PDA

View Full Version : Tiểu Ngư Nữ Diễm Kiều & Hoàng Tử Nhỏ



Longhai
07-23-2013, 10:15 PM
Tiểu Ngư Nữ Diễm Kiều & Hoàng Tử Nhỏ.



Nguyễn Khắp Nơi.



Khi tôi bắt đầu lớn, biết mơ mộng về tương lai, thì cũng là lúc mà nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi đã và đang ở trong tình trạng chiến tranh, chiến đấu chống lại sự xâm lăng của bọn Cộng Sản phương Bắc. Vì thế, những giấc mơ của tôi về tương lai chỉ quanh quẩn với việc trở thành một người Lính để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Đi lính ? Đồng ý !

Nhưng mà đi lính nào mới được chứ ?

Khi còn nhỏ, được đi xem xi nê, tôi đã mê thích khi xem cuốn phim phiêu lưu mạo hiểm của Robinson lạc vào hoang đảo sống một mình với biển cả mênh mông với những con sóng bạc đầu và hàng dừa nghiêng bóng khi chiều tà, để từ đó tôi mơ sẽ có một dịp may nào đó được sống với biển cả, với đại dương mênh mông.

Tôi mê thích hơn nữa khi được xem những cuốn phim nói về cuộc sống của các thủy thủ trên biển cả, mỗi khi tầu đổ bến, họ mặc quân phục trắng tinh xếp hàng dài trên boong tầu với những Sĩ Quan đội nón kết, găng tay trắng, mang gươm dài oai nghiêm duyệt hàng quân.

Từ đó, mặc dù không biết bơi, với tuổi đời mười sáu, tôi đã mơ ước được làm Thuyền Trưởng của một Chiến hạm, vừa góp phần vào việc diệt Cộng cứu nước, vừa được hưởng những chuyến hải hành đi khắp các nơi trên thế giới. Tôi thuộc lòng những bài hát nói về người Lính Biển :

" Mắt em màu trùng dương, tóc em như sóng cồn.
Gió nhẹ tựa như hơi thở của người yêu buồn mà duyên dáng,
Anh là thủy thủ mang lòng biển cả trao về tình em . . ."
(Tình Yêu Và Thủy Thủ - Y Vân)

Tôi mơ sống cuộc đời người lính biển, để được ngắm nhìn hoa biển trắng tinh trên những ngọn sóng, ngắm những... Ngư Nữ dưới thâm cung...

"... Càng đi xa anh càng nhớ em
Trước đại dương ngát xanh muôn trùng
Kìa ngư nhân in hình trên sóng
Bao nàng công chúa dưới thâm cung...
(Thủy Thủ và Biển Cả - Y Vũ)

Tôi cũng mơ mơ có một người yêu tóc dài, để mỗi khi tầu về bến, hẹn người yêu đi dạo phố :

"...Tàu về bến anh hẹn mình dạo phố
tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
thường dỗi anh "Kìa đi gì mau vậy ?"
anh mỉm cười khẽ nói : "Lính mà em"
(Lính Mà Em - Anh Thi)

Giấc mơ mặc quân phục trắng đeo gươm dài, có người yêu với đôi mắt mầu trùng dương và suối tóc như sóng cồn của tôi chấm dứt một cái đùng khi tôi đi khám mắt, phải mang cặp kính cận bằng nhựa to tướng trên sóng mũi. Hoa Tiêu Hải Quân phải có cặp mắt tinh tường đề nhìn xa và để dễ dàng nhìn ống nhòm. Lính Hải Quân mà mang kiếng cận đi biển, lỡ biển động... rớt mắt kiếng... thì làm sao nhìn thấy sóng để mà lái tầu ?

Không làm Lính Biển được, tôi đổi qua làm... Lính Rừng : Tôi ... đăng Biệt Động, để gói đời trai nơi miền Pleiku gió lạnh mưa mùa :

"Tôi là lính, xa nhà đi trấn Sơn Khê,
Hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về.
Đêm rừng núi lạnh buốt mái Poncho,
Súng cầm canh nhịp từng giờ,
Trái châu chiếu xuyên cành lá... "
(Lính Nghĩ Gì - Hoài Linh)

Tới năm 1981, tôi vượt biên bằng tầu gỗ đánh cá qua ngã Trà Vinh. Ngày đầu tiên nhìn thấy sóng biển, tôi chưa kịp nhìn thấy hoa biển nó trắng như thế nào, đã bị sóng biển vật cho ói mửa tới mật xanh mật vàng. Khi không còn gì để ói nữa, tôi có thể nhìn thấy biển cả mênh mông, nhưng khi nhìn thấy mầu nước biển xanh đậm với những bong bóng nước từ dưới đáy biển từ từ nổi lên, giấc mơ làm Thủy Thủ của tôi nó biến đi đâu mất tiêu... tôi chỉ tưởng tượng được ra... dưới những bọt biển đó là... cá mập... chứ không hề nghĩ rằng, dưới đáy đại dương đó, có... Ngư Nữ dưới thâm cung...

Năm mươi năm sau kể từ khi tôi mơ làm Lính Biển, ước mơ tìm Ngư Nữ lại chợt sống dậy khi vợ chồng tôi có dịp đi viếng thăm Đan Mạch, nơi có Thủy Cung với những Nữ Nhân Ngư diễm kiều.

Biển cả thì có, đáy biển lại càng có thật, thế nhưng ở dưới đáy biển có Thủy Cung hay không thì duy nhất trên thế giới chỉ có một người biết mà thôi, đó là Tiểu thuyết gia Hans Christian Andersen.

Vào năm 1837, Hans đã viết ra câu chuyện thần thoại cổ tích, tựa đề là "Den Lille Havfre", dịch ra tiếng Anh là "The Little Mermaid" và dịch ra tiếng Việt là "Cô Người Cá, hoặc Nữ Nhân Ngư, hoặc Tiểu Ngư Nữ ..."

Truyện tình cô Ngư Nữ này được Nhà Xuất Bản C. A. Reitzel in và xuất bản lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 4 năm 1837. Tôi xin được trích ra như sau :

"Cô Ngư Nữ nhỏ bé xinh đẹp là em út của Hoàng tộc Thủy Cung, gồm có năm chị em gái, Vua biển và Bà nội, mỗi chị em sinh cách nhau một năm. Hoàng Hậu đã băng hà từ sau khi sinh ra cô em út, từ đó, cả năm chị em được chăm sóc bởi bà nội yêu quý. Theo luật lệ của Thủy cung, khi một nàng tiên cá được 15 tuổi, cô được phép bơi lên mặt biển để xem thế giới loài người ở bên trên.

Đến lượt nàng Út Tiên, cô đã bơi lên mặt biển, vừa lúc nhìn thấy một con tàu, trên đó có một hoàng tử thật đẹp trai đang dự lễ mừng lễ sinh nhật thứ 16 của mình. Lần đầu tiên được nhìn thấy loài người, lại là một chàng trai trẻ đẹp trai ngây thơ, nàng tiểu ngư nữ tự nhiên nẩy sinh ra cảm tình và... yêu thích Hoàng Tử Nhỏ này. Khi cô còn đang từ xa ngắm Hoàng Tử Nhỏ, thì một cơn bão lớn đã bất ngờ thổi tới, làm cho chiếc tầu của Hoàng Tử chao đảo rồi bị đánh tan ra từng mảnh nhỏ, mọi người trên tầu đều bị chìm xuống biển. Bất chấp những nguy hiểm có thể xẩy ra, cô Ngư Nữ đa tình vội vàng bơi vào vùng bão biển để cứu Hoàng Tử Nhỏ. Người trai trẻ đáng thương đã bị ngất xỉu sắp sửa chìm xuống đáy đại dương, cô dùng hai tay nâng đầu Hoàng Tử Nhỏ lên khỏi mặt nước và dùng hết sức bình sinh quẫy đuôi đưa anh chàng vào bờ, gần một nhà thờ. Cô Ngư nữ tìm cách cứu tỉnh Hoàng tử nhỏ và đợi ở đó đến khi những cô gái ở trong nhà thờ đi ra biển thì cô vội vã rời bờ để bơi ra xa, núp mình sau những tảng đá để xem động tĩnh ra sao? Một cô gái đã tìm thấy Hoàng Tử Nhỏ và đánh thức cậu ta dậy. Khi thấy Hoàng Tử Nhỏ tưởng rằng cô gái đó đã cứu mình và cám ơn cô ta, Tiểu Ngư Nữ đang thuơng hốt hoảng nhô mình lên khỏi mặt nước, đưa tay vẫy vẫy về phía Hoàng Tử mà nói rằng cô mới chính là người đã cứu được chàng, và cô mói chính là người nhận lời cảm ơn đó. Tiếc thay, âm thanh của cô phát ra chỉ là âm thanh của một ngư nữ, giống như là tiếng gió giữa đại duong, Hoàng Tử Nhỏ làm sao mà nghe được. Hơn nữa, cô đang ở quá xa mà trời vẫn còn chưa sáng, và vị Hoàng Tử vẫn còn đang trong cơn mê, không thể nào nhìn thấy cô được. Buồn bã, cô bơi trở về Thủy cung, cô hỏi Bà Nội nếu con người có thể sống ở dưới thủy cung hay không? Bà Nội đã giải thích cho cô ngư nữ ngây thơ này biết rằng, loài người không thể thở ở dưới biển như người cá được, nên họ sẽ bị chết nếu ở dưới biển quá lâu. Loài người lại có tuổi thọ ngắn hơn tuổi thọ của người cá rất nhiều, vì trung bình tuổi thọ của người cá là 300 năm, trong khi rất ít có nguời nào có thể sống lâu hơn 100 tuổi. Khi chết, người cá biến thành bọt biển và không còn tồn tại nữa, trái lại, khi con người chết, linh hồn của họ bay lên cao và sống vĩnh cửu trên thiên đàng.

Tiểu Ngư Nữ dễ thương hỏi lại bà nội :

"Tại sao chúng ta lại không có một linh hồn bất tử ? Cháu sẵn sàng đổi ba trăm năm sống ở dưới biển sâu với một ngày duy nhất trên đất liền".

Bà Nội vui vẻ trả lời :

“Điều đó không thể có được... trừ khi có một người nào đó yêu cháu rất nhiều, lúc đó, một vị Linh Mục sẽ đến, đặt bàn tay phải của chàng trai lên vai của cháu, hứa với thượng đế là sẽ yêu thương cháu suốt đời, lúc đó, một phần linh hồn của chàng trai sẽ nhập vào cơ thể của cháu. Linh mục sẽ nhân danh thượng đế mà ban cho cháu một linh hồn, trong khi chàng trai vẫn giữ phần linh hồn còn lại của mình.

Nhưng điều đó không thể nào xấy ra, vì, dù rằng cháu có một chàng trai nào đó yêu cháu hết lòng, cháu cũng không có thể sống trên mặt đất được, vì cháu có đuôi cá. Đuôi cá giúp cháu bơi lội dễ dàng duới nước nhưng không thể giúp cháu đi trên mặt đất được. Trên trần thế, người ta có đôi chân để đi chứ không dùng đuôi cá.

Tiểu Ngư Nữ buồn bã bơi đi... Cuối cùng, cô quyết định tới gặp một bà phủ thủy biển, cô đã đồng ý đổi giọng nói quyến rũ của mình (Giọng nói phát ra từ cái lưỡi của nàng nhân ngư) để lấy một bình thuốc nhỏ có thể giúp cô có một đôi chân người. Bà phù thủy biển cũng đã cho cô biết rằng, một khi cô đã trở thành một con người rồi, cô sẽ không bao giờ có thể quay trở lại thành người cá được nữa. Khi uống thuốc xong, cô sẽ cảm thấy như có một thanh kiếm đang đâm qua suốt người cô, nhưng khi cô hồi phục, cô sẽ có hai đôi chân thật đẹp, và cô sẽ có thể nhảy múa hay và đẹp hơn bất cứ một người nào trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi lần nhẩy múa, cô sẽ chịu đau đớn liên tục, giống như cô đang nhẩy múa trên đầu của những thanh kiếm thật sắc, làm cho đôi chân của cô bị chảy máu rất nhiều.

Cuối cùng, cô sẽ chỉ có được một linh hồn nếu cô tìm thấy nụ hôn tình yêu đích thực và vị Hoàng Tử đồng ý cưới cô làm vợ. Nếu không, vào rạng sáng ngày đầu tiên sau khi Hoàng Tử Nhỏ kết hôn với một phụ nữ khác, nàng tiên cá sẽ lập tức bị chết và hình hài của cô sẽ tan thành bọt biển.

Nàng Tiểu Ngư Nữ ngây thơ diễm kiều đã chấp nhận tất cả mọi điều kiện của bà phủ thủy biển, cô đã bơi lên bờ, uống chất nước trong chai và trở thành một cô gái hoàn toàn là người với cặp chân dài tuyệt đẹp. Cô đi bộ vào trong lâu đài để gặp vị Hoàng Tử Nhỏ của lòng mình. Hoàng Tử đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kiêu sa duyên dáng của Nàng Tiểu Nhân Ngư, cô đã vừa nhẩy múa cho Hoàng Tử xem và cố gắng nói cho chàng hiểu rằng, cô chính là người đã cứu sống Hoàng Tử từ dưới biển sâu. Đáng tiếc thay, cái lưỡi uốn éo dịu dàng của cô đã bị cắt đi rồi, làm sao cô có thể nói cho vị Hoàng Tử Nhỏ này hiểu được !

Khi Vua cha ra lệnh cho Hoàng Tử Nhỏ phải lấy một Công chúa của một nước láng giềng, vị Hoàng tử đã trình với phụ thân rằng, chàng chỉ cưới cô gái ở trong nhà thờ, người mà chàng tin rằng đã cứu mình thoát chết ở biển cả mênh mông.

Hoàng tử đã kết hôn với cô gái lạ mặt đó, phá vỡ trái tim đầy tình yêu của nàng tiên cá. Cô nghĩ về tất cả những gì cô đã từ bỏ và tất cả những nỗi đau mà cô đã phải chịu đựng, cô tuyệt vọng, nghĩ đến cái chết đang chờ đợi mình...

Nhưng, trước khi bình minh ló dạng, bốn chị em của cô Tiểu Ngư Nhân đã biết số phận của người em út, họ đã đến gặp bà phủ thuỷ biển, đồng ý đổi những mái tóc vàng óng ả của mình lấy một con dao và mang lại cho người em đáng thương. Cô chị cả đã đua con dao cho nàng Út, nói rằng : Nếu nàng tiên cá đâm con dao này vào người Hoàng Tử Nhỏ, hứng những giọt máu này vào đôi chân của mình, Tiểu Ngư Nữ sẽ được biến trở lại thành Ngư Nữ.

Nàng Tiểu Ngư Nữ đáng thương cầm con dao vào phòng của Hoàng Tử Nhỏ, chàng đang nằm ngủ say sưa bên người vợ mới cưới. Cô không thể làm được điều mà cô cần phải làm. Hoàng Tử Nhỏ không hề phản bội cô, chàng đã làm đúng với điều mà cô đã làm, chỉ đáng tiếc là chàng đã lầm lẫn mà tưởng rằng người cứu sống chàng là cô gái trong nhà thờ, không hề biết rằng, người cứu chàng chính là cô Ngư Nữ đang đưa tay ra dấu cho chàng nơi biển xa...

Nàng Ngư Nữ đáng thương cam chịu số phận của mình, cô nhảy xuống biển vào lúc bình minh, để thân xác mình tan thành bọt biển...

Đó là phần kết thúc đau thương của chuyện tình của Nàng Tiểu Ngư Nữ. Đoạn kết buồn thảm này đã bị nhiều người đương thời chỉ trích là... không có hậu, tức là không có... Happy Ending. Vì thế, họ đã không thể kể câu chuyện cổ tích này cho con cháu nghe được.

Thông thuờng, truyện cổ tích phải bắt đầu bằng câu văn :

Ngày xửa ngày xưa - Once upon a time... ”

Và kết thúc bằng câu văn :

“Rồi sau đó họ lấy nhau, sống với nhau hạnh phúc cho đến suốt đời - And they live happily ever after... ”

Do đó, ông Hans đã phải đổi đoạn kết của cuốn truyện như sau :

Sau khi tan thành bọt biển, vì cô đã làm một điều lành, nên thân xác của cô đã được bay lên trên không để biến thành “Con gái của Thần Hư Vô - Daughter of The Air”. Để rồi sau ba trăm năm làm những điều thiện, cô sẽ có được một linh hồn thật sự để tồn tại vĩnh viễn trong cõi hư vô...

Cuốn sách của Hans Christian Andersen sau khi in ra, đã làm say mê hàng triệu người đọc ở khắp nơi trên thế giói, sách đã được dịch ra thật nhiều ngôn ngữ khác nhau, kể cả Việt Ngữ, được dựng thành kịch, vũ, phim ảnh, truyền hình...

Vào năm 1909, ông Carl Jacobsen, một nhà đúc tượng đồng, sau khi xem vở ca nhạc kịch “Ballet” nói về Nàng Tiểu Nhân Ngư, đã có ý định đúc một pho tượng đồng cho cô Ngư Nữ Diễm Kiều này. Điêu khắc gia Edvard Erisen đã tạc pho tượng Nữ Nhân Ngư, với người mẫu là nữ diễn viên múa ballet: Ellen Price. Cô Ellen đồng ý làm nguời mẫu, nhưng lại chỉ đồng ý dùng gương mặt của mình mà thôi chứ không đồng ý khỏa thân để làm toàn thể pho tượng, do đó, pho tượng được tạc ra với đầu là của cô Ellen và thân hình là của Eline Eriksen, vợ của Điêu khắc gia Edvard.

Tượng đồng được hoàn tất vào năm 1913, với hình cô Ngư Nữ ngồi trên một tảng đá ở hải cảng của thành phố Copenhegen, vùng Langelinie. Tượng có chiều cao 1.25 m và nặng 175 kg. Ngay từ khi được dựng lên, pho tượng Ngư Nữ đã được du khách từ khắp các nơi trên thế giới tới chiêm ngưỡng, pho tượng đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Đan Mạch.

Đó là câu chuyện cổ tích về Công Chúa Thủy Tề và Hoàng Tử Nhỏ của Hans Christian Andersen. Thế nhưng, Thủy cung ở đâu ? Bắc Cực ? Nam Cực ? Và Hoàng Tử Nhỏ là Hoàng Tử của nước nào ? Văn sĩ Andersen không viết ra, nên chúng ta chẳng có cách nào mà biết được, cứ tưởng tượng như là Thủy cung ở đâu đó ngoài khơi thành phố Copenhagen, và Hoàng Tử Nhỏ là Hoàng Tử của nước Đan Mạch, vậy thôi. Chuyện cổ tích mà ! Cứ hoang đường như vậy thôi, vậy mà câu chuyện này đã làm cho biết bao nhiêu thế hệ phải ngậm ngùi thương cảm cho số kiếp hồng nhan của cô Tiểu Ngư Nữ kiều diễm đáng thương.

Tuy nhiên, Đan Mạch không phải chỉ là xứ sở của những chuyện cổ tích hoang đường. Đó còn là nơi mà một câu chuyện cổ tích đã trở thành hiện thực, có nguồn gốc, có chứng cớ hẳn hoi đấy.

Ghi chú : Tiếng Đan Mạch, viết tắt là ĐM, nên có rất nhiều người Việt Nam biết nói tiếng Đan Mạch.

Vào thời buổi chúng ta đang sống, vì có Computer, có Internet, có Mobile phone, nên chuyện gì cũng có thể xẩy ra, thật giả không ai biết được. Đa số các quốc gia trên thế giới đã trở thành những quốc gia dân chủ với Tổng Thống, với Thủ Tướng, chứ không còn là các bậc vua chúa nữa, dù cho có đi chăng nữa, những vị vua này chỉ còn là hư vị mà thôi, ít có ai nhắc nhở tới họ nữa. Vua chúa mà còn không được nhắc tới, dễ gì có ai còn nhớ tới các vị Hoàng Tử nữa.

Vậy mà đã có một tin nóng hổi được đưa ra : Hoàng Thái Tử nước Đan Mạch đã ngao du sơn thủy qua tuốt tận xứ Úc xa xôi vạn dặm, gặp một cô gái dân giả, thương yêu cô và rước cô về trình diện với Hoàng Tộc và toàn dân để xin cưới cô làm vợ. Chuyện này tuy có vẻ cổ tích nhưng lại là chuyện có thật, tôi xin được kể lại như sau :

Ngày xửa ngày xưa (Chuyện này xẩy ra vào năm 2000, cách đây cũng... khá xa, nên tôi cũng có thể bắt đầu câu chuyện bằng câu văn của truyện cổ tích), Hoàng Thái Tử (Crown Prince) Frederik của nước Đan Mạch, tuổi đã vào hạng tam tuần (Hơn 30 tuổi đời) mà Hoàng tộc vẫn chưa tìm ra được một công chúa của nước láng giềng nào để mà nâng khăn sửa túi cho chàng. Tìm vợ trong nuớc không được, chàng bèn có ý định chu du thiên hạ để mở rộng thêm kiến thức. Vào mùa Xuân năm 2000, Hoàng Thái Tử Federik đã đại diện Hoàng gia Đan Mạch tới Úc tham dự buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè. Sau buổi lễ, chàng rảnh rang đi chu du khắp thành phố Sydney ngắm cảnh mùa Xuân hoa cỏ hữu tình. Cảnh đẹp người xinh làm cho người ta quên cả thời gian, trời tối lúc nào mà chàng không hay, tới khi cảm thấy khát nước, chàng mới tạt vào... quán rượu bên đường (Quán Slip Inn) để uống vài ly cho khỏe. Bất ngờ, trong quán lại có một bóng hồng mà trong tim chàng Frederik đã có hình ảnh của cô từ lâu mà tới nay mới được gặp. Nàng cho chàng biết tên mình là Mary, không phải là dân địa phương. Không biết có số trời run rủi hay không mà cô đang ở một vùng xa xôi lắm - không những cách xa Sydney cả ngàn dặm, mà lại còn phải qua một cái biển rộng mới tới nơi - tự nhiên cô cũng có ý định tới Sydney dự Thế Vận Hội, và tối nay, cô tự nhiên cũng có ngẫu hứng mà vào quán rượu uống vài ly để rồi gặp mặt một chàng trai có giọng nói... không giống giọng của con Kangaroo chút nào. Sau cuộc gặp gỡ, nàng Mary đã từ giã chàng Frederik để về... Thủy Cung (Tạm gọi là Thủy Cung, vì cô Mary ở Tiểu Bang Tasmania ở tuốt Tasmania, nơi tận cùng của xứ Úc) Sau một thời gian quen biết, hai người đã làm lễ đính hôn vào năm 2003, và qua năm sau, đám cưới của Hoàng Thái Tử Frederik và cô dâu Mary đã được cử hành thât là long trọng tại Thánh Đường của Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, vào ngày 14.05.2004.

Để kết luận, tôi cũng theo đúng như trong chuyện cổ tích mà viết rằng : Từ đó, hai vợ chồng Hoàng tử đã sống với nhau thật hạnh phúc, với đứa con trai đầu lòng để nối ngôi, và thêm hai cô con gái, một cậu trai nữa cho vui cửa vui nhà.

Chuyện tình của Hoàng Thái Tử Frederik và Công Chúa Mary thật là đẹp và hai người trông thật xứng đôi. Hai người lấy nhau là chuyện thật và cả thế giới đều biết. Chỉ có một điều không ai nói ra, kể cả hai đương sự cô dâu và chú rể :

Lúc gặp nhau ở quán rượu, hai người đã nói gì với nhau ? Chàng Frederik đã nói như thế nào để cho cô Mary tin rằng chàng là Hoàng Tử thứ thiệt ?

Hai người lúc đó... chắc cũng đã uống với nhau... vài ly rồi.

Khi đã hơi ngà ngà say, làm sao mà chàng Frederik mở miệng ra để tán tỉnh cô nàng Mary ? Nếu chàng vừa say lè nhè vừa nói :

"... Híc... Híc... mate... you know... I am...a Prince... Híc... Híc..."

Liệu cô Mary có... tin được hay không ?

Chắc chắn là không rồi ! Thời buổi máy tính điện tử, Iphone đầy rẫy, kiếm ra một Hoàng Tử đã không phải là chuyện dễ, huống chi lại là một Hoàng Thái Tử nữa (Sẽ nối ngôi vua). Hoàng Thái Tử ở đâu ra mà đi lang thang vào quán rượu mà làm quen với người đẹp ?

Theo tôi đoán, lúc đó, cô Mary cũng sẽ tin chàng Frederik này là Hoàng Tử, nhưng mà là... Hoàng Tử Ếch (Frog Prince) chứ không thể nào là Hoàng Tử thứ thiệt được.

Không biết chàng Frederik này nói những gì mà cô Mary lại tin anh ta là một Hoàng Thái Tử thì... hay thật. Tôi chưa bao giờ ở vị trí của ông Hoàng để có thể đoán được nội vụ ra sao? Nhưng quả thật là cô Mary đã tin chàng Frederik này và vì thế, hai người mới lấy nhau.

Áo cưới của cô dâu Mary như chúng ta nhìn thấy trong hình trên, rất vừa vặn với khổ người của cô dâu, tưởng là mới may xong ngày hôm qua, nhưng thật ra thì cái áo cưới này đã được may cách đây khoảng... một trăm lẻ tám (108) năm. Người mặc chiếc áo cưới này lần đầu tiên là Vương Phi (Crown Princess, the female heir to the throne) Margret của nước Thụy Điển, vào năm 1905. Sau đám cưới, chiếc áo đã được cất vào tủ... để dành, bây giờ mới đem ra dùng tiếp.

Nhân chuyến Âu du, đoàn du lịch của chúng tôi đã có dịp tới thăm Hoàng cung, nơi Nữ Hoàng Margrethe II và Hoàng tộc cư ngụ. Rất may, chúng tôi đến nơi vừa kịp lúc xem toán Ngự Lâm Quân làm lễ đổi phiên gác.

Khách du lịch đã đứng đầy hai bên đường để xem. Đúng 12 giờ, đoàn lính đổi gác từ trong trại lính cách Hoàng Cung khoảng vài trăm thước bắt đầu đi ra, đoàn kỵ binh đi trước, theo sau là đoàn lính bộ binh đi diễn hành thật là nghiêm chỉnh. Đoàn lính gác Hoàng Cung mặc quần áo và đội nón lông thật dài, giống như lính gác Hoàng Cung ở bên Anh, chỉ khác là lính Anh mặc quân phục áo đỏ quần đen, còn lính Đan Mạch mặc quân phục áo mầu đen, quần mầu xanh biển.

Ngoài pho tượng ngư nữ, Đan Mạch còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh, khách du lịch đổ vào nước này rất nhiều, và ngưồn lợi thu được từ khách du lịch đã trở thành một trong những lợi tức chính của Đan Mạch.

Hải cảng Nyhavn.

Hải cảng Nyhavn, dịch ra Anh Ngữ là New Harbour. Được tiếng là mới, nhưng thực tế, hải cảng này đã được xây từ thế kỷ 17 (Để thay thế cho một hải cảng cũ hơn nữa) ngay trong trung tâm thành phố. Ngày nay, hải cảng này đã không còn được dùng để bốc rỡ hàng hóa nữa, nó đã trở thành khu ăn uống xầm uất và thật là đẹp đẽ với những chiếc tầu gỗ đóng từ những thế kỷ 15 - 16 đậu trên sông và những căn nhà sơn đủ mầu sắc, tạo cho thành phố Copenhegen một vẻ đẹp cổ kính, trang nhã và lịch sự.

Đứng từ trên cầu nhìn xuống, bên tay phải của dòng sông này là những tiệm ăn, tiệm cà phê thật là đông đúc và xầm uất, nhưng nhìn qua bên tay trái thì khung cảnh lại đổi khác đi rất nhiều: Không có quán ăn nào cả, mà toàn là những cửa tiệm, văn phòng mà thôi. Một trong những cửa tiệm đó là tiệm bán sách báo và đồ lưu niệm mang tên văn hào Hans Christian Andersen. Nơi đây có bán đủ các loại lưu niệm về Tiểu Ngư Nữ và chỉ nơi này mới có nhiều mà thôi.

Thành Phố Ribe.

Ribe là một thành phố cổ nhất của Đan Mạch, với những căn nhà đầy mầu sắc, những con đường nhỏ bằng đá xanh cũng đã là một trong những địa điểm thu hút rất nhiều du khách tới thăm Đan Mạch. Bước vào Old Town Ribe, bạn tưởng như là mình đã đi ngược dòng thời gian để trở về thời Trung cổ, với những căn nhà được xây từ năm 700. Thành phố lúc khởi đầu có chừng hơn hai trăm căn nhà, hiện nay chỉ còn lại khoảng 111 căn nhà vẫn còn có người ở, và tất cả đều được liệt kê vào danh sách những di tích lịch sử được bảo tồn.

Vào thời kỳ những căn nhà này được xây, người ta chưa phát minh ra máng xối, nên nước mưa từ mái nhà cứ thế mà chẩy xuống con đường lát đá xanh. Những căn nhà ở ngay ngã ba đường, thường để trước nhà mình một tảng đá, mục đích là để ngăn ngừa những chiếc xe ngựa khỏi chạy thẳng vào nhà mình. Ngay trước cửa một quán rượu, vẫn còn một tảng đá lớn, bên cạnh chỗ cột ngựa, để cho các bợm nhậu khi đã quá say, không nhẩy lên mình ngựa được, thì cứ việc leo lên tảng đá rồi từ đó leo lên yên ngựa mà đi về.



Nguyễn Khắp Nơi.
( Tài liệu gom góp từ Wikipedia và Tour guide.)