PDA

View Full Version : "Ông Khai Trí" Nguyễn Hùng Trương



Longhai
07-14-2013, 12:54 AM
"Ông Khai Trí" Nguyễn Hùng Trương



Ct.Ly


Người Saigon nên đọc, không phải người Saigon, đọc cho biết !



Tôi có người chị ruột giúp viêc bán sách cho tiệm sách Việt Hương ở số 34 đưòng Lê Lợi. Từ đây đi về hướng chợ Bến Thành có thêm 3 tiệm sách :

Thanh Tuấn số 56, Phúc Thành số 58 và Khai Trí chiếm 2 căn 60 - 62.

Theo chị tôi kể lại Ông Khai Trí khởi nghiệp bằng 1 chiếc xe đẩy ( Như xe bán sách ở bến sông Seine bây giờ ). Xe bán sách của Ông thường đậu trước cổng Trường Chasseloup Laubat đường Hồng Thập Tự. Tôi nghe kể laị vây thôi chớ đâu ngờ gặp Ông ở Z 30C Hàm Tân.

Buổỉ sáng Tù đợi đi lao động, nhưng sớm hơn có một ông già lúc nào cũng với bộ quần áo trắng đã ngã qua màu cháo lòng đẩy chiếc xe cải tiến chứa phân bắc của tù đem đi. Sáng nào cũng vậy, ít ai biết ông là ai.

Ông Nguyễn Hùng Trương (Chủ nhà sách Khai Trí) - người Sài Gòn gọi ông là "Ông Khai Trí" (Theo tên nhà sách - nhà xuất bản do ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.

"Ông Khai Trí" tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.

Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách; ba hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không ? Nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả ngàn cuốn.

Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (Nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí. Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo…

Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau nầy nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu. Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú.

Một thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (Chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975). Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị. Riêng trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách : Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam…

Nhà văn Nguyễn Thụy Long ( Tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Loan mắt nhung," ) có viết một bài nhan đề "Vĩnh biệt ông Khai Trí," trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975:
"Ông Khai Trí, Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức, Gia Định, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị chính quyền Cộng sản tịch thu, sau đợt "Cải tạo văn hóa 1976" tại Sài Gòn.

Thuở đó, sau khi các Sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những Văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là "Biệt Kích Văn Nghệ".

Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì Việt Cộng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước 1975, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.

Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa.

Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi ? Ông cười chua chát :

- Phải đến năm 3000 thì may ra…

Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.

Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông ở đường Phan Thanh Giản (tên cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia đình ông.

Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông : Năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí.

Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.


***


Làng Đậu Tôi đã định viết một bài về tờ Thiếu Nhi, tờ báo giáo dục lớn nhất và thành công nhất của thời Việt Nam Cộng Hòa (Trước năm 1975); nhưng rồi nhiều biến cố xảy ra khiến tôi chưa làm được việc ấy, và sáng nay (11 tháng 3 năm 2005) thì được tin : Ông Nguyễn Hùng Trương, nguyên chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi và là chủ nhân Nhà sách Khai Trí tại miền Nam trước 1975 vừa từ trần tại Sài Gòn.

Xin mượn diễn đàn này như một nơi để tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ thiếu nhi tại miền Nam, trong đó tác giả bài này là một độc giả nhỏ bé theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng.

Nhắc tới Khai Trí, tôi tin rằng ai đã sống tại Sài Gòn thì không thể quên được cái tên này.

Còn nhớ những ngày đầu sau 1975, khi còn là con mọt sách mới nở, tôi lang thang trên đường phố Sài Gòn, được mục kích tận mắt ông chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương trải tấm ny-lon lớn trên viả hè ngay trước cửa Nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu Nhi còn sót lại; tờ báo vốn khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét. Có lẽ số phận cuả nó cũng tương tự như số phận cuả các bạn thiếu nhi ở các vùng nóng trong những ngày tơi tả cuả một cuộc chiến đang đến hồi kết: cố thu mình lại là để giữ nguyên vẹn cái hình hài mà cha mẹ Việt Nam đã ban cho. Tôi còn nhớ rất rõ một bài trong một số đã phát hành, đại ý như sau :

"Cho dù tờ báo có nhỏ đi, số trang có bị bớt đi và số người đọc có giảm thiểu đến bao nhiêu thì mãi mãi chủ trương, mục đích giáo dục và chất lượng cuả tờ báo vẫn sẽ không thay đổi…"

"Ông Khai Trí“ thật sự làm đúng những gì đã nêu : Tiền lời cuả nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu Nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành xử "Bù lỗ nhiều hơn"; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu Nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn.

Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Khai Trí đã có thời gian sống ở Hoa Kỳ, dự định mở lại Nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu cho ông là hầu hết các tác phẩm cuả Nhà Khai Trí đã "được" một số nhà xuất bản hải ngoại khác in lại mà không hề nghĩ đến chuyện…bản quyền ! Có lẽ đó là một trong những nguyên do chính khiến ông chán nản và trở về sinh sống tại Sài Gòn.

Tiện đây, thay mặt cho các độc giả, xin chân thành ghi ơn tất cả những người đã bỏ rất nhiều công lao viết bài cho tờ Thiếu Nhi, trong đó phải kể tới chủ biên Nhật Tiến, họa sĩ Vi -Vi (Võ Hùng Kiệt) và các nhà văn, nhà báo, các dịch giả mà tôi không thể nhớ hết tên.

Sau đây xin ghi lại những hình ảnh mà tôi còn giữ về tờ báo đã "Vang bóng một thời" ấy.

Về hình thức, trang bià và trang cuối cuả tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kỹ thuật tiến bộ (Và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ.

Trang bìa thường in hình vẽ cuả họa sĩ Vi -Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm cuả họa sĩ Vi -Vi : Võ Hùng Kiệt.

Nếu như trang đầu cuả tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin -Tin, truyện Asterix Obelix, truyện cuả Walt Disney,…Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên rất là hay và có nội dung giáo dục. Hoạ sĩ Vi -Vi cũng có góp phần vẽ một số truyện tranh Việt Nam.

Đến phần trong, in typo 3-4 màu, lúc nào cũng bắt đầu bằng lá thư chủ nhiệm hay chủ bút; chủ nhiệm tờ báo qua các lá thư này thường gởi những lời nhắn nhủ khuyên bảo chân tình đến các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh về nhiều đề tài thiết thực cuả cuộc sống. Các chủ đề biến động theo sự lớn mạnh cuả lượng độc giả cũng như theo sự suy tàn cuả chế độ chính trị ở miền Nam. Nhưng cho dù thế nào, trong các mục chính cuả tờ báo, chưa bao giờ thiếu truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch của các nhà văn nhà báo miền Nam cũng như những bài văn thơ chọn lọc cuả bạn đọc hay cộng tác viên. Bên cạnh đó là các bài phổ biến kiến thức khoa học thường thức cũng như các bài về kiến thức sống. Tôi còn chưa quên các bài trích đăng của dịch giả Nguyễn Hiến Lê về những tấm gương thành công, những bài học về nhân cách từ các cuốn sách "Học làm người". Tờ báo không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kỳ thi đố vui có thưởng, các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các tiết thơ, văn, nhạc, hoạ cuả nhiều tác giả già, trẻ. Mục "Truyện cổ tích“ cũng thu hút người đọc không kém bằng các truyện cuả Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Chỗ không kém phần thú vị cuả tờ báo là hai mục : "Trả lời thắc mắc" và "Tay ngọc bên bếp hồng". Chắc không viết thì các bạn cũng rõ hai mục này để làm gì. Một lần có bạn đọc nào đó cắc cớ hỏi đố về độ cao cuả một ngọn núi tên lạ hoắc, khiến cả BBT tờ báo gặp khó dễ hết mấy tuần. Nếu tôi không lầm thì chính nhà văn Nhật Tiến đã ra thông báo rằng mục tiêu cuả mục trả lời thắc mắc không phải là để thi thố tài năng, cũng không phải để thách đố mà là hỗ trợ các bạn trong học vấn, kiến thức. Trong bài trả lời, ông đã khéo léo biến câu hỏi đố thành bài học đạo đức đáng giá.

Sau 1975, do các đợt vận động cuả chính quyền về việc "Tiêu huỷ các tàn dư văn hoá đồi trụy phản động" cũng như các đợt kêu gọi thiếu niên nhi đồng làm "Kế hoạch nhỏ", những số báo Thiếu Nhi còn sót lại của tôi và có lẽ cũng của nhiều gia đình đã lần lượt ra đi. Nếu người Cộng Sản có được cái nhìn thoáng hơn và sâu xa hơn thì có lẽ những tài sản quí báu về văn hoá vốn đã bị huỷ hoại quá nhiều trong cuộc chiến cũng đỡ bị tuyệt diệt.

Tờ Thiếu Nhi, theo thiển ý, bỏ rất xa các tờ báo sau này được xuất bản dành cho thiếu nhi trong nước về cả lượng lẫn phẩm, vì nó là tinh hoa của nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sĩ góp thành và đặc biệt nó lại không chịu bất kỳ một ảnh hưởng chính trị hay một xu hướng văn hoá độc đoán nào.

Cuối cùng, xin "trình“ lại vài câu thiện trong vô vàn các câu mà tờ Thiếu Nhi đã in trong phần footnote ở trang bìa ngoài cuả các số báo :

Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan (Thích Ca)
Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn (Nguyễn Trãi)
Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi.

Cầu cho hương hồn ông chủ nhiệm tờ Thiếu Nhi được an nhiên.



Ct.Ly