PDA

View Full Version : Chào Má Đi Con



Longhai
09-06-2013, 04:16 AM
Chào Má Đi Con


Nguyễn Khắp Nơi


FATHER’S DAY 2013 - Viết theo lời kể của một người cha một mình nuôi con.


Sau trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, tình hình chiến sự càng ngày càng sôi động, rồi Hòa Đàm Paris lại càng làm cho tình hình đất nước trở nên phức tạp, đám học trò chúng tôi khó lòng mà yên tâm học hành. Thêm vào đó, một số giáo sư của trường lại được gọi đi động viên, làm giờ học của chúng tôi bị bỏ trống, chúng tôi lang thang ngoài sân trường, đứa nào chăm học thì tự làm bài, đứa nào ham chơi thì rủ nhau đi bát phố, đi xem chiếu bóng, đám nào lo toan tới thời cuộc thì tụ nhau lại mà bàn cãi tình hình đất nước. Tôi thuộc đám cuối cùng, giờ học nào trống thì đi tới cây dương đầu trường mà kể cho nhau nghe tình hình chiến trận ở Quảng Trị, Thạch Hãn, An Lộc... Những chuyện chúng tôi nói với nhau là do đọc báo hoặc là do cha anh kể lại, hoặc là do chính những đàn anh vừa rời trường nhập ngũ, nhân dịp được nghỉ phép, về trường thăm lại đám đàn em...

Học xong Trung Học hay Đại Học thì cuối cùng cũng phải đi lính để bảo vệ quê hương, nhưng đi lính sớm thì trận mạc nhiều, có cơ hội lên lon sớm hơn (Nếu không lên bàn thờ sớm), cho nên, sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi tình nguyện nhập ngũ và nhận được giấy chấp thuận cho học khóa 3/73 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Ngày trình diện, ba má tôi đưa tôi tới tận Trung Tâm I Tuyển Mộ Nhập Ngũ, chờ tôi làm thủ tục giấy tờ xong, hai bậc song thân mới từ giã và chúc tôi thượng lộ bình an. Máy bay quân sự chở chúng tôi thẳng tới phi trường Tân Sơn Nhất, xe GMC đã túc trực sẵn, đưa chúng tôi tới Quận Thủ Đức.

Sau khi nhận quân trang quân dụng, tôi được xếp vào Tiểu Đoàn 3, Đại Đội 33, Trung Đội 1 . Khóa của chúng tôi được mang bảng tên mầu xanh lá cây. Tôi nhớ rõ vị cán bộ Đại Đội Trưởng là Thiếu Úy Kháng và Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Nguyễn Đắc Khôi. Hướng dẫn những Tân Khóa Sinh chúng tôi là những Huynh Trưởng của các khóa đàn anh, họ chỉ dẫn tận tình từng ly từng tý, nào là thắt quai nón sắt, cột dây giầy bố, xếp Poncho... xếp hàng, so hàng, tập đứng nghiêm, đứng thao diễn nghỉ, tập chào, tập trình diện ... và đương nhiên xen kẽ vào những lần chỉ dậy là những màn phạt nhẩy xổm hít đất lia lịa.

Kỷ niệm đầu tiên của đời quân ngũ là màn phạt hít đất của các Huynh Trưởng.

Sau khi đã dạy chúng tôi cách chào kính và, tới phiên các đàn em thực hành. Mặc dù anh em trong tiểu đội chúng tôi đã tự tập luyện nhiều lần, thế mà khi được kêu ra khỏi hàng trình diện, tôi vẫn bị phạt tơi bời. Tôi nhớ rất rõ là tôi đã đứng nghiêm và đưa tay chào rất đúng cách, nhưng Huynh Trưởng vẫn cứ nhìn tôi với cặp mắt sáng quắc mà hét lên :

"Chào cho đúng cách, đưa lòng bàn tay vào trong mắt chứ không đưa ra ngoài. Huynh trưởng không phải là thầy bói để đàn em đưa tay ra nhờ coi bói, đàn em nghe rõ chưa ?"

Tôi nghe đàn anh nạt nộ là hoảng vía, vội vàng đưa lòng bàn tay sát vào mắt, thì lại được một Huynh trưởng đứng ngay đằng sau la hét còn dữ dội hơn nữa :

"Đàn em có bị chói nắng hay không mà lại lấy bàn tay che mắt đi ?

Mỗi lần làm sai là tôi lại được nghe câu kinh nhật tụng :

"Ba mươi cái hít đất... Hít đất vào thế..."

Ngày hôm sau, khi tôi đã chào kính nhuần nhuyễn rồi, tôi lại được dậy một bài học nói thật : Một Huynh trưởng đi tới đi lui, móc tôi ra khỏi hàng mà hỏi một câu hỏi thật nhẹ nhàng, thật là tình nghĩa :

"Đàn em có... hút thuốc không ?"

"Thưa Huynh trưởng... có !"

"Đàn em... hút mỗi ngày... bao nhiêu điếu thuốc ?"

Tôi thực tình không chuẩn bị cho câu hỏi này, nên hơi bí. Thông thường, mỗi ngày tôi hút ít ra cũng là chục điếu, nhưng mà trong lúc bất ngờ, sợ nói ra con số lớn quá, sẽ bị coi là thằng ghiền, nên tôi đã nói giảm đi :

"Thưa Huynh trưởng... mỗi ngày độ chừng... một hai điếu... "

Có thể là vì tôi không quen nói dối, cũng có thể là vì Thần nói dối bữa nay bận đi nghỉ mát đâu đó nên không phù hộ cho tôi, nhưng có một điều chắc chắn là, vị Huynh trưởng này cũng là dân ghiền hút thuộc loại... sư phụ rồi, nên câu trả lời của tôi bị lộ tẩy liền lập tức. Vị Huynh trưởng hắc ám đi chung quanh tôi quan sát một vòng rồi đứng lại trước mặt tôi, đưa bàn tay của mình ra mà lên lớp tôi :

"Quân đội là phải công minh chính trực. Huynh trưởng hút một ngày năm điếu thuốc mà ngón tay vẫn không bị vàng đi. Đàn em hút một ngày hai điếu mà tại sao hai ngón tay lại vàng khè như vậy ? Đàn em học nói dối ở đâu vậy ? Quân đội là phải ngay thẳng...có sao nói vậy người ơi, nghe rõ chưa ? Ba mươi hít đất . .. Hít đất vào thế... "

Đám tân khóa sinh đứng đằng sau tôi nghe tôi bị Huynh trưởng hài tội... nói dối không thông, không đúng phương pháp...cơ bản thao diễn, thì chúng không nít được cười, ngay trong lúc dầu xôi lửa bỏng như vậy mà chúng nó còn dám khúc khích cười...ngay chính tôi cũng không nín được cười vì cái tội nói láo không coi ngày, tôi vừa hô "Hít đất vào thế " vừa bắt đầu hít đất, nhưng không làm sao mở miệng đếm được, vì còn bận...cười.

Ngày chọn đơn vị, tôi và đám bạn bè gốc Đà Nẵng đã bàn nhau sẽ chọn về Sư Đoàn I hoặc Sư Đoàn 3 cho gần nhà, nhưng khi tới phiên tôi thì không còn chỗ nào trống cho tôi cả, tôi đành chọn Sư Đoàn 25 ở Tây Ninh. Một tuần nghỉ phép đối với tôi quá ngắn, tôi chỉ kịp về Đà Nẵng thăm ba má và bà con họ hàng, ai cũng xoa cái đầu trọc lóc của tôi rồi khen tôi có nét rắn rỏi của người lính. Cũng theo đúng truyền thống do các đàn anh truyền lại, tôi đã trở về thăm trường cũ, tìm lại đám bạn bè ngày xưa. Đi lòng vòng mãi trong sân trường, ngay giờ ra chơi mà tôi vẫn chẳng tìm được ai :

“Bạn cũ xa rồi ?
Có người về đất buông xuôi,
Dăm ba đứa bạt phương trời,
Hai thằng chờ đầu quân năm tới... ”

Trường Cũ Tình Xưa - Duy Khánh.

Cuối cùng, tôi cũng tìm lại được vài thằng đang học thi Tú Tài II, rủ nhau ra quán cà phê nghe nhạc. Tôi móc bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ ra mời chúng nó, một thằng nhìn tôi cười :

“Đổi gu từ hồi nào vậy cha? Hồi đó mày có tên là “Hoàng Ruby” mà ?”

Tay phải tôi cầm bao thuốc, tay trái móc chiếc hộp quẹt Zipo trong túi áo ra, đưa ngón trỏ thành thạo phực qua bên phải đễ mở nắp, nghe một cái “Cóc” phực qua bên trái để quẹt lửa, tia lửa bắt săng bốc cháy nghe một tiếng “Phực” theo gió thổi thành một đường dài. Tôi châm lửa vào điếu thuốc rồi dùng ngón tay trỏ đóng nắp chiếc hộp quẹt lại, hai miếng thép chạm vào nhau vang lên một tiếng vang đặc biệt mà chỉ có hộp quẹt Zipo mới có thể tạo ra tiếng vang này, tôi dựa ngửa ra ghế mà rít hơi thuốc đầy buồng phổi, thở ra thành những vòng khói tròn bay lên không, dí bao thuốc ra trước mặt nó mà nói :

“Tao vẫn là tao... vẫn là “Hoàng Ruby” mà... Mày coi cho kỹ đi... Ruby Queen đàng hoàng đó. Có điều đây là Ruby Quân Tiếp vụ. Bây giờ tao là Lính rồi, hút Ruby Quân Tiếp vụ cho nó... hợp thời trang.”

Trình diện đơn vị, tôi được đưa ra làm Trung đội Trưởng cho Trung đội 1, Đại Đội Trinh sát Chiến Đoàn 50 của Sư Đoàn 25. Đời lính của tôi bắt đầu bằng những lần nhẩy trực thăng, hành quân đêm. Bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ không bao giờ thiếu trên túi áo trái của tôi, nhưng cái hộp quẹt Zipo thì thôi phải để ở nhà, vì cái vỏ nhôm của nó sẽ phản chiếu ánh sáng, và tiếng kêu của nó khi mở và đóng nắp sẽ làm lộ điểm đóng quân, làm mồi cho pháo binh hay cho đám bắn sẽ của Việt cộng.

Trước Giáng Sinh 1974, tôi được thuyên chuyển về Sư Đoàn 3, trung đoàn 56, đóng tại Thăng Bình, Đà Nẵng.

Tình hình chiến trường ở đây tuy sôi động, nhưng đơn vị của tôi lại chỉ có những cuộc hành quân lẻ tẻ, đôi khi đụng địch, chứ không dữ dội như khi tôi còn ở tại Sư Đoàn 25.

Từ cuối tháng Ba, tôi đã thấy có những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân di chuyển ngang qua chỗ đóng quân của tôi, tôi có gọi máy về hỏi Đại Đội Trưởng là Thiếu úy Điểu, để hỏi xem những đơn vị này đến đây làm gì ? Vì họ di chuyển không theo đội hình hành quân. Thiếu úy Điềm cho biết, họ được lệnh ra bờ biển để tầu Hải Quân đưa về Sài Gòn phòng thủ, còn mình, vẫn phòng thủ tại chỗ.

Đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, Trung đội tôi vẫn đóng chốt phòng thủ, tôi thấy rất nhiều người lính bỏ súng cởi quân phục đi ngoài đường, tôi đón đường hỏi họ :

“Chuyện gì vậy ? Sao lại bỏ súng cởi quân phục ra ? Anh em đi về đâu đây ?”

Những người lính buồn bã trả lời tôi :

“Đầu hàng rồi, còn đánh gì nữa ! Thôi thì... về nhà.”

Tôi gọi máy về Đại đội... không có ai trả lời cả. Trên đường, số lính di chuyển ra biển càng ngày càng đông, ai cũng nói phe mình đã đầu hàng rồi, tôi cố gắng gọi máy liên lạc, cả với Tiểu đoàn nữa, những cũng chẳng có ai trực máy cả. Đến chiều tối, tôi tập họp Trung đội lại, nói với họ là không nhận được lệnh của Đại Đội gì nữa cả, trong tình hình này, tôi tuyên bố... rời bỏ vị trí đóng quân, về Đại đội xem tình hình. Đến nơi đóng quân của Đại đội, chỉ còn loe hoe vài người lính, họ cho tôi biết, Tổng Thống Dương Văn Minh đã đầu hàng Việt cộng rồi, ban chỉ huy đã giải tán rồi, họ đang phá máy truyền tin và hủy vũ khí rồi sẽ ... về nhà.

Tôi buồn bã, thầy trò xách súng đi bộ ra bãi biển tìm ghe về Đà Nẵng.

Tối khuya tôi mới tới nhà, gõ cửa... Chờ mãi, gõ cửa mấy lần thì cánh của mới hé mở, người chị dâu hốt hoảng nhìn tôi :

“Trời ơi... Việt cộng đã chiếm thành phố từ lâu rồi... chú ở đâu về đây mà còn bận đồ lính... còn mang súng như vầy ? Vô nhà mau đi... ”

Tôi vội vàng vào trong nhà, miệng hỏi :

“Anh Hai đã về nhà chưa ?”

“Anh Hai đã theo Chiến đoàn về Sàigòn cách nay cũng cả tháng rồi, anh có tới ở với ba má của chị. Chị đang gom góp đồ đạc đưa mấy đứa nhỏ đi thì bọn nó vô, bị kẹt từ bữa đó tới nay, sợ quá, không biết làm sao mà sống đây.”

Sáng hôm sau, tôi và đám lính bàn tính chôn súng đạn tại một góc vườn để sau này nếu cần tới, rồi cùng thay đồ xi vin đi ra bãi biển tìm cách về Saigon hoặc đi ra biển khơi, vì chị dâu tôi đã cho biết, Hạm đội của Mỹ chờ ở ngoài đó mà đón người nào muốn tỵ nạn. Người chị dâu khóc mà nói với chúng tôi :

“Em ơi... Anh Hai không biết sống chết ra sao, nhà còn có mấy mẹ con, ngày nào đám 30 cũng dẫn tụi nón cối tới đây làm dữ với chị, hỏi chị dấu anh Hai ở đâu ? Phải kêu anh ra trình diện Cách Mạng để được khoan hồng. Chị sợ lắm... Em đã về tới đây, có đi vô Sàigòn thì cho chị với mấy cháu đi theo đặng tìm anh Hai... đừng bỏ chị đây một mình...tụi nó dữ lắm, thế nào cũng giết hết mấy mẹ con chị đó.”

Đám lính của tôi có ba người, cũng là dân Đà Nẵng hết, có đứa nhà có ghe đánh cá, nên cả đám bàn nhau đi về nhà nghe ngóng tình thế, xem ghe có chạy được không ? Nếu được, sẽ đưa cả đám cùng đi. Tối lại, cả đám trở về nhà, nói cho tôi hay, ghe và nhà đã bị đám nón cối đến ở đầy trong nhà và lấy chở đồ hết rồi, không có cách nào nói chuyện riêng với ai hết.

Ngày hôm sau, bọn 30 mang băng đỏ đưa đám nón cối lại nhà chị Hai nữa, tôi trình diện đưa giấy tờ cấp bậc Chuẩn úy ra, bọn chúng thâu hết giấy tờ, nói tôi sẽ được đi học tập 15 ngày để “Quán Triệt” đường lối khoan hồng của Cách mạng, mấy người Hạ Sĩ Quan và lính đi theo tôi cũng được ghi tên vào “Hộ Khẩu” của chị Hai tôi.

Thế là chúng tôi trở thành cư dân của Đà Nẵng.

Hàng ngày, chúng tôi phụ chị Hai đem đồ ra chợ trời bán, đồng thời nghe ngóng tin tức của anh Hai và tìm đường vượt biên.

Được chút đỉnh tiền, tôi đưa cho chị Hai, nói chị vô Sàigòn tìm anh Hai. Tuần lễ sau, chị quay trở về, nói ba má chị cho hay, anh bị tụi nón cối bắt ở tại nhà, không được di chuyển đi đâu hết, sau đó đã đến bắt anh đi “Học tập cải tạo” rồi, không biết chừng nào mới về.

Chúng tôi muốn vượt biên lắm, nhưng không có tiền mua ghe. Đám đàn em của tôi cũng đã trở về xóm cũ, sẵn có nghề biển, họ ghi tên đi đánh cá để tìm cách móc nối chủ ghe. Vì không có tiền, tụi tôi chỉ có thể đi bằng cách tìm người phụ tiền mua dầu mua bãi mà thôi. Mãi đến năm 1977, bọn tôi mới móc nối được với một số người để tổ chức vượt biên, chị dâu tôi không tham dự, vì còn phải ở lại chờ anh Hai tôi về, phần tôi, độc thân vui tính nhưng không thể sống chung với bọn Việt cộng được, tôi phải ra đi mà thôi. Chúng tôi nghiên cứu bãi đổ người, mõi ngày mua một ít dầu một ít đồ ăn khô dem xuống tầu để dành. Đêm cuối cùng, bọn tôi ra vườn đào súng lên, mở mấy lớp bao nylong ra kiểm soát lại, thấy vẫn còn nguyên vẹn, tôi mừng quá, bỏ vô bao tải xách xuống ghe dấu dưới hầm. Một lúc sau thì khách bắt đầu đổ xuống, ghe nhỏ, chỉ có gia đình chủ ghe và vài người do bọn tôi móc nối mà thôi. Tất cả hồi hộp nằm trong ghe, chờ tới giờ đi đánh cá.

Sáng tinh mơ, ghe chúng tôi rời bến, chắc ăn là sẽ ra đi chót lọt, vì ghe chúng tôt đã đi đánh cá nhiều lần trở về rất là an toàn. Vì ỏ dưới hầm quá chật, chủ ghe cho đứa con trai lên trên để phụ việc với chúng tôi. Qua hai trạm gác, mọi việc đềm êm xuôi, tới trạm cuối cùng, đứa nhỏ đứng lớ quớ làm sao bị té xuống nước, nó hoảng quá la lên :

“Má ơi... con bị rớt xuống biển... ”

Tôi và người chủ ghe vội vàng nhẩy xuống nước vớt đứa nhỏ lên. Người mẹ ở trong khoang chứa cá nghe được tiếng la thất thanh của đứa con, vội vàng từ dưới ló đầu lên nói với chồng :

“Anh ráng vớt con mình lên”

Ghe đánh cá đâu có con nít và đàn bà !

Đám Công an biên phòng ào lên tầu chĩa súng vào chúng tôi, bắt từng người bước lên cầu tầu.

Chuyến vượt biên của chúng tôi hoàn toàn thất bại... ngoài dự tính.

Vì còn phải vớt đứa nhỏ, và trong ghe cũng chật chội, nên phải mất tới khoảng nửa tiếng đồng hồ, bọn chúng mới gom được hết chúng tôi đưa lên bờ để xuống ghe khám xét. Tôi lo lắng dòm chừng bọn chúng, nếu mà chúng kiếm ra chỗ tôi dấu mấy món đồ chơi thì không có cách nào mà chối cãi, xử tử là cái chắc, nhẹ lắm cũng ngồi tù mút chỉ đường tà. Nguyên đám Công an khám xét cả tiếng đồng hồ mà chỉ đem lên được những củ khoai lang, mì gói, mía, đường, muối... chứ không thấy chúng đem lên bao tải súng đạn mà tôi và Trung sĩ Hải đã đem lên tầu, dấu ở sau dàn máy tầu. Tôi ngạc nhiên nhìn Hải, chỉ thấy anh ta nhìn vào tôi rồi đưa cặp mắt nhìn xuống biển mà thôi. Tôi chưa hiểu hết ý của anh ta nên làm thinh chờ thời.

Bọn chúng đem những đồ trên ghe lên cùng với chúng tôi, tra hỏi đủ điều, nào là chứa những thứ đồ ăn khô này trên tầu làm gì mà nhiều như vậy ? Đưa đàn bà con nít đi đâu ? Có phải muốn đi vượt biên hay không? Người chủ ghe tuy sợ hãi, nhưng vẫn binh tĩnh trả lời là đưa vợ con về quê, đem theo đồ ăn cho tụi nhỏ ăn. Mấy người khách do tôi giới thiệu cũng là dân Đà Nẵng, họ khai là học việc đánh cá. Phần tôi và đám em út, tụi tôi đều là thủy thủ có ghi tên đi đánh cá, nên cứ việc rõ ràng mà khai đi đánh cá, nhưng vì không biết bọn Việt cộng có tìm thấy mấy khẩu súng hay không ? Nên chúng tôi cứ ú ớ không dám nói năng chi cả.

Bọn Việt cộng hỏi cung chúng tôi xong, nhốt cả đám vào trong căn chòi phía đằng sau, không cho nói chuyện gì với nhau cả. Mãi tới khi đưa bọn tôi ra xe để đưa về nhà tù thiệt, thừa dịp đi ngang tôi, Hải nói nhỏ cho cả đám nghe :

“Tui đã thẩy đồ chơi xuống biển rồi.”

Chúng tôi mới thở ra nhẹ nhõm.

Bọn Công an kết tội chúng tôi là “Trốn ra nước ngoài”. Phần tôi, vì là Sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên bọn chúng đã cho tôi thêm cái tội là “Sĩ quan Ngụy trốn ra nước ngoài” và đem nhốt tôi tại trại tù binh Tiên Lãng, ở Quảng Nam.

Ở lâu trong trại, tôi biết trại tù này nhốt rất nhiều Sĩ Quan và Công chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa. Vào thời còn chính phủ, tôi chỉ được nghe tên những vị chức sắc này mà thôi, chứ chưa bao giờ có hân hạnh gặp những vị này, nay ở trong vòng tù tội mới được gặp họ, cảm tình của tôi đối với họ cũng tùy theo tư cách cùa từng người thổ lộ ra trong cuộc sống lầm than này. Đa số các nhân vật này đều thể hiện tư cách đáng quý trọng của mình, giữ vững lập trường chống cộng, không sợ sệt, không quỵ lụy, chỉ có một số đã tham sống sợ chết mà đi làm ăng ten cho bọn cai tù.

Muốn biết ai là ăng ten, dễ lắm, cứ thấy ai chỗ nào có đám đông là nhào tới làm bộ nhập bọn nhưng luôn luôn để ý nghe nghóng rồi biến đi chỗ khác là chúng tôi biết ngay và truyền tai cho nhau để đề phòng những tên chó ghẻ này. Tuy vậy, tôi vẫn bị một tên làm ăng ten hại tôi bị đánh chết đi sống lại.

Một hôm, tôi bị tên Thiếu úy Thạch, trưởng khám đường gọi lên... “làm việc”

Tên Thạch hỏi tôi :

“Anh đã nói xấu cách mạng, tôi đã được báo cáo đầy đủ về anh, anh có nhận tội không ?”

Tôi binh tĩnh trả lời :

“Thưa cán bộ, tôi không có nói gì về cách mạng cả. Nếu tôi có nói, mà cán bộ cho là có nhận được báo cáo, xin cứ cho người nào báo cáo tới đây gặp tôi, nói rõ là tôi đã nói xấu cách mạng như thế nào ? Nếu tôi có nói, tôi sẽ nhận tội.”

Tên Thạch cho kêu người báo cáo lên.

Tưởng ai, chính là tên Thiếu úy Nguyễn Văn B.

Trước mặt tên Thạch, tên B chỉ mặt tôi báo cáo lấy điểm :

“Thưa cán bộ, tôi đã được học tập và đã hiểu rõ đường lối khoan hồng của cách mạng, nên xin báo cáo tên Hoan đã có những lời nói phản cách mạng như sau :

Tên Hoan đã nói với tôi hai đêm trước đây :

“Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng Khởi lên rồi, mất Tự Do.”

Và chính tên Hoan đã nói với tôi thêm câu này :

“Việt Nam Cộng Hòa mà trở lại, tao sẽ đi kiếm từng thằng công an trong khám này đem ra hỏi tội từng đứa.”

Xin cách mạng trừng trị tên Hoan xứng đáng.

Tôi giận quá, ráng giữ bình tĩnh, đứng lên chỉ mặt tên B mà la lớn :

“Anh B, anh mang danh là Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà can tâm đi làm chó săn cho đám cai tù này hay sao ? Anh hiểu cách mạng tới cỡ nào mà dám tự xưng hiểu rõ đám cách mạng này ? Anh muốn mượn máu của tôi để lót đường cho anh đi hay sao ?”

Tên Thạch đập bàn hỏi tôi :

“Anh B đã tố cáo anh đó, bằng chứng rõ ràng, anh có nhận tội hay không ?”

Tôi nói với tên Thạch :

“Một người mất tư cách như tên này mà cán bộ có thể tin hắn hay sao ? Tôi không có nói xấu gì cách mạng hết, tên này đã tự đặt ra mà báo cáo đó thôi.”

Thế là bọn Công an nhào vào tôi mà đánh mà đá tôi tan nát. Đến khi cả người tôi bầm dập, chúng mới bỏ tôi vào nhà đá.

Rất may, tên Bông này chỉ là một trong những con dòi bọ không đáng kể, đã ngu xuẩn, nhẹ dạ mà tin rằng, chỉ cần làm một vài việc tố cáo anh em là sẽ được bọn Việt cộng tin tưởng mà ban cho những bổng lộc, cho về sớm. Đáng thương thay, bọn ăng ten này không những đã bị anh em đồng ngũ ghê tởm, xa lánh, mà còn bị bọn cán bộ sau khi sử dụng chán chê rồi, ném qua một bên không thèm đếm xỉa tới, để cho bọn chúng chết dần chết mòn trong trại tù Cộng sản.

Trại tù Tiên Lãnh có giam giữ một số Sĩ Quan và Công chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa, những người tôi còn nhớ đến ngày hôm nay, xin được kể ra đây :

Trung Tá Nguyễn Văn Bình, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 54, Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Ông đã cùng một số anh em khác trốn trại, rủi thay, vì cái ba lô vướng vào hàng rào kẽm gai, báo thức bọn gác tù, nên ông và cả nhóm bị bắt trở lại. Tôi nằm trong khu biệt giam nên không biết rõ nội vụ khi ông và cả nhóm bị Việt cộng đem ra xử, nhưng vài hôm sau là một số người trong nhóm này bị cùm đưa vào khu biệt giam nên họ đã kể cho tôi nghe. Đại úy Quy (Tôi chỉ còn nhớ ông là Tiểu Đoàn Phó của một Tiểu đoàn Biệt Động Quân, nhưng không nhớ Tiểu đoàn nào ?) đã kể lại phiên xử cho tôi nghe như sau :

“Khi đem chúng tôi ra xử, bọn quản giáo đã lớn tiếng nhục mạ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, Trung Tá Bình đã chận họng chúng lại bằng cách quát lớn”

“Bọn các anh không được hỗn láo. Những người lính như chúng tôi đã cầm súng chiến đấu là để bảo vệ Tổ quốc của chúng tôi bị các anh xâm chiếm, chứ chúng tôi không chiến đấu cho bất cứ ngoại bang nào cả. Các anh đã bắt được tôi thì cứ xử, chứ không được nhục mạ chúng tôi.”

Thế là bọn chúng bắn ông chết ngay tại chỗ, nhưng người khác thì bị đòn hội chợ, bị cùm, bị bỏ đói. Khi tôi được ra khỏi khu biệt giam, đã tìm hỏi nơi chôn ông để chào vĩnh biệt, vì thế tôi mới nhớ nơi chôn (Đồng Mộ), họ tên và năm sanh (1944) của ông.

Niên trưởng Nguyễn Văn Luận, Chánh Văn Phòng Dân Ý Vụ Tỉnh Quảng Tín (Chiến dịch Phượng Hoàng), là người mà tôi nể phục và có nhiều kỷ niệm với ông nhất (Ông cũng là Chủ tịch Quốc Dân Đảng của tỉnh Quảng Tín)

Một hôm, như mọi ngày, chúng tôi bị đem ra làm bản “Tự Kiểm”. Bọn cai tù đưa cho mỗi người một tờ giấy và một cái bút để mọi người viết vào đó rồi chúng sẽ đi thâu. Tôi vừa viết vừa nhìn chung quanh xem có quen ai hay không? Lúc tên cai tù đi thâu bản tự kiểm, đến chỗ của một ông già, tên này thâu bản tự kiểm đọc sơ qua rồi đột nhiên la lớn lên:

“Thằng này phản động không thể nào cải tạo được. Nhà nước Cách Mạng đã dậy dỗ cho mày bao nhiêu lần là phải viết "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Độc Lập Tự Do Dân Chủ" chứ tại sao mày lại viết là "Việt Nam Cộng Hòa ? Mày muốn chết phải không ?"

Tôi nghe câu chuyện có vẻ hấp dẫn nên vẫn làm bộ suy nghĩ để viết bài của mình, nhưng tai và mắt thì vẫn nhìn, vẫn lắng nghe câu chuyện.

Ông già tù nhân ngước mắt nhìn tên cai tù đang tức giận càng hông mà chửi mắng ông bằng tất cả những từ ngữ mà hắn chưa bao giờ dám nói và được nói. Để cho hắn nói xong, ông già mới nhẹ nhàng lên tiếng :

"Thưa cán bộ, bị tôi ở với chế độ Việt Nam Cộng Hòa quá lâu, ngày nào cũng viết những chữ này, nên nó in vào đầu tôi rồi. Tôi cũng muốn học tập tốt, nhưng phải cho tôi thời gian thì tôi mới quen với những danh từ mới mà dùng nó chớ. Giống như cán bộ đây, nếu ông bị chúng tôi bắt, rồi chúng tôi cũng buộc ông học thuộc lòng và viết chữ "Việt Nam Cộng Hòa" trong vòng vài tháng trời, liệu ông có nhầm lẫn mà viết thành "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa hay không ? Chắc chắn là có rồi, phải không ? Vậy thì cán bộ phải thông cảm cho tôi chớ. Cán bộ cứ cho tôi vài tháng nữa đi, tôi sẽ ráng học tập tốt mà viết theo lời cán bộ chỉ dậy."

Tên cán bộ phùng mang trợn mỏ :

“Thằng này hỗn láo. Mày dám trù ẻo cho tao bị chúng mày bắt hả ? Chúng mày vẫn còn mong có ngày Việt Nam Cộng Hòa của chúng mày trở lại hả ? Điều này chẳng bao giờ có đâu."

Từ khi bị Cộng sản bắt bỏ tù tới giờ, tôi chưa bao giờ được nghe ai... trả giá với Việt cộng để cho mình viết chữ "Việt Nam Cộng Hòa" vài tháng nữa như ông già này. Đúng là một ông già gân. Đúng là một Chiến sĩ Dân Sự Vụ của Việt Nam Cộng Hòa oai hùng.

Ông già lý luận hay quá, nên tên cán bộ không còn cách nào khác, chửi mắng la hét một hồi mệt hơi, hắn đành phải đưa tờ giấy khác cho ông ta và đứng tại chỗ để bắt buộc ông viết cho đúng.

Khi trở lại khu kiên giam, tôi đã tìm cách nói chuyện được với "Ông Già Gân" nên mới biết được tên và chức vụ ngày xưa của ông. Ông đã được anh em trong tù kính nể mà gọi ông bằng cái tên "Ông Già Cộng Hòa".

Ít lâu sau, tôi nghe tin, ông Già Cộng Hòa Nguyễn Văn Luận đã bị chết vì ngộp thở trong phòng kiên giam.

Những ai đã ở tù trong trại kiên giam của Việt cộng đều hiểu, trong nhà tù loại này, chỉ để hở một lỗ thông hơi rất nhỏ và rất cao trên tường, nếu ai cao một chút, có thể ráng ngóng cổ lên mà thở được chút đỉnh. Trong trường hợp chúng muốn cho tù bị chết ngạt, chúng chỉ cần nhốt nhiều người vào một phòng kiên giam, những người thấp hoặc không dành được chỗ đứng gần lỗ thông hơi, sẽ bị chết ngộp là cái chắc. Đó là cách giết người thật là tàn nhẫn, không cần súng đạn của Việt cộng.

Tôi bị bọn Cộng sản nhốt tù tại trại Tiên Lãnh từ năm 1977 cho tới tháng 9 năm 1983 mới thả ra. Chúng không cho tôi về Đà Nẵng nữa mà bắt đi kinh tế mới hoặc đi vùng nào ở xa thành phố. Sẵn có người anh ở Truồi, tôi xin về nơi đó.

Tôi chỉ về trình diện bọn Công An phường có một lần, rồi lại trở lại Đà Nẵng tìm lại anh em và cũng tìm đường đi vượt biên.

Tháng 5 năm 1985, tôi lại móc nối một số anh em làm một chuyến vượt biển nữa. Số tôi vẫn không may, thuyền ra tới hải phận quốc tế thì lại bị bão trôi dạt về Việt Nam, tôi lại ngồi tù. Trong thời gian... giang hồ hành hiệp này, tôi tình cờ gặp được một người bạn đường tên Linh, cô cũng bị tù vì tội vượt biên.

Hai đứa chúng tôi cố gắng giúp nhau sống còn, khi cùng được thả về vào năm 1987, chúng tôi tìm cách làm ăn sinh sống và vẫn âm thầm cùng nhau tìm cách vượt biên. Với hai mục đích này, chúng tôi đi cùng khắp mọi nơi, từ Quảng Ngãi ra tới Đà Nẵng, tuốt lên Hà Nội, trở vào Sàigòn. Tới năm 1991, chúng tôi đã có với nhau hai đứa con trai, mỗi người ẵm một đứa, cứ thế mà...

“ Đường trường xa, muôn vó câu bay chập chùng..."

Nhận được tin Hoa Kỳ tổ chức bảo lãnh cho những Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Công Hòa đã bị Việt cộng bắt cầm tù trên ba năm được qua Mỹ sinh sống, hai vợ chồng tôi (Gọi là vợ chồng, chứ chúng tôi chưa bao giờ làm hôn thú) bàn nhau nộp đơn xin di dân qua Mỹ theo chương trình ODP (Orderly Departure Program). Tôi không nộp đơn qua bọn Việt cộng mà gởi thẳng qua văn phòng này ở Thái Lan. Nộp là nộp đơn cho vui vậy thôi, chứ tôi không tin rằng đó là tin thật sự. Hoa Kỳ đã bỏ rơi Miền Nam không một chút thương tâm, thì chẳng có lý do gì mà chúng lại bỏ tiền ra mà rước đám Lính Cộng Hòa qua nước họ để nuôi báo cô hết trơn.

Cuối cùng, chúng tôi tìm được một đường giây vượt biên bằng... chân, ngay tại Sàigon.

Trước khi đi đi, hai vợ chồng tôi đã giao hẹn với nhau : Mỗi người ôm một đứa con, tôi ôm đứa nhỏ hai tuổi, vợ tôi ôm đứa lớn bốn tuổi. Lấy điểm tựa là nhà má tôi ở Đà nẵng, hai người cùng đi, nếu bị thất lạc, ai đi được thì cứ đi, ai không đi được thì trở về nhà má chờ tin. Trước mặt hai đứa con, tôi đã hứa với Linh :

"Nếu anh và Nam (Con trai nhỏ của tôi) vượt biên được mà không có em và Việt (Đứa con trai lớn của tôi), anh sẽ tìm đủ mọi cách bảo lãnh em và con qua sống với anh".

Cuộc vượt biên đường bộ này được nhóm người tổ chức làm rất cẩn thận và chu đáo. Tôi chỉ biết mặt một người trong ban tổ chức và hai người do tôi rủ đi, vợ tôi đi với một đám khác trước tôi một ngày. Từ Saigòn, chúng tôi dùng xe lửa đi... Hà Nội, rồi từ đó đi xe đò lên Hải Phòng, ra Móng cái, vượt biên qua Đông Hưng của Trung Cộng, lên tới Phòng Thành, Quảng Châu, rồi đi đò tới Hồng Kông.

Mọi chuyện đều trót lọt. Vừa đến Móng Cái, tôi đã thấy mấy chiếc xe Honda ôm đã chờ sẵn (Gọi là Honda cho dễ hiểu, chứ thực sự tôi không biết đó là xe gì). Tôi thấy con tôi mệt lả, nên vội vàng ghé quán bên đường mua một ly nước vối cho cháu uống, có một tên mà tôi đoán chừng là Công an đứng gần bên, nghe giọng nói tôi không phải là dân địa phương, đã hỏi tôi :

“Anh ở đâu đến phải không ?”

Tôi chỉ cười không trả lời, người dẫn đường (Dân Bắc chính gốc) vội vàng trả lời :

“Nó theo bọn chúng em đi biên giới mua hàng về bán đấy. Anh cả cứ chờ ở đây nhé, vài ngày nữa bọn em sẽ chở hàng về, bán được khá, bọn em sẽ khao cả nhà.”

Tên lạ mặt bỏ đi ra ngoài, không biết hắn ra dấu ra sao mà hai ba tên ở phía xa đang xách súng chạy lại chỗ tôi, tôi vội vàng dựt ly nước, ẵm con nhẩy thót lên xe ôm để người lái xe phóng thẳng về phía biên giới, bọn Công an có bắn theo, nhưng xe của tôi đã chạy mất hút rồi.

Qua tới Trung cộng, bọn chúng tôi chỉ ở trong nhà trọ đã có sẵn, ăn uống nghỉ ngơi đợi đến đêm mới lại di chuyển tiếp. Đến Quảng Châu, chúng tôi ra bến đò vào buổi sáng, nhìn cách ăn mặc là dân chúng biết chúng tôi là người Việt Nam ngay, họ đã gặp rất nhiều người Việt bị đuổi về Trung cộng sau cuộc chiến giữa hai nước từ năm 1979, nên họ chẳng ngạc nhiên gì cả, có người còn cho con tôi nước uống và đồ ăn nữa. Người dẫn đường dặn chúng tôi ngồi tại chỗ chờ anh ta đi tìm hai nhóm khác cùng đi, một lúc sau anh trở về cho biết, có một nhóm bị bể, đã phải quay về, không biết có ai bị bắt hay không ? Tôi cầu Trời cho vợ con tôi cũng đi thoát như tôi.

Ghe đã tới, người dẫn đường chỉ huớng Hồng Kông ở trước mặt, đưa chèo cho chúng tôi tự chèo tới đảo rồi từ giã để trở lại Việt Nam. Hai nhóm dồn lại được khoảng hai chục người, tôi nhìn kỹ từng người một, nhưng không thấy Linh và Việt đâu cả. Như thế là nhóm của vợ tôi bị bể rồi, tôi bàng hoàng lo cho số phân của vợ con tôi, không biết có thoát trở về Nam hay là bị bắt ? Hành khách lên đông đủ rồi, chúng tôi chống sào rời bến, nhắm Hồng Kông mà tiến tới. Không còn sợ bị bắt trở lại nữa, bọn chúng tôi thay phiên nhau chèo, ăn uống ngon lành rồi ngồi bó gối ngủ thẳng giấc. Tôi cho con ăn uống xong, cởi áo cột chặt bé Nam vào người để chợp mắt mơ màng chút đỉnh chứ không dám ngủ, vì sợ con bị lọt xuống nước, phần lo lắng không biết số phận vợ con ra sao ?

Tôi tỉnh giấc thì trời đã bắt đầu tối, tôi ló đầu nhìn lên trời, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những ngôi sao thật sáng và thật đẹp mà trong lòng thật là thoải mái, vì không sợ bị đám Công an bắt trở lại nữa. Nhìn xa xa, thấy những ánh đèn điện sáng trưng mà tôi đoán, đó là Hồng Kông. Đã có vài người trong nhóm thức giấc nhìn về phía có ánh đèn sáng mà vui mừng bàn tán đủ điều. Khi mọi người nhìn rõ những ánh đèn phát ra từ những ngọn đèn pha ở ven biển chiếu ra thì cũng là lúc tầu tuần duyên của Hồng Kông tìm ra được chúng tôi. Những người Cảnh sát leo lên ghe, hỏi chúng tôi từ đâu tới ? Khi được trả lời là từ Việt Nam tới, những người lính này không cần hỏi gì thêm, cứ thế cột giây dòng ghe chúng tôi vào bờ và chở thẳng vào trại tỵ nạn.

Tháng 3 1991, cha con tôi đặt chân lên Hồng Kông, mảnh đất đầu tiên tôi được hưởng sự tự do từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau khi làm thủ tục nhập trại, phát quần áo, chúng tôi được đưa đi nhận phòng ngủ, cha con tôi được cấp cho một căn phòng nhỏ có hai cái giường tầng. Những ngày đầu tiên chúng tôi được trại nấu cho ăn, ngày ba bữa, ăn xong, chúng tôi được tự do, muốn đi đâu thì đi.

Việc đầu tiên tôi phải làm là ra chợ bán cái nhẫn vàng lấy tiền đánh điện tín về Việt Nam cho má và cho vợ con, về địa chỉ của má tôi. Vì đã có hẹn trước rồi, nếu vợ tôi không đi thoát và không bị bắt, chắc chắn Linh sẽ tìm cách trở về nhà má tôi tá túc mà chờ tin của tôi. Quả nhiên, khoảng một tháng sau là tôi nhận được điện tín trả lời của vợ tôi, Linh cho hay, đang ở nhà má, hai mẹ con vẫn bình yên chờ tôi bảo lãnh.

Công việc thứ hai tôi phải làm là tìm cách đi làm để có tiền gởi về nuôi má và nuôi vợ con.

Khó khăn của tôi là đứa con trai còn quá nhỏ, mới có hai tuổi đầu, vẫn còn nhớ mẹ lắm, đã không có mẹ bên cạnh, tôi không đành lòng gởi con cho người khác mà đi làm. Khó khăn hơn khi trại tỵ nạn không nấu cho chúng tôi ăn nữa, mà phát gạo và đồ ăn cùng nồi niêu soong chảo để chúng tôi tự nấu ăn. Tôi là lính, ăn sao cũng được, nhưng con tôi đâu có thể ăn theo kiểu lính được! Do đó, suốt sáu tháng đầu, tôi chỉ ngồi nhà coi con, lãnh lại đồ mà các bạn đi ra ngoài nhận về giao cho tôi làm. Tuy công việc làm ít tiền, nhưng tôi vẫn cố gắng làm để lấy tiền gởi về nhà.

Một hôm, tôi được người bạn cùng trại rủ ra ngoài làm công việc đổ xăng cho xe hơi tại trạm xăng, tôi ráng năn nỉ một bà cụ già giữ dùm đứa con để đi làm, tôi xin trả tiền đầy đủ. Được vài bữa thì con tôi tinh nghịch chạy chơi khắp nơi, làm bà cụ chạy theo không kịp, cụ sợ nó bị người ta bắt cóc hoặc chạy té, nên trả lại không dám giữ con cho tôi nữa. Tôi lại ngồi nhà may đồ do các tay bỏ mối chia lại chút đỉnh cầm hơi. May thay, trong thời gian làm may, có một cô làm chung với tôi (tên Hoa), thấy tôi may chậm, vừa không được nhiều tiền, vừa lại phải coi con nhỏ, nên cô đã thông cảm, tự đề nghị sẽ trông con cho tôi đi ra ngoài trại làm, chỉ cần trả lương cho cô bằng với số tiền mà tôi có thể kiếm được bằng nghề may ở trong trại (tức là rất ít). Con tôi vắng bóng mẹ, nay được một người đàn bà chăm sóc thì nó mừng lắm, những hôm tôi phải làm thêm giờ, tôi năn nỉ Hoa cho Nam ăn rồi cho nó đi ngủ dùm tôi. Hoa chưa lập gia đình, chưa bao giờ nuôi con nít, cũng ráng coi Nam cho tôi yên tâm đi làm. Tôi trả thêm tiền, cô không lấy, nên tôi dùng tiền này mua thêm đồ ăn để cô nấu cho tôi ăn luôn một thể.

Thời gian ở trại, tôi được biết nhiều trại tỵ nạn ở Hồng Kông và một số các quốc gia khác đã đóng cửa, vì các quốc gia trên thế giới đã tạm ngưng hoặc không nhận người tỵ nạn Việt Nam nữa. Do đó, trại tỵ nạn nơi tôi ở sẽ bắt đầu... phỏng vấn lại từng người tỵ nạn, gọi là... Thanh Lọc. Những ai không là Lính Cộng Hòa hoặc không làm cho chính quyền Cộng Hòa, sẽ bị trả về Việt Nam. Phỏng vấn tới lui mấy lần, mãi đến năm 1994, tôi mới được coi là... ĐẬU THANH LỌC và chờ danh sách đi qua Phi Luật Tân học thêm Anh Ngữ rồi qua Mỹ.

Tôi đi tìm Hoa để báo tin mừng, nhưng không thấy cô ta đâu cả, tìm mãi mới biết cô đã bị... RỚT THANH LỌC, vì cô chưa hề đi lính, và cũng không hề làm cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa đã được đưa qua khu khác để chờ trả về Việt Nam. Tôi bồng con vào trại thăm cô, thấy cô ngồi ủ rũ khóc lóc thật là thảm thương. Bỏ cả sinh mạng để vượt biên, cuối cùng lại bị trả về với Việt cộng, làm sao mà sống được với cái lũ bạo tàn này ! Hai cha con tôi cũng ngồi cú rũ không dám khoe là mình đã đậu thanh lọc. Khi chào chia tay với cô, thằng Nam cứ ôm cứng lấy cô không chịu về. Đã hơn hai năm trời được cô bồng ẵm săn sóc, Nam đã dồn hết tình thương của nó cho Hoa rồi.

Trở về trại cũ, tôi nằm đắn đo suy nghĩ :

Tôi đã có vợ, tôi đã thề trước mặt vợ và hai đứa con là sẽ bảo lãnh vợ con qua bất cứ nơi nào sống chung với tôi. Tôi còn nhớ lời thề đó, tôi không thể phụ vợ con tôi được. Hoa, dù rằng chỉ là một người đã chăm sóc cho Nam và đã sống chung với tôi một thời gian, nhưng, mặc dù tôi đã nói ngay từ giây phút đầu tiên gặp nhau, là tôi đã có vợ và chắc chắn sẽ không bỏ vợ mà lấy bất cứ ai khác, Hoa vẫn đồng ý sống chung với tôi và chăm sóc cho Nam thật chu đáo.

Tôi không bỏ vợ, nhưng tôi cũng không thể bỏ mặc một người con gái đã chung sống với tôi để ra đi, mặc dù Hoa đã biết thân phận, tự ra đi để tôi rảnh tay.

Cả đêm tôi nằm suy nghĩ...

Sáng sớm hôm sau, tôi lại đến trại rớt thanh lọc tìm Hoa nói chuyện.

Tôi nói, tôi sẽ nhận Hoa làm vợ, nhưng chỉ để cho Hoa được qua Mỹ (Hoặc bất cứ quốc gia nào, trong trường hợp Mỹ từ chối cho tôi di dân) mà thôi. Qua Mỹ rồi, tôi sẽ ly dị ngay với Hoa để về Việt Nam bảo lãnh vợ con tôi qua Mỹ.

Hoa suy nghĩ hết một ngày, cuối cùng, cô... đồng ý làm vợ hờ theo kế hoạch của tôi.

Tôi nhờ Trưởng trại ký hôn thú và nộp lên cho phái đoàn Mỹ cứu xét.

Ba tháng sau, tôi nhận được thư... từ chối. Lý do là Hoa không được coi là tỵ nạn chính trị.

Tôi đã biết trước chuyện này rồi, nên vui vẻ chấp nhận. Nhưng Hoa lại coi đó là lỗi của cô nên tôi không được đi Mỹ. Tôi trả lời Hoa rằng :

“Anh không hề có ý định đi Mỹ, vì Mỹ đã là đồng minh với quân đội Cộng Hòa rồi cuối cùng đã bỏ rơi chúng ta. Tại vì anh chưa có quyết định đi đâu, Mỹ lại là quốc gia đến phỏng vấn đầu tiên, nên anh mới nhận đi Mỹ mà thôi. Trong thâm tâm, anh muốn đi bất cứ quốc gia nào khác, miễn đó là một quốc gia tự do.

Tôi và Hoa vui vẻ ở lại Hồng Kông, chờ bất cứ quốc gia nào nhận cho di dân.

Tháng Bẩy năm 1995, Linh gởi cho tôi một bức thư của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan... chấp nhận cho tôi và vợ con được định cư tại Hoa Kỳ, theo chương trình "Ra Đi Có Trật Tự - ODP" do đơn xin di dân do tôi đã nộp trước đây.

Úc Đại Lợi là quốc gia đã nhận cho tôi và Hoa định cư. Chúng tôi đến Melbourne vào ngày đầu tháng 4 năm 1996. Sau khi lo nơi ăn chốn ở cho Hoa xong suôi, chúng tôi... ly dị !

Tôi báo tin cho Linh hay, tôi đã có cuộc sống ổn định tại Melbourne và sẽ về Việt Nam để làm hồ sơ bảo lãnh cho Linh và Việt qua Úc sống với tôi, đúng như lời thề mà tôi đã hứa trước đây. Lần đầu tiên tôi và Nam trở về Đà Nẵng là năm 1998.

Chỉ có má tôi và con tôi ở nhà mà thôi.

Tôi ôm Việt trong tay, giới thiệu cho hai anh em gặp nhau. Qua bao năm tháng xa cách, Việt đã là một cậu trai 11 tuổi, Nam 9 tuổi, hai anh em lần đầu tiên gặp nhau sau bao năm tháng cách xa. Mặc dù coi như là không biết mặt nhau, hai anh em đã ôm nhau khóc nức nở, làm cho tôi và má cũng khóc theo.

Không thấy Linh ra đón tôi, tôi cho là vợ tôi đi đâu đó sẽ về liền, nhưng chờ một lúc nữa, vẫn không thấy Linh, tôi ngạc nhiên hỏi má :

“Má, vợ con đi đâu mà không thấy ra đón con ?”

Má tôi cho hay :

“Vì phải đi xa làm ăn, nên vợ con đã gởi Việt cho má nuôi, lâu lâu mới trở về thăm con vài ngày, lấy thơ và quà của tôi gởi, rồi lại ra đi. Cách nay vài ngày, vợ con có về lấy thư rồi, nó có nói cho má biết ngày con về, chắc nó cũng sắp về tới rồi đó”.

Tôi hỏi địa chỉ của Linh, má tôi nói không biết ở đâu ?

Tới chiều thì Linh trở về nhà, tôi mừng quá, dắt con ra gặp Linh, nói với con :

"Nam, đây là Má của con đó... CHÀO MÁ ĐI CON "

Nam ngập ngừng nhìn Linh, rồi khoanh tay cúi đầu chào má.

Cả gia đình đã được xum họp, chúng tôi vui vẻ ăn tối nói chuyện thật là hạnh phúc.

Tôi nói rõ ý định về Việt Nam kỳ này, là để bảo lãnh vợ và con qua Úc sinh sống với tôi. Tôi lấy trong va ly hồ sơ xin bảo lãnh, đưa cho Linh xem:

“Đây là hồ sơ bảo lãnh, anh đã điền sẵn hết rồi, giấy khai sanh của Việt cũng có đây rồi, chỉ chờ giấy hôn thú của vợ chồng mình là đem đi nộp thôi. Ngày mai mình ra Ủy Ban Nhân Dân Quận xin ký hôn thú nha em.”

Linh tuy xúc động về sự xum họp gia đình, nhưng có vẻ... không mừng rỡ cho lắm. Linh hỏi tôi từ hồi qua Úc đã làm nghề gì ? Tôi trả lời là đang làm nghề trồng nho, vì nghề này dễ làm, có thể kiếm tiền ngay gởi về cho gia đình và nuôi con.

Tôi hỏi Linh hồi này làm gì mà phải đi xa xôi cực khổ như vậy ? Hàng tháng tôi đều có gởi tiền về, dù không khá giả nhưng cũng đủ cho hai mẹ con sinh sống đạm bạc với nhau, đâu cần Linh phải gởi con cho má mà đi ta bà như vậy ?

Hai tuần lễ qua mau, tôi phải trở về Úc lo cho vụ thâu hoạch sắp tới. Ngày đi đã gần kề mà tôi và Linh vẫn chưa ký được cái giấy hôn thú : Hôm thì bà chủ tịch Phường đi họp, bữa thì Ủy Ban Quận mắc công chuyện không tiếp khách. Phần Linh cũng bận rộn đi tới đi lui chỗ này chỗ nọ.

Lần thứ ba tôi trở về Đà Nẵng, Linh đã mua nhà ở Sàigòn, đưa địa chỉ cho má, nhắn tôi tới thăm.

Gặp nhau, Linh nói cho tôi biết, cô hồi này làm ăn mua bán vàng và đô la Mỹ, nên có chút đỉnh tiền, có thể sống ở Việt Nam. Linh nói rõ : Không muốn ký hôn thú để qua Úc sống với tôi, dù là qua để đoàn tụ gia đình.

Tôi phải tự hiểu và buồn rầu làm đơn bảo lãnh cho Việt qua sống với tôi.

Qua bao năm tháng làm ăn vất vả, tôi mua được một mảnh đất của người chủ cũ, tiếp tục làm nghề trồng nho nuôi hai đứa con trai. Việt đã tốt nghiệp đại học về môn Business và đang làm cho một công ty thương mại ở Melbourne. Nam đang học Y Khoa năm cuối cùng ở Adelaide University.

Ngày Father's Day vừa qua, cả hai cháu đã về nhà, cùng tôi ăn bữa điểm tâm và đi thăm những cây nho trong vườn, những cây nho đã giúp cha con tôi có cuộc sống đến ngày hôm nay.



Nguyễn Khắp Nơi