PDA

View Full Version : Quê Hương Bỏ Lại



Longhai
08-25-2013, 09:49 AM
Quê Hương Bỏ Lại



MX Thạch Thảo


Vừa đóng cửa tiệm, sau 8 giờ làm việc mệt mỏỉ, tôi nhìn lên bầu trời đầy sao pha lẫn pháo bông cộng với ánh trăng của đêm 16 tháng 5 âm lịch, vì hôm nay là ngày Lễ Độc Lập (July 4th) của Hoa Kỳ. Thấm thoát mà đã 21 năm ly hương, 20 lần mừng ngày July 4th của xứ sở tạm dung nơi đã cưu mang gia đình tôi sống đời tỵ nạn.

Chúng tôi dắt díu nhau đi, bỏ lại quê hương yêu dấu, bỏ lại bao người thân, bạn bè thương khóc, tiễn đưa. Mỗi lần ăn mừng Lễ Độc Lập nơi xứ người, lòng tôi dấy lên một niềm đau lẫn chua xót khi thoáng nhớ về quê nhà.

Hơn 37 năm, kể từ khi VC cưỡng chiếm Miền Nam, quê hương vẫn đắm chìm trong nghèo đói, lạc hậu, dân chúng làm việc cật lực mà vẫn không đủ ăn, tập đoàn lãnh đạo chỉ lo vơ vét tài sản của dân để làm của riêng, ai đứng lên chống nó bắn, ai đấu tranh nó bỏ tù, dân khiếu kiện, kêu oan nó đàn áp. Ôi !! Có đâu Tự Do cho Việt Nam tôi!


Những chặng đường khó đi.

Kể từ lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi toàn thể quân nhân các cấp của QLVNCH buông súng, chúng tôi từ căn cứ Sóng Thần trở về lại trại gia binh Chương Dương (TĐ1/PB/TQLC), lúc bấy giờ đã có những người dân đi “hôi của”, vơ vét tài sản của những nhà đã bỏ trống, cũng may gia đình tôi đã kịp về để giữ nhà. Kể từ cuộc đổi đời thương đau đó, để có thể tìm ra nguồn lợi tức cho chúng tôi sinh sống qua ngày, khi không còn tiền lương hàng tháng của chánh phủ VNCH thế nên mỗi sáng tôi tự nấu một nồi xôi và ra ngồi bán ngoài đầu ngõ (Đó là bước đầu của thời gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa), ngày nào bán ế thì mang về cùng ăn thay thế buổi cơm quen thuộc của thời gian trước. Có một hôm Thành (chồng tôi) bảo tôi :

- Ngày mai nấu xôi mặn với lạp xưởng để bán đi em.

Tôi hỏi lại :

- Sao vậy, mới bán có mấy hôm chưa quen khách mà anh ?

Thành giải thích :

- Ngày mai nếu ế nữa, đem về ăn cho đỡ ngán ! Ôi đoạn trường ai có qua cầu mới hay !

Quanh đi quẩn lại cũng tới ngày VC kêu gọi Quân nhân QLVNCH (Cấp úy) đi trình diện từ 20 tới 23 tháng 6 (3 ngày) với một thông báo có nội dung ẩn ý đen tối là chỉ mang theo tiền ăn cho 10 ngày (Sau nầy khi vào tù, các tên Cộng Sản gọi là quản giáo đã “ trơn tru” không biết mắc cở khi bị tù chất vấn, đã tự nhiên như người Hà Nội trả lời như sau :

- Chúng tôi bảo mang theo tiền ăn cho 10 ngày, chứ chúng tôi đâu có bảo các ông đi học tập cải tạo 10 ngày.

Đa số Quân nhân các cấp đều tin theo lời của bọn chúng, ai cũng mong mỏi sau 10 ngày học tập (Cấp úy) và 1 tháng (Cấp tá) được trở về làm ăn để ổn định cuộc sống và lo cho gia đình, nhưng có ngờ đâu chúng tráo trở và lật lọng nói tiền ăn 1 tháng hay 10 ngày như thông báo chỉ là tiền đi đường mà thôi…Than ôi ! Cá đã vào rọ, chúng tha hồ đầy ải các anh, khai thác tận lực sức lao động, đầy ải, ăn không đủ no, bệnh không có thuốc chữa, đó là chưa kể chúng xử dụng những ngọn đòn thù dã man tra tấn, đánh đập, nhốt vào các thùng chứa hàng cũ của Mỹ trước đây còn để lại… Khi chồng tôi vào tù thì cũng phải chịu chung số phận như mọi người. Phần tôi thì bị đuổi ra khỏi trại Chương Dương (Khu gia binh của TĐ1/PB) đành phải ôm con về tá túc với Mẹ và chị ở Gò Vấp.


Thực hiện chuyến đi buôn Long khánh.

Khi còn phục vụ trong BC/TQLC, tôi có người bạn cùng khóa tên Lê Ngọc Ánh cùng về TQLC một lượt, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thỉnh thoảng chị vẫn đến thăm tôi, cho con tôi vài lon sữa, dăm ba lít dầu lửa (Lúc bấy giờ tôi mới có đứa con trai đầu lòng vừa tròn 2 tháng). Tiền bạc chẳng có bao nhiêu, tôi rủ chị thực hiện những chuyến đi buôn cám heo và bột bắp, đoạn đường từ Sàigòn - Long Khánh. Bao nhiêu vốn liếng còn lại, tôi trút hết vào chuyến buôn đầu tiên, thử thời vận. Đến Long Khánh vào buổi chiều, tá túc nhà người Cậu (Anh của Mẹ tôi) để sáng hôm sau mua và lấy hàng để rồi vận chuyển bằng xe lửa trở về…Trên đoạn đường trở về, khi xe lửa gần tới ga Bình Triệu, thật nhanh chúng tôi lăn, đẩy những bao tải có chứa hàng ra khỏi xe lửa rồi tôi bảo chị Ánh :

- Ánh nhảy xuống trước đi và giữ các gói hàng.

- Ừ ! để Ánh xuống trước cho, đến ga Bình Triệu, xe lửa ngừng rồi Phương hãy xuống.

Đến khi thấy chị cứ chần chừ không dám nhảy, vì tốc độ xe lửa vẫn còn nhanh, sợ mất các gói hàng, tôi đánh liều, tay trái kẹp bao nhựa bên trong có chứng minh nhân dân, tay phải kẹp chiếc nón lá, nhảy vội ra khỏi xe lửa. Vừa rời khỏi xe, bị sức hút, tôi lăn mấy vòng nằm sấp xuống đất, lồm cồm bò dậy, tôi đã khụy xuống ngay vì đau quá. Đầu gối bị trầy da rướm máu, áo thì rách nơi cùi chỏ, còn chiếc nón lá thì dẹp lép và bung vành. Sự đau đớn thể xác, lúc này đối với tôi không quan trọng bằng những bao cám heo và bột bắp đang nằm rải rác dọc theo đường rầy xe lửa. Cố nén cơn đau tôi đứng dậy, gom những bao hàng lại một chỗ, ngồi chờ khoảng 2 tiếng đồng hồ, chị Ánh mới thuê được 2 xe ba gác đến để chở hàng. Chúng tôi cho xe chở hàng đi luồn qua ngã Gò Dưa để đến Lái Thiêu giao hàng.

Ngồi trên những bao cám heo và bột bắp, mặt mày lấm lem, đầu tóc rối bù, mỗi người theo đuổi một ý tưởng riêng tư, thỉnh thoảng nhìn nhau mỉm cười… Mới ngày nào chúng tôi chung trường, chung lớp, chung lý tưởng, giờ lăn lóc, bụi đời như những con buôn chánh cống mà không thấy dơ bẩn, áy náy, mặc cảm chút nào, chúng tôi chỉ cầu mong miễn sao chuyến hàng trót lọt, có chút tiền lời để có được buổi cơm đạm bạc canh rau cho Mẹ và con có sữa bú là tôi vui rồi. Va chạm với chế độ XHCN, tôi mới thấm thía câu : “ Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn những gì bọn chúng làm…”. Còn 15 phút nữa là tới địa điểm giao hàng thì nghe tiếng còi thổi của công an, 2 phu xe ba gác vội vàng thắng xe ngừng lại bên lề đường.

- Chở gì vậy ?

Tiếng hỏi đầy oai quyền của tên công an chận xét. Tôi nhanh nhẩu trả lời :

- Cám heo và bột bắp.

Quay sang chị Ánh, hắn hách dịch nói :

- Cho xem chứng minh nhân dân.

Chị Ánh vội vàng lấy CMND trong túi trao cho hắn kiểm tra. Nhìn tôi, hắn hỏi :

- Chở hàng lậu vào thành phố hả ?

Tôi trả lời :

- Thực phẩm này chỉ dùng để nuôi heo mà hàng lậu gì ?

Thật là bất ngờ và nhanh như chớp hắn vung “ dùi cui ” đập vào sau ót tôi thật mạnh. Tôi choáng váng, tá hỏa tam tinh, một cảm giác đau buốt từ đầu dẩn xuống chân vì cú đập bất ngờ và dữ dội của tên công an. Chưa kịp định thần thì đã nghe lời phán quyết “vô nhân tính” của hắn :

- Chở hàng lậu mà còn lớn lối, đưa hết về đồn công an ngay, ngày mai mang tiền đóng phạt rồi lấy hàng ra.

Cầm tờ giấy phạt trên tay, số tiền phạt gần gấp đôi số tiền mua hàng. Kêu trời chẳng thấu ! Kêu đất chẳng xót thương ! Tiền đâu đóng phạt đây ? Bao nhiêu vốn liếng đã dốc cạn túi mua hàng rồi. Chúng tôi lê những chân bước mệt mõi, nặng nhọc trong ê chề, đau sót rời khỏi đồn Công an mà lòng thì thổn thức, nức nở với muôn ngàn câu hỏi mà không có câu trả lời. Tương lai trước mắt chỉ là một màn đen u tối và chẳng thấy ánh sáng ở cuối đường hầm !


Hồi ức.

Hết vốn rồi, tá túc với chị và mẹ được 12 ngày, bỗng một hôm đang trong lớp dạy, thì chị tôi từ Gò Vấp hớt hải chạy đến kêu lớn :

- Phương ơi. Nhanh lên, Mẹ cần gặp em gấp, kẻo là…

Tôi nghe như cả trời đất muốn nổ tung, vội vã theo chị vào bệnh viện gặp Mẹ, trên đường đi nghe chị tôi kể lại : Mẹ xách giỏ đi chợ, đột nhiên lên cơn đau tim rồi ngã quỵ, những người đi đường vội vã kêu xe cứu thương, có người hàng xóm tốt bụng nhìn thấy chạy về báo tin và chị tôi kịp ra đến nơi để đưa Mẹ vào bệnh viện. Trước đó thỉnh thoảng Mẹ tôi vẫn thường bị những cơn đau tim bất ngờ, không biết có phải là hậu quả của những tháng ngày còn trẻ, Mẹ tôi đã lén các con, đi hiến máu để lấy tiền đóng học phí cho tôi, thi lấy mảnh bằng Tú Tài hay không ? ( Mỗi lần hiến 200 cc máu được 500 đồng VNCH ). Trời ơi ! Còn cảnh nào bi thảm hơn không ?

Trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng với tôi, kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim của những bà Mẹ hiền. Cha tôi đột ngột qua đời từ khi tôi vẫn còn là bào thai trong bụng Mẹ. Gánh nặng oằn vai người góa phụ mới ngoài 30, ngày thì đi may thuê vá mướn, tối nhận lãnh thêm hạt sen khô về cắt bỏ vỏ cứng bên ngoài, giao lại phần lỏi bên trong cho chủ để kiếm thêm thu nhập hầu nuôi sống năm con thơ còn dại khờ.

Đang suy nghĩ miên man thì xe đã ngừng trước cổng Bệnh viện, chúng tôi vội vã chạy vào trong để gặp Mẹ. Tôi nhào lại ôm bà như sợ Mẹ sẽ bỏ chúng tôi mà đi. Trong ánh mắt thất thần, mệt mỏi nhưng khi thấy tôi, Mẹ tôi còn cố nở nụ cười hiền hoà tràn đầy yêu thương, âu yếm như thuở tôi còn bé.

Chị tôi kề tai, nghe Mẹ dặn dò. Tôi cũng không biết Bà đã nói điều gì mà chị tôi nước mắt đầm đìa và gật đầu lia lịa. Phần tôi, Mẹ kề miệng nói nhỏ trong hơi thở đứt đoạn, Mẹ khuyên tôi hãy ráng nuôi bé Thạch (Con trai đầu lòng của tôi) và dạy dỗ cho nó nên người, chờ chồng ( Con tôi vô phước, ra đời chưa được nhìn thấy mặt cha vì vận nước, cha nó bị đi tù, tù không bản án và cũng không biết mình tội gì ). Dặn dò xong thì Mẹ thanh thản “ra đi” theo Ba tôi về cõi trời riêng của hai người. Bệnh viện im lặng đáng sợ, chỉ còn tiếng nức nở của hai chị em tôi. Cái âm thanh ấy vẫn còn vang vọng đâu đây và mãi mãi là một kỷ niệm muôn đời, không bao giờ quên đối với tôi.


Cánh cò lặn lội bờ sông.

Mẹ chết, chồng đi tù, nhà bị đuổi, còn cảnh nào thống thiết hơn không ? Tôi thật sự bơ vơ nên đành phải ôm con tá túc với bạn bè. Lúc bấy giờ có một đứa cháu gọi tôi bằng dì, trong những ngày thọ tang bà ngoại, cháu không chịu đi học y tá nữa, mà đến ở với tôi là dì út để phụ lo cho em Thạch, chúng tôi được một người bạn cưu mang và cho về tá túc sống chung trong nhà. Xin cám ơn người bạn hiền Ngô Ngọc Cúc (Sau là vợ của MX Trương Công Thông cựu Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/PB/TQLC). Xin cám ơn cháu Lâm Ngọc Thủy đã cùng dì chia sẽ cảnh hẫm hiu, khó khăn, chật vật trong cuộc sống đổi đời với đồng lương 40 đồng mỗi tháng, tôi phải bán dần bán mòn mọi thứ còn có thể bán được trong nhà để nuôi con và lo tìm tông tích chồng.

Bỏ con ở nhà cho cháu Thủy và người bạn phụ chăm sóc dùm, sau khi đi dạy xong, tôi đạp xe ra thẳng chợ Thủ Đức, được một người bạn khác cho ăn 1 tô hủ tiếu, rồi cùng với cô bạn dồn những cân bột mì được mua lại của dân với giá chợ đen vào những bao cát cũ, mỗi người chở từ 1 đến 2 bao, có khi cả 3 bao cát chứa bột mì trên xe đạp và chạy từ Thủ Đức đến Lái Thiêu, bỏ mối cho những lò bánh mì làm chui (Không có khai báo với chính quyền địa phương). Đoạn đường dài 12 cây số, cả chuyến đi là 24 cây số, xong việc tải hàng, khi về thì được người bạn trả công 5 đồng (Tiền lúc bấy giờ của Việt Cộng) .

Hơn 3 năm trôi qua, ngày về của chồng tôi vẫn xa vời vợi, tôi ngỏ ý đưa cháu Thủy trở về với ba mẹ để cháu đi học lại. Rời nhà bạn, gởi con nhà trẻ (Con tôi đã hơn 3 tuổi), đến ở nhờ nhà NT Đoàn Trọng Cảo, bắt đầu len lỏi xin sổ làm đại lý bán vé số, thật sự tôi đâu có tiền để làm tuy nhiên có Chị Phúc (vợ của MX Lưu Văn Phúc PB TQLC) bỏ vốn ra, phần tôi chỉ lo việc đi lấy vé số, đem lại cho chị ấy bán lẻ, mỗi tuần đến lấy vé số trúng mang đi đổi để kiếm huê hồng nuôi con…Được một thời gian thì bọn công an cũng tìm cách tịch thu nhà của NT Cảo, mẹ con tôi một lần nữa lại bơ vơ. May mắn cho tôi lúc ấy trong lớp học do tôi phụ trách giảng dạy, có một học trò là con của một tên cán bộ phòng nhà đất Thủ Đức, nhờ thế ông ta mới cứu xét, cho tôi thuê mướn lại một căn nhà đã vắng chủ, mỗi tháng tiền nhà hình như là 8 đồng (Lâu rồi tôi không nhớ chính xác tiền thuê). Mới dọn về được 3 ngày thì bọn công an khu vực tìm cách làm khó bằng cách kiểm tra hộ khẩu ban đêm .

Lăn lóc, khổ sở trong cuộc sống dưới thời XHCN thêm một thời gian thì chồng tôi được thả về từ địa ngục.

Anh xông xáo làm đủ nghề để phụ giúp kinh tế gia đình, từ mua ve chai, giấy vụn (Tất cả mọi loại đều phải phân loại lựa ra, loại nhỏ bỏ mối cho tiệm chạp phô dùng để gói gia vị, loại lớn đem vào Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, bán cho những nơi làm pháo lậu), còn lon sữa bò thì bỏ cho những cơ xưởng đập dập ra làm lại nút chai bia…Thời gian sau, không còn thu mua được các loại kể trên, anh chuyển sang làm nghề kéo bố (Đại khái công việc như sau: tìm mua những vỏ xe cũ, đặc biệt là vỏ xe tải, đã mòn, rách, đem về ngồi cặm cuội tách ra những tép sợi nhỏ xong phải chuốt sạch cao su, lấy ra từng sợi chỉ đem bỏ bán cho những nơi họ làm lại vỏ xe Honda, vỏ xe đạp, công việc này được một anh Y tá tên Trị của TĐ8/TQLC bỏ vốn ra làm, sau khi trừ công cán, tiền lời còn lại chia đôi ).

Xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn anh Trị, người Huynh đệ chi binh TQLC đã giúp đỡ chúng tôi lúc sa cơ, lỡ vận…Cuối cùng thì anh đổi sang nghề bơm hộp quẹt gas. Tôi tiếp tục làm công việc nhà giáo thời XHCN và làm hụi ngày để kiếm tiền hoa hồng, lây lất sống cho qua những ngày đen tối cho đến khi có chương trình định cư dành cho các tù nhân chính trị, gia đình chúng tôi ghi danh và ra đi theo diện HO 6.

Rời đất nước, quê hương miền Nam thân yêu vào một ngày tờ mờ sáng, hai vợ chồng cùng 3 đứa con ra đi ngày 25 tháng 4 năm 1991, quá cảnh tạm ở Thái Lan 5 ngày và đặt chân lên đất Mỹ tự do vào ngày 2 tháng 5 năm 1991. Trọn bộ tài sản mang theo của gia đình chỉ có 2 xách tay hành lý cùng với 1 chỉ ½ vàng (Của 2 bà chị cho) để cùng nhau làm lại cuộc đời mới.


Bước đầu tị nạn.

Nơi mà chúng tôi đến định cư là thành phố Houston thuộc Tiểu bang Texas. Chúng tôi được NT Trần Thiện Hiệu bảo lãnh, qua sự bảo trợ của cơ quan thiện nguyện có tên gọi là YMCA. Chúng tôi nhờ một người anh em bà con của chồng tôi, thuê dùm một phòng ở khu chung cư, tọa lạc trên đường Beechnut, cũng như bao gia đình tị nạn khác, gia đình chúng tôi gồm 5 người, được hưởng trợ cấp xã hội 8 tháng dành cho người tỵ nạn (Welfare và foodstamps). Trước khi hết thời hạn trợ cấp, chúng tôi đã lo xông xáo đi tìm việc làm và sau đó thì mỗi người một việc để trả nợ áo cơm và lo cho các con theo học các trường lớp Mỹ:

- Đứa lớn nhất 16 tuổi vào lớp 9 - Đứa kế 11 tuổi vào lớp 6 - Đứa út 8 tuổi vào lớp 2. Toàn là những lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nên vợ chồng tôi phải lo làm để gồng gánh gia đình. Anh khởi đầu từ việc thợ vịn (Cho một tiệm sửa xe), bán cá trong chợ, phụ nghề thợ tiện và nghề sau cùng làm cho một hảng chuyên sản xuất những dụng cụ làm sạch các ống nuớc v.v…

Phần tôi thì cũng thế, không ngại vất vả và sự hạn chế về ngôn ngữ Anh Văn, qua sự giới thiệu của văn phòng tìm việc, tôi bắt đầu làm việc thu ngân cho một tiệm thực phẩm của Mễ, rồi nghề dạy nghề, tôi tiếp tục làm thu ngân cho một tiệm bán lẻ tư nhân, mỗi ngày 13 giờ, tuần 6 ngày, mỗi tháng lãnh được 800 đô la. Nhờ kinh nghiệm làm việc, sau cùng tôi thi đậu kỳ thi khảo sát và được nhận vào làm việc cho công ty lớn xăng dầu có tên là Valero Inc. (Cũng làm công việc thu ngân và làm cho công ty này đến nay đã được 18 năm). Phần các con của tôi thì chúng cũng đã thành nhân chi mỹ với cuộc sống tương đối ấm no, đầy đủ.

Hiện nay tôi cũng đã có 3 đứa cháu nội và 1 cháu ngoại…

Hồi tưởng lại những đoạn đường ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh đã qua, tôi cũng phải “rùng mình” bây giờ đã trung niên rồi, nếu trở lại những đoạn đường đã qua, chưa chắc gì tôi đã kham nổi đoạn đường dài đầy gian nan, thử thách .

Một lần nữa xin cám ơn những bạn hiền, cháu Thủy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn cùng cực với chế độ XHCN mà Cộng Sản luôn hô hào cho đó là thiên đường ???

Tiếng pháo bông vang rền, đưa tôi trở về với thực tại, lái xe về đến nhà lúc nào cũng không hay. Mỗi lần nhớ về quê hương, tôi không khỏi bùi ngùi với những hình ảnh đồng đội TPB của QLVNCH đang lây lất, sống đời cơ cực tại quê nhà. Con cái của họ không có được tuổi thơ sung sướng và trưởng thành trong thiếu thốn mọi điều.

Tượng đài Thương Tiếc ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của những anh hùng Tử sĩ, vị quốc vong thân của VNCH, cũng bị trả thù, đối xử tàn tệ bởi chế độ bạo tàn Việt Cộng, chúng đã cày nát, sang bằng và giựt sập chân dung người lính VNCH...

Những thiếu nữ thơ ngây, vì cảnh nghèo đã bị những tổ chức buôn người dụ dỗ mà phần lớn là do các tên cán bộ XHCN làm “đầu nậu” để đi làm dâu xứ người với những người chồng bệnh hoạn, đôi khi đáng tuổi cha chú của mình, sau một thời gian những tên chồng “ma cô” lại đẩy vợ vào nhà chứa để nuôi béo bọn tú bà và bọn cán bộ “vô lại”. Các thiếu nữ VN bị khai thác tận cùng trong kỹ nghệ mại dâm hiện nay và tệ nạn xã hội đang ngày càng có chiều hướng gia tăng tại thiên đường gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa.

Thương quá quê hương tôi, Việt Nam ơi, bao giờ mới thật sự có Tự do, Dân chủ cho người dân? Ước mong sao chế độ bạo tàn Cộng Sản sụp đổ nhanh chóng, để chúng tôi có cơ hội trở lại quê hương. Nơi tôi đã được sinh ra, được nuôi lớn và trưởng thành nên người, góp chút ít công sức trong việc bảo vệ Miền Nam Việt Nam. (Sau 21 Năm định cư nơi Xứ Mỹ, chúng tôi chưa bao giờ trở về thăm quê nhà)

“ Ngày về, sẽ tạ tội với Quê Hương…Bởi con, còn nửa đoạn đường chưa xong. ”



July 4th, 2012
MX Thạch Thảo