PDA

View Full Version : Một Chuyện Tình Rất Đẹp



Longhai
09-28-2013, 03:17 AM
Một Chuyện Tình Rất Đẹp


Sơn Trung


Tôi tên là Đào Duy Kỳ, thuộc dòng dõi Đào Duy Từ, là một Trung úy trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp trường Võ Bị Thủ Đức, ra đơn vị tác chiến khoảng hai năm thì ngày 30-4-1975 xãy đến. Như mọi Sĩ quan VNCH, tôi bị tù cải tạo, lại còn bị giải ra Bắc qua các trại Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn...

Tôi vốn sinh trưởng miền sông nước Cửu Long Giang, khí hậu trong mát và an lành cho nên khi ra Bắc, tôi rất khốn khổ. Tại Lạng Sơn, Thái Nguyên, mùa Hè nóng ghê gớm, mùa Đông thì rét như cắt thịt, nhất là gió bấc và mưa phùn cộng tác làm tội chúng tôi, những tù nhân thiếu áo, thiếu cơm. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, tôi cũng quen với khí hậu Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Những ngày đầu tiên ra Bắc, chúng tôi rất khổ sở, bị bọn công an chửi mắng, hành hạ. Chúng dốt nhưng lại tự hào : tự hào chiến thắng, tự hào yêu nước, tự hào thông minh và tự hào giàu mạnh. Chúng tin rằng chúng là người trí tuệ, còn Nhân dân miền Nam là ngu dốt nên đã theo Mỹ và thất bại. Chúng đề cao khẩu hiệu " Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa". Chúng không biết Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã ký tên bán Việt Nam cho Trung Quốc.Bọn công an, bộ đội muốn tỏ ra tích cực để lập công cho nên chúng đày đọa chúng tôi đủ điều. Hể một tù nhân có lỗi gì là cả lũ công an, bộ đội xúm lại đánh hội chợ. Nếu không xúm vào mà cứ đứng trơ mắt nhìn, có lẽ họ sẽ bị phê bình là không có ý thức căm thù quân địch. Chúng lại dùng khí hậu khắc nghiệt, và cái đói và cái rét để đọa đày chúng tôi. Chúng bắt chúng tôi lao động cực nhọc. Những ngày đầu tiên ra đất Bắc, chúng tôi thường bị dân chúng, nhất là đàn bà và trẻ con ném đá, ném đất và chửi bới thô bỉ trên đường chúng tôi đi lao động. Có thể dân chúng đã bị nhiễm nọc độc cộng sản. Có thể cán bộ bắt dân đả đảo để trấn áp chúng tôi. Đôi khi chúng tôi đột nhiên gặp vài đồng bào thì họ ngại ngùng, tránh né. Có lẽ họ sợ liên lụy, sợ bị công an gọi lên làm việc vì liên lạc với tù nhân ! Sống trong chế độ ác ôn, con người phải đeo mặt nạ !

Ban đầu chúng tôi có chao động, nhưng rồi cũng quen vì mình đã ngồi xuống đất đen thì còn gì để mất và để sợ hãi. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc đời chúng tôi đã chấm dứt vì ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam trước đây, những tù binh hay người bị cho là phản động thì ngồi tù rục xương. Tôi hiểu dân chúng miền Bắc đa số tin lời tuyên truyền của cộng sản. Ngay tại miền Nam trước 1975, nhiều người tin Nguyễn Hữu Thọ là người Quốc gia, ông Hồ là người yêu nước, là bậc đại nhân. Tất cả đã nhiễm độc quá nặng nên tôi cũng không oán trách họ.

Rồi ngày tháng trôi qua, tôi nhận thấy có sự biến đổi trong dân chúng. Họ không chửi bới hay ném đá, ném đất vào chúng tôi nữa. Trái lại, họ lặng nhìn chúng tôi như biểu lộ một niềm thông cảm. Sau ngày 30-4-1975, nhiều đồng bào và cán bộ miền Bắc đã vào Nam. Khi vào thì họ ốm yếu xanh xao, khi trở ra thì béo tốt, áo quần sang trọng, lại mang cả vải vóc, xe đạp, xe Honda, TV, Tủ lạnh, Radio, Casette là những thứ mà chỉ có cán bộ cao cấp đi Liên Xô là có thể mua về. Họ cũng nghe những câu chuyện về Miền Nam thịnh vượng, khác với hình ảnh ghê tởm do cán bộ nhà nước đã tuyên truyền trước đây như lính ngụy “xé xác, uống máu, moi gan quân thù”. Họ nhìn thấy những tù cải tạo tuy bị đày đọa khổ sở nhưng vẫn toát ra sự thông minh, hiền lành. Họ nghe nói Sĩ quan miền Nam một số có bằng Đại học, it nhất cũng tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Khoảng 1980, tù nhân được gia đình thăm nuôi. Lúc này thì dân miền Bắc hiểu biết dân miền Nam hơn khi họ gặp những bà mẹ, người vợ Sĩ quan miền Nam ra thăm nuôi. Họ thấy người miền Nam nhiều tình cảm, đầy tình chồng nghĩa vợ, và có đủ tài nguyên để thăm nuôi chồng con trong bao nhiêu năm. Họ thấy miền Nam có một cái gì đó khác với miền Bắc nghèo khổ, cằn cỗi về vật chất và tinh thần.

Tôi vốn là một cựu Sinh viên Đại Học Khoa học Sài gòn, đến tuổi nhập ngũ vào trường Võ bị Thủ Đức. Tôi có người yêu là Bạch Yến, người Huế, sinh viên Dược Khoa, dòng dõi Tôn Thất. Hai chúng tôi gặp nhau tại một “Bal de famille” nhân sinh nhật của một người bạn, và từ đó chúng tôi thường gặp nhau rồi yêu nhau. Cuộc tình duyên của tôi đứt đoạn vì tôi nhập ngũ, rồi ra tiền đồn. Rồi biến cố 30-4-1975, tôi bị tù còn nàng thì theo gia đình ra đi ngày 29-4-1975 và chúng tôi xa nhau mà không một lời từ giã. Và cũng từ đó về sau, tôi không được tin tức gì về nàng.

Khoảng năm 1983, chúng tôi chuyển trại về Vĩnh Phú. Một hôm nhóm chúng tôi gồm 20 người đi đốn cây trong rừng. Buổi trưa là giờ ăn, tôi đi sâu vào rừng tìm chuối rừng hay rau rừng để cải thiện. Bổng nhiên tôi thấy có một cánh tay phụ nữ trắng trẻo giơ lên vẫy tôi. Tôi nhìn quanh rồi bước lại thì một người con gái hiện ra ôm lấy tôi và kéo tôi vào một cái hang ở dưới một gốc cây. Nàng ôm tôi và nói bằng tiếng Việt rất rõ ràng, rành mạch :

“Em yêu anh ! Anh hãy yêu em đi ”

Tôi không kịp phân biệt, như một cái máy tôi ôm nàng...Tôi không suy nghĩ, do dự. Tôi như con hổ đói vồ mồi. Tôi như con trai mới lớn lần đầu yêu một cô gái trắng trinh. Nàng còn là một cô gái. Tôi như đi vào một thế giới mới mẻ đầy cảm xúc tuyệt vời. Xong việc, nàng ngồi dậy, hôn tôi và bảo tôi :

“Anh hãy đi nhanh đi. Em tên là Mỹ Lan”.

Tôi vội nói :

"Cảm ơn em đã đến, đã cho anh những giây phút tuyệt vời".

Tôi ôm nàng nhưng không nói tên tôi vì tôi không mong được gặp lại nàng lần thứ hai trong đời vì việc này rất khó đối với một tù nhân giữa núi rừng âm u ! Hơn nữa, tôi sợ câu chuyện có thể bị vỡ lỡ mà mang tai họa. Trước khi ra khỏi hang, tôi nhìn ngược nhìn xuôi lỹ lưỡng. Thấy không có ai theo dõi, tôi nhanh nhẹn bước ra rồi tiếp tục công việc như chẳng có việc gì xảy ra. Mấy hôm sau, khi đi đốn cây rừng, tôi cố ý trở lại nơi này, nhưng không hề thấy bóng dáng nàng hay một vết tích nào của nàng. Tôi cố ý lắng nghe trong trại có tin tức gì một người con gái nào bị bắt ở gần trại không, nhưng tuyệt nhiên không nghe ai nói gì cả. Tôi mừng nàng được an toàn. Nếu chuyện vỡ lỡ, nàng có thể bị bắt về nhiều tội. Nàng có thể mang tội gián điệp và bị tù mãn kiếp, héo úa một đời xuân. Tôi bị tù đã đành, nhưng nàng tại sao lại mạo hiểm ? Ngoài đời thiếu gì trai tơ ? Thiếu gì đàn ông ? Tôi không thể hiểu nguyên do nào mà nàng hành động như thế ! Nàng là con gái miền núi, đâu phải ngưởi Tây phương mà có lối " yêu cuồng sống vội" như vậy ? Quả thật tội không hiểu. Dẫu nàng thế nào đi nữa, tôi vẫn yêu nàng, trân quý nàng. Nàng là một vị tiên đã hiện đến trong đời tôi. Nàng đến một lần và chỉ ban ân sủng một lần thôi ! Tôi nhớ nàng. Tôi nhớ làn da trắng của nàng, hương thơm trên thân thể nàng, nốt ruồi bên mép trái, đặc biệt là một nốt ruồi son giữa ngực của nàng. Nàng chợt đến rồi chợt đi như con bướm vàng trong giấc mộng. Trong giấc mơ, tôi thấy nàng...Tôi không biết nàng là một cô gái Mường hay cô gái Kinh ? Nàng là một sơn nữ hay một cán bộ ở trong vùng ? Nàng lãng mạn muốn tìm của lạ miền Nam hay nàng là một cô gái bụi đời ? Dẫu sao, đối với tôi, nàng là một bưu vật !

Vài tuần sau, chúng tôi được lệnh chuyển trại về Sơn La. Việc di chuyển này làm cho lòng tôi thêm chua xót. Thế là tôi xa cách Vĩnh Phú, không còn cơ hội gặp lại Mỹ Lan.

Năm 1985, tôi được phóng thích.

Trên đường về Nam, từ Hà nội đến Quảng Bình chúng tôi được an toàn. Khi xe lửa ngừng ở các ga Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, chúng tôi bước xuống tàu cho giãn gân cốt, thì đồng bào bu lại hỏi han, nắm tay, sờ đầu, kẻ cười, người khóc làm cho chúng tôi rất xúc động. Khi chúng tôi trở lên tàu, đồng bào ném quà bánh cho chúng tôi rất nhiều. Tình cảm quê hương miền Nam rất nồng thắm với những đứa con bất hạnh như chúng tôi !

Sang năm 1986, tôi cùng anh chị em trong gia đình tổ chức vượt biên và may mắn đến Poulo Bidong, năm 1987 tôi được định cư tại Hoa Kỳ. Tại Houston, tôi vừa đi làm vừa ghi tên học Đại học. Sau mấy năm, tôi đỗ bằng Kỹ sư điện toán và làm việc cho hãng Corel. Sau đó tôi gặp Mai Linh người Mỹ Tho và chúng tôi kết hôn. Thỉnh thoảng tôi có nhớ đến kỷ niệm Vĩnh Phú, nàng đã đến rồi đi như giấc mộng Liêu Trai. Tôi nghĩ giờ nàng có lẽ đã lấy chồng, hằng ngày vợ chồng mang gùi vào núi bẻ măng, đào khoai sọ, nhổ sắn như hình ảnh những người dân thiểu số mà tôi thường thấy trong thời gian tù cải tạo. Tôi nghĩ cuộc đời nàng sẽ héo úa trong chốn rừng sâu. Giỏi lắm thì nàng đã thành một cán bộ thương nghiệp hay hợp tác xã trong bản làng, tay dắt con lớn,vai địu con nhỏ, ngực teo, mặt mũi xanh xao như bao cô nàng Thái Hmongnơi thượng du miền Bắc. Hay cao hơn nữa là một nữ đảng viên cấp xã, cấp huyện, mang áo bộ đội bỏ ngoài quần, đội nón cối, đi dép râu, vai mang sắc-cốt, tay đeo đồng hồ, thân gầy ốm, dáng lom khom bước trong cơ quan. Những hình ảnh của nàng, lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí tôi làm thành một kho kỷ vật êm đềm.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi sống bên nhau được ba năm thì Mai Linh bị bệnh ung thư rồi mất. Tôi buồn rầu mấy năm. Hình ảnh Mỹ Lan lại hiện đến với tôi rất ngọt ngào và thần bí. Hương thơm của thân thể nàng như còn vương vấn trong mũi tôi. Tôi có ý định về Việt Nam du lịch, thăm lại Vĩnh Phú. Nhưng tôi lại e ngại vì cuộc đời như nước chảy mây trôi, thuyền trôi mà bến bờ cũng đổi thay, quá khứ e đã tan vỡ như xác pháo mùa Xuân, không thể nào tìm lại được. Nếu đào bới quá khứ, chỉ thêm đau lòng như Lưu Nguyễn khi trở lại quê xưa !

Các bạn bè khuyên tôi nên đi du lịch. Tôi mua vé máy bay đi Đức, Pháp, và Ý. Tôi có bà chị họ định cư tại Tây Đức. Khi tôi đến Tây Đức, gặp anh chị và các cháu, tôi vui mừng. Các cháu lái xe đưa tôi đi xem thành phố. Một hôm các cháu đưa tôi đi ăn phở của người Việt, nổi tiếng là ngon nhất tại đây. Khi bà chủ tiến tới chào hỏi chúng tôi thì tôi ngạc nhiên hết sức, tôi không tin nơi mắt mình vì bà có nét hao hao giống Mỹ Lan, người tình một khắc mà tôi ghi nhớ ngàn đời. Bên môi trái của bà có một nốt ruồi. Tôi liền đứng dậy, mời bà ngồi chuyện trò trong tình đồng hương. Sau một hồi vòng vo tam quốc về cuộc sống ở Đức, về gốc gác ở Việt Nam. Biết bà chủ gốc miền Bắc tôi đột nhiên nói nhỏ :

- Thời gian cải tạo ở trại tù Vĩnh Phú tôi có người tình tên Mỹ Lan, không biết giờ cô ấy ra sao ?

Sau một phút ngỡ ngàng, nàng cũng nhận ra tôi. Tôi hỏi nàng và kể lể mọi sự. Chúng tôi ôm nhau mà khóc trước sự ngạc nhiên của các cháu của tôi và nhân viên tiệm phở. Nàng giao công việc cho người quản lý rồi đưa tôi về nhà nàng. Tôi quay lại bảo các cháu tôi :

- Bà chủ nhà hàng là bạn quen của cậu ở Việt Nam. Bà ấy mời cậu lại nhà. Các cháu về trước, cậu sẽ về sau". Dặn dò các cháu xong, tôi theo nàng ra xe.

Nhà nàng ở tại một khu yên tĩnh trong thành phố. Nàng ở một mình với con trai. Các anh chị em thì có nhà riêng. Người thì đi làm các hãng tư, người thì phụ giúp nàng trông coi tiệm phở. Khi còn hai chúng tôi, nàng kể lể sự tình. Quê nàng ở Sơn Tây, tổ tiên đỗ Cử nhân, Tiến sĩ, làm quan triều Nguyễn. Năm 1954 cộng sản về Hà Nội, mở cuộc cải cách ruộng đất, đánh tư sản và cải tạo công thương nghiệp, gia đình nàng bị qui là địa chủ. Mẹ nàng và anh em nàng thu vén tài sản bỏ trốn lên mạn ngược. Ban đầu, gia đình nàng giả làm thương gia lên buôn bán, sau đó cất nhà cửa gần bản Mường tại Vĩnh Phú. Nhờ khéo giao thiệp, gia đình nàng được cảm tình dân chúng nơi đây, được họ giúp đỡ và che chở. Nàng nghe tin các Sĩ quan miền Nam bị đưa ra giam giữ tại Vĩnh Phú, gần bản Mường của nàng. Tuy chưa gặp người miền Nam, nhưng lòng nàng chan chứa cảm tình với các tù nhân miền Nam vì họ với nàng cùng chung cảnh ngộ, là nạn nhân của chế độ cộng sản. Nàng quyết gặp một Sĩ quan miền Nam và sẵn sàng hiến thân cho chàng ta để có dòng máu của người quốc gia. Nàng cam tâm mang tiếng “ Không chồng mà chữa” còn hơn ở góa trong rừng thẳm, hoặc phải lấy Mường hay anh cộng sản làm chồng ! Nàng đã nghiên cứu địa hình địa vật, nơi tù cải tạo thường tới lao động. Nàng đã chờ đợi vài ngày đêm; cuối cùng nàng đã gặp tôi, và đã toại nguyện...Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, nàng đã có thai. Lúc này, mẹ nàng đã mất, anh em nàng chung sống với nhau. Nhân dịp người Hoa bị đuổi trong vụ nạn kiều, anh em nàng theo họ sang Hoa Lục, rồi đến Hongkong. Sau một thời gian, gia đình nàng được phái đoàn Tây Đức nhận định cư tại Tây Đức. Anh em nàng lúc đầu làm công nhân cho các hãng xưởng, sau cả nhà quyết định góp vốn mở hàng phở, và anh em nàng đã thành công. Người Việt đã đành mà người Đức, Pháp, Mỹ cũng thích dùng phở của nhà nàng. Con trai nàng nay đã lớn, được mười tuổi, còn học Tiểu học và nàng thì vẫn phòng không chiếc bóng.

Còn tôi, tôi cũng kể đời tôi từ nhỏ cho đến nay, qua bao chuổi ngày sóng gió và đau thương.

Chúng tôi ngồi nói chuyện một hồi thì nàng rủ tôi theo nàng đón con đi học về. Chúng tôi ra xe do nàng lái, và chờ đợi ở cổng trường. Vài phút sau thì học sinh tan học. Con nàng ra xe. Nàng giới thiệu tôi với con nàng :

- Hưng, đây là bố của con từ Mỹ sang và gặp mẹ.

Tôi nhìn thấy Hưng giống tôi nhưng cao to hơn, và trắng trẻo hơn. Tôi ôm con tôi và con tôi cũng ôm tôi trong xúc động. Tôi rất mừng vì bất chợt mà tôi đã có một đứa con trai khôn lớn.

Tối hôm đó, chúng tôi sống trong đêm tân hôn. Đêm đó cũng là đêm thứ hai tôi thấy lại bộ ngực trần trắng với một nốt ruồi son nằm ở giữa hai gò bồng đảo rất xinh đẹp.

Tôi ngỏ lời xin cưới nàng làm vợ, nàng sung sướng cười trong hàng nước mắt. Tôi hỏi nàng muốn sang Mỹ hay ở lại Đức, nàng trả lời nàng muốn sang Mỹ cùng tôi chung sống.

Mấy tháng sau, chúng tôi tiến hành thủ tục hôn nhân và bảo lãnh. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức đơn giản tại Đức, gồm anh chị họ và các cháu của tôi, cùng anh em nhà nàng với bạn bè. Sau đó, vợ chồng và con chúng tôi về Mỹ và sống một đời tự do và hạnh phúc.


Sơn Trung

anhoaip
09-28-2013, 06:11 AM
cuộc tình không tưởng nếu là sự thật