PDA

View Full Version : Trong hang



Longhai
07-05-2013, 08:26 AM
Trong hang


Thảo Trường


Suốt một đời ở ngôi cao, ăn sung mặc sướng, nhưng chưa bao giờ ông Chánh án Tòa Thượng thẩm áo đỏ có được cái vị giác và cảm giác ngon lành tuyệt hảo như thế.

Bị can nguyên là Chánh án Toà Thượng thẩm Đại hình. Ông Chánh án già của Miền Nam đã từng ngồi xử không biết bao nhiêu vụ án trong suốt mấy chục năm ở khắp ba miền và đã hưu. Ông cũng bị cộng sản đưa đi tù ngoài Việt bắc xa xôi. Ông già quá rồi nên cai tù cho ông nằm nhà không được đi lao động. Trong phòng giam xảy ra vụ mất cắp mấy tán đường. Nạn nhân bị mất của là anh tù Cu Tý nằm cạnh ông Chánh án. Anh ta bị bắt ngày 30 tháng 4 lúc mới mười bảy tuổi về tội vũ trang chống phá cách mạng. Tội này cũng phải đưa đi cải tạo ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hôm anh tù chính trị bé tí này ôm chiếu tới nằm cạnh ông Chánh án, hai người tù bèn hỏi chuyện nhau. Ông Chánh án thấy tù nhân là trẻ con bèn thắc mắc :

- Cháu bị tội gì ?

Cu con khoái kể tội của mình lắm, bèn khoe :

- Thưa ông, cháu tội phản cách mạng!

- Là sao ?

Cu Tý như hăng lên :

- Cháu võ trang súng M.16 chống chế độ cộng sản, cháu là Tiểu đoàn phó Phục quốc. Ông Chánh án ái ngại nhìn đứa trẻ, nó tinh ranh nháy mắt với ông cụ :

- Ngày 30 tháng Tư các chú Sĩ quan phe mình vứt bừa bãi súng ống ở trường học, cháu và lũ bạn nhặt... chơi.

Ông già như hiểu ra, lắc đầu ái ngại :

- Có thế mà cũng đi tù. Có thế mà cũng bị đưa ra ngoài Bắc này?

- Dạ, chú cháu đến Ban quân quản xin bảo lãnh cho cháu về thì bị các đồng chí dọa bỏ tù. Họ nói "Anh không biết dạy cháu để nó đi cầm súng chống cách mạng thì anh cũng có tội nữa, hãy lo thân anh cho xong còn đòi bảo lãnh cho ai !" chú cháu sợ quá bỏ cháu luôn. Ông cụ cười hiền :

- Không ai bỏ cháu đâu, chỉ sợ cách mạng tí thôi. Thế ai thăm nuôi cháu ? Đồ ăn nhiều lắm mà.

- Mẹ cháu gửi quà cho.

- Thế... Bố cháu đâu ?

- Bố cháu mất tích trong tháng di tản chiến thuật từ Miền Trung về. Sau 30 tháng Tư mẹ cháu đi tìm, hỏi thăm tin tức khắp nơi không thấy. Hỏi cán bộ họ nói "Thế thì chạy theo đế quốc Mỹ rồi, nếu không chết dấm chết dúi ở xó xỉnh nào đó !"

Ông Chánh án tỏ vẻ ái ngại cho người bạn tù bé nhỏ, nhưng nó tỉnh bơ :

- Sức mấy Bố cháu chết dấm chết dúi. Bố cháu làm Thượng sĩ, không chừng bây giờ đang ở bên Mỹ.

Rồi nó tiếp :

- Bố bỏ đi thì còn có mẹ, nếu chẳng may mẹ bỏ đi nữa thì có dì hàng xóm, ông ạ.

Thằng bé còn giở gói quà mới nhận ra khoe với ông Chánh án, nó cầm một cục đường tán bỏ vào cái ca nhôm, xong nó bọc mớ đường bằng ba bốn lần bao ni lông, xong nó bỏ gói đường đó vào trong lon gô đậy nắp lại, xong nó để lon gô vào cái hộp nhựa, xong nó bỏ hộp nhựa vào trong cái bao cát, xong nó bỏ bao cát vào lại cái rương, xong nó cất cái rương lên xích đông. Rồi nó ngồi xuống lấy bình nước định rót vào cái ca nhôm có cục đường mới bỏ vào trong ấy. Nhưng nghĩ sao đó nó lục tìm cái muỗng ở đầu nằm, dùng muỗng xắn một phần tư cục đường tán đưa cho ông cụ :

- Ông nhấm với cháu tí đường cho nó ngọt miệng. Ông Chánh án run run đưa tay cầm mẩu đường thằng bé cho. Đã từ lâu lắm trong cơ thể ông thấy thèm thèm chất ngọt, thèm đến độ khi nhấm một hạt muối ông cũng cảm thấy nó ngòn ngọt. Trong khi ông Chánh án nhấm nhấm mẩu đường trong miệng thì thằng Cu Tý chế nước vào cái ca nhôm rồi dùng muỗng quậy cho cục đường tan ra. Nó đưa cái muỗng không lên miệng mà mút :

- Cháu phải ăn cục đường kiểu pha nước như thế này cho nó... lâu hết và cho nó thấm dần vào tận từng tế bào mình.

Ông Chánh án nghe thằng bé nói rất là thấm thía bởi chính trong cơ thể ông hiện cái vị ngọt của mẩu đường cũng đang lan tràn thấm nhập đến tận hang cùng ngõ ngách qua từng đường gân thớ thịt mạch máu trí não ông. Suốt một đời ở ngôi cao, ăn sung mặc sướng, nhưng chưa bao giờ ông Chánh án tòa Thượng thẩm áo đỏ có được cái vị giác và cảm giác ngon lành tuyệt hảo như thế. Nhưng mẩu đường trong miệng ông tan nhanh quá và ông Chánh án càng thấy thằng bé lanh lợi và tốt bụng giỏi. Nó pha cục đường trong nước để nước đường dễ thẩm thấu hơn trong hệ thống tiêu hóa. Và đường pha trong nước cũng dễ dàng chừng mực xử dụng hơn, mình có thể kéo dài cái thời gian thưởng thức ra lâu hơn. Bằng cớ là ly nước đường của nó còn nguyên chưa uống trong khi nó mới chỉ mút cái muỗng vài lần là đã có được cái cảm giác ngon lành, thú vị, khoẻ khoắn, sung sướng, hạnh phúc ! Hai ông cháu trở nên thân nhau hơn, câu chuyện của họ chuyển sang "luận" về đường. Ông Chánh án hỏi :

- Sao người ta lại gọi là đường tán ?

Thằng cháu rành rẽ sự đời :

- Tại vì cục đường được đổ khuôn vuông vắn trông giống như tán gạch, tán đá, kê dưới gốc cột nhà.

Ông Chánh án chợt hiểu ra, có những điều ông không biết vì không có trong Chương trình giáo dục của trường Đại học luật khoa Paris, và ông cũng không biết được vì ông chỉ sống ở tầng lớp thượng lưu, nơi đó trong các nhà bếp không có đường tán. Chất ngọt của mẩu đường đã vào trong cơ thể ông dường như đã làm cho ông yêu đời hơn những ngày chán chường bi thảm bịnh hoạn chờ chết vừa qua. Ông lại muốn học hỏi thêm :

- Thế tai sao lại gọi là đường thẻ ?

Thằng cu bí, nhưng đã lỡ làm kẻ trí thức hiểu biết nhiều nên nó cũng trả lời phứa phựa :

- Tại nó giống cái thẻ. Cũng như đường bát ở miền trung, đường móng trâu ở miền nam, vì đổ khuôn hình cái bát và khuôn hình móng chân trâu... ngoại có hiểu không ?

Nó hăng say lên lớp và nhất là cu cậu lại còn tiến lên thân mật... ngoại, ngoại, cháu, cháu, nên ông ngoại cũng cảm thấy mình tiếp thu lời giảng dạy của nó một cách dễ dàng. Ông Chánh án gật đầu :

- Hiểu, nghe cháu giải thích tôi mới biết.

Cu Tý phân bua :

- Cháu mới học được những cái đó ở trong tù, gia đình cháu cũng chưa bao giờ ăn đường tán, nay nhờ cách mạng từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào cháu mới biết lắm thứ. Rồi nó còn khuyến học ông ngoại :

- Chịu khó ở tù một thời gian nữa ngoại sẽ học được lắm điều hay ho !

Thế rồi một tuần lễ sau thì anh Cu Tý phát giác ra gói đường mẹ nó mới gửi cho cất trong rương đã bị mất ba tán. Sự việc đến tai cán bộ nhà nước, cán bộ bèn tập họp cả đội lại ở vườn sắn chỉ đạo cho ban tự quản tối về phòng giam phải sinh hoạt kiểm điểm, làm cho rõ, tìm cho ra kẻ gian, đã ăn cắp ba tán đường của một trại viên tuổi trẻ. Cán bộ còn nói tầm mức quan trọng của "vụ án" là "Cực kỳ dã man" và "Tội ác có tính bản chất của giai cấp bóc lột". Trong khi tuổi trẻ đăng hăng say lao động sản xuất ngoài đồng thì kẻ xấu chây lười ăn bám đã nỡ tâm lấy đi tài sản của anh ta. Cho nên đây không phải là việc xấu mà còn là tội ác.

Những người bị tình nghi gồm có những người đã ở nhà trong tuần lễ vừa qua như trực phòng, mấy anh khai bịnh nghỉ, mấy anh ở nhà làm việc khai báo và ông lão già yếu nằm cạnh kẻ mất trộm. Sau khi phân tích và loại trừ, những nghi can kia đã được coi như vô can. Chỉ còn ông Chánh án nằm cạnh nạn nhân được coi như bị can, phải đưa ra xử trước đội. Ban tự quản điều khiển và tổ chức các đêm kiểm thảo in như một phiên toà vậy. Ba chục tù nhân ngồi xếp bằng trên sạp ngủ hai bên, bị can là ông Chánh án già phải ngồi trên một cái ghế thấp giữa nhà. Anh thư ký đội kê một cái hộp làm bàn viết, anh ngồi xếp chân bằng bằng, tay cầm viết, mắt mang kiếng lão. Anh được ưu tiên xử dụng nguyên một ngọn đèn dầu cho đủ ánh sáng phục vụ sự đầy đủ chính xác của biên bản. Không khí như đọng lại, muỗi bay vo ve, mùi hôi hám của phòng giam tối mù mù nồng nặc. Đâu đó ngoài cửa sổ trong bóng tối có ai đứng nhìn vào theo dõi chăng ? Vụ án kéo dài đã gần một thế kỷ. Tất cả mọi người đều phải lần lượt phát biểu, không trừ một ai, gọi là đóng góp ý kiến xây dựng vì đây là học tập cải tạo. Bị can thì quả quyết mình không bao giờ làm những việc đê tiện như thế. Người tù trẻ tuổi mất của cũng nói anh ta không nghi cho ông ngoại và cũng không nghi cho ai. Nói thế anh bị sửa ngay, thứ nhất là anh phải nghi cho một người nào đó, anh có mất ba tán đường thì phải có người lấy cắp ba tán đường, nếu anh không nghi cho ai thì chẳng hóa ra anh không bị mất cắp sao, chuyện bịa sao ? Cu Tý nghe nói thế đâm hoảng bèn nói có nghi nhưng không giám nghi cho ai sợ không đúng mang tội ! Thứ hai đây là đang học tập cải tạo, tất cả đều bình đẳng ở chỗ tất cả đều là những kẻ có tội với nhân dân với cách mạng, không có ông cháu gì cả mà chỉ có anh anh tôi tôi, thế là Cu Tý phải gọi bị can là anh và xưng tôi ! Anh đội trưởng còn nói cán bộ bảo "Tất cả các anh đều bình đẳng, nghĩa là ngang nhau, bằng tội nhau, chỉ có vấn đề ai tiến bộ thì sẽ vượt lên để đi đến chỗ cải tạo tốt và được trả tự do về nhà". Vì thế có một vài anh em vì khờ dại và mong về quá nên đã "đóng góp" hơi tận tình tưởng sẽ được coi là tiến bộ. Tình trạng này nó có thể xảy ra từng lúc nhất là những khi sức khoẻ và tinh thần suy nhược, nhưng khi qua cơn thì sự phục hồi nghị lực sẽ giúp cho người ta vượt được sự sa ngã đó. Ban đêm, sau mỗi phiên toà luận tội, đèm đóm đã tắt ngấm, phòng giam âm u, nghe đâu đó những tiếng thở dài, chép miệng, có cả những tiếng sụt sịt và cả tiếng nấc, về khuya còn nghe những tiếng ú ớ hay những câu nói mê lảm nhảm gì đó không rõ, đôi khi còn có cả tiếng thét hay kêu rú lên như heo bị thọc huyết vậy, ghê gớm lắm ! Anh Cu Tý thì buồn lắm, nó lựa lúc không ai để ý để thanh minh với ông chánh án :

- Cháu thề là không thưa kiện gì ngoại cả, cháu chỉ nói chuyện với mấy anh em trong đội là cháu bị mất ba tán đường, không hiểu sao đến tai cán bộ thành to chuyện, làm khổ ông ngoại, làm mất danh dự ông ngoại, cháu buồn lắm. Ông Chánh án cũng xúc động không nói được gì, ông bậm môi cắn răng kìm hãm cho nỗi đau và nỗi nhục nhã không bật ra ngoài. Anh Cu Tý chậm rãi nói :

- Trong đội có anh thù ông ngoại, cũng có anh đố kỵ với chức Chánh án của ông ngoại ngày xưa, cũng có anh dở hơi nói rằng phải vạch mặt chỉ tên ông ngoại để gỡ... danh dự cho tập thể đội kẻo mang tiếng cả đội ăn cắp ! Ôi, cháu không hiểu danh dự là cái gì trong nhà tù này !

Ông Chánh án như hết chịu nổi, ông xua tay ra dấu cho anh ta ngưng nói. Ông mếu máo :

- Cháu ạ, ta cám ơn cháu đã nói những lời tốt với ta, ta nghĩ có lẽ cuộc đời làm Chánh án của ta có thể đã có những lầm lẫn gây oan cho người vô tội, nay ta bị báo oán lãnh hậu quả nhãn tiền. Ta cũng còn nhớ đời mẩu đường tán mà cháu đã mời ta hôm trước.

Anh Cu Tý như chợt nhớ ra :

- Ấy, cũng vì hôm trước cháu đưa gói đường cho ngoại xem và mời ngoại một mẩu cho nên có anh trong đội nói rằng "Ngoại là người đã thấy, đã nếm, biết chỗ cất đường, quen mui thấy mùi ăn mãi" bèn quả quyết chỉ có ngoại là thủ phạm.

Ông Chánh án toà thượng thẩm như bị từng mũi nhọn đâm vào tim mình. Ngày xưa khi xét xử người, có lúc ông đã có những suy luận như vậy. Suốt một tuần lễ, tối nào cũng "ngồi đồng" nên cả đội thấm mệt, nhưng vụ án bế tắc vì bị can vẫn khăng khăng quả quyết à mình vô tội, không chịu tự giác nhìn nhận tôi lỗi, cuối cùng cán bộ quản giáo đã nói với cả đội :

- Vì muốn cho anh ta nhìn thấy khuyết điểm của mình mà sửa chữa để thành người tốt nên mới cho tập thể đội sinh hoạt giúp đỡ anh ta, nhưng anh ta đã ngoan cố ù lì làm mất thời gian của đội. Dù anh ta không nhận tội thì anh ta cũng vẫn là một kẻ cắp. Trại cũng vẫn có biện pháp và hình phạt dành cho kẻ cắp. Trước kia anh ta quen xử người thì nay anh ta phải bị người xử. Nếu anh ta bị oan thì cũng là tốt vì như thế để anh ta thấy rằng khi xưa anh ta đã bỏ tù oan bao nhiêu là người. Bao nhiêu là người đã khổ vì anh ta ? Bao nhiêu là người đã chết vì anh ta.

Thế là sau đó ông Chánh án toà Thượng thẩm bị điệu ra sân nghe đọc quyết định thi hành kỷ luật trước toàn trại : "Cùm một chân trong nhà kỷ luật mười bốn ngày, hưởng mức ăn C, cắt thăm gặp gia đình sáu tháng, cán bộ giáo dục và trực trại thi hành quyết định này". Đọc xong trật tự còng tay ông Chánh án dẫn đi về phiá phòng kiên giam. Ông cụ lầm lũi cúi đầu thất thểu bước đi.


***

Phòng kiên giam như cái hang chuột khoét vào vách núi. Mỗi lỗ một người nằm trên tấm ván, đầu quay vào trong chân thò ra phía ngòai luồn vào lỗ cùm khóa lại. Đóng cửa, cài then ngang rồi cũng khóa cửa lại. Muốn thoát phải ngồi dậy. Mở được cùm rút chân ra rồi khoét núi bằng móng tay mà chui ra. Cai tù khi nhốt người nào vào đó cũng đều chỉ cách cho biết như thế. Họ tin như vậy. Không ai thóat được. Ấy vậy mà kiểu hầm giam này ở dãy núi Hoàng Liên Sơn Yên Bái, cũng bị một Đại úy tù binh thoát ra bốn lần, đạt kỷ lục vượt ngục nhiều lần nhất. Mỗi lần thoát ra rừng núi, ông bị chúng săn đuổi bắt lại được đem về tra khảo và giam vào hầm cũ. Chúng thay cùm khác, thay cửa khác, thay khóa khác; rồi ngồi rung đùi, uống trà, hút thuốc lào, kháo nhau : "Phen này thì có... cánh cũng không thóat !" Ông Đại úy không có cánh, và cũng chẳng nói chẳng rằng, mấy đêm sau ông lại biến mất. Sáng ra bọn cai tù thấy cánh cửa hầm giam vẫn khép nhưng không có khóa, mở ra thì chẳng có tù nào trong đó cả. Đến lần vượt ngục thứ ba của ông Đại úy, Bộ nội vụ Hà nội phải cử một toán chuyên môn xuống tận nơi xem xét cái hầm gian tối tân nhất của chúng bị vô hiệu hóa. Toán chuyên môn chụp hình, đo đạc, rồi sờ mó từng ly từng tý cái hầm giam. Họ bàn bạc nhau, tranh cãi nhau, có anh còn đem cái hiểu biết kỹ thuật giam người học được từ bên Liên sô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em ra mà phân tách đánh giá và áp dụng vào thực tế sự vụ. Nhưng khi họ hỏi cung Đại uý thì anh không nói gì cả, chúng bèn đánh anh gẫy chân trái và đập dập các ngón tay của anh.

- Để xem mày có trốn được lần nữa không !

Chúng lại thay cùm khác, cửa khác, ổ khóa khác mà lần này nghe nói là khóa nhãn hiệu nước ngoài, hình như của Nga hay của Tầu gì đó. Cũng thời gian này ông Đại úy đã bị bệnh tiêu ra máu, có lần cai tù đem củ sắn vào cho ông dùng bữa cơm, ông đã quệt mấy ngón tay vào đít mình rồi giơ ra cho hắn xem cục cứt máu, anh cai tù sợ quá đóng sầm cửa, khóa lại, rồi ù té chạy, khạc nhổ tùm lum, chửi tục tùm lum, rằng bọn "ngụy" ăn ở bẩn thỉu không có vệ sinh nếp sống văn minh văn hóa mới ! Nhưng mà trời đất ơi ! Không tin xuống xã Việt hồng mà coi ông Đại úy đã thoát ra khỏi hầm một lần nữa, một lần cuối cùng, ông chỉ mở cửa bò ra tới đường dẫn nước gần đó rồi nằm gục cho đến lúc trời sáng thì bị chúng ra bắt lôi về. Buổi trưa hôm đó, chúng khiêng ông Đại úy trên một cái "ki" khiêng đất, trên đắp chăn đỏ, hai chân thõng xuống đong đưa. Chúng nói là chuyển sang trại T7, nhưng đến chân đèo, chúng đã bắn vào lưng ông rồi giao cho trại T7 chôn, phao lên rằng tù binh ngoan cố trốn trại bị truy kích bắn chết ! Tù binh Đại úy, thuộc ngành An ninh Quân đội biệt phái làm việc ở "Ban liên hợp quân sự 4 bên", cùng với "Ủy ban quốc tế 4 nước", phối hợp kiểm soát việc thi hành ngưng bắn theo hiệp định Paris, một Hiệp định hòa bình được đàm phán và soạn thảo bởi hai chính phạm : Kissinger và Thọ !


***

Ông Chánh án tòa Thượng thẩm bị đưa vào cùm trong một căn hầm giam kiểu như thế. Ông bị lột hết quần áo chỉ còn chừa cái quần đùi. Mùa đông rét mướt, ngoài trời lại lất phất mưa bụi, bộ xương bọc da bị đẩy vào hầm, nằm đượt trên tấm ván, đầu quay vào trong, chân chĩa ra phía cửa để cán bộ tra ống chân ông vào cùm theo đúng qui cách.

- Một chân thôi, còn để một chân tự do cho anh thỏai mái !

Cán bộ nói thế và cán bộ còn nói :

- Ở trần cho... mát !

Vì ống chân ông Chánh án quá nhỏ, có thể rút ra khỏi lỗ cùm nên cán bộ phải điều chỉnh xiết lại cho khít.

Cán bộ cằn nhằn :

- Làm chánh án ăn nhiều mà chân bé tí như chân trẻ con !

Trong khi ấy ở ngoài sân trại ngồi xổm trong hàng chờ đi lao động, người tù Cu Tý cúi đầu và nước mắt rưng rưng ! Mất ba tán đường thì tiếc, nhưng nó không muốn sự vụ diễn ra như vậy. Thiếu tá tù binh ngồi cạnh liếc thấy anh ta khóc thầm thì động lòng nhớ tới đàn con mình ở nhà. Ông thở dài một mình. Chợt có tiếng ồn ào chửi bới từ ngoài cổng dội vào. Tiếng của trẻ con, chanh chua và tục tằn :

- Đ.m. lũ tù ăn thịt hết trâu của làng tao !

- Đ.m. chúng mày !

Cứ thế tiếng chửi bới của thằng bé được lập đi lập lại. Khi các đội xuất trại thằng bé còn đứng đó, nó xạng nang, tay chống nạnh tỏ vẻ rất gây hấn, nó xỉa xói vào từng toán tù từ trong cổng đi ra mà chửi. Nó nhất định lên án tù ăn thịt hết trâu cày của làng nó. Từng toán tù binh lặng lẽ cúi đầu đi theo những bó cuốc trên vai những tù binh dẫn đầu. Những kẻ vác súng đi giữ tù cũng không ai phản ứng gì. Và thằng bé cứ chửi tiếp mỗi câu mỗi mới, càng lúc càng sáng tạo vần điệu tài tình. Mãi sau đi xa khỏi cổng trại, tiếng chửi đã ở lại phía sau, người cán bộ nhà nước mới giải thích :

- Trại mua hết trâu cày của hợp tác xã về làm thịt, mùa này thiếu sức kéo, đâm khủng hoảng sản xuất, nên người ta cho trẻ con vào... đấu tranh với các anh.

- Bồi dưỡng thịt trâu thì ráng mà nghe chửi !

Trong hàng có tù binh hỏi khẽ nhau :

- Chửi đứa đi mua chứ sao chửi tù, tù ăn mất tiền, một ngàn người ăn khoai chấm muối cả tháng mới mua được con trâu.

- Bán trâu lấy tiền sao lại chửi người mua.

- Mà đâu chỉ có tù ăn, bao nhiêu thịt bắp ngon lành bếp cơ quan lấy hết cho cán bộ, bếp trong trại giam chỉ còn xương da và bạc nhạc !

- Nhưng nó chỉ chửi tù ăn trâu của làng nó.

- Như thế gọi là... đấu tranh !

- Ở xã Việt Cường, Âu Lâu Yên Bái, có con trâu trại chuyên "Cuốc đất sang mai quần trâu đánh quả" làm gạch, chẳng may một hôm đánh lộn với con trâu cầy của xã, bèn bị đứa con gái Phó tiến sĩ chăn nuôi phụ trách coi trâu vào tận trại giam réo chửi suốt một buổi tối.

- Chửi sao, có nhớ kể lại cho anh em... học tập.

- Ranh con chửi rằng : "Cha tiên sư nhà chúng mày, bố tiên sư nhà chúng mày, cả họ cả làng cả xứ nhà chúng mày, trâu của chúng mày là trâu chơi, trâu của bà là trâu kéo, chúng mày để trâu chơi đánh trâu kéo, chúng mày chỉ ăn không ngồi rồi, bắt nhân dân nuôi báo hại lại còn để trâu của chúng mày đánh trâu của nhân dân, cha tiên sư...". Chửi dài, chửi dai, chửi vần, nhiệt tình và say sưa lắm.

- Mấy đứa trẻ nó không đi học sao rảnh đứng chửi hoài.

- Có đi học mới giỏi thế chứ.

Khi đội đi tới ấp Con khe nhổ mạ, đứng dưới ruộng nhìn lên sườn núi bạch đàn thấy mấy con trâu gặm cỏ ở đó, có người tù còn lẩm bẩm : "Cha tiên sư, trâu của bà là trâu kéo, trâu của chúng mày là trâu chơi..." Có tiếng cười khúc khích trong đám người ngồi xổm nhổ mạ. Lát sau có một toán con gái trong làng đến nhổ mạ tiếp tù, trại mua những ruộng mạ này của hợp tác xã về cấy ở cánh đồng nhà. Trại giam thì thiếu mạ trong khi hợp tác xã lại thừa, "lãnh đạo" hai bên "làm việc" với nhau "kết hợp" qua lại vì thế mới có cảnh tù ngồi nhổ mạ chung với dân. Đây là một cuộc kết nghĩa giữa "Đoàn thanh niên cộng sản" xã với "Đoàn thanh niên cộng sản" của ban chỉ huy trại giam dưới sự chỉ đạo của các bí thư đảng uỷ hai đơn vị. Công tác mang một ý nghĩa chính trị chứ chẳng phải trò đùa như các tù binh và các cô gái làng nô rỡn! Tù nhổ mạ dưới ruộng nhưng công an đoàn viên ngồi trên bờ có công chỉ đạo; Cũng như các cô gái là đoàn viên nhưng phải có bí thư xã lãnh đạo thì công tác nhổ mạ mới hoàn thành tốt đẹp ! Chủ nhiệm hợp tác xã nhìn những nữ đoàn viên thanh niên cộng sản của xã mình líu lo ca nhạc vàng Miền Nam với tù binh bèn nói với cán bộ trại giam :

- Các đồng chí đem "lính" đến đây gái làng nó bỏ hết công việc để đi nhổ mạ. Cả cô giáo cũng cho học trò nghỉ sớm để ra ruộng mạ ngồi nghe hát nhạc vàng. Mọi khi sinh hoạt đoàn là chúng nó tìm cách trốn, sao hôm nay chúng nó nhiệt tình say mê thế ! Một đồng chí công an ngồi xổm trên ghế, một tay chén trà, một tay điếu thuốc "thẳng", ung dung khoe :

- Bên tôi không phải đoàn viên nhổ mạ mà toàn là các "Chính trị viên", đồng chí biết không, trong số các đối tượng dưới ruộng bùn kia có cả "Chính uỷ F.7" nữa đấy! Dĩ nhiên như thế chất lượng sinh hoạt chính trị phải cao. Lãnh đạo đoàn cả hai bên cũng đều thích nghe giọng ca ngọt ngào của những người tù với các bài hát truyền cảm êm tai lôi cuốn. Và chủ nhiệm hợp tác xã cũng ngồi lại "trà lá" luôn. Hai bên còn bàn nhau sẽ viết thư cho người quen đang công tác trong Nam khi về nhờ mua giúp cái máy hát. Cô giáo ngồi chổng mông nhổ mạ ở giữa Cu Tý và người thiếu tá tù binh. Nói :

- Công làm là công bỏ, công... chỉ trỏ là công ăn !

- Tôi lại nghe nói là "Công làm cỏ là công ăn" ?

- Ca dao bây giờ đổi mới rồi, các anh phải đọc là "công chỉ trỏ" thì mới ăn !

- Thế... chồng chị "làm cỏ" hay "chỉ trỏ" ?

- Chồng em thoát ly lâu rồi.

- ..?.?..

- Anh ấy cũng đi B. không có tin tức gì.

Tù Cu Tý đã hiểu ra bèn nói với tù binh Thiếu tá :

- Không chừng chồng chị ấy đã bị lính của bác "phơ" rồi.

Cô giáo chẳng để ý đến câu nói của anh ta :

- Xã này có mấy chục thanh niên đi Nam chỉ có một thương binh về cho nhân dân nuôi. Trong làng bây giờ phụ nữ là lực lượng lao động chính, có mấy ông già làm tổ trưởng và lũ con trai mới lớn chỉ biết phá phách.

Ngừng nói để thở hổn hển cô giáo nói tiếp :

- Vì thế thấy các anh tới chúng em vui lắm.

Đến trưa có một người đàn ông bế một đứa trẻ từ trong làng đi ra bờ ruộng mạ, một tay anh ta cầm một tàu lá cọ nhỏ che nắng cho đứa bé. Tiếng léo nhéo trong đội hình đoàn thanh niên cộng sản dưới ruộng mạ :

- Bà Nhài lên mà cho con bú kìa. Tới giờ "Thằng bé bé" đòi bú và "Thằng bé lớn" đòi "tí" rồi. Nghỉ giải lao mà yêu nhau, thi đua nhổ mạ hoài cũng đâu đến lần được kết nạp vào đảng.

Người mẹ trẻ quơ tay xuống vũng nước đục khoắng khoắng mấy cái cho rã bùn rồi chùi vào vạt áo, xong chị xăm xăm bước lên đầu bờ. Chị đỡ lấy đứa bé trên tay người đàn ông rồi ngồi bệt xuống mé bờ, vạch áo moi tảng vú to tướng ra nhét vào mồm đứa bé. Thằng cu mút chùn chụt. Người bố cũng ngồi xuống bên cạnh nhìn con bú.Việc lắp ráp ổn định. Cuộc nói chuyện mới bắt đầu :

- Anh luộc khoai chưa ?

Người đàn ông gày gò xanh xao gật đầu ú ớ ngọng nghịu :

- Ồi ! Ăn ồi ! Ể ần ồi !

Miệng anh bị bể và mang một vết sẹo lớn, da mặt nhăn nheo. Cô giáo kể :

- Anh thương binh duy nhất của xã về từ miền Nam sau đại thắng ! Bây giờ anh ấy là Anh hùng quân đội cho xã nuôi, mỗi vụ mùa anh ấy cũng được cấp mấy chục cân thóc mà không phải lao động. Vợ chồng mới có một con trai hai tháng. Trong người anh ấy còn cả chục mảnh đạn chưa lấy ra được.

Ngừng một chút cô giáo kể tiếp :

- Anh ấy bị thương khi đơn vị vào chiếm một trường Huấn luyện Sĩ quan lớn lắm. Ở miền Bắc không có một trường nào lớn và đẹp bằng. Vì mải mê nhìn xem những cảnh lạ lùng ấy anh ta dẵm phải một quả mìn nhảy, nó từ dưới đất nhảy lên cao rồi mới nổ. Hai người đi bên cạnh đều chết tại chỗ, còn anh ta ngã bật ngữa bị thương nặng nhưng may sống sót.

Cu Tí lại thì thầm với người tù binh Thiếu tá :
- Chết bác rồi, bác cũng từ trong Trường Sĩ quan đó mà ra, nay đối phương đang ngồi trên bờ nhìn bác kìa. Làm vỡ mặt người ta thế kia ai mà nhịn được !

Cu cậu còn dí dỏm đùa với bác già :

- Chiến tuyến bây giờ chỉ là cái bờ ruộng, gần xịt, ai sẽ thắng ai đây ?

Người tù binh Thiếu tá nói nhỏ với Cu Tý :

- Đừng đùa rỡn trên sự đau khổ của người ta.

- Người ta là ai, ai đau khổ hả bác ?

- Tất cả, trừ "Những đứa trà lá chỉ trỏ"!

Đứa bé bú hết hai bầu sữa mẹ rồi ngủ tiếp, người thương binh bế nó men theo bờ ruộng đi về, một tay anh vẫn cầm tầu lá cọ nhỏ che nắng cho con. Và người nữ đoàn viên thanh niên cộng sản tên là Nhài lại tiếp tục xuống ruộng thi đua nhổ mạ lập thành tích vẻ vang cho xã đoàn. Các đoàn viên thanh niên cộng sản công an thì chỉ đạo tù binh thi đua thế cho mình ! Các chú các bác tù binh hình như cũng vui khi nhìn thấy đàn bà, nhiều ca sĩ xuất hiện cùng với những tiếng cười rúc rích. Không có gì dễ gây cảm hứng bằng kích thích đực cái. Cu Tý cũng nổi hứng ca hát, mà lại hát hay nữa vì thế cu cậu được các thiếu nữ xúm vào chuyện trò, hình như còn được dúi cho đồ ăn. Thằng bé trắng trẻo dễ thương cười nói duyên dáng như bị bao vây bởi những người con gái mạnh khoẻ khát khao. Cu Tý hát "...nhớ em anh gọi tên, chỉ nghe mưa rớt bên thềm..." thì các cô lòng dạt dào bâng khuâng, đến câu:"...Khi đất nước tôi không còn chiến chinh, mẹ già lên núi tìm xương con mình" thì các cô lại rưng rưng, nghẹn ngào, như muốn khóc oà ! Tù binh Thiếu tá rất lấy làm hài lòng người đồng cảnh trẻ tuổi. Nhưng khốn nỗi chỉ đến ngày nhổ mạ thư tư thì Cu Tý bị cán bộ nhà nước bắt ghen. Quả tang ! Cu cậu đang bóp vú cô gái xinh đẹp nhất trong đám các thiếu nữ nhổ mạ giúp. Trước khi bị dẫn về trại nhốt, Cu Tý nói nhỏ với người tù binh Thiếu tá :

- Bố đừng coi khinh con nghe, tại con nhỏ nó luồn tay vào trong quần con, con chịu không nổi mới bóp vú nó, chứ... con cũng đâu đến nỗi tồi như vậy.

- Trai gái giao tiếp qua lại là chuyện thường, cháu còn trẻ lại độc thân thì cháu có quyền... bóp người bằng lòng cho cháu bóp. Không có gì gọi là tồi cả. Nếu như... bác làm như thế thì đúng là bác tồi thật vì bác đã già và nhất là bác đã có gia đình vợ con đề huề. Trật tự xã hội phải đem lại hạnh phúc cho con người, phải để cho con người tự do thoải mái yêu nhau thích nhau, nhưng cũng phải có những định chế giới hạn sự tự do ấy. Thèm muốn và sự tham lam phải ở trong phạm vi của giới hạn công bằng và trật tự. Cai tù ghen vì nó không được bóp nên rình bắt mà thôi. Tranh chấp là do sự thèm ăn thèm yêu. Chiến tranh là bởi đi cướp yêu tranh ăn lẫn nhau. Cách mạng là đi giựt lại cái mà mình thèm muốn và thiếu thốn !

- Cháu sẽ bị chúng nó nhốt kỷ luật.

- Đương nhiên !

Rồi như nghĩ ra điều hay, Cu Tý nhoẻn miệng cười :

- Thôi cũng được, vưà khỏi đi lao động lại còn được vào ở trong nhà kỷ luật với ông ngoại Chánh án.

Những ngày hôm sau cô gái bồ của thằng bé không thèm xuống ruộng nhổ mạ, cô ngồi trên bờ ruộng, dưới một gốc cây chỗ nấu nước cho đội. Cô lườm nguýt tên cán bộ đã rình bắt cô. Cô hỏi thăm tin tức của người con trai bị nhốt kỷ luật. Cô nói với những người tù binh :

- "Chúng nó" không đáng xách dép cho các anh. Bà cụ chủ vườn trà dúi rượu trắng cho các bác tù binh uống và nói với đưá cháu :

- "Chúng nó" không bằng cái "dái" của các ông ấy !

Một anh con trai đột nhiên chạy từ trong nhà ra ruộng hát lớn một câu trong vở tuồng mà có lẽ anh ta đã nghe từ loa đài thông tin văn hóa :

- Hỡi các nô lệ, hãy vùng lên ! Có dao cầm dao, có giáo cầm giáo !

Các bác tù binh trố mắt nhìn anh con trai, trong khi mấy người cán bộ thì nạt anh ta :

- Mày nói năng "Bố lếu bố láo" gì đó !

Anh con trai cũng không vừa :

- Tôi hát tuồng kêu gọi nhân dân vùng lên chống phong kiến đế quốc.

Chủ nhiệm hợp tác xã cũng phải can thiệp :

- Về nhà mà hát. Chỉ nói năng tầm bậy không đúng chỗ. Nhìn người con gái ngồi trên bờ và anh con trai chạy trên ruộng mạ, người tù binh Thiếu tá chợt nghĩ tới cô Phó tiến sĩ chăn trâu và đứa trẻ chửi tù trước cổng trại. Rồi ông lại chợt nhớ tới các con của ông ở miền Nam, không rõ bây giờ những Cu Tý nhà ông sống ra sao trong một xã hội như thế này. Ông mong muốn rằng vợ ông ở nhà bằng mọi giá phải tìm đường đưa đàn con vượt biên đi tìm xứ khác mà ở. Cô giáo có thửa ruộng được cấp vì nghiệp vụ ở gần ruộng mạ cô gánh một gánh phân trâu nặng đến cong đòn gánh ra đổ xuống ruộng của mình, các tù binh miền Nam nhìn gánh phân của cô ai cũng lắc đầu sợ hãi, hỏi thì cô giáo nói :

- Phải gánh tối đa vì xã tính theo gánh, người nào yếu gánh ít thiệt ráng chịu. Em gánh thế đâu đã bằng ai nhưng nhìn các anh gánh mấy bó mạ em coi như... đồ đeo tai.

Trong khi cô giáo nhổ mạ với tù thì một học trò nhỏ của cô ngồi hàng giờ ở chỗ bếp nấu nước. Ngày nào nó cũng ra ngồi chơi với tù. Một lần đứa trẻ dúi cho người nấu nước gói trà búp "Hai tôm một tép" rồi ù té chạy khiến bác tù già cũng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Mãi hôm sau một người đàn ông lớn tuổi vác cày đi ngang dừng lại hút điếu thuốc lào mới biết là của ông ta sai con mang cho. Ông vác cày nói :

- Trước 54 tôi có cửa hàng ở Hà nội, sau đợt cải tạo tư bản tư doanh, cả gia đình tôi bị đưa lên ấp Con khe này định cư cho đến bây giờ. Mấy chục năm nay cứ ngóng cổ chờ các ông trong Nam ra giải phóng cho về lại nhà cũ ở Hà nội, nào ngờ lại gặp các ông ở đây !

Ngưng nói để rít ống điếu cầy, thở khói say mê, xong ông tiếp :

- Nhưng cũng không sao, tôi đã tìm cách đưa được đứa con gái về làm công nhân và cư trú ở Hà nội rồi.

Còn tôi thì đành gửi nắm xương tàn ở khe núi này thôi.

Các tù binh Sĩ quan nghe chuyện muốn phát khóc. Mỗi người uống một hớp trà đặc quặu của ông cựu tư doanh Hà nội mời mà lòng quặn đau. Có người tù binh đấm ngực :

- Chúng ta là những kẻ có tội !

Xóm Con Khe nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao. Năm 1954 những người cộng sản chiếm được miền Bắc, họ tràn vào Hà nội và những Thành phố. Những kẻ thắng trận lần lượt chiếm những căn nhà của dân thành thị, xua đuổi những người mà họ gọi là tư sản lên miền thượng du rừng núi hoang dã. Xóm Con Khe thành hình do những đoàn người bị cướp nhà từ thủ đô Hà nội di dân lên gọi là xây dựng "Khu kinh tế mới". Những nhà buôn, những công chức, những binh lính và những người làm các nghề sản xuất ở thành thị lên đây biến thành những "Công nhân nông nghiệp". "Chém tre đẵn gỗ trên ngàn" làm nên những căn nhà ven các sườn núi cho gia đình cư ngụ, "cải tạo" giải đất hẹp giữa khe núi thành ruộng nông nghiệp mà sinh sống. Trải qua mấy chục năm bị giam mình ở những miền đất trích này, cưới vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, họ đã trở thành những nông dân và đã biến những khe núi này thành những xóm làng. Nhưng cộng sản không biết được rằng những kẻ bị bắt buộc đi đày đó vẫn còn nuôi trong đầu những tình cảm hoài hương. Và có những người, cách này hay cách khác, đã tìm được lối về quê cũ, cho dù nơi quê cũ đó đã không còn như xưa, đã biến hình đổi dạng. Một bác canh điền, tổ trưởng tổ cày, vốn gốc giáo chức Hà nội, đi ngang qua bếp lửa của đội tù, dừng lại "phê" bi thuốc lào Tiên lãng, phả khói say mê rồi kể chuyện di dân, kể chuyện làm kinh tế mới, kể chuyện chuyến về thăm lại thành phố cũ, bèn ngẫu hứng ngâm bài thơ "Hà Thành Hoài Cổ" của Bà Huyện Thanh Quan như sau :

" Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường "

Xong, bác hỏi các Sĩ quan tù binh như đùa như thật :

- Có anh nào đành chấp nhận bỏ xứ và "Xin nhận nơi này làm quê hương" không ? Có không, nếu có tôi gả đứa con gái tôi cho mà lập gia đình định cư ở đây !

Một tù binh hỏi lại :

- Thế có lúc nào bác giáo muốn rời bỏ miền đất trích này để về lại chốn kinh kỳ không ?

Ông giáo chẳng trả lời mà lặng lẽ bỏ đi không từ giã, nhưng ông để lại gói thuốc lào Tiên lãng làm quà. Buổi chiều trên đường về ngang qua trại cải huấn thiếu nhi ngồi nghỉ chân chờ cán bộ vào gặp bạn bè công an, tình cờ các tù binh nghe chuyện một thiếu nhi cháu ngoan bác Hồ đang bị giam giữ cải tạo tại đây. Cháu ngoan này nguyên là Dũng sĩ diệt Mỹ ở thành đồng đất thép Củ Chi được tuyển chọn ra học ở trường Thủ đô Hà nội, nhưng cháu ngoan lại phạm tội hiếp dâm rồi trấn nước chết một cháu gái ngoan bác Hồ khác cùng nội trú. Vì cháu còn trẻ con và cũng vì cháu có thành tích Dũng sĩ diệt Mỹ trước kia nên cháu chỉ bị đưa lên rừng này học cải tạo với đàn trẻ phạm pháp gần một ngàn đứa. Khi cháu lên 18 tuổi sẽ được chuyển sang trại cải tạo người lớn tiếp tục học tập cho đủ 20 năm. Dũng sĩ đang đào đất đắp đường cùng với các trẻ khác dưới sự quản thúc của các thầy các cô cầm roi đứng canh. Các thầy các cô giáo cũng là công an áo vàng như bên trại giam tù hình sự vì cùng trong hệ thống trừng phạt của Bộ nội vụ. Bầy trẻ cởi trần gầy gò trơ xương, những con mắt sâu hóm giữa những gò má gồ cao, đầu cạo trọc lốc, mặt mũi lem luốc thê thảm. Nghe nói đoàn tù ngồi nghỉ chân là các tù binh Sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, Dũng sĩ xin phép thầy cô đi uống nước rồi sán tới chỗ các đồng cảnh cao niên nhận họ :

- Có chú nào trước kia ở Sư đoàn 25 Bộ binh không ?

- Có, tao.

Dũng sĩ mừng ra mặt :

- Thế chú đóng ở Hậu Nghĩa hay Củ Chi ? Có thể chú cháu mình biết nhau. Dạo ấy cháu hay lân la chơi với các chú đóng đồn ở quận, vui lắm.

- Do đâu mày biến thành Dũng sĩ diệt Mỹ ?

- Có gì đâu, một hôm cháu giật bóp nhân tiện giật luôn khẩu súng của một thằng lính Mỹ ở trong căn cứ Đồng Dù say rượu tại một quán bar. Cháu chạy về xóm núp còn thằng Mỹ ngã lăn kềnh, hình như MP tuần tiễu có bắn súng đùng đùng. Các anh giải phóng nghe tin bèn đến lấy khẩu súng và cả cái bóp tiền nữa, rồi đưa cháu vào mật khu phong cho cháu làm Dũng sĩ và là cháu ngoan bác Hồ.

- Rồi mày được thưởng cái gì ?

- Cháu được cấp cái Giấy khen treo ở nhà.

Cháu ngoan chép miệng :

- Nhưng cái bóp tiền thì bị thu luôn. Chú nào có thuốc lào cho cháu xin một bi, thèm quá !

Công an thăm nhau và trà lá đã xong hô đoàn tù gánh mạ đứng lên đi tiếp về trại. Chưa có chú Sĩ quan nào kịp cấu cho cháu ngoan bác Hồ bi thuốc lào, thằng bé đứng nhìn các chú bỏ đi, chửi với theo bằng ngôn ngữ miệt ngoài :

- Đ.m. thế mà cũng đòi đi tù !

Khi toán tù binh về tới trại thì nghe tin ông Chánh án đã chết trong hầm kiên giam. Và Cu Tý đã khóc hu hu trong ấy ! Mấy ngày sau người tù Cu Tý cũng được thả ra khỏi kiên giam. Và lại có tin cu cậu được gia đình từ trong Nam ra thăm nuôi. Các Sĩ quan tù binh thấy vậy bèn bảo nó :

- Ở đời người ta thường nói hoạ vô đơn chí, nhưng trong trường hợp này thì anh ta khác hẳn, qua cơn hoạn nạn là gặp hên, phen này ra "Nhà thăm gặp" tha hồ mà nhõng nhẽo với mẹ.

Có bác tù còn chọc ghẹo nó :

- Này, hỏi thiệt nhé, hôm đi nhổ mạ anh có thật là chỉ bóp vú hay còn làm gì khác nữa không ?

Cu Tý dãy nảy :

- Làm gì có, cháu chỉ mới sờ soạng.

- Thiệt không đấy ? Thí dụ như có "tí ti" con nhỏ trong bụi rậm không, coi chừng nó mà có bầu là anh phải ở lại ngoài này làm chồng nó và làm dân ấp Con Khe đấy. Như thế là hoàn toàn thắng lợi, "hoạ vô đơn chí" ở chỗ nào.

Có bác còn đùa :

- Bị vào nhà kỷ luật mấy ngày nhưng mà anh ta lời chán. Ở tù dễ gì có ai được "trúng mánh" như thế.

Nhưng khi từ nhà thăm nuôi về, Cu Tý buồn so, nó than thở :

- Đúng là họa vô đơn chí !

- Sao vậy ? Có gì xảy ra ?

Mãi sau anh ta mới kể lại cho các tù binh nghe chuyện buồn của nó. Khi ra gặp mẹ, Cu Tý bị cán bộ cảnh cáo nó với gia đình về tội vi phạm kỷ luật cải tạo, có những hành vi dâm ô với phụ nữ. Cán bộ nói đáng lẽ nó bị cắt thăm gặp nhưng vì có... chồng của mẹ nó là cán bộ cách mạng đi theo nên trại chiếu cố khoan hồng nhân đạo cho nó gặp gia đình mười lăm phút ! Gia đình sẽ cùng với nhà nước hợp tác giáo dục nó tiến bộ. Người tù chính trị trẻ tuổi nghe đến đó thì nước mắt trào ra. Nó đòi trở vào trại không gặp gia đình nữa. Mẹ nó cũng khóc. Bà thì thầm với nó, phân bua với nó, rằng bố nó đã mất tích trong cơn biến loạn, bà đã đi lùng sục tìm kiếm khắp nơi, hỏi thăm khắp các người cùng đơn vị với bố nó, có người còn quả quyết là chính mắt họ đã trông thấy ông ta chết chìm dưới biển trong khi di chuyển từ Phan Rang vào Vũng Tầu ! Vì thế cho nên bà đã đành nhận lời làm vợ người cán bộ giải phóng theo đuổi tán tỉnh bà để bà có một nơi nương tựa trong xã hội mới !

Trong lúc bà mẹ thì thầm dỗ dành đứa con trai tù tội, thì người cán bộ chồng mới của bà ngồi hút thuốc rê, uống trà, và tán chuyện vãn với anh công an coi thăm nuôi. Thỉnh thoảng họ lại liếc mắt nhìn hai mẹ con gia đình Binh sĩ Quân đội Cộng hoà cũ ! Hết mười lăm phút thăm gặp, người con đứng dậy đưa tay quệt ngang mắt, nói với mẹ :

- Mẹ về Nam bình an. Từ nay mẹ đừng ra thăm con nữa.

Bà mẹ mếu máo :

- Tại sao ? Con ?

Người thanh niên nghiến răng, lát sau anh buông thõng :

- Con nói như vậy, mẹ nghe rõ không ? Mẹ có đến thăm, con cũng không ra gặp mẹ đâu !

Nói rồi anh ta cúi đầu lầm lũi đi về phía cổng trại giam. Mặc cho người mẹ than khóc, mặc cho người công an bảo anh ta nhận quà của "bố mẹ", người thanh niên như không nghe, không thấy gì, anh bước những bước chân chập chờn trong một cái màn sương làm bằng nước mắt !



Thảo Trường