PDA

View Full Version : Đường Lên Biên Giới



Longhai
08-27-2013, 09:30 PM
Đường Lên Biên Giới


Đinh Phụng Tiến.


Tôi nhớ là lúc tôi rẽ tay trái thì gặp người đàn ông ấy. Ông ta gật đầu chào tôi. Một cánh chim lạc lõng đâu đó ẩn trên đầu cành, vỗ cánh bay đi. Không gian chợt lay động cùng với đợt gió lạnh lùa tới trùng trùng. Tôi thấy buốt nơi ngực, và tấm áo bông mùa đông đã rách, không đủ ấm. Người đàn ông ấy bước theo, càng làm cho tôi thêm bối rối.

Đó là một người đàn ông trung niên gầy yếu, quần áo đã rách nhiều chỗ. Đầu trần và chân đất. Tôi nhận ra ông ta là người dân tại địa phương vì chiếc áo công nhân mầu xanh. Ngoài ra không có gì khác. Người đàn ông ấy không khác tôi, khiến cho tôi ít e ngại hơn. Tôi vác bó giang nặng trên vai và mong sớm đi hết con dốc ấy. Nhưng bất ngờ, khi tới đỉnh dốc thì những sợi lạt buộc bị đứt, những cây giang của tôi đổ xuống mặt đất. Nhưng người đàn ông ấy đã tiến tới, với những động tác thành thạo, ông ta cột lại những cây giang dùm tôi. Tôi ngỏ lời cám ơn, và tính đi tiếp đoạn đường của mình, nhưng cùng một lúc, người đàn ông ấy đã lên tiếng. " Ông anh ở trong Nam ra…” Tôi đáp : “Vâng…chưa được hai năm”. Người đàn ông nói tiếp," Ông anh có biết bao giờ thì sẽ được tha về ?” Tôi đáp nhanh “Không. Chúng tôi không nghe nói tới điều đó bao giờ”. “Lâu, lâu đấy, có thể là sẽ không có ngày về”, người đàn ông ấy nói thế. Đoạn ông ta hỏi tôi, trong số những người bị bắt từ trong Nam cùng đợt với ông anh, có vị Linh mục nào không ? Tôi đáp có. Linh mục Tuyên úy trong Quân đội cũng có, mà Linh mục ở những xứ đạo hay ở các dòng đã bị ghép vào những tội khác nhau cũng có. Người đàn ông ấy ngỏ ý muốn gặp một vị Linh mục, trong số những người bị bắt giữ cùng chúng tôi. Lúc bấy giờ, trên đầu tôi là một cành cây khẳng khiu, có những cánh lá cuối cùng đang rụng xuống dưới chân. Những cơn gió lạnh lùa trong rừng thưa làm cả hai chúng tôi cùng run rẩy. Dường như người đàn ông ấy đã đoán biết được sự dè dặt của tôi, nên ông ta rụt rè lên tiếng, “Chẳng là thưa ông anh, đã mấy chục năm rồi, trong vùng này không có Linh mục. Mà tôi có thằng cháu năm nay đã ngoài hai mươi, rất ao ước được chịu phép rửa tội…”

Trong vòng gần hai năm, tôi đã đi khắp vùng Thượng du ấy. Những khu rừng bạt ngàn những giang và nứa. Những làng xóm ở dưới trũng sâu. Đâu đó, những dấu vết của tôn giáo dường như đã bị bôi xóa đi gần hết. Những miếu thờ và những chùa chiền lạnh tanh, không nhang khói. Những ngôi chùa mà tôi đã đi qua, ở ngoài Thị trấn, đã trở thành những sân phơi thóc. Ngôi đình cũ đang là một chuồng nuôi trâu bò của Hợp tác xã.

Chuyến tầu dừng lại ở một sân ga xép. Tôi xuống Phố Lu vào giữa nửa đêm. Ngọn đèn bão của người Trưởng ga đong đưa ở trên tay. Tiếng còi tầu hú trong đêm khuya khoắt. Những người vệ binh co ro trong tấm áo trấn thủ, chân đi dép cao su, đầu đội chiếc nón cối che khuất một nửa khuôn mặt choắt cheo và đôi mắt mờ tối. Họ lùa chúng tôi ra khỏi khoang tầu. Gần một trăm người trong chúng tôi đã ở trong khoang tầu ấy một ngày và gần hai đêm từ bến cảng chùa Vẽ ở Hải Phòng. Cũng số người ấy, đã ở trong một khoang chở hàng hóa của chuyến tầu biển từ Nam ra Bắc năm ngày, năm đêm trước đó. Trong một tuần lễ, thiếu không khí để thở vì nắp hầm tầu đã đậy kín cùng với mùi mồ hôi, mùi phân và mùi nước tiểu đã làm cho mọi người bị ngộp từ trong phổi. Những chiếc còng ở trên tay, và một buổi sáng tinh mơ con tầu sắt ấy vượt qua thị trấn Đoan Hùng khi trời chợt trở lạnh. Qua một lỗ thông hơi, tôi nhìn thấy những người đàn bà rách rưới gánh những gánh phân to, chạy gằn theo một con đường mòn song song với đường sắt. Dường như họ mang những gánh phân ấy đến để nộp tại một địa điểm hợp tác xã gần đó. Con tầu tôi đi vượt lên, để lại phía sau những đoàn người gồng gánh ấy. Và chúng tôi đến một sân ga nào đó ở Phố Lu. Người vệ binh ra lệnh cho chúng tôi phải rời khỏi khoang tầu “khẩn trương”. Nhưng những chiếc còng trên tay khiến chúng tôi không thể nào nhanh hơn được. Sau đó, chúng tôi được đưa vào một trại giam nằm ẩn trong khe núi. Chúng tôi được cấp mỗi người một con dao để chặt cây rừng khi ra khỏi cổng trại, lúc trở về trả lại cho trạm gác mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, người lính vệ binh đưa chúng tôi đến một khu rừng đã được chỉ định sẵn. Sau đó, mọi người đi làm công việc của mình cho đến chiều, tập trung ở cùng một nơi để về trại. Vài củ khoai mì gói trong một miếng lá chuối là bữa ăn trưa.

Ít ngày sau, một chuyến tầu khác tới, đem theo những tù nhân mới. Đó là những thành phần ở trong cái “Thượng tầng kiến trúc cực kỳ phản động” là những Tu sĩ của nhiều tôn giáo từ miền Nam. Họ nhanh chóng được phân bổ đến các đội sản xuất. Đội của tôi cũng được bổ xung thêm vài người mới đến, trong đó có một Linh mục trẻ : Cha Quang. Và để tránh sự cấm đoán, chúng tôi thường gọi ông bằng “bố”. Bố Quang ở với chúng tôi trong một thời gian lâu, cho đến khi ông về Thanh Hóa, một vài năm sau đó.

Một nhánh cây khô vừa gẫy đâu đó gây tiếng động khô khan, người đàn ông ấy bảo tôi :

- Ông anh nhớ giúp tôi việc ấy nhá. Chúng tôi đã xa Hà Nội gần ba mươi năm. Ban đầu, những xứ đạo ở đây còn có những ngày lễ chúa nhật, sau đó không hiểu vì sao cứ thưa dần. Cho đến một lúc, chúng tôi không còn thấy một ngày lễ nào nữa. Bởi vì ngày nghỉ việc ít khi là ngày chúa nhật”.

Tôi hỏi sao thế thì người đàn ông ấy nói : - Hợp Tác Xã cho nghỉ việc vào những ngày số không". Và để cắt nghĩa cho rõ hơn, ông ta nói :

- Có nghĩa là công nhân chỉ được nghỉ việc trong những ngày 10, 20 và 30 trong tháng. Vị chi mỗi tháng công nhân được nghỉ có ba ngày. Trong khi đó, các Linh mục cũng phải đi sản xuất, thành ra không có ngày lễ. Người ta nói là không cấm đạo, nhưng giáo dân không thể có hoàn cảnh để giữ đạo. Những Linh mục già đã qua đời, không có người thay thế thì sẽ chỉ cần không đầy một trăm năm, chẳng riêng gì đạo công giáo mà các tôn giáo khác cũng sẽ không thể tồn tại được nữa. Trồng cây mười năm, trồng người trăm năm là thế.

Tôi hết sức mệt và đói lả. Bó giang to trên vai đã làm cho lưng tôi gập xuống. Người đàn ông ấy bảo tôi, “Mình nghỉ lại đây một chặp, tôi sẽ vác giúp ông anh đi một đoạn, cho đến khi nào thấy bóng vệ binh ở bìa rừng thì thôi”. Tôi nói, “Tôi còn bốn bó cây giang to như vậy nữa từ trên đầu nguồn. Và tôi phải mang đủ về đến bãi tập trung mới hoàn tất được chỉ tiêu”. Người đàn ông ấy sẵn sàng giúp tôi, để chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau nhiều hơn.

Ông Hưng, tên người đàn ông ấy, là một công nhân hái chè của Hợp Tác Xã chè Thắng Lợi. Bố ông đã qua đời trong thời kỳ Xô Viết-Nghệ Tĩnh, khi Hưng vừa mở mắt chào đời. Thời ấy, ông Hưng kể lại, Phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh đã chết non, nếu không thì sẽ còn nhiều đau thương hơn nữa. Bởi vì những thành phần Trí, Phú, Địa, Hào là mục tiêu để đào tận gốc, trốc tận rễ của cách mạng. Bố Hưng đã chết trong một đêm lửa hồng bật sáng, cháy rụi ngôi nhà ba gian, trong bầu không khí hừng hực của cách mạng. Theo lời mẹ Hưng kể lại, Bố đã là thành phần số một trong số bốn thành phần mà cách mạng cần phải đào tận gốc, trốc tận rễ. Sau khi bố Hưng chết, hai mẹ con bỏ chạy ra một tỉnh ở miền Bắc để dấu biệt tông tích của mình, trong khi ở quê nhà những người cộng sản vẫn tiếp tục lấy máu gọi máu để đẩy phong trào đi lên. Hưng đã lớn lên ở miền Bắc. Cuộc đời chăn trâu, cắt cỏ trong thời thơ ấu không êm ả, trong khi ấy thì cụ Hồ đang ở chiến khu. Người ta ít nhắc tới chủ nghĩa cộng sản ở những nơi công khai, mà thường nói tới câu chuyện về việc giải phóng dân tộc do cụ Hồ lãnh đạo.

Vào những ngày mà cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, ông Hưng nói, không biết cụ Hồ đã học lóm được một chiến thuật tác chiến ở đâu, mà cụ tuyên bố sách lược tiêu thổ kháng chiến. Chiến thuật vườn không nhà trống ấy đã xô đẩy những gia đình ở miền đồng bằng Bắc Bộ phải rút lên miền thượng du. Gia đình ông Hưng cũng ở trong hoàn cảnh ấy. Chiến thuật “Tiêu thổ kháng chiến” của cụ Hồ đã có nhiều người chỉ trích lén lút. Nhưng về sau, người ta mới hiểu được rằng, phải nhổ bứt rễ những cây cau, cây mít trong vườn. Phải giật sập những ngôi nhà tranh, vách đất của người dân quê, làm cho họ không có nhà ở thì họ mới chịu rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mà đi theo cách mạng.

Một lần nữa, Hưng rời bỏ quê hương thứ hai của mình. Và cũng nhờ đó, Hưng đã kịp chôn vùi cái gốc rễ trí, phú, địa, hào của cha ông. Hưng đi theo cách mạng từ năm mười lăm tuổi, trong vai trò của một liên lạc viên.

Hưng đã trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên, trong vị trí của một người lính. Năm đó Hưng đã ngoài hai mươi tuổi đời và gần mười năm đi theo cách mạng. Hưng vẫn chỉ là một người lính không quan trọng vì một gốc rễ khác của mình : Hưng là một tín đồ đạo Thiên Chúa. Hưng ra khỏi quân ngũ, để cùng với người mẹ già trở về quê cũ làm ăn, trên những thửa ruộng khô khốc của miền sỏi đá ấy.

Nhưng lúc ấy, cuộc cải cách ruộng đất đã bắt đầu. Lý lịch của mẹ Hưng nhanh chóng bị chính quyền cách mạng địa phương phát hiện. Và mẹ Hưng đã chết gục trong một đêm đấu tố, vào giữa thời kỳ cải cách ruộng đất đang lên cao. Người đàn bà ấy bị quy kết là địa chủ trong khi không có một tấc đất trong tay. Nguồn gốc Trí, Phú, Địa, Hào của gia đình Hưng một lần nữa, lại được đào bới lên. Cái chết của mẹ Hưng trở thành thuốc bồi cho phong trào cải cách ruộng đất ở quê hương. Hưng vội vã, ngay trong đêm hôm ấy, bỏ trốn ra khỏi làng. Về sau, Hưng theo dòng người đang bị lùa ra khỏi những thành phố lớn để lên mạn ngược kiếm ăn. Đó là những người dân của Hải Phòng, của Hà Nội, của Nam Định đã phải rời bỏ nơi trú ngụ để đi khai thác ở những khu kinh tế trong những tỉnh cực Bắc.

Thời ấy, theo lời ông Hưng kể lại, ở Trung Hoa đang thiết lập những Công Xã dưới thời cai trị rất chặt chẽ của đảng cộng sản Trung Quốc do chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo. Chủ tịch Mao Trạch Đông là mặt trời hồng của Nhân dân Trung Quốc. Thành công to lớn của những Công Xã Nhân Dân đã vang dội cùng khắp thế giới. Đã vang dội đến Việt Nam và trở thành mẫu mực cho cho một kiểu cách Công nghiệp hóa nền kinh tế nông nghiệp. Ở đó, mỗi Công Xã dường như đã tập trung khoảng mười ngàn nông dân. Trong mười ngàn người ấy, tùy theo lý lịch, sẽ lấy ra một ngàn người để giữ các chức vụ trung gian như Đội trưởng sản xuất, hay những công việc hậu cần. Cuối cùng, trong một ngàn cán bộ trung gian ấy, được rút ra khoảng một trăm người vốn là những đảng viên trung kiên để giữ vai trò lãnh đạo. Mỗi Công Xã chỉ cần một trăm người trong bộ phận lãnh đạo. Những thành viên trong Công Xã ăn chung, sinh hoạt và học tập chính trị chung cũng như sản xuất chung trong biên chế các tổ, đội theo lệnh của những hồi kẻng.

Ông Hưng nói, “Những người dân Hà Nội, Hải Phòng được đưa lên mạn ngược, làm việc trong các Hợp Tác Xã trong một tổ chức gần giống như vậy.”

Thời gian ấy Hưng lập gia đình, nhưng người đàn bà ấy đã qua đời sau khi sanh đứa con trai đầu lòng. Đứa trẻ ấy, ông Hưng kể, đã không được chịu phép rửa tội như một người bổn đạo gốc. Nó lớn lên, và hiện cũng là một công nhân hái chè như bố. Tôi hiểu rằng những lời tâm sự của người đàn ông ấy nhằm giải thích cho tôi khỏi e ngại về sự quen biết của chúng tôi mà thôi.

Ông Hưng nói :

- Khi sanh nó ra đời, tôi đặt tên nó là Thành. Nhưng sau này nó mang một tên khác. Ấy là thời kỳ bộ đội gửi vào trong chiến trường B chết nhiều vô số. Thằng con tôi chưa học hết Trung học đã được sung vào bộ đội để đi Nam, nơi chiến trường B. Tôi nhớ, nó chỉ được học tập về Quân sự có một tuần lễ là được điều ra chiến trường. Tôi kêu lên, một tuần lễ, làm sao tác chiến ? Người đàn ông ấy bảo tôi, không cần tập luyện, ông anh ạ. Cứ một Trung đội lính cũ, người ta cài vào năm thằng lính mới. Tất cả ra mặt trận, những đứa lính mới cứ việc bắt chước lính cũ, rồi tập bắn, tập chạy cũng xong. Nhiều đứa đã chết trước khi biết bắn phát súng đầu tiên.

Người con trai của ông Hưng lần ấy đã đổi tên, sau một chuyến B quay. Những hệ lụy của việc bỏ chiến trường miền Nam trở về đã gây biết bao nhiêu là phiền não cho cha con ông. Thế rồi mọi việc cũng qua đi, ông Hưng nói, hai cha con ông làm việc ở hai nông trường khác nhau. Miếng cơm và manh áo dường như đã có nhiều khi làm phai lạt cả tình phụ tử, bởi vì không ai có thể lo cho người khác được. Vào thời kỳ máy bay B. 52 ném bom ở miền Bắc, mọi người đều được học tập bắn máy bay Mỹ. Hợp Tác Xã huấn luyện cho xã viên bắn B. 52 bằng súng ngựa trời, súng AK. Nhưng suốt thời kỳ ấy, ông Hưng nói, nơi ông ở không thấy bóng máy bay Mỹ đâu cả. Nhiều tiếng đồn rỉ tai rằng Hà Nội sẽ đầu hàng. Những người dân mong sớm thoát cảnh đói ăn, và một cuộc đời tự do hơn. Nhưng sau đó không lâu, những đợt học tập về một hiệp định gọi là hiệp định Pa-ri đã được phát động sôi nổi, như một chiến thắng mới. Ngay sau hiệp định hòa bình ấy, chiến trường B vẫn tiếp tục thu hút nhiều thanh niên miền Bắc hơn trước đó. Cuối cùng, ông Hưng bảo, Saigon đã đầu hàng chứ không phải Hà Nội. Và những người lính miền Nam đã ra miền bắc, trong những bộ quân phục rách nát, những chiếc còng sắt trên cổ tay, những khuôn mặt đen sạm và những đôi mắt tối tăm. Một đợt phát động quần chúng mới lại bắt đầu ở khắp mọi nơi để gây căm thù đối với những tù binh người Việt Nam. Ông Hưng nói, giống như những tù binh Mỹ ở Hà Nội. Những giặc lái ấy đã bị buộc dây thừng vào cổ, kéo theo sau chiếc xe trâu, diễu đi khắp phố để đàn bà và trẻ con chửi rủa, nhổ nước bọt vào mặt và làm cho nhục nhã. Ông Hưng bảo tôi, những đợt tù binh chuyển ra trước đây, thật là không may. Họ đã bị đối xử tàn nhẫn. Tôi đáp, chẳng qua vì nhiều người không biết về nguồn gốc của cuộc chiến tranh ấy…Ông Hưng ngắt lời tôi, trẻ con không thể biết được. Chúng đã được dạy dỗ theo một cách khác. Họ dạy trẻ con rằng, chỉ có Các-Mác và Lê-Nin mới đưa loài người đến một thiên đường hạnh phúc. Họ dạy trẻ con căm hờn và bạo lực là động cơ thay đổi thế giới. Họ bảo tôn giáo hứa hẹn về một đời sau, không kiểm chứng được. Họ bài bác và triệt hạ tôn giáo, nhưng lòng tin của giáo dân ở đây, họ không triệt hạ được.

Người đàn ông ấy ngỏ ý muốn từ giã tôi, sau khi đã vác phụ những bó giang của tôi ra bìa rừng, nơi có thể sẽ có bóng dáng người vệ binh đứng gác ở đấy. Ông ta hẹn gặp tôi vào ngày hôm sau, tại địa điểm cũ. Tôi nhớ lời người đàn ông ấy đã nói, họ bài bác và triệt hạ tôn giáo, nhưng lòng tin của giáo dân ở đây, họ không triệt hạ được…Chúa Giê-Su dạy chúng ta thương yêu cả kẻ thù, tôi nghĩ thế. Những hạt giống đã được gieo trồng trên mặt đất, cả những nơi sỏi đá và cỏ lùm. Hãy chờ đến mùa gặt…

Ngày hôm sau chúng tôi lại gặp nhau ở địa điểm cũ như đã hẹn. Trước đó, tôi đã phải dàn xếp với người đội trưởng để bố Quang cùng làm trong cùng một toán với tôi. Đến xế trưa, chúng tôi gặp nhau. Khi ấy, bên một dòng suối đã có gần một chục bó giang đã được hạ xuống và buộc thành từng bó. Đó là những bó giang mà cha con người đàn ông nọ đã làm giúp chúng tôi từ buổi sáng. Và như đã hẹn, ông Hưng dẫn theo một người thanh niên là con trai của ông như đã nói từ hôm trước.

Chúng tôi cử hành thánh lễ ở ngoài trời. Chẳng có bánh không men, không có rượu nho. Nhưng bầu trời hôm ấy cao hơn, chút ít ánh nắng vàng ấm tỏa xuống khoảnh rừng tĩnh lặng. Chúng tôi cùng nhau nhớ tới một cuộc đời. Một cuộc đời là một hành trình lên đến đỉnh núi thương đau khi xưa.

Người thanh niên kia nhận bí tích rửa tội giữa buổi trưa hôm ấy, trên một ngọn đồi cao với rừng giang và nứa bạt ngàn. Chúng tôi chúc bình yên cho nhau. Những lời kinh cầu đang gọi về những niềm tin tưởng chừng đã vắng xa. Từ dưới chân đồi, ở ngoài phố thị, ngọn tháp chuông giáo đường chợt vươn lên mà tôi tưởng chừng như đang có những hồi chuông vẫy gọi từ một chốn thinh không nào.

Đó là một ngôi giáo đường xưa, đã cũ. Tháp chuông cao, thánh giá gầy lơ lửng ở trong không. Mầu ngói đã xanh rêu và cả ngôi giáo đường ấy đang chìm trong một màn sương đục. Tôi nghe chừng như cả một thời đã rất xa xôi trở lại. Tôi chợt nhớ đến một miền giáo đường ấy, có tiếng chuông đổ âm thầm trong một buổi chiều đã chết. Những ô cửa hé mở lim dim nhìn nắng. Những hàng thông cao réo gọi trong gió của một buổi chiều.

Bố Quang làm dấu thánh giá, và ông đọc lời cầu nguyện. Nhưng trong cùng một lúc, có tiếng súng nổ bên kia bờ suối. Đồng thời, những tiếng hô lớn buộc chúng tôi phải đứng yên tại chỗ. Ông Hưng và người con lúc đầu tính tháo chạy, nhưng sau một giây suy nghĩ, họ đã quyết định ở lại một cách bình tĩnh.

Những người vệ binh cầm súng AK lội qua suối đến chỗ chúng tôi, cùng với một người cán bộ công an. Hình như họ đã chuẩn bị sẵn. Bố Quang và tôi bị dính chặt với nhau bởi một chiếc còng. Ông Hưng và người con trai cũng bị bắt giữ ngay lúc đó. Người cán bộ công an ấy lên tiếng hỏi bố Quang :

- Anh này truyền đạo phải không ? Anh có biết như thế là vi phạm nội quy của trại không ?

Và người cán bộ ấy dõng dạc lên tiếng :

- Anh đã vi phạm rất nhiều điều trong bản nội quy. Ngoài điều truyền đạo mà trại đã nghiêm cấm, anh lại bỏ ngày và giờ công, và quan hệ trái phép với nhân dân.

Bố Quang lặng thinh. Và liền sau đó, chúng tôi được những người vệ binh dẫn về trại. Ông Hưng và người con trai được người cán bộ công an dẫn đi. Chúng tôi kín đáo chào nhau, cùng lúc nghe người công an ấy nói, hai anh này về cơ quan để xử lý.

Bố Quang và tôi đều bị giam riêng, mỗi người một nơi trong ngăn hầm tối và kín, chân bị cùm và khẩu phần ăn bị cắt thêm một nửa. Mười bốn ngày sau, tôi được thả ra, trở về một đội sản xuất khác, không được ra khỏi trại. Nhưng bố Quang vẫn tiếp tục bị giam riêng cho đến nhiều tháng sau đó.

Lại thêm một lần chuyển trại, và trong số những người được gọi tên ra đi, tôi thấy có bố Quang. Bố Quang được dìu từ trong nhà giam cách ly ra sân tập kết. Ông ngồi ở vị trí số một của hàng dọc, cạnh tôi. Ông ngồi xuống sân cỏ, trên đôi chân run rẩy. Những tháng biệt giam và một khẩu phần trừng phạt đã làm cho ông trở thành một thân hình tiều tụy. Miệng ông cười, nhưng tôi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, chỉ còn thấy một mầu tối như một nỗi buồn mênh mông. Ông đã yếu đuối qúa, không còn mang nổi cái túi quần áo rách để lên đường. Bạn đồng cảnh mang dùm, để ông chống cây gậy tre mà bước đi trên đôi chân run rẩy.

Ngay khi ngồi xuống sân cỏ, cạnh tôi, bố Quang đã lên tiếng hỏi tôi ra khỏi nhà giam cách ly đã lâu chưa. Tôi đáp, tôi chỉ bị có mười bốn ngày. Ông khuyên tôi ráng mà gìn giữ. Tôi nói, chuyến đi này gay go đấy, bố ráng giữ sức khỏe. Lần chuyển trại ấy, tôi ở lại. Bố Quang lên đường và lúc lên xe, phải có hai người dìu ông đi từng bước. Chúng tôi chia tay nhau lần ấy. Bố Quang nắm chặt tay tôi. Bàn tay ông lạnh ngắt, những mẩu xương to trên từng đốt làm cho tôi đau điếng. Từ đấy, tôi không còn gặp lại ông nữa.

Dường như khi những tiếng súng đầu tiên sắp nổ ở biên giới phía Bắc, chúng tôi được lệnh chuyển trại. Đoàn xe tải đưa chúng tôi trở lại miền xuôi. Dọc đường, tôi thấy từng đoàn quân xa chở chiến cụ và hàng tiếp liệu chạy ngược xuôi. Trong dòng xe cộ tấp nập và ồn ào ấy, tôi thấy có rất nhiều những toán dân công chuyển tải hàng quân sự trên những cỗ xe do trâu kéo. Cả những người đàn bà gồng gánh hàng quân nhu để chuyển lên biên giới phía bắc. Đoàn xe chúng tôi đi phải ngừng lại để nhường cho dòng quân xa và những phương tiện chuyển vận khác của quân đội.

Thình lình, tôi nghe có tiếng gọi tên mình. Tôi nhìn sang bên đường, người con của ông Hưng giơ một tay vẫy vẫy, trong khi trên vai của anh đang vác một bộ phận của khẩu pháo. Anh ráng vượt lên, đến bên chiếc xe chúng tôi đậu gần đó. Và nhân lúc ồn ào không ai để ý, anh tiến đến bên tôi. Chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau trong một vài phút. Anh ta hỏi đến bố Quang. Tôi đáp, ông đã đi trước rồi. Tôi hỏi về hoàn cảnh của anh kể từ hôm bị bắt giữ trên đồi hôm ấy. Người thanh niên ấy cho tôi hay, ông Hưng chỉ bị cầm giữ một thời gian ngắn, rồi người ta chuyển ông đi đến một nơi nào không biết. Còn anh ta, trong phần lý lịch trích ngang của mình, lại thêm một yếu tố mới : Đạo Thiên Chúa. Người thanh niên ấy đã bị đưa ra khỏi Hợp Tác Xã Chè Thắng Lợi để đến một trại giam làm một người tù giam lỏng, gọi là phạm nhân diện rộng. Người phạm nhân diện rộng ấy, hôm nay có mặt trong những đoàn dân công tải súng đạn lên biên giới phía Bắc. Người thanh niên ấy vội từ giã tôi, khi có một người công an trong đoàn bước tới. Trước khi chia tay anh ta bảo tôi, chú nhớ cầu nguyện cho cháu. Tôi gật đầu, và giơ tay vẫy chào, nhưng tay tôi bị vướng chiếc còng đã khóa cứng nên không thể giơ cao lên được.

Tôi đến trại mới được ba ngày thì hay tin bố Quang đã qua đời trước đó một tuần. Ông đã chết trong một hầm giam riêng, tối và kín. Khẩu phần lại bị cắt một nửa. Bởi vì, một lần nữa ông đã lại vi phạm nội quy, là đi truyền đạo…

Từ đó không bao giờ tôi gặp lại ông Hưng. Tôi cũng không gặp lại người thanh niên trên con đường dân công lên biên giới phía bắc ấy nữa. Tôi không còn gặp bố Quang. Bởi vì ông đã chết. Người ta chôn xác ông vào một đêm khuya, ở một nơi nào khuất nẻo, mà về sau không ai có thể tìm thấy được. Có bao nhiêu người lính đã mất tích trong chiến tranh ? Có bao nhiêu người đã mất tích âm thầm ? Có một lần Chúa đã kêu than, Eli… Eli… Lama Sabachthani.



Đinh Phụng Tiến