PDA

View Full Version : Những Ngày Xưa Thân Ái



Longhai
07-01-2013, 10:14 AM
Những Ngày Xưa Thân Ái


LXQuỳnhNhư


Bích Đào, Kim Phụng và tôi là ba đứa bạn rất thân học chung với nhau từ lớp đệ Ngũ lên đến lớp đệ Tam. Bích Đào quê ở Đà Nẵng, Kim Phụng ở Phan Rang, còn tôi ở Saigon. Chúng tôi thường rủ nhau đi dạo phố trong những ngày nghỉ học.

Khí hậu Dalat lúc nào cũng se lạnh, thế mà người Thượng du vẫn đi chân đất; đàn ông chỉ quấn chiếc khố tòn ten đủ che khuất chỗ kín; còn đàn bà, con gái thì ở trần chỉ quấn chiếc váy ngang đầu gối, lưng đeo gùi. Mỗi lần chúng tôi đi ngược chiều với họ, hai má đã ửng hồng sẵn bây giờ càng đỏ ửng thêm và mắt thì nhìn đi nơi khác. Con gái thượng du có nhiều người trông rất xinh. Họ rất thật thà và mộc mạc; vì gần gũi với thiên nhiên nên da dẻ đen dòn, nhất là bộ ngực để trần trông thật hấp dẫn. Chính vì điểm này mà chúng tôi rất ngại ngùng khi phải đối diện với họ trên phố xá đông người.

Ở vào lứa tuổi 16, 17, ba đứa chúng tôi đã là những cô thiếu nữ biết làm dáng và con tim đã biết rung động khi nghe những bản nhạc trữ tình; biết mơ mộng theo những bài thơ bay bướm và thích đọc những truyện tình lãng mạn đẫm đầy nước mắt của yêu thương như Đọan Tuyệt , Gánh Hàng Hoa, Nửa Chừng Xuân v..v... của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Ngày đó riêng tôi còn thích nghe nhạc yêu cầu trên đài phát thanh Dalat vào 2 buổi chiều ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần. Những bản nhạc mà tôi thích nhất là : “Hoài cảm” của Cung Tiến, “Đường về Viêt Bắc” của Đoàn Chuẩn, “Chiều Vàng” của Nguyễn văn Khánh. Tất cả những bản nhạc này tôi đều yêu cầu qua giọng hát trầm ấm của một nam Ca sĩ thư sinh đang học tại trường tây Grand Lycée Dalat , anh chàng hát kiểu Amateur cho vui trên làn sóng phát thanh của Dalat thuở đó, chỉ cho riêng nhóm tuổi trẻ học sinh nghe.

Cái thú nhất của tôi là vừa ngồi học bài, vừa ăn hạt dẻ lại vừa nghe nhạc. Có đôi lúc chị Hiền đứng bên cạnh lẩm bẩm :

- Cái con bé này lạ thật, vừa ăn vừa học vừa nghe nhạc, đầu của mi làm sao chứa nó một lúc vào đâu cho hết ? Những lúc này mi có nghĩ đến anh chàng Tuấn của mi không ?

Tôi cười cầu tài với chị Hiền :

- Em nghe nhạc ngoài tai, còn cái đầu nó có nhiều ngăn lắm chị Hiền ơi. Mắt em lướt qua chữ nào là nó vào ngay ô đó trong đầu. Còn nghĩ đến anh Tuấn hả ? Cái đó còn tùy lúc mưa lúc nắng....

Nghe tôi trả lời dí dỏm như vậy, chị lắc đầu cười trừ rồi bỏ đi ra ngoài hiên nhà.

Mỗi lần nghỉ hè, tôi thích đi xe lửa ra Nha Trang ở chơi với bà chị cả và các cháu. Tôi thích nghe tiếng còi tàu hú trong sương mù buổi sáng se lạnh khi xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Tiếng còi tàu gây cho tôi cái cảm giác đau ray rức của chia ly, của vĩnh biệt và một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm tâm hồn. Cái buồn man mác khi nhìn đồi núi chập chùng được bao quanh bởi những rặng thông xanh đứng thẳng tắp chênh vênh trên sướn núi, sương mù giăng mắc đó đây....

Có một lần nghỉ hè, ba đứa chúng tôi rủ nhau cùng đi xe lửa từ Dalat ghé Phan Rang về nhà Kim Phụng chơi vài ngày rồi lại tiếp tục đi xe lửa ra Nha Trang ở nhà bà chị tôi chơi một hai tuần. Xong chúng tôi lại trở về Saigon. Mỗi lần xe lửa ngừng ở Phan Rang, Phan Thiết là chúng tôi hay mua bắp luộc nóng hổi, hạt dẻo và ngọt vô cùng, người bán bắp gọi nó là bắp nếp có lẽ vì hạt bắp dẻo như nếp. Thêm một món quà cho gia đình khi trở về là chúng tôi mua nem chua và tré Ninh Hòa.

Ba đứa chúng tôi, mỗi người đều có riêng một mối tình ngây thơ, trong trắng của tuổi học trò. Và rồi những ngày vui của chúng tôi cũng dần dần lặng lẽ qua đi thật nhanh chóng. Qua đến năm đệ nhị, chúng tôi phải chia tay nhau rời Dalat để về Saigon học thi Tú tài phần nhất vì Bô Quốc Gia Giáo Dục không có tổ chức thi tại Dalat, có lẽ ít học sinh quá. Về đến Saigon thì mỗi đứa mỗi nơi, chúng tôi mất liên lạc với nhau vì ít thư từ qua lại và cuộc đời của mỗi đứa thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh sống.

Sau này, Bích Đào đã qua đời tại VN và Kim Phụng đã mất tại Mỹ lâu rồi mà tôi không được biết vì khi di tản qua Mỹ, cả ba chúng tôi ở vào ba hoàn cảnh khác nhau. Chúng tôi lo tìm kế mưu sinh trong cuộc đổi đời bi thương và tan nát nên chẳng ai còn đầu óc đâu mà tìm kiếm tình xưa, bạn cũ.

Bây giờ còn lại riêng mình tôi sống trên cõi ta bà này, buốn nhiều hơn vui.

Khi tuổi về già, không còn lo nghĩ gì đến tiền bạc, không còn bon chen lo cho cuộc sống của mình và con cái; thời gian này mới là lúc ngồi ngẫm nghĩ lại những ngày xưa thân ái ta đành bỏ lại cho ai….Và cũng cảm nhận rằng cuộc đời chỉ là ảo ảnh, tất cả đều vô thường .


***

Và đây, những ngày xưa thân ái...


Tôi đang đứng cắt ít cành hoa mimosa sà thấp dưới cây vừa nở nụ vàng tươi từng chùm bé tí vừa gọi chị Hiền ơi ới :

-Chị Hiền ơi, mang giỏ ra đây để đựng hoa, em hái được nhiều cành đẹp lắm .

Vừa nhìn quanh để tìm chỗ đặt mấy cành hoa thì tình cờ nhìn thấy bóng dáng một người mặc bộ Complet màu xanh dương đậm, tay xách chiếc máy ảnh đang bước chầm chậm đi vào đầu ngõ trước nhà. Tim tôi tự nhiên đập loạn xạ, tay buông rơi cái kéo xuống đất. Tôi đứng như pho tượng không hồn nhìn chăm chăm vào người khách lạ, lòng tự hỏi : Ai sao mà trông quen quá nhỉ ?

Chỉ thoáng một giây sau, tôi bật kêu lên nho nhỏ :

- Ồ, anh Tuấn đây mà.

Khi vừa thoáng nhìn thấy tôi, anh Tuấn có vẻ ngạc nhiên vì tưởng tôi biết trước nên ra đón anh :

- Oanh, sao tài thế ? Biết anh lên mà ra đón anh đúng lúc vậy ?

Tôi thật ngỡ ngàng và thầm nghĩ : nào ai biết anh đến mà chờ với đón chứ !

Nghĩ sao là tôi buột miệng nói với anh ngay như vậy, không biết anh có giận tôi không nữa :

- Em đâu có biết anh lên Dalat mà đón anh chứ. Em đang hái hoa mà. Anh lên đây thăm ai rồi mới ghé thăm em phải không ?

Tuấn hỏi lại :

- Ủa, Oanh không nhận được thư anh gởi về trường cho em cách nay cả tháng sao ?

Tôi sực nhớ lại :

- À, như vậy là anh có gửi về trường cho em nhưng em không nhận được. Bạn em nó có nhìn thầy lá thư đề tên em để trên bàn thầy thư ký, nó không nhìn thấy tên người gửi nên em cũng không thắc mắc vì không nghĩ là anh. Ai bảo anh gởi về trường cho em làm gì, nhà trường đâu có cho học trò nhận thư tình , anh gởi như vậy là chết em rồi ! Hèn chi mà thầy thư ký thủ tiêu luôn.

Tuấn nói :

- Anh cũng biết điều đó nhưng anh chỉ viết có mấy dòng báo tin cho em biết là anh sẽ lên thăm em thôi mà. Anh sợ nếu gởi về nhà, bác em kiểm duyệt thơ nên biết trước rồi sẽ báo tin cho mẹ em hay thì nguy to.

Nói xong anh nhìn tôi cười cười :

- Thôi thế cũng tốt, anh đến thăm em bất ngờ thế mà hay. Bắt gặp cô nàng đang đứng hái hoa dưới những cành hoa Mimosa vàng rực hương phấn. Em có biết là trông em giống như thỏ con đang nấp dưới bụi hoa vàng với cặp mắt to đen lay láy, nhìn em xinh đẹp quá đi thôi em à ! Nói xong, anh đưa máy ảnh lên bấm ngay một lúc hai tấm, tôi không kịp có phản ứng gì.

Tôi thấy anh lúc đó trông cũng hay hay vì lần đầu tiên tôi nghe anh khen tôi có đượm chút gì luyến ái, dễ thương.

Còn tôi thì lúng ta lúng túng, mặt thấy nóng bừng vì lời anh khen, tim đập gần như muốn bung ra ngoài. Vừa thẹn thùng, vừa xấu hổ vì tóc tai đang rối bù, dính đầy bông phấn vàng của hoa. May mà chị Hiền ra kịp lúc, chị thấy anh Tuấn là biết ngay vì tôi có đưa hình cho chị xem. Chị mời anh vào nhà và chị bảo tôi:

- Cái cô bé này đoảng thật, khách đến thăm mà không mời vào nhà, cứ mải hái hoa ...

Tuấn phải đỡ lời :

- Không phải lỗi của Oanh mà tại tôi thích ngắm hoa, trước ngõ vào nhà trồng nhiều thứ hoa đẹp quá !

Nói xong anh xách dùm tôi giỏ hoa vừa mới hái theo chị Hiền vào nhà. Chị Hiền vừa vào nhà trong đã thấy mất dạng, tôi tìm chị để mời ra uống trà, chuyện trò cùng anh Tuấn mà chẳng thấy đâu cả. Chắc chị muốn để chúng tôi có chút thời gian riêng tư. Tôi pha trà Bảo Lộc mời anh. Anh uống liên tiếp 2 tách trà rồi khen trà tôi khéo pha, ngon và thơm quá .

Anh hỏi thăm bác tôi đâu, cho anh gặp để chào bác. Tôi nói bác không có nhà.

Lúc đó tôi chẳng còn nhớ ra chuyện gì để nói với anh. Tôi im lặng nhìn anh như chưa bao giờ từng gặp. Ngắm khuôn mặt rắn rõi, cương nghị nhưng hiền hòa của anh làm tim tôi xao xuyến. Cái cảm giác yêu thương ngọt ngào lắng sâu vào tận cùng quả tim bé nhỏ của tôi. Chẳng lẽ tôi yêu anh bởi ngần ấy thứ thôi sao ? Ngay lúc đó, có lẽ thấy tôi ít nói, trầm ngâm nên anh cười tủm tỉm :

- Ơ hay, sao em chẳng kể cho anh nghe chuyện đi hái mận ở trại Hầm, chuyện đi chơi ở đồi thông hai mộ với các bạn bị ma đuổi chạy gần chết mới thoát ? Trong thư viết cho anh, em hứa là để dành khi nào anh lên thăm, em sẽ kể nhiều chuyện vui lắm mà ?

Anh làm tôi bật cười vì thêm mắm thêm muối vào chuyện bị ma đuổi. Tôi nói :

- Tại anh đến bất ngờ quá làm em hoảng hốt nên quên hết rồi !

Anh nhìn tôi thật lâu với cặp mắt thật ấm áp, dịu dàng. Cắp mắt anh đã nói thay cho lời. Tôi e lệ, cúi đầu không dám nhìn anh lâu hơn vì cặp mắt đó đang làm tim tôi xao xuyến....

Anh im lặng ngắm tôi một lúc sau mới lên tiếng :

- Em tôi còn ngây thơ quá ! Anh đâu phải là “ông kẹ” đến hù em đâu mà trông em có vẻ ngơ ngác thật đấy ! Thôi, cho anh xin lỗi nghe. Anh đến thăm em đường đột quá làm em bị “mất hồn” phải không cô nương ?. Anh chỉ ghé lại thăm em một chút thôi, từ phi trường Liên Khương về đến đây kẹt xe quá nên anh đến hơi muộn.

Nói đến đây, anh nhìn đồng hồ tay rồi nhìn quanh hỏi :

- Chị Hiền đâu rồi em ? Cho anh gởi lời chào chị. Anh về rồi ngày mai anh sẽ đến gặp bác em để xin phép Bác cho em đi dạo phố với anh một buổi sáng hay chiều cũng được. Tuy nhiên, em cũng phải nói trước để Bác biết, khi anh đến khỏi bỡ ngỡ nghe em.

Tôi hỏi anh ở lại chơi Dalat mấy ngày, anh nói anh chỉ xin nghỉ có 3 ngày phép để lên thăm tôi. Hai ngày đi và về, còn mỗi một ngày mai thôi. Anh sẽ đưa tôi đi dạo phố để anh có chút thời gian ở bên tôi và anh có đôi điều muốn tâm sự. Anh còn nói vì tôi phải đi học nên anh không dám ở lại Dalat lâu hơn.

Nói xong, anh cầm tay tôi, hôn nhẹ một cái rồi mới chậm rãi bước ra cửa. Tôi như người mất hồn thật, cảm thấy tim mình gần như ngừng đập vì cái hôn của anh quá bất ngờ, cho dù chỉ trên bàn tay chứ chưa phải trên môi, trên má.

Đưa anh ra đến đầu ngõ, anh bảo tôi :

- Gặp lại em, đêm nay về anh sẽ mất ngủ vì nhớ em.

Tôi nói đùa : Em không có bỏ bùa mê vào tách trà anh uống đâu, anh đừng lo mất ngủ vì nhớ em.

Anh vỗ nhẹ vào má tôi rồi nói :

- Gặp em rồi anh không muốn xa em phút giây nào cả.

Tôi rơm rớm nước mắt vì cảm động. Tôi cũng như anh, gặp nhau trong chốc lát, khi xa lại thấy buồn hơn. Thấy tôi buồn, anh vội nói lảng qua chuyện khác :

- Ngày mai mình gặp nhau, em phải chuẩn bị chương trình đi chơi ở đâu trước, kẻo anh mới lên, lớ ngớ rồi làm phí thì giờ uổng lắm nhe em.

Nói xong anh vừa đi anh vừa quay lui vẫy tay chào tôi cho đến lúc anh khuất dạng sau dãy nhà phía dưới đồi.Tôi đứng nhìn theo anh đi, lòng thấy xao xuyến nhớ thương. Ở Dalat thời đó nếu không có xe nhà hay xe Vespa thì cuốc bộ mệt nghỉ vì đường đi toàn dốc lên xuống thoai thoải làm tôi chợt nhớ đến bài thơ viết về Pleiku “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định, Phạm Duy soạn nhạc, lời thơ sao nghe cũng tương tự như cảnh Dalat sương mù :

- Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn.
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em, đời còn dễ thương....

Tôi đi vào nhà ngồi ngay chỗ ghế Tuấn ngồi lúc nãy mà thở dài. Tôi nghĩ sao mình ngây ngô thật ! Gặp Tuấn mà chẳng biết nói năng gì, thế mà trong thư viết cho anh thì tôi viết thật dài, kể đủ thứ chuyện vui, buồn cho anh nghe. Tôi vẫn còn nhớ và giữ lại những bài thơ tôi đã viết gửi anh trong những trang giấy pelure mỏng màu hồng nhạt, với những giòng chữ viết nắn nót trong màu mực xanh rêu lá mạ thật dễ thương. Trong thư, lúc nào tôi cũng kèm theo một cánh hoa Pensée màu tím hay hoa Mimosa màu vàng mà tôi đã có công ép nó thật khô trong cuốn sách, xong rồi dán kèm theo góc thư. Thư nào tôi gửi cho anh cũng cùng một màu giấy, màu mực và chỉ có hai loại hoa duy nhất đó mà thôi.

Tôi còn nhớ bài thơ tôi làm gởi anh :

Anh ơi,
Em vẫn biết, em yêu anh là khổ,
Đời chiến binh luôn đây đó, chẳng dừng.
Chậm thư anh, em nghĩ ngợi mông lung.
Em chỉ sợ người em yêu tử trận.
Anh có biết, mỗi lần thư không nhận,
Là em buồn, em nghĩ đến không may.
Em nguyện cầu Đức Phật suốt đêm, ngày.
Mong anh được bình an nơi trận tuyến.

Thương Anh nhiều,
Oanh

Xem xong thư tôi gởi, anh viết thơ hồi đáp, tôi chỉ nhớ có một đoạn mà khi đọc xong tôi đã khóc vì yêu thương anh và buồn suốt mấy ngày :

- Oanh ơi, nếu một ngày nào đó anh có chết đi, hồn anh sẽ theo ở bên cạnh em suốt đời. Anh sẽ cầu xin Chúa cho linh hồn anh luôn được ở bên em để phù hộ cho em lúc nào cũng bình an và hạnh phúc. Em đừng lo cho anh quá, số của anh không chết sớm đâu em. Mỗi lần gặp nguy hiểm ngoài trận tuyến, anh nghĩ đến em rồi cầu nguyện ơn trên cho anh sống sót để được về với em ...


***

Bác tôi đồng ý cho tôi được xin phép nghỉ học một ngày để đi chơi với Tuấn. Tôi biết thế nào chị Hiền cũng có nói thêm vào nên trông Bác tôi có vẻ dễ dãi. Bà tiếp anh Tuấn thật niềm nở, còn mời anh về ăn cơm chiều sau khi đưa tôi đi dạo phố xong.

Tôi và anh đi dạo quanh khu phố chợ Hòa Bình rồi ghé vào cà phê Tùng ngồi nghỉ chân. Anh gọi café sữa nóng, tôi uống soda chanh muối. Vừa uống vừa ngồi im lặng ngắm nhau rồi cả hai cùng cười khe khẽ. Anh nói nhỏ :

- Cám ơn Chúa cho chúng mình gặp nhau và cho anh có được giây phút này để tự do ngắm em mà chẳng phải nhìn trước ngó sau gì cả.

Nghe anh nói mà tôi thương quá, trông vẻ mặt của anh khi nói không có vẻ gì là bỡn cợt cả. Anh nói rất trang trọng. Khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì tại sao phải ngó trước nhìn sau như vậy, anh nói :

- Em có biết không, ở nhà mỗi lần anh muốn nhìn em, anh phải chờ lúc không có ai anh mới nhìn lén chút xíu thôi để xem em đang làm gì. Anh sợ lỡ bên nhà em có ai biết được thì phiền cho em lắm. Em còn bé quá !

Tôi trêu anh :

- Bé mà tim to lắm. Khi nào anh được về phép, em sẽ kéo hết màn cửa sổ nhà em lên để anh được tự do nhìn sang nhà cô láng giềng mà không ngại ai thấy cả nhe.

Anh cười vui và nói : - Tốt lắm, nhớ nhé cô em.

Khi ra khỏi café Tùng, anh nắm nhẹ tay tôi dắt đi như ông anh cả dẫn cô em gái đi chơi. Anh hỏi tôi :

- Mình đi chơi đâu bây giờ em ? Chương trình của em hôm nay như thế nào ?

Tôi chỉ anh qua bên kia đồi thông đối diện với Hồ Xuân Hương :

- Mình đi qua đó dạo chơi thoải mái hơn anh à. Em nghĩ hôm nay không phải ngày nghỉ nên vắng người.

Đi bên cạnh anh tôi mới cảm thấy mình thật bé nhỏ. Anh cao hơn tôi nhiều nên mỗi khi nói chuyện với tôi, anh hay giả vờ đưa hai bàn tay chập lại làm cái loa ghé sát vào tai tôi gọi thầm :

- Oanh ơi, anh đây này.

Thế là được dịp cho anh nghe tôi cười dòn tan. Tôi vờ bỏ chạy trước cho anh đuổi theo sau. May là trên đồi khi đó vắng người nên tôi và anh vui đùa thoải mái. Trông anh nhanh nhẹn, rắn chắc nhưng thanh nhã . Chúng tôi nắm tay nhau đi thơ thẩn dạo quanh ngọn đồi thông thoai thoải, nhìn qua Hồ Xuân Hương với hàng liễu rũ trồng ven theo bờ hồ thật là nên thơ. Khí hậu hôm nay không quá lạnh.

Đi một lúc, sợ tôi mỏi chân, anh đề nghị qua nhà thủy tạ bên Hồ Xuân Hương ngồi ăn kem và ngắm cảnh . Tôi từ chối :

- Em không thích qua bên đó đâu. Có đông người, lỡ gặp người quen em phải giới thiệu anh như thế nào đây ?

Anh đồng ý với tôi. Chúng tôi đã tìm được một chỗ ngồi dưới gốc cây thông thật mát, cỏ mềm, ngồi rất êm và nhất là nhìn qua phía hồ Xuân Hương thật nên thơ với những hàng thông xanh mướt, hàng liễu rũ dọc theo bờ hồ.

Vừa nắm bàn tay tôi trong hai tay anh, anh vừa thủ thỉ kể cho tôi nghe về chuyện gia đình của anh :

- Chắc em chưa bao giờ biết được rằng bà mẹ của anh hiện tại là bà mẹ kế phải không em ?

Tôi nói :

- Em học ở Dalat, chỉ về nhà vào dịp Tết, ngày lễ và mấy tháng hè. Đôi lúc em còn ra Nha Trang nghỉ hè một tháng ở nhà bà chị cả, vì vậy em không biết nhiều về chuyện gia đình của anh.

Tôi là cô bé láng giềng mà anh ít khi gặp mặt vì khi anh được về phép là lúc tôi còn đang học trên Dalat. Lúc tôi về nhà là lúc anh đang trong đơn vị ngoài Đông Hà. Thế mà tình cờ có đôi lần gặp mặt nhau trước cửa nhà khi anh về phép, anh đã viết bức thư tỏ tình đầu tiên đưa cho cô em gái của tôi chuyển lại. Đọc bức thư tình đầu tiên anh gởi, tôi đã cảm nhận được ngay cái tình yêu nồng ấm, mộc mạc, chân thành của anh. Tình yêu của tôi lớn dần theo ngày tháng qua những lá thư tình ngây thơ, trong trắng của tuổi học trò tôi viết trả lời anh.

Ngày hôm nay, đây là lần đầu tiên tôi và anh đuợc dịp gặp nhau riêng tư. Ở Saigon, chúng tôi chỉ được nhìn thấy nhau qua khung cửa sổ .

Anh kể tiếp :

- Tuy bà mẹ kế là dì ruột, em của mẹ anh nhưng bà lại rất cay nghiệt với anh và hai em của anh. Mẹ anh mất ngoài Bắc trước khi di cư vào Nam năm 1954 khi vừa sinh người em trai thứ ba vì bà bị băng huyết, lúc đó anh mới 10 tuổi.

Vì bố anh là nhà giáo, nhờ có người bạn quen giúp đỡ nên sau khi di cư vào Saigon, anh được nhận vào học trường Chu Văn An ngay. Anh không bị trễ học năm nào. Vừa thi đậu xong tú tài phần hai là anh xin nhập ngũ ngay để có cơ hội xa nhà và giúp hai em của anh ăn học thành tài.

Anh còn kể rằng dạo đó, mỗi lần nhớ mẹ, anh hay lũi thủi ra sau vườn một mình, ngồi vào chỗ mà mẹ anh hay ngồi trên chiếc ghế bành dưới gốc cây nhãn ru em của anh ngủ trưa vào mùa hè oi bức. Anh nói khí hậu ngoài Bắc có bốn mùa rõ rệt. Anh còn nhớ nhiều bài hát của mẹ ru anh em của anh ngủ, anh nói mẹ anh hát hay lắm và anh đã hát lại cho tôi nghe. Nghe anh hát, giọng anh buồn buồn làm tôi khóc rấm rức theo câu chuyện. Anh ôm vai tôi và nói :

- Em à, Anh đã yêu em qua hình ảnh của mẹ anh ngày xưa. Mỗi khi anh nhìn qua nhà em, bắt gặp thấy em đang ngồi đan áo len hay cho cậu em nhỏ ăn cơm, lòng anh cảm thấy êm ấm và ao ước sau này anh sẽ cưới được em.

Thấy tôi vẫn còn buồn vì câu chuyện của anh, anh xoa nhẹ tay tôi trong tay anh, rồi khẽ hát bản "Chiều vàng" của Nguyễn Văn Khánh cho tôi nghe vì anh biết tôi rất thích bản nhạc này. Giọng hát của anh rất hay, trầm ấm và tình tứ lắm.

Tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống theo lời hát đượm tình yêu thanh thoát, nhớ nhung. Hát xong, anh nhìn tôi có vẻ như dọ ý :

- À này em, em có biết gia đình anh là Công Giáo đạo dòng không ?

Tôi trả lời :

- Em biết chứ. Hồi nãy em có nghe anh cám ơn Chúa cho chúng mình gặp nhau và anh có được giây phút ngồi ngắm em tự do đó, anh quên rồi sao ?

Anh vỗ vào trán rồi nói : - Ừ nhỉ, anh quên thật. Em à, Anh có mua một xâu chuổi lần hạt bằng hột pha lê màu xanh da trời khi du học bên Mỹ, trông đẹp lắm em.

Nói xong, anh mở túi áo lấy ra một cái hộp nho nhỏ xinh xắn đưa cho tôi và nói :

- Anh tặng em làm kỷ niêm ngày chúng mình gặp nhau hôm nay, nhưng anh ngại không biết mẹ em có bằng lòng cho chúng mình quen nhau không hở em ?

Vừa hỏi anh vừa tự tay mở hộp quà ra và lấy xâu chuỗi hạt có hình Chúa Jesus đóng đinh trên thập tự giá ra đeo vào cổ tôi.

Tôi ấp úng không biết phải trả lời như thế nào để anh vui. Cuộc đời của anh cũng thật cay đắng, muộn phiền. Khi biết được hoàn cảnh của anh, tôi cảm thấy yêu thương anh nhiều hơn nữa. Anh làm tôi đâm ra lo lắng cho hoàn cảnh của hai đứa. Vấn đề tôn giáo khác nhau đã làm đổ vỡ bao nhiêu mối tình mà tôi đã có đôi lần chứng kiến. Nay thì tôi đang đối diện với nó đây. Vì yêu anh, thương anh mà tôi phải nói để trấn an cho anh khỏi bận tâm khi chuyện chưa xảy ra và có lẽ cũng còn thời gian để tính toán :

- Em có bà chị thứ hai cũng lấy chồng Công giáo, nhưng lúc đầu anh ấy giấu mẹ em vì cha mẹ anh ấy ở nhà quê vì giặc giã không liên lạc được. Sau khi sanh hai đứa con rồi mới biết là gia đình anh là Công Giáo. Mẹ em phải chấp nhận thôi, còn bà chị của em vì yêu anh ấy nên cũng giấu dùm anh. Chị em theo đạo của chồng mà siêng đi lễ nhà thờ còn hơn ông anh rể của em nữa. Có lẽ vì chị yêu anh nhiều hơn nên phải đi lễ nhiều hơn để cám ơn Chúa đã giúp hai anh chị qua mặt được mẹ em, có phải vậy không anh ?

Anh nghe tôi kể, trông anh vui hẳn ra. Niềm hi vọng nào cũng nuôi cái tâm con người luôn được bình an và hạnh phúc.

Tôi lấy xâu chuổi hạt trên cổ xuống ngắm nghía rồi ôm nó vào ngực khấn :

- Lạy Chúa ba ngôi và Đức Phật từ bi phù hộ cho chúng con.

Thấy tôi chấp tay cầu nguyện như vậy, anh nhìn tôi có vẻ cảm động lắm . Anh cười và hỏi tôi học ở đâu ra câu kinh cầu nguyện này cầu cứu đến hai đấng tối cao hay quá vậy ?

Tôi cười, chỉ ngay vào giữa tim anh rồi tôi gục vào ngực anh thổn thức ...

Anh ôm tôi và tôi đã trao cho anh nụ hôn đầu đời say đắm ....

Tôi và anh chẳng có đi chơi đâu xa, chỉ quanh quẩn bên nhau để kể chuyện đời của nhau mà ngày giờ trôi quá nhanh. Trời đã bắt đầu bớt nắng, anh vội vàng kéo tay tôi hối hả nói :

- Em ơi, mình phải về ngay kẻo trời bắt đầu tắt nắng rồi. Để anh gọi Taxi đi về cho nhanh chứ thong dong thả bộ vừa mỏi chân lại về nhà trễ thì phiền lắm.

Về đến nhà, đèn đường cũng bắt đầu lên. Anh xin phép Bác tôi về vì anh phải thu xếp để ngày mai ra Phi trường Liên Khuơng sớm. Anh nói là sẽ có dịp được hầu chuyện và dùng cơm với gia đình Bác tôi.

Tôi tiễn anh ra cửa, Anh nhìn tôi, nói nhỏ :

- Anh về nghe em. Anh sẽ nhớ em nhiều lắm. Em ráng vui, đừng buồn. Anh sẽ viết thư thăm em luôn. Em nhớ nhờ chị Hiền chuyển thư dùm, đừng để thất lạc vào tay Bác em là nguy lắm đó. Nói xong anh khẽ đưa tay xoa lên má tôi.

Tôi gật đầu nói :

- Em cũng nhớ anh. Nói đến đây tôi không cầm được hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài trên má.

Anh bảo tôi :

- Đừng buồn em, anh sẽ lên thăm em nữa mà. Anh sẽ lựa ngày phép nào vào dịp lễ để chúng mình có nhiều thì giờ cho nhau hơn.

Vừa nói anh vừa lấy khăn mouchoir lau nuớc mắt cho tôi. Anh bảo tôi đi vào nhà, đừng đứng nhìn anh đi. Taxi vẫn còn chờ anh. Tôi nghe lời anh nhưng vẫn quay lại nhìn theo bóng anh đi mà lòng buồn khôn tả. Cuộc đời của người tôi yêu quí sao lại quá long đong như vậy. Không biết sau này mối tình của anh và tôi có được trọn vẹn như lòng anh mong ước không ? Đã thiếu tình mẫu tử từ khi còn bé, nay nếu mất thêm tình yêu nữa thì liệu tâm hồn anh sẽ ra sao ?

Còn tôi, áo mặc sao qua khỏi đầu ? Rõ ràng là mẹ tôi không ưa bà mẹ kế của anh rồi. Tôi cố gắng giữ im lặng không dám nói cho anh biết, sợ anh lo và buồn tội nghiệp.

Tôi đã được mẹ tôi đem lên chùa Quy y tam bảo từ lúc lên 13 tuổi. Chưa chắc gì mẹ tôi đã đồng ý cho tôi lấy anh vì đã khác tôn giáo lại thêm cái bà mẹ kế cay nghiệt nữa, chắc chắn là cuộc tình của tôi và anh còn lắm gian nan.

Anh về rồi, Bác tôi khen anh là người đứng đắn, lịch sự. Nghe Bác khen mà tôi vui mừng và hi vọng Bác và chị Hiền sẽ là người cứu nguy cho mối tình của chúng tôi sau này.


***

Tôi về Saigon nghỉ Tết chưa được 3 hôm, mẹ tôi đã đem câu chuyện anh Tuấn lên Dalat thăm tôi ra để răn đe :

- Mẹ đã nói với con rồi, mẹ nhất quyết không đồng ý cho con quen với thằng Tuấn. Con liệu chấm dứt ngay bây giờ. Nếu mẹ mà biết con còn thư từ qua lại với nó nữa là con đừng có trách mẹ .

Tôi khóc lóc, năn nỉ :

- Mẹ ơi, con xin mẹ cho con chỉ được nhận thư anh Tuấn thôi. Con hứa với mẹ là con sẽ không có gặp anh Tuấn bất kỳ ở đâu cả.

Mặc cho tôi khóc, mẹ tôi nhất định không tin lời tôi nói. Mẹ tôi sợ rằng anh Tuấn sẽ tìm gặp tôi và sẽ dụ dỗ tôi bỏ nhà theo anh nếu biết rằng gia đình tôi không chấp nhận cho tôi yêu anh và lấy anh .

Tôi nghĩ nguyên do khó khăn nhất là mẹ tôi không thích bà mẹ kế của anh Tuấn nhiều hơn là vấn đề tôn giáo. Vấn đề tôi phải theo đạo Công Giáo nếu lấy anh chỉ là phụ thuộc thêm cho có nhiều nguyên do để mẹ tôi ngăn cấm. Ba tôi lại là người đàn ông quá trầm lặng, ít nói nên chẳng bao giờ thấy ông có bất kỳ một phản ứng hay ý kiến nào trái ngược với mẹ tôi. Nói thẳng ra là tất cả mọi quyền hành trong nhà đều một tay mẹ tôi điều khiển. Ba tôi chỉ biết đi làm ngày hai buổi, về đến nhà là chỉ biết đọc báo, chuyện trò với con cái về chuyện học vấn rồi thôi.

Tôi có giải thích với mẹ tôi là anh Tuấn chịu chờ tôi thi xong Tú tài phần hai rồi mới tính. Và sau này nếu anh có lấy tôi thì anh cũng ở xa gia đình chứ đâu có sống chung mà mẹ tôi lo. Nói gì thì nói, mẹ tôi cũng vẫn giữ nguyên ý định. Mẹ tôi bắt tôi về lại Saigon đi học, cũng đúng lúc sắp đến kỳ thi tú tài phần nhất.

Hình như gia đình anh có nghe phong phanh về chuyện của tôi và anh, nên gia đình anh đã bán nhà dọn đi nơi khác ở trong lúc anh đang còn ở ngoài Đông Hà.

Tự nhiên tôi bặt tin anh, không còn nhận được thư anh gởi qua địa chỉ của người bạn thân nữa. Tôi gửi thư đến anh thì thư bị trả về. Tôi đoán chắc thế nào mẹ tôi cũng viết thư cho anh vì mẹ tôi có biết địa chỉ KBC của anh gởi cho tôi ở Dalat.

Tôi buồn lắm. Nhớ anh và thương anh nên tôi chẳng còn tha thiết đến học hành. Tôi biết anh cũng đau khổ không kém gì tôi nhưng vì tự ái, chắc anh đã chọn một lối thoát là đổi ra đơn vị tác chiến để bận rộn với lửa đạn mà quên tôi chăng ?

Sau này mẹ tôi thấy cuộc đời của tôi có phần long đong không như mẹ mong muốn, có lẽ bà cũng ân hận nhưng không nói ra.

Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu, tuy không xóa hẳn được nỗi nhớ thương nhưng từ từ cũng xoa dịu được phần nào nỗi đau trong tâm khảm …

Sau này, tôi được biết anh bị kẹt lại với đơn vị ở miền trung vào cuối tháng 4 năm 1975 và bị đưa ra ngoài Bắc ở tù cải tạo đến 17 năm. Sau đó anh qua Mỹ theo diện HO. Tôi không dám liên lạc thăm hỏi anh vì tôi không muốn khơi lại cho anh một nỗi buồn không đáng nhớ vào lúc này. Cuộc đời của anh đã có quá nhiều đắng cay, gian khổ rôi; nay tôi chỉ cầu mong cho anh được an vui, hạnh phúc để làm lại cuộc sống mới nơi xứ người. Tôi biết chắc rằng vợ anh phải là người đàn bà đảm đang, nhân hậu lắm mới có thể lo nuôi anh trong tù cải tạo và lo nuôi đàn con dại ngoài đời được. Sống dưới chế độ độc ác của cộng sản, con người không còn gì để vươn lên mà sống.

Ngày tôi nghe tin anh mất, tôi muốn đến đưa tiễn anh lần cuối nhưng lại thôi.

Sáng hôm đó, thay vì đến tiễn đưa anh thì tôi lái xe vào công viên Holly Park, đi thơ thẩn lanh quanh mà đầu óc lơ lửng như đang bay trở về quá khứ ngày xưa. Tôi ngồi bên hồ cá, ngắm nhìn đàn cá đủ màu đang bơi lội tung tăng, tôi chạnh nghĩ đến những ngày thơ dại xưa kia tôi cũng tung tăng, nhí nhảnh vui đùa cùng anh trên ngọn đồi thông nên thơ và đầy ắp kỷ niệm đẹp.

Tôi không đến đưa tiễn vì muốn để vong linh anh lúc ra đi được bình an, thanh thản và cũng mong muốn vong linh anh không còn gì để vương vấn nơi cõi hồng trần. Nhất là để cho người vợ hiền của anh được giữ trọn niềm yêu thương anh mãi mãi…

Đúng ngày sinh nhật của anh, tôi đến mộ thăm anh. Tôi tìm mua một bó hoa hồng màu hoàng anh vàng đậm mà ngày xưa anh thích, đặt bên cạnh mộ anh. Màu hoa hồng này, mỗi lần lên Dalat anh hay cùng tôi tìm mua để mang về Saigon và anh cũng tặng tôi.

Đứng trước mộ anh, tôi ngắm bức ảnh anh chụp sau này, chắc cũng khoảng vài năm trước khi anh mất. Trông cặp mắt của anh chẳng khác xưa là mấy, vẫn còn nét tinh anh và đôn hậu. Càng nhìn tôi càng cảm thấy như anh đang nhìn tôi một cách nồng ấm, thương yêu như thuở xa xưa. Tự nhiên nước mắt tôi tuôn chảy. Tôi khóc trong thầm lặng và tôi khấn vong linh anh có linh thiêng thì chấp nhận lời khấn nguyện này của tôi. Tôi quấn xâu chuỗi hạt màu xanh nước biển anh đã tặng tôi ngày nào vào cây thánh giá trước mộ. Xâu chuổi hạt này tôi đã giấu kỹ nó trong suốt mấy mươi năm :

- Anh ơi, cho dù em không được làm vợ của anh như anh đã mong ước khi xưa, nhưng tâm hồn của em lúc nào cũng nghĩ đến anh vì em không thể quên được mối tình ngọt ngào anh đã cho em ngày còn thơ dại. Em mong rằng vong linh anh được bình an nơi cõi vĩnh hằng.

Tôi đưa hai bàn tay lên, bắt chước anh ngày xưa, làm cái loa hướng vào tấm hình của anh gắn trên bia mộ rồi thầm thì nói trong hai hàng nước mắt tuôn rơi …

- Tuấn ơi, Oanh đây này…Anh có nhận ra em không ?

Nói xong, tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ bên cạnh thổn thức khóc.

Tôi đọc khẻ cho vong linh anh nghe lại bài thơ ngày xưa anh gửi cho tôi khi nghe tin tôi lấy chồng. Bài thơ này anh gởi kèm theo mấy tấm ảnh tôi gởi anh ngày còn yêu nhau. Trong thư anh nói gửi lại tôi giữ nó tốt hơn là anh giữ vì có ngày sẽ mất nếu anh lấy vợ. Anh không muốn nó thất lạc vào tay người khác khi anh không còn trên cõi đời .

Em yêu quý,
Ảnh cũ người xưa, hoa mãn khai .
Làm sao quên được nụ hoa này ,
Lòng anh xao xuyến khi nhìn lại
Hình ảnh em yêu, thương nhớ ai....

Một chút tình xưa gởi lại em,
Lòng anh thầm nhớ suốt bao đêm .
Trông hình em cũ, anh thao thức.
Em hỡi, đời anh luôn nhớ em!

Trả lại em yêu tấm ảnh này,
Tình anh năm tháng chẳng nhạt phai
Làm sao quên được hương ngày cũ
Lòng vẫn mang nhiều nỗi đắng cay !

Gởi lại em. Đây, tấm ảnh này !
Mà anh gìn giữ bấy lâu nay .
Dáng cũ, người xưa anh yêu quý .
Em cần ? xin trao lại em đây !

Anh sẽ không còn thương nhớ ai.
Một hình bóng cũ chẳng nhạt phai .
Từ nay anh sẽ không còn thấy,
Tấm ảnh em yêu, Hoa Mãn Khai.
Tuấn


Còn những bức thư của tôi gửi anh kèm theo những bài thơ tình tứ, yêu thương ngày xưa chắc đã theo anh bay khắp bốn vùng Chiến thuật, nhưng cuối cùng rồi cũng phải xa rời anh trong cuối cuộc đời bể dâu ....

Vĩnh biệt anh yêu dấu….


LXQuỳnhNhư