PDA

View Full Version : H.O, Những chặng đường



Longhai
10-02-2013, 01:00 AM
H.O, Những chặng đường

Bích Huyền



Chờ đợi

Hai mươi năm nhìn lại chặng đường HO đã đi qua, lòng tôi không khỏi bồi hồi...

Mới đó mà đã hai mươi năm gia đình tôi sang định cư tại Mỹ theo “diện HO.” Hai mươi năm, chỉ thiếu một năm là bằng thời gian tôi theo cha mẹ trốn chạy Cộng Sản, cùng anh chị em từ miền Bắc di cư sống ở miền Nam năm từ 1954 cho đến 1975, Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam.

Tôi không nhớ ngày tháng nào đã nộp đơn xin đoàn tụ gia đình với Phạm Anh Dũng, người em út trong nhà, là người duy nhất thoát được khỏi Sài Gòn trong ngày miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Tôi chỉ nhớ cái cảm giác vô vọng khi ngồi chờ ở Sở Công An Thành phố. Gương mặt ai nấy đều buồn rầu, có lẽ họ cũng như tôi, nộp đơn thì vẫn nộp nhưng hy vọng được xuất cảnh thật mong manh.

Rồi chồng tôi bị tai nạn chết trong tù, rồi tôi tìm đường vượt biên hai lần đều bị bắt giam, tôi đành an phận với cuộc sống lao đao và miệt mài vào công việc mưu sinh, và gần như tôi quên đi cái đơn xin xuất cảnh.

Cho đến một hôm, tôi được một ông anh họ khơi lại chuyện ra đi. Anh là giám đốc bệnh viện Grall Hà Nội. Anh có người em rể là kỹ sư được đi tu nghiệp Hoa Kỳ. Anh đến nhà tôi khuyên nên làm đơn thẳng sang Mỹ. Người kỹ sư ấy cũng là phụ huynh học sinh trường tôi đang dạy cho nên tỏ ý sẵn sàng giúp tôi. Tôi làm đơn cho Tổng Thống Mỹ (TT Reagan) kể về hoàn cảnh khó khăn của mình (Chồng tôi bị chết trong tù, con tôi sẽ chẳng có tương lai vì lý lịch ghi là “Gia đình ngụy quân.”)

Ðơn được mang đến tận tay cho Hồng Thủy, bạn thân của tôi ở vùng D.C. Thủy đã chuyển ngay cho anh chị Lê Ðình Ðiểu ở quận Cam, Nam Cali, vận động Dân biểu, Nghị sĩ giúp đỡ. Kèm theo lá đơn còn có bằng tốt nghiệp khóa Tham Mưu Cao Cấp năm 1970-1971 của chồng tại trường Leaven Worth, Kansas do cô bạn thân khác là hương Kiều loan xin giúp, cùng giấy báo tin của trại Vĩnh Phú là nhà tôi đã bị chết trong tù.

Không bao lâu tôi nhận được lá thư hồi đáp của văn phòng Tổng Thống. Ðại khái lá thư viết rằng, “Rất xúc động trước hoàn cảnh của bà và sẵn sàng đón tiếp gia đình bà vào đất Mỹ. Tuy nhiên hiện nay chính phủ Việt Nam ngưng không cho ai xuất cảnh sang Mỹ. Nếu bà và con gái đến được một nước thứ ba, chúng tôi sẵn sàng đón nhập cảnh Hoa Kỳ.”

Vàng đã hết, lại thêm các tin tức thảm khốc về những chuyến vượt biên, vượt biển, làm các nào tôi có thể đến được một nước thứ hai ? Thôi đành cất giữ lá thư làm... kỷ niệm.

Hàng ngày tôi vẫn đến trường dạy học, môn Văn ở trường “chuyên” cho các em học sinh giỏi Thành phố. Mỗi cuối năm học, kỳ thi Toàn quốc, tôi đã mang về cho Thành phố những giải xuất sắc. Sở Giáo Dục có ý chuyển tôi về sở làm việc, trường Trung Học Sư Phạm cũng muốn tôi về dạy cho giáo sinh. Vì sợ mất tôi, Quận đã “đề bạt” tôi vào chức vụ Hiệu Phó Chuyên Môn trường điểm hạng Một của Thành phố.

Ðược hai năm, tôi đã mang bao nhiêu thành tích giáo viên giỏi, học sinh giỏi về cho Quận Nhất. Khám phá chuyện tôi đăng ký xin xuất cảnh, Ủy viên Giáo Dục Quận Nhất thuyết phục tôi rút đơn, đổi lại sẽ cho tôi đi “Nghiên cứu sinh” (Tu nghiệp) ở nước ngoài, cho con gái tôi du học Liên Xô... Tôi từ chối. Sau ba tháng nghỉ ở nhà mà vẫn được hưởng lương (Có lẽ họ muốn chờ đợi tôi thay đổi ý kiến), tôi chính thức nhận được giấy cho thôi việc vào đầu năm học 1985-1986. Cuối năm học đó, đội tuyển học sinh giỏi Văn không có giải nào. Phòng Giáp Dục cho người đến tận nhà mời tôi trở lại dạy, và những năm kế tiếp vẫn kiên nhẫn mời gọi, nhưng tôi vẫn từ chối...

Trở lại thời gian bị nghỉ việc, tôi lo lắng không biết mình sẽ làm gì để sinh sống. Sợ nhất là công an Phường khóm làm khó dễ. Tôi chợt nghĩ đến chị Hoàng Oanh (Vợ nhà văn Dương Hùng Cường). Hàng năm, gần ngày khai trường, chị thường nhờ tôi giới thiệu với các trường tôi quen trong Thành phố để bỏ thầu bán căn-tin. Chị Hoàng Oanh vui lòng hướng dẫn giúp tôi vào nghề.

Mỗi ngày tôi dậy từ 4 giờ sáng. Từ đường Tự Ðức quận Nhất, ghé chợ mua củ sắn, trái thơm, chở trên xe đạp lỉnh kỉnh hàng trăm thứ, đến trường Ngô Sĩ Liên gần Tân Sơn Nhất. Miệt mài làm việc để kịp bán giờ ra chơi. Lột vỏ củ sắn thì dễ dàng, nhưng gọt trái dứa rất khổ cực. Bàn tay bị acid từ dứa ngấm vào da sưng đỏ, nhức nhối. Phụ huynh làm trong bịnh viện thương quá, cho găng tay cao su bao bọc. Chiều về đến nhà, mệt quá, không ăn uống gì, chỉ biết nằm vật ra thở. Tối đến còn phải thức thật khuya nấu cho xong nồi chè đậu đen to tướng, ngủ vài tiếng là lại bắt đầu một ngày mới, lại rời nhà từ lúc trời còn mờ tối. Thấy con vất vả quá, mẹ tôi nói, “Thôi đừng bán buôn nữa, từ từ tìm nghề nào nhẹ nhàng hơn. Lúc này mợ vẫn có thể nuôi con và cháu Uyển Diễm được mà !” Nghe mẹ nói mà nước mắt tôi chảy ràn rụa. Mẹ tôi bao giờ cũng là bóng mát, là chỗ dựa cho các con và thúc giục các con nên làm như thế nào trong mọi tình huống.

Tôi cố gắng bán một hai tháng xem sao. Và rồi như quen việc, tôi không còn cảm thấy mệt nhọc nữa. Nhất là hàng tháng tiền bán, sau khi lấy vốn về, trả lương mấy người phụ giúp, số tiền còn lại nhiều gấp mấy chục lần lương dạy học. Không khí trong căn-tin cũng rất vui vì có cả các bạn cũ chung bán. Các chị đều còn đang dạy học nhưng có các anh đi tù về giúp đỡ.

Cũng từ nơi này chúng tôi bắt đầu nghe đến chuyện HO...

Từ khi tin Mỹ có chương trình nhận tù nhân chính trị được lan truyền, cứ đến những ngày chẵn trong tuần là các ông rủ nhau ra công viên trước Dinh Ðộc Lập để nghe tin tức. Các bà có phàn nàn thì các ông nói rằng, “Mấy bà cứ ở đó mà lo nhặt bạc cắc. Người ta đi hết rồi mới ôm mặt khóc.” Thế là các bà nhao nhao phản đối, “Chúng tôi không sợ đâu nhé. Ở đây có vài ba bước là vào Tân Sơn Nhất. Chỉ sợ các ông kẹt lại mà thôi.” Ấy thế mà khi các ông về, ai cũng hỏi, “Có tin gì mới không ?” Trong căn phòng căn-tin, mái tôn thấp nóng hừng hực, chúng tôi vừa làm vừa nói chuyện “ra đi.” Dù biết là tin vịt nhưng hình như ai nấy vẫn có một chút gì hy vọng...

Rồi tất cả lại... êm ru. Các ông không thấy ra ngồi công viên nữa, và chúng tôi thì vẫn quần quật sắp xếp hàng bán, đợi giờ học trò ra chơi. Hy vọng tan như mây khói.

Một năm, hai năm sau,... bỗng có một ngày Sài Gòn lại xôn xao với tin tù nhân chính trị sắp được “bốc” đi. Các ông lại bỏ bán căn-tin, đạp xe xuống phố Thái Văn Lung, nơi có Sở Ngoại Vụ. Có hôm mang về mấy tờ giấy màu đen, lợn cợn, in ấn bôi bác, bán với giá rất đắt. Nào mẫu đơn, nào giấy kê khai lý lịch... Có tin gì mới không ? Có chứ, sắp được đi đến nơi rồi ! Ngoài đó đông lắm. Một người quen chen lấn rớt cả kính mới vào tới nơi để đọc thông báo. “Rơi mất cả kính thì làm sao mà đọc được nhỉ ?” Thế là tiếng cười vang rộn khắp căn phòng. Tuy nhiên vẫn cứ hy vọng đợi chờ cho đời bớt sầu, bớt khổ. Chúng tôi cứ như thế sống trong hy vọng rồi thất vọng với câu chuyện ra đi, vừa bùng lên rồi lại xẹp xuống như chiếc bong bóng...

Cho đến một hôm, tin tức “ra đi” lại xôn xao. Có cả danh sách những người được ra đi đợt đầu. Những ai ra đi ? Ra đi như thế nào, tàu bay hay Hạm đội ? Thế là sắp hàng mua đơn ở Ủy Ban Phường. Các quán Photocopy người ra kẻ vào tấp nập, tha hồ thu tiền. Bưu Ðiện Thành Phố chật cứng người gửi hồ sơ sang Bangkok. Người người truyền tai nhau tin Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ đang lo chuẩn bị đón tiếp. Vừa bước xuống máy bay, người tù chính trị được trao một chùm chìa khóa nhà, xe hơi, một phong bì trong đựng 500 đô của Ðức Giáo Hoàng và vô số quà cáp của các hội thiện nguyện...

Ôi, những ngày khốn khổ sắp qua ! Giấc mơ không bao giờ dám ao ước lại sắp thành sự thật !

Ngoài công viên lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Trong gia đình bàn tán sôi nổi, ồn ào. Có người bán đồ đạc, may quần áo. Có người bán cả nhà đi ở nhờ, chờ đợi ngày “Mỹ bốc.” Con cái nghỉ học, tìm thầy dạy Anh văn. Có bà đi sửa sắc đẹp, có cô đi học nhảy đầm. Có ông bị vợ bỏ từ ngày đi tù. Ngày trở về lủi thủi cô đơn, gặp được người bạn gái năm xưa an ủi, tính làm giấy hôn thú để cùng “ra đi” thì bà vợ cũ xuất hiện. Bà không chịu ký giấy ly dị, bắt ông chồng phải ghi tên bà vào danh sách. Mỗi ngày bà đến ăn vạ chồng và đến đánh ghen tại sở làm việc của người đàn bà “Đã cướp chồng mình.” Người chồng không chịu nổi, phải giơ hai tay kêu lên, “Thôi, thôi ! Bà về với ông chồng của bà đi ! Tôi sẽ không nộp đơn, không đi đâu cả !”

Mỗi ngày một tin. Mỗi ngày một chuyện. Cười ra nước mắt.

Ngày lại ngày qua đi, chẳng thấy gì.

Lại thỉnh thoảng lang thang ở công viên trước dinh Ðộc Lập vắng hoe. Lại lếch thếch đạp xe tới nhà nhau hỏi “Có tin gì mới ?” Lại lắc đầu và nhìn nhau thở dài, thất vọng. Nhưng tại công viên đường Thái Văn Lung, trước cửa Sở Ngoại Vụ, loáng thoáng người ta vẫn cứ đến, cứ đợi cứ chờ...

Cho đến một hôm, nhà nước loan tin chính thức về chương trình ra đi của tù nhân chính trị. Có người mách tôi ra Hà Nội xin xuất cảnh dễ dàng hơn là ở trong Nam. Tôi mang hồ sơ xin xuất cảnh và lá thư của văn phòng Tổng Thống Mỹ đến Bộ Nội Vụ, số 40A Hàng Bài. Ngồi đợi một hồi lâu mới thấy mấy người công an trẻ, dáng điệu quan trọng bước vào. Họ xem xét hồ sơ và dừng lại rất lâu trước lá thư của văn phòng Tổng Thống Mỹ. Có lẽ vì thế mà họ lịch sự, không hống hách, lạnh lùng như công an trong Nam chăng ? Hỏi cung như nói chuyện và ghi giấy hẹn tôi trở lại vào hôm sau. Sáng hôm sau, chỉ trong vòng chưa đầy mười phút, họ đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ hứa cho xuất cảnh. Hộ chiếu sẽ được gửi vào Sài Gòn sau.

Tiếng lành đồn xa... Người trong Nam kéo ra Hà Nội rất đông.

Nhưng sau này phải qua một nơi gọi là “Dịch Vụ,” và phải tốn tiền làm giấy tờ mới được tới 40A Hàng Bài. Trong Nam cũng có một văn phòng Dịch Vụ, toàn là những gương mặt công an của Sở Quản Lý Người Nước Ngoài và Xuất Nhập Cảnh. Nhưng thái độ tiếp chuyện niềm nở chứ không lạnh lùng như trước.

Hồ sơ xin giấy xuất cảnh phải tốn ít nhất cho dịch vụ là một triệu đồng (Năm chỉ vàng). Hồ sơ mới nộp thì gấp mười lần, chưa kể đến nếu “chạy chọt” thì được xét trước. Nếu không, chẳng biết hồ sơ của mình nằm ở cái xó nào !

Tháng Giêng 1990, gia đình tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Ðáng lẽ đi chuyến bay đầu nhưng tôi đã xin được cho gia đình người em gái có chung hộ khẩu đi theo nên phải bổ túc hồ sơ.

Ngày 10 tháng 4, 1990 tôi rời Sài Gòn. Có đến hàng trăm người đưa tiễn. Họ hàng thân quyến hai bên nội ngoại, đồng nghiệp dạy học hay cùng làm ở Sở Giáo Dục trước 75, bạn cũ Trưng Vương, học trò của tôi, bạn học của Uyển Diễm, cùng các anh chị em từng sinh hoạt thanh niên sinh viên Sài Gòn như anh chị Ngô Mạnh Thu, anh chị Hà Tường Cát, anh chị Nghiêm Phú Phát...

Cuộc chia ly đẫm nước mắt vì tôi phải bỏ lại mẹ tôi già yếu bệnh tật không đi. Mẹ tôi ốm đau mất trí hàng năm trời nhưng kỳ lạ thay, những ngày sau cùng cụ lại tỉnh táo để biết là đám con cháu được ra đi... Và mẹ tôi đã đi vào miên viễn sau một tháng khi chúng tôi được đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ trong nước mắt tiếc thương của các con cháu. Chắc chắn nơi chín suối, mẹ tôi đã mỉm cười yên lòng với tương lai của bầy con cháu nơi vùng đất tự do...

Lên Đường và Hội Nhập

Những giây phút bịn rịn tiễn đưa còn vương vấn mãi trong tôi khi tôi đã ngồi yên vị trong lòng ghế máy bay. Sài Gòn xa dần và mất hút... Chưa đầy một tiếng, máy bay đáp xuống một phi trường cũ của Thái Lan. Xe Bus đổ người xuống trước bãi đất trống có một gian nhà trống vách, mái lợp tôn, nóng cháy da. Nhìn chung quanh đìu hiu, vắng vẻ. Mọi người lần lượt chụp ảnh, lăn tay làm giấy tờ nhập cảnh. Sau đó nằm, ngồi chờ đợi trên những băng ghế gỗ thô sơ. Cả ngày phi trường không có một chiếc máy bay nào lên xuống, không một bóng người. Buồn hiu hắt...

Mãi đến tám giờ tối mới có hai xe Bus tới đón. Ai cũng vui mừng cho dù phải nhồi nhét vào xe như cá hộp. Xe chạy ngoài xa lộ, nhìn bên trong là thành phố Bangkok với những con đường choáng ngợp ánh đèn. Ôi, mới ngày nào so với miền Nam, Thái Lan sao bằng. Vậy mà sau 15 năm, bây giờ văn minh quá. Nhà cửa tráng lệ, đường sá xe cộ lao vun vút. Lòng chứa chan hy vọng. Nhưng không lâu, nỗi thất vọng ào tới khi xe Bus đậu ở trại tiếp nhận. Tất cả lục tục xuống xe và phải ngồi ngay dưới đất để nghe nội quy nhập trại. Sau đó mỗi gia đình ôm màn chiếu, đi qua cánh cửa hé mở với những tấm song sắt kiên cố. Bên trong người lố nhố, ăn mặc lô thôi, đàn ông tóc để dài buộc túm lại... giống như tù nhân. Họ là những người đến trước, bị giam lỏng nhiều ngày tại nơi đây chờ đợi hoàn tất hồ sơ. Mỗi gia đình trải chiếu vào nơi đã quy định. Chiếu nọ san sát chiếu kia. Cả một căn phòng rộng ngột ngạt hơi nóng của thời tiết, của người và người. Lại thêm áo quần, túi xách ngổn ngang, dây nhợ giăng mắc chằng chịt.

Càng thêm buồn rầu, mệt mỏi và chán nản khi nghe nhân viên Việt Nam trong phái đoàn ICM, IOM đến sinh hoạt, lạnh lùng dằn mặt những khó khăn của chặng đường sắp tới. Sẽ phải ở đây bốn, năm ngày và nhiều hơn nữa, có khi hàng tháng tùy giấy tờ thân nhân bảo lãnh.

Gia đình tôi chỉ ở đó có hai ngày là được đi Mỹ. Các anh chị em tôi muốn gia đình tôi tạm định cư tại những thành phố nhỏ như Santa Maria, Visalia êm đềm cho con gái tôi yên tâm học vì cháu đang tuổi mới lớn dễ bị sa ngã. Tôi chọn Visalia, nơi gia đình Phạm Sĩ Trung sinh sống. Cháu Uyển đến trường học Hè ngay. Có một trở ngại là tôi không thể thuê được nhà vì không có thu nhập. Khi đó gia đình Trung còn đang hưởng trợ cấp chính phủ nên không thể nào cho tôi mượn địa chỉ để khai. Nhờ một vài người quen ở đó cho mượn địa chỉ, đều bị từ chối.

Tôi chợt nhớ đến anh Nam Lộc, người đã bảo trợ tôi theo diện HO. Anh nói “Chị cứ về quận Cam, tôi sẽ lo cho chị và cháu. Ngày xưa tôi cũng có thời gian trong Quân đội, được làm việc với anh. Xin chị yên tâm”. Hồng Thủy từ miền Ðông thì nói “Nếu Nga muốn, hai mẹ con sang đây ở với Thủy. Thủy sẽ lo cho Nga đến khi nào Nga có một nghề. Nếu Nga chọn quận Cam, Thủy sẽ tìm việc cho Nga”.

Tôi quyết định chọn quận Cam. Khi tôi học lái xe ở thành phố Santa Maria với Dũng, Hà, con gái tôi vẫn ở nhà Trung để học Hè. Thời gian này còn rảnh rỗi, anh Lê Ðình Ðiểu khuyên tôi nên ghi lại quãng đời vừa qua, sau này bận rộn công việc khó mà viết được. Thế là Ðường Ra Vĩnh Phú xuất hiện trên báo Người Việt, tôi được nhuận bút $20. Món tiền đầu tiên kiếm được ở Hải ngoại. Rồi tiếp theo là Cầu Bao Nhiêu Nhịp, rồi Lối Cũ Chẳng Sao Quên... Anh Ðiểu khuyến khích viết tiếp vì độc giả cũng như ban biên tập chú ý đến loạt bài của Bích Huyền và thắc mắc không biết Bích Huyền là ai, ở đâu ? Chỉ anh Ðỗ Ngọc Yến là biết rõ. Anh Ðiểu có tiết lộ “Ðó là cô em vợ tôi, vừa mới sang đây theo diện HO.”

Tất cả những bài tôi viết trên nhật báo Người Việt được in thành sách với tựa đề Lối Cũ Chẳng Sao Quên năm 1994, tái bản năm 2000 có thêm phần Anh ngữ của Luật Sư Quỳnh Diễm ở Úc.

Trở về quận Cam, tôi đến Sở Xã Hội xin trợ cấp. Tôi nhớ mãi bà cán sự xã hội đã vặn vẹo đủ chuyện vì chiếc xe Toyota Tercel còn rất tốt, tôi mua được của một bà Mỹ già với giá $3,000. Tôi trả lời rất thành thật là tôi không biết tiêu chuẩn chỉ được mua xe dưới $2,000. Tôi lại vừa mới từ Việt Nam sang được anh chị em, bạn hữu giúp cho tiền và cho mượn tiền. Bà lạnh lùng “Tôi không tin là có những người tốt như vậy.” Tôi ngạc nhiên buồn rầu nhìn bà “Nếu trên đời này toàn là những người ích kỷ, không giúp đỡ nhau thì làm sao mà sống được, thưa bà !” “Thôi được, bà mượn tiền ai thì ngày mai mang giấy nợ đến đây.” Anh Chu Tất Tiến cùng HO.1 với tôi cũng bị làm khó dễ như thế. Cô cán sự không tin chiếc xe đó hai ngàn. Xe này phải từ 5 đến 8 ngàn. Giải thích mãi không xong, anh Chu Tất Tiến phải nói “Nếu cô không tin thì tôi bán cho cô với giá 5 ngàn đấy.” Hình như mọi người nhìn HO chúng tôi bằng con mắt khinh rẻ. Họ không có chút cảm thông nào đối với những người vừa thoát ra từ địa ngục.

Tôi hỏi thăm bạn bè trường Trung học nào tốt để tìm nhà ở gần. Ðọc báo Người Việt, tôi “share” được một cái “Master Bedroom.” Từ nhà đi bộ đến trường khoảng 30 phút. Chủ nhà rất tốt, giúp đỡ tôi đủ mọi thứ. Nhờ gia đình hàng xóm cho con tôi quá giang xe đi học ở Valley High School. Con gái tôi đã học xong lớp 9 Võ Trường Toản, sức học của cháu có thể tiếp tục lớp 10, chỉ trở ngại Anh văn. Tôi nghĩ Anh văn thì dù có học lớp nào thì cũng thế thôi, phải trau giồi thêm cho nên xin cho cháu được học lớp 10. Nhân viên phụ trách tiếp nhận học sinh tị nạn là một bà người Việt. Bà nhìn tôi và con gái tôi với cặp mắt coi thường và lạnh lùng ghi giấy nhập học lớp 9 mặc dù tôi có năn nỉ giải thích. Học được một tháng, thấy dễ dàng quá cháu muốn được học lớp trên. Tôi nhờ chị tôi đến trình bày thẳng với Ban giám hiệu. Ông Hiệu trưởng đồng ý ngay và cho giáo sư Toán trưởng khối cho bài để thử sức. Cháu được chuyển lên lớp 10.

Học được một năm, vị giáo sư Toán ấy lại dạy cả ở trường đại học cộng đồng. Thấy cháu học hết chương trình Toán nên hỏi ý tôi có tiền đóng học phí trên đại học cộng đồng Golden West, ông ghi danh cho học thêm buổi tối. Tôi bắt đầu đi làm ở một Pharmacy, cộng tác với Người Việt mục tin tức Sinh hoạt Cộng đồng. Tôi không nề hà một công việc gì và chăm chỉ nhẫn nại làm việc để có tiền cho con học thêm. Do đó, cháu chỉ học đại học cộng đồng có một năm rưỡi là được UCI nhận.

Ở Ðại Học Cộng Ðồng Golden West, con tôi gặp một chuyện rắc rối lớn. Một hôm tôi đi làm về, cháu không ăn cơm và khóc nức nở vì điểm thi bị số không. Cháu nói rằng giáo sư đã khám phá ra là cháu nộp hai lần để tráo bài. Tôi vội vàng gọi Phone cho một giáo sư quen biết trong cộng đồng để cầu cứu giúp đỡ vì cháu bị oan. Bà từ chối “Không oan ức gì cả, phải có vấn đề mới bị như thế. Ðiểm 0 là phải rồi !” Tôi gõ cửa thêm và cuối cùng được một em Cựu sinh viên đến văn phòng trình bày. Trong khi đó có một em nữ sinh viên khác gương mặt đầy nước mắt theo mẹ đến khiếu nại bài thi làm được mà bị điểm 0. Hai bài thi được lấy ra. Vị giáo sư nhận ngay ra là có sự lầm lẫn. Ông không ngờ có hai nữ sinh viên cùng họ Nguyễn, cùng có ngày tháng năm sinh giống nhau, cùng có mái tóc dài. Hai cô sinh viên ấy sau này kết bạn và cho đến bây giờ, mỗi người đều có một gia đình riêng mà vẫn giữ liên lạc với nhau.

Ngày đó, chung quanh tôi, những gia đình HO đến rất nhiều. Gặp mọi khó khăn. Với ngòi bút trong tay, tôi đã đến tận nơi để viết bài tường thuật. Có nhiều gia đình không có phương tiện di chuyển, khi tôi mang thùng mì gói tới, các cháu bé mừng rỡ xúm nhau xì xụp ăn. Tôi mang chăn trải trên thảm để họ nằm vì gia đình chỉ có một cái chăn thôi. Cùng Ðặng Trần Hoa, nhờ có xe phát hành báo, dù buổi tối Mùa Ðông giá lạnh hai chị em vẫn mang bàn ghế, tủ lạnh xin được, chở đến nhà người HO cần.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn nhìn thấy ở Ðặng Trần Hoa một tấm lòng nhân ái. Nếu không có Hoa, nếu nhật báo Người Việt không cho mượn xe làm sao tôi có thể chuyển những đồ đạc nặng đến cho những người mới tới ?

Chiếc xe hơi nhỏ bé của tôi như một cái kho chứa đồ cũ. Ai có đồ dư dùng đều gọi cho tôi. Nơi nào cần người giúp việc, họ tin cẩn nhờ tôi giới thiệu.

Tôi nhớ một buổi sáng trên đường đi làm, tôi chở mấy bịch quần áo, chăn mền và khăn trải giường đến nhà thờ Tin Lành trên đường Bolsa. Cổng nhà thờ đóng kín vì còn sớm quá. Dãy tường ngăn với bên ngoài không cao lắm cho nên tôi định thả bịch đồ vào bên trong rồi sẽ Phone sau. Ðang loay hoay thì có một em Việt Nam đi ngang qua, tôi ngỏ ý nhờ em giúp. Em vui lòng và ngập ngừng “Cô có thể cho cháu xin một cái quần Jeans được không ạ ? Em cùng gia đình cũng vừa mới sang đây”. Tôi thương quá, vội vàng mở những chiếc bao ra “Em cứ việc chọn không chỉ quần Jean mà bất cứ những gì gia đình em đang cần”. Chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới hiểu nhau, và biết chia sẻ ngay những những vật dụng cần dùng. Có nhiều người đi trước nói rằng “Nếu bà Huyền không viết, không quyên góp chúng tôi đâu có dám cho đồ cũ”...

Ngay chính tôi và con gái, vừa bước chân vào nhà em tôi cũng có ngay những chiếc áo lạnh và chăn len ấm áp nhà đang dùng mà chị tôi, em tôi chia sẻ.

Ngòi bút của tôi len lỏi vào cuộc sống nơi đây. Tôi biết cả căn nhà số 5101 W. 5th Street, Santa Anna, của Hiệp Hội Việt Nam, do Phạm Ngọc Lân điều hành, nơi giúp cho những người khó khăn ngủ qua đêm. Tôi ngỏ ý xin cho những gia đình HO đến tạm trú. Có nhiều gia đình đông con có thể để dành được tháng tiền trợ cấp, đủ mua được chiếc xe cũ. Tôi gọi nơi đây là “Ngôi nhà tình nghĩa.”

Thư độc giả gửi về cám ơn tôi đã có những bài viết mang một khí hậu ấm áp và gần gũi đến cho cộng đồng người Việt. Cũng có lá thư làm tôi buồn phiền không ít, chẳng hạn “Chồng bà bị Cộng Sản giết trong tù. Bà có biết bà đang cộng tác với tờ báo của Việt Cộng không ?” Có hôm ở giữa chợ một số người biết tôi là Bích Huyền đã vây quanh tôi, nói lên những lời lẽ đại khái như thế. May mà tôi gặp Linh Linh Ngọc, bạn học của tôi là một nhà văn có tên tuổi, khi đó đang hoạt động cho một vài sinh hoạt chính trị trong cộng đồng đã giải thích, bênh vực tôi...

Trong dịp này tôi gặp anh Chu Tất Tiến. Anh Chu Tất Tiến là một người HO năng động và có nhiều sáng kiến. Chúng tôi thành lập ra nhóm HO gồm các anh Nguyễn Tiến Ðức, Phạm Thành Tâm, Nguyễn Tiến Chỉnh, Trịnh Phúc, Phạm Thành Tâm và Nguyễn Tiến Dũng (đã qua đời), thay phiên nhau ngồi trực tại một căn phòng mà báo Người Việt cho mượn, để nhận đồ đạc cũ và tiền đóng góp cho Cây Mùa Xuân HO. Báo Người Việt cũng cho mượn một nơi chứa đồ đạc ở trong phòng phát hành báo. Bài vở tin tức HO, ban biên tập cho phổ biến trên báo mỗi ngày. Cây Mùa Xuân HO của nhóm HO tổ chức gây được tiếng vang rộng khắp vì quy tụ gần một ngàn người tham dự. Trong lịch sử hội họp của cộng đồng có thể nói đây là một cuộc hội tụ đông đảo đầu tiên.

Không có nhật báo Người Việt, chúng tôi không thể có được những sinh hoạt tốt đẹp gây nhiều tiếng vang trong cộng đồng quận Cam.

Những Ngày Tháng Hạnh Phúc

Bên cạnh sinh hoạt của Nhóm HO, ngòi bút của tôi lại phải ghi tai nạn thảm khốc xảy ra cho gia đình HO, Ðại Úy Mai Viết Ðống, trong một ngày cuối năm. Con gái nấu bánh chưng ở ngoài vườn, bình ga nổ. Mai Tấn Lộc là anh từ trong nhà nghe tiếng em kêu cứu chạy ra, vội dập tắt ngọn lửa nhưng lửa lại đang cháy bùng to, lan nhanh thiêu đốt cả người anh lẫn người em. Ông Mai Viết Ðống lao vào cứu các con cũng bị chết cháy.

Mặc dù rất bận cùng anh Chu Tất Tiến tổ chức Cây Mùa Xuân HO, Xuân Nhâm Thân (8 tháng 2, 1992), doanh gia Trần Dũ và doanh gia Lý Kim Vân cho hai chiếc quan tài. Hàng trăm độc giả Người Việt đã giúp tiền lo chuyện ma chay.

Sau Cây Mùa Xuân, anh chị em tù nhân chính trị đề nghị anh Chu Tất Tiến và tôi nên duy trì Nhóm HO để thành lập một Hội HO. Nhưng tôi và anh Chu Tất Tiến đều từ chối. Tôi quan niệm nên chỉ có một Hội Tù Nhân Chính Trị. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thường gặp nhau để tổ chức những buổi sinh hoạt khác như chương trình Tù Ca, Cây Giáng Sinh cho con em HO. Và tôi vẫn thường đến Hội Tù Nhân Chính Trị, khi đó Chủ tịch là ông Nguyễn Hậu để góp một bàn tay. Ở đây tôi được quen với chị cựu Trung Tá Hạnh Nhơn. Với chức vụ phó chủ tịch Hội TNCT, chị Hạnh Nhơn đã làm được nhiều chương trình giúp đỡ thiết thực cho gia đình HO. Sau này chị Hạnh Nhơn chỉ chuyên về chương trình giúp đỡ cho Thương Phế Binh VNCH và Cô Nhi Quả Phụ còn ở lại quê nhà. Chương trình phát thanh của tôi luôn luôn phổ biến tin tức và kêu gọi sự tiếp sức của cộng đồng và được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt.

Ðời sống HO vẫn mỗi ngày diễn ra trong nhiều khó khăn. Chuyện hòa nhập đòi hỏi nhiều nghị lực. Tôi được nhiều doanh gia tin cẩn cho nên khi cần có người làm việc, họ lại nhờ tôi tìm người HO để giới thiệu.

Rồi sau đó lại có một HO đạp xe đi lạc vào đường Exit xa lộ bị xe cán chết, một HO khác cô đơn quá tự tử chết...Tôi kêu gọi lạc quyên mà lòng buồn rười rượi.

Tôi bắt đầu xuống tinh thần. Bỗng dưng cảm thấy mệt mỏi, chán nản quá ! Nhất là đời sống riêng tư của tôi cũng gặp nhiều chuyện không vui. Thư rơi mạt sát tôi gửi khắp nơi như bươm bướm. Tôi cứ thắc mắc không hiểu vì sao, mình đã làm điều gì sai quấy ? Anh Lê Ðình Ðiểu nói, “Ở đây người không làm nhiều mà bị mạt sát mới là chuyện lạ, còn làm nhiều mà vẫn bị nói xấu chỉ là chuyện thường.” Các Hội đoàn trong cộng đồng cũng nhận được thư rơi, ai cũng an ủi và nhận định rằng chỉ là sự ghen tức.

Những tin đồn loan truyền trong cộng đồng, rằng tôi là HO giả, nào tôi được trọng dụng trong chế độ mới, chồng chết trong tù vì Việt Cộng muốn làm khổ nhục kế để cho sang đây dễ dàng hoạt động cho cộng sản. Thư rơi mạt sát tôi, “Chồng vừa chết đã lấy chồng khác, sang đây bầy đặt viết văn làm ra vẻ ‘Thương phụ khóc chồng’...Tôi buồn lắm nhưng cố bình tĩnh khi thấy con gái tôi khóc, “Mẹ làm báo, mẹ có cây bút trong tay, sao mẹ lại để người ta nói xấu mẹ như thế mà mẹ vẫn im lặng không trả lời ?” “Mẹ có trả lời đấy chứ !” tôi nói với con. “Bên cạnh công việc mưu sinh, mẹ vẫn làm những công việc giúp đỡ người thiếu thốn, bất hạnh. Còn con, hãy trả lời giùm mẹ bằng cách ngoan ngoãn, chăm học... Ðừng lo, Trời có mắt con ạ !” Nói thì nói vậy nhưng lòng tôi đau đớn lắm. Tôi khóc thầm trong đêm. Không muốn cho con nhìn thấy để cháu xuống tinh thần, không học được. Có những lúc tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi tôi bỗng nhớ khi tôi làm đơn xin xuất cảnh, ông anh ruột tôi ở Houston viết thư về chỉ khuyên có một điều, “Muốn tồn tại là phải lao động” cho nên tôi sẽ gắng vượt qua nỗi buồn, tiếp tục làm những công việc mà tôi đang theo đuổi để vươn lên.

Khi đài phát thanh phát triển mạnh trong cộng đồng, tôi được một đài mời tôi cộng tác Chương trình phụ nữ. Một tuần một lần và mỗi lần được $50 gọi là đổ xăng. Làm được hai tháng họ cho nghỉ việc và không trả cho tôi một đồng nào. Nhắc nhở thì họ nói người cộng tác phải trả tiền Airtime ! Với tôi, một người mới sang, lại chỉ có một mình, con mới 15 tuổi, chưa được đi làm thêm. Nếu có được $200 một tháng, lúc đó rất quý. Lên tiếng trên đài, ông tổng giám đốc kêu gọi, “Chúng ta đi trước, cần giúp đỡ người sang sau.” Vậy mà...!? Làm tiếp đài khác, khá hơn một chút, tháng trả, tháng không. Chỉ có một đài ở bên Úc Châu và Radio Bolsa, nhật báo Người Việt và tuần báo Sài Gòn Nhỏ trả rất đều đặn.

Không lâu sau đó tôi được giới thiệu cộng tác phần tin tức sinh hoạt cộng đồng với Ðài VOA, không có cảnh... đợi chờ tiền lương hàng tháng. Biết hoàn cảnh khó khăn của tôi, các anh chị Ban Việt Ngữ muốn giúp, cho nên có ai nghỉ chương trình nào là đều giao cho tôi phụ trách. Ít có một cộng tác viên nào mà có được ba chương trình một tuần như trường hợp của tôi. Khi con gái tôi đủ 18, cháu xin đi làm ở một tiệm Fastfood. Nhìn cháu mảnh khảnh trong bộ quần áo đồng phục của nhà hàng, mỗi tuần cầm check về nhà đưa cho mẹ, tôi muốn khóc. Sau này tôi cố gắng tìm nơi làm thêm để con gái tôi tập trung vào việc học. Cháu thương mẹ nên đã gắng học thành người.

Bao nhiêu tiền học bổng, tiền thưởng đều mang về cho mẹ. Tôi để dành mua cho cháu một chiếc xe tốt để yên tâm đi học. Cháu tốt nghiệp đại học UCI theo đúng tuổi các trẻ em sinh ra và lớn lên ở bên này.

Khi cuộc sống ổn định, tôi cố gắng giúp đỡ các sinh viên học sinh nghèo bên Việt Nam. Gửi quà cho một số Thương phế binh và bảo trợ cho con em thuộc gia đình Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có diện xuất cảnh. Chỉ một chút chia sẻ đến những người kém may mắn hơn mình, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Sau hai mươi năm với bao buồn vui cay đắng ngọt bùi, giờ đây tôi có một đời sống ổn định, con cháu quây quần thương yêu hạnh phúc trong cùng một mái nhà. Với tôi, như thế là mãn nguyện.

Tôi đã hưu trí, chỉ còn giữ lại một số chương trình văn học nghệ thuật cho các đài tôi đã công tác, vì đam mê và nhất là vì không muốn mãi mãi phải “Lưu luyến chia tay” cùng quý thính giả...

Và tôi không bao giờ quên ơn những người gián tiếp cũng như trực tiếp đã mang đến cho tôi cuộc sống. Cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang, cảm ơn cộng đồng người Việt quận Cam bao bọc, cảm ơn anh chị em trong đại gia đình tôi, cảm ơn bạn cũ Trưng Vương, nhất là Hồng Thủy đã săn sóc tôi từng chút. Cảm ơn đồng nghiệp trong ngành Giáo dục trước 75, cám ơn đồng nghiệp ngành truyền thông báo chí ở hải ngoại. Trong dịp kỷ niệm 25 năm nhật báo Người Việt, trên làn sóng VOA tôi có phỏng vấn anh Ðỗ Ngọc Yến về sự lớn mạnh của Người Việt. Anh có đề cập tới hàng trăm các cộng tác viên ở khắp nơi. Nhân đó tôi cũng cảm ơn Người Việt vì chính cá nhân tôi cũng từng là Cộng tác viên, từ nơi ấy bước ra. Cảm ơn Việt Dũng - Minh Phượng, các em đã thương yêu tôi, chia sẻ với tôi và Uyển Diễm như những người thân yêu trong cùng một gia đình (Gia đình Radio Bolsa). Cảm ơn Quỳnh Lưu, Mai Phương đã sát cánh bên tôi thực hiện những chương trình Tâm Tình Với Nhau để phục vụ thính giả. Tôi đã học được ở Quỳnh Lưu, Mai Phương, Minh Phượng, Hiền Vy tinh thần làm việc năng động và đầy tình người. Cảm ơn các anh Ðỗ Ngọc Yến, Lê Ðình Ðiểu, Nguyễn Chí Thiện (Phu quân của Minh Phượng) đã dạy tôi những bài học về cách tổ chức, quản lý khoa học và nhất là cách cư xử hòa nhã và đức tính khiêm tốn của các anh. Cảm ơn các bạn trẻ trong Ðoàn Thanh Niên Phan Bội Châu với tinh thần yêu nước trong sáng, bền bỉ, không hề xao lãng dù thời gian qua đi... Cảm ơn các Cựu sinh viên trường Ðại học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt, dù nhà tôi không còn nữa nhưng những ngày họp mặt không bao giờ quên tôi. Cảm ơn lòng thương yêu của độc giả, thính giả tại Hải ngoại cũng như nhiều Quốc gia trên thế giới. Cảm ơn những người âm thầm vẫn hằng theo dõi giúp đỡ tôi, cho tôi chỗ dựa tinh thần. Cảm ơn hai con Nguyễn Song Anh Tú và Nguyễn Quang Diễm Uyển cùng hai cháu ngoại Bi-Ben đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc. Và nhất là cảm ơn người chồng quá cố của tôi, hình như lúc nào anh cũng phù hộ cho vợ con. Nhờ có anh mà tôi và con gái có cuộc sống tốt đẹp trên quê hương thứ hai này...



Bích Huyền

ducquany
10-03-2013, 02:16 AM
Ducquany tui cũng HO7 ,đúng ra HO2 Vì trước đó có nạp hồ sơ bảo lãnh của ông anh bên CANADA nhưng không đi ,cho nên chi vừa đút hồ sơ xin đi HO là nó đẫy cho HO2 ,mà còn nhiều việc phải giải quyết nên phải chi địa rút hồ sơ ra ,bổ túc thêm bà già dzợ ì ạch đến HO7 !!
Ngày qua đến Thái Lan chờ đi Mẽo thì bà già dzợ lên cơn tim cấp cứu vào nhà thương ,hủy chuyến bay kẹt lại hơn 1 tháng !!! Tui đương nhiên lảnh chức trưỡng trại ,lập toán thanh niên thiện nguyện giúp đở phụ khuân các đồ nặng cho phe ta ,ban đêm chia phiên gác để chộp mấy tên tù hình sự Thái mò qua giở trò bậy bạ,đồng thời xin phép Cao ủy ( Bà người MỸ đen rất tốt lòng ) được đun nước bằng dây điện trở mang theo cho có nước sôi cung cấp những người già yếu ,trẻ em cần pha sửa ....dẹp luôn vụ bán nước sôi trước cổng trại.
May mắn qua MỸ được ông anh bên dzợ đón về nhà ở 1 tháng ,hoàn tất các giấy tờ cần thiết xin trợ cấp...,ghi danh đi học lại nghành quang tuyến (cũng nhờ Vị BS xếp quân Y củ giúp đở và chứng nhận đã là PA ( Physician Asistant ) nên được tính credit và theo học.
May mắn nhất là nhờ có con dzợ bắc kỲ 54 dân Đà lạt ,vừa xinh đẹp vừa giỏi giang nên mọi chuện êm xuôi , qua đây mà tui đi làm gần 20 năm chổ làm việc chỉ một chổ ,cách nhà có 1 mile ,xếp dể tính ,luôn luôn ngồi phòng lạnh( clinic ) dù tiền lương không nhiều ,chỉ đủ xài ,nhưng tiền bạc có con dzợ kiếm rồi khỏi lo. Bây giờ chờ ngày rì thai nhưng chắc cũng phải đi mấn ít ngày chứ ở nhà buồn chết.Vào đó coi mông coi ngực cũng đở buồn.Đúng là con người có số đó mà.

muahong
10-04-2013, 02:51 AM
Cuộc đời của Đức quân y thật sướng , vừa có tiền lương để xài , vừa được ngắm nghía miễn phí nữa .