PDA

View Full Version : Tháng Ba và Trung Đội 3



Longhai
08-25-2013, 02:54 AM
Tháng Ba và Trung Đội 3



MX Phan văn Đuông
Hắc Long 2


Ba mươi tám năm qua đi, Tháng 3 tháng khó quên trong cuộc đời binh ngũ của tôi, mỗi năm đến ngày tháng này, tôi suy nghĩ, buồn và nhớ như chuyện xẩy ra ngày hôm qua.

Hôm nay nhận được thư của 2 Thương phế binh Võ-Văn-Ngọc và Tân-Lưu-Thạnh thuộc Trung đội 3, Đại đội 2/TĐ5/TQLC, người cụt 2 chân và người còn lại mất 1 chân trong trận ĐĐ2/TĐ5 tấn công một đơn vị của VC tại làng Hiền Sĩ, Cổ Bi (Tỉnh Thừa Thiên). Sở dĩ tôi nhớ rất rõ Ngọc và Thạnh trong số những Thương phế binh khác của Trung đội vì có những kỷ niệm khó quên.

Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, B2 Ngọc trình diện Tiểu đoàn cùng một ngày với tôi và về Trung đội 3 cho đến ngày bị thương, từ Binh 2 lên Hạ sĩ chưa một ngày đi phép thường niên ngoại trừ một lần duy nhất là Tiểu đoàn về dưỡng quân ở hậu cứ tại Căn cứ Sóng thần.

Riêng B2 Thạnh về trình diện Trung đội 3 vào đầu tháng 3/1975. Sau khi hỏi sơ qua lý lịch để ghi vào sổ Trung đội, tôi được biết Thạnh thi rớt Tú tài nhưng không đi Hạ sĩ quan mà tình nguyện về TQLC, thấy dáng vóc thư sinh còn bỡ ngỡ chưa quen "cơm lính", nên tôi giữ lại ban Chỉ huy Trung đội làm liên lạc viên. Vào những buổi trưa hè, rỗi rảnh không có việc gì làm ngoài nhiệm vụ canh gác và lau chùi súng đạn, nó hay ca :

- “Người ta đi lính mang lon, còn tôi đi lính mang xoong với nồi”

Ngày nào tôi cũng nghe nó nghêu ngao than vãn cái điệp khúc đó vì hàng ngày nó có nhiệm vụ mang xoong, nồi và nấu ăn cho Trung đội với lý do mới ra trường, như một định luật, một thói quen bất thành văn cho đến khi có một tân binh khác mới về thì nhiệm vụ mang xoong nồi được trao cho tân binh đó.

Có lần nghe nó ca điệp khúc “xoong nồi”, tôi phát bực và hỏi :

- Thạnh, sao mầy không đi HSQ cho đỡ cực, có cánh gà chiên bơ, mà tình nguyện về TQLC làm chi để rồi ngày nào cũng than với thở.

Nó liền nói :

- Ông thầy biết không, đi HSQ thì chưa chắc về Binh chủng TQLC, mà tình nguyện về TQLC là vì em thích “Mũ xanh, đồ bệt” và cũng nghe nói TQLC đi hành quân 3 tháng sẽ về hậu cứ ở Sài gòn dưỡng quân 1 tháng, tha hồ mà lấy le với con bồ ở Sài gòn và hơn nữa đơn vị Tổng trừ bị đánh giặc liên miên thì khoảng chừng 2 năm là em lên Hạ sĩ rồi đi học khóa HSQ cũng không muộn đó ông thầy.

Tôi suy nghĩ thằng em nầy cũng có lý, chưa chọn lầm binh chủng. Nó hỏi tiếp :

- Ông thầy, tình trạng nầy chừng nào em mới được đi phép về Sàigòn, em đã chuẩn bị bộ đồ và mũ xanh sẵn sàng trong ba lô vì khi mãn khoá em chưa được đi phép, hậu cứ hứa ra đơn vị trước phép tính sau tùy theo tình hình chiến sự.

Nó cũng biết rằng Sư Đoàn đã cúp phép thường niên vì Ban Mê Thuột bị thất thủ, Quân Đoàn II di tản chiến thuật, Tiểu đoàn cấm trại, tất cả Quân nhân tại hành quân không được cấp phép về Sàigòn.

Ngược lại với thời gian sau khi ngưng chiến, tất cả Quân nhân của Tiểu đoàn thứ tự luân phiên được cấp phép thường niên, SQ mỗi tuần 1 người cho cả tiểu đoàn, HSQ và anh em binh sĩ mỗi Trung đội 2 người và nếu tính thứ tự như thế thì khoảng 1 năm mới được 7 ngày phép và nếu cấm trại có thể 1 năm hoặc 1 năm rưỡi như trường hợp của Hạ sĩ Ngọc.

Hơn một năm nay, làm lính Địa Phương Quân, Trung đội với 12 vọng gác (12 chốt ), trung bình 3 quân nhân giữ 1 chốt, chia đều mỗi quân nhân 8 tiếng canh gác ngày và đêm. Nhưng hôm nay (14 tháng 3/1975 ), chúng tôi được lệnh chủ động tấn công 1 đơn vị VC đối diện lâu nay chứ không thụ động như trước đây như chỉ lo canh gác, phòng thủ. Bởi vì trong khoảng thời gian nầy VC đã tấn công các đơn vị bạn tại Quảng Trị và Thừa Thiên cũng như Tiểu Đoàn 4/ TQLC cũng đang bị VC tấn công bên cạnh Tiểu Đoàn 5 chúng tôi và nếu không tấn công VC trong lúc nầy thì trước hay sau gì Tiểu Đoàn 5 cũng bị Vc tấn công.

Sau khi họp ở Tiểu Đoàn về, Đại úy Trần văn Loan ĐĐT/ĐĐ2 họp các Trung đội trưởng và ĐĐP (Tr/úy Lê bá Khánh).

Đúng 4 giờ sáng ngày hôm sau, Trung Đội 3 của tôi (Th/u Phan văn Đuông) làm nỗ lực chính, Trung Đội 1 (Th/u Đào Mạnh Tuấn) nỗ lực phụ, Trung Đội 2 (Th/u Trịnh ngọc Ninh) trừ bị cho Đại Đội, Trung Đội 4 (Th/u Bùi công Thành ) tiếp tế đạn dược và tải thương cho Đại đội.

Trong cuộc tấn công nầy, ĐĐ2 làm nỗ lực chính, ĐĐ3 nỗ lực phụ được chỉ huy trực tiếp bởi Th/tá Ngô Thành Hữu Tiểu đoàn phó/TĐ5 (Trong thời gian qua có sự thay đổi trong Tiểu đoàn, Th/tá Đinh Xuân Lãm Ban tham mưu nhẹ và ĐĐ3 của Đ/Úy Nguyễn Thanh Tùng về Tiểu đoàn 16. Th/tá Phạm Văn Tiền giữ chức vụ Tiểu đoàn Trưởng TĐ5 thay thế Th/tá Đinh xuân Lãm, Tr/úy Kien Peck từ Ban 3 về làm ĐĐT/ĐĐ3 thay thế Đ/u Nguyễn Thanh Tùng, Đ/u Giang văn Nhân giữ chức vụ Trưởng ban 3).

Với trận quyết chiến này, trong lúc tấn công, ngoài số anh em binh sĩ bị thương hay tử thương, đơn vị còn lại vẫn phải tiến lên, nhiệm vụ tải thương đã có Trung đội 4 lo liệu. Nhiệm vụ của Trung đội tôi là bằng mọi giá phải chiếm được các mục tiêu càng sớm càng nhanh càng tốt, nếu việc tiến chiếm chậm trễ thì sự thiệt hại càng cao vì địch biết các vị trí của ta cũng như ta biết tất cả các chốt của địch và sau khi chiếm các mục tiêu cũng như công sự phòng thủ của địch, ĐĐ3 sẽ lên thay thế và ĐĐ2 trở về vị trí xuất phát.

Tôi trang bị thật nhiều lựu đạn, M72 và đạn M79 cho 2 Tiểu đội đi đầu. Sau khi pháo binh cơ hữu chấm dứt tác xạ, Tiểu đội 3 (Tr/sĩ Hải), Tiểu đội 1 (Hạ sĩ I Ngọc) cùng xung phong tung lựu đạn vào các lỗ châu mai với sự yểm trợ M72, M79 của Tiểu đội 2 (Hạ sĩ I Thức) rất hữu hiệu, Tiểu đội 1 của Ngọc bị mìn, Ngọc và Thạnh bị thương ngay phút tấn công đầu tiên.

Khoảng 8 giờ sáng, Trung đội 3 chúng tôi hoàn toàn chiếm tất cả các mục tiêu, công sự phòng thủ của địch như đã ấn đinh nhờ yếu tố Bất Ngờ và Chớp Nhoáng. Địch chống cự không lại rồi phải bỏ chạy mang theo một số bị thương, quân ta tịch thu một số quân trang và vũ khí.

Mặc dù biết rằng tấn công hay phòng thủ, khi giao tranh là phải có sự thương vong, không ít thì nhiều, Đ/u Trần Văn Loan ĐĐT/ĐĐ2, Th/u Huỳnh Bá Tòng Trung đội trưởng Tr/đội 3/ĐĐ3 bị thương cùng với một số anh em HSQ và Binh Sĩ bị thương và tử thương, tôi không nhớ rõ các Trung đội khác, riêng Trung đội 3/ ĐĐ2 của tôi bị thương 8 người trong số đó có Võ văn Ngọc và Tân lưu Thạnh bị thương nặng.

Tháng 3 cũng có nhiều sự kiện xảy ra và trùng hợp với hoàn cảnh của anh em Trung đội 3 chúng tôi, 26/03/1970 ngày Luật người cày có ruộng, ngày 26/03/1973 Trung đội 3 chúng tôi bị pháo binh bắn lầm và suýt chết cả 2 Tiểu đội, 27/03/73 ngày ngưng bắn Hiệp định Ba lê được ký kết và cũng vào ngày 26/03 của năm 1975 anh em chúng tôi bị bắt làm tù binh cùng Lữ đoàn 147 tại Thuận An (Tỉnh Thừa Thiên) gồm 4 Tiểu đoàn trưởng thuộc Tiểu đoàn 3,4,5,7, Tiểu đoàn trưởng Pháo binh, Đại đội trưởng Viễn thám và 1 Trung đội của Tiểu đoàn 8/TQLC.

Với năm tháng sống trong trại tù Cộng sản, cuối cùng tôi và Th/u Bùi Công Thành quyết định trốn tù. Khi trốn trại chúng tôi bị đám quản giáo và cán binh rượt đuổi suốt 3 giờ đồng hồ trong rừng tranh, may mắn chúng tôi thoát được.

Trốn về đến Saigon tôi phải sống lang thang đủ nơi mọi chỗ, từ nhà ga Phạm Ngũ Lão, bến xe đò Lý Thái Tổ Ngã Bảy, bến xe miền Tây, làm đủ thứ nghề để sinh sống cho qua ngày đoạn tháng, bán Cafe, từ chợ trời đường Phạm Ngũ Lão, chợ Tân Định cho đến chợ An Đông... như thế tưởng đã yên thân đâu, ban ngày thi tụi “bò vàng” rượt đuổi từ sáng đến chiều ở chợ trời, ban đêm chúng cũng không tha, khi xét hộ khẩu tôi phải trèo lên mái nhà lẫn trốn.

" Trời đất thênh thang sao không chốn dung thân ".

Thật đúng với thân phận những thằng trốn tù như chúng tôi. Thế rồi 10 năm sau cũng tháng 3 của năm 1985 tôi vượt biên, xui xẻo ghe lại bị tàu quốc doanh Phú Quốc rượt bắt, chúng tôi lại phải cúng cho bọn chúng một số hiện vật và may mắn thay bọn chúng thả cho chúng tôi đi.

Sau thời gian 10 năm với sự thăng trầm của đất nước và cuộc đời, cuối cùng tôi cũng đã tìm đến bến bờ Tự do.

Tuy nhiên, những cơn ác mộng thấy đám công an và bộ đội rượt đuổi, nỗi ám ảnh bị “bò vàng” theo dõi, rình rập, bắt giữ, thỉnh thoảng vẫn đeo đuổi theo tôi cho mãi đến ngày hôm nay.

Thời gian và chiến tranh cũng qua đi chỉ còn lại chăng là những người lính và Thương phế binh chịu nhiều đắng cay, nhọc nhằn tại quê nhà và những nấm mồ hoang không ai chăm sóc nơi chiến trận năm xưa... Có ai còn nhớ...

Viết để một lần nữa cám ơn những người lính bị thương, hy sinh cho mầu cờ sắc áo trong giờ thứ 25 của Tháng 3.



MX Phan Văn Đuông
14/03/2013

ducquany
08-25-2013, 09:17 PM
Th/úy Đuông TQLC cũng là một tay ngon lành ,gan dạ.Ngày 25/03/1975 trên bãi biển Thuận An Huế ,đánh nhau với VC thì hắn bị thương ở cánh tay phải, và được tản thương lên tàu.Nhưng hắn đã xin được ở lại chiến đấu cùng anh em ,nhường chổ cho các thương binh khác.Kết quả bị bắt tù binh.Đuông và Thụy đui TQLC là những sỉ quan trẻ và là thương binh mà tôi quen biết chăm sóc từ khi mới bị bắt , Cũng chính hắn là tên giúp đở cho tôi hẹn hò với bà xả của tôi hiện giờ.