PDA

View Full Version : Di Tản Chiến Thuật



Longhai
08-11-2013, 10:14 PM
Di Tản Chiến Thuật


Trần Ngọc Toàn


Từ trung tuần tháng 3 năm 1975, đơn vị của tôi chưa hề bao giờ nhận lệnh đánh giặc mà chỉ đuợc lệnh rút lui từ Quảng Trị về Huế. Rồi từ Huế về Đà Nẵng cho đến giữa trưa ngày 29 tháng 3, tôi và đám “đệ tử” phải dùng phao bơi ra cửa biển Non Nước trong cảnh hỗn lọan và đạn pháo 130 ly của VC từ trên đỉnh Đèo Hải Vân. Tôi cùng thuộc cấp đuợc kéo lên hải vận hạm HQ 401, rồi tàu hướng về Nam.

Trên boong tàu, quân lính đủ sắc phục với vợ con chen chúc đứng ngồi nhấp nhỏm. Không còn chỗ nào trống. Ai trông cũng đầy vẻ lo lắng đăm chiêu. Họ vừa trải qua cơn kinh hoàng của cuộc di tản hỗn lọan, chết chóc trên bãi biển Non Nước Đà Nẵng. Trong lúc ấy, chiếc xà lan Quân Vận chở đầy người, gồm đa số lính mặc đồ trận đứng chen chân, lố nhố trên một mặt bằng, không mái che và không rào cản, trôi giữa biển cả mênh mông. Vị hạm trưởng HQ401 cho người mời vị Tiểu Đòan trưởng Thủy Quân Lục Chiến lên đài chỉ huy, ông đưa tay chỉ về hướng chiếc xà lan mở lời ngay :

- “ Chúng tôi phải cho xà lan cặp tàu để kéo về Nam. Số người quá giang cũng phải cho sang tàu. Tôi thấy nhiều lính mặc quân phục rằn ri của TQLC...”

Ông ngừng nói và nhìn vào mặt tôi như xem phản ứng rồi tiếp :

- ‘Xin Thiếu tá lấy người của ông phụ với an ninh Hải Quân làm sao cho yên ổn khi quân lính chuyến tàu.”

Tôi đăm chiêu nhìn về phía xà lan rồi quay sang nói với vị Hạm trưởng :

- “Anh cho tôi muợn chiếc ống dòm. Tôi cần cái loa phóng thanh xách tay nữa.”

Từ trên đài chỉ huy chiến hạm, tôi gọi loa gọi xuống đám đông :

- “Trung Sĩ nhất Quận ! Trung Sĩ nhất Quận !”

Từ trong căn buồng của thuỷ thủ đoàn ở cuối tàu, Trung Sĩ nhất Quận mở cửa bước ra, đưa tay vẩy vẩy ra hiệu nhận biết.

- “Trung Sĩ nhất Quận tập họp anh em Tiểu Đoàn 4 lại, phối hợp với an ninh tàu chuẩn bị đón người từ xà lan qua tàu.”

Chờ cho T/Sĩ Quận đưa một cánh tay lên nhận hiểu, tôi tiếp lời :

- “Tôi cần nói rõ là Quân nhân sang tàu phải giao nạp vũ khí tạm giữ vào kho, ngọai trừ Trung Tá Lê Bá Bình. Tiểu Đoàn Trưởng. Tiểu Đoàn 6 TQLC của mình.”

Quận lại giơ cao một cánh tay đáp nhận. Đám lính của đơn vị tôi lục tục kéo về phía T/S I Quận, với vũ khí trên tay. Vừa lúc ấy, chiếc xà lan cặp vào hông tàu. An ninh Hải Quân khó nhọc len lỏi kéo dây neo giử. Tôi đi vội xuống boong với chiếc loa cầm tay. Chiếc cầu gỗ lắc lẻo được bắc qua xà lan với sợi dây mỏng manh làm tay vịn. Tôi đưa loa hướng về phía xà lan khi nhận ra Trung Tá Bình đứng giữa đám lính của TĐ6TQLC, tôi nói :

- “Đây là Thiếu Tá Toàn Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4TQLC xin Trung Tá Bình điều động anh em TQLC qua tàu trước. Ngọai trừ trường hợp đặc biệt, yêu cầu các Quân nhân giao nạp vũ khí ngay khi chuyển tàu do vấn đề an ninh và an toàn trên tàu.”

Anh em TQLC bên xà lan giơ cao súng lên trời reo hò mừng rỡ. Trung Tá Bình chậm rải đi qua chiếc cầu chông chênh theo sau người lính có vẻ như cận vệ. Khi hai người đưa tay cùng chào và bắt tay nhau, tôi nói với Bình :

- “Vấn đề an ninh trên tàu bây giờ rất cần thiết, đề nghị anh tập họp lính của Tiểu đoàn anh, người nào mình không nhận diện ra đuợc thì tước vũ khí cho an toàn, kế cả những người mang cấp hiệu Sĩ quan. Bình gật đầu tán đồng. Từ đó, cuộc chuyển người từ xa lan sang tàu tuy chậm nhưng an toàn và bình lặng. Boong tàu chật cứng như nêm. Một người mặc quân phục không mang cấp bậc đang dìu người đàn bà trẻ đẹp, dừng lại chỗ tôi đứng đưa tay chào rồi nói :

- “Xin Thiếu tá đưa giúp vợ tôi vào trong, hai ngày rồi cô ấy không đái ỉa đuợc.”

Anh ta liền nói thêm :

- “Tôi là Y sĩ Trung Uý Dân của Quân Y Viện Đà Nẵng”.

Bất giác tôi nhìn người đàn bà đáng thương, nói :

- “Ông chờ cho chúng tôi chuyển hết hành khách rồi tính sau.”

Dân chúng và lính tráng lẫn lộn, lần luợt qua tàu. Chờ cho đến lúc xong đâu đấy, tôi quay người đi vào trong, không nhớ hai vợ chồng người y sĩ trẻ. Chợt từ trong đám đông lố nhố dưới sàn tàu, một cô gái đứng lên đưa tay vẫy gọi. Tôi dừng chân, cúi người xuống chờ nghe. Cô gái nói giọng Bắc vừa đủ nghe :

- “Hai ngày trên xà lan, em chịu không nổi nữa, anh giúp cho em vào bên trong một lúc thôi”

Cô trông chạc 18-19 tuổi, nét mặt tái nhợt, mệt mỏi, tóc để dài chấm lưng, chắc còn đi học. Tôi chưa kịp trả lới, cô nàng quay sang chì vào người đàn ông lớn tuổi, nói :

- “Đây là Bố em và đây là hai anh trai của em.”

Một người nói khẩn khỏan :

- “Ông giúp hộ cho em nó vào buồng tàu, ngoài này …”

Tôi lần chần nhìn quanh. Một lúc sau, tôi quyết định chồm người xuống đưa tay kéo cô gái lên. Nhờ sức đẩy của hai anh trai, cô gái leo lên được chỗ đứng của tôi. Không nói gì, tôi ra hiệu cho cô gái đi theo. Tôi nhường chỗ nằm của mình trong phòng ngủ của sĩ quan đoàn viên trên tàu. Ít nhất cô gái cũng có chỗ đi ngòai kín đáo.

Thêm một ngày lênh đênh dọc hải phận Miền Trung. Tôi cũng không kịp hỏi tên người con gái trẻ, có lẽ cô nàng chỉ độ tuổi học lớp 11,12, tóc còn để dài buông xuống ngang lưng. Hình như tôi có nghe cô gái kể người mẹ và chị bị rớt lại ở bãi biển Non Nước trong cơn hỗn lọan của cuộc di tản. Tôi hết ngồi lại đứng tựa vào phần chỗ tương đối còn rộng rãi, gần đài chỉ huy của chiếc tàu, đầu óc căng thẳng.

Tôi suy nghĩ miên man, cuộc chiến này rõ ràng sắp đến hổi kết thúc. Hồi kết thúc này chấm dứt chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt đổ lên đầu người dân Việt vô tôị. Hồi kết thúc này có lẽ cũng cắt ngang đời binh nghiệp gian truân của tôi. Mười năm trước đây, tôi đã ngã xuống trong mặt trận Bình Giả, đánh dấu giai đọan bùng nổ của cuộc chiến tranh được gọi bằng nhiều tên nhất trong quân sử thế giới. Đến nay, tôi linh cảm như mình đang chứng kiến trận chiến cuối cùng ác liệt và dữ dội hơn bao giờ hết.

Tôi và các đồng đội còn đứng vững hướng mũi súng về phía quân thù. Nhưng đàng sau lưng, hình như tất cả đã sụp đổ đến độ tàn nhẫn. Chưa lúc nào tôi cảm thấy cô độc như lúc này, lẻ loi giửa đám đông cả ngàn người, vừa lính vừa dân chen chúc trong chiếc quân hạm này.

Chỉ có đám lính của tôi vẫn vô tư. Thỉnh thoảng trong ngày, đệ tử Sơn ghé đến mang món ăn gì đó cho người tiểu đoàn trưởng. Sơn bảo em bắt giò đuợc đầu bếp cho sĩ quan dưới tàu. “Đại bàng ráng ăn để lấy sức”. (Đại bàng là danh hiệu của TĐT/TQLC)

Bây giờ tôi mới hiếu ra chữ “Sức” ý nghĩa như thế nào, như trong bài văn điếu đọc trong lễ Truy Điệu các chiến sĩ trận vong trong ngày mãn khóa ở trường Võ Bị ...”

- “Chí những mong tiến bước, nhưng “SỨC” không kham nổi đọan đuờng….”

Chưa bao giờ tôi thấy sức lực của minh mòn mỏi như thế này. Vào quá nửa đêm về sáng, cô gái trẻ tìm đến chỗ tôi, lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh. Khi tôi quay lại đưa mắt dò hỏi, nàng nói nhỏ nhẹ:”

- “Sao anh không xuống dưới nằm ngủ một lúc cho lại sức?”

Bất giác, tôi cầm lấy bàn tay nhỏ xíu, mềm mại của cô gái không nói gì. Nàng thủ thỉ tiếp

- “Em đã thấy khỏe lắm nhờ đuợc anh cho vào ngủ trong phòng”

Tôi vẫn nín lặng, không biết nói gì với nàng lúc này. Vợ con của tôi vẫn còn an toàn ở Sài Gòn. Cô gái nói nhỏ :

- “Em chờ mãi không thấy anh xuống nghỉ nên mới đánh liều tìm anh”

Tôi nhìn nàng như muốn đọc tư tưởng của cô gái rồi nói:

- “Thôi cô xuống dưới đi, để giường trống thế nào cũng có người chiếm mất”

Nàng có vẻ bất đắc dĩ chậm chạp đứng lên, luồn người xuống cầu thang sắt, tôi còn nhìn thấy hai ánh mắt cô gái long lanh như hai giọt nước.

Lệnh từ Sài Gòn buộc hải vận hạm HQ 401 phải cập bến Cam Ranh để đổ quân lên và trở lại vùng biển miền Trung. Lên bờ, tôi gom nhặt hết đám quân lính tản lạc được khỏang nửa Tiểu đoàn. Tuy chiến tranh chưa đến nhưng không khí ở đây đã sặc mùi khói lửa do quân lính di tản từ vùng ngòai mang về. Tất cả có vẻ vừa hối hả vừa rời rạc, chậm chạp nặng nề. Đại Tá Tư lệnh Phó Sư Đoàn TQLC bảo tôi mang đơn vị tạm đóng quân ở lưng chừng đồi cát màu da cam, gần cầu cảng chờ lệnh. Tôi uể oải bước ra căn nhà của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận tạm làm Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn hành quân. Đám lính TQLC hỗn độn im lặng kéo theo chân vị tiểu đoàn trưởng, dáng chừng mệt mỏi.

Không rõ từ đâu và từ bao giờ, cô gái trẻ và người cha với hai người anh bám sát gót chân tôi. Sau khi chỉ chỏ các đại đội rải quân đóng tạm trên đồi cát, tôi quay lại bảo Trung Sĩ Nhất Quận lấy Poncho căng làm lều và lấy chiếc băng ca làm giường ngủ tạm qua đêm.

Không ai nói ra nhưng rõ ràng đám lính cận vệ của tôi đã coi gia đình cô gái này như người nhà. Sơn Cà Lăm lại còn cho ăn mì gói. Tôi cố nuốt trôi xuống bụng. Khi đêm xuống, tôi bảo cô gái nằm ngủ trên chiếc băng ca dành cho tôi. Tôi cột giây tấm võng ni-lông vào hai bụi cây gần đấy. Thêm một đêm mất ngủ. Tôi thấy cô gái cứ trở người ngồi dậy nhiều lần trong đêm. Tôi không còn đầu óc và tâm trí đâu nữa để lần khân với cô gái. Ngoài kia, ĐN, hai người bạn cùng khóa Võ Bị thân nhất của tôi là Phúc và Tùng đã kẹt lại với đám quân sĩ còn sôi sục tâm can. Viễn ảnh đen tối của tương lai đất nước như đã thấy rõ trước mắt. Tôi nằm lịm đi trong suy nghĩ miên man, khẩu súng M18 đong đưa dưới đầu võng.

Tôi bừng tỉnh dậy khi ánh sáng đỏ lói của mặt trời rạng Đông phản chiếu rực rỡ trên vùng nước lặng như gương của Vịnh Cam Ranh. Cô gái trẻ nằm ngủ ngon giấc. Đầu cô nghiêng một bên mép chiếc băng - ca để mái tóc dài xỏa xuống gần chấm mặt đất. Gương mặt trái soan xinh xắn trông rất trẻ và trong trắng như thiên thần. Mũi thon và đôi môi nhỏ như chum lại vòi vĩnh.

Buổi sáng trời thật trong mát rất yên tĩnh, tôi nghe rõ tiếng sóng nước vỗ nhẹ lên bờ cát mịn. Lòng tôi dịu xuống và ưỡn ngực hít mạnh không khí trong lành của buổi sáng trên bờ biển êm sóng. Tôi cúi xuống xỏ chân vào đôi giày trận, định xuống đi dạo dọc bờ nuớc. Khi tôi vừa đứng lên dợm bước thì cô gái đã thức dậy từ lúc nào. Cô ngồi thẳng lưng, đưa hai cánh tay trắng nõn lên vuốt sửa mái tóc. Đôi mắt chớp chớp như làm duyên. Tôi ngồi xuống võng, lên tiếng :

- “Anh vẫn chưa biết em tên gì ?”

Cô gái nhí nhảnh chỉ tay về phía ngực áo của tôi, nói lãnh lót :

- “Nhưng em đã biết tên anh. Từ bé em đã thích con trai tên Toàn. Em là Thoa, Đặng Thị Thoa.”

Tôi mãi ngắm nhìn nàng nên không nói gì.

- “Bố em làm trong Toà Lãnh Sự Mỹ ở Đà Nẳng. Họ bảo gom gia đình ra bãi biển Tiên Sa chờ lệnh di tản. Chờ mãi không thấy gì. Khi Việt Cộng nã pháo 130 ly, bố em kéo cả nhà chạy bừa xuống xà lan đang chuẩn bị tách bến. Người đông ơi là đông, chen lấn nhau khủng khiếp. Mẹ và chị em bị rớt lại lúc nào không rõ, mãi đến lúc xà lan ra khơi, bố em đi tìm quanh không thấy”

Nàng kể một hơi như không kịp thở. Đôi mắt long lanh. Tôi vẫn im lặng rồi đứng lên quay lưng đi về phía biển. Thoa chạy theo chân trần, mải đến lúc cùng sóng bước trên bờ, tôi mới nói :

- “Tin tức cho biết một Lữ Đoàn Dù đã được đưa ra trấn đóng ở Khánh Dương, Nha Trang. Anh nghĩ Việt Cộng đã lấy từ Quảng Nam ra Đà Nẵng rồi. Nếu bố em có thân nhân gia đình nên rời khỏi nơi đây ra ngoài phố đón xe về Sài Gòn chờ xem tình hình ra sao rồi tính. Chiều hôm qua, anh nghe người ta sẽ gom quân TQLC đưa ra trấn giữ Phan Rang. Tình hình này sẽ rối lọan lớn, em nói với bố nên tìm đuờng về Sài Gòn càng sớm càng tốt”.

Thoa ngước nhìn tôi gục gặc đầu như am hiểu. Khi quay lại chỗ đóng quân, tôi cầm lấy tay Thoa bóp nhẹ, nói:

- “Anh còn phải hành quân dài ngày”.

Thoa nép người vào một bên vai tôi, im lặng, rưng rưng như thổn thức. Tôi vào Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn hỏi mượn chiếc xe Dodge lấy cớ cho lính đi mua thực phẩm ngoài chợ. Sau khi dặn dò T/S I Quận, tôi bảo gia đình của Thoa leo lên xe. Tôi đứng lặng nhìn theo chiếc xe khuất sau đồi cát. Chừng một tiếng đồng hồ sau, Quận và Sơn hớt hải chạy về. Linh cảm có chuyện không lành, tôi bước ra chặn hỏi, Quận và Sơn nói lập bập :

- “ Loạn ở ngoài Cam Ranh rồi, Đại Bàng ơi. Tụi nó bắn lung tung hết, tụi em vừa cặp bến xe đò thì một đám lính mặc đồ linh tinh chận bắn túi bụi, tụi em nhào xuống xe vừa bắn trả vừa chạy. Tụi nó đông lắm, tụi em phải bỏ chạy bộ về đây”

Quận ngừng nói như để thở, rồi tiếp :

- “Tụi nó còn chặn bắn xe của một ông Đại tá ở....”

Tôi bảo hai người lính trở về chỗ đóng quân. Sơn “Cà lăm” vừa đi vừa chửi thề... Tôi nghe mà không nhịn cười đuợc. Lính lúc nào cũng thế, vô tư lạ đời. Không không biết số phận của gia đình Thoa ra sao ? Tôi nóng ruột...

Vào giữa trưa, lệnh cho gom quân lên xe Quân Vận di chuyển sang cầu cảng số 2 để lên tàu về SàiGòn. Không lẽ chỉ còn có Sài Gòn. Sài Gòn thượng vàng hạ cám. Sài Gòn ngắc ngoải thoi thóp. Trái tim Sài gòn như đã được bàn tay phù thủy mang đi mất. Sài Gòn không còn trái tim nữa. Chạng vạng chiều hôm ấy, mấy ngàn TQLC còn sót lại chen chúc trên cơ xưởng hạm HQ 800 rời bến Cam Ranh trực chỉ Sài gòn. Nghe nói có mưu toan làm một cuộc đảo chánh để lật ngược thế cờ. Ai làm gì thì làm, lính trận cũng bất cần. Đâu ai ngờ sau này rơi vào tay CS còn thảm khốc hơn nữa.

Mãi đến tối hôm sau, chiếc tàu Hải Quân mới vào cửa Cần Giờ, lệnh từ Phủ Tống Thống buộc phải đổ hết quân TQLC lên Vũng Tàu. Lính tráng reo hò mừng rỡ như mở hội. Tôi uể oải đưa đơn vị về hậu cứ, TĐ4/TQLC tại Vũng Tàu. Tôi nhường cư xá cho vị Tư Lệnh tạm trú, còn tôi và đám lính cận vệ quay quần trong mấy căn nhà khách, bên cạnh câu lạc bộ của Tiểu đoàn. Tôi gọi điện thoại về Sài Gòn tin cho vợ biết đã về đến hậu cứ nhưng bảo nàng đừng vội xuống Vũng Tàu vì tình hình biến chuyển quá nhanh, như ngọn lửa rừng cháy lan trước gió.

Ngoài phố, nghe nói lính mặc đủ sắc phục di tản từ Miền Trung về với vũ khí trên tay đang thả rong, sục sạo các ngõ ngách. Đặc khu Vũng tàu vội ban bố lệnh thiết quân luật. Trong phòng ngủ, tôi ngã vật xuống lịm đi trong giấc ngủ phủ chụp nặng nề.

Ngày 4 tháng 4 năm 1975, tôi đuợc lệnh tái tổ chức đơn vị với lính bổ sung và đem quân trấn đóng từ cầu Cây Khế ra Bãi Dâu, dưới chân Núi Lớn. Những đợt di tản người gồm cả dân với lính tiếp tục đổ lên thành phố biển. Số người quá đông khiến thành phố phải căng dựng lều quân đội ở sân vận động để giải quyết. Các biến cố xảy ra dồ dập. Đám lính di tản mất đơn vị vẩn vũ khí trên tay đã tạo ra bất ổn và biến động trong dân chúng.

Rạng ngày hôm sau, tôi đuợc lệnh đưa một Đại đội với Tiểu đoàn phó. mới bổ nhiệm, lên trấn giữ cầu Cây Khế. Tôi cho lệnh tước tất cả vũ khí của các Quân nhân lạc đơn vị đang bám theo xe đò về Sài Gòn. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, súng ống tịch thu chất đống cao hơn xe chở khách.

Trên hệ thống máy vô tuyến đặt trên xe, hậu cứ đơn vị báo cho tôi biết có người cần gặp gấp. Gặng hỏi thì tôi đưọc biết là gia đình Thoa từ Cam Ranh. Tôi bàng hoàng lên xe quay về hậu cứ. Khi tôi bước chân vào phòng khách, Thoa đã vụt tới ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở. Xúc động trào lên nghẹn cổ, tôi vỗ vỗ vào lưng Thoa mà không nói gì. Thoa đã chạy lấy sống trong cái chết, lạc mất cha và hai anh. Thoa đánh liều chạy theo đám đông, xuống ghe ở Cam Ranh rồi lên Vũng Tàu. Bây giờ nàng không có nơi nương tựa ngoài tôi ra. Tôi thật sự lúng túng. Tôi đã dặn vợ đừng tìm xuống thăm ở Vũng Tàu, nay bên cạnh lại xuất hiện một người con gái, tình ngay lý gian, nều đến tai vợ thì biết giải thích ra sao!

Tình hình chiến sự rối ren, nóng bỏng từng ngày. Đơn vị nát tan. Bạn bè, đồng đội đã ngã xuống hay còn kẹt lại ngoài Trung không tin tức. Máu và nước mắt chan hòa. Tôi bào Sơn dọn cho Thoa một căn buồng bên dãy nhà tiền chế dành cho khách. Thoa có thể ăn ở câu lạc bộ đơn vị ngay kế đó.

Đến ngày đơn vị của tôi được lệnh kéo quân lên tăng cường tuyến phòng thủ Long Thành và Hố Nai, Thoa xin đi theo để tìm đến nhà thân nhân ở ngã ba Ông Tạ. Tại ngã ba Tam Hiệp, khi dừng quân chờ xe Quân Cảnh, tôi dúi vào tay Thoa một ít tiền mặt và chận xe đò cho Thoa về Sài Gòn. Đám lính kháo nhau bảo ông tiểu đoàn trưởng bị đào nhí đeo. Sơn Cà-Lăm giận dữ cải chính nhưng chẳng ai tin :

- “Ổng nổi tiếng bay bướm ai mà không biết”.

Sự thật bao giờ rồi cũng tự nó phơi bày ra. Những ngày kế tiếp, đầu óc tôi ngày đêm căng thẳng, với tình hình biến động càng lúc càng bế tắc. Có hôm tôi vội chạy xe về nhà. Khi đuợc hỏi ý kiến vế việc di tản theo những người Mỹ làm việc ở DAO, tôi miễn cưỡng bảo vợ cứ lo đưa hai con theo. Tôi còn kẹt lại với đơn vị và lính tráng dưới quyền. Bỏ đi lúc này là đào ngũ. Bén nhạy với tình thế bên ngoài, vợ tôi đã chuẩn bị túi xách, tư trang để chạy.

Ngày 28 tháng 4, vợ tôi lại chạy lên Hố Nai năn nỉ tôi bỏ về để chạy với vợ con. Tôi cương quyết không chiụ và bảo vợ cứ yên chí đi trước với con. Vợ tôi gạt nước mắt quay về.

Hai sư đoàn VC đã áp sát Long Khánh, Trảng Bom. Ngay tại Hố Nai, Tiếu Đoàn 6 TQLC đã chận bắn hạ hai chiếc xe tăng T54 ngay trên Quốc lộ I. Chúng khựng lại chờ viện binh.

Sáng ngày 30 tháng 4, Tiểu đoàn 4 TQLC của tôi, theo lệnh của Đại tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, lặng lẽ rút quân trên đuờng Quốc lộ 1, từ Biên Hòa về căn cứ Sóng Thần, Thủ Đức, trong lúc Dương Văn Minh kêu gọi “buông súng”. Không có cuộc chạm súng trên đuờng.

Cuối cùng, tôi chia tay với đơn vị, chua xót và đau đớn tìm đuờng về nhà ở Sài Gòn. Đệ tử Sơn cà lăm cũng chạy tìm đâu đuợc bộ quần áo thường phục cho tôi thay. Lận khẩu súng Colt sau lưng, tôi đi bộ lần ra Quốc lộ I. Trên đường xác những người lính rãi rác với Quân phục còn nguyên trên người chắc do bọn du lích VC sát hại. Nhưng tôi chưa thấy bóng dáng bọn quân chính quy VC đâu cả. Thỉnh thoảng có vài tên mặc thường phục với băng tay đỏ phóng xe Jeep như cảnh ngày Đảo chánh 1 .11.1963. Sau này tôi mới biết đó là bọn “Cách mạng 30.4”.

Đang lầm lủi trên đuờng, tôi giật thót người khi nghe có người gọi tên mình. Không quay lại, tôi cứ lờ đi mà bước tiếp.

- “Anh Toàn ! Anh Toàn !, Thoa đây !”

Tôi sững sờ quay lại. Cô gái xác xơ đứng lặng đấy, tuí hành lý nhẹ tênh một bên tay

- “Em chạy tìm anh suốt sáng từ Biên Hoà về đây.

- “Sao bảo cô về Sài Gòn”

- “ Vâng, nhưng em lên tìm anh từ hôm qua ở Hố Nai cơ.”

Tôi hết sức bối rối, tưởng muốn ngã quỵ xuống đuờng. Ôi ! đất nước, anh em, bạn bè, đồng đội ! Tương lai nay đã mù mịt. Đi thêm một đổi đuờng rồi tôi đón xe Lam ba bánh. Thoa ngồi sát bên tôi trong thùng xe chật ních hành khách. Mãi đeo đuổi những ý nghĩ quay cuồng trong đầu, chiếc xe dừng lại ở đầu cầu Bình Lợi từ lúc nào. Tôi ngoái đầu nhìn ra thấy thấp thoáng tụi “30 tháng 4” với súng M 16 nhặt đâu đuợc, xăng xái chận xét hành khách. Tôi lách người bình tĩnh bước xuống. Thoa líu ríu chạy theo. Khi đến gần chỗ kiểm soát, Thoa bỗng nhiên ngã quỵ xuống đuờng rên rỉ...

Tôi không biết làm sao nên vội cúi người xuống đỡ cô bé dậy. Có giọng hách dịch hỏi :

- “Ê, anh kia đi đâu ? Đưa giấy tờ coi.”

Thoa ra vẻ đau đớn, nói :

- “Mấy anh ơi, em bị bệnh nặng, chồng em phải đưa em đi bệnh viện. Ối ối ! đau quá.”

Tôi suýt phì cười vì màn kịch đóng quá khéo léo của Thoa. Một tên nhỏ người mang băng đỏ xua tay nói :

- “Đi đi ! Lẹ lên. Đoàn xe “Cách mạng “ sắp tới rồi. Không qua cầu đuợc nữa.”

Tôi cúi xuống đỡ ngang lưng của Thoa cố bước nhanh theo đám đông. Tôi quyết định đưa Thoa về bến xe Miền Đông bên xa lộ Biên Hòa.

Tôi không khỏi xúc động khi thấy Thoa làm liều cứu chàng. Trên đuờng Thoa nói nhỏ bên tai tôi :

- “ Em sợ chúng bắt anh. Nếu biết anh là Sĩ quan TQLC chúng không tha anh đâu.”

Tôi ngập ngừng hỏi Thoa :

- “Sao em lại muốn cứu anh ?”

Thoa đáp không suy nghĩ :

- “ Anh đã từng cứu em trên tàu cơ mà”

Giản dị quá, chỉ có thế thôi. Sao tôi cứ quay quắt, nghĩ ngợi mông lung. Sống hay chết đều có số phần cả. Ở bến xe Miền Đông, tôi đưa Thoa tìm bãi đậu xe đò đi Đà Nẳng. Tôi dúi một nắm bạc giấy 500, còn dấu trong túi quần, vào túi xách của Thoa và dặn nàng hãy về lại Đà Nẳng với mẹ và chị. Có thể gặp lại bố và hai anh. Tôi tin VC còn chưa kiểm soát trên Quốc lộ 1.

Thoa cứ dây dưa, vùng vằng mải nhưng tôi bảo tôi phải về với vợ con. Thế là Thoa miễn cưỡng cúi đầu lên xe. Đứng chờ cho xe khởi hành, trong đám đông hành khách nhốn nháo, tôi nhìn lên thấy Thoa như đang khóc. Tôi không sao cầm được lòng. Đôi mắt mình đã cay sè.

Từ đó đến nay, tôi không hề gặp lại Thoa, Đặng Thị Thoa.



Trần Ngọc Toàn