cũng vẫn bị nguyền rủa!”. Nhưng ít có nhà báo nào dám nói lên hết sự thật, bà Nhu được ông nhà báo Georged Mazoyer dám bênh phía bà, nhưng ông ta vừa được thăng chức giám đốc một nhật báo ở Paris ra ban chiều thì liền bị xe đụng chết khi đi bộ. Bà Nhu thấy những ai đứng về phía bà đều bị biến mất (tr. 189-190): kế đó là bà Suzanne Labin và Marguerite Higgins (3-1-1966) – được Tổng thống Kennedy gửi sang Việt-Nam điều tra riêng, bà là tác-giả cuốn Our Việt-Nam Nightmare (1965), trong đó bà cho rằng biến cố Phật giáo chỉ là một trò đánh lừa (leurre), mục-đích không vì Phật giáo mà vì muốn lấy đầu ông Diệm và thay vì bỏ lên mâm bạc như Thánh Jean-Baptiste tử đạo, thì nay phải quấn cờ Mỹ; và bà nhận xét các sư sãi rất rành tên các phóng viên ngoại quốc, gọi họ bằng tên/prénom!

Vào tháng 6 năm 1964, hiệp hội báo chí Hoa-Kỳ tổ chức mời bà Nhu và con gái Lệ Thủy sang Mỹ làm một vòng để các cơ quan thông tin báo-chí tìm hiểu sự thật (Truth Rally) về thực trạng Việt-Nam vì các cơ quan này không tin giải thích của Hoa-Thịnh-Đốn (tr. 71). Lúc đó nước Mỹ chuẩn bị bầu cử Tổng thống thay thế T.T. Kennedy, chính phủ Mỹ đã từ chối cấp visa cho 2 mẹ con bà Nhu lấy “lý do an ninh quốc-gia“. Ngày 9-5-1975, khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, bà Nhu đã tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là "nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ Hoa Kỳ". Bà cũng bình luận cảnh đại sứ Mỹ Martin chờ trực thăng tới đón trên nóc nhà, cờ Mỹ cuộn dưới nách: “Cường quốc Mỹ dùng để làm gì, nếu không phải là để phải trốn chạy theo họ?”.

Năm 1985 khi báo-chí Hoa-Kỳ làm kiểm điểm 10 năm Hà-Nội chiếm miền Nam, bà Nhu đã nhận trả lời phỏng vấn cho Newsweek, nhưng các cơ quan thông tin này đồng lõa với nhau để không ai liên lạc được với bà (tr. 71). Bà sống lúc tại vùng Riviera nước Pháp, lúc ở nhà bên Roma, bà trả lời phỏng vấn một lần khác để lấy tiền và vé máy bay khứ hồi cho con gái út qua thăm ông bà ngoại ở Mỹ. Bà Monique Brinson Demery phỏng vấn bà Nhu năm 2005 đánh dấu lần đầu tiên bà trả lời báo chí phương Tây sau một thời-gian khá lâu, phỏng vấn để thực hiện cuốn sách về bà Nhu, Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu (New York : Public Affairs, 2013), nội-dung cuốn sách cho thấy bà Nhu đã nói chuyện với bà Demery với nội-dung cuốn hồi-ký.

Suốt tập hồi-ký, bà Nhu cho người đọc thấy và hiểu rằng bà căm ghét thực dân Phápvà đế quốc Hoa-Kỳ(bà gọi chung là “Occident criminel”). Bà có thắc mắc là ngoài Thánh lễ khai mạc Cộng đồng Vatican II ngày 2-12-1963 có nhắc ý lễ cầu cho anh em Tổng thống Diệm, Tòa thánh Vatican đã không lên tiếng và không làm gì về cái chết của anh em chồng bà (và người mà Tòa thánh giới thiệu giúp làm giấy tờ cho căn nhà mà Đức Cha Thục mua cho mẹ con bà ở Roma lại lừa dối cướp hết tiền gia-đình bà). Bà kể có thể đã góp phần (qua một phỏng vấn ngay trước đó) trong việc khiến cho Hà-Nội đã phải để cho Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, cháu của ông Nhu, ra ngoại quốc chữa bệnh và thoát cộng-sản; và hơi trách móc Ngài đã không làm gì cho những cái chết của chồng và các anh em chồng bà.

Bà cho rằng sau ngày 2-11-1963 anh em Tổng thống bị giết, nước Việt-Nam rơi vào địa ngục là do các đế quốc thực dân và cộng-sản(tr. 201). Bà thêm, cái chết của Lệ Thủy con gái bà vẫn chưa được điều tra đến cùng! Về phần người Pháp, bà gọi là “tên thực dân” (colon) và so sánh với quỷ Satan khi dùng lời Chúa Jesus cảnh báo Thánh Phê-Rô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của con người” (Mt 16, 23) – vì thực dân đã lợi dụng danh nghĩa của Giáo hội để làm chuyện Ác đã khá lâu rồi ở Việt-Nam. Bà Nhu cho người đọc hiểu rằng bao nhiêu biến cố, đảo chánh, ám sát, v.v. thời Việt-Nam Cộng-Hòa đều là do bàn tay của thực dân và đế quốc chủ động hết, do đó bà không nói nhiều đến những tay sai người Việt của chúng. Bà cho rằng với những gì bà viết ra, chỉ có đám thực dân là phải tự vấn lương tâm (tr. 190)!

Cuối cùng là những suy niệm tâm linh cuối đời của bà; bà tạ ơn Chúa đã đoái nhìn con chiên Việt-Nam qua việc đức Hồng y tân cử của Hoa-Kỳ đã đến La-Vang ngày 21-8-2009 dâng lời cầu nguyện “Đức Mẹ La-Vang cũng là Đức Mẹ của quốc-gia Hoa-Kỳ và của giáo hội Công-giáo“. Và bà cảm ơn và hiểu Chúa đã trao phó cho bà trọng trách làm mẹ và bà đã làm hết mình cho đến cuối đời!

***

Trong Phần Phụ lục, trong lá thư đề ngày 2-9-1963, 2 tháng trước ngày bị giết, ông Ngô Đình Nhu trình bày lập trường Việt-Nam chính-thực của chính phủ của Tổng thống anh ông (Việt-Nam của người Việt Nam!) trước âm mưu của Hoa-Kỳ đi chung với Liên Xô cộng-sản, âm mưu đưa đến phương-tiện thôi miên, tuyên truyền, huyền-hoặc các sư sãi rồi đẩy những kẻ này vào lửa thiêu sau khi báo cho thông tín viên quốc tế biết để đến quay phim, chụp hình (và cản cứu người “tự thiêu”!) (1). Từ ngày ra thiết quân luật 20-8-1963 thì hết còn tự thiêu, nhưng 2 thế lực kia lại xúi sinh viên học sinh xuống đường như đã làm ở Đại Hàn và Thổ-nhĩ-kỳ, nhưng ông Nhu cho là thất bại vì chính quyền bắt đi học quân sự và tẩy não chúng. Ông Nhu biết 2 thế lực đó chưa ngừng tay vì phải biện minh với cấp trên về việc chi 20 triệu đô Mỹ (2) cho âm mưu này!

Chú thích:

1- Sau ngày đảo chánh 1-11-1963, còn có 6 vụ tự thiêu Phật tử khác, nhưng không báo chí Tây phương nào để ý đến nữa! Và sau ngày 30-4-1975, đã có biết bao nhiêu kỳ thị, kiểm soát, khủng bố tôn giáo và toàn dân, tù đày, cướp của dân,... nhưng thượng tọa Trí Quang không có hành động nào, trở thành câm, lặng, đồng lõa với cộng-sản Hà-Nội! Còn vụPhái đoàn Liên Hiệp Quốc đến VN điều tra về vụ gọi là «đàn áp Phật giáo», Báo cáo được dịch ra Việt ngữ - Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt-Nam, do Võ Đình Cường dịch, 1 nhóm Phật giáo xuất-bản năm 1966, từ tay Thích Trí Quang người đề tựa, nhưng đã bỏ đi phần kết luận (1 thứ lừa dư luận từ cái thật, lộng giả thành như ... thật!). Đây là Báo cáo 234 trang trình ngày 7-12-1963 của Phái đoàn với kết luận không có đàn áp lẫn kỳ thị tôn giáo, và những đụng độ với chính quyền chỉ là do 1 nhóm nhỏ, và có tính cách chính-trị, không phải tôn giáo. Bản báo cáo bị giấu kín, đến tháng 2-1964, văn bản này đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ xuất-bản.

2- Ông Nhu tiên đoán đúng, tiếp đó là chi tiền mua chuộc mấy ông tướng Việt-Nam làm đảo chánh và giết anh em ông ngày 2-11-1963 và sau đó là ông Cẩn, người em khác! Lou Conein đưa 3 triệu đồng tương đương 42 ngàn đô la Mỹ cho nhóm tướng lãnh đảo chánh để chia chác cho nhau, thật ra chỉ là những đồng bạc lẽ từ 20 triệu đô!


Nguyễn Vy Khanh
Montreal, 11-2013
______________________________________________

Bà Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Lệ Xuân

Ngô Đình Châu

Lời của người chuyển bài: Trần Hữu Phái

Kính thưa quý Diễn Đàn.

Tiếp theo nhận định của quý ông Trần Bá Đàm, Vũ Linh Châu, cụ Nguyễn Phước Đáng ... về danh từ "Đệ Nhất Phu Nhân: giành cho bà Ngô Đình Nhu. "Ngoài chức vụ dân biểu Quốc Hội, bà Nhu còn là chủ tịch Phong trào "Phụ nữ Liên đới”. Khi tiếp quốc khách, bà Nhu đóng vai trò Đệ nhứt Phu nhân vì Tổng thống độc thân". Tôi xin phép tác gỉa Ngô Đình Châu được chuyển một số phân đoạn viết về bà Ngô Đình Nhu, có in trong quyển " Chính Biến 1-11-1963 & Tổng Thống Ngô Đình Diệm" lên các Diễn Đàn với tiêu đề như sau :

Bà NGÔ ĐÌNH NHU khuê danh TRẦN LỆ XUÂN

Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, thường được gọi là bà Ngô Đình Nhu. Bà Ngô Đình Nhu là một gương mặt phụ nữ then chốt trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, cho đến khi anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị thãm sát năm 1963, đến nay tên tuổi bà vẫn còn được nhắc đến.

Bà Trần Lệ Xuân sinh tại Huế, nhưng cũng có tài liệu ghi là bà sinh tại Hà Nội. Bà là cháu gái vua Đồng Khánh và là ái nữ của luật sư Trần Văn Chương. Lúc nhỏ bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, và đã tốt nghiệp tú tài Pháp.
Năm 1943 bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu và theo đạo Thiên Chúa giáo. Bà là dân biểu, là chủ tịch Hội "Phụ nữ Liên Đới". Các hội viên thường gọi là bà Ngô Đình Nhu là bà Cố vấn và bà được coi như là Đệ nhất Phu nhân (First Lady) của Việt Nam Cộng Hòa, vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không lập gia đình.

Khi Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan qua thăm Việt Nam, thì bà Nhu đóng vai "tiếp viên của Quốc Gia" (Hotesse) để nghênh đón Hoàng Hậu Thái về Dinh Độc Lập viếng thăm Tổng Thống Việt Nam theo nghi lễ rồi trở về Dinh Gia Long nghỉ. Tổng Thống Việt Nam cũng đến Dinh Gia Long để đáp lễ, cùng đi theo có bà Ngô Đình Nhu. Lúc trở ra, bà Nhu đi ngay phía sau Tổng Thống, nên bị viên sĩ quan hầu cận cản lại và nói:
- "Bà không được đi cùng. Xin lui bước lại, vì theo nghi lễ bà phải đi sau Tổng Thống 5 phút". Bà Nhu đã nổi giận phản đối. Nhưng viên sĩ quan hầu cận đã dẫn chứng theo "sách" và biện minh:
- "Bà đâu có phải là vợ của Tổng Thống mà được phép trở về Dinh cùng một lúc. Tôi phải theo nghi lễ của ông Hoàng Thúc Đàm đề ra mà thi hành nhiệm vụ. Vậy bà hãy chờ Tổng Thống về Dinh trước, rồi năm phút sau bà mới được ra về". Bà Nhu nổi giận mà cũng đành phải chịu.

***

Trong tháng 10 năm 1963, bà Ngô đình Nhu cùng con gái Ngô Đình Lệ Thủy đi Hoa Kỳ và Roma với dự định sẽ vạch trần âm mưu lật đổ Tổng Thống Ngô đình Diệm của chính phủ Mỹ, của Tổng thống Kennedy và CIA trước công chúng Mỹ.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963 bà Ngô Đình Nhu và con gái đang trú ngụ tại khách sạn sang trọng Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California thì được tin cuộc đảo chính đã xảy ra: chồng và anh chồng bà bị giết chết.
Ngày 15 tháng 11 năm 1963, bà và con gái Lệ Thủy rời khỏi Los Angeles để đi Roma sinh sống, sau khi phát biểu: "Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi."
Ngày 9 tháng 5 năm 1975 khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình NBC, bà đã tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là "nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ (Hoa Kỳ)".

Những năm đầu thập niên 1990, bà Ngô Đình Nhu sống tại vùng Riviera Pháp và thường chỉ trả lời phỏng vấn nếu được trả tiền. Hiện nay, bà đang sống một mình và viết hồi ký tại 1 trong 2 căn hộ thuộc quyền sở hữu của bà, trên tầng 11 trong tòa nhà cao tầng gần tháp Eiffel, quận 15, thủ đô Paris - Pháp Quốc và cắt đứt mọi quan hệ với các nhân vật chính trị. Hai căn hộ này theo bà cho biết là của một nữ bá tước tỉ phú Capici người Ý trao tặng, mặc dù hai người chưa từng gặp nhau.

Dù là phu nhân của Cố Vấn và là em dâu của Tổng Thống. Nhưng bà không ham vui hưỡng thụ, mà luôn luôn dùng thì giờ cống hiến, phục vụ công ích cho Quốc gia. dân tộc trên mọi lãnh vực. Bà là người ham hoạt động năng nổ, không màng đến chuyện tích lũy tiền bạc làm giàu có. Tôi nhớ có một lần tôi hỏi xin bà tiền để mua máy chụp hình bà trả lời:

- " Tôi làm gì có tiền dư giả, khi cái máy chụp hình bị hư, tôi cũng phải đưa ra hiệu Hạ Long ở đường Pasteur để sửa, mà chưa có thanh toán đó".

Xin nói thêm là ông Phạm văn Trước, chủ hiệu bán máy chụp hình Hạ Long rất thân với tôi, ông có bà con với hiệu chụp hình Long Biên.

Vào khoảng tháng 10 năm 1954, lúc Thủ Tướng Ngô Đình Diệm gặp sự khó khăn với Pháp và bọn tay sai của Pháp, bà đã kín đáo giúp Thủ Tướng giải quyết những cuộc khủng hoảng. Bà ngấm ngầm tổ chức một cuộc biểu tình đả đảo Pháp và để ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Đoàn biểu tình này đã bị công an Bình Xuyên chận lại tại Bùng Binh Sài Gòn (chợ Bến Thành).

Năm 1956 bà ra ứng cử Dân Biểu Quốc Hội và trúng cử. Tại Hội trường Quốc Hội, bà kêu gọi và vận động các phu nhân của quí ông trong Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng hãy tham gia Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới do bà lãnh đạo, để góp phần vào công cuộc chống Cộng Sản, xây dựng quốc gia giàu manh, phồn vinh.

Năm 1957, có một số phụ nữ tham gia ứng cử Quốc Hội, gồm các bà Ngô Đình Nhu, Hồ Thị Chi, Nguyễn thị Minh, Nguyễn Kim Anh, Phan thị Nguyệt Minh, Nguyễn thị Vinh, Ngô thị Hoa, Huỳnh ngọc Nữ, Nguyễn thị Xuân Lan. Bà Xuân Lan hiện cư trú tại Maryland, (bà là dì ruột vợ tôi), bà biết rất rõ con người và lề lối làm việc của bà Ngô Đình Nhu).

Và trong khoảng thời gian này Bà đã tổ chức Thanh Nữ Cộng Hòa và Phụ nữ Bán Quân Sự. Hai tổ chức này được võ trang, huấn luyện quân sự nhằm mục đích bảo vệ xóm làng, nhất là các Ấp Chiến Lược ở nông thôn.
Trong thời gian làm Dân Biểu, Bà đã soạn thảo hai Đạo luật và đưa ra Quốc Hội biểu quyết, đó là:

1 - Luật Gia đình, nghĩa là gia đình chỉ một vợ một chồng, không chấp nhận ly dị.
2 - Luật Bảo vệ Luân Lý và Thuần Phong Mỹ Tục, nhằm giáo dục thanh thiếu niên, chống hút sách, rượu chè, bài bạc, mãi dâm, trong sạch hóa xã hội.

Kể từ tháng 12-1957, Quốc hội VNCH họp bàn sôi nổi về dự án của Luật Gia đình. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo thì đời sống lứa đôi chỉ có một vợ một chồng và không được ly dị, thì vấn đề đa thê không cần đặt ra. Nhưng xã hội Việt Nam không phải là xã hội phương Tây và dân chúng Việt Nam không phải tất cả đều là tín đồ Thiên Chúa giáo, cho nên Luật này trên lý thuyết thì hay song thực tế không phù hợp với bản chất và nếp sống của quảng đại quần chúng lúc bấy giờ. Hơn nữa giới âm thầm phản đối chính là giai cấp tướng tá và công chức cao cấp, cũng như những công kỹ nghệ gia giàu có, phần lớn các vị này đều bị kẹt nếu không có vợ bé thì cũng có lén lút giao du với bồ nhí.

Bà Nhu đưa ra lý luận "Đã đến lúc người phụ nữ đứng lên, bình đẳng với người chồng ngay trong phạm vi gia đình, và chỉ chấp nhận một vợ một chồng thôi... những kẻ hư hỏng không ra gì mới lấy vợ nhỏ rồi bỏ phế gia đình". Bà Nhu vẫn tin là mình đi đúng đường lối với chủ trương cách mạng xã hội, giải phóng phụ nữ của thế giới. Trước hết "giải phóng" từ gia đình, để từ đó ra ngoài xã hội. Lý luận và chủ trương của bà nghe xuôi tai và hợp lý. Nhưng điều căn bản là cải tạo xã hội, không phải chỉ bằng một biện pháp ban hành ra một vài đạo luật.

Bà Ngô Đình Nhu là người có tài thực, có thiện chí, song vì tính chủ quan cũng đã đủ làm cho bà trở thành đối tượng cho bao nhiêu điều phẩm bình, dị nghị đàm tiếu. Ngay cả thiện chí và lòng hăng say xây dựng những điều tốt đẹp trong luân lý, cũng đã bị "đồng viện" của bà Nhu trong Quốc hội ngấm ngầm phản đối và dân chúng thì thờ ơ.

Bộ Luật Gia đình đã gây sôi nổi trong dư luận một thời. Thực tế thì Luật ấy cho đến khi ban hành và thực thi cũng không tạo được một tác dụng lớn lao nào trong tầng lớp dân chúng. Phản ứng của dân chúng đối với Luật gia đình không có gì đáng quan tâm, vì luật pháp hãy còn hết sức xa vời so với quảng đại quần chúng Nam Việt Nam. Dù có luật hay không luật, đời sống vợ chồng trong giới bình dân đều dựa trên căn bản tình cảm "yêu nhau giá thú bất luận tất". Nhưng đối với giới thượng lưu và nhất là giới tướng tá và công chức cao cấp tuy ngoài mặt hân hoan chào mừng Luật Gia đình, nhưng trong lòng đau đớn không ít và chính mấy giới này đã góp công không nhỏ trong việc tạo dựng "dư luận xấu" về bà Nhu.

Một số quan tòa xuất thân từ hàng quan lại thuộc địa, trở thành nạn nhân thứ nhất của Luật gia đình. Có ông Tòa hai ba vợ... như vậy thì trách chi không oán ghét bà Nhu. Bà Nhu thường bàn luận với mấy cộng sự viên của ông Cố vấn chính trị như thế này "Kinh nghiệm trong gia đình nội ngoại của tôi, tôi biết quá rõ. Ai có vợ nhỏ thì đang trong sạch cũng trở thành tham nhũng, gia đình chia rẽ, rồi dòng con này, dòng con kia cứ lung tung lộn xộn". Khởi từ kinh nghiệm này, bà Nhu quyết thanh toán chế độ đa thê, mà bà nghĩ rằng nếu hoàn thành là bà đã giải phóng cho nữ giới cái thảm cảnh gia đình vợ nọ con kia (chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng). Trước diễn đàn Quốc hội năm 1957, cũng đã có nhiều dân biểu mạnh dạn lên tiếng công kích dự án Luật này. Bà coi mấy ông dân biểu không đi đến đâu cả. Vì rằng bà cũng biết rõ chân tướng của các ông (Đời tư lẫn đời công cũng chẳng có gì đẹp đẽ).Trong một phiên họp vào khóa đầu năm 1959, bà Nhu công khai đả kích một số dân biểu ngay tại diễn đàn Quốc hội và cho rằng "Ai chống đối Luật Gia đình chỉ là những kẻ ích kỷ hèn nhát muốn lấy vợ lẽ".

Cứ vô tư mà xét thì Bộ Luật Gia Đình là một Bộ Luật Văn Minh, đã cởi trói cho Phụ Nữ và đem lại sự bình đẳng giữa Nam và Nữ . Bộ Luật này ra đời chính là để Bảo Vệ Hạnh Phúc gia đình , xoá đi cái tục lệ hủ lậu "Trai Năm Thê Bảy Thiếp. Gái Chính Chuyên Một Chồng", ấy vậy mà thiên hạ cũng xuyên tạc đủ điều.

Ngoài những việc trên bà Ngô Đình Nhu còn thành lập các Ký Nhi Viện, nhằm giúp đỡ các phụ nữ có nơi gửi con, yên tâm ra việc làm ngoài xã hội.

Vì các Đạo luật do Bà đưa ra tuy rằng rất tốt đẹp, nhưng không "phù hợp" với một số người có chức quyền, thành thử dư luận đến với bà không được thuận lợi tốt đẹp, trái lại còn nhiều tiếng xấu đến với bà. Từ đó chúng ta phải công tâm nhìn nhận bà là người phụ nữ xuất chúng, can đảm khi hoạt động chỉ nghĩ đến quyền lợi quốc gia. Bằng chứng là trong lúc Phật giáo rầm rộ đấu tranh, ông bà Trần Văn Chương đã trách cứ con gái là thiếu lễ độ với Phật Giáo, bà đã thẳng thắn trả lời với cha mẹ. Sau đó ông bà Trần Văn Chương đã xin từ chức Quan Sát viên tại Liên Hiệp Quốc, bà đã lên tiếng phê bình Ông bà Trần Văn Chương và cho đó là hành động “đâm sau lưng chiến sĩ".

Bà Trần Lệ Xuân là người rất trọng danh dự và đạo lý, luôn luôn tự hào là con gái của một gia đình trâm anh thế phiệt. Lúc ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, bà mới 39 tuổi, còn rất xinh xắn trẻ đẹp. Vậy mà Bà đã thủ tiết nuôi con thờ chồng. Mặc dù đã trải qua hơn 40 năm sống ở trời Âu, nhưng bà vẫn giữ gìn được nền nếp giáo dục cao quý của người phụ nữ Việt Nam, nuôi dạy dỗ con cái lễ độ, biết vâng lời mẹ.

Bà còn là con người thẳng thắn, không vì tình cảm gia đình mà thiên vị coi thường luật pháp. Tôi còn nhớ năm 1956 tôi khám phá ra một đường dây chuyển tiền cho Hà Nội do Bà Phan Lệ Quyên, vợ Nha Sĩ Trần Văn Thái, em ruột Đại Sứ Trần Văn Chương, là chú ruột bà Nhu. Tôi đã bắt hai vợ chồng ông Nha sĩ Thái và bà mẹ đem về giam cùng bà Công Xuân Bách. Ông Công Xuân Bách biết được bèn kêu điện thoại cho ông cố vấn Ngô đình Nhu, ông cố vấn kêu tướng Phạm Xuân Chiểu hỏi:
- Ai bắt vụ này ? Tướng Chiểu nói là:
- Ông Ngô Đình Châu.

Sau đó, ông Cố vấn có hỏi tôi là tại sao không trình trước khi bắt ? Tôi đáp lúc đó ông Cố Vấn đang ở Đalat, trình lên vụ này e mất thời gian tính nên không kịp trình. Việc bắt giam gia đình người chú ruột của mình là do tôi, bà Nhu biết rất rõ. Nhưng khi gặp tôi, bà vẫn hỏi han như không có chuyện gì xảy ra.

Dư luận còn nóí rằng Bà Nhu chỉ lo cho gia đình riêng mà không lo gì cho công việc chung của đất nưóc là sai. Vì có một lần khi tôi sang thăm cụ Phủ Thông, thì bà Nhu cũng tới thăm Cụ Phủ ( cụ Phủ là Bà Nội của Bà Nhu ). Trong lúc mọi người đang trò chuyện thì bà Đặng Trịnh Kỳ nhà ở kế bên cũng qua thăm, giả lả chào hỏi bà Nhu rồi bắt đầu nói với bà Nhu :
- Chị làm ơn can thiệp dùm cho tôi lấy lại căn nhà mà nhà nước trưng dụng đã lâu quá rồi. Bà Nhu nghe xong bèn thẳng thắn trả lời:
- Bây giờ thím đã có nhà ở rồi mà thím còn đòi có thêm nhà nữa. Nếu ai cũng như thím thì Chính Phủ lấy nhà đâu để làm việc ?

Nói xong câu đó bà Nhu có vẻ giận, bèn vào chào Cụ Phủ Thông và ra xe về. Xem như vậy thì bà Nhu đâu có phải chỉ nghĩ đến gia đình mà không lo việc nước.

Bà Nhu thì ngoài tính tình ngay thẳng, nóng nảy bà còn rất bạo miệng .Năm 1960 trong ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, được tổ chức tại Vườn Tao Đàn, tôi được lệnh theo bảo vệ và chụp hình lưu niệm. Tôi còn nhớ trong bài diễn văn hôm ấy Bà đọc có câu:

- "Chiếc áo không làm nên thày tu "

Và sau buổi lễ đó có Cha vô mách với Tổng Thống cho rằng Bà Nhu đã xúc phạm tới các Cha.Tổng Thống bèn cho kêu Bà Nhu qua để giải thích và bắt Bà Nhu phải xin lỗi các Cha , song Bà Nhu cứng đầu không chịu xin lỗi mà còn đứng giải thích cho đó là câu nói từ ngàn xưa, vả lại không phải chỉ các Cha mới là thày tu mà các Thượng tọa, Đại đức cũng là thày tu mà họ đâu có phản ứng và bắt bẻ gì ?

Tổng Thống bèn đuổi bà Nhu ra khỏi phòng, bà còn lỳ đứng nói với các Cha nữa, làm Tổng Thống giận lấy luôn chiếc gạt tàn thuốc lá liệng bà Nhu, may lúc đó có Trung úy Đức thuộc Binh chủng Thiết giáp, thường được gọi là Đức đen (một trong những Tùy viên) giơ tay ra chộp được, lúc đó bà mới chịu lui ra khỏi phòng .

Nói tóm lại, không riêng gì ông Ngô Đình Nhu đã bị làm cái đinh cho dư luận xuyên tạc, mà bà Ngô đình Nhu cũng không tránh khỏi chuyện đó.

Vì chính trị có nhiều đòn phép dơ bẩn thâm độc, nên lắm lúc dân chúng cũng không chuẩn đoán được những tiếng đồn đãi xấu xa, được khởi xướng từ bọn Cộng Sản hay từ những chánh khách sa lông xôi thịt, đã tung ra hỏa mù dày đặc về những tiếng đồn không tốt cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hoàn toàn là những chuyện bịa đặt để đóng góp vào việc hạ bệ chế độ, mà số người tin là có thật không phải là ít, kể cả giới khoa bảng và đại khoa bảng trên toàn cõi cả nước. Sau đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, phải sống đời tha hương, bà góa phụ Ngô Đình Nhu đã đủ tư cách chứng minh cụ thể, cho những tin đồn vô đạo đức ấy, chẳng qua là để bôi bẩn gia đình bà, vì mưu đồ chính trị hoặc từ Cộng Sản mà ra.

Như vậy là dư luận đã không nhìn thấy rõ những công việc tốt đẹp của Bà Nhu đã làm. Trái lại còn có ác ý khi tung ra nhiều tin tức nhằm giảm uy tín cùng bôi nhọ danh dự của bà. Những tin tức do những kẻ đố kỵ phao tin thất thiệt vu khống nhiều chừng nào thì càng làm tăng thêm sự mến phục của những người hiểu biết và bè bạn bà con về sự đứng đắn thanh cao, đã bảo vệ được danh dự bản thân và dòng họ Ngô Đình và thủ tiết thờ chồng, nuôi con cho thành tài ở nơi xứ người.

Khi được hỏi cách cư xử của Tổng Thống đối với bà Ngô Đình Nhu, nhủ danh Trần Lệ Xuân, ông Quách Tòng Đức, làm Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho biết: "ông cụ có vẻ nể và ủng hộ bà Nhu" trong việc tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới và vận động Quốc Hội ban hành Bộ Luật Gia Đình cấm ly dị và đa thê. Tổng thống cho rằng bà Nhu hành động như vậy là giúp cải tổ xã hội. Tuy nhiên có người lại cho rằng Bộ Luật Gia đình nhằm mục tiêu riêng là ngăn luật sư Nguyễn Hữu Châu ly dị với bà Trần Lệ Chi, chị ruột bà Nhu.

Ngoài chức vụ dân biểu Quốc Hội, bà Nhu còn là chủ tịch Phong trào "Phụ nữ Liên đới”. Khi tiếp quốc khách, bà Nhu đóng vai trò Đệ nhứt Phu nhân vì Tổng thống độc thân. Tuy bất bình về những lời tuyên bố bốc đồng, châm dầu vào lửa của người em dâu trong vụ Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11.6.1963 (đặc biệt với câu “monks’ barbecue”), Tổng Thống không công khai phủ nhận, vì ngại đụng chạm đến ông Nhu trong một giai đoạn đang rối như tơ vò. Chính ông Ngô đình Nhu, với tánh hay nhường nhịn vợ cho yên nhà yên cửa, cũng không kiểm soát nổi lối phát ngôn bốc đồng, thiếu tính toán lợi hại trong phương diện chính trị của vợ mình.

Bà Nhu hiện nay có một cuộc sống kín đáo, đơn sơ, chú tâm về tâm linh trong tinh thần tôn giáo. Bà thường qua lại giữa Paris và Rome và tất cả con cái đều thành đạt. Các con:
- Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư canh nông, 56 tuổi (2008), lấy vợ người Ý, có 4 con (3 trai, 1 gái).
- Ngô Đình Quỳnh, tốt nghiệp ESSEC (Trường Kinh tế và Thương mại Pháp), hiện làm cho một công ty Mỹ tại Bruxelles, Bỉ.
- Ngô Đình Lệ Thủy, trưởng nữ, mất vì tai nạn giao thông tại Paris năm 1968.
- Ngô Đình Lệ Quyên, tiến sĩ Luật Đại học Roma, không nhập quốc tịch Ý tuy có chồng người Ý. Con trai 7 tuổi (2007) mang họ mẹ trên giấy tờ là: Ngô Đình Sơn.

Như vậy, thực tế đã cho thấy rõ ràng: những kẻ xuyên tạc, bôi bác bà Ngô Đình Nhu chỉ vì mục đích thù nghịch về chính trị, về tín ngưỡng mà thôi. Thực ra nếu vô tư mà xét thì phải dành một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử cho bà Ngô Đình Nhu, khuê danh Trần Lệ Xuân vì tinh thần chống Cộng Sản, chống thực dân Pháp và vì tinh thần tích cực phục vụ nhân dân trong lãnh vực chính trị cũng như xã hội.

Trần Hữu Phái xin cảm ơn sự kiên nhẫn đọc của quý vị .

Trân trọng kính chào
Trần Hữu Phái

TAM73F
11-19-2013, 08:58 PM
Bà Ngô Đình Nhu trả lời phỏng vấn năm 1982 (phụ đề Việt ngữ)

<iframe width="640" height="360" src="//www.youtube-nocookie.com/embed/Kxwbs5Iy7-8" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>




Cuộc phỏng vấn Bà Ngô Đình Nhu
sau 20 năm ngày Chồng là Ô. Ngô Đình Nhu và Anh là TT Ngô Đình Diệm bị thảm sát
(xem chi tiết đính kèm)

Ký giả:
Vous pouvez dire la morte, la morte… [Tiếng Pháp] Bà có thể nói cái chết, cái chết...

Madame Nhu:
Không, ý tôi nói Việt Nam bị chặt đầu.

++++

Đó là sự thật!
Kể từ đó người Việt trong và ngoài nước sống thân phận là những đứa con mồ côi, không nhà, và vô tổ quốc.
Chúng ta người dân Việt mang thân phận mồ côi không thể hèn yếu, ngoảnh mặt, ngồi yên ...
nhưng kiên cường tranh đấu cho đến ngày dành lại tổ quốc thân yêu.

Đặng Bảo
19/11/2013

Cuộc Họp Báo Quốc Tế của Madame Ngô Đình Nhu về Sự Thật Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam 1963-1975 [Update với Video phụ đề]
HLTL LỊCH SỬ VN, Theo Dõi Sự Kiện, VNCH 11/18/2013
(Xem: 8416) -

http://youtu.be/Kxwbs5Iy7-8

Nhân dịp Tưởng Niệm 50 Năm Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng nhị vị Bào Đệ và Quân Dân Cán Chánh VNCH đã vị quốc vong thân, UBTTTADCSVN xin trân trọng phổ biến lại Video Cuộc Họp Báo Quốc Tế của Madame Ngô Đình Nhu vào năm 1982. Bản gốc Anh ngữ và video được lưu trữ ở website của Thư viện tại http://openvault.wgbh.org/catalog/vietnam-1a3f8e-interview-with-madame-ngo-dinh-nhu-1982
Madame Ngô Đình Nhu đã chứng minh cho quốc tế thấy lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dòng họ Ngô Đình. Phần dịch Việt ngữ do Khối Kỹ Thuật, UBTTTADCSVN, thực hiện.


Madame Ngô Đình Nhu (1924-2011), trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB
Tóm Tắt
Là người em dâu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Madame Ngô Đình Nhu được xem như một đệ nhất phu nhân của Nam Việt Nam vào những năm cuối 1950s cho đến đầu 1960s. Đây là phần bà chứng minh cho thấy chính phủ Ngô Đình Diệm là một chính phủ hợp pháp duy nhất ở Nam Việt Nam và rằng họ đã bị Mỹ phá hoại và rằng Mỹ, do đó, đã trả giá. Bà bàn luận về vụ Khủng Hoảng Phật Giáo năm 1963 và những kết quả của các Hòa Ước Paris. Bà nhận định cá tính của ông Ngô Đình Nhu và TT Ngô Đình Diệm và danh tiếng của bà là một "Dragon Lady" của Việt Nam. Cuối cùng, bà mô tả những nổ lực ngoại giao của ông Ngô Đình Nhu đối với Bắc Việt Nam và sự kiêu ngạo của Mỹ trong vấn đề can thiệp vào.


Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB
Legitimacy of the Diem government
I. Tính hợp pháp của Chính phủ Ngô Đình Diệm
Madame Ngô Đình Nhu [còn được biết là Trần Lệ Xuân]

Madame Nhu: Ah, c’est je commence? [Tiếng Pháp] À, vậy là tôi bắt đầu? Quý vị, quý vị là nhóm truyền thông phương Tây đầu tiên hỏi tôi, gởi đến tôi câu hỏi đó, Chuyện gì đã xảy ra ở VN? Và điều gì đã sai lầm? Quý vị là người đầu tiên. Tôi chấp nhận quý vị ngay vì gần hai thập niên không có ai quan tâm đến chuyện gì đã xảy ra ở VN. Những gì tôi phải nói thì rất quan trọng đối với tôi. Và gần hai mươi năm tôi đã không có cơ hội thực hành Anh ngữ, vì vậy thỉnh thoảng tôi sẽ tham khảo tài liệu đã được soạn sẵn.

Trước hết tôi muốn hỏi quý vị, quý vị không nhận thấy rằng số phận khác thường dành cho nước Mỹ sao? Quý vị không nhận thấy rằng Tổng Thống Carter, thí dụ, là vị TT Mỹ xấu số thứ 5 sao? Và quý vị không nhận thấy điều này cũng có nghĩa rằng các chính trị gia thật thông minh, thật tài giỏi ấy lại cho rằng họ đã có thể nói vào 1975, thí dụ, là hãy bỏ quên Việt Nam lại sau lưng sao?

Họ đã cho rằng họ có thể nói điều đó với nhân dân Mỹ, hãy quên đi. Mặc dầu với sức mạnh và tài năng của họ, trên thực tế họ lại chính là những người có số phận ấy. Vậy thì đây là điều khác thường mà VN đã có thể tạo ra, đã có thể lôi cuốn số mệnh vào những ai cho rằng họ có thể khinh miệt mình, khinh miệt đất nước của tôi. Và Mỹ không phải là đầu tiên. Đầu tiên, chẳng hạn, là chính phủ Mendès France của Pháp.

Ông ta có một tầm vóc chính trị như thế mà không ai hiểu tại vì sao sau việc ký kết phân ranh Việt Nam lại điều chỉnh lời kêu gọi của ông ta. Ông ta muốn loại bỏ VN trong quá khứ - Quá khứ đó dành cho ông ta. Vì vậy nên bây giờ tôi phải nghĩ... số phận ấy bắt đầu từ việc phân ranh VN. Tại sao? Bởi vì thực dân Pháp lúc bấy giờ đã có thể trao trả toàn vẹn đất nước VN lại cho chính quyền hợp pháp nhưng thay vào đó nó đã lợi dụng vào việc thua trận trong khi nó không hề thua trong cuộc chiến.

Nó lợi dụng vào việc thua trận để phân chia đất nước nhằm phối hợp với Cộng sản và đặt nhân dân Việt Nam vào một sự việc đã rồi. Đây là sự mưu phản thứ nhất. Bây giờ tôi giải thích sự mưu phản thứ nhất đối với chính quyền hợp pháp nào? Bây giờ tôi phải giải thích tại sao chính quyền hợp pháp quá liên hệ vào và vì tôi nhìn thấy rất rõ rằng đối với người phương Tây, quý vị biết rõ sự quan trọng của chính quyền hợp pháp có nghĩa là gì.

Nhưng quý vị đối xử, quý vị hành động, xin lỗi khi tôi nói Quý Vị, nghĩa là "quý vị" theo cách nói chung. Thực ra, phương Tây đối xử như thể chúng tôi, thế giới thứ ba, không hiểu chút nào về chính quyền hợp pháp. Đấy là cho chúng tôi, cho chúng tôi. Điều đó có nghĩa là không có cái đầu nào tốt. Trên thực tế, ta phải có một cái đầu lành mạnh nếu ta muốn Chúa Thánh Thần thể hiện bản thân thông qua nó. Để có cái đầu lành mạnh - Có nghĩa là gì? Nghĩa là chính quyền đó phải hợp pháp.

Hợp pháp có nghĩa là được bầu cử một cách chính đáng. Nghĩa là chính quyền đó phải chấp nhận cuộc đương đầu hòa bình với chính quyền tiền nhiệm và với tất cả những ai chấp nhận để nhân dân bầu chọn mà không dùng đến phương sách bạo động. Ở VN, chính quyền duy nhất đáp ứng những điều kiện này là chính phủ của TT Ngô Đình Diệm bởi vì ông là người duy nhất chấp nhận có cuộc đương đầu hòa bình với Hoàng Đế Bảo Đại, người tiền nhiệm của ông.

Và sau khi ông bị giết, không ai dám chấp nhận đương đầu hòa bình với người mà người ấy nên được bầu chọn vào vị trí của ông trong trường hợp ông biến mất, chiếu theo Hiến Pháp của Việt Nam Cộng Hòa được thành lập bởi ông. Vì vậy khi nói Hồ Chí Minh giành được sự thoái vị của Bảo Đại, chẳng hạn, thì nó có nghĩa là ông ta đã giành được toàn bộ sự sai lạc bởi lẽ Bảo Đại đã trở lại 4 năm sau đó để không thừa nhận ông ta.

Vì vậy chính quyền hợp pháp duy nhất của VN là chính quyền được đảm đương bởi TT Ngô Đình Diệm và nói một cách chính xác là đã bị chặt đầu bởi Mỹ. Vậy thì giờ đây quý vị, tôi nghĩ quý vị bắt đầu hiểu tại sao có một số phận như thế đặt trên đầu của nước Mỹ, sau khi những gì đã được làm ở VN... Bây giờ tôi cần giải thích tại sao có sự chặt đầu đó. Tôi xin lỗi, để lưu tài liệu...

Ký giả:
Vous pouvez dire la morte, la morte… [Tiếng Pháp] Bà có thể nói cái chết, cái chết...

Madame Nhu:
Không, ý tôi nói Việt Nam bị chặt đầu.

Ký giả:
À, vâng. Vậy thì có lẽ có thể nói một cách rõ hơn là tại sao có cuộc đảo chánh, hoặc tại sao lãnh đạo chính phủ đã bị...

Madame Nhu:
À đúng. Không, nhưng ý tôi muốn nói như thế này -- bởi tôi cho rằng một chính quyền hợp pháp của VN là cái đầu và nếu quý vị phản bội, nếu quý vị ... có thể nói như thế nào, làm cho nó biến mất? Điều đó chính xác như là quý vị chặt đầu VN.

Ký giả:
Toàn bộ đất nước.

Madame Nhu:
Đúng, VN là một cơ thể con người, có thể nói như vậy. Đó là một chính quyền hợp pháp. Đó là cái đầu của nó. Và khi quý vị phản bội nó, quý vị tấn công nó. Đó là khi quý vị chặt đầu nó. Quý vị thấy không.

Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB

Struggles with statecraft in South Vietnam
II. Sự Cố Gắng Trong Việc Điều Hành Quốc Gia tại Nam Việt Nam

Madame Nhu:
Bây giờ hãy giải thích tại sao như vậy và, trên thực tế, nó chỉ diễn ra sau vấn đề Vịnh Con Heo, Bức Tường Bá Linh, và Hỏa Tiễn của Cuba. Sau ba vấn đề, mà chúng ta có thể nói, sai lầm thì Chính phủ Mỹ tin rằng phải lấy lại phần nào uy tín ở nước tôi.

Đưa vấn đề hỏa tiễn Cuba ra thì có thể khiến cho người ta sửng sốt bởi vì nó luôn đại diện cho uy lực. Nhưng thực sự tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng ngay cả CP Mỹ cũng đã hiểu nó không là uy lực gì cả. Tôi tin rằng CP Mỹ đã bị Sô Viết đánh lừa. Sô Viết đã không hề có khả năng bảo vệ Cuba nhưng giờ đây lại thành công trong việc đạt được công ước không tấn công đảo quốc này mà đổi lại là cắt giảm vài hỏa tiễn.

Madame Nhu:
Và vì vậy tôi xem việc CP Mỹ vào lúc đó đã bị Sô Viết lừa gạt vì Sô Viết hoàn toàn không có khả năng bảo vệ Cuba mà lại đạt thỏa thuận chỉ bằng cách cắt giảm vài hỏa tiễn... Không ai biết chúng có được làm bằng thiếc hay không vì chỉ có họ sử dụng chúng. Có thể nói đó là một cái giá rẻ mạc cho một công ước không tấn công. Nên tôi nghĩ do tất cả những thất bại, những sai lầm, mà CP Mỹ lúc đó đã không thể kháng cự và dễ mắc lừa...

Nó đã quá dễ mắc lừa. Nó không còn sức kháng cự để dùng lá bài thắng cuộc duy nhất là VN. Để nói VN như là sự thắng cuộc -- như là lá bài thắng cuộc, chắc chắn người ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên rằng bởi lẽ: 'Đối với chúng tôi, Việt Nam luôn đại diện điều gì đó thua cuộc. Nó đang ở trong tình trạng hổn độn mà!', vv...vv... Điều này không đúng! Bằng chứng VN là lá bài thắng cuộc là vì, trên thực tế, Mỹ đã nhảy vào đó, muốn có mặt ở đó, phải giết người để xen vào. Vì không thì còn ai có thể, cứ cho rằng duy vật như người Mỹ, mà làm tất cả những chuyện như vậy để nhảy vào một nơi thua cuộc.

Vậy thì bằng chứng rất rõ là ở đó. Còn bằng chứng đối với CP Mỹ thì, thực ra, là vì chúng tôi đã bình định toàn bộ miền Nam qua Chương Trình Ấp Chiến Lược và mặc dầu, nhận thấy bị thua trong chiến tranh du kích và chiến tranh lật đổ, người Cộng Sản không dám leo thang và từ đó không dám leo thang. Người Mỹ đã nhìn thấy rất rõ nhưng lại không dám nhìn nhận, chỉ vì sợ hãi.

Nên họ đã cân nhắc tất cả các yếu tố cho một sự thắng cuộc chắc chắn ở VN cần được tiến hành. Chỉ có cách duy nhất là gia đình Ngô Đình, tức là TT Ngô Đình Diệm và chồng tôi -- được thay thế bằng những ai chịu chấp nhận sự can thiệp của Mỹ. Vì chúng tôi không muốn sự can thiệp đó, nên TT và chồng tôi đã phải bị giết, chỉ có vậy.

Và để thực hiện sự mưu phản đó, giới truyền thông phương Tây theo chân thế giới Mỹ đồn thổi chúng tôi là những kẻ độc tài. Đối với chuyện này thì tôi cần phải đọc, bởi thực sự nó rất là quan trọng đối với tôi. Chúng tôi đã bị đưa ra, thậm chí bây giờ đây, là kẻ độc tài, những kẻ độc tài, nhưng chúng tôi không bao giờ vi phạm hiến pháp chúng tôi, vốn còn dân chủ hơn hiến pháp Mỹ và dân chủ hơn hiến pháp Pháp và Anh.

Về mặt nào? Cơ quan lập pháp của chúng tôi, là một thí dụ, được trao cho quyền hạn bởi Tu chánh án hiến pháp 1962, để công khai chất vấn cơ quan hành pháp bất cứ khi nào trong phiên họp đại hội. Điều này thì tương đối với cơ quan hành pháp Mỹ. Cạnh đó, cơ quan hành pháp chúng tôi không có quyền hạn giống như ở Pháp và Anh để quyết định trước khi thông qua cơ quan lập pháp.

Không bao giờ. Chúng phải cùng tồn tại cho đến khi mãn nhiệm kỳ của mình. Người dân không thể được triệu tập bởi vì cả hai không thể hòa hợp. Chúng tôi thấy điều đó quá vô ích, quá vô ích. Và, đối với những vấn đề quan trọng, thì có những cuộc trưng cầu dân ý. Vì vậy bằng chứng là ở đó. Tất nhiên, tu chánh án chỉ được thành lập vào năm 1962, nhưng những ai từng nói? Những ai từng thông báo với thế giới để nói rằng hiến pháp chúng ta như thế này thì nghĩa là có dân chủ hơn.

Madame Nhu:
Tất nhiên, chúng tôi đã không có nhiều thời gian để áp dụng tu chánh án của chúng tôi nhưng ít nhất nó đã có. Vì vậy, hoàn toàn không trung thực khi đưa chúng tôi ra như những kẻ độc tài trong khi chúng tôi đã không bao giờ vi phạm hiến pháp của chúng tôi. Không có chứng cớ của bất kỳ sự sai trái từ chúng tôi đối với hiến pháp của chúng tôi. Nhưng mà để tạo nên lòng tin tối thiểu đối với giới truyền thông tại thời điểm đó, giới truyền thông phương Tây tại thời điểm đó đã gọi chúng tôi là những kẻ độc tài. Họ phát minh ra chuyện của Phật giáo, để đưa chúng tôi ra ít nhất không những là những kẻ độc tài mà còn bị phản đối bởi một phần lớn nhân dân của chúng tôi.

Chuyện của Phật giáo đó. Quý vị biết tại sao họ đã sử dụng nhóm đó không? Đó là bởi vì làm như vậy: Tôi chắc chắc rằng niềm tin vào Phật giáo chân chính: không hành động, không phản ứng. Vì vậy một tín đồ Phật giáo chân chính không bao giờ phản ứng. Họ sẽ không bao giờ đi ra ngoài và công khai tố cáo bất cứ ai.

Vì vậy bằng cách sử dụng nghi thức Phật giáo thì họ chắc chắn không thể bị chối bỏ bởi tín đồ Phật giáo thật sự. Tuy nhiên, họ biết rằng đối với phương Tây, đó là sự cuồng tín tôn giáo. Nói chung là coi như là một cái gì đó điển hình cho những người chưa trưởng thành, các nước kém phát triển tinh thần, nên nó không cần phải giải thích để tự biện minh.

Nên, vì hai lý do này mà họ đã chọn tín đồ Phật giáo để - bạn gọi nó như thế nào? - Nghi thức? tôi không biết, dùng chiêu bài nghi thức cúng dường sinh mạng của họ để tạo lòng tin khi cáo buộc chúng tôi là những người độc tài không được lòng dân. Nhưng điều này cũng đã đủ để chúng tôi bắt một vài kẻ khuấy động và xem qui est-ce [Tiếng Pháp] họ là ai, yêu cầu Liên Hiệp Quốc gởi nhóm điều tra sang, và chích quả bóng Phật giáo thành ra xẹp.

Vì chuyện đó, Chính phủ Mỹ cho rằng họ bị mất mặt và quyết định kết thúc với chính quyền hợp pháp này -- Việt Nam với cái gọi là cuộc nổi dậy, trong đó TT Ngô Đình Diệm và chồng tôi đều bị ám sát.

Bây giờ tôi nói sang sự mưu phản thứ hai. Sự mưu phản thứ hai đến vào tháng Giêng, 27.1.1973 tại Paris, 12 quốc gia trong đó có các quốc gia quyền lực nhất thế giới -- Sô Viết, Trung Quốc, và tất nhiên Mỹ là đầu tiên, Sô Viết, Trung Quốc, Pháp, Anh, vv..., 12 quốc gia tập hợp rất long trọng tại Paris để ký cho sự bảo đảm -- quyền của nhân dân Việt Nam lựa chọn chính quyền hợp pháp dưới sự kiểm soát của quốc tế.

Mặc dầu vậy, hiệp ước đó, hiệp ước quốc tế đó đã không bao giờ được tôn trọng. Tại sao? Tất cả những người đã ký vào cư xử như thể Tướng Dương Văn Minh, người đã đầu hàng CS năm 1975, đại diện cho Việt Nam. Vì ông ta đại diện cho Việt Nam, ông ta đầu hàng. Vụ việc được đóng lại.

Nhưng thật là hoàn toàn đạo đức giả bởi lẽ Tướng Minh chỉ đại diện cho chính mình và các tòng phạm với Mỹ trong việc chặt đầu VN.
Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB

Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB

Diem's regime in relation to the American Mission in Vietnam
III. Chính Thể Ngô Đình Diệm trong quan hệ với Sứ Mạng của Mỹ tại Việt Nam

Madame Nhu
Kể từ lúc hiệp ước quốc tế Paris không có mục đích gì khác hơn là được sử dụng để bảo đảm cho Việt Nam - miền bắc cũng như miền nam - quyền có được chính quyền hợp pháp dưới các khoản bảo trợ của quốc tế, thì hiệp ước Paris không thể phục vụ như là một bằng chứng ngoại phạm cho một sự mưu phản khác. Sự mưu phản đó là đặt Tướng Minh làm đại diện của chúng tôi trong khi ông ta không phải. Và sự mưu phản gấp đôi này được che đậy bằng một cuộc trình diễn phức tạp đầy tội lỗi.

Cuộc trình diễn này cho phép Mỹ không bị chất vấn và đồng thời ngăn việc người CS bị chất vấn. Ngăn người CS không bị chất vấn mà, thực ra, tuân theo việc tạo ra cuộc trình diễn phức tạp đầy tội lỗi này. Mỹ giả vờ bị bắt phải giữ lời hứa trước những người không biết sự thật trong khi, trên thực tế thì quá phức tạp, lại không hề được giải thích thì chỉ giúp để che đậy tội lỗi gấp đôi của nó cho đến tận bây giờ -- tức là chống lại sự xác nhận Việt Nam.

Hậu quả là sự cuồng tín tôn giáo năm 1965 khi chuyện Phật giáo vượt quá tầm tay Mỹ, thì một trong những chàng trai vàng của Mỹ đã dùng máy bay Mỹ, bom và tất cả những thứ đó nghiền nát các ngôi chùa. Sau đó, tất nhiên, Mỹ đã bị thuyết phục rằng sự cuồng tín của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể được giải quyết theo cách đó.

Hậu quả thứ hai là Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã bị lạm dụng như một trung tâm dùng cho chiến tranh lật đổ và tuyên bố chiến tranh chống lại Việt Nam để làm mất ổn định đất nước này, trong đó có vụ sát hại vị nguyên thủ hợp pháp. Tôi không biết những gì đã được thực hiện ở Iran, nhưng cho rằng vai trò của các nhà ngoại giao không phải là để kiểm soát và tuyên bố chiến tranh lật đổ bởi sẽ quá bất công cho họ có cuộc sống của họ gặp nguy hiểm vì làm chuyện như vậy.

Đó là lý do tại sao. Tôi nghĩ rằng những gì tôi nghe hiện nay là... không bao giờ lập lại nữa. Không bao giờ lập lại chuyện gì? Tức là từ nay các đại sứ quán không thể bị chuyển đổi như ở Việt Nam. Đừng nghĩ rằng có thể làm thay đổi bằng cách trả đũa, nhanh chóng và ác liệt, bởi vì trong trường hợp đó chúng ta có thể đẩy bản thân mình đến nỗi lo sợ về chiến tranh toàn cầu, chiến tranh thế giới.

Chưa từng ai có thể làm chuyện đó - sử dụng một đại sứ quán làm trung tâm cho cuộc chiến tranh phá hoại, ngoại trừ Mỹ. Bởi vì quý vị đã hiến dâng đồng đô la của quý vị với Đức Chúa, "In God we trust" [Đức Chúa, chúng con tin tưởng]. Vì vậy, ngay sau khi Mỹ không mạch lạc với chính mình, nó sẽ ngay lập tức nhận hậu quả. Bây giờ, quý vị có thể đặt câu hỏi của quý vị.

Ký giả:
Madame Nhu, bà hiện diện vào khoảng thời gian 1954 đến 1963 trong khi Ngô Đình Diệm làm lãnh đạo của chính phủ. Bà có thể cho chúng tôi biết một tí về ông như thế nào không? Bà có thể mô tả cá tính ông, và cho biết ông có thay đổi gì trong suốt giai đoạn 9 năm đó không?

Madame Nhu:
Ồ, ông chưa bao giờ thay đổi. Để mô tả cá tính của ông, tôi có thể nói rằng ông là một người đạo đức - như trong Kinh Thánh. Nghĩa là có thể phạm sai lầm, nhưng ông luôn luôn muốn phục thiện ngay lập tức. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng thật là một tội ác từ phương Tây khi lên án ông, giết ông mà không cho ông cơ hội để thậm chí trả lời, để nói chuyện bởi lẽ lúc đó quý vị không biết chuyện.

Ông đã hỏi, nhưng có chuyện gì sai vậy? Các ông muốn tôi làm gì vậy? Và quý vị có biết điều gì đã được nói với ông không? (Vị đại sứ đầu tiên, Đại sứ Nolting, đã bị sa thải một cách phi lý bởi vì ông đã không đồng tình với những việc phá hoại của Đại sứ quán Mỹ thời điểm đó. Ông được thay thế bằng người khác.) Vì vậy câu hỏi của Tổng thống Diệm, chuyện gì vậy? Tôi phải nói gì, tôi phải làm gì?

'Chỉ cần nói, không có gì. Chỉ giữ im lặng. Không nói bất cứ điều gì.' Tất cả chuyện này được dựng lên bởi báo chí, bởi các hãng truyền thông. 'Để cho chúng tôi; chúng tôi sẽ sắp xếp nó.' Còn phần của ông chỉ việc giữ im lặng và bị giết, bị đâm từ phía sau mà không nói gì!

Ký giả:
Còn về những ấn tượng đầu tiên của bà về người Mỹ? Khi lần đầu tiên bà ở đó, bà có cảm thấy họ đã biết họ dự định làm gì không?

Madame Nhu:
Những ấn tượng đầu tiên của tôi về người Mỹ? Lúc đầu chúng tôi - tôi đã rất, bạn nói như thế nào, bien intentionée [Tiếng Pháp], có nghĩa là tôi đã có những thiên kiến ​​tốt nhất về họ. Tôi đã cho rằng họ là những người chân thành và là người mà người ta có thể hòa đồng rất tốt. Không có vấn đề chi, nhưng...

Ký giả:
Những người như Đại tá Lansdale người đã đưa ra lời khuyên cho TT Diệm vào thời điểm đó, thí dụ...

Madame Nhu:
Đúng, Đại Tá Lansdale. Tôi phải nói rằng tôi không biết ông ta rõ lắm. Tôi không biết ông ta rõ lắm. Tôi đã gặp ông ta vài lần, nhưng tôi nghĩ rằng thực sự đối với Tổng Thống, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thì đã gặp người Mỹ và thực sự ông thích họ. Ông cho rằng ông có thể hòa đồng với họ. Đối với chúng tôi, chúng tôi đã không có nhiều cơ hội để gặp họ. Nhưng tôi tin rằng Đại Tá Lansdale - bây giờ ông là một vị tướng - là một người bạn tốt như nhiều người, như Đại Sứ Nolting. Nhưng những người, những người bạn tốt của chúng tôi đều đã bị sa thải.
Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB

Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB
The character of Madame Nhu and her husband
IV. Cá Tính của Madame Nhu và Chồng của bà

Ký giả:
Madame Nhu, trong giai đoạn đầu này, bà đã được biết đến như là Đệ Nhất Phu Nhân của Việt Nam. Bà có thể xác định vai trò của bà nếu được?

Madame Nhu:
Ồ không, chuyện này quá rắc rối, và nếu tôi, à, nó sẽ làm thành nhiều tập để nói về việc tôi đã bị túm cổ như một chú mèo con và quẳng vào đấu trường. Đấu trường, bạn có nói không? Đúng, và đó là...

Ký giả:
Madame Nhu, trong suốt giai đoạn của Chính phủ Diệm, bà đã được biết đến như là Đệ Nhất Phu Nhân của Việt Nam. Bà có thể xác định vai trò của bà cho chúng tôi?

Madame Nhu:
Vai trò của tôi. Không, thật là quá khó để mà xác định. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi đã bị túm cổ bởi Chúa và như một chú mèo con, quẳng vào một đấu trường có những con sư tử. Nhưng tôi tin rằng chỉ vì tôi được sinh ra dưới biểu hiện của sư tử, nên tôi phải tin mình có thể hòa đồng với chúng. Mà thực sự, đó là một câu chuyện rất dài để nói. Tôi đã viết ít nhất 3 tập về nó vì vậy tôi xin chọn để dành phần này.

Ký giả:
Còn về báo chí phương Tây đã phản bội bà như thế nào? Thí dụ, có sự việc gọi bà là Dragon Lady. Xin bà vui lòng bình luận về sự việc đó?

Madame Nhu:
Tôi tin rằng khi họ gọi tôi như thế chỉ vì họ thấy rằng tôi có vẻ không sợ hãi, và đó là sự thật. Chồng tôi, ông rất không hài lòng với một bên, anh trai của ông, còn một bên, vợ ông. Ông xem cả hai chúng tôi là những người quá ngây thơ, những người mà hoàn toàn, bạn nói như thế nào? comme ça, inconscient (Tiếng Pháp) như là, vô thức - nghĩa là chúng tôi không có ý thức được một thực tế rằng để nhảy vào trận đấu mà lại không, lại chẳng có cảm giác rằng mình đang chiến đấu với những con thú hung dữ. Và ông nói đi nói lại với anh của mình: Anh, anh chỉ nên làm một thầy tu và em (nói với tôi), em chỉ nên ở nhà và làm một người vợ nội trợ trầm lặng.

Madame Nhu:
Nhưng tôi nói, tất nhiên, nếu tôi được trở về với vai trò của chính mình, tôi sẽ theo lời khuyên của chồng tôi ngay lập tức là chỉ quay về nhà để đan, vá, và nấu nướng. Đó là những điều duy nhất mà tôi thích trong cuộc đời. Tuy nhiên khi tôi ở đất nước của tôi, người ta tìm đến tôi và yêu cầu tôi nên làm chuyện này, nên làm chuyện kia. Rồi tôi nhận thấy rất rõ rằng nếu tôi không làm, thì sẽ không có ai làm những chuyện đó.

Đó là lý do tôi tổ chức các thứ để có thể giao lại ngay vì tôi đã không muốn và không thích cuộc sống mà tôi trãi qua lúc đó chút nào cả. Rồi báo chí cho là, gọi tôi là Dragon Lady do họ nhìn thấy rằng hoàn toàn không có điều gì có thể ngừng tôi lại. Duy nhất một điều họ có thể ngừng tôi lại là phải giải thích cho tôi về điều tôi đã làm sai như thế nào. Nếu họ không giải thích, tôi không quan tâm.

Cho nên, họ nhìn thấy rất rõ rằng tôi không e sợ điều chi hết. Vậy bạn thấy tại sao mà tên gọi đó có rồi chứ? Họ, giới báo chí, đã mời tôi đi. Đầu tiên họ nói, Ông Nhu, Gia đình Nhu, không có ông bà Nhu, tin tốt lành. Họ phải rời khỏi nước tôi, nên họ đã mời tôi đi để giải thích vị trí của tôi ngay tại các bục diễn thuyết của Mỹ. Quý vị thấy đó, với giới báo chí. Khi tôi rời nước tôi, tôi đến Belgrade một cách khó khăn vào thời điểm đó, rồi tôi được Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết rằng tôi không nên đến Mỹ vì họ sẽ không bảo đảm cho sự an toàn của tôi.

Thì ra họ mời tôi để cho tôi rời khỏi nước tôi. Nhưng ngay sau khi tôi rời nước tôi, thì đừng có đến. Tôi nói tôi đã rời khỏi nước tôi chỉ để đi đến đó và Chính phủ Mỹ sẽ chứng minh cho thế giới thấy họ có khả năng bảo vệ cho một người phụ nữ yếu đuối ngay trên lãnh thổ của họ hay không. Và...

Ký giả:
Vậy vào thời điểm này - vậy là tháng Mười, 1963...

Madame Nhu:
Đúng, chính xác.

Ký giả:
Bà đã thất vọng với người Mỹ?

Madame Nhu:
Vào lúc đó họ đã mời tôi và sau khi tôi rời nước của tôi thì họ nói với tôi như vậy. Tất nhiên, tôi đã bị lừa gạt, bị lừa gạt.

Ký giả:
Bị thất vọng.

Madame Nhu:
Bị thất vọng, thất vọng. Và vì vậy mà mọi người đã cho tôi là Dragon Lady - có lẽ vì tôi đã thách thức họ.

Ký giả:
Madame Nhu, còn về chồng của bà. Bà có thể - xác định vai trò của ông như thế nào không?

Madame Nhu:
Ông là tất cả ở Việt Nam. Ông đã tổ chức đất nước khi Tổng Thống đi xa. Và khi Tổng Thống trở lại tất cả mọi thứ ở đó để chào đón. Và nếu không có ông thì Tổng Thống sẽ không... - Tôi không nghĩ rằng sẽ dễ dàng cho TT để cai trị đất nước, điều hành đất nước. Đó là lý do tại sao khi được đề nghị đuổi chồng tôi đi, TT nói đó là một sự đòi hỏi hoàn toàn ngu ngốc.

Vì ông hiểu rất rõ rằng chồng tôi có thể làm việc mà không có ông nhưng ông không thể làm việc mà không có chồng tôi. Còn chồng tôi thì, tôi tin rằng ông đã có tầm nhìn rất xa so với tuổi đời của ông, của dân tộc ông. Một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu. Bây giờ tôi không thể giải thích ở đây như thế này.
Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB

Madame Ngô Đình Nhu, trả lời phỏng vấn 1982
- Screen captured by UB

The Buddhist Crisis
V. i. Cuộc Khủng Hoảng Phật Giáo

Ký giả:
Madame Nhu, bà đã nói một chút về cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963, trong thời gian đó đã có một trích dẫn được cho là của bà rằng bà vui lòng khi những nhà sư đem nướng chính họ. Bà có thể bình luận về trích dẫn đó?

Madame Nhu:
Ồ, tôi đã phải bình luận những gì tôi nói về các tín đồ PG. Tôi đã có cơ hội để làm điều đó vài lần và điều duy nhất mà tôi có thể nói rằng tất cả mọi người nếu phải đối mặt với những việc như thế, rồi thì họ phải đi đến cùng một giải pháp. Điều đó có nghĩa là: Đối với những người điên rồ vì hào quang, hào quang giả tạo, họ chấp nhận bị đánh thuốc mê và để bị đốt cháy đến chết. Họ có quyền không bao giờ bị ai đặt vấn đề. Vậy phải làm gì để ngăn chặn việc họ chấp nhận bị sát hại bởi các cuộc biểu tình?

Điều duy nhất tôi có thể làm vào lúc đó là chế giễu họ bởi vì ngay khi nó được tô vẻ như một cái gì đó hoàn toàn xứng đáng được khen ngợi, thì tất nhiên, sẽ luôn luôn có người điên rồ vì hào quang giả tạo chấp nhận nó. Tôi phải làm ngược lại.

Ký giả:
Madame Nhu, ai đứng đằng sau cuộc khủng hoảng PG?

Madame Nhu:
Tôi tin rằng trước hết là CS nhưng nó sẽ không bao giờ có khả năng gây ra đến mức độ đó mà không cần sự giúp đỡ, không cần sự trợ giúp của truyền thông Mỹ, truyền thông phương Tây. Vì vậy, sau khi nó hoàn toàn trở thành chuyện của Mỹ và sau việc sát hại gia đình Ngô Đình thì nó đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát, và họ phải đánh bom nó.

The 1963 Coup of the Diem Regime
V. ii. Cuộc Đảo Chánh Chính Thể Ngô Đình Diệm năm 1963

Ký giả:
Từ khoảng tháng Tám năm 1963 thì đã có những tin đồn về các cuộc đảo chánh và phản công chống đảo chánh. Madame Nhu, bà có thể giải thích tại sao bà cảm thấy tình hình đủ an toàn vào thời điểm đó để rời khỏi đất nước?

Madame Nhu:
Năm 1963 tôi đã phải rời khỏi đất nước. Như tôi đã nói với quý vị rằng tôi luôn luôn tổ chức tất cả mọi việc để cho mọi người làm mà không cần có tôi. Vì vậy, đối với công việc của riêng tôi, đối với phong trào phụ nữ của tôi, thì tôi có thể rời đất nước. Tất cả mọi việc đã được tổ chức theo cách đó.

Tôi có một sứ mạng là ngăn cản họ. Nếu tôi không thể ngăn cản họ thực hiện tội ác, thì ít ra là sứ mạng của tôi là làm bằng cách mà tội ác đó không thể được hoàn hảo. Vì vậy, tôi đã phải đi nói chuyện trước. Mọi chuyện là như vậy nên nếu chuyện xảy ra sau đó thì bạn biết rằng tất cả được tính toán trước.

Ký giả:
Theo bà, ai chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chánh 1963?

Madame Nhu:
Thật ra, tôi tin rằng Chính phủ Mỹ vào thời điểm đó, nếu, nếu nó không phạm quá nhiều sai lầm, quá nhiều lỗi - Vịnh Con Heo, Bức Tường Bá Linh, Hỏa Tiễn Cuba - thì nó sẽ không, nó sẽ không bao giờ thực hiện cuộc đảo chánh. Nhưng sau ba sai lầm như những cái tôi vừa trích dẫn, nó phải làm một cái gì đó ở Việt Nam - bạn nói như thế nào? - để sở hữu Việt Nam. Và đối với họ, tất cả các yếu tố để thành công là ở đây. Họ cho rằng họ không thể rời bỏ nó cho chúng tôi nhưng những gì họ đã làm thì chính xác là cướp của người nghèo. Đó là nguyên nhân có số phận đó dành cho họ bây giờ.

Ký giả:
Ai chịu trách nhiệm cho cái chết của chồng bà và...?

Madame Nhu:
Quý vị đã thực hiện rất nhiều cuộc điều tra, sách và sách và điều đó có nghĩa là Mỹ đã làm chuyện đó và họ không thể tìm ra. Điều đó có nghĩa, theo tôi, rằng họ chỉ thực hiện những cuộc điều tra để dổ dành mọi người bởi vì nếu thực sự họ muốn biết ai là người chịu trách nhiệm thì họ sẽ tìm thấy... Tôi không muốn buộc tội bất cứ ai.

Madame Nhu:
Tôi không muốn buộc tội bất cứ ai. Tôi không muốn đi vào chi tiết, nhưng bằng chứng thì ở đó. Chịu trách nhiệm là Chính phủ Kennedy và chắc chắn rằng việc sát hại vị nguyên thủ quốc gia và em trai của ông, một việc chặt đầu Việt Nam, không thể được thực hiện nếu đích thân Tổng Thống không bật đèn xanh. Chuyện này nhìn từ bên ngoài là như thế. Rõ ràng, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Tổng Thống Kennedy, nhưng thực tế - Tôi không biết. Sự thật - Tôi không biết. Tôi muốn được biết.

Ngo Dinh Nhu's diplomacy
VI. i. Vấn Đề Ngoại Giao của Ông Ngô Đình Nhu

Ký giả:
Madame Nhu, năm 1963 đã có một số tin đồn rằng chồng của bà là điên rồ, rằng ông điên rồ quyền lực, và rằng ông là một người nghiện heroin. Bây giờ, bà có thể bình luận về điều đó?

Madame Nhu:
Vâng, họ đã nói rất nhiều, rất nhiều điều chống lại chồng tôi. Họ thậm chí còn nói, họ nói rằng ông là một con quỷ thuốc phiện và đại loại như vậy. Và quý vị thấy họ luôn có thể nói bất cứ điều gì chống lại tôi. Tôi không quan tâm. Nhưng tôi biết chồng tôi và để nghe tất cả những điều chống lại ông, tôi thực sự, tôi không thể chịu đựng được. Tôi không thể chịu đựng vì tôi biết ông.

Ông có một ý thức trách nhiệm rất cao và ông nhìn thấy rất rõ rằng ông đã không được hiểu, ông đã phục vụ dựa trên một niềm tin vào Chúa và vào chính mình, bị xem điên rồ vì ông đã đương đầu với Mỹ. Nhưng đối với một đức tin như vậy, điều đó có nghĩa là gì?

Là năng lực của con người. Nhưng không ai hiểu, nên họ nói rất nhiều điều. Từ nhiều năm trôi qua, cái chết của chồng tôi - tôi đã có thể chấp nhận nó, nhưng làm hạ nhân cách của ông thì tôi không thể chịu đựng nổi. Bây giờ sự báo thù đang đến đó. Sự báo thù đang đến rằng tất cả những người đã tấn công ông, đã nói tất cả những điều đó, khi mà sự thật về ông được tìm thấy và sự điên rồ của ông thực ra là cái gì? thì tất cả những người đó sẽ phải xấu hổ. Sẽ phải xấu hổ. Họ sẽ muốn nuốt lại tất cả những gì họ đã nói bởi nó sẽ chứng tỏ họ ngốc như thế nào khi đã không hiểu con người này... Giờ đó đang đến.

Ký giả:
Um, cũng có tin đồn rằng bởi vì chồng của bà cảm thấy bị phản bội bởi người Mỹ nên ông đã thực hiện những cuộc thương lượng với CS Bắc Việt. Bà cũng có thể bình luận về điều này?

Madame Nhu:
Những cuộc thương lượng với CS? Thực ra, như tôi đã giải thích, chúng tôi đã thắng cuộc chiến. Nếu chúng tôi không thắng cuộc chiến, thì không bao giờ Chính phủ Mỹ nhảy vào Việt Nam. Chúng tôi đã thắng cuộc chiến. Những người CS đã không dám leo thang. Họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: hoặc leo thang - họ không dám - hoặc đàm phán. Vì vậy, chính họ là người gửi người đến chúng tôi bởi vì chồng tôi đã tìm thấy một giải pháp chống lại cuộc chiến tranh phá hoại. Giải pháp đó cho phép người dân của ông sống trong chiến tranh, phòng thủ từ xa mặc dù có chiến tranh.

Và do đó những người Cộng sản không thể làm bất cứ điều gì. Vì vậy, thay vì leo thang chiến tranh, họ đã không làm, mà họ gửi người của họ đến nói chuyện với chồng tôi và chuyện này đã được xoay, xoay trở ngược chống lại chồng tôi như thể ông đã thực hiện những bước đầu tiên đó. Không, không đúng một chút nào. Đây là một sự dối trá. Không đúng một chút nào. Chính là họ là những người CS đã thực hiện những bước đầu tiên đó.

Ký giả:
Ông đã nói gì với họ?

Madame Nhu:
Tại thời điểm đó, ông chỉ, chúng tôi chỉ mới bắt đầu nói chuyện với họ, để biết, các ông đề nghị gì? Và họ đến, để cho họ khỏi bị mất mặt vì chúng tôi làm hết, chúng tôi đã làm mọi thứ lúc đó để tạo tình huống dễ dàng cho họ. Vì vậy, họ đến, và họ chỉ hỏi điều kiện cho Open Arms Program của các vị là gì? Có nghĩa được dịch từ chữ Chương Trình Chiêu Hồi, mà thực ra, Chiêu Hồi Minh nói là người hồi chánh, là sự trở về của người anh em phiêu bạt. Vì vậy, chúng tôi đã nói với họ chúng tôi sẽ kill the, bạn nói như thế nào, le veau gras [Tiếng Pháp]... anh em phiêu bạt, đứa con phiêu bạt.

[*Chú thích của người dịch: le veau gras có nghĩa là fat calf (bê béo) trong tiếng Anh. Madame Nhu đang cố gắng giải thích Chương Trình Chiêu Hồi bằng thành ngữ tiếng Anh to kill the fatted calf for tức có nghĩa bóng là đón nhận đứa con hoang đàng trở về, nhưng có nghĩa đen là làm thịt con bê béo.]

Họ làm thịt the veal [thịt bê], quý vị gọi the fat [con bê béo] như thế nào, nhưng chúng tôi nói với họ we shall kill the fat veal [làm thịt con bê béo]. Tôi nghĩ rằng Mỹ nghe được câu trả lời đó và họ cho rằng họ sẽ là con bê béo. Có lẽ vậy, bằng không tôi sẽ không thể giải thích được lý do tại sao họ đã làm những gì... những gì họ đã làm, tại sao họ đã làm những gì họ đã làm.

Madame Nhu on the U.S. as arrogant force
VI. ii. Madame Nhu Nhận Định Chính Phủ Mỹ như một Quyền Lực Kiêu Ngạo

Ký giả:
Bà nghĩ điều gì đã đi sai? Tại sao, tại sao, tại sao đã xảy ra một kết thúc bất hạnh vào năm 1963?

Madame Nhu:
Tất cả là, quý vị nói như thế nào, tính kiêu ngạo, xuất phát từ tính kiêu ngạo. Chính phủ Mỹ đã bị thuyết phục rằng nó sở hữu chân lý và đầy khinh miệt đối với... thật quá duy vật để hiểu. Tôi thậm chí không thể buộc tội họ hay là cay đắng với họ bởi vì tôi phải nói rằng ngay cả người dân của chúng tôi cũng đã không hiểu bất cứ điều gì.

Rất nhiều người đã không hiểu bất cứ điều gì. Họ duy vật, họ thừa nhận rằng chồng tôi là hoàn toàn điên rồ vì ông coi thường tất cả những sức mạnh vật chất và bám víu vào giải pháp của mình. Nhưng đó chỉ là một sự hiểu lầm bởi tính kiêu ngạo của một bên và một phần nào sự thiếu hiểu biết của bên còn lại. Bởi vì đối với những người Mỹ, tôi tin rằng đó là sự kiêu ngạo. Nhưng đối với người dân của chúng tôi, tôi tin rằng nó chỉ là một sự thiếu hiểu biết - chưa trưởng thành.

Ký giả:
Um, bà có điều gì muốn nói về việc này?

Madame Nhu:
Có, lời cuối cùng của tôi, thông điệp thực sự tôi muốn chuyển đến cho người dân Mỹ chỉ là thế này: Đừng bắt người của quý vị thực hiện những màn trình diễn đu bay mà không cho họ một mạng lưới. Đó là để nói, đừng cố gắng lấy lại uy tín đã mất từ chuyện Việt Nam... bằng việc xây dựng một quyền lực đáng sợ nhằm thuyết phục trong khi bỏ qua những điều luật và lời giáo huấn của Chúa Kitô. Vì vậy, Mỹ phải thực sự chấp nhận sự thật về Việt Nam trước và đền bù.

(Hết phần 6 & HẾT)

Thay lời kết
Chúng tôi vừa hoàn tất tất cả 6 phần tài liệu được dịch thuật từ video Phỏng Vấn Madame Ngô Đình Nhu do một nhóm ký giả Mỹ thực hiện vào năm 1982. Tài liệu này bao gồm những dữ kiện quan trọng để từ nay sự thật lịch sử không thể bị chối bỏ hay tẩy xóa. Cựu Đệ Nhất Phu Nhân VNCH Madame Ngô Đình Nhu, trong một phong cách ngoại giao rất thông minh và bản lĩnh, đã chứng minh hoàn toàn chính xác:

1- Chính phủ Ngô Đình Diệm Đệ I VNCH là một chính phủ hoàn toàn hợp pháp.

2- CP Đệ I đã nhất định không chấp nhận sự can thiệp quân sự của Mỹ vào VN nên đã bị Mỹ dùng hạ sách để lật đổ. Hạ sách đó là sử dụng con cờ PG (vốn có sẵn mưu đồ phá hoại CP Đệ I) và sử dụng truyền thông phương Tây thổi lửa rằng CP Ngô Đình Diệm là những kẻ độc tài bị phần lớn nhân dân của mình phản đối. Mà thực tế, CP Đệ I không bao giờ vi phạm hiến pháp của mình. Kết thúc, Mỹ đã lật đổ được CP Đệ I, TT Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu đều bị sát hại, cũng chính vì sự thiếu hiểu biết và sự điên rồ vì hào quang giả tạo để bị đánh thuốc mê và thiêu chết của nhóm PG.

3- Mỹ không mạch lạc với chính mình và ngay lập tức nhận hậu quả. Mỹ đã trả giá.

4- Madame Nhu nhận định cá tính của ông Ngô Đình Nhu và TT Diệm và danh tiếng của bà là một "Dragon Lady" của Việt Nam. Tinh thần hết lòng vì quốc gia dân tộc và Tháng Mười, 1963... của CP Đệ I.

5- Cuộc Khủng Hoảng Phật Giáo năm 1963 cũng chỉ là một trong các con cờ chiến thuật của Mỹ. (Đón đọc Thích Trí Quang, Thần Tượng hay Tội Đồ Dân Tộc của Tác giả Liên Thành sắp được phát hành với vô số tài liệu giải mật về những gì đằng sau con cờ PG mà Mỹ sử dụng).

- 1966, con cờ PG đã bùng phát chống Đệ II VNCH là điều nằm ngoài kế hoạch và vượt tầm kiểm soát của Mỹ. (Bằng chứng là Thích Hộ Giác (1928-2012) đã hoạt động sát cánh Thích Trí Quang và tuyên bố PG chiến đấu đến giọt máu và hơi thở cuối cùng để lật đổ Đệ II Việt Nam Cộng Hòa. Ngay sau khi nhận được tuyên bố này, Ngoại Trưởng Rusk, BNG Mỹ, đã viết thư gởi Đại sứ quán Mỹ ở VNCH để nhờ chuyển thông điệp của Chính phủ Mỹ đến Thích Trí Quang và PGVNTN: Tổng Thống Mỹ cân nhắc rằng nếu Thích Trí Quang và PGVNTN cố chấp mà tiếp tục theo hình thức vô trách nhiệm và theo đường lối phá hoại quốc gia VNCH, không những PG sẽ đánh mất mối thiện cảm công khai và chính thức mà Mỹ dành cho họ từ trước đến nay, mà có thể họ còn tạo nên tình hình hỗn loạn và vô CP ở Nam Việt Nam. Điều này sẽ làm cho sự hổ trợ của CP Mỹ đối với Việt Nam không còn hiệu quả nữa [Xin xem nguồn i.]).

- Hậu quả của Hiệp định Paris 1973, Dương Văn Minh hoàn toàn không phải là đại diện hợp pháp của VNCH nhưng lại đại diện VNCH tuyên bố đầu hàng CS. (Loạt tài liệu từ Audio Thích Đôn Hậu tự thú rằng nhóm PG đã lập ra CP Phật Giáo đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống để ra lệnh đầu hàng CS năm 1975 [Xin xem nguồn ii.]. PGVNTN đã cùng nhau thực hiện đúng bài bản. Bằng chứng là loạt tài liệu Thích Quảng Độ, Thích Trí Quang, Thích Hộ Giác, Thích Thiện Minh... đã nhiều lần đăng đàn trên NY Times, Washington Post, Times, vv... để chống VNCH, Mỹ và thề chiến đấu lật đổ Đệ II VNCH. Chúng tôi không tìm thấy tài liệu nào của PGVNTN tố cáo CS xâm lược trong suốt giai đoạn đăng đàn này [Xin xem nguồn iii.).

Liên quan tài liệu Audio Thích Đôn Hậu Tự Thuật:
- Đương sự xác nhận bản thân đã tự nguyện đi theo CS và nằm trong vị trí cao cấp của Trung Ương Đảng CSVN.
- Đương sự đã giữ chức Phó CT Trung Ương Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình Việt Nam (Sau đổi tên là Mặt Trận Tổ Quốc VN).
- Đương sự hoàn toàn không hề bị ai bắt cóc ra Bắc năm 1968. Ra Bắc 1968, đương sự trực tiếp gặp Hồ Chí Minh và theo lời đương sự kể, 'Hồ Chủ Tịch tán dương cuộc tranh đấu của PG là cả một sự đóng góp lớn lao vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, mà điển hình là việc tự thiêu của sư Quảng Đức' [Xin xem lại i.].

6- Chính CS Bắc Việt, bị vô hiệu hóa bởi chương trình Ấp Chiến Lược, đã chủ động đến gặp ông Ngô Đình Nhu để hỏi về điều kiện của Chương Trình Chiêu Hồi của CP. Cuối cùng, Madame Nhu nói rằng Mỹ phải thực sự chấp nhận sự thật về những gì họ đã làm/phản bội Việt Nam Cộng Hòa trước tiên và đền bù.

Bản dịch bởi UBTTTADCSVN
_______

TAM73F sưu-tầm

levannhan
11-20-2013, 02:08 AM
Trong suốt kiếp làm nguời VN của tôi sẽ không bao giờ còn có một người phụ nữ hay là đàn bà VN nào thông minh, khôn ngoan và thật sự tài giỏi và có đầy đủ bản lĩnh và nhân cách như Bà Ngô Đình Nhu này .

Thương yêu và kính trọng Ông bà Ngô đình Nhu cùng vị Tổng Thống thật anh minh thần võ hết lòng YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN Ngô đình Diệm vô cùng .

Anh hùng hào kiệt yêu non nước
Hiền nhân quân tử biết thương dân .

Kính chào đoàn kết và quyết thắng CS trong tình YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN .

levannhan
11-20-2013, 05:10 AM
"Madame Nhu nói rằng Mỹ phải thực sự chấp nhận sự thật về những gì họ đã làm/phản bội Việt Nam Cộng Hòa trước tiên và đền bù."

Hoàn toàn đồng ý với những gì bà Madame Nhu đã nói . Hoa Kỳ phải cố gắng giúp đỡ và làm việc hết sức mình để mau chóng đem đến TỰ DO, DÂN CHỦ, ẤM NO, HẠNH PHÚC, CÔNG BÌNH BÁC ÁI, LUẬT PHÁP CÔNG MINH, NGHIÊM MINH HOÀN CHỈNH cho toàn dân VN để chuộc lại những lỗi lầm của họ trong việc tàn sát và ám sát vị TT thật anh hùng hào kiệt và hiền nhân quân tử của nước VN.

Kính chào đoàn kết và quyết thắng CS trong tình YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN .

TAM73F
11-26-2013, 07:29 AM
“Hoàng Long Phu Nhân” (Bà Ngô Đình Nhu)‏


Tôi viết bài này căn cứ trên những trang sách “Finding The Dragon Lady” của nữ tác giả Monique Brinson Demery. Sách phát hành Tháng 9 năm 2013. Đây là những hàng chữ trên bìa sách và trang 1 của sách :

Finding The Dragon Lady, The Mystery of Vietnam’s, Madame Nhu
Tìm Long Phu Nhân, Bí mật của Việt Nam, Bà Nhu.

Tôi thấy cái tít “Tìm Bà Rồng “nôm na, sống sượng, “Tìm Long Phu Nhân “cũng không khá hơn, tôi tạm để tên bài viết này là “Hoàng Long Phu Nhân.” Cái tít có vẻ như tên phim võ hiệp Tài Oăn, nhưng tôi không tìm được cái tên nào hay hơn. Bốn tấm ảnh đi theo bài này lấy trong sách “Finding The Dragon Lady” của bà Monique Brinson Demery.

Finding The Dragon Lady 260 trang. Trong bài viết này tôi chỉ trích những sự kiện về đời công, đời tư bà Trần Lệ Xuân mà tôi chưa từng đọc, chưa từng biết. Tôi muốn tìm trongFinding The Dragon Lady những chứng cứ bà Trần Lệ Xuân có “ngoại tình” hay không, bà có “yêu” ai không.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385452113.jpg

David Halberstam, ký giả nổi tiếng của Mỹ, tác giả sách The Best and The Brightest, từng sống, làm việc ở Sài Gòn những năm 1960, 1962, viết về bà Trần Lệ Xuân : “The beautiful but diabolic sex dictatress.” . Tạm dịch: “Bà độc tài đẹp nhưng dzâm quái quỉ.”

Ký giả Mỹ Malcolm Brownw, hành nghiệp ở Sài Gòn những năm 1960, viết về bà Trần Lệ Xuân: “The most dangerous enemy a man can have.” . Tạm dịch: “Kẻ thù nguy hiểm nhất mà đàn ông có thể có.” .

Bà Demery kể bà ra đời năm 1976. Như có duyên nghiệp với Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà và với riêng bà Trần Lệ Xuân, ngay từ năm 10 tuổi, bà đã chú ý đến Việt Nam và bà Trần Lệ Xuân. Bà kể năm bà 10 tuổi, bà lén mở quyển sách ảnh Vietnam’s War của thân phụ bà. Trong sách bà thấy ảnh “Ông sĩ quan kề súng vào mang tai anh Việt Cộng, ông Sư tẩm xăng tự thiêu, em gái nhỏ bị bom napalm trần truồng chạy trên đường..vv..” Khi mới lên đại học, bà đã biểu lộ ý muốn nghiên cứu về Việt Nam. Bà kể ông bố của bà nói:
“Bố phải mất 20 năm tuổi trẻ của bố để tránh không đến Việt Nam, Nay con gái của bố lại muốn đến Việt Nam.”

Năm 1997 lần thứ nhất bà Demery đến Việt Nam. Bà được học bổng đến học ba tháng ở nơi bà gọi là Vietnamese Advanced Institute ở Hà Nội. Bà kể khóa học này toàn chuyện vớ vẩn, không giúp cho bà biết gì thêm về nước Việt Nam và người Việt Nam, Năm 2003 bà Demery, sống ở Chicago, tìm cách phỏng vấn bà Trần Lệ Xuân. Bà Demery kể:

Finding The Dragon Lady. Trang 1.

“Paris 2005.
Khi tôi bắt đầu tìm hiểu bà Ngô Đình Nhu – lời bà Demery – bà Nhu đã sống lưu vong hơn bốn mươi năm. Năm 1963 ở đỉnh cao của quyền lực, báo New York Times gọi bà Đệ Nhất Phu Nhân 39 tuổi của Nam Việt Nam – The thirty-nine -year old First Lady of South Viet nam – là “người đàn bà quyền lực nhất Á châu,” bài báo viết bà Nhu giống như Lucrezia Borgia.”

CTHĐ : Lucrece Borgia là người đàn bà đẹp nổi tiếng dâm đãng trong triều đình La Mã ngày xưa. Chuyện đời của nhân vật Lucrece Borgia được điện ảnh Âu châu làm thành phim xi-nê nhiều lần.

January 2005 bà Demery đến Paris. Chỉ biết mơ hồ là bà Trần Lệ Xuân sống trong một toà nhà lầu có cửa sổ nhìn ra thấy Tháp Eiffel, bà Demery đến nơi đó. Ở đó bà thấy có 3 toà nhà lầu có cửa sổ mở ra Tháp Eiffel. Bà Demery vào một toà nhà. Thần Ký Giả giúp bà: bà vào đúng ngay tòa nhà trong có căn phòng của người bà đến tìm. Bà viết sẵn một thư gửi bà Ngô Đình Nhu, thư ngỏ ý muốn được gặp để phỏng vấn, bà tự kể sơ về bà, bà ghi số điện thoại của bà ở Paris, và số điện thoại nhà bà ở Mỹ, bà đưa phong thư cho bà quản gia toà nhà, nhờ đưa giúp cho bà Ngô Đình Nhu. Bà quản gia nhận thư để đưa dùm. Như vậy bà Demery biết bà Nhu ở trong tòa nhà đó. Bà ghi trong sách: Nhà No 24 Avenue de Suffren, Paris.

Trở về Mỹ, bà Demery gửi ba thư đến địa chỉ bà Lệ Xuân, thư viết rõ hơn về ý muốn được gặp và phỏng vấn. Vẫn khóng có thư trả lời. Bà Demery lấy chồng. Một buổi sáng Thứ Bẩy June 2005, khi ông chồng bà Demery còn ngủ nướng, bà Demery nghe tiếng chuông điện thoại reo. Bà Demery kể:

Finding The Dragon Lady, Trang 41, 42, 43, 44, 44.

“Bonjour, “giọng nói trầm vang lên trong ống nghe. “Madame Demery?”

Tôi chỉ có thể thốt ra được tiếng “Oui.” Tôi nghẹn thở, tim tôi đập mạnh. Người gọi tôi có phải là..? Còn là ai nữa! Tôi như đang mơ:

“Thưa bà, có phải bà là bà Nhu? “

Long phu nhân gọi tôi. Một tràng câu hỏi của bà làm tôi choáng váng:

“Bả có phải là viên chức nhà nước không?”

Không, không. Tôi trả lời.

“Ông chồng bà? Hay ông thân của bà? Một người nào trong gia đình bà?”

Tôi trả lời là không có người nào trong gia đình tôi làm nhân viên chính phủ.

“Bà có phải là người được Police mướn, hay bà được New York Times nhờ?”

Những câu hỏi sẽ làm tôi bất bình nếu là người nào đó hỏi, nhưng người hỏi tôi là bà Nhu. Tôi thận trọng trả lời bà từng câu. Bà Nhu tỏ ra hài lòng:

“Bon,” she said definitely, “that is behind us. Good.”

“Bon,” bà nói quyết định,” cho qua. Tốt.”

Bà Nhu đặt ra những điều lệ căn bản. Bà sẽ gọi phone cho tôi. Bà không cho tôi số phone của bà. Bà sẽ không nói với bất cứ ai ngoài tôi, nếu bà phone đến mà người khác bắt máy, bà cúp ngay. Bà sẽ không để message lại trên answering machine của tôi. Tôi nhất nhất tuân phục bà.
Bà nói lời cuối:
“Tôi sẽ phone ba ngày nữa.”

CTHĐ: Nhiều đoạn tôi trích nguyên Anh văn, để quí vị biết Anh văn dễ hiểu hơn. Nhiều tiếng Anh trong sách của bà Demery tôi không chuyển được đúng sang tiếng Việt.

Bà Demery kể:

“Từ đó bà Nhu và tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tôi biết bà gọi khi caller ID điện thoại của tôi hiện hàng chữ “Unavailable.” Chicago đi sau Paris 7 giờ đồng hồ nên khi bà Nhu gọi tôi vào buổi sáng Chicago là buổi tối ở Paris, và ngược lại, Những lần gọi đầu bà nói với tôi về lịch sử Việt Nam, về Bà Trưng, Bà Triệu đánh giặc Tầu. Tôi biết bà nói thế để thử tôi, bà muốn biết về con người tôi. Xen vào chuyện bà kể là những câu bà hỏi về gia đình tôi, về tôn giáo của tôi, về chuyện tôi biết gì, tôi nghĩ gì về Kinh Thánh. Có vẻ như bà không hài lòng lắm về những câu trả lời của tôi.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385452273.jpg

Cô dâu Trần Lệ Xuân.
Ảnh năm 1943 ở Hà Nội.

Tôi thấy tôi nên để bà Nhu nói. Cứ để bà nói, bà sẽ nói nhiều, bà sẽ nói những chuyện riêng năm xưa của bà mà tôi không cần hỏi. Nếu tôi hỏi bà một câu gì mà bà không ưa, bà cắt đứt ngay cuộc nói chuyện. Như khi tôi hỏi bà người ta đồn vòi nước bồn rửa mặt và bồn tắm của bà bằng vàng, có thật thế không? Bà gọi tôi là “nhỏ ngu.” – a silly child – Khi tôi hỏi bà về chuyện người ta nói bà giam những ông sư và sinh viên trong những chuồng cọp, bà thản nhiên nói đó là những chuyện bọn Cộng bịa đặt.

Tôi kể với bà Nhu chuyện riêng của tôi: vợ chồng tôi muốn có con. Buổi sáng hôm tôi thử và biết tôi có thai chỉ vài phút trước cú điện thoại thứ nhất bà gọi tôi. Bà chào đón nồng nhiệt tin tôi có thai: “Mais c’est merveilleux! Maaaarvelous..” Tôi nói: “Merci.” Bà nói:

“Chị là thiên thần được gửi đến giúp tôi hoàn thành Hồi Ký của tôi. Tất cả mọi chuyện về tôi sẽ có trong Hồi Ký.”

Bà không hứa bà sẽ cho tôi đọc Hồi Ký của bà. Tôi bị bà mê hoặc, bà dẫn dắt tôi, tôi đi theo bà.

Finding The Dragon Lady. Trang 68, 69, 70.

“Chúng ta gặp nhau.” Bà Nhu nói ít ngày sau khi tôi sinh cháu trai Tommy. Đây là lần thứ nhất bà nói đến chuyện cho tôi gặp bà. Bà bảo tôi mang Tommy đến Paris. “Được không?” Bà hỏi.
“Thưa được,”

September. Mùa thu Paris. Tôi định đến September tôi sẽ bồng Tommy sang Paris để bà dì tôi ở Paris và các bạn tôi thấy cháu. Đúng lúc bà Nhu bảo tôi sang Paris gặp bà, bà còn dặn tôi đem con tôi theo. Bà cho tôi biết nơi gặp và giờ gặp: 10 giờ sáng ở trước Nhà Thờ Saint Leon, một nhà thờ cách toà nhà của bà không xa, trong Quận 15. Tôi sẽ đứng với con tôi trong xe nôi dưới Tựợng Thánh Joseph.

Bà nói:

“Chúng ta sẽ đi vào công viên, vừa đi vừa nói chuyện. Sẽ rất kín đáo.”

Tôi chờ bà đến 11 giờ. Bà không đến. Khi tôi về nhà bà dì tôi, có tin bà nhắn tôi trong máy điện thoại. Bà phá lệ không nhắn tin của bà. Bà nói bà không đến gặp tôi được vì bà đau. Bà sẽ phone cho tôi sau.

Hôm sau bà phone cho tôi. Bà xin lỗi đã sai hẹn. Lần này bà bảo tôi đến gặp bà ở nhà bà. Tôi đến trước giờ bà hẹn cho tôi gặp, tôi và Tommy chờ bà hơn một giờ đồng hồ ở phòng khách dưới nhà. Bà không cho tôi lên phòng bà. Lần thứ hai bà sai hẹn. Lần thứ hai tôi không giận bà.

CTHĐ: Bà Demery trở về Chicago. Bà và bà Trần Lệ Xuân lại tiếp tục nói chuyện với nhau qua điện thoại. Bà Lệ Xuân nói khi đi khỏi Sài Gòn sang Mỹ giải độc chính quyền và dân Mỹ bà không mang theo tấm ảnh nào của gia đình bà. Bà nhớ căn phòng ngủ của bà. Bà Demery liên lạc với nhân viên Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson. Bà xin được tấm ảnh bà Phó Tổng Thống Johnson – năm 1961 theo Phó Tổng Thống Johnson đến Sài Gòn – được bà Lệ Xuân tiếp và mời xem những tấm da hổ. Bà Demery gửi tấm ảnh ấy tặng bà Lệ Xuân. Bà Lệ Xuân cảm động vì tấm ảnh.

Ảnh ghi hình bà Lệ Xuân, bà Johnson, bà Smith em gái TT. Kennedy, bà vợ ông Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Bốn bà đứng xem bốn hay năm tấm da hổ đật trên sàn phòng. Nhìn kỹ thấy ở tấm màn che cuối phòng có cái đầu anh cà chớn thò ra. Phòng ngủ của bà Lệ Xuân, bà chủ đang tiếp quốc khách, làm sao có anh cà chớn thập thò sau tấm màn? Ảnh có cái giường ngủ. Không lẽ bà Lệ Xuân bầy thường trực bốn, năm tấm da hổ ngay bên giường ngủ. Không biết có phải những tấm da hổ ấy là da những con hổ do ông Ngô Đình Nhu bắn được hay mua làm collection. Những năm 1960 ông Nhu thường vào rừng săn cọp.

Khi bà Dân biểu Trần Lệ Xuân đưa ra Luật Bảo Vệ Gia Đình : Cấm Ly Dị, Cấm có Vợ Bé, dư luận cho rằng bà làm luật ấy để ngăn không cho ông Nguyễn Hữu Châu ly dị bà chị ruột của bà là bà Trần Lệ Chi. Bà Demeri kể bà Lệ Chi có chồng là Luật sư Nguyễn Hữu Châu, con nhà giầu miền Nam, từng làm luật sư phụ tá trong văn phòng của Luật sư Trần Văn Chương ở Hà Nội. Chuyện trước năm 1945.

Bà Lệ Chi sau khi có chồng lại yêu một người Pháp tên là Etienne Oggeri, một chuyên viên săn bắn voi lấy ngà voi nổi tiếng. Bà Lệ Chi muốn ly dị chồng để kết hôn với người tình Oggeri. Bà Lệ Xuân làm Luật Cấm Ly Dị để ngăn bà chị ly dị chồng. Bà Lệ Chi cắt mạch máu cổ tay để tự tử nhưng được cứu sống. Bà Lệ Xuân không lý gì đến sự sống chết của bà chị. Luật sư Nguyễn Hữu Châu là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng chính phủ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Sau khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống, ông NH Châu từ chức, sang Pháp và qua đời ở Pháp. Bà Demeri kể về sau bà Lệ Chi kết hôn với ông Oggeri, hai người sang sống ở Hoa Kỳ.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1385453063.jpg

Bà Trần Lệ Chi

Finding The Dragon Lady. Chương 16. Trang 213 đến trang 225.

Bà Nhu và cô con lần lữa ở lại California sau ngày xẩy ra cuộc đảo chính. Ba người con của bà đã được đưa từ Sài Gòn đến Roma nhưng bà Nhu vẫn chưa thể sang đó với các con bà. Bà không sao chấp nhận cái tin Tổng Thống NĐ Diệm và ông chồng bà đã chết, và chuyện nay mấy ông quân nhân đã nắm chính quyền Nam Việt Nam. Bà Nhu hy vọng chuyện Tổng Thống và ông chồng bà bị giết là do ông NĐ Nhu đặt ra để lừa đám đảo chính. Khi thấy ảnh TT NĐ Diệm và ông NĐ Nhu bị bắn chết bà Nhu vẫn không tin đó là ảnh thật.
Ngày 5 Tháng 11, 4 ngày sau cuộc đảo chính, bà NĐ Nhu mở cuộc họp báo trong một căn phòng khách sạn Beverly Wilshire. Bà mang kính đen, một chuỗi ngọc trai ở cổ, mặc áo dài Việt Nam đen. Bà nghẹn ngào khi bà đọc bản tuyên bố bà đã viết sẵn. trong bản tuyên bố này có câu :

“Whoever has the Americans as allies does not need any enemies.”
- Bất cứ ai có người Mỹ là đồng minh sẽ không cần có kẻ thù.

Bà cáo buộc Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính. Bàn tay nắm chặt tờ giấy lau nước mắt, bà lấy đủ nghị lực để nói lên lời tiên đoán:

“I can predict to you all that the story in Vietnam is only at its beginning.”
- Tôi có thể nói trước với các vị chuyện về Việt Nam chỉ mới bắt đầu.
(.. .. .. )

Bà Nhu bị bối rối về chuyện tiền bạc. Tiền căn phòng của bà ở khách sạn là 98 đô-la một ngày. Nhật báo New York Times loan tin bà Nhu đến Hoa Kỳ với số tiền mặt 5.000 đôla, để chi dùng cho 3 tuần lễ bà dự định sẽ ở Hoa Kỳ. Dư luận đã thổi phồng quá đáng số của cải của ông bà NĐ Nhu. Ông bà Nhu không có tiền, không có nhà ở ngoại quốc. Ông Allen Chase, một nhà tài chính, có nhà ở Los Angeles, mời bà Nhu đến ở. Bà Nhu và Lệ Thủy đến. Ông bà Chase nhường phòng ngủ chính cho mẹ con bà khách, ông bà sang ngủ ở phòng ngủ dành cho khách.

Tạp chí National Review loan tin trong thời gian này có một số người Mỹ đến gặp bà Nhu để tính chuyện bà viết Hồi Ký, chuyện làm phim cuộc đời bà. Nhưng mọi việc đều quá sớm. Bà Nhu phải rời Hoa Kỳ để sang Roma. Số tiền bà không trả Khách sạn Beverly Wilshire là 1.000 đô-la.

Ở phi trường Los Angeles, trước khi cùng Lệ Thủy lên phi cơ, bà Nhu đọc một bản tuyên bố dài. Trong bản văn này có câu:

“Judas bán Chúa Cứu Thế lấy ba mươi đồng tiền bạc, anh em Ngô Tổng Thống bị bán với giá vài đô-la.”

Lời tiên đoán “Chuyện về Việt Nam mới chỉ bắt đầu...” bà Nhu nói trước khi rời Hoa Kỳ cũng đúng. Chỉ ba tuần lễ sau ngày TT. Ngô Đình Diệm bị giết, TT. John F. Kennedy bị bắn chết.

Ngày 24 tháng 11, 1963, từ Roma, bà Nhu gửi một điện tín chia buồn đến bà Jacqueline Kennedy. Trong điện văn, bà Nhu bầy tỏ cảm tình với bà Kennedy và các con của bà. Nhưng bà Nhu cũng không thể không gửi vào điện văn một lời cay đắng: Bà đã phải chịu nỗi đau mất chồng trước bà Kennedy.

“I sympathize the more for I understand that that ordeal might semm to you more unbearable because of your habitually well-shelterd life.” In other words, now you see how it feels.”


Finding The Dragon Lady. Coup d’État. Trang 193 đến trang 211. Trích.

Gần một năm trôi qua từ khi tôi – ( bà Demery ) – và bà Nhu ngừng nói chuyện với nhau qua điện thoại. Nhưng khi bà lại phone cho tôi, vào mùa hạ 2010, cuộc nói chuyện qua phone giữa bà và tôi tiếp tục như không có chuyện gì xẩy ra. Tôi lại làm theo đúng những gì bà muốn, sự tuân phục bà của tôi làm tôi ngạc nhiên. Đến lúc đó tôi mới biết, mới thấy là tôi thiếu bà, tôi nhớ bà.

Bây giờ giọng nói của bà Nhu trầm xuống. Đây là giọng nói của bà già tám mươi tuổi. Bà nói bà bị đau, bà phải chịu giải phẫu ở chân, bà đã đi khỏi Paris.

“Các con tôi muốn tôi sống gần chúng – bà Nhu nói – Nay tôi ở Rome. “Bà nói bà đã viết xong Hồi Ký của bà – Memoirs – Bà sẽ gửi Hồi Ký cho tôi.

Tôi cảm thấy có việc gì không tốt đã xẩy đến với bà. Bà phone tôi một lần rồi thôi. Ba tháng sau tôi phone đến số phone của bà, người ta cho tôi biết số phone này đã bị hủy bỏ. Tôi sợ bà qua đời. Ngày ngày tôi theo dõi trang Obituaries – Ai Tín – trên nhật báo xem có tin về bà Nhu không.


http://hoanghaithuy.files.wordpress.com/2013/11/nhu.jpg

Bà Trần Lệ Xuân cười lần cuối trong buổi tối Tháng 10 năm 1963 ở Phòng VIP Phi trường Tân Sơn Nhứt. Người complet-veston đứng sau Bà là Ký Phan Nghị, phóng viên Nhật báo Ngôn Luận. Trong ảnh này Bà Trần Lệ Xuân đã đứng lên, áo lạnh và sắc ở tay, để đi ra phi cơ PanAm American.

Bà Trần Lệ Xuân cười lần cuối trong buổi tối Tháng 10 năm 1963 ở Phòng VIP Phi trường Tân Sơn Nhứt. Người complet-veston đứng sau Bà là Ký Phan Nghị, phóng viên Nhật báo Ngôn Luận. Trong ảnh này Bà Trần Lệ Xuân đã đứng lên, áo lạnh và sắc ở tay, để đi ra phi cơ PanAm American.

Nguyên văn bà Demery viết: Trang 196:

“The last time we talked, Madame Nhu sounded worse, her voice sandpaper in her throat. “There are days when I want to close my eyes and go in peace. But what wakes me up is only the feeling that there is something that have to do and something I have left to say.”

Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện, Bà Nhu có vẻ yếu, giọng bà khàn khàn như cổ họng bà bị rát: “Có những ngày tôi muốn nhắm mắt lại và ra đi trong bình yên. Nhưng cái làm tôi tỉnh lại là cảm nghĩ có cái gì đó tôi phải làm, có lời tôi phải nói.”

Ý muốn cuối cùng của bà Nhu trước khi chết là viết ra những gì bà muốn nói; bà nhờ tôi giúp bà nhưng tôi không biết tôi phải làm sao đế giúp bà.

Ngưng trích Finding The Dragon Lady.

CTHĐ: Tôi gặp khó khăn khi viết bài đọc sách này. Tôi xin lỗi đã không viết lại được sáng, rõ những sự việc trong sách của nữ tác giả Demery. Qua những gì bà Demery kể tôi thấy trước sau bà Demery không một lần được gặp mặt bà Lệ Xuân. Trong năm, sáu năm hai bà chỉ nói với nhau qua điện thoại. Hai lần bà Demery từ Mỹ đến Paris để gặp bà Lệ Xuân nhưng đều không được gặp. Một lần chính bà Lệ Xuân gọi bà Demery sang Paris.

Finding The Dragon Lady. Trang 206, 207, 208.

Bà Nhu gần như tuyệt vọng trong ý muốn đưa ba người con của bà ra khỏi nước sau cuộc chính biến. Bà gọi phone cho Nữ ký giả Marguerite Higgins. Bà Higgins từng đến Sài Gòn và kết thân với bà Nhu. Bà Nhu khóc nghẹn nói với bà Higgins:

“Họ đã giết chồng tôi. Tôi sợ họ giết các con tôi.”

Bà Higgins hứa với bà Nhu bà sẽ nhờ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp. Bà Higgins phone ngay cho ông Roger Hilsman, cố vấn thân cận của TT Kennedy và là Vụ Trưởng Viễn Đông Sự Vụ của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Bà phone lúc 2 giờ sáng:

“Chúc mừng thành công, “– bà Higgins nói – “Anh thấy sao khi hai bàn tay anh dính máu?”

Ông Hillsman nói:

“Thôi mà, Maggie. Cách mạng là bạo động. Phải có người bị hại.”

Bà Higgins hỏi ông Hillsman về tình trạng và số phận của ba người con của bà Nhu hiện ở Nam Việt Nam. Lời hỏi này làm ông Hillsman nhớ đến quyền lực của báo chí truyền thông Mỹ. Ông Hillsman thấy ngay chính phủ Mỹ đã bị mang tiếng vì cái chết của TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu, chính phủ Mỹ không thể để cho ba người con nhỏ của ông bà Nhu bị giết nốt. Cần phải đưa ngay ba trẻ nhỏ đó ra khỏi nước.

Fred Flott, nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam , được chỉ định làm việc đưa con ông bà Nhu ra khỏi nuớc. Tướng Nguyễn Khánh đưa Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh và Ngô Đình Lệ Quyên trên phi cơ của ông từ Đà Lạt xuống Sài Gòn. Fred Flott đón anh em Trác ở sân bay Tân Sơn Nhầt, đưa cả ba lên một phi cơ quân sự Mỹ bay sang Thái Lan. Từ Bangkok, Flott đích thân đưa ba anh em Trác bay sang Rome. Ba anh em Trác ngồi ghế hạng nhất trên phi cơ Pan American. Flott kể thái độ anh em Trác rất đàng hoàng, không khóc, không sợ. Flott kể chuyện:

“Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đến đón cháu ở phi trường. Có khoảng 200 phóng viên chờ đón. Ông Thục tỏ ra có ác cảm với tôi. Tôi nói với ông tôi được lệnh của Đại Sứ Lodge làm việc này. Ông không cám ơn tôi, ông không nói với tôi một câu, ông không bắt tay tôi, ông đưa ba cháu ông lên xe, đi mất.”

CTHĐ: Tôi nhắc lại: tôi bị bối rối khi đọc Finding The Dragon Lady. Bà Demery viết : Bà NgôĐình Nhu gửi bà tập Memoirs – Hồi Ký qua Internet. Rồi bà được xem tập Diary – Nhật Ký – từ một người Việt Nam sống ở Mỹ.

Finding The Dragon Lady. Trang 104, 105, 106, 110, 111, 112.

Nguyên văn: The Diary came to my attention in August 2010 when James van Thach, a retired US Army captain, got in touch with me. He was my age, lived in the Bronx, and had found me through a Google search. Like me, James was interested in the history of the Vietnam War, particularly the story of Madame Nhu.”

Phỏng dịch: Tập Nhật Ký đến với tôi Tháng Tám 2012 khi James van Thach, một Đại úy hồi hưu quân đội Mỹ liên lạc với tôi. Ông trạc tuổi tôi, sống ở vùng Bronx, ông tìm ra tôi trên trang Google. Giống tôi, James chú ý đến lịch sử Cuộc Chiến Tranh Việt Nam và đặc biệt chú ý đến Bà Nhu.

Tôi nghi ngờ khi James cho tôi biết ông ta có quyển Nhật Ký của Bà Nhu. Chuyện năm mươi năm sau khi viết một tập Nhật ký xuất hiện trong tay một cựu sĩ quan ở New York là chuyện khó tin. Bà Nhu không một lần nói với tôi về quyển Nhật Ký của bà.

Nhưng tôi cũng đến nhà ba má James ở Queen. Tôi gặp James ở đây. James không nói, hay không thể nói bằng cách nào ông có quyển Nhật ký của Bà Nhu, ngoài việc ông nói ông có người thân làm công an Nam Việt Nam năm 1963. Nhật ký viết chữ Pháp, James không đọc được. James cho tôi xem Nhật ký ở tiệm cà phê Starbuck. Nhật ký ghi trong một sổ tay, bìa cứng, khoảng 300 trang. Tôi thấy đúng đó là chữ viết của Bà Nhu. Trang đầu ghi năm 1959, trang cuối ghi năm 1963.

(.. .. .. )

Nguyên văn Finding The Dragon Lady. Trích:

3.00 a.m on November 11, 1960.

Diem had already started negotiating with the coup plotters. He had promised them a new and different government, and by the time Madame Nhu arrived in his office, he had even gone on the radio to prclaim it. “The president is much too sofhearted,” she realized ; someone is going to have to take charge. Concilliation is a sign of weakness. Just like Diem had stood strong in the face of the Binh Xuyen mobters, he needed to stand firm now.

Madame Nhu strode over to Diem. She did not hide her frustation. In later interviews, she would say that when the preident behaved like a.child, she wanted to slap him. In her diary, she accused Diem of acting like a baby. She also wrote, “I am disgusted with him, he has no confidence in himself and has lowered himselp by talking with the rebels.” One published account of the confrontation that morning maintains that Madame Nhu actually did slap the president, hard and across the face, before grabbing him by his sloping shoulders and shaking him in a fury. But that sounds like the kind of strory that was embroidered on its way through the café circuit gossip before it landed in the St. Louis Post Dispatch three years later.

Even if Madame Nhu did not slap Diem, her words had a lasting impact. “Keep only the necessary men here to defend the palace.” She instructed. “Send the rest of them to retake the radio.”

Phỏng dịch: 3 giờ sáng ngày 11 háng 11, 1960.

Ông Diệm đã bắt đầu những thảo luận về những điều kiện điều đình với nhóm đảo chính. Ông đã hứa với họ sẽ có một chính phủ mới và khác, khi bà Nhu đi vào văn phòng ông, ông đã tuyên bố trên đài phát thanh về chuyện chính phủ mới. “Tổng Thống mềm lòng quá,” Bà Nhu thấy thế, phải có người đứng ra chịu trách nhiệm ở đây. Điều đình là dấu hiệu của yếu kém. Như ông Diệm từng xử sự cứng rắn với bọn cướp Bình Xuyên,nay ông cũng cần phải tỏ ra cứng rắn.

Bà Nhu rảo bước tới trước ông Diệm. Bà không che dấu sự bực bội. Trong những cuộc phỏng vấn sau đó, bà có nói rằng khi thấy ông Tổng Thống xử sự như đứa trẻ, bà muốn tát vào mặt ông. Trong nhật ký của bà, bà kết tội ông Diệm hành động như đứa trẻ con. Bà cũng viết: “Tôi thấy tởm ông ta, ông ấy không có tự tin, ông ấy tự hạ thấp khi nói chuyện với bọn phản loạn.” Một bản tường thuật cuộc đụng độ sáng hôm ấy thuật rõ bà Nhu quả thực đã tát ông Diệm, tát mạnh vào mặt rồi nắm lấy vai áo ông mà giận dữ lắc mạnh. Nhưng chuyện đó giống loại chuyện được thêu dệt và truyền đồn ở những tiện cà phê trước khi nó lên trang báo St Louis Dispatch ba tháng sau.

Ngay cả khi bà Nhu không tát ông Diệm, những lời nói của bà có hiệu quả lâu dài. “Chỉ giữ số lính cần thiết ở đây để bảo vệ Dinh,” bà ra lệnh. “Phái số lính còn lại đi chiếm lại đài phát thanh.”

Ngưng trích Finding The Dragon Lady.

CTHĐ: Tôi trích đăng nguyên văn chữ Mỹ một số đoạn tôi trích trong tác phẩm của bà Demery để quí vị độc giả thấy bà Semery thực viết như thế, tôi – CTHĐ – không bịa chuyện gán cho bà Demery. Trong bài Hoàng Long Phu Nhân số Một đã đăng, tôi có viết tôi muốn tìm trong tác phẩm của bà Demery những chuyện về bà Trần Lệ Xuân tôi chưa từng đọc thấy, và nhất là tôi muốn tìm biết bà Trần Lệ Xuân có ngoại tình, có yêu ai không.

Trong một đoạn sách Finding The Dragon Lady, tôi thấy bà Demery thuật bà Lệ Xuân ghi về ông Ngô Đình Nhu:

“I love him less and less.”

Tôi yêu ông càng ngày càng ít.

Finding the Dragon Lady. Trang 224, 225.

Nguyên văn: I love him less and less.

She even seems to have tasted love briefly in the form of a few affairs. In the diary she wrote about three men by their initials only: L, K, and H. The language is vague enough that I have to wonder if she ever acted on her impulse: “Happily have not met anyone yet who has it all,” “it” being a desired combination of sinceririty, admiration and adoration – the qualitiees to match her own. But H seem to have come close, with what she described as his dynamism and extraordinary way of courting her, though she doesn’t provide any details other than to say he was a real Don Juan character. She coyly ask H. “Are you always like thie with women?” and his reply pleases her to no end: “Do you really think women are like you? I had to cross ocean to fine you.”

The anonymous H understood Madame Nhu. I rather sympathize with him, even though I have no idea , beyond the initial, who he was. He loved Le Xuan, Madame Nhu, because of who she was staggered beautiful, proud, willful, a woman who would not be consigned to the place that that the men around her had fenced off for her. She would battle with empire, bandits, and the forces of history before she was done. She would be in the heart of the sory, the center of the epic in whitch she was cast, and no one would ever forget her. She was indeed worth crossing an ocean for, and am glad that I did..

Phỏng dịch: Tôi viết phỏng dịch vì tôi không thể chuyển sang chữ Việt đúng những lời trong tác phẩm của bà Demery.

Bà cũng có vẻ đã có yêu trong vài cuộc tình ngắn. Trong nhật ký, bà viết về ba người đàn ông với chữ thứ nhầt tên của họ: L, K, và H. Lời viết mơ hồ đủ để tôi nghĩ bà chỉ yêu thoáng qua. Bà viết: “May mắn tôi chưa gặp ai có đủ cái đó, ““Cái đó “đây là sự dung hợp của chân thành, ngưỡng mộ và thờ phụng.- những đức tính như bà có. Riêng nhân vật H đến gần mẫu người đó, với những đức tính bà kể về sự năng động của ông, và lối quyến rũ bà rất đặc biệt của ông. Bà không viết gì về nhân vật H ngoài lời tả ông là một Don Juan chân chính. Bà e lệ hỏi ông H: “Anh làm như vậy với tất cả những người đàn bà ư?” Câu trả lời của ông làm bà hài lòng vô tận: “Nàng cho rằng tất cả đàn bà đều như nàng ư? Tôi phải qua đại dương để tìm nàng.”

Nhân vật H vô danh hiểu Bà Nhu. Tôi - ( Bà Demery ) – có cảm tình với ông dù tôi không biết gì về ông ngoài chữ H. Ông yêu Lệ Xuân, bà Nhu, vì bà đẹp ngất, bà kiêu, bà có ý lực, một người đàn bà không chịu ở trong khung mà đàn ông đã đóng rào cho nàng. Nàng sẵn sàng chống những đế quốc, chống đạo tặc, chống những sức mạnh lịch sử trước khi chịu thua. Nàng ở trong tim của câu chuyện, nàng ở trung tâm vở hùng kịch mà nàng phải đóng một vai, sẽ mãi mãi không ai quên nàng.

Nàng quả thật xứng đáng để người ta vượt biển đến tìm, tôi vui vì tôi đã làm việc ấy.

Ngưng trích Finding he Dragon Lady. ngoài l ngoài việc kể ông là một H

Trang 225 trên đây là trang cuối cùng sách Finding The Dragon Lady.

CTHĐ: Qua lời kể mơ hồ, rối bời của sách Finding The Dragon Lady, chắc quí vị cũng như tôi, ta thấy: Quả thực có quyển Nhật ký của bà Trần Lệ Xuân. Nhật ký được một người lấy trong phòng ngủ của Bà Nhu và đem sang Mỹ

Nhưng bà Demery không cho ta thấy một cái ảnh nào về quyển Nhật ký, không có trang ảnh chụp trang viết tay của bà Lệ Xuân.

Ta thấy bà Lệ Xuân có yêu một người tên tắt là H. Người này có vẻ là người Âu Mỹ, vì lời ghi trong Nhật ký: “Tôi phải qua đại dương để tìm nàng.”

Tôi – CTHĐ – théc méc: “Don Juan H ở đâu mà không đến với Trần Lệ Xuân những năm 1967, 1968? “

She would be at the heart of David Halberstam, ký giả nổi tiếng của Mỹ, tác giả sách The Best and The Brightest, từng sống, làm việc ở Sài Gòn những năm 1960, 1962, viết về bà Trần Lệ Xuân:

“The beautiful but diabolic sex dictatress.”

Nữ độc tài đẹp nhưng Dzâm Quỉ.

David Halberstam trăm năm hồng lệ trước bà Trần Lệ Xuân. Anh không có dịp thấy người đàn bà Việt Nam bị anh gọi là “Nữ Dzâm Quỉ “sống thanh tịnh không có tai tiếng gì trong 40 năm.

Tôi đọc Finding The Dragon Lady của bà Monique Brinson Demery trong hai đêm, tôi viết bài này trong 8 giờ, mà bài viết không ra làm sao cả. Tôi không hài lòng với bài viết này.

Năm giờ chiều Ngày 31 Tháng 10, 2013. Tôi chấm dzứt ở đây.

CTHĐ
Hoàng Hải Thủy
(http://hoanghaithuy.wordpress.com/2013/11/08/hoang-long-phu-nhan-ii/)



----------------------------







Bà Ngô Đình Nhu từ thời trẻ sôi động đến những tháng năm ẩn dật


Tin bà Trần Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu, người từng được coi là Đệ nhất phu nhân của Việt Nam Cộng Hòa trước đây từ trần tại Roma cách đây đúng một tuần, ngày chủ nhật 24/4, đã khiến cho dư luận trong và ngoài nước hết sức chú ý. Sau cuộc đảo chính năm 1963, hầu như không ai biết gì về bà, vì bà sống ẩn dật, hầu như không có một tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Người ta chỉ biết là bà đang viết một cuốn hồi ký.


http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/68/458/342/344/257/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/tranlexuan1.jpg

Bà Trần Lệ Xuân, tức bà Ngô Đình Nhu

Sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia thế phiệt, thân phụ là luật sư Trần Văn Chương, thân mẫu là cháu ngoại của vua Đồng Khánh và là em họ của vua Bảo Đại, năm 19 tuổi bà lập gia đình với ông Ngô Đình Nhu. Khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, thì ông Nhu làm cố vấn chính trị, và vì ông Diệm độc thân nên bà Trần Lệ Xuân luôn là người đứng ra tiếp các phu nhân của các vị quốc khách.

Bà Trần Lệ Xuân cũng là dân biểu Quốc hội, chủ tịch phong trào Phụ nữ Liên đới. Bà đã đưa ra đạo Luật gia đình cấm người đàn ông lấy hai vợ, Luật bảo vệ luân lý và thuần phong mỹ tục, đồng thời có nhiều hoạt động xã hội khác. Chiếc áo dài cổ hở do bà đề xướng, vào thời đó được gọi là « áo dài bà Nhu », cũng là một dấu ấn mà bà để lại đến ngày hôm nay. Là một phụ nữ tài giỏi, xông xáo, nhưng bà cũng có những phát biểu gây sốc làm cho không ít người bất bình.

Tháng 10/1963, bà và con gái là Ngô Đình Lệ Thủy đi Hoa Kỳ và Roma với dự định tố cáo âm mưu lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm của Tổng thống Kennedy và CIA. Nhưng ngày 1/11/63 đã xảy ra đảo chánh, ông Diệm và ông Nhu đều bị sát hại. Bà rời Mỹ với lời tuyên bố : « Tôi không thể sống ở Mỹ, đơn giản vì chính phủ Mỹ đã đâm sau lưng tôi ». Bà sống lặng lẽ ở Paris cho đến cách đây một năm sức khỏe yếu dần, thì sang Roma với người con lớn cho đến khi mất. Một trong những câu nói nổi tiếng của bà là : « Ai đã có người Mỹ là đồng minh thì chẳng cần phải có kẻ thù ».

Luật sư Trương Phú Thứ, người chịu trách nhiệm biên soạn và in ấn cuốn sách của bà Trần Lệ Xuân cho biết, theo dự định thì tác phẩm này sẽ được ra mắt vào năm 2012. Khi được hỏi, cuốn sách do chính bà viết ra hay có ai chấp bút cho bà, ông Trương Phú Thứ nói :

Bà viết ra tự tay bà viết ra chứ không có ai viết thay bà hết, vì bà không có liên lạc với bẩt cứ một người nào hết. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai : các con bà ở mỗi người một nơi. Bà viết cái này khi bà còn ở bên Paris, tức là khi sức khỏe của bà còn tốt. Bà viết trong căn phòng appartement có một mình bà thôi, thì bà đâu có nhờ ai viết được, bà tự viết lấy.

Tiếng Việt của bà thì kém lắm, tiếng Pháp rất là giỏi. Tiếng Pháp bà viết còn hơn cả những người có bằng cấp về văn chương Pháp ở Pháp. Tiếng Pháp của bà rất giỏi nhưng mà tiếng Việt thì kém lắm, thành ra bà phải viết bằng tiếng Pháp. Thế thì bà đưa cho mình, và mình có nhiệm vụ dịch ra tiếng Việt Nam.


http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/aef_image_original_format/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/tranlexuan3_0.jpg

Thưa anh, một nhân vật như bà Nhu thì chắc chắn nhiều người rất là trông chờ để biết vì mấy mươi năm nay không có tin tức gì của bà hết. Như vậy liệu cuốn sách đó có đáp ứng được mong đợi của người đọc không ?

Cái này thì tùy theo quan điểm của người đọc. Những người nào tò mò muốn biết về đời tư của bà như thế nào, hoặc thái độ đối xử của bà đối với những người đã gây ra những đau khổ cho bà, hoặc những người vu oan nói xấu bà này nọ, thì không có. Bà không đề cập đến chuyện đó, vì bà coi đấy là những chuyện không đáng để nói tới. Quyển sách của bà truyền đạt những suy tư, tư tưởng của bà đối với thân phận con người, đối với tạo hóa, và rất có thể là nhiều người đọc sẽ thất vọng lắm. Nhưng những cái gì của bà viểt ra thì mình sẽ đưa ra cho công chúng như vậy thôi, mình không thể nào thêm bớt được hết. Một dấu phẩy, một dấu chấm mình cũng không thay. Thứ nhất là bây giờ bà chết rồi mình phải tôn trọng cái đó một cách tuyệt đối.

Như vậy đây không phải là một cuốn tự truyện ?

Không phải là tự truyện mà cũng không phải là hồi ký. Thông thường người ta hiểu hồi ký là viết lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, những chuyện vui chuyện buồn, chuyện của một cá nhân của một con người. Thế nhưng bà đã quên hết rồi. Bà đã sống 48 năm từ khi lưu vong ra nước ngoài, trong một căn phòng, một chỗ ở rất nhỏ hẹp, sống một cách quá cô độc, không tiếp xúc, không có liên lạc với bất kỳ một người nào hết. Bà chỉ đi ra ngoài mỗi buổi sáng. Thời gian mà bà còn khỏe mạnh thì bà đi ra ngoài, đi lễ ở nhà thờ Saint Léon.

Lâu nay vẫn có nhiều dư luận trái chiều nhau về bà Trần Lệ Xuân. Như vậy trong sách có nói gì về những lời đồn đãi chung quanh tính cách của bà không?

Chuyện đó thì không có. Bà Ngô Đình Nhu hay bất kỳ một người nào trên thế gian này cũng có người ghét người thương. Không ai có thể nói là mình được tất cả mọi người thương mến, kính phục hết, cũng có người này gièm pha ba câu, người kia đố kỵ…Thế nhưng bà Nhu không hề động chạm, đề cập đến bất kỳ một chuyện lớn nhỏ nào như thế. Từ khi bà chọn một cách sống, ở một mình trong một căn phòng, tức là bà đã muốn quên hết, muốn bỏ lại đằng sau lưng tất cả. Những chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện vui chuyện buồn bà bỏ hết. Bà sống như một người khổ tu, gần gần như một người khổ tu vậy.

Ngay cả vấn đề ăn uống, bà cũng chẳng có nấu nướng gì hết. Tôi thấy trong bếp của bà cũng chẳng có một cái nồi, cái chảo hay thìa muỗng gì hết. Trong tủ lạnh mở ra thì độc có một vài chai nước, chỉ có vậy thôi.

Thế thì bây giờ người ta hỏi bà ăn ở đâu, bà cũng phải ăn chứ ! Thì thường thường những người Pháp ở trong chung cư đó, họ biết bà như vậy nên thường một hai ngày họ nấu đồ ăn họ mang tới cho bà.

Còn nếu không thì bà sống như thế nào nếu bà không ăn uống gì ạ?

Bà ăn rất ít. Có một lần bà nói với tôi, đây nè anh Thứ à, hai ngày hôm nay tôi chưa ăn và uống gì. Thế rồi bà cười, bà nói là vì tôi không ăn uống nên tôi không có bệnh gì hết.

Nhưng phải nói là bà rất khỏe. Bà chỉ cảm thấy yếu từ đầu năm 2010. Mới đây thôi. Thứ nhất là vì cái tuổi già, đến đầu năm 2010 thì bà bắt đầu cảm thấy yếu. Nhưng mà cách đây chừng độ hai tháng, bà gọi điện thoại cho tôi, tiếng nói của bà vẫn còn rất là to, rất là khỏe. Bà cũng cười vui vẻ lắm trên điện thoại, thì tôi nghĩ là bà khỏe lắm. Thế nhưng mà sau đó thì vì tuổi già, sức khỏe sụt xuống một cách quá mau lẹ.

Thì bà cũng qua đời vì tuổi già thôi, chứ thật ra chẳng có bệnh tật gì. Có một cái vấn đề về sức khỏe là cái chân của bà bị gẫy từ xưa, thành ra đôi khi cũng hơi đau đau chút chút vậy thôi, nhưng không có đau đớn nhiều lắm. Ai đến tuổi già thì cũng bệnh như vậy thôi, cũng suy sụp như vậy thôi, chứ không phải riêng gì bà Nhu. Có nhiều người già phải nằm trên giường bệnh hết năm này qua năm khác. Nhưng mà bà Nhu nằm trên giường bệnh chưa đến một tháng, khoảng độ ba bốn tuần lễ vậy thôi. Bà đi một cách rất là bình an, như vậy thì tôi nghĩ cũng là một phước lành, một phúc đức của bà.

Và cũng có người thân chung quanh ?

À, các con cái thì như cô biết là bây giờ bà còn hai người con trai và một cô con gái. Anh con trai lớn là Ngô Đình Trác thì có vợ con, vợ anh người Ý. Còn cô con gái út là cô Ngô Đình Lệ Quyên thì chồng cũng là người Ý luôn. Nhưng con trai giữa là Ngô Đình Quỳnh thì sống độc thân một mình, không có vợ con gì hết, ông làm việc bên Bỉ.

Khi bà Nhu về La Mã, bà ở căn nhà của gia đình Ngô Đình Trác. Nhà đó cách thủ đô La Mã khoảng 10 cây số. Cái nhà đó là nhà trệt, không có tầng lầu, nhưng mà dưới có một cái tầng hầm. Gia đình ông Trác ở trên, và gia đình của cô Lệ Quyên ở dưới. Họ sống với nhau cả bao nhiêu năm trời rồi, rất là vui vẻ, rất là hòa thuận.

Khi bà yếu quá, ông Trác đưa vô trong nhà thương… Bên đó chắc là mấy người con cũng bận rộn với vấn đề lo tang lễ cho bà, không biết là ngày nào giờ nào nhưng mà tôi biết chắc chắn là sẽ tổ chức rất là kín đáo, trong gia đình mà thôi.

Giám đốc giáo xứ Việt Nam ở Paris, đức ông Mai Hữu Vinh có cho biết là nhiều người tới xin lễ cho bà…
Ở đây, ở California tối hôm qua cũng có làm một buổi lễ để cầu nguyện cho bà Nhu, và trong nhà thờ rất đông, vì họ cũng quý mến bà lắm. Và tôi có được thông báo là tiểu bang Oregon chiều thứ bảy này họ cũng xin lễ ở nhà thờ để cầu nguyện cho bà. Thôi thì bà chết như vậy mà được mọi người nhớ đến trong một cái ân tình như vậy, tôi cũng mừng cho bà lắm.

Vâng, thì thôi cũng tốt cho bà, với những sóng gió mà bà đã trải qua…


http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/aef_image_original_format/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/tranlexuan6.jpg

Bây giờ cô thấy nhé, một người đàn bà sống trong bốn bức tường nho nhỏ, trong một căn phòng nho nhỏ, một hai ngày thì còn chịu được. Bà sống như vậy 48 năm liền, tức là từ năm 1963 cho tới ngày bà qua đời. Thế thì bà sống bà chỉ còn có một cái hy vọng duy nhất thôi, tôi nói là hy vọng cũng không đúng, bà sống chỉ có một cái chờ đợi thôi, là đến một ngày nào đó được gặp lại người chồng của bà. Bà Nhu rất yêu mến và kính trọng ông Nhu.

Như cô biết là khi mà ông Nhu bị thảm sát như vậy, thì bà Nhu lúc đó mới có 39 tuổi. Một người phụ nữ 39 tuổi còn quá trẻ, nhưng mà bà vẫn ở vậy. Bà ở vậy để chờ đợi đến ngày gặp ông chồng. Và khi bà quá vãng ở cái tuổi 87, bên Việt Nam mình thì tính là 88, riêng cá nhân tôi thì tôi mừng cho bà, thấy đó là một sự giải thoát cho bà.

Nhưng một người phụ nữ trẻ đẹp, góa chồng lúc còn trẻ, ở cái tuổi đó mà đã từng nắm trong tay quyền lực rồi, đã nổi tiếng, thì chọn lựa một cuộc sống ẩn dật bao nhiêu năm có lẽ là không dễ.

Bởi vậy tôi mới nói là bà có một nghị lực rất là phi thường. Bà có nghị lực cao lắm. Chứ nếu ở một người bình thường có thể họ bị suy sụp về tinh thần, mà suy sụp tinh thần kéo theo suy sụp về thể xác. Tôi nghĩ là những người không có cái nghị lực như bà Nhu thì chắc sống không có lâu được như bà Nhu đâu. Mà bà từ hồi mà phải đi lưu vong ra ngoại quốc rồi đến khi bà chết là 48 năm, nửa thế kỷ chứ đâu phải một hai tháng gì.

Mà tại sao trước bao nhiêu dư luận như vậy bà lại im lặng ?

Vì bà đóng kín cửa, bà có nghe thấy dư luận gì đâu ! Bây giờ người ta có nói tốt hay nói xấu cho bà, bà cũng không nghe thấy. Bà đóng cửa kín không giao thiệp với ai, không biết gì hết. Thì tôi nói như hồi nãy là bà sống như một người nữ tu, mà nữ tu khổ hạnh lắm, chứ không phải nữ tu thường đâu. Bên đạo Công giáo có những dòng tu họ chỉ đóng cửa cầu nguyện với Chúa thôi, chứ chẳng có tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thì bà Nhu cũng như thế. Đóng kín cửa không giao thiệp với ai, làm sao bà biết được ai nói xấu, ai nói tốt cho bà. Bà không biết !

Hồi đó bà vốn là người lăng xê thời trang áo dài cổ hở, người ta gọi là « cổ bà Nhu », nhưng mà khi anh tiếp xúc với bà thì anh có thấy bà ăn diện không ?

Không. Khi tôi tiếp xúc với bà thường thường thì bà hay mặc cái áo kimono của Nhật. Bà nói với tôi những cái áo kimono này là của một vài người bạn Nhật, mỗi năm họ gửi cho vài ba cái để mặc ở trong nhà.

Còn về cái áo khoét cổ, thì khi tôi nói chuyện với bà, bà nói ở Sài Gòn nóng quá - bà lấy hai ngón tay ra dấu như cái kéo - thì tôi cắt cái cổ đi cho nó mát. Bà nói là, tôi mặc như vậy thì Tổng thống không có bằng lòng. Tôi nghĩ là về sau thì nhiều người theo cái mốt của bà Nhu cũng mặc áo dài hở cổ, thì chắc là ông Tổng thống cũng chẳng để ý đến cái chuyện đó nữa.

Có vẻ như là vì bà Nhu lấy chồng khi còn trẻ quá, nên cả ông Diệm lẫn ông Nhu coi bà như một người em gái nhỏ thì phải ?

Có thể là đối với ông Nhu thôi, còn đối với ông Tổng thống là đâu ra đó, trên dưới lễ phép đàng hoàng. Một người thân cận với Tổng thống là nghị sĩ Lê Châu Lộc, vốn là tùy viên, cũng xác nhận mỗi lần bà Nhu muốn vào gặp Tổng thống là phải ăn mặc chỉnh tề, và phải xin sĩ quan tùy viên vào trình với Tổng thống. Tổng thống cho vào gặp thì mới được gặp, còn không thì bà vẫn vui vẻ ra về như thường. Tức là không có cái chuyện vì bà nhỏ tuổi mà bà hành xử thiếu tôn ti trật tự, vì gia đình của họ là một gia đình nề nếp, có trên có dưới, và rất là tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai nữa là bà phải tôn trọng người anh chồng của bà là một vị Tổng thống chứ không phải là một người anh chồng thường. Thành ra mỗi lần bà muốn gặp hoặc là thưa trình với Tổng thống là phải có sự xếp đặt của các viên chức phụ giúp Tổng thống.

Bà có kể cho tôi nghe một câu chuyện. Hồi đó ông Tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ, thành ra mỗi một lần có các vị quốc khách đi với phu nhân đến Sài Gòn, thì người đứng ra tiếp đón các vị phu nhân đó chính là bà Nhu chứ không ai khác. Tôi nhớ bà là người rất giỏi giao thiệp, tiếng Anh tiếng Pháp cũng rất lưu loát. Hồi đó bà không có cái gì để mà chưng diện khi tiếp đón các phu nhân ngoại quốc. Không biết bà được ai đánh tiếng là có một bà vợ một ông bộ trưởng muốn bán một bộ vòng tay, nhẫn…với cái giá sáu ngàn đồng Việt Nam, họ nói là nếu bà cố vấn muốn mua thì họ bán lại cho. Bà Nhu không có tiền, bà trình Tổng thống, ông thấy chuyện đó cũng được nên lấy tiền lương của ông cho bà để mua bộ nữ trang đó, nhưng với điều kiện là bắt người bán phải viết một tờ giấy trình bày lai lịch của nữ trang và quyền sở hữu. Bà nói với tôi đó là lần duy nhất Tổng thống cho tiền, và bây giờ bà cũng không biết những nữ trang đó thất lạc ở đâu.

Bà có hay kể cho anh những chuyện tương tự vậy không ?

Thì khi trong câu chuyện hễ bà nhớ đến cái gì, hay khi mình hỏi cái gì thì bà cũng nói. Đại để là khi nói chuyện với bà tôi tuyệt đối không nói về những vấn đề chính trị, hay những ngày bà còn ở Dinh Độc Lập ; những chuyện có thể gây khó chịu hoặc đau khổ cho bà tôi không nói tới. Thường thường là những chuyện mưa nắng thôi chứ chẳng có gì quan trọng hết.

Vì những gì bà muốn tâm sự là với khối người Việt Nam, cả cộng đồng người Việt Nam, chẳng những ở ngoại quốc mà cả trong nước Việt Nam nữa, thì bà đã viết trong cuốn sách của bà rồi. Thành ra mai mốt khi nào quyển sách đó ra, người đọc sẽ có những phán đoán, nhận xét về những tư tưởng của bà.

Trong sách bà không đề cập đến những vấn đề chính trị, những vấn đề mà đa số người muốn biết. Thí dụ như thái độ của bà đối với những người cầm khẩu súng mà bắn vào đầu chồng bà như thế nào. Có nhiều người nghĩ là bà sẽ chửi rủa những người kia, sẽ nói nặng lời với họ, nhưng tuyệt đối bà không nói một câu. Bà không để ý tới những chuyện đó nữa. Bà muốn quên, bà bỏ lại đằng sau lưng tất cả, và đặc biệt là bà muốn tha thứ tất cả.

Bà muốn tha thứ là vì bà là người rất sùng đạo. Bà nói, Chúa đã tha thứ cho bà, thì bà phải tha thứ cho tất cả mọi người, đơn giản vậy thôi. Bà không có thù oán, và không bao giờ nói nặng nhẹ đến những người đã gây khổ đau cho gia đình bà, không nói tới một câu.

Như vậy đây không phải là hồi ký mà gần như là những tâm sự, suy tư về cuộc đời ?

Như tôi đã nói, đó không phải là một hồi ký thông thường. Thành ra những người nào muốn tò mò chuyện thâm cung bí sử, những oán trách… thì không có. Đừng trông chờ những cái đó trong quyển sách của bà. Khi anh Lê Châu Lộc trả lời phỏng vấn của một đài truyền thanh, thì anh nói một câu rất đúng : đọc quyển sách đó anh có cảm tưởng như sách của một vị nữ tu. Nhưng quyển sách của bà tôi nghĩ người nào mua về đọc thì họ sẽ giữ lại, sẽ nghiền ngẫm, đọc lui đọc tới để mà hiểu.

Nhưng dù sao bà Nhu cũng là một chứng nhân của lịch sử, và có những chuyện chỉ có người trong cuộc biết, nếu bà ôm cái bí mật đó theo thì có uổng không ?


http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/4/401/300/344/257/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/tranlexuan7.jpg

Tượng Hai Bà Trưng ở bến Bạch Đằng, Saigon, bị cho rằng giống khuôn mặt bà Trần Lệ Xuân và con gái là Ngô Đình Lệ Thủy, đã bị đập bỏ khi bà đi lưu vong ở nước ngoài (DR).

Bây giờ có cái gì là bí mật nữa đâu. Tất cả mọi chuyện đã phơi bày ra ánh sáng hết cả rồi. Ai giết ông Tổng thống, ai giết chồng bà ấy, những thế lực nào đứng đằng sau cuộc đảo chánh, hoặc là bà có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu đồn điền…thì người ta biết hết cả rồi, chả có gì gọi là bí mật nữa.

Bà có đặt tựa cho cuốn sách đó chưa ?

Có. Bà lấy một cái dẫn dụ trong Cựu Ước để đặt tựa cho cuốn sách.

Và anh sẽ là người dịch ?

Tôi có sự giúp đỡ rất quý báu của anh Nguyễn Kim Quý, rất giỏi tiếng Pháp. Anh có bằng tiến sĩ văn chương Pháp, và là giáo sư Pháp văn của các trường đại học ở Mỹ. Anh giúp tôi về chuyện đó.

Khi viết cuốn sách này bà Nhu có ước vọng gì, dành cho người Việt hay cho độc giả các nước ?

Bắt đầu cách đây khoảng chừng mười năm, lần đầu tiên tôi gặp bà cố vấn Ngô Đình Nhu, thì bà viết bằng tiếng Pháp, và có ý định sau khi viết xong thì bà sẽ tự tay dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý. Thế nhưng về sau có thể có nhiều lý do, như là sức khỏe không được tốt như hồi trước, hoặc là bà bận bịu, nên bà chỉ viết bằng tiếng Pháp mà thôi. Mà ngay cả bản bằng tiếng Pháp thì cũng còn phần cuối dang dở. Thành ra để vài ba tuần lễ nữa, khi gia đình lo tang lễ cho bà xong thì lúc đó tôi sẽ hỏi để lấy cái phần cuối cùng đó.
Có dài lắm không ạ ?

Dài ! Nguyên bây giờ thì cũng đã gần 500 trang rồi, nhưng in ra thì tôi nghĩ khoảng 300 trang thôi vì chữ viết của bà to.

Bà Nhu muốn quyển sách này đến với độc giả khi bà còn sống, chứ không phải là khi bà chết rồi. Thế nhưng khi còn sống bà chưa làm được chuyện đó, thành ra bây giờ khi bà mất mình giúp đỡ để hoàn thành giấc mộng của bà là đưa quyển sách, đưa tư tưởng, suy tư của bà đến với độc giả, đến với người Việt Nam.

Anh dự định cho xuất bản ở đâu ?

Tôi sẽ in và phổ biến bên Mỹ này thôi, còn đương nhiên là sau đó tôi sẽ gởi đi những quốc gia có cộng đồng người Việt Nam đông như là Anh, Pháp, Đức…
Các con của bà có ý kiến gì về cuốn sách này không ?

À, hầu như là không. Vì họ lớn lên ở ngoại quốc, họ tôn trọng tính độc lập của từng cá nhân. Các con của bà thì đương nhiên rất là yêu mến và kính phục bà, nhưng họ không có xen vào những chuyện mà bà làm.

Và những người con của bà Nhu có vẻ cũng kín tiếng như bà ?

Thì như cô thấy đó, từ hồi năm 1963 cho đến giờ các con của bà có ai ra ngoài công chúng, có nói năng gì đâu, không ! Họ rất là im lặng, y như bà vậy thôi. Họ cũng giữ một cái khoảng cách quá xa xôi đối với thế giới bên ngoài


http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/142/388/290/344/257/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/tranlexuan4.jpg

Qua thời gian tiếp xúc với bà Nhu, anh có cảm tưởng như thế nào về bà ?

Cảm tưởng của tôi thì cũng như rất nhiều người đã nhận xét về bà. Bà là một người đàn bà tài giỏi, can đảm, dám nói và dám làm. Chẳng hạn một chuyện trong quá khứ, khi bà đưa ra đạo luật về gia đình ở Việt Nam, đề cao nhân phẩm của người phụ nữ. Đạo luật đó được Quốc hội biểu quyết thông qua, cấm đàn ông lấy hai vợ, và những vấn đề khác nữa, để nâng cao đời sống của người phụ nữ Việt Nam lên. Mặc dầu hồi đó có những sự chống đối nhưng bà vẫn can đảm vượt qua.

Một phụ nữ như thế mà chọn cuộc sống ẩn dật có lẽ không dễ ?

Tôi thấy là khi chọn lựa một cuộc sống như vậy, chắc là bà phải có những suy nghĩ và quyết định rất là khôn khéo. Từ khi mà bà phải sống lưu vong ở ngoại quốc sau vụ đảo chánh ngày 1/11/63 ở bên Việt Nam, gần như không có ai nói tới bà nữa. Nhưng không phải là người ta sẽ để cho bà yên. Trường hợp nếu bà có một cái manh động, một lời nói, cử chỉ sao đó, đương nhiên họ sẽ nói tới rất nhiều.

Hồi xưa lúc chồng bà chết rồi thì bên Mỹ Tổng thống Kennedy cũng bị giết, thì bà Kennedy cũng là góa phụ. Thế nhưng bà Kennedy về sau đi đến đâu thì người ta theo dõi đến đó, người ta có những bản tường trình đầy đủ, chuyện xấu cũng có mà chuyện tốt cũng có. Thế nhưng đối với bà Nhu thì tuyệt nhiên không, vì bà không đi đâu hết ! Bà tự giam hãm mình trong một căn phòng. Ngay cả buổi sáng đi lễ bà cũng mặc quần áo rất kín đáo, đội mũ, che đầu… để không ai nhận ra bà hết.

Về phần ông linh mục ở nhà thờ Saint Léon, bà đã đi lễ ở nhà thờ đó nhiều năm rồi mà về sau ông mới biết đó là bà Ngô Đình Nhu. Ngay cả sau khi lễ xong bà ở lại dọn dẹp, trang hoàng nhà thờ thì ông cũng nghĩ đó là một giáo dân bình thường thôi. Mãi mấy năm sau, không biết người nào nói với ông thì ông mới biết !

Cũng có nhiều người muốn có một tấm hình của bà lúc về già, nhưng tôi nghĩ là chẳng có ai chụp được cái hình nào hết. Đương nhiên là bà phải già đi, nhưng trông vẫn còn khỏe lắm và vui tươi. Tôi có nhận xét, mỗi lần bà cười trông bà trẻ lắm, làm tôi nhớ lại những hình ảnh mà tôi được coi trên báo chí, trông rất trẻ !
Khi bắt đầu cuộc sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 1963, bà không có một đồng trong túi…

Như vậy làm sao bà mua được hai căn nhà ở Paris ?

Hai căn nhà là mãi sau này, do một bà Bá Tước người Ý cho. Mà bà này cho rất là kín đáo, bà Nhu không biết. Thì bà Nhu có một số tiền rất lớn, tôi không biết là bao nhiêu nhưng mà căn hộ đó dù ở trên tầng lầu thứ 11 nhưng cái tòa nhà ở khu đó đắt lắm. Bà nhờ một ông cựu bộ trưởng thời chính phủ De Gaulle mua giùm hai cái appartements.

Có nhiều người đặt câu hỏi, vì sao lại có một số tiền trên trời rớt xuống như vậy, thì vấn đề có nguyên do của nó. Tức là Ngô Đình Trác, con trai lớn của bà lấy một cô vợ người Ý, mà gia đình cô này là một trong những gia đình thế phiệt, vọng tộc, giàu có nhất của nước Ý, thì từ chỗ đó mà ra. Người ta thấy bà sống vất vưởng không có nhà cửa thì có một người cho một số tiền nhưng ẩn danh, không nói cho bà Nhu biết. Mãi đến bốn năm sau, bà kia chết thì bà Nhu mới biết đó là người đã cho mình tiền để mua nhà.

Xin phép được tò mò thêm một câu, tên đề trên hộp thư và interphone tại tòa nhà nơi bà sống là Bà Trần Lệ Xuân hay là Bà Ngô Đình Nhu ?

Tôi nghĩ có thể bà ghi tên trên hộp thư là bà Ngô Đình Nhu, vì mỗi lần tôi gửi sách cho bà thì tôi đề là Madame Ngô Đình Nhu, bà đều nhận được hết.

Xin cám ơn luật sư Trương Phú Thứ từ Hoa Kỳ đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ hôm nay về Bà Trần Lệ Xuân tức Bà Ngô Đình Nhu.

Thụy My

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110501-ba-ngo-dinh-nhu-tu-thoi-tre-soi-dong-den-nhung-thang-nam-an-dat