PDA

View Full Version : Chim Se Sẻ và Chiền Chiện



KiwiTeTua
10-02-2013, 12:56 AM
Chim Se Sẻ và Chiền Chiện
Trần Mộng Tú


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1380675107.jpg

Có người nói với tôi chim Sơn ca và chim Chiền chiện là một, chỉ khác vùng đất nó đứng hát véo von mà người ta gọi tên nó khác nhau. Nhưng thật sự không phải thế, tiếng Sơn ca nghe véo von mê hoặc và điệu bay của Sơn ca uốn lượn, trong khi đó tiếng chim Chiền chiện nghe thật thà không làm dáng và đường bay chẳng có gì là kiểu cách, mặc dù cả hai cùng thuộc về bộ Sẻ.

Chim Chiền chiện lớn hơn chim Sẻ và có phần lông phía dưới bụng màu vàng, có một hình chữ "V" đen trên ức và cánh trắng có sọc đen. Phần phía trên hầu như màu nâu nhưng cũng có sọc đen. Loài chim này có mỏ dài nhọn và đầu chúng có sọc đen và nâu nhạt.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1380675224.jpg

Chim Sơn ca có mầu lông giống chim Sẻ và tôi thường nhầm chúng với nhau. Tuy nhiên tôi biết chim Sẻ nhỏ hơn và mầu nâu ngả sang sắc vàng, chim Sơn ca lại có mào trong khi đó chim Sẻ thì cái đầu tròn vo. Hồi còn ở Sài Gòn đi ra Chợ Cũ người bán chim chỉ cho tôi biết một loại chim nữa gọi là chim Bách linh, giống hệt Sơn ca nhưng to gấp rưỡi, tiếng hót lại không hay bằng Sơn ca. Người Trung Hoa tin là linh hồn người chết sẽ trở về trong tiếng hát của chim Bách linh, nên nhiều người vẫn nuôi chim này làm cảnh.

Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại thích Chiền chiện và chim Sẻ hơn Sơn ca, có lẽ cái tên của chúng nghe dân dã, nghe có vẻ quê nhà nhất, cái tên đọc lên nghe như một nỗi ngậm ngùi. Chim Sẻ hay chọn bụi tre tụ tập đậu lại ca hát, và chúng cũng làm tổ, nuôi con trong bụi tre nữa. Còn chim Chiền chiện sanh đẻ làm tổ không ở trên cây mà trong những lùm cỏ dưới đất. Thấy Chiền chiện, thấy chim Sẻ là nghĩ đến nhà nghèo, xóm nghèo, làng nghèo, lan man nghĩ đến nước nghèo (Mà nước mình hồi đó kìa, chứ không phải bây giờ đâu).

Sơn ca cũng làm tổ và sanh sản trên mặt đất như Chiền chiện, nhưng nhờ cái tên quý phái của nó và tiếng hót ngọt ngào véo von, nó bị bắt đem nhốt vào lồng son mang giọng hát cho người đời mua vui, giải sầu, chứ không bị ăn thịt như chim Sẻ và Chiền chiện. Chim Chiền chiện bây giờ không có đất sống nữa vì những vùng đất chúng cư ngụ đã được người ta xây lên trên đó những nhà máy, hay những cao ốc.

Cùng chung số phận với nó là những con chim Sẻ. Những con chim nâu nâu, bé nhỏ hiền lành đó bây giờ cũng bặt tiếng hát. Khi nói đến chim Sẻ là nói đến những bụi tre, đến làng, đến xóm. Chim Sẻ thường đến từng đàn, và chúng đang bị người ta tìm mọi cách bắt ráo riết cho những quán ăn nhậu.

Hôm tháng 7 vừa qua tôi đọc một bài tường thuật của Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cách bắt chim Sẻ cung cấp cho nhà hàng tôi thấy thương những con Sẻ quá. Người săn chim bắt đầu còn bắt một con chim mồi, bằng cách khâu mắt cho nó mù, thả vào trong một cái lồng bẫy bằng lưới, con chim mù đập cánh, bay qua bay lại chiêm chiếp kêu tìm lối ra, đàn Sẻ bên ngoài thương bạn bay xà vào cứu thế là họ bắt được vài mươi con một lúc. Thấy có tội không! Sao có người nỡ khâu hai con mắt bé tí long lanh của nó lại như thế. Ác quá! Sau này người thợ săn Sẻ lại nghĩ ra một cách bắt chim Sẻ hữu hiệu hơn. Họ dùng một cành tre khô, bôi lên một lớp keo bẫy chuột, cắm vào bụi tre hay có chim Sẻ tụ tập. Bên dưới họ đặt một cái máy phát ra tiếng chim hót của Trung Quốc. Bầy Sẻ nghe tiếng bạn gọi, bay đến đậu vào cành tre đó, dính chặt chân vào keo bẫy chuột, họ chỉ việc đến gỡ ra. Với cách bắt này, một ngày họ có thể bắt cả mấy trăm con. Bắt cho đến chỉ còn vài con sợ hãi hoảng loạn bay thật là xa. Cứ nghĩ đến lúc người ta gỡ những con chim bé nhỏ ra khỏi cái cành tre khô có dán keo bẫy chuột đó mà xót xa. Keo đó dính chặt lắm, con chuột to tướng dính vào đó là dính luôn, không xoay thoát vào đâu được. Con chim bé như thế khi người ta gỡ nó ra có khi xé toạc cả bụng hay mất luôn cả chân vào cành tre đó. Chim chắc là đau lắm!

Bây giờ không phải chỉ Sài Gòn mới vắng tiếng chim kêu mà ngay các tỉnh miền Tây tiếng chim cũng thưa thớt hẳn đi.Tội nghiệp những con chim bé nhỏ hiền lành, chúng là bạn của các trẻ em, nhất là trẻ em ở tỉnh nhỏ, ở thôn quê. Không biết hình ảnh một em bé trên lưng trâu, nghêu ngao hát bài đồng dao có còn không?

Con chim se sẻ / Nó ăn gạo tẻ / Nó hót líu lo / Nó ăn hạt ngô / Nó kêu lép nhép / Nó ăn gạo nếp / Nó vãi ra sân / Ơ láng giềng gần / Xua con chim sẻ. (Đồng DaoVN)

Không phải chỉ có chim Sẻ bị tuyệt chủng mà những con Chiền chiện cũng mất hút tăm hơi, chim Quốc gọi hè và Sơn ca cũng bị người ta săn lùng triệt để. Nuôi chim làm cảnh và ăn thịt chim đang là cái mốt thời thượng nhất ở Việt Nam.Người ta quảng cáo là ăn thịt chim sẽ có cả trăm thứ bổ, uống huyết chim còn bổ hơn thế nữa, nhất là cho phái nam.(Chắc là họ uống hết máu rắn rồi bây giờ nghĩ đến máu chim).Thế là các nhà hàng, quán ăn, từ sang trọng đến bình dân đua nhau bán thịt chim quay, bán huyết chim pha vào rượu. Có “Cầu” thì phải có “Cung”. Nhà hàng muốn có huyết chim pha rượu cho khách thì sẽ có người đi bắt chim và mang đến tận nơi. Họ cần bao nhiêu con chim Sẻ để có đủ số huyết cho vào ly rượu? Có nhà hàng còn có sẵn rượu đóng chai (Mỗi chai rượu huyết chim 50ml có giá năm mươi ngàn).Không phải chỉ chim Sẻ, có cả chim chỉ để làm cảnh như Sơn Ca hay chim Cú, chim Đỗ Quyên, chim Đại Bàng một vài quán nhậu đều có bán. “Có tiền mua tiên cũng được,” ba cái con chim tầm thường này giá đáng là bao.

Khốn khổ thay các con chim cứ đưa mình vào những cái bẫy.

Trước năm 1975, ở Sài Gòn thỉnh thoảng cũng thấy có những quán ăn bình dân bán chim Sẻ quay, nhưng số chim bị bẫy chẳng có nhiều đến nỗi trở thành một mối quan tâm cho những ai muốn bảo vệ muông thú.

Khi người ta đói thì người ta phải kiếm thức ăn, như các quân nhân VNCH đi tù cải tạo về kể chuyện, hay nói: “Con gì nhúc nhích là ăn”. Đó là một điều tự nhiên dễ hiểu của sinh tồn. Nhưng cái kiểu ăn óc khỉ, ăn nai bao tử, uống máu rắn, uống mật gấu và bây giờ lại đến cả máu chim là điều do trí tưởng tượng của kẻ dư thừa thức ăn, nghĩ ra để thỏa mãn chính mình và người buôn bán nghĩ thêm, khuyến khích cho sự thỏa mãn đó để kiếm sống. Chuyện bảo vệ chim muông, thú vật là chuyện của người khác.
Chim Sẻ ăn côn trùng, nên ở đâu có nhiều chim Sẻ thì mùa màng đỡ bị phá hoại.

Đọc tin tức ngày trước, ở Trung Hoa ông Mao Trạch Đông phát động ra phong trào diệt chim Sẻ vì tin là nó phá hoại mùa màng, ăn hạt thóc, gây thiệt hại cho nông nghiệp. Mọi người dân điều đi phá ổ chim, đập vỡ trứng, giết chim con còn trong tổ.

Mùa vụ năm sau khá hơn năm trước vì không còn chim Sẻ, nhưng họ quên đi một sự thật là chim Sẻ ăn châu chấu nhiều hơn ăn hạt thóc. Châu chấu tràn ngập miền quê sau đó phá nát mùa màng và kéo theo một nạn đói xẩy ra tại Trung Quốc. Khi Mao Trạch Đông ra lệnh ngưng diệt chim Sẻ thì quá trễ, vì số lương châu chấu bùng nổ ngoài tầm kiểm soát.Từ năm 1959-1961 ước lượng có đến 30 triệu người chết đói trong “Nạn đói lớn ở Trung Quốc.”(Wikipedia)

Bây giờ có giết hết chim Sẻ, chim Chiền chiện ở Viêt Nam chắc cũng chẳng đến nỗi gây ra nạn đói trầm trọng như ở bên Trung Quốc hồi đó. Nhưng cứ tưởng tượng ra từ thành đến tỉnh, trên những sợi giây điện thành phố, trên những bụi tre miền quê vắng mất những đàn chim Sẻ, những con Chiền chiện và nhất là không còn dư âm của tiếng chim kêu thì buồn lắm!

Ôi con chim Chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay hứng về (Thanh Hải)

Sau vườn nhà tôi có nhiều loại chim khác nhau tìm tới, có con mầu xanh biếc, có con mầu vàng, mầu xám, mầu nâu đỏ, hoặc có con mang những bộ lông hai ba mầu. Chúng thoáng bay đến, bay đi.

Vườn tôi không có Chiền chiện nhưng buổi sáng có rất nhiều chim Sẻ bay đến từng đàn nhỏ, năm bẩy con một lúc, tôi phải treo lồng thức ăn, đặt cóng uống nước cho chúng.

Coi chim chóc như bạn tới nhà mình, mình nên mời ăn mời uống. Vì bạn cũng cho mình lời chào hỏi chiêm chiếp trên những cành cây suốt ngày.
Trần Mộng Tú
Tháng 9/2013