PDA

View Full Version : Tiểu Đoàn Trâu Điên và Người phóng viên chiến trường.



Longhai
07-29-2013, 04:12 AM
Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên và Người phóng viên chiến trường.

Philato


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1375090010.jpg

Hiện nay cộng đồng người Việt tỵ nạn CS sống trên đất Mỹ thường có một sinh hoạt rất ý nghĩa và đượm tình đồng hương, đó là những buổi họp mặt (Đại hội) hằng năm của những người cùng địa phương, cùng học đường, cùng Quân trường và nhất là của các cựu Quân nhân cùng đơn vị.

Thông thường thì Đại hội được tổ chức vào những dịp có nhiều ngày nghỉ lễ, tùy theo khả năng và nhu cầu mà tổ chức mỗi năm hoặc hai năm một lần. Binh chủng TQLCVN chúng tôi thì tổ chức mỗi năm một lần, luân phiên ở các Tiểu bang khác nhau. Năm 2008 chúng tôi tổ chức tại Little Saigon vào dịp July 4, anh em Mũ Xanh các nơi về tham dự đến gần 400 người, trong đó có khá đông anh em thuộc Tiểu Ðoàn 2/TQLC mang danh hiệu Trâu Ðiên.

Trong khi các cựu Trâu Ðiên đang vui vẻ ôn lại chuyện đồng đội cũ chiến trường xưa thì vị cựu Tiểu Ðoàn Trưởng ra hiệu yên lặng rồi ông mở tờ báo KBC/HN ra cho mọi người xem bài viết của tác giả Ngọc Anh với tựa đề “Người Yêu Trâu Ðiên”. Bên lề bài viết là tấm hình của một phụ nữ rất duyên dáng với áo dài trắng, tóc xõa bờ vai nhưng đôi mắt thì quá buồn. Bầu không khí buổi họp mặt bỗng sôi động hẳn lên, có nhiều tiếng huýt sáo y như ngày nào năm xưa khi em “gái” hậu phương đến thăm anh “trai” ngoài tiền đồn biên giới.

Chưa biết nội dung nói gì nhưng ai cũng đòi người anh cả đơn vị cho cầm tờ báo để ngắm người đẹp, người đẹp giữa chốn ba quân, khiến nét mặt anh cả tươi vui với giọng nói trẻ trung như ngày xưa ra lệnh trước hàng quân :

- “Ai là thủ phạm, ai là ‘Người Yêu Trâu Ðiên’ thì bước ra khỏi hàng”.

Thật bất ngờ, mấy chục “ông già” trong quân phục rằn ri sóng biển cùng nhất loạt đứng lên đưa cao tay, miệng hô lớn :

- “Em, chính em, chính là em”.

- “Thưa đại bàng, không phải thằng đó, em mới chính là thủ phạm”.

Nếu tác giả Ngọc Anh, dù là nam hay nữ, mà nhìn thấy cảnh này chắc chắn sẽ cảm động lắm, chỉ với cái tựa bài viết thôi mà đã khiến những cựu Quân nhân già cỗi nơi hải ngoại bỗng trở lại thành những người lính trẻ trung oai hùng năm xưa, vui thật là vui.

Trước tình thế khó xử, biết trao “Người đẹp” cho ai bây giờ nên anh cả liền bắt bí :

- “Trâu Ðiên nào đã tham dự trận đánh vùng Phú Lâm hồi Tết Mậu Thân đưa tay lên”.

Tất cả các cánh tay lại đồng loạt đưa thẳng lên như năm xưa tuyên thệ ngày mãn khóa tại Vũ đình trường, trong đó có nhiều anh khi trận Mậu Thân xẩy ra thì còn là học sinh. Anh cả mỉm cười vì ai cũng muốn “tự giác”... nên ông đành trao tờ KBC/HN cho một người rồi ra lệnh :

- “Trận Mậu Thân, cậu là một trong hai Ðại Ðội Trưởng chịu trách nhiệm giải tỏa khu vực mũi tàu Phú Lâm, hãy cầm tài liệu này về điều tra xem ai là người bị tác giả N.A khiếu nại”.

Mọi người cùng cười, chỉ một tựa bài viết mà làm không khí sinh động hẳn lên, mọi Trâu Ðiên cùng nâng ly chúc mừng sức khỏe giống như nâng ly mừng chiến thắng Phụng Dư, Ðầm Giơi, Cổ Thành, v.v. Tôi đưa tay nhận tờ KBC/HN như nhận tấm bằng tưởng lục.

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết “Người Yêu Trâu Ðiên”, tất cả những gì tác giả N.A. ghi lại đều có liên quan đến cuộc hành quân 40 năm về trước của đơn vị tôi. Tôi tự hỏi không lẽ lại có sự trùng hợp lạ lùng đến thế sao ? Ðây phải là một câu chuyện có thực.

Nội dung câu chuyện nói về thân phụ của tác giả là một phóng viên chiến trường, ông đi theo Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên để chụp hình quay phim những trận đánh trong thành phố Saigon Tết Mậu Thân. Trong những hình ông chụp có một tấm hình đẹp của người lính Trâu Ðiên và ông đã tặng tấm hình đó cho con gái khi cô mới chỉ là một nữ sinh lớp Ðệ Lục trường Gia Long...

Thân phụ N.A. đã kết thân với người lính ấy và mỗi khi họ trò chuyện bên nhau thì cô bé chăm chú nhìn hình con trâu trên vai áo trận rằn ri. Rồi người lính ấy di chuyển đi nơi khác khiến cô bé bâng khuâng và khi VC tấn công đợt 2 thì thêm một đại họa bất ngờ ập đến với tuổi thơ, thân phụ tác giả đã bị VC hạ sát trong lúc đang thi hành công vụ !

Xin phép tác giả cho tôi trích một vài đoạn trong bài viết “Người Yêu Trâu Ðiên” để đem so sánh với những gì đã xẩy ra 40 năm về trước ở đơn vị tôi khi tham dự trận Mậu Thân : (trích)

- Anh Trâu Ðiên yêu dấu.

Khi viết năm chữ này, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẩy. Trước mặt em là tấm hình đen trắng...

Anh Trâu Ðiên biết mà, tấm hình này chính Ba em chụp cho anh... Tự nhiên Ba cầm tấm hình ngắm nghía rồi đưa cho em, nói :

- “Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con ?”

Tấm hình Ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhật ký nhỏ, giấu kín giữ cho riêng em mà thôi...

Tháng Năm năm Mậu Thân, VC lại tấn công thủ đô lần thứ 2.

Buổi sáng hãi hùng đó, không có anh Trâu Ðiên, Ba em đã đi luôn...

Không, Ba có trở về bằng thân xác còn nóng hổi, máu còn chẩy ra linh láng, ướt hết quần áo em! Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về...

Lá thư này em viết nhưng không bao giờ gửi, vì em đâu biết anh Trâu Ðiên ở nơi nào trên mảnh đất đầy thống khổ... Em viết lá thư này như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Ðiên, ngươi bạn trẻ của Ba, hình ảnh Ba và anh Trâu Ðiên luôn gắn liền nhau trong lòng em. Em giữ mãi lá thư không gửi trong cuốn nhật ký...”

Với lòng mong mỏi anh Trâu Ðiên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ tới anh Trâu Ðiên ngày xưa...

Thực sự tôi chưa biết rõ tác giả Ngọc Anh là nam hay nữ, nhưng tấm hình kèm theo bài viết thì là hình của “cô” Phượng Tím, người cùng với “anh” Dương Thượng Trúc phụ trách mục “Thư Hậu Phương, Thư Tiền Tuyến” trên báo KBC/HN. Tiết mục này tương tự như hộp thư “Dạ Lan” của đơn vị tôi ngày xưa, chuyên gửi những lá thư tình của em gái hậu phương cho anh lính tiền tuyến khiến nhiều anh tưởng thật, mơ một ngày về phép đến rủ em Dạ Lan dạo phố. Nhưng thực sự thì cô “Dạ Lan” cũng chỉ là người lính chiến có súng, cầm súng như các anh mà thôi.

Nhân dịp đọc bài viết “Người Yêu Trâu Ðiên”, tôi xin thuật lại một vài chi tiết 40 năm về trước để giúp tác giả biết thêm về lòng yêu nghề mà không ngại gian lao nguy hiểm của người phóng viên chiến trường. Nếu đích thực ông là thân phụ của tác giả thì xin cho tôi gửi lời chia buồn đến gia đình người quá cố, một phóng viên mà tôi quý mến...


***

Tết Mậu Thân 1968, TÐ.2/ TQLC đang hành quân vùng Cai Lậy, Giáo Ðức, Ðịnh Tường thì được trực thăng bốc về Saigon và đổ quân xuống ngay trong sân bộ Tổng Tham Mưu, sau khi thánh toán xong tụi VC ở trường Sinh Ngữ, trung tâm Ấn Loát, cổng xe lửa số 6 thì Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên chia ra từng Ðại Ðội đi đánh các nơi khác, sau đó thì Ðại Ðội 1 của tôi và Ðại Ðội 4 của Ðại Úy Vũ Dzoan được lệnh giải tỏa lực lượng địch đang chiếm khu cư xá Phú Lâm.

Chúng tôi lục soát và chiếm những mục tiêu đang có VC cố thủ trên những nhà lầu dọc theo hai con đường Hậu Giang và Lục Tỉnh để tiến về mũi tàu Phú Lâm và đài phát tuyến. Vì chiến đấu trong thành phố nên chúng tôi không được phép sử dụng pháo binh và máy bay, do đó chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn bởi vì địch đã nằm sẵn trên các cao ốc, nhìn rõ mục tiêu, nhắm súng vào chúng tôi. Nhưng đã là lính thì phải chấp nhận hy sinh để giảm thiểu thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào.

Khi đại đội tôi tiến đến ngã tư đường Hậu Giang và Phú Ðịnh thì đụng nặng, địch khá đông đang cố thủ trong hãng pin Con Ó, cách chúng tôi một bãi đất trống và hỏa lực rất mạnh. Ðã mấy tiếng đồng hồ rồi mà quân ta chưa tiến thêm được bước nào mà bị thương và tử trận ngày càng tăng cao trong khi thượng cấp thì ra lệnh phải tiến “Bằng mọi giá” !

Chúng tôi phải xin tăng cường xe thiết giáp để TQLC tùng thiết* (*Có nghĩa là Bộ binh và Thiết giáp che chở yểm trợ cho nhau cùng tiến), cấp trên đã biệt phái xuống cho tôi một thiết giáp M41. Chỉ một chiếc thôi thì chưa đủ, nhưng có còn hơn không nên tôi cho lệnh Trung Ðội đi đầu của Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang chuẩn bị “Tùng thiết” để vượt qua khoảng trống, chiếm mấy cao ốc trước mặt, thiết lập đầu cầu. Tiến như thế rất nguy hiểm nhưng phải theo lệnh cấp trên.

Khi xe và quân tùng thiết tiến lên thì tôi bất ngờ trông thấy anh phóng viên chiến trường núp sau pháo tháp và đang đưa máy hình lên chụp. Anh ta đã đi theo đơn vị tôi lao vào lửa đạn cả ngày rồi nhưng ngồi trên pháo tháp như thế thì thật liều mạng, giận quá tôi quát :

- “Này anh phóng viên, yêu cầu anh xuống xe ngay”.

Tôi hét lớn với người phóng viên đang bám theo xe trong tình trạng hết sức nguy hiểm, nhưng có lẽ vì tiếng máy nổ của M41 lớn quá khiến người phóng viên không nghe được, hoặc cũng có thể anh ta “giả điếc” để cố bám theo toán quân xung phong đầu tiên. Một tay anh bám vào thành xe, một tay bấm máy hình liên tục. Mỗi khi xe lắc lư như muốn hất tung mọi người xuống đất thì anh phóng viên vội buông máy hình treo toòng teng vào cổ còn 2 tay thì bám chặt vào xe. Nguy hiểm quá, nếu không bị bắn thì anh ta cũng bị rớt xuống, sẽ bị xích xe cuốn theo ngay ! Không chần chừ được nữa, tôi ra lệnh cho Hạ Sĩ 1 Bùi Ngọc Ðường:

- “Ðường, lôi ngay ông phóng viên xuống đất cho tao”.

Không chậm trễ một giây, người lính cận vệ của tôi nhẩy lên xe ôm ngang lưng người phóng viên rồi nhẩy khỏi xe thiết giáp, cả hai cùng té lộn nhào xuống đất, trong lúc hai người còn đang nhăn nhó chưa kịp đứng dậy thì xe thiết giáp rú ga, gầm lên ủi sập bức tường phía trước mặt, lập tức địch bắn đủ mọi loại vũ khi về phía chúng tôi, xe bị trúng đạn B 40, tiếng nổ chát chúa hất tung những người ngồi trên xe xuống đất, thiết giáp chồm lên đống gạch rồi khựng lại phun khói, cả khói xe lẫn khói đạn B 40 mịt mù khiến tôi không nhìn thấy gì cả.

Sau vài động tác xoa mặt dụi mắt, tôi mới nhận ra được một cảnh tượng hết sức đau lòng, xe bị đứt xích, người trưởng xa M41 ngồi trong pháo tháp thò đầu ra ngoài thì đã biến đâu mất rồi ! Cái nón sắt của anh văng ra xa, móp méo và bê bết máu ! Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang*, đi sau xe thiết giáp thì đang gượng đứng dậy, 2 tay xoa khắp người xem có bị thương chỗ nào không, Hạ Sĩ Danh Thon, hiệu thính viên của Th/Úy Quang nằm sấp bất động, ngực đè lên máy truyền tin PRC 25, tôi lật người Thon lại, một viên đạn xuyên qua máy truyền tin anh đeo trước ngực, xuyên qua áo giáp, trổ ra sau lưng một lỗ nhỏ, máu chưa kịp thấm ra ngoài. (*Thiếu Úy Quang khóa 18 Võ Khoa đã tử trận một năm sau đó.)

Ðảo mắt quan sát một vòng, tôi thấy xung quanh xe thiết giáp vài quân nhân bị thương, chưa biết nặng nhẹ ra sao, cách đó vài mét, người phóng viên ngồi dựa lưng vào tường, mặt nhăn nhó, chắc là lúc bị Ðường kéo té xuống đất đau lắm, nhưng anh ta vẫn còn đủ sức đưa máy lên bấm liên tục. Khi máy nhắm về phía tôi, anh trông thấy người vừa ra lệnh “lôi” anh ấy xuống đất nên anh ta lắc lắc cái đầu tỏ ý “ghê quá” và đưa nắm tay với ngón cái hướng lên trời, không biết ý anh muốn nói là may mắn vừa thoát chết hay là muốn nói cám ơn tôi đã đuổi anh ấy xuống, có thể là cả hai. Tôi tiến lại bắt tay anh và nói đùa :

- “Về nhà nhớ mua heo cúng nghe ông, lần sau ráng giữ lấy cái ‘gáo dừa’”.

Anh nắm chặt tay tôi như muốn nói thêm điều gì nhưng rồi lại vội vàng tiếp tục đưa máy chụp nhiều tấm hình. Ðến lúc này tôi mới biết là xe thiết giáp đã bị 2 trái B40 bắn vào xích và pháo tháp. Pháo tháp là một khối sắt dầy, đạn B40 không phá được nhưng sức nổ đã làm bay những gì xung quanh, sức nổ đã làm bay phần thân trên của anh thiết giáp, còn phần thân dưới có lẽ đã bị đứt ra và lọt vào trong lòng xe rồi! Nếu anh phóng viên còn bám theo pháo tháp để chụp hình thì không biết sẽ ra sao ? Tôi không hối hận khi cương quyết đuổi anh ta xuống xe.

Thấy xe bằng sắt mà còn bị đứt huống chi người, thượng cấp không hối thúc tiến nữa mà cho dừng quân để Trực thăng (Gunship) đến bắn Rockets thẳng vào mục tiêu, nhờ vậy chúng tôi mới vượt qua được khoảng trống và tiến nhanh đến giải tỏa địch khu cư xá Phú Lâm.

Bài viết này chúng tôi không chủ tâm viết về trận Mậu Thân mà chỉ muốn nói về chuyện người Phóng Viên Chiến Trường nên chúng tôi không đi vào chi tiết việc binh đao mà xin quay về với người “lính” mang ống kính, máy chụp hình.

Rất hiếm khi có được phóng viên chiến trường ở ngay tuyến đầu tại mặt trận, có chăng là sau khi mọi chuyện đã xong xuôi, báo chí mới tháp tùng theo phái đoàn trung ương đến quan sát trận địa để chụp hình quay phim đưa hình phái đoàn hoặc hình những xác VC, những cây súng gẫy lên báo chí còn những hình người lính chiến thì mờ-mờ ảo-ảo làm nền trang trí.

Nhưng lần này về đánh giặc ngay trong lòng thủ đô nên có dịp nằm cùng phóng viên ngay tuyến đầu, những hình ảnh người lính TQLC xung phong vào lửa đạn đều được các anh chụp và đưa lên các trang nhật báo ngay ngày hôm sau kèm theo tên tuổi đơn vị v.v... như trường hợp phóng viên Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận, những hình ảnh và bản tin của anh viết về Trâu Ðiên trên báo đã được thân nhân gửi ra chiến trường khiến chúng tôi rất hãnh diện. Dù không biết ông Nguyễn Tú nay ở nơi đâu nhưng cũng xin thay mặt anh em để cám ơn ông Tú.

Có những người lính thấy hình mình được đăng trên báo, dù không rõ lắm nhưng cũng thấy thích thú, cắt xén thật cẩn thận để giữ làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng cho người yêu. Các cấp chỉ huy thì cất kỹ những trang báo nói về trận đánh của đơn vị mình rồi đóng khung lồng kính treo lên chỗ trang trọng nhất của đơn vị.

Ðối với người lính tác chiến thì những hình ảnh và bài viết của các phóng viên chiến trường về đơn vị họ, nhất là các đơn vị cấp nhỏ như Trung Ðội hay Ðại Ðội, là một niềm an ủi lớn lao, một điều khích lệ vô cùng quan trọng cho tinh thần chiến đấu của họ, nhưng tiếc thay, trong quá khứ, người có trách nhiệm đã không để ý đến “Binh sĩ vận” mà chỉ lo “Thượng cấp vận”.

Có được người phóng viên đi theo khiến anh em lính chúng tôi lên tinh thần, hơn nữa chuyện anh thoát lưỡi hái của tử thần vừa qua càng làm chúng tôi quý mến nhau hơn nhất là tình cảm giữa anh và Bùi Ngọc Ðường, họ thân nhau như anh em, dù tuổi tác có chênh lệch.

Trong lúc đơn vị tôi tạm đóng quân trong cư xá để chờ nhiệm vụ mới thì anh phóng viên dẫn chúng tôi về nhà, cũng ở trong cư xá Phú Lâm, anh có ý muốn giới thiệu chúng tôi với chị ấy và các cháu, trước khi bước vào nhà anh nói nhỏ với tôi và Ðường :

- “Các anh đừng nói gì về chuyện vừa xẩy ra nhá, sợ bà xã tôi và sấp nhỏ lo lắng”.

Một người vừa yêu nghề lại vừa yêu vợ con nên đôi khi cũng không dám nói sự thật, tôi thông cảm với anh vì tôi vẫn thường nói dối như thế. Mỗi lần về phép, mẹ tôi hỏi đi lính có vất vả không thì tôi không ngần ngừ mà trả lời mẹ ngay :

- “Như đi làm thư ký văn phòng ấy mà”.

Tác giả “Người yêu Trâu Ðiên” và bức ảnh cuối cùng của người Phóng viên chụp con cháu trên nóc nhà ở Phú Lâm xem Trâu Ðiên đánh trận Mậu Thân.

Ðố các anh Trâu Ðiên : Ai là tác giả trong “Ngũ long Công chúa” trong hình ?

Anh giới thiệu chị và các con với chúng tôi, có lẽ cũng đến “Ngũ long công chúa”, cháu lớn chỉ độ “trăng tròn” là cùng. Thấy lính tráng súng ống vào nhà nhưng lại ngồi uống café hút thuốc nói chuyện vui vẻ với bố nên các cháu an tâm, bạo dạn hơn, thập thò sau màn che, cười khúc khích, kí đầu hoặc vỗ vào lưng nhau “thùm-thụp”.

Một gia đình thật hạnh phúc, tôi ước mong một ngày nào trong tương lai có được mái ấm gia đình như anh, nhưng có lẽ còn lâu lắm, vì anh hơn tôi gần một “con giáp”, hoặc không bao giờ có được hạnh phúc ấy một khi còn “vui đùa” với súng đạn, nghĩ vậy nên tôi tâm sự với anh :

- “Này anh, nếu hôm qua Ðường không ôm anh nhảy xuống đất thì hôm nay đâu còn chầu café này, anh đâu còn nghe tiếng cười khúc khích dễ thương của các cháu, anh phải hết sức cẩn thận khi đi làm phóng sự ngoài chiến trường, hoặc nên đổi nghề, lương không được bao nhiêu mà có quá nhiều nguy hiểm, anh đã có gia đình, các cháu đang nhìn anh kia kìa”.

Tôi chỉ tay vào phía trong nhà, sau bức màn che, thấp thoáng một hai cô bé tóc đuôi gà đang nhìn bố tiếp khách, anh nhìn theo hướng tay tôi chỉ, anh gật gật đầu ra chiều suy nghĩ. Chúng tôi bắt tay từ giã, anh siết chặt tay tôi và nói nhỏ :

- “Anh sẽ để ý và nghiên cứu lại lời khuyên của chú”.

Tôi thật cảm động khi nghe anh xưng “anh” và gọi tôi bằng “chú” (em) mang đậm nét tình nghĩa gia đình. Từ hai người xa lạ, chỉ qua một lần cùng chung nguy hiểm mà chúng tôi trở thành anh em thân thiết hồi nào không hay.

Anh tiễn chúng tôi ra cửa nhưng có tiếng chị dặn với theo :

- “Tối các em nhớ lại ăn cơm canh chua cá kho tộ với các cháu cho vui”.

Vui quá đi chứ, hổm rầy sống giữa thành phố mà cứ phải “nhá” C Ration*, thịt hộp 3-lát ngán quá (*Thức ăn đóng hộp cho lính hành quân). Nhưng ngay tối đó Ðại Ðội tôi phải di chuyển gấp đến mặt trận Bình Hòa nên không kịp báo tin cho anh chị hay.

Ngày qua ngày TÐ.2 di chuyển khắp nơi, từ nội thành ra tới ngoại ô, từ Nhà Bè sang bến đò Long Kiển, lên Nhị Bình (Lái Thiêu), chỗ nào có bong dáng VC là chúng tôi phải đến. Ðã có lần đơn vị chúng tôi trở lại lục soát khu vực rừng khóm (dứa) (Thuộc mật khu Lý Văn Mạnh), rất gần với cư xá Phú Lâm nhưng không có thì giờ ghé thăm anh chị.

Rồi VC tấn công đợt 2, bận túi bụi với những người “anh em” từ bưng về thành, nào là ngã ba Cây Thị, xóm Cao Ðồng Hưng, khu Ðồng Ông Cộ, cầu Bình Lợi, ngã ba Cát Lái v.v... người tử trận kẻ bị thương, chúng tôi không còn thì giờ nhớ đến gia đình, nhớ đến người yêu nên hình dáng người phóng viên cũng mờ dần.

Vào khoảng tháng 10/1968, tình hình Saigon hoàn toàn yên tĩnh trở lại, TÐ.2 được biệt phái cho Quân Ðoàn III để hành quân vào mật khu Hố Bò, Bời Lời. Trước khi đi xa Saigon, Bùi Ngọc Ðường trốn đi chơi nguyên ngày, khi trở lại đơn vị thì vừa kịp nhảy lên xe GMC cùng Ðại Ðội di chuyển đến quận Hiếu Thiện (Tây Ninh) và từ đây được trực thăng vận vào mật khu Bời Lời ngay nên tôi chưa có dịp “thưởng” cho Ðường 5 roi. Cũng may là ngay trong trận này, Bùi Ngọc Ðường cùng với Nguyễn Văn Hợi đã liều mình cứu sống được viên Trung Úy cố vấn Mỹ bị thương và đã bị VC bắt. Nhờ thành tích này mà Ðường được Sư Ðoàn TQLC tưởng thưởng cho một xe Honda và dĩ nhiên tôi cũng tha cho hắn tội trốn đi phố.

Bùi Ngọc Ðường và tôi là hai “thầy trò” nên khi đi hành quân thì như hình với bóng, Ðường luôn ở bên cạnh để giúp tôi khi cần thiết, đi đâu là phải hỏi, vậy mà lần này dám đi cả ngày, đã vậy khi trở về lại có vẻ buồn. Tuy được phòng Tâm Lý Chiến Sư Ðoàn thưởng cho chiếc Honda mà sao Ðường không vui! Và rồi, xe Honda còn trùm mền chờ ngày Ðường về phép để chở người yêu dạo phố thì Ðường lại hy sinh trong một cuộc hành quân sau đó !

Khi Ðường tử trận rồi, Nguyễn Văn Hợi, người cùng với Ðường cứu sống cố vấn Mỹ, mới nói thật với tôi là Ðường trốn đi phố là để về thăm anh phóng viên ở cư xá Phú Lâm, và người anh kết nghĩa này của Ðường đã bị VC hạ sát trong đợt 2 trận Mậu Thân !

Nghe Hợi nói mà tôi bỗng rùng mình, nhớ lại lúc Ðường ôm người phóng viên nhẩy khỏi xe thiết giáp và họ đã thoát không bị nát thây trong gang tấc và rồi họ kết nghĩa anh em, tình huynh đệ chưa được bao lâu thì anh hy sinh mà em không biết! Khi trở lại thăm anh thì... chưa tàn bó nhang thắp cho anh thì em lại tử trận !

Cả hai đều những người tôi thương mến, hình ảnh của họ đã nằm sâu trong ký ức, nào ngờ, 40 năm sau, một sự tình cờ mà hai hình ảnh này sống lại thật rõ ràng trong trí nhớ của những người hay quên hiện tại mà nhớ dai chuyện quá khứ. Ðọc từng dòng từng chữ câu chuyện của N.A, tôi tin chắc người bạn phóng viên chiến trường, người anh kết nghĩa của Trâu Ðiên Bùi Ngọc Ðường chính là thân phụ của tác giả bài viết “Người Yêu Trâu Ðiên” và người lính trong tấm hình mà N.A giấu kín trong tập nhật ký nhỏ có phần chắc là Bùi Ngọc Ðường !

Tác giả N.A. kết thúc lá thư không gửi vì không biết anh Trâu Ðiên ở đâu bằng lời chúc :

- “Với lòng mong mỏi anh Trâu Ðiên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ đến anh Trâu Ðiên ngày xưa”.

Phần tôi xin kết thúc bài viết “Trâu Ðiên và Người Phóng Viên” bằng lời nhắn :

“Cô Ngọc Anh ơi, Trâu Ðiên Bùi Ngọc Ðường, người trong tấm hình mà cô giữ kín trong cuốn nhật ký, đã không thể về dự đại hội TQLC năm 2008 được, Ðường không chết nhưng đã nằm lại đâu đó trên chiến trường miền Nam VN, cũng như thân phụ của cô, ông không chết nhưng về với các con bằng thân xác còn nóng hổi, máu chẩy ra linh láng !”

Tôi tin rằng Bùi Ngọc Ðường, người lính trong tấm hình mà cô “nhốt” trong cuốn hồi ký, hay cô nhốt hắn trong tim thì chỉ có hắn biết, hắn sẽ phù hộ cho gia đình cô.



Philato

ducquany
04-14-2018, 05:23 PM
Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1523819471-traudien tay ao.jpg

Captovan hay Capvanto là bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết sau đây là câu chuyện thật về người lính trong tấm hình được đề cập trong bài “người yêu trâu điên”.

***

Năm 2008, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến chúng tôi tổ chức tại Little Saigon vào dịp July 4, anh em Mũ Xanh các nơi về tham dự đến gần 400 người, trong đó có khá đông anh em thuộc Tiểu Đoàn 2/TQLC mang danh hiệu “Trâu Điên”.

Trong khi anh em đang vui vẻ ôn lại chuyện đồng đội cũ chiến trường xưa thì vị cựu Tiểu Đoàn Trưởng ra hiệu yên lặng rồi ông mở tờ báo KBC/Hải Ngoại ra cho mọi người xem bài viết của tác giả N.A với tựa đề: “Người Yêu Trâu Điên”.

Bên lề bài viết là tấm hình của một phụ nữ rất duyên dáng với áo dài trắng, tóc xỏa bờ vai nhưng đôi mắt thì quá buồn. Bầu không khí buổi họp mặt bỗng sôi động hẳn lên, có nhiều tiếng huýt sáo y như ngày nào năm xưa khi “em gái” hậu phương đến thăm “anh trai” ngoài tiền đồn.

Chưa biết nội dung nói gì nhưng ai cũng đòi người anh cả đơn vị cho cầm tờ báo để ngắm người đẹp, người đẹp giữa chốn ba quân. Nét mặt Anh Cả Tiểu Đoàn tươi vui với giọng nói trẻ trung như ngày xưa từng ra lệnh trước hàng quân:

- Ai là thủ phạm, ai là “Người Yêu Trâu Điên” thì bước ra khỏi hàng.

Thật bất ngờ, mấy chục “ông già” trong quân phục rằn ri cùng nhất loạt đứng lên đưa cao tay, miệng hô lớn:

- Em, chính em, chính là em.

- Thưa Đại Bàng, không phải thằng đó, em mới chính là thủ phạm.

Nếu tác giả N.A, dù là nam hay nữ, mà nhìn thấy cảnh này chắc chắn sẽ cảm động lắm, chỉ với cái tựa bài viết thôi mà đã khiến những cựu quân nhân già cỗi nơi hải ngoại bỗng trở lại thành những người lính trẻ trung năm xưa.

Trước tình thế khó xử, biết trao “người đẹp” cho ai bây giờ nên Anh Cả bắt bí:

- Trâu nào đã tham dự trận đánh vùng Phú Lâm Tết Mậu Thân đưa tay lên.

Tất cả các cánh tay lại đồng loạt đưa thẳng lên như năm xưa tuyên thệ ngày mãn khóa tại vũ đình trường, trong đó có nhiều anh khi trận Mậu Thân 1968 xẩy ra thì còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường!

Anh Cả mỉm cười vì ai cũng muốn “tự giác” nên ông đành trao tờ KBC/HN cho tôi rồi ra lệnh:

- Trận Mậu Thân, cậu là 1 trong 2 đại đội trưởng chịu trách nhiệm giải tỏa khu vực Phú Lâm, hãy cầm tài liệu này về điều tra xem ai là người bị tác giả N.A khiếu nại.

Mọi người cùng cười, chỉ một tựa bài viết mà làm không khí sinh động hẳn lên. nhận tờ KBC Hải Ngoại, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết “Người Yêu Trâu Điên,” và tự hỏi không lẽ lại có sự trùng hợp lạ lùng đến thế sao?

Nội dung câu chuyện nói về thân phụ của tác giả là một phóng viên chiến trường, ông đi theo Tiểu Đoàn Trâu Điên để chụp hình quay phim những trận đánh trong thành phố Saigon tết Mậu Thân. Trong những hình ông chụp có một tấm hình đẹp của người lính Trâu Điên và ông đã tặng tấm hình đó cho con gái khi cô mới chỉ là một nữ sinh lớp Đệ Lục trường Gia Long.

Thân phụ N.A đã kết thân với người lính ấy và mỗi khi họ trò chuyện bên nhau thì cô bé chăm chú nhìn hình con trâu trên vai áo trận rằn ri. Rồi người lính ấy di chuyển đi nơi khác khiến cô bé bâng khuâng và khi VC tấn công đợt 2 thì thêm một đại họa bất ngờ ập đến với tuổi thơ, thân phụ tác giả đã bị VC hạ sát trong lúc đang thi hành công vụ!

Xin phép tác giả N.A cho tôi trích một vài đoạn trong bài viết “Người Yêu Trâu Điên” để đem so sánh với những gì đã xẩy ra 40 năm về trước ở đơn vị tôi khi tham dự trận Mậu Thân: (trích).

“Anh Trâu Điên yêu dấu.

Khi viết năm chữ này, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẩy. Trước mặt em là tấm hình đen trắng...

Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình này chính Ba em chụp cho anh... Tự nhiên Ba cầm tấm hình ngắm nghía rồi đưa cho em, nói:

-Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con?

Tấm hình Ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhật ký nhỏ, dấu kín giữ cho riêng em mà thôi.

Tháng Năm năm Mậu Thân, VC lại tấn công thủ đô lần thứ 2.

Buổi sáng hãi hùng đó, không có anh Trâu Điên, Ba em đã đi luôn.

Không, Ba có trở về bằng thân xác còn nóng hổi, máu còn chẩy ra linh láng, ướt hết quần áo em! Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về.

Lá thư này em viết nhưng không bao giờ gửi, vì em đâu biết anh Trâu Điên ở nơi nào trên mảnh đất đầy thống khổ… Em viết lá thư này như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Điên, ngươi bạn trẻ của Ba, hình ảnh Ba và anh Trâu Điên luôn gắn liền nhau trong lòng em. Em giữ mãi lá thư không gửi trong cuốn nhật ký…

Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ tới anh Trâu Điên ngày xưa.

. . .

Thực sự tôi chưa biết rõ tác giả N.A là nam hay nữ, nhưng tấm hình kèm theo bài viết thì là hình của một “cô”, người cùng với “anh” Dương Thượng Trúc phụ trách mục “Thư hậu phương, thư tiền tuyến” trên báo KBC/HN.

Nhân dịp đọc bài viết “Người Yêu Trâu Điên”, tôi xin thuật lại một vài chi tiết 40 năm về trước để giúp tác giả biết thêm về lòng yêu nghề mà không ngại gian lao nguy hiểm của người phóng viên chiến trường. Nếu đích thực ông là thân phụ của tác giả thì xin cho tôi gửi lời chia buồn đến gia đình người quá cố, một phóng viên mà tôi quý mến.

*

Tết Mậu Thân 1968, TĐ.2/TQLC đang hành quân vùng Cai Lậy, Giáo Đức, Định Tường thì được trực thăng bốc về Saigon và đổ quân xuống ngay trong sân bộ Tổng Tham Mưu, sau khi thánh toán xong tụi VC ở trường Sinh Ngữ, trung tâm Ấn Loát, cổng xe lửa số 6 thì Tiểu Đoàn Trâu Điên chia ra từng đại đội đi đánh các nơi khác, sau đó thì Đại Đội 1 của tôi và Đại Đội 4 của Đại Úy Vũ Dzoan được lệnh giải tỏa lực lượng địch đang chiếm khu cư xá Phú Lâm.

Chúng tôi lục soát và chiếm những mục tiêu đang có VC cố thủ trên những nhà lầu dọc theo hai con đường Hậu Giang và Lục Tỉnh để tiến về Mũi Tàu Phú Lâm và đài phát tuyến. Vì chiến đấu trong thành phố nên chúng tôi không được phép sử dụng pháo binh và máy bay, do đó chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn bởi vì địch đã nằm sẵn trên các cao ốc, nhìn rõ mục tiêu, nhắm súng vào chúng tôi. Nhưng đã là lính thì phải chấp nhận hy sinh để giảm thiểu thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào.

Khi đại đội tôi tiến đến ngã tư đường Hậu Giang và Phú Định thì đụng nặng, địch khá đông đang cố thủ trong hãng pin Con Ó, cách chúng tôi một bãi đất trống và hỏa lực rất mạnh. Đã mấy giờ rồi mà quân ta chưa tiến thêm được bước nào, bị thương và tử trận ngày càng tăng cao trong khi thượng cấp thì ra lệnh phải tiến “bằng mọi giá”!

Chúng tôi phải xin tăng cường xe thiết giáp để TQLC tùng thiết (có nghĩa là bộ binh và thiết giáp che chở yểm trợ cho nhau cùng tiến), cấp trên đã biệt phái xuống cho tôi một thiết giáp M41. Chỉ một chiếc thôi thì chưa đủ, nhưng có còn hơn không nên tôi cho lệnh trung đội đi đầu của Thiếu Úy Nguyễn Văn chuẩn bị “tùng thiết” để vượt qua khoảng trống, chiếm mấy cao ốc trước mặt, thiết lập đầu cầu. Tiến như thế rất nguy hiểm nhưng phải theo lệnh cấp trên.

Khi xe và quân tùng thiết tiến lên thì tôi bất ngờ trông thấy anh phóng viên chiến trường núp sau pháo tháp và đang đưa máy hình lên chụp. Anh ta đã đi theo đơn vị tôi lao vào lửa đạn cả ngày rồi nhưng ngồi trên pháo tháp như thế thì thật liều mạng, tôi quát:

- Anh phóng viên, yêu cầu anh xuống xe ngay.

Tôi hét lớn nhưng có lẽ vì tiếng máy nổ của M41 lớn quá khiến nggười phóng viên không nghe được, hoặc cũng có thể anh ta “giả điếc” để cố bám theo toán quân xung phong đầu tiên. Một tay anh bám vào thành xe, một tay bấm máy hình liên tục. Nguy hiểm quá, nếu không bị bắn thì anh ta cũng bị rớt xuống, sẽ bị xích xe cuốn theo ngay! Không chần chừ đươc nữa, tôi quát lớn ra lệnh cho Hạ Sĩ 1 Bùi Ngọc Đường, người cận vệ của tôi:

- Đường, lôi ngay ông phóng viên xuống đất cho tao.

Không chậm trễ một giây, Đường nhẩy lên xe ôm ngang lưng người phóng viên rồi cả hai cùng té lộn nhào xuống đất. Trong lúc hai người còn đang nhăn nhó chưa kịp đứng dậy thì xe thiết giáp rú ga, gầm lên ủi sập bức tường phía trước mặt. Lập tức địch bắn đủ mọi loại vũ khi về phía chúng tôi, xe bị trúng đạn B40, tiếng nổ chát chúa hất tung những người ngồi trên xe xuống đất. Thiết giáp chồm lên đống gạch, khựng lại phun khói, cả khói xe lẫn khói đạn B40 mịt mu.

Sau một lúc với vài động tác xoa mặt, dụi mắt, tôi mới nhận ra được một cảnh tượng hết sức đau lòng, xe bị đứt xích, người trưởng xa M41 ngồi trong pháo tháp thò đầu ra ngoài thì đã biến đâu mất rồi! Cái nón sắt của anh văng ra xa, móp méo và bê bết máu! Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang*, đi sau xe thiết giáp thì đang gượng đứng dậy, 2 tay xoa khắp người xem có bị thương chỗ nào không, Hạ Sĩ Danh-Thon, hiệu thính viên của Th/Úy Quang nằm sấp bất động, ngực đè lên máy truyền tin PRC25, tôi lật người Thon lại, một viên đạn xuyên qua máy truyền tin anh đeo trước ngực, xuyên qua áo giáp, trổ ra sau lưng một lỗ nhỏ, máu chưa kịp thấm ra ngoài. (* Thiếu Úy Quang khóa 18 Võ Khoa đã tử trận một năm sau đó)

Đảo mắt quan sát một vòng, tôi thấy xung quanh xe thiết giáp vài quân nhân bị thương, chưa biết nặng nhẹ ra sao, cách đó vài mét, người phóng viên ngồi dựa lưng vào tường, mặt nhăn nhó, chắc là lúc bị Đường kéo té xuống đất đau lắm, nhưng anh ta vẫn còn đủ sức đưa máy lên bấm liên tục. Khi máy nhắm về phía tôi, anh trông thấy người vừa ra lệnh “lôi” anh ấy xuống đất nên anh ta lắc-lắc cái đầu tỏ ý “ghê quá” và đưa nắm tay với ngón cái hướng lên trời, không biết ý anh muốn nói là may mắn vừa thoát chết hay là muốn nói cám ơn tôi đã đuổi anh ấy xuống, có thể là cả hai. Tôi tiến lại bắt tay anh và nói đùa:

- Về nhà nhớ mua heo cúng nghe ông, lần sau ráng giữ lấy cái “gáo dừa”.

Anh nắm chặt tay tôi như muốn nói thêm điều gì nhưng rồi lại vội vàng tiếp tục đưa máy chụp nhiều tấm hình. Đến lúc này tôi mới biết là xe thiết giáp đã bị 2 trái B40 bắn vào xích và pháo tháp.

Pháo tháp là một khối sắt dầy, đạn B40 không phá được nhưng sức nổ đã làm bay những gì xung quanh, sức nổ đã làm bay đầu và phần thân trên của anh thiết giáp đi xa, còn phần thân dưới có lẽ đã bị đứt ra và lọt vào trong lòng xe rồi! Nếu anh phóng viên còn bám theo pháo tháp để chụp hình thì không biết sẽ ra sao?

Thấy xe bằng sắt mà còn bị đứt huống chi người, thượng cấp không hối thúc tôi tiến quân nữa mà cho dừng quân để trực thăng (gunship) đến bắn rockets thẳng vào mục tiêu, nhờ vậy chúng tôi mới vượt qua được khoảng trống và tiến nhanh đến giải tỏa địch khu cư xá Phú Lâm.

Bài viết này chúng tôi không chủ tâm viết về trận đánh Mậu Thân 1968 mà chỉ muốn nói về chuyện người Phóng Viên Chiến Trường nên chúng tôi không đi vào chi tiết việc binh đao mà xin quay về với người “lính” mang ống kính, máy chụp hình.

Rất hiếm khi có được phóng viên chiến trường đi theo ở ngay tuyến đầu tại mặt trận, có chăng là sau khi mọi chuyện đã xong xuôi, phái đoàn báo chí mới tháp tùng theo phái đoàn trung ương đến quan sát trận địa để chụp hình quay phim đưa hình phái đoàn hoặc hình những xác VC, những cây súng gẫy lên mặt báo, còn hình người lính chiến thì mờ-mờ ảo-ảo làm nền trang trí

Nhưng lần này về đánh giặc ngay trong lòng thủ đô nên có dịp nằm cùng phóng viên ngay tuyến đầu, những hình ảnh người lính TQLC xung phong vào lửa đạn đều được các anh chụp và đưa lên các trang nhật báo ngay ngày hôm sau kèm theo tên tuổi đơn vị v.v.. như trường hợp phóng viên Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận, những hình ảnh và bản tin của anh viết về Trâu Điên trên báo đã được thân nhân gửi ra chiến trường khiến chúng tôi rất hãnh diện. Dù không biết ông Nguyễn Tú nay ở nơi đâu nhưng cũng xin thay mặt anh em để cám ơn ông Nguyễn Tú.

Có những người lính thấy hình mình được đăng trên báo, dù không rõ lắm nhưng cũng thấy thích thú, cắt xén thật cẩn thận để giữ làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng cho người yêu. Các cấp chỉ huy thì cất kỹ những trang báo nói về trận đánh của đơn vị mình rồi đóng khung lồng kính treo lên chỗ trang trọng nhất của đơn vị.

Đối với người lính tác chiến thì những hình ảnh và bài viết của các phóng viên chiến trường về đơn vị họ, nhất là các đơn vị cấp nhỏ như trung đội hay đại đội, là một niềm an ủi lớn lao, một điều khích lệ vô cùng quan trọng cho tinh thần chiến đấu của họ, vì thế nói không ngoa rằng một cây viết chiến trường mạnh hơn một đơn vị, nhưng tiếc thay, trong quá khứ, người có trách nhiệm đã không để ý đến “binh sĩ vận” mà chỉ lo “thượng cấp vận”.

Có được người phóng viên đi theo khiến anh em lính chúng tôi lên tinh thần, hơn nữa chuyện anh thoát lưỡi hái của tử thần vừa qua càng làm chúng tôi quý mến nhau hơn nhất là tình cảm giữa anh và Bùi Ngọc Đường, họ thân nhau như anh em, dù tuổi tác có chênh lệch.

Trong lúc đơn vị tôi tạm đóng quân trong cư xá để chờ nhiệm vụ mới thì anh phóng viên dẫn chúng tôi về nhà, cũng ở trong cư xá Phú Lâm, anh có ý muốn giới thiệu chúng tôi với chị ấy và các cháu, trước khi bước vào nhà anh nói nhỏ với tôi và Đường:

- Các anh đừng nói gì về chuyện vừa xẩy ra nhá, sợ bà xã tôi và sấp nhỏ lo lắng.

Một người phóng viên chiến trường vừa yêu nghề lại vừa yêu vợ con nên đôi khi cũng không dám nói sự thật về những nguy hiểm bao quanh bản thân mình.

Tôi thông cảm với anh vì tôi vẫn thường nói dối như thế với mẹ tôi, “Bà Mẹ Quê”. Mỗi lần về phép, mẹ tôi hỏi đi lính có vất vả không con thì tôi trả lời mẹ ngay: “Xin Mẹ yên tâm, như đi làm thư ký văn phòng ấy mà, mẹ đừng có lo”.

Anh phóng viên giới thiệu chị và các con với chúng tôi, có lẽ cũng đến “ngũ long công chúa”, cháu lớn chỉ độ “trăng tròn” là cùng. Thấy lính tráng súng ống vào nhà nhưng lại ngồi uống café hút thuốc nói chuyện vui vẻ với bố nên các cháu an tâm, bạo dạn hơn, thập thò sau màn, khúc khích cười, vỗ vào lưng nhau “thùm-thụp”.

Một gia đình thật hạnh phúc, tôi ước mong một ngày nào trong tương lai có được mái ấm gia đình như anh, nhưng có lẽ còn lâu lắm, hoặc không bao giờ có được hạnh phúc ấy một khi còn “vui đùa” với súng đạn, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” nghĩ vậy nên tôi tâm sự với anh:

- Này anh, nếu hôm qua Đường nó không ôm anh nhảy xuống đất thì hôm nay đâu còn chầu café này, anh đâu còn nghe tiếng cười khúc khích dễ thương của các cháu. Anh phải hết sức cẩn thận khi đi làm phóng sự ngoài chiến trường, hoặc nên đổi nghề, lương phóng viên không được bao nhiêu mà có quá nhiều nguy hiểm, anh đã có gia đình, các cháu đang nhìn anh kia kìa.

Tôi chỉ tay vào phía trong nhà, sau bức màn che, thấp thoáng một hai cô bé tóc đuôi gà đang nhìn bố tiếp khách, nhìn theo hướng tay tôi chỉ, anh gật gật đầu ra chiều suy nghĩ. Chúng tôi bắt tay từ giã, anh xiết chặt tay tôi và nói nhỏ:

- Anh sẽ để ý và nghiên cứu lại lời khuyên của chú em.

Tôi thật cảm động khi nghe anh xưng “anh” và gọi tôi bằng “chú em” mang đậm nét tình nghĩa gia đình. Từ hai người xa lạ, chỉ qua một lần cùng chung nguy hiểm, thoát chết trong gang tấc mà chúng tôi trở thành anh em thân thiết hồi nào không hay. Lính trận phong sương râu ria rậm rạp còn anh phóng viên trắng trẻo đẹp trai nên trông như gần bằng tuổi nhau.

Anh tiễn chúng tôi ra cửa mà còn nghe có tiếng chị dặn với theo:

- Tối các em nhớ lại ăn cơm canh chua cá kho tộ với các cháu cho vui.

Vui quá đi chứ, hổm rầy sống giữa thành phố mà cứ phải “nhá” C ration (thức ăn đóng hộp cho lính hành quân), thịt hộp 3-lát ngán quá. Nhưng ngay tối đó đại đội tôi phải di chuyển gấp đến mặt trận Bình Hòa, Gia Định nên không kịp báo tin cho anh hay.

Ngày qua ngày, TĐ2/TQLC di chuyển khắp nơi, từ nội thành ra tới ngoại ô, từ Nhà Bè sang bến đò Long Kiển, lên Nhị Bình (Lái Thiêu), chỗ nào có bóng dáng VC là chúng tôi đến. Đã có lần đơn vị chúng tôi trở lại lục soát khu vực rừng khóm (dứa), thuộc mật khu Lý Văn Mạnh, rất gần cư xá Phú Lâm nhưng không có thì giờ ghé thăm anh chị.

Rồi VC tấn công đợt 2, TQLC chúng tôi bận túi bụi tiếp những người “anh em” từ bưng về thành, nào là ngã ba Cây Thị, xóm Cao Đồng Hưng, khu Đồng Ông Cộ, cầu Bình Lợi, ngã ba Cát Lái v.v… Người tử trận, kẻ bị thương, chúng tôi không còn thì giờ nhớ đến gia đình, người yêu. Hình dáng người phóng viên cũng mờ dần.

Vào khoảng tháng 10/1968, tình hình Saigon hòan toàn yên tĩnh trở lại, TĐ2 chúng tôi được biệt phái cho Quân Đoàn III để hành quân vào mật khu Hố Bò, Bời Lời. Trước khi rời xa Saigon, Bùi Ngọc Đường trốn đi chơi nguyên ngày, khi trở lại đơn vị thì vừa kịp nhảy lên xe GMC cùng đại đội di chuyển đến quận Hiếu Thiện (Tây Ninh) và từ đây được trực thăng vận vào mật khu Bời Lời ngay nên tôi chưa có dịp “thưởng” cho Đường 5 roi vì tội “nhẩy dù”. Cũng may là trong trận này, Bùi Ngọc Đường cùng với Nguyễn Văn Hợi đã liều mình cứu sống được viên trung úy cố vấn Mỹ bị thương, Lt Joe Bargerstock, vì anh ta đang bị VC bao vây tìm cách bắt. Nhờ thành tích này mà Đường được Thiếu Tá Lê Đình Bảo trưởng phòng Chính Huấn Sư Đoàn TQLC đề nghị và tưởng thưởng cho một xe Honda, và dĩ nhiên tôi cũng tha cho hắn tội trốn đi phố.

Bùi Ngọc Đường và tôi là hai “thầy trò” nên khi đi hành quân thì như hình với bóng, Đường luôn ở bên cạnh để giúp tôi khi cần thiết, đi đâu là phải hỏi, vậy mà lần này dám đi cả ngày, đã vậy khi trở về lại có vẻ buồn. Tuy được thưởng cho chiếc Honda mà sao Đường không vui! Và rồi, xe Honda còn trùm mền chờ ngày Đường về phép để chở người yêu dạo phố thì Đường lại hy sinh trong một cuộc hành quân sau đó trên chiến trường Camphuchia!

Khi Đường tử trận rồi, Nguyễn Văn Hợi, người cùng với Đường cứu sống cố vấn Mỹ, mới nói thật với tôi là Đường trốn đi phố là để về thăm anh phóng viên ở cư xá Phú Lâm, và người anh kết nghĩa này của Đường đã bị VC hạ sát trong đợt 2 trận Mậu Thân!

Nghe Hợi nói mà tôi bỗng rùng mình. Tôi nhớ lại mấy tháng trước khi đánh ở đường Hậu Giang, Chợ Lớn, Đường đã theo lệnh tôi nhẩy lên Tank M41 ôm người phóng viên nhẩy xuống đất vừa lúc xe tăng bị B40 bắn nên cả Đường và người phóng viên không bị nát thây trong gang tấc. Và rồi họ kết nghĩa anh em, tình huynh đệ chưa được bao lâu thì anh hy sinh mà em không biết! Khi em trở lại thăm anh thì… chưa tàn nén nhang thắp cho anh thì em lại tử trận!

Cả hai đều những người tôi thương mến, hình ảnh của họ đã nằm sâu trong ký ức, tôi. Nào ngờ, 40 năm sau, một sự tình cờ mà hai hình ảnh này sống lại thật rõ ràng trong trí nhớ của người già hay quên chuyện hiện tại mà nhớ dai chuyện quá khứ.

Đọc từng dòng từng chữ câu chuyện của N.A, tôi tin chắc người bạn phóng viên chiến trường, người anh kết nghĩa của Trâu Điên Bùi Ngọc Đường chính là thân phụ của tác giả bài viết “Người Yêu Trâu Điên” và người lính trong tấm hình mà N.A dấu kín trong tập nhật ký nhỏ có phần chắc là Bùi Ngọc Đường.

Tác giả N.A kết thúc lá thư không gửi vì không biết anh Trâu Điên ở đâu bằng lời chúc “Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ đến anh Trâu Điên ngày xưa”.

Tôi xin kết thúc: “Tình Anh lính Chiến và Người Phóng Viên” với lời nhắn:

Cô N.A ơi, Trâu Điên Bùi Ngọc Đường, người trong tấm hình mà cô giữ kín trong cuốn nhật ký, đã không thể về dự đại hội TQLC năm 2008 được, Đường không chết nhưng đã nằm lại đâu đó trên chiến trường miền Nam VN, cũng như thân phụ của cô, ông không chết nhưng về với các con bằng thân xác còn nóng hổi, máu chẩy ra linh láng!

Tôi tin rằng Bùi Ngọc Đường, người lính chiến trong tấm hình mà cô “nhốt” trong cuốn nhật ký thì chỉ có hắn biết, hắn luôn phù hộ gia đình cô.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Người Yêu Trâu Điên

Trương Ngọc Anh

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết sau đây của Ngọc Anh là những lá thư gửi người lính Thủy Quân Lục Chiến, thuộc một đơn vị có biệt anh Trâu Điên. Bài viết từng xuất hiện một lần trên tập san KBC Hải Ngoại mấy năm trước, nay được đăng lại với phần bổ túc trong kỳ tới bằng một bài viết mới.

***

Anh Trâu Điên yêu dấu

Khi viết năm chữ nầy, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẩy.

Nhà trên rất yên lặng, chỉ còn mình em ngồi đây, góc bếp phân nửa lộ thiên, em nhìn thấy rất nhiều sao trên bầu trời xanh thẩm. Bàn học với một ngọn đèn neon tỏa màu xanh dịu dàng. Trước mặt em là tấm hình đen trắng nằm trên mặt giấy trắng tinh của cuốn nhựt ký nhỏ, in rõ từng đường nét một người lính đứng oai dũng. Chiếc nón sắt bao lưới ngụy trang gắn đầy lá cây, bộ đồ lính rằn ri mang nét hoa rừng. Treo lủng lẳng trên dây lưng trái lựu đạn, ba lô đeo vai rất lớn nhìn thấy được dù hình chụp từ phía trước, một tay cầm cây súng dài, tay áo sắn lên rất cao, để lộ cánh tay to, gân guốc rắn rỏi, đôi giày sauts cao ống mà em nhớ rất rõ hôm ba chụp tấm hình nầy dính đầy bụi đất màu nâu đỏ, chứng tỏ những Trâu Điên mới từ vùng cao rừng núi về thành phố.

Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình nầy chính tay ba em đã chụp cho anh, rửa ra giấy Kodak từ phòng tối chỗ làm của ba, Sở Giảo nghiệm, thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, vào năm Mậu thân 1968, khói lửa đen ngút làm ảm đạm cả bầu trời Saigon.

Em nhớ rất rõ buổi sáng sớm đó, đất trời còn u u một ngày đầu năm Mậu Thân, những ngày còn Tết, nhưng không khí nhuốm mùi chiến tranh, một cái Tết hãi hùng của dân thủ đô Saigon vốn an lành. Gia đình em đã chạy tản cư qua nhà bà Ý Út, gần chợ Bến Thành mấy hôm trước đó, vừa mới trở về cư xá Phú Lâm.

Em nhớ, khi đoàn lính bước những bước chân mạnh dạn trên con đường ngang qua trước cửa nhà em, giấc sáng sớm trong khu cư xá Phú Lâm A thì cả nhà em đều đã thức. Ba em mở cửa, thấy đoàn lính đi ngang, vội trở vô nhà, sửa soạn cái máy ảnh rồi trở ra, chạy theo đoàn quân đang tiến bước, với đầy đủ vũ khí như sẳn sàng cho một trận chiến. Em sợ sệt, đứng trong nhà nhìn hé qua cửa sổ thấy Ba đi theo và chụp hình. Ngày hôm sau thì ba mang hình về nhà, trãi từng tấm hình đã chụp lên bàn ăn. Em đứng kế bên ba ngó theo.

Tự nhiên Ba cầm một tấm hình nhỏ, ngắm nghía, rồi đưa cho em, nói:

- Hình nầy đẹp quá, muốn giữ hông con?

Em cầm lên, nhìn thấy… anh.

Tấm hình ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhựt ký nhỏ, dấu kín, giữ cho riêng em mà thôi.

Những ngày sau đó, còn Tết, đoàn quân lá rừng còn đóng quân trong cư xá, hể rảnh rỗi giây phút nào, là anh tới nhà em, ngồi nói chuyện với Ba. Một già, một trẻ, coi tương đắc lắm.

Sau đó, em nghe Ba nói với Má:

- Đó là Tiểu đoàn 2, Thủy Quân Lục Chiến, Trâu Điên, đánh giặc giỏi lắm đó mình.

Hai chữ “Trâu Điên” nghe rất lạ. Cho nên lần nào anh tới nhà, em cũng chú ý nhìn huy hiệu trên tay áo, ngực áo trận của anh, để thấy hình Trâu Điên đó.

Anh không biết em đâu, là vì lúc đó em còn nhỏ lắm, chỉ là một cô gái rất nhỏ, nhút nhát, thường thắt hai bính tóc thả phía trước, đang học trường Gia Long, đệ nhất cấp. Những lần anh tới thăm ba, em luôn thập thò bên trong, nhìn anh, người lính trong tấm hình ba đã cho em.

Rồi một ngày, Ba nói với Má:

- Trâu Điên đi rồi, chắc yên rồi đó mình.

Lúc đó là tháng hai, sau Tết ta có mấy ngày thôi.

Cư xá tự nhiên thấy buồn bã, lạnh tanh và thiếu vắng. Không biết những anh lính Trâu Điên đã đi đâu?

Những ngày Tết trôi qua, trong lo sợ, khi những tin tức xấu trên báo chí từ những cuộc tấn công Huế, Nha Trang, rồi Saigon. Tin tức rất xấu cho biết nhiều người đã bị chôn sống, bị bắt đi mất tích ở Huế, ngay tại thủ đô Saigon, không khí Tết đã mất dạng. Trường Gia Long chưa mở cửa lại cả tháng tiếp theo sau Tết, nên em vẫn còn ở nhà suốt thời gian những cuộc tấn công của cộng sản vô thành phố ngoài Trung đã bị dẹp tan nhưng để lại nhiều đổ nát và khăn tang.

Sau ngày “biết Trâu Điên”, em thường đọc báo của Ba, để tìm Tiểu Đoàn Trâu Điên ở đâu trên bước đường chinh chiến? Trước đó em có bao giờ để ý tới tin chiến sự, chỉ thanh thản lo đi học, lo đi chơi, xi nê bát phố cuối tuần cùng mấy bạn, không hề biết ngoài trận chiến, những tiền đồn, các anh lính đã chiến đấu trong gian nguy khốn khổ, sống chết ra sao. Chúng em ở hậu phương chỉ là những nữ sinh ngây thơ, sống trong thành phố bình an.

Từ ngày nhìn thấy những người lính oai hùng, trẻ trung, và đầy nét gian khổ hành quân, đóng quân trong cư xá những ngày Tết Mậu Thân khói lữa ngút trời, em thường lấy hình anh ra coi sau mỗi lần đọc báo, lòng luôn nhớ anh, và bắt đầu hiểu nghĩa chiến tranh là gì.

. . .

Anh Trâu Điên.

Tháng Năm, năm Mậu Thân nầy, việt cộng lại tấn công thủ đô Saigon lần thứ hai.

Lần nầy, chúng đã đặt bộ chỉ huy ngay tại cư xá Phú Lâm A, trong một căn biệt thự chúng đã chiếm đóng. Vài ngày trước đó cư xá hỗn loạn lắm. Một hôm cả xóm chạy vô xóm trong để nhìn xác một người dân bị “Cộng Sản nằm vùng” giết chết bỏ nằm đó, trên người đắp xơ chiếc chiếu. Em nhìn mà kinh hoàng!. Mấy chị em leo lên gác, trèo lên nóc nhà ngồi để nhìn thấy khói lửa bốc lên đâu miệt Chợ Lớn. Ba lấy máy ảnh, chụp hình khói lửa, và hình mấy chị em đang ngồi trên nóc nhà, ba chỉ tay nói máy bay trực thăng đang bắn rockets .

Buổi sáng hôm đó, sớm lắm, đã nghe tiếng hỗn loạn kinh hoàng, Việt Cộng trong xóm nhà lá bắn đùng đùng nhiều tiếng súng nổ, người gánh gồng nồi niu con cái chạy hoãng hốt, lửa cháy đó đây mùi khét bay trong không khí. Ba chỉ kịp chụp cái máy quay phim, máy chụp hình đeo lên cổ, kêu má thu dọn chút đồ, đưa tụi em ra trú đở ở nhà Thờ Cha Hoàng, rồi ba hối hả chạy vô xóm trong để chụp hình. Má em trong cơn bối rối chỉ biết túm lấy đám con, chạy qua nhà thờ tạm trú.

Người người rần rần từ xóm trong, chạy trốn ra khỏi cư xá, còn Ba em thì chạy trở vào đó để chụp hình.

Máy phóng thanh đâu đó không biết đang kêu gọi liên tục nhắc dân chúng mau tản cư. Trực thăng bay quần quần trên bầu trời cư xá nhiều lắm.

Anh Trâu Điên, lúc đó anh đang ở đâu?

Tụi em chạy qua Nhà Thờ cùng với rất đông dân chạy giặc cả cư xá lẫn xóm nhà lá phía trong. Giữa những tiếng rêu réo nhau rất kinh hoãng của cả dân cư xá tản cư, thì Ba em lại lo mặc cái áo giáp, chuẩn bị máy chụp hình, mang theo cả máy quay phim, chạy ngược hướng, đi vô chỗ việt cộng đang đặt bộ chỉ huy.

Ngồi sát bên nhau trước sân nhà Thờ, hai chị em run rẩy, lo sợ cho ba.


Anh Trâu Điên ơi.

Buổi sáng hãi hùng đó, em chưa kịp nhìn rõ mặt Ba. Em phải ngừng viết, vì nước mắt em đã tuôn tràn không thở được.

Buổi sáng hãi hùng đó không có đoàn quân Trâu Điên, Ba em đã đi luôn.

Không, Ba có trở về nhà anh Trâu Điên ơi, bằng thể xác còn nóng hổi, máu còn chảy tràn ra linh láng, thấm ướt hết áo quần em. Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về, máu chảy ướt đẩm trên áo quần hai chị em. Từ chỗ ba bị bắn về nhà, khoảng đường ngắn hai trăm mét mà dài như thiên thu. Ba chết vì hai viên đạn bắn xuyên người, hai cánh tay bị trói ngoặt ra sau. Máy chụp hình máy quay phim đều mất theo với mạng sống của Ba em, chỉ còn chiếc áo giáp trong người.

Sau những ngày đó, gia đình đã chôn cất ba, mấy bác trên Tổng Nha CSQG đã giúp đở lo liệu cho gia đình em rất nhiều.

Má còn quá trẻ với đàn con tám đứa, như người mất hồn. Em luôn nghĩ tới anh trong lo sợ sau cái chết của Ba.

Có khi em oán trách, sao Trâu Điên không tới cứu dân lành như Trâu Điên đã tới lúc chúng nó tấn công Saigon lần thứ nhứt? Em tức tối! Ba em hiền quá, tại sao chúng giết Ba? Ba chụp hình, chỉ để cho con cháu đời sau biết thảm họa chiến tranh.

Trong ngày ba em bị thảm sát, đoàn lính Biệt Động Quân tới chiến đấu anh dũng và giữ an dân trong thành phố. Dân cư xá lần lượt trở về nhà.

Nhưng Ba em thì đã chết!

Chúng bắt và giết Ba vì cho rằng ba là phóng viên chiến trường. Những tên việt cộng bận quân phục chính qui Bắc Việt màu vàng, mặt mày non nớt đó hầu hết đều đã chết ở mặt trận Chợ Lớn.

Em nghĩ, Ba em sẽ tha thứ cho họ.

. . .

Anh Trâu Điên.

Anh đã trở lại cư xá Phú Lâm thăm Ba vào mấy tháng sau, gần cuối năm Thân, trong một kỳ Tiểu đoàn 2 về hậu cứ dưỡng quân. Hôm đó, em có mặt ở nhà. Anh bước vô nhà em, tươi cười như một người thân trong gia đình.

Má em khóc, chỉ hình Ba trên bàn thờ.

Em nhớ, mắt anh tối sầm, sững sờ.

Anh đốt nén nhang cắm lên bàn thờ Ba em, vái thật lâu như thì thầm với Ba. Anh đã ngồi lại, nói chuyện với má rất lâu, rất nhiều. Đứa cháu nhỏ của em bò trên sàn nhà chơi, thỉnh thoảng ngước khuôn mặt bầu bỉnh thiên thần nhìn người lớn. Anh nhìn theo thằng nhỏ, nói:

- Con nít sướng quá, đôi mắt nó trong veo chưa biết gì hết!.

Má em hỏi:

- Chừng nào cháu lấy vợ?

Nghe anh nói:

- Cháu đi lính mới biết mạng sống người lính như chỉ mành trong lửa đạn, cháu đâu dám lấy vợ, khổ cho người ta…

Má hỏi thăm và nghe anh nói hai trận Mậu Thân tiểu đoàn Trâu Điên hy sinh nhiều!

Em vẫn lấp ló bên trong, không dám ra chào, mặc dù em nhìn thấy anh hằng ngày trên tấm hình Ba đã cho em. Em chưa một lần nói chuyện với anh, nhưng quen thuộc lắm anh Trâu Điên. Nhìn anh, em lại nhớ Ba em.

Anh Trâu Điên ơi!

Anh không hề biết có một cô gái nhỏ đã mang hình ảnh của anh hiên ngang trong tâm tưởng, đã theo dõi anh, từng bước quân hành trên báo chí. Tim em thót đau mỗi khi biết được Trâu Điên đang chiến đấu trên trận địa nào, chiến công hào hùng bao nhiêu, mất mát bao nhiêu. Em đã chảy nước mắt, thầm cầu mong cho anh không biết sống chết ra sao? Cầu anh linh Ba theo phù hộ các anh TQLC Trâu Điên.

Mỗi lần đọc tin chiến sự, em thấy mình già thêm biết bao nhiêu, em đã không còn hồn nhiên nữa. Những lần đó, em đều lấy tấm hình anh ra nhìn, nhìn mãi, theo em cả trong giấc ngủ hình ảnh anh Trâu Điên với lá rừng trên nón sắt.

Lá thư nầy em đã viết mà không bao giờ gởi, vì em đâu biết anh Trâu Điên đang ở nơi nào, trên mảnh đất chiến tranh đầy thống khổ của dân tộc Việt Nam mình.

Em viết lá thư nầy, như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Điên, người bạn trẻ của Ba. Hình ảnh Ba và anh Trâu Điên luôn gắn liền nhau, trong lòng em. Em giữ lá thư không gởi trong cuốn nhựt ký nầy.

Cầu chúc cho anh mọi sự bình an

*

Ghi thêm của người viết:

Tấm hình Trâu Điên yêu dấu đã theo cô gái suốt bảy năm dài.

Như một định mệnh rất tàn khốc, tấm hình anh Trâu Điên đã ở lại VN vào một ngày cuối tháng Tư, năm 75 khi cô chạy trốn khỏi nước cùng má và các em. Lá thư nầy ép trong cuốn nhựt ký đã mất cùng với tấm hình trên đường lưu lạc. Thư được viết lại với lòng mong mỏi người anh Trâu Điên nay vẫn còn sống sót đâu đó sau cơn hồng thủy, biết rằng trên mặt đất nầy, vẫn còn có một người luôn nhớ anh Trâu Điên ngày xưa.

Cô gái Phú Lâm A Chợ Lớn Saigon Mậu Thân 1968.

14/04/2018, 17:00:22 Lê Như ĐứcKhách

Một mối tình học trò ngây thơ
Một người lính hình ảnh oai hùng
Một cô bé thắt hai bím tóc
Một Trâu Điên mang nhiều huyền thoại
Một viên Ngọc và một Anh thư
Một tình yêu ngàn lời khôn tả

14/04/2018, 07:11:43 ĐThịKhách

Trận Mậu Thân từng bức tử dân lành và người lính VNCH, gây bao tan thương cho gia đình trong đó có gia đình của tác giả.
Một bài viết nhẹ nhàn, sâu lắng gói ghém tình cảm em gái hậu phương từng yêu mến, thầm mến mộ người trai thời loạn, dù chiến tranh đã chia xa đôi ngã nhưng tình cảm vẫn còn nguyên vẹn.
Cảm ơn chị Ngọc Anh đã mở trang nhật ký chia sẻ với độc giả "nỗi lòng" em gái hậu phương.

Chúc chị luôn vui khỏe, trẻ.