PDA

View Full Version : "Bốn Bà Vợ"‏



TAM73F
11-18-2013, 04:43 PM
MỘT VỢ ngủ giường LÈO
HAI VỢ ...nằm chèo queo
BA VỢ ...ra chuồng heo mà nằm




Mời đọc và suy ngẫm


Bốn Bà Vợ

Đây là câu chuyện mà Phật đã kể , văn vẻ không y hệt như Phật nói nhưng nội dung ngụ ý như vậy, hãy xem và nghiệm lại có đúng không.

Ngày xưa có một ông phú hộ (giàu có) , vì giàu có nên ông có đến bốn bà vợ:
* Bà thứ nhất, ông thương mến lắm, cho ăn sung mặc sướng, cho ở nhà cao cửa rộng, trái cây 4 mùa ăn đầy đủ...đại khái thoả mãn cho bà không sót mảy may...

* Bà thứ hai, thì còn trẻ hơn ông rất nhiều, cảnh chồng già vợ trẻ thì đủ biết ông chìu chuộng bà cở nào, ngày nào không dòm ngó đến bà là ông ăn không ngon ngủ không yên, bà này cũng khá đẹp, khá thu hút và có chút lẳng lơ.

* Bà thứ ba thì lại hiền thục, lo cho con cái đàng hoàng, đầy đủ, mà cũng là một người hiểu biết, là một tri âm tri kỷ, thường chia sẻ vui buồn, góp ý mỗi khi ông gặp khó khăn..

* Còn bà thứ tư thì không có gì đặc biệt, không có gì xuất sắc lắm, cho nên như một bóng mờ, ông không có quan tâm đến. Cha mẹ cô vì nợ nần nên hiến cô trừ nợ và cũng có chổ cho cô tá túc, nương nhờ tấm thân.

Các vua thời xưa có nhiều cung phi mỹ nữ, khi vua chết đi có khi người ta chôn sống hoàng hậu, lẫn các cung phi mỹ nữ, vì sống có nhau nên khi chết theo làm bạn để vua đở cô đơn chốn suối vàng!
Ông phú hộ nghĩ bây giờ còn sống có đủ các bà, đến khi ra đi, nếu có các bà đi theo sẽ an ủi biết mấy!
Thế rồi ngày ấy cũng lò dò đến! ông nằm liệt trên giường bệnh, người vợ thứ nhất là người mà ông quan tâm chăm sóc, thương yêu gắn bó hết mực nhất, đủ tạo cho ông niềm tự tin để mở lời với bà là muốn bà chết theo ông cho có bạn để hủ hỉ như đã sống với nhau bấy lâu, ông thương và cần bà lắm.
Vậy mà nở lòng nào bà lắc đầu ngoây ngoẩy, bảo rằng dù ông có thương bà cở nào đi nữa thì khi tới số, tử thần gọi ai nấy dạ chứ bà không cách nào đi theo ông được!
Ông thất vọng vì bà phản ứng khá bạc bẽo! tuy nhiên cũng còn các bà khác ông thương, hy vọng khi đưa đề nghị có bà chịu theo.

Ông nhìn qua bà thứ hai với cùng một ý ; bà này còn tru tréo rằng:
” Ông già thì ông cứ chết sao lại bắt kẻ khác chết theo, tôi còn quá trẻ, sở dỉ tôi lấy ông là vì tiền của tài sản, tuổi xuân của tôi bị ông che khuất, bây giờ là lúc tôi được giải phóng, cớ sao phải chết theo ông? Ông mà chết giờ nào tôi sẽ lấy chồng giờ ấy!”
Thì ra bà lấy ông vì tiền của chứ có tình nghĩa gì đâu! Ông thở dài chua xót, hy vọng họa may còn bà thứ ba.

Bà thứ ba thì có tình có nghĩa hơn, bà khóc nỉ non mà nói rằng tình của ông đối với bà, bà cảm thấu, trên đời này bà chỉ yêu ông nhất, nhưng còn con cái, bà phải thay ông mà nuôi chúng nên người... bà hứa sẽ lo mai táng, lo cúng kiến đầy đủ cho ông... nhưng mà không thểnào theo ông được! (bà nghĩ thầm nếu ông mà chết ngày trùng lỡ có vụ về kéo bà chết theo, thì bà cũng phải nhờ thầy bùa yếm, bà sợ ma lắm, bà thật sự sợ chết lắm!)

Nghe các bà vợ mà mình đã cống hiến cả đời lo cho các bà chu đáo, thương yêu hết mực mà các bà nhẫn tâm cắt lìa, dứt khoát không núm níu... Ông hoàn toàn thất vọng nên không buồn hỏi đến bà vợ thứ tư.

Nhưng lạ chưa, bà này lại bước ra mà rằng :
”Mình đi đến đâu thì em theo đến đó!!!”


Câu chuyện mà ngừng ở đây thì chẳng có gì đáng nói vì nó cũng tầm thường như bao câu chuyện khác.
Thế mà nó lại quan trọng vì câu chuyện liên quan đến chính mình nếu không muốn nói là liên quan đến tất cả mọi người.
Ông phú hộ đó đúng ra là chính bản thân mình, bà vợ thứ nhất được ví chính là cái thân xác của mình.
Có phải mình thương cái thân này trượng hạng không? Ăn uống, quần áo, chỗ ở....tất cả mình đều lựa chọn cái ngon nhất, cái tốt nhất cho nó không?...chính vì chìu chuộng cái thân này mà mình cũng làm nhiều điều xấu, gây nhiều hậu quả xấu về sau... nhưng có ai chết mà đem thân xác sẽ thúi rửa này theo với cái hồn cho được đâu! Do vậy mình
o - bế cái xác thân này quá độ, lắm khi tạo biết bao ác nghiệp để phục vụ cho ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, xe cộ bóng loáng, ăn chơi thoả thích…hưởng thụ tối đa cho thật sướng thân... để rồi khi lìa đời, nó là cái phải bỏ trước tiên!

Còn bà vợ thứ hai là tượng trưng cho sự nghiệp, danh vọng, tiền của, tài sản, của chìm của nổi…
Tiền của là thứ gì đó mà nhận thêm hoài, không bao giờ thấy đủ, mà không muốn nó ra nó cứ tìm đủ hướng đi ra! Cho nên người ta mỗi ngày cứ phải trông chừng, dòm ngó đến nó, mất mát nó là ăn không ngon ngủ không yên! Cũng vì mấy thứ này mà lắm người hại kẻ khác đểmình có một con đường tiến thân lên cao, cũng chính mấy thứ này người ta sẳn sàng làm bao việc mà quên tình người...từ cổ chí kim không khác nhau... mà rồi khi chết đi, rõ ràng là tất cả đều bỏ lại sau lưng, chỉ cần vừa nhắm mắt là bà vợ này "sang ngang" tay kẻ khác ngay ( chết giờ nào là lấy chồng ngay giờ ấy: tức của cải phải thuộc về ai chứ!).

Còn bà thứ ba là tượng trưng cho tất cả thân bằng quyến thuộc: là cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, thân nhân, bạn bè, bà con ... họlà người thân, vui buồn chia sẻ...vì họ mà mình cũng có khi làm nhiều điều không tốt để làm vừa lòng họ, lo cho họ sung sướng, muốn giữ họkhư khư làm của riêng mình, ai dám dòm ngó họ là mệt với mình đấy… cho nên cái ghen là cái đã thúc đẩy đàn ông lẫn đàn bà từ cổ chí kim trở thành kẻ tàn nhẫn, máu lạnh, là kẻ sát nhân. (Mới đây có một phụ nữ Việt đã “thiến của quý” của ông chồng cho vào sọt rác sau khi đã cho uống thuốc ngủ, cột tay chân, chờ khi tỉnh vậy cho hắn biết đã gây “tội” gì và lẹ tay thiến ngọt)
Đối với mỗi con người bị bội phản, chính cái chấp ngã đã khiến họ quá đau khổ đủ để họ trả thù không cần biết hậu quả! nhưng với luật pháp, đó là một vi phạm hình sự, sẽ bị trừng phạt đích đáng.
Vì thế Phật có câu:” Nhất niệm sân tâm khởi,
bách vạn chướng môn khai”
(đồng nghĩa với :một đóm lửa sân nổi lên thì muôn ngàn của nghiệp chướng sẽ mở ra!)

Như vậy đó, vì họ (những người vợ thứ ba này) mà ta có thể gây ra nhiều nghiệp chướng vậy mà khi mình chết, nào ai đủ can đảm chết theo, khi mà họ đang khỏe khoắn, đầy sức sống, bao nhiêu ước vọng chưa đạt... làm sao chịu tắt thở để theo mình đâu!

Thế mà dù muốn dù không , bà vợ thứ tư tình nguyện theo mình từ kiếp này qua kiếp khác, bà này thật là thuỷ chung, thật gắn bó vô điều kiện, lẻo đẻo theo mình như bóng với hình, không tỵ hiềm cái gì cả...bà vợ này tượng trưng cho tất cả NGHIỆP lành lẫn nghiệp dữ mình tạo tác ra trong khi mình lo o-bế cho 3 bà vợ kia! tạo tác bao việc xấu hay phước báo điều tích luỹ vào cái nghiệp này và sau đó mình chết đi,chính nghiệp lành hay dữ này sẽ là năng lực mạnh mẽ thôi thúc chúng ta tái sanh vào cảnh giới tốt hay xấu, được phước hay phải trảquả xấu mà mình đã tạo và theo ta mãi mãi từ vô lượng kiếp; cứ thế mà thêm bớt nghiệp thiện hay ác...

Nếu không gặp Phật Pháp thì ta tự do tạo nhiệp xấu không buồn thắc mắc, nhất là khi con người có niềm tin là cuộc sống duy chỉ có một kiếp nên mạnh dạn lấy hết khả năng ra để tranh danh đoạt lợi bằng mọi thủ đoạn, thi nhau mà tàn hại bao người vô tội, dù mượn bao danh nghĩa tốt đẹp để che đậy cũng không che được chính mình…tùy tài năng mà sức tàn hại nhiều hay ít, nhiều kẻ vô đức mà lại thêm tài giỏi cùng hợp tác nhau thì sức tàn hại càng to tát về tầm rộng lẫn tầm dài theo thời gian,và rồi chính họ cũng sẽ lảnh quả báo thê thảm! Vay trả, trả vay không bao giờ dứt. Chỉ có tu tập mới giải thoát ra khỏi vòng luân hồi lẩn quẩn này mà thôi!

Nếu có duyên lành gặp Phật pháp, hiễu thấu, sẽ muốn tự mình tu tập bởi vì không ai làm chuyện đó dùm mình. Có hai loại, một là Tu Huệ, hai là Tu Phước:

Tu Huệ là thấm nhuần Phật Pháp, tu tâm dưỡng tánh, lìa vọng tâm điên đảo, hằng sống với chân tâm thanh tịnh sẽ đạt giác ngộ, giải thoát, ra khỏi vòng luân hồi (có 6 cõi: 3 cõi lành là Thiên, Nhơn, A Tu La; 3 cõi khổ là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Xúc Sanh. Luân hồi là lẩn quẩn mãi trong 6 nẻo này).

Tu Phước sẽ tích luỹ nghiệp tốt và khi còn luân hồi thì cũng tái sanh vào cõi lành hưởng phước.
Chổ này cũng cần nói rõ thêm là rất nhiều người biết không thể đem tiền của theo qua kiếp sau nên chỉ chú tâm làm phước mà không tu huệ.
Làm phước sẽ tạo phước, nhưng có hai loại:
1/ Vì không Tu Huệ nên còn vô minh chấp ngã nên động cơ làm phước là do tham lam cho cái ngã để kiếp sau được hưởng, thì cũng có phước vậy, nhưng là phước hữu lậu ( là phước mà vẫn còn nhiều phiền não đau khổ kéo đến bất cứ lúc nào) và kèm theo một phản ứng phụlà khi hưởng phước, họ lại dễ trở nên gây tạo ác nghiệp, hay chỉ hưởng cho cạn cùng!
Thí dụ: một người có nhiều phước có thể đủ để làm vua chúa, người có nhiều uy quyền, người giàu sang… khi ấy rất dễ có điều kiện tạo ác nghiệp giết người, hại người, làm bao kẻ điêu đứng.... Do vậy tạo phước rồi xài phước, xài quá lố rồi phải trả lại... vay trả, trả vay theo các kiếp luân hồi tới lui thật mệt mõi vô nghĩa!
2/ Nhưng nếu làm phước do đã hiễu đầu dây mối nhợ rắc rối trong trần gian này là chấp ngã, ích kỷ...lo tu tập vô ngã và phát triển tình thương TỪ BI, HỈ, XẢ. khi ấy làm phước giúp người là do phát ra từ Từ -Tâm, thì công đức lại vô lượng vô biên vì làm phước không chủ ý được phước, mà vì tình thương vô điều kiện, mới thật là làm phước.
Tình thương chân thật vô điều kiện, là một thứ mà mọi người đều cần nhưng ít ai nghĩ đến sẽ tặng cho, nên ai cũng cảm thấy cần thứ tình thương này chứ không phải thứ tình thương hời hợt.
Tình thương là một thứ cho mãi cũng không bao giờ vơi, không sợ mất mát đi đâu cả mà nó còn nhân lên gấp vạn lần, bởi vì một con người sẽ không đối lại một tình thương chân thật bằng sự thù hằn!

Câu chuyện trên do Phật đã kể và còn nhiều chuyện khác nữa giúp mình hiễu phần nào giáo lý sâu xa của đạo...nếu ai có duyên với đạo phật thì tìm hiễu thêm, tránh mê tín dị đoan mà từ lâu người ta làm cho đạo bị hiểu sai lầm, mình phải lọc lại để lấy cái tinh hoa của đạo...Nó sẽ giúp mình hiểu mình, hiểu người và một cách tự nhiên mình thấy thương yêu người khác mà không có sự cố gắng, nổ lực.
Khi ghét một người sẽ làm mình khó chịu hơn khi thương yêu một người, và càng thương được nhiều người thì mình rất vui lòng làm nhiều điều tốt cho họ mà không hề nghĩ đến đó là mình đã tặng cho, cái lòng mến thương này khiến mình làm tốt với niềm vui, niềm thích thú ... càng làm tốt thì tự nhiên làm cho mình thấy an vui và hạnh phúc đến với mình, hạnh phúc (không phải chỉ cốt nói về hạnh phúc hạn cuộc của lứa đôi, hạnh phúc lứa đôi là loại hạnh phúc rất mong manh chóng sụp đổ vì nhiều yếu tố khiến nó vụt ra khỏi tầm tay của mình, là hạnh phúc phải phập phồng, canh cánh sợ mất, phải canh chừng luôn luôn mà khi hết duyên, mất vẫn mất!) mà là một thứ hạnh phúc do phước báu tạo nên khiến mình được an vui, thơi thới suốt đời mình!
Có câu nói:” Hạnh phúc như một nụ hôn,
Muốn thưởng thức nó ta phải có sự san sẻ.”
Do không còn chấp ngã, ta xem mình bình đẳng với mọi người, ta chia vui xẻ buồn với mọi người, ta sẽ cảm giác được hạnh phúc này.
Tóm lại Huệ Phước song tu sẽ phù trợ lẫn nhau để cuối cùng đủ để ta vượt thoát vòng luân hồi, cứu cánh này có thể đạt được với sự thấu đáo Phật Pháp và quyết tâm đeo đuổi.
Đã có nhiều chứng cớ là ngoài Phật còn rất nhiều thiền sư đắc đạo, tức vĩnh viển giải thoát ra khỏi vòng luân hồi lẩn quẩn.
-oo0oo-
Xin nguyện đem công đức mọn này, hướng về khắp tất cả: đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Diệu Châu