PDA

View Full Version : Ra Trại



Longhai
08-20-2013, 12:54 AM
Ra Trại


Người xứ Nghệ



Ta tiếc những gì đã vuột mất
Hoặc những gì vượt qúa tầm tay
Còn tôi thì tiếc ngẩn ngơ
La Gi tôi ở như mơ ngày nào... (NXN)


Tôi cầm giấy ra trại cùng 22 bạn tù khác của Trại Tù Xuyên Mộc, gồm 3 Khu A, B, và C. Ngoài tôi và Nguyễn Văn Xê (Cục Tâm Lý Chiến) là Sĩ quan Quân đội, còn tất cả 21 người khác lại đều là Hạ Sĩ Quan thuộc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, hoặc Cảnh Sát Đặc Biệt, thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia VNCH. Theo thủ tục trước khi rời trại là phần khám xét tư trang, một Sĩ quan Cảnh sát được cán bộ coi tù chỉ định làm Trật tự (Vì anh rất to con, trong tù bọn CS thường áp dụng phương pháp lấy tù đàn áp tù). Trong lúc khám xét anh nói nhỏ với tôi : "Ông hãy dấu cái mền đi, ra bến xe còn bán được vài chục đồng làm lộ phí. Ra trại họ phát cho mỗi người 10 đồng, chỉ có nước vừa đi vừa ăn xin mới về tới nhà". Nghe lời, tôi dấu chiếc mền, mà chúng phát cho cách đây 2 năm, khi được chuyển trại từ Suối Máu lên Xuyên Mộc, và được chúng tuyên truyền đây là qùa tặng của nước CS anh em Ba Lan. Vào đến Khu Trung Tâm, lại thêm phần điểm danh, và phát giấy ra trại, một anh Hạ sĩ quan đứng gần tôi lẩm bẩm : " Gần 6 năm rồi, mà các ông ấy không đổi thay chút nào. Ngày mới đi tù, đem theo thức ăn 10 ngày, rồi ngồi tù một lèo đến 6 năm. Được thả ra lại ghi là giấy ra trại, như vậy bất cứ lúc nào, người tù sẽ được mời trở lại nhà tù bằng giấy vô trại. Sau khi nhận giấy ra trại, là tới phần trả lại tư trang cho tù nhân bị tịch thu từ khi mới vào tù, đa số là đồng hồ, và nhẫn cưới... qua bao nhiêu trại tù, đa số đồng hồ chỉ còn cái vỏ, nhẫn vàng trỏ thành nhẫn đồng". Nhưng không có ông tù nào dám khiếu nại, vì sẽ bị giữ lại, lý do để họ liên lạc với trại tù cũ để giải quyết, thôi thì “bỏ của chạy lấy người". Ra khỏi Trại tù, chúng tôi vừa đi vừa chạy, không dám đi trên đường lộ, mà đi lui vào mé rừng để đi, vì có nhiều trường hợp vừa được thả ra khỏi trại, bọn cai tù cho Công an chạy theo bắt lại, rồi chuyển đi trại khác. Những lần như vậy, họ cố tình dàn dựng vở kịch thả tù nhân về, để những tù nhân khác hy vọng còn có ngày về, không nổi loạn hoặc chống đối.

Đi hai bên tôi là hai ông Hạ sĩ quan, một ông nói với tôi như trách : "Ông thầy cấp bậc Trung Úy ở tù 6 năm, còn hai đứa em đứa là Hạ sĩ quan Tài xế, đứa là Hạ sĩ quan Văn thư thuộc Phủ Đặc Ủy mà cũng dính đến 6 năm ". Lần đầu tiên, sau sáu năm tôi nghe hai tiếng "Ông thầy". Tôi an ủi : "Nếu không có dư luận Quốc Tế, tụi nó đã thủ tiêu hết bọn mình rồi, chứ còn sống mà đi về à !" Nhắc đến sự sống chết của người lính thất trận, đồng nghĩa với sự chết của cả dân tộc Miền Nam Việt Nam. Mới đây vào Trang Thơ của Người Lính Bình Tuy Trần Văn Sơn, tôi đọc được bài thơ : "Bắt Đầu" viết về người bạn tù Nguyễn Văn Xa, Thiếu Tá, Trưởng Phòng 2, Tiểu Khu Long Khánh, đã hai lần chết tại Trại tù Yên Bái, được bạn bè cứu sống, hiện đang định cư ở Nam Cali. ( Trần Văn Sơn sinh năm 1945 dưới chân Lầu Ông Hoàng Phan Thiết. Đi lính, đi tù dưới chế độ CS. Qua Mỹ theo diện tị nạn HO. Hội viên, Hội văn nghệ sĩ QLVNCH. Trước năm 1975 cộng tác với báo Phổ Thông, Thời Nay, Văn Học Nghệ Thuật, Khởi Hành... Thơ đã xuất bản : Vườn Dĩ Vãng, Khai Phá 1972, Thấp Thoáng Nụ Hoa 2008)

Đến tận cùng mới thực sự bắt đầu
khi bạn ta nằm im trong chòi xác
ngực còn ấm hy vọng ngày họp mặt
óc còn tươi mơ hạnh phúc gia đình
bạn nằm im vĩnh biệt bạn bè thân
bạn bè một thời nằm gai nếm mật
bạn bè một thời chung lưng đấu cật
nay chung tù, chung khổ nhục bên nhau
đến tận cùng mới thật sự bắt đầu
khi bạn ta nằm im trong bóng tối
sự sống bắt đầu bằng bàn tay đồng đội
bằng tình thương cứu sống Nguyễn Văn Xa
bằng niềm tin thánh thiện bao la
từ địa ngục bạn tìm về nguồn cội
từ địa ngục bạn đến vùng đất mới
và bắt đầu, thực sự của chúng ta
đến tận cùng mới thật sự hiểu ra
sự sống bắt đầu bằng hồi chuông báo tử
sự sống bắt đầu trong buồng tim máu ứ
vở tung thành đồi núi biển sông
tim phổi còn tươi mặt đầt ấm nồng
bạn ta bắt đầu cõi về xa lạ...

Một đoàn tù nhếch nhách mới được thả, vừa đi, vừa chạy... tôi tin tưởng rằng, trong chúng tôi, ai cũng biết mình đang từ địa ngục nhỏ, về địa ngục lớn. Nhưng vì sự thôi thúc muốn gặp gia đình, người thân, nên tất cả mới phấn chấn như vậy. Trời ngã bóng hoàng hôn, không biết bao lâu chúng tôi mới đến được bến xe Long Khánh, đang vô vàn thất vọng, thì một chiếc xe máy cày trờ đến, anh tài xế hỏi : "Các anh mới được thả hả ? ngồi lên cái Rờ-mọt phía sau, để tôi chở ra bến xe... Chúng tôi mừng như vớ được của, nếu không có cái xe nầy, có lẽ ngày mai, may ra chúng tôi mới đến tới đích. Ngồi trên xe, anh tự giới thiệu : "Lính của Tiểu Khu Phước Tuy, hiện đang lái xe máy cày cho một Hợp Tác Xã ở Xuyên Mộc". Nửa giờ sau chúng tôi đến bến xe, anh lính ngày xưa bỏ tiền túi, đi mua tặng cho chúng tôi mỗi người một gói Hoa Mai, và nói lời may mắn. Bến xe đã đóng của, vắng lặng như một điểm chết, chúng tôi đang loay hoay với túi vải bao cát, thì có một tốp người khoảng 5, 6 phụ nữ chạy ùa đến hỏi : " Các anh có gì bán không ?" Ôi thôi ! 6 năm tù Người Lính VNCH còn gì ngoài bộ xương khô vất vưởng nầy. Nhưng không ai bảo ai, chúng tôi cũng bày hàng ra như bán chợ trời, riêng tôi dấu được chiếc mền, bán được 40 đồng. Đất nước gần 6 năm dưới sự cai trị của CS, nó tan hoang, khốn khổ đến như thế sao ? Tôi nhớ đến một câu nói của Nguyễn Thị Thảo An trong bài Chân Dung Người Lính VNCH : "Anh không khóc khi nước mất, cũng không khóc lúc bị bắt đi tù, anh chỉ khóc khi nhìn thấy nhân dân Miền Nam đói khổ, vì hệ lụy buông súng của anh ". Nhìn thấy đất nước tơi tả, nhân dân điêu linh sống dưới cái chế độ xã hội chủ nghĩa, người ta mới hiểu thế nào là đỉnh cao trí tuệ, lương tâm của thời đại...của một chế độ độc tài đảng trị đang cai trị trên quê hương. Liên quan đến vấn đề nầy, mới đây, Người Lính Bình Tuy Lê Phi Ô, e-mail cho tôi biết :" Mới tập làm thơ cách đây 2 năm, những bài thơ anh cùng bạn bè viết được tải trên trang blog của anh" . Anh gửi cho tôi hai bài thơ thất ngôn bát cú có tựa : " Quốc Nạn !" và : "Yêu Quái ".

Thế rồi nhờ những người dân hảo tâm giúp tôi đón xe, tôi cũng mò mẫn về đến Ngã Ba 46 khoảng 8 giờ tối, may mắn vẫn còn một chuyến xe Lam chở khách về Thị Trấn La Gi. Con đường từ ngã Ba 46 về đến La Gi khoảng hơn 20 km, mà chiếc xe Lam phải vật lộn gần 1 tiếng đồng hồ mới đến. Bởi vì, có thể nói con đường nầy là con đường tử thần, đầy ổ gà, ổ voi, và hố hầm do đạn pháo kích để lại, hình như chưa bao giờ được tu sửa. Cầu Láng Gòn bị Đại đội 512 Trinh Sát giật sập, để ngăn xe tăng của CS tràn vào BCH Tiểu Khu và Thị Trấn La Gi, được sửa chữa chắp vá sơ sài. Những tài xế của các xe chở khách hay xe Lam đi vào được bến xe La Gi, thực sự đáng được vinh danh là những tài xế giỏi nhất trên thế giới nầy.

Gia đình lúc tôi đi tù, khoảng 2 năm, bị đưa đi Kinh Tế Mới ở Bắc Ruộng, Đức Linh. Để tồn sinh gia đình phải chia đôi, ½ đi lên Vùng Kinh Tế Mới, ½ ở lại La Gi lòn lách buôn bán, vừa nuôi tôi trong tù, còn lại phải chu cấp 2 nơi. Lúc còn ở trong tù, chúng tôi rỉ tai nhau, ghi địa chỉ khi được thả về, không được ở Thành Phố, thì ít ít nhất là ở Thị Xã hay Thị Trấn, còn vác mặt về ở mấy vùng Kinh Tế Mới, gặp mấy ông du kích ngày xưa coi như tiêu vong đời lính. Thế là tôi ghi địa chỉ ở Thị Trấn La Gi, vì tôi nghĩ rằng trong lúc khốn khó nầy, họ hàng sẽ không bao giờ bỏ tôi, không cho đăng ký hộ khẩu !? Về đến nhà, nhìn lên bàn thờ tôi chết lặng, Mẹ tôi đã mất vào tháng 11.1975, vì sợ tôi đau buồn qúa làm chuyện khờ dại, nên gia đình đã dấu biệt tôi cho đến bây giờ. Những người tù như chúng tôi lúc trở về ít ai còn được gặp Mẹ, những bà Mẹ một đời tất tả lo lắng cho con trai trong chiến tranh. Khi đất nước tàn cơn binh lửa, lại sầu muộn, ngóng chờ con trở về từ các Trại Tù. Chỉ từ ấy khổ đau thôi, thì đã đủ cho những bà Mẹ nhắm mắt xuôi tay, giữa cái xã hội kỳ thị đầy hận thù nầy. Trong bài thơ Tiếng Gọi Việt Nam, Người Lính Bình Tuy Lê Phi Ô có đoạn viết về Người Mẹ của mình :

...Mẹ gìa ôm áo trận thương con
Hương lính còn vương trận Động Đền
Mù mắt chờ con... con biền biệt
Con về khóc Mẹ mộ không tên...

Trời tính không bằng lòng người tính, hầu như họ hàng tôi đều từ chối không cho nhập hộ khẩu, bởi một lý do : "Con với cháu gì, lúc nó làm quan đâu thấy mặt nó, bây giờ là tù thì nhờ mình bao bọc, cho nó nhập hộ khẩu, để bị cưỡng bách đi vùng Kinh Tế Mới à !". Tôi cảm thấy chua xót cho thân phận không những riêng tôi, và có lẽ biết bao bạn bè đi tù như tôi, cũng sẽ gặp những chua cay đắng lòng nầy. Ngoài ra tôi còn nghe được một chuyện đau lòng khác : Trung Úy Hồng Pháo Binh, chồng chị Hạnh ở Thanh Xuân La Gi, có sạp bán gạo ngoài chợ, vì thương chồng, nên khi chồng ra tù, chị không cho làm cái gì hết. Mỗi ngày chị ra chợ, anh đi theo phụ chị, hết việc, anh treo cái võng tòng teng nằm sau lưng chị. Bọn Công an và Chính quyền lấy làm ngứa mắt, làm lệnh bắt anh đi cưỡng bức cư trú tại Xã Tân Minh (Căn cứ 6), được 1 tháng anh chết vì bị sốt rét cấp tính, chết không ai biết. "Đúng là giết một người răn trăm họ". Chính vì lý do nầy, mà gia đình bàn với tôi mua xe ba gác đạp chở khách, chở hàng...cho có một cái nghề, khổ nhục một tí, để bọn Công an nó không chú ý. Ngoài cái nghề tận đáy cu li nầy, tôi biết sẽ chẳng có nghề nào mà tôi có thể được làm : "Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, cái nghề kiếm ra cơm gạo làm gì đến phần tôi". "Hợp Tác Xã Ngư Nghiệp cho tôi vào để đi vượt biên à !? Tôi thuộc loại lính mới trong nghề ba gác đạp, nên những mối chằn ăn, trăn quấn, mới đến phần tôi, như việc chở hàng, chở khách, từ nhà thờ Vinh Thanh xuống đường cát chập chùng Khu 3 hay Hồ Tôm. Không chỉ có tôi, mà ngay cả Người Lính Lê Phi Ô ra khỏi Trại Tù cũng làm những nghề bán mồ hôi sôi nước mắt nuôi thân. Trong bài Tiếng Gọi Việt Nam có đoạn :

...Long Hải, Long Điền phu gánh cá
Nặng đôi vai gánh cả giang san
Đội cá, mơ... Nữ Oa đội đá
Vá trời thẹn mặt với non sông...

Ở La Gi, hình như chỉ có những Sĩ quan cấp thấp mới dám về ở cùng gia đình, cho thấy sự hận thù vẫn còn chồng chất trong lòng những người chiến thắng. Những Sĩ quan một thời oanh liệt chiến đấu như Tiểu đoàn Trưởng 341/ĐP Lê Hùng anh chỉ về thoáng thăm gia đình và 2 đứa con rồi đi ngay. Tiểu đoàn Trưởng 344/ĐP Lê Phi Ô cũng không có dịp trở về Bình Tuy, lên Đồi Hoa Sim thăm lại các đồng đội đã chết trong đêm 23.04.1975. Duy nhất chỉ có Thiếu Tá Trần Quang Vận, trở về lấy vợ, và sống rất âm thầm (Ông đang định cư tại Nam Cali)... Bởi vì, những trận đánh lừng lẫy của những Tiểu đoàn Trưởng thuộc Tiểu Khu Bình Tuy vẫn in đậm nét ngưỡng mộ trong lòng người dân Bình Tuy, nhất là họ đang sống gian nan nghèo đói dưới chế độ mới. Những chiến thắng của Người Lính Bình Tuy, cũng là nỗi nhục đau của bọn CS xâm lược, làm sao chúng không căm thù cho được ! Với hành động trả thù ti tiện, đê hèn nầy, người dân Miền Nam mới hiểu thêm về con người Cộng sản. Làm sao họ có thể so sánh tính lương thiện và nhân ái của Người Lính VNCH. Thi sĩ Cao Tần, ông không là Người Lính Bình Tuy. Nhưng ông đã đại diện cho tập thể Quân đội VNCH biểu tỏ đức tính cao qúy nầy, qua đoạn thơ :

Nếu một mai có đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở muôn ngàn lò cải tạo
Đem mọi người vào học tập yêu thương.

Một người lính, một nhà thơ, đã dùng ngôn ngữ Lính để sáng tác, đó là Nguyễn Đức Trạch bút danh Trạch Gầm, thuộc đơn vị Thám Sát Quân đoàn 3. Dấu chân anh đã in trên mọi địa danh nổi tiếng từ Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa... trong đó có cả Bình Tuy. Những ngày cuối tháng 4, khi đất nước đến hồi mạt vận, những cuộc hành quân Lui Binh đầy máu đã trải dài trên mọi nẻo đường Quê hương, trong có có cuộc Lui Binh của Tiểu đoàn 344/ĐP của Người Lính Bình Tuy Lê Phi Ô từ Hoài Đức về BCH/ Tiểu Khu Bình Tuy. Trong niềm uất hận đó, cảm khái trước sự dũng cảm của hai Tiểu đoàn 341, 344/ĐP Tiểu Khu Bình Tuy, trong một lần trà dư tửu hậu với Lê Hùng, Lê Phi Ô, Trạch Gầm đã sáng tác bài thơ : " Rượu Đắng Thua Đời ":

Từ... bỏ anh em giữa rừng núi
nhận lệnh lui binh bật khóc ngậm ngùi
hồn chinh chiến trống trơn ngày đen tối
ly rượu nào chẳng đắng nghét bờ môi
thà viên đạn mù giữa trời thù hận
xé rách toàn thân nợ nước tình nhà
hơn lúc quay về không còn gì cả
nuốt sao trôi tình đồng đội thiết tha
thằng chết coi như xong đời lính chiến
thằng sống còn trần trụi nhốt suy tư
ly rượu trầm ngâm pha bằng nước mắt
trời tha phương buồn đến nổi ngất ngư
gót giày trận đạp lên đường mơ ước
bước gian nan có lúc khóc lúc cười
đã cầm súng... ai đợi ngày mất nước
tỉnh hay say cũng gục giữa chơi vơi
từng đốt tay gọi thầm tên mấy đứa
đến cùng chia... chén rượu đắng thua đời.



Người xứ Nghệ