PDA

View Full Version : Hãy cứ đi, nhưng đừng chết vì thiếu hiểu biết .



TAM73F
10-04-2013, 03:45 AM
Tình cờ trên Facebook mình được biết về chuyện Huyền Chíp qua một người bạn. Dạo này không có nhiều thời gian theo dõi chuyện trên mạng nên tuy mình có nghe về một cô gái nào đó đã đi du lịch qua 25 nước, nhưng rồi cũng không để ý lắm. Chỉ khi anh bạn ấy kể sơ sơ là bạn HC đi du lịch với vốn khởi đầu chỉ có vỏn vẹn 700 dollars, đến quốc gia nào hễ gặp khó khăn về tài chính thì cứ đi xin việc làm, và thế là có tiền trang trải – thì mình mới bắt đầu chú ý và tìm hiểu.

Thật lòng mà nói, câu chuyện về cuốn sách của bạn HC cùng những dư luận chung quanh đã cho mình một nụ cười. Tuy vậy, bài viết này của mình không đào sâu về những chi tiết thật, giả trong cái việc đi ấy của bạn Huyền. Bài viết chỉ nói lên thực tế và nhắc lại các lý lẽ thông thường mà người ta cần nhớ khi đi du lịch nước ngoài.

Trước khi vào đề tài chính, nếu có bạn nào thắc mắc là mình đã từng đi du lịch ở nước ngoài chưa hay là chỉ phán theo kiểu ếch ngồi đáy giếng, thì mình xin thưa: vâng, mình đã có đi, và đi cũng không ít. Nhưng vẫn có một số điều mình chưa trải nghiệm qua, như là chuyện xin visa. Với quốc tịch Canada, mình hầu như được miễn visa khi đến những quốc gia khác. Vì vậy khi nói về điểm thứ nhất, visa, mình chỉ nói theo lý thuyết và những gì mình tìm hiểu được.

1. Có nhiều loại visas khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng thông thường có thể chia ra làm hai loại: work visa và tourist visa. Với tourist visa (cho mục đích du lịch hoặc thăm viếng), bạn không thể làm việc (dù có được trả lương hay không) nơi đất nước mà bạn du lịch. Bạn chỉ có thể làm việc ở đất nước ấy khi bạn có work visa hoặc là được cấp work permit (giấy phép lao động).

2. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều e ngại tình trạng người nước ngoài nhập cư/lao động trái phép tại nước họ. Ở một số quốc gia, người ta ghi rõ ràng “Cấm làm việc” trên con dấu hải quan đóng trong hộ chiếu của khách du lịch.


Đây là một số trang trong hộ chiếu của mình. Có thể thấy, con dấu hải quan của Jamaica và quần đảo Cayman ghi rõ “Cấm làm việc,” và Singapore chỉ cho phép mình lưu lại đất nước họ với mục đích thăm viếng mà thôi.

Vì vậy, nếu bạn làm việc nơi quốc gia mà bạn viếng thăm với tư cách khách du lịch mà không có giấy phép lao động, dù nhìn theo bất cứ khía cạnh nào đi chăng nữa, bạn vẫn làlao động bất hợp pháp. Dưới cái nhìn của người bản xứ, bạn là dân lao động chui, lao động lậu, là những kẻ tranh giành miếng cơm manh áo với họ. Không biết mọi người khác nghĩ sao, nhưng với mình thì điều này không có gì đáng để tự hào cả!

3. Ở nhiều quốc gia, các công ty thường rất e ngại chuyện mướn phải nhân công bất hợp pháp. Rất đơn giản: họ chỉ muốn làm ăn yên ổn và nếu không cần thiết thì không muốn dính rắc rối liên quan đến pháp luật. Hãy đặt mình vào vị trí của người chủ, bạn nghĩ tại sao mình phải mạo hiểm mướn những nhân công bất hợp pháp?

Với mình, khi phải mạo hiểm mướn một kẻ lao động bất hợp pháp, có hai nguyên nhân chính:

Nếu mướn lao động bản xứ và hợp pháp thì mình không đủ khả năng trả lương cho họ theo mức quy định. Nếu mướn lao động nước ngoài và bất hợp pháp, mình có thể trả họ với giá rất bèo, rẻ bằng một nửa hoặc hai phần ba giá trả cho lao động bản xứ.
Công việc làm ăn của mình là không chính đáng, nên cần mướn lao động bất hợp pháp nước ngoài để giảm thiểu rủi ro. Họ không quen thuộc ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, và nhất là họ chỉ muốn an phận để kiếm tiền, không hy vọng dính đến rắc rối pháp luật nơi xứ người.

Vì thế, mình khẳng định khó có chuyện kiếm được một công việc chính đáng, đàng hoàng nào ở nước người mà được trả lương cao hơn lương trả cho người bản xứ, nếu bạn chỉ có tư cách lao động chui. Trên thương trường, chuyện lợi và hại, lời và lỗ sẽ được người chủ cân nhắc trước nhất. Họ không phải là Chúa hay Phật, đừng hy vọng họ thương tình gì mà ban phát cho bạn một công việc với mức lương mà ngay cả người bản xứ cũng phải mơ ước.

4. Một góc thực tế của dân lao động bất hợp pháp tại xứ người:

a. Được trả lương rất bèo, và thường là tiền mặt
b. Làm việc dưới tình trạng lén lút, chui nhủi
c. Rất dễ bị chủ quỵt lương hoặc trả lương không đủ
d. Rất dễ bị hành hạ về mặt tinh thần (mắng chửi, đay nghiến) và thể xác (đánh đập, ngay cả hãm hiếp)
e. Khi người lao động chui bị ngã bệnh hoặc bị thương trong lúc làm việc, rất có thể người chủ sẽ bỏ mặc họ mà không đưa đi bệnh viện hoặc gọi bác sĩ chữa trị. Đơn giản: họ không muốn người ngoài biết về chuyện họ mướn nhân công bất hợp pháp.

5. Bốn điều ở trên nói về việc lao động bất hợp pháp ở nước người. Điều thứ 5, cũng là điều cuối cùng mình muốn nói trong bài viết này là chuyện bảo hiểm y tế khi bạn đi du lịch.

Trừ phi bạn giàu nứt đố đổ vách, tiền bạc không là vấn đề, bạn nên chuẩn bị bảo hiểm y tế trước khi du lịch. Hãy nghĩ đến trường hợp chẳng may bạn ngã bệnh hoặc bị thương nơi xứ người. Vâng, cảm sốt chỉ là chuyện nhỏ, nhưng bị gãy tay, chân hay hoặc bị thương tích với mức độ nghiêm trọng mới là điều đáng nói.

Cũng vậy, đừng mong chờ gì nhiều vào lòng thương hại của người dân bản xứ. Bạn bị gẫy chân, được đưa vào bệnh viện và khi biết bạn là dân du lịch, điều đầu tiên người ta sẽ hỏi là bạn trả chi phí chữa trị cùng viện phí như thế nào, bảo hiểm hay tiền túi của bạn? Bạn không có khả năng để trả (không có bảo hiểm hoặc không đủ tiền túi) thì rất có thể người ta sẽ bỏ mặc bạn. Một ngày nằm viện ở xứ người không hề rẻ, có thể từ vài trăm lên đến một ngàn dollars – nếu không có bảo hiểm y tế, bạn khó có thể nào trả nổi mức phí này.

KẾT LUẬN: Với bài viết này của mình, có thể nhiều bạn sẽ nghĩ mình không khuyến khích chuyện đi du lịch, ra ngoài để học hỏi và mở mang kiến thức. Thực tế là ngược lại, việc đi du lịch, thám hiểm thế giới đã và vẫn đang là một đam mê của mình.

Nhưng đi như thế nào là một chuyện. Mình không có tiền thì không đi, chứ không phải đi với một tinh thần luồn lách, dối trá và khinh thường pháp luật. Hơn nữa, việc đi không hề đơn giản là chỉ việc xách ba lô lên mà đi chứ không chuẩn bị gì cả, vì có những điều ta cần phải biết trước khi qua xứ người.

Hãy cứ đi, nhưng đừng chịu rủi ro, và nhất là đừng chết vì thiếu hiểu biết những điều căn bản nhất!

(Đáng lẽ dừng ở đây, nhưng suy nghĩ lại mình cần phải nói thêm điều này. Chuyện đi chơi, đi du lịch với mình chỉ đơn thuần là để thỏa mãn ước mơ cá nhân, chả có mục đích cao đẹp gì cả. Nhưng với một số bạn đi mong để giới thiệu, truyền bá văn hóa cùng hình ảnh đẹp đẽ của Việt Nam thì mình hy vọng các bạn đừng giới thiệu một Việt Nam qua hình ảnh của kẻ nhập cảnh lậu hoặc lao động chui. Hình ảnh chui, lậu tố cáo chúng ta là một dân tộc nhược tiểu, chỉ biết lấy gian dối làm lẽ sống!)

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3881

September 30, 2013

Nguyen Kim :40: