PDA

View Full Version : 23 Tết - Dọc đường 13



Longhai
10-17-2013, 02:20 AM
23 Tết - Dọc đường 13

Nguyễn Thanh Khiết


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1382028385.PNG

(Nhật ký thời hậu chiến)

Tôi trở lại An Điền trong cái nóng của những ngày cuối Tết. Con đường từ chợ Bến Cát đi vào Tân Lập phải vượt qua cầu Đò, cây cầu là khởi đầu cho con lộ đang được mở rộng, bụi đỏ, đất cát tứ tung hai bên đường.

Bến Cát, cái tên nghe đã cát ơi là cát nói chi đến An Điền, cái xứ xương máu chảy đầy từ những năm 1972 của Mùa Hè Đỏ lửa, cho tới bây giờ thứ xương máu đó vẫn còn đây, xứ của những thằng bạn TPB của tôi, những thằng què hai chân, cụt hai tay, mù hai mắt, tụi nó đang sống còn và hụt hơi chạy đua với cái tuổi về chiều đầy bệnh tật trong thân phận của những thương binh còn sót lại sau cái ngày tan hoang.

Dương dẫn tôi đi trên con đường mù mịt bụi đó, hắn là gã thương binh một chân, từng lết cái chân đau còn lại đi với tôi về An Lộc cắm nén nhang trên những mồ hoang mã lạnh của bè bạn xưa, trên những tàn phai qua 40 mươi năm. Hắn từng khóc khi lượm mẩu xương tàn của người chết trận chưa từng quen biết, bởi hắn từng là Lính, thứ Lính tình nghĩa, cho dù đứng trên những nguội lạnh của đời người, hắn vẫn còn một tấm lòng với những thằng đã nằm xuống chết thay cho hắn.

Hôm nay hắn lại đi cùng tôi, một lần nữa về An Điền.

Cái bàn với những lóng gỗ kê làm ghế ngồi, đã có 5 thằng bạn cụt, què chờ tôi bên ấm trà nguội ngắt. Tôi ra dấu cho Dương ngồi yên ở đó. Bước xuống nhà sau, cái phòng anh Nhàn nằm vẫn như cũ, có điều, hôm nay cửa mở, và người thương binh nhỏ nhắn kia không áo, không quần, vươn đôi mắt lạc thần như người chết nhìn ra mà như không hề hay biết sự hiện diện của tôi, anh ta chỉ là một cái xác còn nhúc nhích, thản nhiên lết tới cái hố thoát nước được xây vuông vứt hai gang tay, làm cái chuyện vệ sinh tỉnh bơ như chẳng có ai chung quanh.

Nhiều năm rồi anh ta như vậy, sống như vậy, chết từ từ như vậy. Nắm tay anh kéo về phía giường, tôi nhận ra anh ốm hơn năm trước, bạc nhược và hai con mắt thất thần hơn. Tôi lặng yên bên anh một chút, nói gì bây giờ, anh có biết gì đâu ? Có nghe gì đâu ? Cứ đờ đẫn ra đó mặc ai làm chi thì làm, ai đút thì ăn, buồn ngủ thì lăn ra giường, có khi nằm đại trên đất, cần thì cứ lết lại cái lỗ mà tè.

Trở ra bên ngoài, Bội hỏi tôi trước tiên :

- Anh Khiết hả ?

- Cha nội, anh hỏi mà tôi tưởng anh thấy đường, thấy tui chứ.

Bội ngồi sát cửa ra vào, ngước lên, một con mắt trắng dã còn nguyên dấu sẹo, con mắt thứ hai với con ngươi bất động, như cố nhướng lên nhìn, hai bàn tay không có một ngón xếp yên lặng trên đùi :

- Nghe tiếng là biết anh tới mà.

Tôi nhìn họ, Thành ngồi tuốt bên trong, anh đưa hai cái tay cụt, một gần sát nách, một là cái cùi tay mất hẳn năm ngón và tòn ten cái chân còn phân nửa gần sát gối, tứ chi con người này chỉ còn mỗi một chân. Hồng lính TĐ 11 Dù, ngồi kế bên, Hồng già hơn lại thêm bộ râu bạc lún phún, hắn cười, nụ cười làm giật giật hai mí mắt mù được may kỷ bằng chính mẩu da của hắn như một lời trách móc :

- Tưởng anh biến mất chứ.

Tôi cười với hắn :

- Biến sao được, tại cuối năm lu bu, chạy toát mồ hôi nên tui lên đây trễ.

Sáu thằng anh em của tôi ở Bến Cát, ba thằng mù, một là cây thực vật biết đi và chỉ có mỗi mình Dương còn được hai con mắt, hai cái tay và hai phần ba của một cái chân.

Trịnh trọng dăm câu, tôi mang những bì thư mà tối qua tôi tằn mằn dán bằng xấp giấy A4 trắng tinh, đã cẩn thận ghi rõ từng tên một, trao tận tay từng người, cái trân trọng của tôi làm Hải ít nhiều luống cuống khi nhận cái phong bì.

Tôi phải trân trọng chứ, bởi vì tôi đang thay mặt cho một số người còn đoái hoài với những gã đui, què đang ngồi trước tôi. Những vị “Mạnh Thường Quân” đó như nhờ tôi chuyển tận tay đến những mảnh đời đang tàn lụn trên quê hương vốn dĩ đã không còn là nơi cho họ nương tựa. Và tôi đang làm cái nghĩa cử “trả ơn” những hy sinh, mất mát, chịu đựng của những người từng khoác áo lính, từng có những ngày đem máu xương bón cho non sông, mà nhất là thương tật đó là gánh vác, là mang thay cho những kẻ lành lặn trong chiến tranh qua. Trong đó có cái thằng tôi may mắn còn nguyên và họ, chính họ đã lãnh thay tôi những thứ thương tật này.

Cũng có nhiều lúc tôi nghĩ mình sẽ ra sao, nếu tôi như họ, sống trong một tình huống chết dở, sống dở như thế này.

Hải nghẹn ngào cám ơn. Tôi đưa anh cầm phong bì, bởi anh là người dù mù cả hai mắt nhưng vẫn còn giữ được đôi tay nguyên vẹn, ngoài Dương ra, trong số họ, anh là kẻ duy nhất còn cái bàn tay để tôi bắt như một chào hỏi khi gặp nhau.

Thăm lom nhau vài câu, Bội làm tôi bất ngờ khi anh nhắc lại cái khó của anh em khi nhận một khoảng cho, biếu nào đó từ hải ngoại qua hệ thống trung chuyển của ngân hàng.

- Ủa ! năm nay mà còn cái vụ này sao anh Bội ?

Cả bốn cái đầu cùng gật, như một xác nhận. Bội tỉnh bơ :

- Còn nguyên, vẫn y như vậy, từ lâu rồi, cho nên cái khổ là trên mạng, mung gì đó có mấy cái hình của tụi tui là… mệt lắm.

Tôi hiểu ngay cái “mệt” của các anh, cho đến thời điểm này mà vẫn còn bị “làm phiền” trong thân phận của một phế binh, phế binh của “bên thua cuộc”.

- Cái vụ này năm trước tui nghe anh Thành nói, nghĩ cũng lạ, tui đi tứ tung, những địa phương khác tui đâu có nghe cái vụ oái oăm này, chỉ có ở An Điền, đúng là mỗi địa phương là một nước, một pháp luật riêng… chịu chết !

Bạn bè tôi sống và cố sống trên cái đất mà họ từng vác súng dưới nắng, chiến đấu dưới mưa, thương tật, máu mũ đầm đìa như vậy ngay trên đất họ sinh ra, trưởng thành và chuẩn bị nằm xuống cùng một chỗ, được đối xử “tử tế” như vậy, được “thương yêu” trong vòng tay mẹ Việt-Nam kiểu như vậy. Chinh chiến đã qua nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày mà thương tật vẫn y nguyên, tình người cũng không đổi thay.

Tội nghiệp tụi mày, những thằng tàn tật trên quê hương ngàn năm văn hiến.

Thật nhanh, thật gọn. Sau khi đã làm cái sứ mạng trao tận tay và ghi đủ những gì cần thiết. Chia tay với những người bạn đầy thương tật, thương tật đến độ không thể tưởng tượng là họ vẫn sống trên ngần đó can đảm của một con người, vượt qua cái giới hạn chịu đựng. Tôi từ biệt, trở lại con đường mù mù bụi và cố gắng không để họ lết ra hàng hiên tiễn chân.

Dương gác cái chân giả qua yên xe, khoác tay cho tôi đi trước, anh muốn đưa tôi một khúc đường. Đúng là Dương, gã Hạ sĩ BĐQ của 52, luôn tình nghĩa.

Trưa nắng hực xuống mặt đường đất loang lỗ, cái nóng hắt vào mặt và con đường kéo dài hun hút, tôi hít một hơi dài lấy trớn, đội cái mũ bảo hộ nặng chình chịch lên đầu. Trước khi nổ máy chiếc xe cà tàng, tôi bắt gặp Hồng đang bám vào tường lần ra cửa, hai bàn tay không ngón, cái cùi tay dò dẫm trên vách, quờ quạng hướng về phía tôi và Dương. Dáng người thương binh mù thiếu cả hai bàn tay lần từng chút một trên vách về phía cửa làm tôi nhói đau. Hồng đi, đứng như vậy từ những năm 1972, không biết hắn còn đi như vậy… tới bao giờ.

Mày đi như vậy mà còn tiễn tao… thằng mù ơi !

Để Dương quay lại Chơn Thành, tôi phóng xe thật nhanh trở ngược hướng về Sài Gòn cho kịp cái hẹn dọc đường với anh Thế Minh.

Hai đứa tôi ngồi bệt xuống ngay bên lề, dưới gầm cầu Bình Phước. Giữa lòng đường xe cộ ngược xuôi, giữa tiếng còi xe tải vang nhức óc, tôi bắt tay Minh, anh cụt cả hai chân, nên phải mang một cái chân giả làm thế chịu trên hai cái nạng gỗ. Anh đã từ chối không để tôi lên tận nhà anh ở Thủ Đức. Khi hay tin tôi từ Bến Cát về, Minh bảo tôi gặp nhau tại ngã tư Bình Phước.

Sờ lên cái chân giả lạnh tanh của anh, tôi hối hận vì để anh phải ngồi xe gắn máy do con anh chở, nhưng làm sao hơn bây giờ, tôi chỉ còn 3 giờ nữa để đưa bằng hết những cái phong bì còn lại mà tôi quyết định là phải thực hiện cho xong. Hôm nay đã là 23 Tết.

Như tôi đã nói với Hải khi nãy, hôm nay tôi đưa ông Táo với bè bạn đui què sứt mẻ của tôi.

Đưa Minh về cùng một đỗi đường, chúng tôi nhắc lại lời hẹn gặp nhau sau Tết, anh cười cười nói với tôi :

“Nhớ nghen, qua Tết…mình gặp.”

Chất giọng miền Nam đặc sệt của anh, nó toát ra một thứ chân thành và thật chất phát, tôi bảo anh đi trước.

Đứng dưới cầu, tôi nhìn theo bóng anh, xếp dọc hai cái nạng gỗ hai bên xe, người cong xuống, cái nón bảo hộ màu đen tróc sơn tả tơi như một biểu hiện cái bương bả của một cựu binh mà thương tật làm mất hai chân, anh như âm thầm chịu đựng, nó làm anh xác xơ hơn, tàn tạ như anh, với đôi mắt quầng thâm, với nếp nhăn trên trán như những dấu vết của nghĩ suy một đời người. Bàn tay anh giữ chặt cái túi trước ngực, trong đó là cái phong bì “tình nghĩa”, tôi có cảm giác hình như anh đang cố gắng giữ nó cho thật chặt hơn…

Ôi ! Những người bạn thương binh của tôi !

Ranh giới Sài Gòn vẫn chưa phải là ranh giới cuối cho chuyến đi ngày hôm nay, còn nữa, tôi còn Đoàn Ngọc Mỹ, còn Phan Vây, còn tá lả những bè bạn, anh em nằm trong cái danh sách Cây Mùa Xuân 2013 của tôi. Và hôm nay tôi mới chỉ đi và về trên nửa đoạn đường 13 nhuộm máu, không đủ thời gian để tới Lai Khê nói chi về An Lộc.

Tôi phóng xe như bay, cố không nhìn những mảnh vải màu đỏ chói may bằng thứ vải lụa rẻ tiền mang trên đó hàng tá chữ nghĩa, những ca tụng, những ngôn ngữ màu mè tiêu biểu cho một nền văn minh mạt hạng cố ngóc lên, ngóc lên bằng chữ, những lá cờ, những giáo điều giả dối không cần đọc cũng biết ghi gì trên đó. Nguyên cả con đường 13 từng chảy máu, hôm nay, ngày này đỏ rực và chữ nghĩa làm tôi rối mắt, cứ cách nhau một khoảng nhất định ba thước là phất phơ, phất phơ chữ nghĩa :

“Toàn dân, toàn đảng tích cực, phấn đấu, sống theo tấm gương …”

Ngừng xe bên vệ đường, châm điếu thuốc, tôi nghĩ đến Hồng, Hải Thành, Bội may mà tụi nó cụt chân hay mù, để không phải như tôi, đi trên con đường 13 ngày hôm nay, đúng vào cái giờ chết tiệt này, nắng chói trên màu đỏ, gió nổi làm bay bay những mảnh vải, bay bay những chữ, bay bay những nghĩa…

Tôi cũng đang “tích cực, phấn đấu” vượt qua khúc đường có những ổ gà, có những rác rưởi bay phất phơ bên vệ đường, trong nắng, trong gió, trong cái chết từ từ của cuối đông, mà mùa xuân chẳng biết có kịp về không. “Mùa xuân” hai con chữ hình như tôi cũng quên mất từ lâu lắm rồi, chắc cũng giống như những thằng bạn, những cựu binh tôi vừa gặp, chẳng ai còn có mùa xuân.

Hy vọng là món quà nho nhỏ đó sẽ đốt lên cho ấm một chút cái lạnh tanh của những mảnh đời nhiều năm từng bị lãng quên.

Tôi gọi cho Thái Đào, cho Trần Viên ngoài Quảng Trị cho Hy liệt, Đính cụt ở Huế, báo với tụi nó một tiếng là tôi đã gởi quà ra cho tụi nó.

Gọi cho Mỹ, gọi anh Phan Vây, những anh em có cái tên trên tờ giấy viết vội bằng bao thuốc lá, chúng tôi hẹn gặp nhau, cố phải gặp nhau dù chiều sắp tàn, dù đoạn đường để tôi tới với họ vẫn còn xa.

Ngày Chủ Nhật, 23 Tết, tôi đi trên đường 13, đến và về từ An Điền.


Nguyễn Thanh Khiết

khongquan2
10-17-2013, 04:51 PM
Cảm ơn anh người Thương Phế Binh QLVNCH


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1382028535.PNG

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1382028572.PNG

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1382028603.PNG