PDA

View Full Version : Đạo Trùm Chăn



gunship
06-25-2013, 11:32 PM
Đạo Trùm Chăn
Bà Ba Phải


Sách dạy rằng, nghề chơi cũng lắm công phu. Cụ thấy đấy, chơi còn phải học, cần có công phu, huống chi là tu, cho dù là tu kiểu trùm chăn. Viết tới đây tôi lại đâm ra ngờ ngợ, không biết chữ trùm là chùm hay trùm. Tôi biết chắc chắn chữ trùm - danh từ - có hai cách viết, “tr” là ông trùm, “ch” là chùm nho, chùm khế. Còn chữ trùm chăn, trùm mền - động từ - thì chả biết “tr” hay “ch.” Không có lẽ mỗi tí lại cứ phải giở tự vị ra tra thì mệt quá. Thôi cứ phiên phiến đi vậy. Gặp mấy cụ ngày xưa làm thày giáo tiểu học, viết lỗi chính tả là mấy cụ ấy bực mình lắm. Nhưng đành xin lỗi cụ vậy. Dốt thì biết làm sao bây giờ. Tuy nhiên, dốt mà biết là mình dốt thì cũng đỡ dốt đi nhiều lắm. Cái đáng đánh đòn là dốt là lại nghĩ là mình giỏi mới khổ bà con, làng xóm. Tôi vốn dốt chính tả từ xưa tới nay rồi. Học hoài mà cũng không tiến bộ bao nhiêu.

Vì tôi cố công tu thật, chứ không phải tu giả hiệu, tu làm phép, tu làm cảnh, cho nên tôi nghiên cứu kỹ lắm. Nhưng mà tôi nghiên cứu kỹ theo cái kiểu ẩu tả, co giãn, tùy nghi, tùy thích, của tôi, cho nên đây không phải là một học thuyết - xin cụ nhớ cho như thế - tôi chỉ nghiên cứu để cho tôi xài một mình thôi. Cụ cứ coi như đây là một mẩu chuyện thuộc loại trên trời, dưới đất, xem qua rồi bỏ, chứ không phải là một luận án đem ra trình làng.

Tôi thấy rằng, điều kiện tiên quyết của chuyện tu hành là phải nhận chân được giá trị của con người thật của mình, và chấp nhận những thiếu sót, khiếm khuyết của mình, rồi cuối cùng, biết rõ mình muốn gì. Tu để làm gì? Tu cho ai? Một khi cụ đã vạch rõ con đường tu trì của cụ, cụ biết nơi cụ sẽ đến thì lúc bấy giờ cụ tu mới có kết quả. Chẳng hạn như tôi, tôi không tu để theo mốt, để nồ thiên hạ, để lòe bà con, cho nên tôi không cần dùng những danh từ đao to, búa lớn – những từ ngữ chuyên nghiệp, cao cấp, của các bậc đại chân tu – tôi cứ hiểu làm sao, nói làm vậy, càng giản dị, càng tầm thường, càng tốt. Cốt cái lõi chứ không cần cái vỏ bề ngoài. Nếu cụ hỏi tôi – lẽ dĩ nhiên cụ không hỏi, nhưng tôi cũng cứ nói – tâm niệm của tôi là gì? Tôi sẽ trả lời, rất dễ dàng, giản dị: thành thật, thành thật, và thành thật. Với chính mình, nhất là với mọi người. Tôi tu để trở nên tốt lành hơn khi còn sống, và để được cứu rỗi khi chết đi. Chỉ có thế. Tôi chẳng mong thành thánh thành thần gì hết. Làm một người không xấu khi ở trần gian đã là một sự khó khăn, đòi hỏi cố gắng không ngừng, nếu tiến thêm một bước nữa để trở thành một người tử tế là một thành quả vượt bực, là đến bến thiên đàng, đối với tôi. Tôi chẳng mong gì hơn nữa.

Phương châm tu hành của tôi là tránh voi chẳng xấu mặt nào. Muốn không vấp phạm cần phải tránh xa những cám dỗ, những chốn xa hoa, những nơi phù phiếm, những mối tội, những dịp tội. Tôi vốn dĩ là một con người không “anh” mà cũng chẳng “hùng” cho nên tôi luôn áp dụng bí kíp lang ba vi bộ. Cái tội nó ở chỗ này, tôi chạy sang chỗ khác. Chẳng hơi đâu mà đương đầu với nó. Đánh nhau với nó chỉ tổ ăn đòn vì cái thua nắm chắc trong tay. Người có lương tâm vững vàng, bản lãnh mạnh mẽ, thì ở chỗ động, tâm cũng không chao đảo, lung lay. Nhưng tôi vốn dĩ yếu hèn, cho nên ở chỗ an, tâm cũng vẫn động. Cho nên tôi chạy trước cho đỡ phiền lụy về sau. Tôi chạy riết rồi cuối cùng trốn ở biệt trong nhà, cảm thấy bình an, thoải mái. Từ đấy đạo trùm chăn, ở một mình, ra đời. Không trông thấy thì không muốn, không ngửi thấy thì không thèm, không nghe thấy thì không chói tai, ngứa miệng. Riết rồi quen, cũng như người ăn chay trường, ngửi thấy mùi thịt thì kinh, thì gớm. Hình như cái thuyết này, nói theo chữ nhà tu thì là buông bỏ. Chẳng phải chỉ buông bỏ những thèm muốn thể chất, nhìn được, ngó thấy, mà ngay những tham sân si hỉ nộ ai lạc ái ố dục, cũng buông luôn. Không nên để cái thích, cái ghét, nó chế ngự, ảnh hưởng, đến cuộc sống tâm linh của mình.

Tôi tu cái đạo này, hình như đã tới bậc thượng thừa, bất cứ cái gì ở đời tôi cũng không cho là quan trọng. Tiền tài, danh vọng tôi cũng không ham. Lẽ dĩ nhiên không có tiền thì không thể nào sống bình an được, nhưng thật ra thì cuộc sống về già không cần phải có nhiều tiền cho lắm. Nếu cụ tự tin và biết được bản chất thật của con người cụ, thì cụ chẳng cần đến cái bề ngoài giầu sang. Người ta sang từ trong sang ra, sang từ gốc rễ, từ tính tình, từ tâm hồn, chứ khó có thể sang từ ngoài vào. Không phải cái xe đắt tiền sẽ làm cho cụ sang, không phải cục kim cương to làm cho cụ danh giá. Cái tâm của cụ làm mọi người kính nể cụ, cái đức của cụ làm cho mọi người yêu mến cụ, cái sự hiểu biết, cái lòng bao dung, của cụ làm cho mọi người quí trọng cụ. Cho nên về già, tôi tu để chuyển hóa cái tâm, tôi tu để vun trồng cái đức, tôi luôn luôn học hỏi để mở mang trí tuệ. Muốn tu như vậy, cần phải ở ẩn, ở một mình, để có thì giờ suy ngẫm, tu dưỡng. Cũng giống như các linh mục, lâu lâu lại phải đi vào sa mạc cấm phòng. Sống một mình gần gũi thiên nhiên, mới có thể cầu nguyện, mới cảm nhận được sự hiện hữu của Đấng Ở Trên Trời. Ngay như Chúa Giêsu, mỗi khi cầu nguyện Ngài cũng thường lên núi, hay vào sa mạc, ở một mình.

Hôm nọ, tôi vừa đọc được một bí kíp của một sư phụ, gửi trên internet. Sụ phụ đưa ra một danh sách tràng giang đại hải những qui luật để dạy người già sống sao cho an lạc. Một trong những qui luật ấy là về già phải giao du nhiều, có nhiều bạn bè. Tôi thấy cái qui tắc này, chả biết với mọi người thì sao, nhưng đối với tôi thì không dễ, và chưa chắc đã có công hiệu nhiều cho việc sống an lạc, tu trì. Phải chăng vì tôi là một con người có một cái đầu óc hay chỉ trích - cái mà Chúa Giêsu gọi là cái đà trong mắt mình và cái dầm trong mắt người - cộng với một cái lưỡi mà ông thánh Jacobê lên án. Nghĩa là vừa cong, vừa nhọn, cộng với một cái túi ngữ vựng rất ư là phong phú. Bản tánh tôi thuộc loại phản ứng nhanh. Khi nhìn thấy, bắt gặp, nghe được, bất cứ một điều gì, không giống như ý mình nghĩ, tôi có phản ứng ngay lập tức. Bằng ý nghĩ, bằng những ngôn từ, mà nếu chậm lại một chút thôi, tôi sẽ không thốt ra. Vì thế giao du nhiều rất nguy hiểm đối với tôi. Chi bằng tôi không nghe, không thấy, tôi sẽ đỡ mắc vòng khẩu nghiệp, mang tiếng ác mồm, mắc tội nói hành, nói tỏi. Cho nên tôi thấy, ở nhà, đóng cửa lại, đọc sách, là an toàn nơi xa lộ cuộc đời.

Điều thứ hai: có nhiều bạn bè. Tôi cũng không theo được vì tôi rất khó khăn trong việc kết bạn. Và hình như nhiều người cũng ngại, không thích kết bạn với tôi. Đối với tôi, đã gọi là bạn là phải có thể sống chết vì nhau. Nhưng xét cho kỹ, từ trong ra ngoài, chưa có một người nào, tôi nghĩ rằng, tôi sẽ hy sinh đời sống cho người ấy. Như vậy gọi là bạn có phải là lạm dụng danh từ không? Cụ đừng buồn khi tôi không xếp cụ vào loại bạn, vì tôi không thể sống chết vì cụ, nhưng cụ là bạn tôi, bạn để chia sẻ niềm vui cũng như cùng nhau học hỏi, tiến bước trên con đường-đi-đã-gần-đến của chúng ta. Có thể tôi không chết giùm cho cụ, nhưng nếu chẳng may cụ sảy chân, vấp ngã, may ra, tôi có thể đỡ cho cụ khỏi té, hoặc giả cụ té rồi, thì tôi sẽ nâng cụ dậy. Như vậy cũng có thể gọi là bạn được lắm chứ! Khi cụ mỏi mệt, cụ có thể dựa vào tôi mà đi. Hay ngược lại. Nhưng số bạn này, không thể nào nhiều cho được. Nếu tôi không hay gần cụ, đó là tại vì bị bởi, cái đạo tu của tôi nó buộc tôi nên ở một mình. Nhưng không phải vì thế mà cụ không phải là bạn của tôi.

Tu cái đạo này có cái lợi trước mắt, là khỏi phải lo bị nghe những lời mà tất cả mọi người nói về tất cả mọi chuyện với tất cả mọi người. Thành thử mình cũng bớt được cái khẩu nghiệp.

Bà Ba Phải


Tuổi già nên nghe ai?

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1372209613.jpg

"Tuổi cả chơi bời họa sống lâu"
(Nguyễn Khuyến - ông cố 8 đời của Nguyễn Cần)

Tôi chẳng dám xúi giục các bạn hút thuốc, uống rượu, cờ bạc hay bồ nhí gì đó; chỉ muốn nói là chúng ta đã "6 bó" trở lên cả rồi, thời gian còn "tại thế" bây giờ có lẽ chỉ tính được theo THÁNG chứ chưa chắc đã tính theo NĂM được đâu! "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ".

Già rồi thì cũng chớ quên "Sinh Hoạt" và "Thể Dục".

(Sinh Hoạt = Hoạt động Sinh Lý;
Thể = chiều theo, làm theo; Dục = tình dục)

Thế là sống lâu 100 tuổi đấy !!!

Theo kinh nghiệm của bọn "tàu khựa":

* Lâm Bưu : chỉ hút thuốc, không rượu, thọ 63 tuổi.
* Chu ing Gum : không hút thuốc, chỉ uống rượu, thọ 73 tuổi.
* George Burns : hút thuốc và uống rượu, thọ 101 tuổi.
* Pham Duy; hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, có vợ nhỏ thọ 93 tuổi.
* Thống chế Trương Học Lương: hút thuốc, uống rượu, bài bạc, có vợ nhỏ, thọ 103 tuổi.
* Đồng chí Lôi Phong : không hút thuốc, không rượu, không đánh bài, bạn gái còn chưa có, thọ 23 tuổi.

Không biết qúy Cụ như thế nào chứ tôi thì sẽ... nghe theo lơì bà Vivianne.

TUỔI GIÀ NÊN NGHE AI ?

Cả mấy chục năm nay mỗi lần được tin bạn bè năm châu gọi điện thoại đến, tôi chỉ nghe câu hỏi về sức khoẻ. Đại để, hồi này anh có mạnh khoẻ không? Gia đình con cháu thế nào? Với tuổi già của anh càng nên đi bộ cho thật nhiều. Mỗi ngày phải đi bộ khoảng chừng 2,3 tiếng, càng đi bộ thì sức khoẻ càng nhiều và dỉ nhiên là tuổi thọ càng kéo dài ra.

Trong tháng gần đây, vợ tôi cũng khuyên tôi nên đi bộ và bà lấy ví dụ cậu Lộc gia đình tôi mà làm bằng. Hằng ngày cậu Lộc của chúng tôi đi bộ cả 5,6 tiếng đồng hồ. Chế độ ăn uống cậu cũng kiêng cử đúng mức. Ít ăn cơm. Ít ăn thị mỡ. Không uống côca. Không ăn đường. Không uống rượu. Cậu lại có tài biến chế nhiều loại bánh bằng bột năn và bằng sữa đậu nành rất tài tình. Hôm nay, thấy thân hình cậu rất chắc chắn. Đỏ da thắm thịt nhiều và đoán chừng cậu có đủ sức để tìm thêm bồ nhí. Cậu Lộc vừa ra đi quên mang va li tuần trước vì nhồi máu cơ tim, cậu huởng thọ 49 tuổi.

Tôi định nghe lời khuyên của vợ là ăn ít thịt, uống ít rượu, đi bộ nhiều v.v. Nhưng sáng nay tôi vừa mới nhận được một e-mail của Dr Vivianne, giáo sư môn Siêu Hình Học ở đại học Johns Hopkins tại Dallas, Texas chứng minh về sức khoẻ như dưới đây và ý tôi muốn gửi đến độc giả, những vị cao niên muốn kéo thêm đời sống dài ra. Biết đâu cũng là việc làm phúc để có đức dành lại cho con cháu.

Thư bà Vivianne viết như sau:

1. Nếu quả thật đi bộ và đi xe đạp tốt cho sức khoẻ thì người đưa thơ chắc sẽ bất tử.
2. Con cá Voi lội trong nước cả ngày, chỉ ăn tép và vi sinh vật và uống nước mặn. Thế mà ngày càng cứ béo tròn trùng trục thêm.
3. Con thỏ chạy và nhảy cả ngày cả đêm thế mà chỉ sống được 10 năm.
4. Con rùa nằm ì một chổ, chẳng làm gì mà sống đến cả 450 năm

Nay lại nghe bạn khuyên tôi nên luyện tập thể thao.
Thiệt chẳng biết nghe ai ???
Tôi là người tuổi già đã hưu trí.

Xin hãy để yên cho tôi...nhờ...!!!

Xin Đa Tạ.