PDA

View Full Version : Câu thơ định mệnh.



Longhai
08-12-2013, 05:17 AM
Câu thơ định mệnh.


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích.


Thanh Cẩm nóng ruột đợi chờ tin tức chồng suốt cả tháng trời. Nàng hy vọng Thắng đã được tàu Hải quân di tản vào Sài Gòn. Nhưng sau ngày 30 tháng Tư, năm 75, bất ngờ Cẩm nhận được thư của Thắng báo tin hiện giờ chàng đang ở trại tập trung F7A. Nàng vừa mừng vừa lo. Mừng là chồng còn sống, lo là không biết Thắng có chịu đựng nổi những tháng ngày trong lao lý của Cộng sản không.

Ngày mới cưới nhau, Thanh Cẩm là Giáo viên trường Trung học Đệ nhất cấp, Thắng còn mang lon Thiếu úy, phục vụ trong đơn vị Trinh-sát thuộc Sư đoàn 2BB. Căn nhà trong khu Cư xá Sĩ quan Sư đoàn là tổ ấm của đôi vợ chồng son. Ngày ngày Thanh Cẩm đi dạy tại một ngôi trường ngoài Thị trấn. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt tại miền đất đầy sôi động nầy, Cẩm không lúc nào khỏi phập phồng lo sợ trong mỗi đợt chồng cùng toán Viễn thám nhảy trực thăng trên các mật khu của VC tận rừng sâu.

Những phút giây êm đềm hạnh phúc bên nhau vẫn chen vào niềm khắc khoải của bất trắc, chia ly. Sinh mạng của người Chiến sĩ trong ngành Viễn thám mong manh trên đường tơ kẽ tóc. Không chết vì đạn quân thù, cũng có thể mất mạng vì bom và pháo của phe ta thả xuống nơi trốn quân của địch bị lệch tọa độ, và rất dễ bỏ xác trên rừng vì đói khát lâu ngày do trực thăng cứu vớt không tìm ra điểm đứng.

Tình yêu của hai người đến với nhau như một tiếng sét định mệnh. Họ quen nhau trong ngày Quân lực 19 tháng 6. Thắng là Chiến sĩ Xuất sắc, Thanh Cẩm là cô giáo hướng dẫn toán nữ sinh choàng vòng hoa. Ở đó, họ gặp nhau, cảm nhau rồi yêu nhau. Tình yêu ào ạt như con nước vỡ bờ. Cứ thế mà buông theo dòng. Dẫu ghềnh thác hiểm nghèo hay gió dập sóng dồi giữa đại dương mênh mông, họ sẵn sàng đón nhận.

Cẩm nhớ có lần, trước giờ lên đường đi công tác, Thắng biết vợ đang lo âu, chàng ôm nàng trong vòng tay, rồi nhắc lại câu nói của Victor Hugo : “Khi tình yêu hòa tan hai hữu thể thành nhất thể thần thánh và thiêng liêng thì bí quyết của cuộc sống đã được bày tỏ cho họ. Khi ấy họ chỉ còn là hai số hạng của cùng một số kiếp, hai cánh của một thiên thần. Yêu đương là bay vút lên cao.”

Qua mấy ngày chờ đợi, Thắng vẫn chưa về. Nàng nôn nóng liên lạc với hậu cứ Đại đội. Ðược biết toán Viễn thám bị địch tấn công, phải sơ tán thất lạc giữa đỉnh Trường Sơn. Suốt mười ngày mất ăn mất ngủ trong lúc nàng đang mang thai đứa con đầu lòng. Cẩm chưa phải là con chiên nhưng nàng đã đến Thánh đường cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh quan phòng đến chồng nàng. Mười ngày đó thật hãi hùng, nỗi ám ảnh của mất mát và góa bụa như đè nặng trên từng phân da thịt nàng. Và đúng ngày thứ mười một, Thắng đã được trực thăng bốc về cùng với cả toán quân.


***

Khi bốn Quận miền núi của tỉnh QN hoàn toàn triệt thoái, các Sĩ quan được khuyến khích cho gia đình di tản trước vào Sài Gòn. Vợ Thắng nhất quyết không đi, dẫu thế nào nàng cũng không rời xa chồng. Tuy nhiên, để cho Thắng an tâm chiến đấu, Cẩm tạm thời mang hai con về ở với gia đình cha mẹ ruột tại thị trấn Bàu Giang.

Tài sản cuối cùng của mẹ con Thanh Cẩm là lương tháng Ba của chồng cộng với lương Giáo viên của nàng và một két sữa đặc Quân tiếp vụ doThắng mang về cho đứa con trai út mới sinh được 4 tháng.

Nhận được thư của Thắng, Cẩm cấp tốc mang một ít thực phẩm đi thăm chồng. Lần gặp mặt chồng đầu tiên trong cảnh tù đày, tim nàng quặn thắt. Thân thể Thắng tiều tụy, xanh xao trong bộ áo quần tù nhàu nát, theo sau là tên lính VC chĩa nòng AK vào lưng người tù với nét mặt đằng đằng sát khí. Thanh Cẩm nhào đến định ôm chồng, chợt hắn quát : “Ðứng lại, cách ly ra”. Nàng khựng lại rồi ôm mặt khóc tức tưởi. Mười lăm phút đối diện với chồng là mười lăm phút ngăn cách đau lòng ! Vợ chồng không nói được gì với nhau trước thái độ đầy hận thù cuả tên bộ đội.

Sau ngày 30 tháng 4 /75, các Giáo viên được lênh tập trung học tập chính trị và cải tạo tư tưởng cho thích hợp với tinh thần cách mạng. Thanh Cẩm giao con cho mẹ nàng chăm sóc hộ, cùng với bạn dạy chung trường lên đường tham gia khóa học do Ty Thanh Niên và Giáo dục của chính quyền mới tổ chức. Hai tháng ròng rã trôi qua, Cẩm dồn nỗ lực cho bài thu hoạch cuối khóa, hy vọng sau khóa học nầy nàng sẽ được bổ nhiệm về trường cũ, may ra có đồng lương ổn định và gần nhà để chăm sóc hai con còn nhỏ dại.

Sau phần nghi lễ mãn khóa, mọi người hồi họp đợi chờ nhiệm sở mới của mình. Tên cán bộ đại diện Bộ Thanh niên và Giáo dục thay vì đọc lệnh phân bổ giáo viên đến dạy tại các trường trong tỉnh lại công bố danh sách những Giáo viên thuộc chế độ cũ bị sa thải khỏi ngành với lý do chồng là Ngụy quân, Ngụy quyền. Thanh Cẩm là người đứng đầu trong danh sách nầy. Thoạt tiên, nàng cảm thấy chới với, nhưng rồi nàng điềm tĩnh trở lại, bởi còn biết bao người cùng chịu chung hoàn cảnh như mình.

Cẩm ra về mang theo nỗi chán chường, chua xót. Lần đầu tiên, nàng tiếp cận với nhóm người mang danh “Trí thức cách mạng” mà hành xử như bọn vô lại bần tiện, nhẫn tâm và dối trá. Lời nói, khẩu hiệu, chính sách đều là ngọt ngào, hoa mỹ nhưng thực hiện thì sắt máu, phi nhân tính. Trong những ngày đầu “giải phóng”, giới giáo chức miền Nam tin vào mười hai điểm của VC. Dần dà họ mới thấy đắng cay khi cộng sản thẳng tay đối xử cực kỳ ti tiện. Thanh Cẩm đã phấn khởi trước lời hứa : “Thực tâm học tập sửa sai, đảng và nhà nước cách mạng sẽ lưu dụng không phân biệt, không kỳ thị, không loại bỏ một người nào”. Nàng tự trách mình nhẹ dạ, u mê tin theo những lời đường mạt của bọn điếm cách mạng đã moi ruột, moi gan phơi bày hết thảy trong tờ thu hoạch, trong tờ tự kiểm. Nàng tiếc rẻ đã bỏ phí thời gian ngồi nghe những điều vô bổ, còn phải chịu đựng bao thử thách và căn thẳng tinh thần suốt sáu mươi ngày tẩy não.

Thế là hết, niềm hy vọng cuối cùng tan biến. Thanh Cẩm chuẩn bị bước vào ngả rẽ cuộc đời mới, một cuộc đời mà con người bị lột trần trụi từ vật chất đến tinh thần. Số tiền dành dụm được dù nàng ăn tiêu rất tằn tiện, chỉ dành phần lớn mua thức ăn thăm nuôi chồng, đến nay đã cạn. Nàng đành phải bán chiếc xe Honda của vợ chồng sắm được, để có tiền xoay xở nuôi con qua ngày đoạn tháng.

Thanh Cẩm nghe lời khuyên của bạn học cũ bỏ ra nửa số tiền bán xe theo chân bạn vào Sài gòn mua thuốc hút ngoại nhập về bỏ mối cho đám con buôn cánh miền Bắc. Ði trót lọt được vài chuyến. Tiền lời kiếm được đủ mua thức ăn cho con, sắm thức ăn khô và thuốc men cho chồng. Qua chuyến thứ ba nàng bị thuế vụ hốt sạch, đi đứt nửa số tiền vốn. Cùng trong chuyến xe đó cũng có mấy người buôn thuốc hút, thuốc tây nhưng được tài xế, tài phụ cất giấu nên thuế vụ không phát giác được.

Như chạy theo một canh bạc, nàng đâm liều, dùng số tiền vốn còn lại đi tiếp, may ra gỡ gạc được phần nào chăng !

Sắc đẹp của người thiếu phụ hai con, lẫn tính nết đoan trang của một cô giáo, Thanh Cẩm là điểm sáng trong đám con buôn. Người tài xế của chuyến xe tải đã ngất ngây trước hấp lực nhan sắc nõn nà của một phu nhân quý phái, ông ta tình nguyện cất giấu hàng hóa của nàng vào một nơi an toàn nhất. Không lạ gì những thủ đoạn chài mồi tán gái, Cẩm từ khước thẳng thừng đề nghị của tài xế.

Ðã có bao người phụ nữ đầy nhân cách cũng lâm vào hoàn cảnh như nàng, nhưng vì nhẹ dạ, thiếu cảnh giác nên đã vô tình phá đổ hạnh phúc gia đình và gây tai tiếng trong giới con buôn của giai đoạn cực kỳ bạo hành của lực lượng công an, thuế vụ, kiểm lâm. Một chuyến hàng cất giấu được trót lọt là phải mang ơn nghĩa, khi ơn nghĩa mỗi ngày mỗi nặng nợ, người phụ nữ lấy gì để đền đáp ? Và tình cảm sẽ bắt đầu nảy nở từ món nợ ơn nghĩa đó. Cái lưới tình đã được bủa vây và đối tượng dễ dàng sa lưới.

Lần từ chối sự giúp đỡ của tài xế, Cẩm không ngờ đó là chuyến đi buôn cuối cùng trong đời nàng. Thuế vụ đã tóm gọn thùng hàng của nàng tại trạm kiểm soát Gò Dầu Hạ, thế là trắng tay ! Về nhà, Cẩm ôm hai con vào lòng, khóc suốt đêm trường.

Ðã thế, chính quyền sở tại còn không để yên, họ cưỡng bức nàng phải đi Kinh tế mới, với lý do mẹ con nàng không có hộ khẩu chính thức tại địa phương và gia đình nàng thuộc diện tham gia chế độ cũ, chồng đang học tập cải tạo.

Bối rối và lo âu trước lệnh đi Kinh tế mới, Cẩm là phận nữ nhi, chân yếu tay mềm lại thêm hai con còn bé bỏng, một gia đình không có lao động chính làm sao đủ sức khai phá vùng đất mới đầy hiểm nguy và bất trắc. Thanh Cẩm dự tính ở lỳ, muốn ra sao thì ra. Nhưng trước tình huống khó xử nầy, nàng phải gặp chồng để lấy ý kiến hầu có chung một quyết định hợp lý hơn. Bởi hành động ù lỳ, không tuân theo luật pháp, chúng sẽ ghép tội gia đình chống đảng và nhà nước sẽ có ảnh hưởng đến thời gian cải tạo của Thắng.

Thắng bị giam ở trại tù Sườn Giữa ở tận vùng Thượng Ðức nằm sâu giữa rừng già. Mỗi lần đi thăm nuôi chồng con, các bà các cô phải chịu biết bao là vất vả gian nan. Ðơn xin ra ngoài tỉnh phải được cấp huyện cứu xét. Kẻ may mắn phải mất vài ba ngày, người xui xẻo, lắm khi phải chờ cả tuần lễ mới được cấp giấy phép.

Dự định đi thăm chồng vào ngày Chúa nhật, Thanh Cẩm phải viết sẵn lá đơn ngay trong đêm thứ Tư. Sáng sớm thứ Năm đến nhà ông Tổ trưởng dân phố xin chữ ký, nếu đến trễ, gặp cử cà-phê buổi sáng nàng phải chạy đến quán ăn Hợp tác xã thương nghiệp. Khi đã có chữ ký của Tổ trưởng dân phố rồi phải xăn quần lội bộ theo đường tắt băng qua mấy con lạch. Bên kia cánh đồng là nhà ông chủ tịch Hợp Tác Xã. Cẩm cố xin cho được chữ ký, con dấu và lời đề nghị không trở ngại của phần hành nông nghiệp. Qua cái truông đó dù phải lội nước, lội bùn nhưng ít khi nào gặp khó khăn.

Tiếp theo là giai đoạn nhức nhối nhất đối với Thanh Cẩm là phải đối mặt tên Ðỗ Ngạnh, công an trưởng thị trấn.

Cha cuả Ðỗ Ngạnh là tá điền từ thời cụ Tổng, ông nội của Thanh Cẩm. Ngạnh lên mười tuổi vào giúp việc cho gia đình ông Nội của Cẩm. Lúc nhỏ, hắn lo cắt cỏ chăn bò, giữ ngựa. Lớn lên cùng với đám trai tráng trong nhà cụ Tổng chăm nom mấy chục mẫu mía. Ðến mùa đạp mía, hắn đánh bò chạy che. Rồi phụ vào công việc rút mật đường, phơi và chà đường, vào bao để chở đi Hà Nội.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, hắn xung phong vào bộ đội Việt Minh. Ngày ký hiệp định Giơ ne vơ 1954 chia đôi đất nước, hắn theo đoàn quân tập kết ra Bắc.

Mấy tháng sau, ngày miền Nam mất 1975 hắn từ Hà Nội trở về quê, mặc quần áo vàng chễm chệ ngồi trên ghế công an trưởng Thị trấn Bàu Giang. Có lẽ vì cái lý lịch làm thuê ba đời của hắn liên tiếp cho dòng họ nhà Thanh Cẩm mà nàng trở thành nạn nhân của lòng thù hận. Mỗi lần nàng đến xin giấy phép thăm nuôi chồng là hắn lên mặt ta đây bây giờ là chủ, lũ bay phải biết quỵ lụy thì chúng ông mới nới tay cho.

Ý kiến trong tờ đơn, không lúc nào hắn quên ghi nén nót dòng chữ : “Chồng y thị là một Sĩ quan ngụy đã từng gây nợ máu. Gia đình y thị thuộc loại cường hào ác bá, đề nghị cấp trên nghiên cứu”. Ðối với những tờ đơn khác của những người có kèm theo bao thuốc cán hoặc nụ cười đưa tình cùng lời tâng bốc thì hắn chỉ ghi vỏn vẹn câu : “Ðề nghị cấp trên giải quyết”.

Lời phê trong đơn của hắn đã gây khó khăn cho Thanh Cẩm không ít. Thông thường nàng nhận được giấy phép trễ hơn những người khác, bởi ban điều hành phòng công an bảo vệ chính trị huyện không dám đơn phương quyết định cấp giấy phép cho nàng mà phải trình qua trưởng công an huyện cứu xét. Ðối với Thanh Cẩm, thời gian cho đi và về cũng được ghi rõ ràng chi ly đến giờ, ngày trong hạn định.

Vào giờ làm việc buổi chiều, Thanh Cẩm ăn mặc tươm tất đến phòng công an thị trấn. Nàng, lúc nào cũng thể hiện tư chất “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Trước mặt Ðỗ Ngạnh, Thanh Cẩm luôn luôn tỏ ra phong thái uy nghi của con cháu dòng họ Nguyễn đã tiếng tăm mấy đời trên miền đất tả ngạn sông Giang nầy. Từ ngoài cổng cơ quan, Cẩm thấy hắn nhe hàm răng đầy nhựa thuốc cợt nhả với người con gái buôn hàng chuyến, chợt trông thấy nàng, hắn vội nghiêm nét mặt lại. Cô gái cáo từ ra về. Thanh Cẩm đặt lá đơn trên bàn nói :

- Tôi làm đơn xin phép thứ Bảy nầy đến trại cải tạo thăm chồng tôi.

Hắn nhìn Cẩm với ánh mắt xoi mói, hỏi :

- Ðúng thời hạn ấn định ba tháng chưa ?

- Vâng, đủ rồi. Ðợt trước tôi đi vào ngày mồng một tháng mười hai.

Hắn cúi nhìn vào tờ đơn, rồi nhìn vào cuốn lịch đặt trên bàn làm việc đưa tay lật qua lật lại mấy tờ lịch. Hắn vừa cười khẩy vừa cầm cây bút khoanh vào phần ngày tháng của Cẩm ghi trong tờ đơn :

- Chị quên rằng tháng hai chỉ có 28 ngày. Chẳng lẽ cô giáo của chế độ cũ lại không biết đến điều tối thiểu nầy sao. Ðơn xin đi vào ngày 1 tháng 3 như vậy chưa đủ 90 ngày làm sao tôi dám chứng đơn chuyển lên trên cứu xét.

Nghe lời mỉa mai của hắn, cơn giận bốc lên khiến Thanh Cẩm nghẹn ứ cổ, nhưng nàng cố kìm chế, trấn tĩnh nói :

- Trại ấn định cứ 3 tháng một lần, thân nhân được phép đến trại thăm nuôi tù. Tôi chưa bao giờ nghe cái thời gian hạn định 90 ngày quái đản đó.

- Chưa nghe, bây giờ tôi nói cho nghe. Ðảng đã nói là trước sau như một. Chị mang đơn về chữa lại ngày tháng cho đúng quy định.

Nếu không thương chồng, vì con, nàng dám xé lá đơn ném vào mặt hắn rồi ra về cho hả cơn bực tức.

Thế là chuyến đi thăm nuôi chồng của Thanh Cẩm phải chậm lại một tuần lễ.


***

Trời vào Ðông, thời tiết chuyển mùa bắt đầu mang khí lạnh cắt da đến với khu rừng già ma thiêng nước độc nầy. Buổi sáng mây phủ đen kịt bầu trời. Cơn mưa bắt đầu đổ xuống. Nước từ mấy ngọn đồi chung quanh chảy như thác, chẳng mấy chốc ngập trắng xóa dãy ruộng mạ nằm bên vòng rào của trại tù. Gió thốc làm nghiêng ngã cây cối, hú lên từng cơn nghe buồn não nuột. Chợt một hồi ba tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ tù nhân xuất trại đi lao động. Trong nỗi chán chường khởi đầu một ngày làm việc khổ sai, Trần Ðình Thắng đọc hai câu thơ của Cao Bá Quát :

“Ba hồi trống giục mồ cha kiếp. Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời !”.

Thế rồi, hai câu thơ ấy “bay” đến tai cán bộ quản giáo đội. Thắng bị tra vấn trong giờ lao động ngay nơi đang làm việc. Chiều về phải viết tờ tự kiểm. Tối hôm sau cả đội họp để phê bình xây dựng Thắng. Chúng gán ghép anh đọc thơ phản động. Thắng cương quyết bác bỏ luận điệu ấy. Anh lý luận rằng :

“Văn học xã hội chủ nghĩa đã ca ngợi Cao Bá Quát như một nhà cách mạng chống cường hào ác bá trong thời phong kiến. Ông có tư tưởng giải phóng giai cấp vô sản... Hai câu thơ ấy đã thể hiện tính khí khái của bậc nho học trước khi lên đoạn đầu đài. Chẳng lẽ cải tạo viên không được đọc thơ của những người mà Cách mạng đã chọn lọc, đánh giá và xếp họ vào thành phần yêu nước ?! Ví dụ bốn câu thơ sau đây :

“... Nước mắt máu mồ hôi
Ðong hàng bát hàng bát
Bán đổi lấy cơm ôi
Nhặt từng hạt từng hạt...!”


Có lẽ nào cán bộ ghép tội phản động cho bốn câu thơ đó khi người tù cải tạo đọc lên ?”

Quản giáo hỏi :

- Bốn câu thơ đó của ai ?

- Trong bài “Bài ca Tháng Mười” đăng trong tập thơ Việt Bắc của ông Tố Hữu, thần tượng trong thi ca cách mạng đấy.

Thắng mạnh dạn trả lời.

Tên quản giáo vặn hỏi :

- Tài liệu đó anh lấy ở đâu ?

- Tôi đọc trong sách báo của trại cho mượn.

- Ðược, tôi sẽ cho người truy tìm bài đó. Tên Quản giáo ậm ừ rồi cho qua mục khác.

Cán bộ thay phiên nhau mổ xẻ, phân tích vấn đề suốt ba đêm liền mà Thắng vẫn không nhận lỗi. Một số đồng tù ngầm khuyến khích Thắng giữ vững lập trường. Số khác bất mãn vì quá mệt mỏi. Làm việc suốt ngày, tối còn phải ngồi nghe những bài giáo dục “Xưa như trái đất” cứ nhai đi nhai lại của mấy tay cán bộ.

Ngày cuối tuần, vợ Thắng đến trại thăm chồng, Ban giám thị không cho gặp. Chúng còn hăm dọa và khủng bố tinh thần của Thanh Cẩm :

“Chồng chị đọc thơ có mang tư tưởng phản động, có ý đồ nổi loạn chống chính quyền cách mạng, kể từ nay, cấm thân nhân tiếp tế cho tù phạm Trần Ðình Thắng. Thời gian cải tạo sẽ kéo dài. Chị đừng mong có ngày đoàn tụ”.

Cẩm quay về lòng rối như tơ vò, không biết tình trạng thực hư của Thắng như thế nào. Từ ngày chồng vào tù, cứ ba tháng một lần, nàng lẽo đẽo đạp xe vượt qua hơn hai mươi cây số đường rừng sau khi phải mất một ngày ngồi trên xe hơi rồi chuyển qua xe Lam mới đến khu trại nhốt tù để thăm nuôi chồng. Nàng lận đận nuôi con, nuôi chồng, hy vọng một ngày nào đó gia đình sẽ được đoàn tụ. Ðọc thơ Cao Bá Quát mà bị ghép tội nặng đến thế sao ? Hiện tại thì đen tối, còn tương lai lại mờ mịt ! Càng nghĩ đến chồng, đến con, Thanh Cẩm càng đau xót cho thân phận. Cuộc sống của mẹ con nàng rồi sẽ trôi nổi về đâu ?

Trước cảnh núi rừng cheo leo hiểm trở, một thân đơn độc đi trên con đường vắng vẻ, chỉ nghe tiếng vượn hú, gió gào, bỗng dưng một cơn lạnh chạy dọc theo xương sống của nàng rồi lan nhanh đến mặt mày tay chân trong lúc xe nàng đang đổ dốc. Thanh Cẩm hoàn toàn mất tự chủ, cả xe và người bị rớt xuống hố sâu.

Qua ngày hôm sau, người ta mới phát giác xác nàng nằm sóng soài trên chiếc xe đạp gãy đôi. Mắt mũi, các ngón tay và ngón chân đã bị loài chuột rừng rúc rỉa, kiến bu đen ngòm trên thân thể tím bầm.

Phần Thắng trong những buổi tra vấn, nhất định không nhận lỗi và quyết bảo vệ lý lẽ của mình :

- “Không ai có quyền nâng hàng quan điểm để kết tội một người tù đọc thơ đã được Bộ Giáo dục tuyển chọn đưa vào nền Văn học Cách Mạng của chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Ðể đánh gục tánh gan lỳ của Thắng, ban giám thị tập trung mũi dùi trừng trị. Trước tiên, chúng đưa Thắng vào phòng kỷ luật, bắt viết kiểm điểm hết tờ này qua tờ khác, hết ngày nầy qua ngày khác. Tiêu chuẩn phần ăn bị cắt giảm. Cấm mọi sự tiếp xúc của bạn tù. Ai liên hệ với anh là đồng lõa, âm mưu chống phá. Sự áp đảo tinh thần cực kỳ tàn độc cùng với cơn đói dày vò triền miên đã khiến cho Thắng đành cam chịu có khuyết điểm.

Một cuộc họp toàn trại công bố tội trạng của Thắng như sau : “Có tư tưởng chống đối cách mạng. Mượn thơ Cao bá Quát để xúc phạm Ðảng và nhà nước, ngoan cố ù lỳ không chịu nhận tội lỗi”, lĩnh phạt mười lăm ngày cùm hai chân trong phòng kiên giam. Cắt bớt nửa tiêu chuẩn phần ăn hàng ngày.”

Sau thời gian thi hành kỷ luật, Thắng được thả ra thì nghe tin vợ chết vì tai nạn rớt xuống đèo trong chuyến thăm nuôi vừa qua. Anh nằm liệt giường không ăn uống suốt ba ngày liền. Nửa đêm, mọi người đang yên giấc bỗng nghe tiếng gào “Ta là vua” liên tục vang lên. Ðó là tiếng la của Thắng. Anh thực sự nổi cơn điên từ đêm thứ ba. Sau hôm đó Thắng bị nhốt trong khu cách ly.

Ngày cũng như đêm anh ngồi trên sạp, mắt nhìn thao láo lên trần nhà, miệng lẩm bẩm như đang đối thoại với một kẻ vô hình. Ðêm đêm, tiếng khóc rợn người cất lên từng chặp một. Có lúc Thắng thét lên hãi hùng :

Cáo, cáo giết người, cứu tôi với ! Có lúc nghe tiếng cười sằng sặc với giọng ngâm :

"Ba hồi trống giục mồ cha kiếp, Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời ! "

Rồi đang đêm nhiều người nghe được giọng ngâm ti tỉ: Nước mắt máu mồ hôi, Ðong hàng bát hàng bát. Tiếp theo là tiếng khóc nỉ non, ai oán của một phụ nữ vang lên trong màn đêm u tịch. Tù nhân ngơ ngác trước hiện tượng lạ lùng. Chẳng lẽ hồn ma của Thanh Cẩm, vợ Thắng từ cõi âm hiện về nhập vào anh ?

Ban giám thị quyết định đưa Thắng đến nhà thương trị bệnh. Từ đó, tù nhân không còn nghe tin tức gì về anh.

Bẵng đi thời gian, một hôm có tin loan truyền Trần Ðình Thắng đã treo cổ tự vẫn tại Bệnh viện tâm thần !?



Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích.