PDA

View Full Version : Lỗi tại tôi



Longhai
06-13-2013, 10:25 PM
Lỗi tại tôi



Bây giờ ngồi đây nhớ lại đời binh nghiệp và những ngày cuối cùng của quê hương miền Nam, lòng tôi không khỏi bồi hồi ray rứt khi biết những lỗi lầm của tôi đã góp phần làm sụp đổ một Quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

Bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần thấy một quyển sách nào mới xuất bản mà nội dung nói về cái chết của miền Nam, tôi đều cố gắng tìm đọc và đọc ngấu nghiến, say sưa. Phần lớn những tác phẩm ấy đều là hồi ký được viết bởi những ông Thầy cao cấp, cực kỳ cao cấp của tôi, những ông Thầy cao đến đỗi tôi không bao giờ có dịp diện kiến như quí ông Phạm Văn Liễu, Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, Nguyễn Cao Kỳ, vân vân. Nói chung là các vị Tướng Tá anh dũng, mưu lược, tài đức của miền Nam. Vị nào cũng oai phong lẫm liệt với nhiều nét đặc thù khác nhau. Có vị đã ví mình như "Cây kiếm báu trong tay quân thổ phỉ", suốt bộ hồi ký dầy hơn ba quyển không thiếu những đoạn nói lên tài trí và mưu lược thần sầu quỉ khốc cũng như những đức tính thanh liêm trong sáng của mình. Có vị nhắc lại thời trai trẻ hào hoa với ít nhiều luyến tiếc và cũng cho rằng nếu chiếc ghế nguyên thủ quốc gia lọt vào tay ông thì hậu vận miền Nam chắc chắn đã khác. Vị này còn kể lại những thủ thuật khéo léo đã đưa đến việc chận đứng nạn đầu cơ tích trữ gạo thóc của bọn gian thương Sài Gòn Chợ Lớn thời bấy giờ. Một vị khác thì tuy đứng trong hàng ngũ của các tướng lãnh tham gia lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng cũng cố nhắc lại cái chết bi thảm của tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ trong nỗi ngậm ngùi pha lẫn tiếc thương. Vị tướng này có tâm tình như thế vì ông là một trong những Sĩ quan miền Nam được ông Diệm đặc biệt chú ý nâng đỡ. Ông đã được Tổng Thống Diệm ban quân hàm Thiếu Tướng khi tuổi đời chỉ mới ngoài ba mươi, cái tuổi mà nhiều Sĩ quan khác dù gương mẫu đến đâu cũng chỉ lên đến cấp Tá là cùng. Vị tướng này, trong hồi ký của ông, cũng đã không ngừng nhắc đến những hành động khôn ngoan, những suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, những thao thức băn khoăn trước thời cuộc và những trằn trọc trăn trở khi thấy con thuyền Quốc gia đang tròng trành trong bàn tay yếu ớt của người cầm lái.

Không riêng những vị Tướng lãnh với chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền miền Nam đua nhau viết hồi ký mà cả đến những Sĩ quan viên chức thấp hơn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội nêu lên thành tích của mình. Những vị này cũng đã làm người đọc phải ngậm ngùi khi nghĩ rằng trong tay những người đầy nhiệt huyết và tài ba như thế mà miền Nam phải đổ thì thật là một điều không ai tưởng tượng nổi. Nhưng ở đời có chuyện gì mà không thể không xảy ra được, phải không các bạn ? Nếu không thì làm sao mà có những quyển sách như Tháng Ba Gãy Súng, Sài Gòn Tuyết Trắng và Hành Lang Máu Liên Tỉnh Lộ 7?

Càng đọc những dòng tâm huyết của các 'ông Thầy' của tôi và những "ông-Thầy-của-Thầy-tôi ", tôi càng nhận ra rằng miền Nam mất một phần rất lớn là lỗi tại tôi. Quân dân Vùng Một đổ xô nhau chạy vào Đà Nẵng để xảy ra cảnh hỗn loạn đầy chết chóc là lỗi tại tôi. Cả Quân Đoàn 2 phải bỏ Pleiku và kéo theo hàng trăm ngàn gia đình chạy trối chết trên con lộ máu số 7 cũng là lỗi tại tôi. Sài Gòn bỏ ngõ để chiến xa của người anh em phương Bắc ủi sập cánh cổng Dinh Độc Lập ít nhiều cũng là lỗi tại tôi. Đồng bào ruột thịt thân yêu vì không được sự bảo vệ tận lực của những người lính như tôi để phải ùn ùn kéo nhau ra biển tìm đường vượt thoát, ít nhiều cũng là lỗi tại tôi. Hàng vạn người chìm sâu dưới lòng biển cả, hàng ngàn người kéo lê cuộc đời trong các trại tị nạn chỉ để chờ dẫn độ về Việt Nam ít nhiều cũng là lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

Mùa hè năm 1968 cuộc đời tôi bước vào một khúc quanh khá gắt. Tôi bị buộc phải rời bàn ghế học đường để bước chân vào ngưỡng cửa quân trường. Chiến trận miền Nam lúc này đang hồi sôi sục sau hai đợt tổng tấn công và nổi dậy của Việt Cộng mà tôi thì lại hỏng thi ! Mảnh bằng Tú Tài 1 lúc ấy đối với tôi là một cái gì vô cùng quí giá, quí như chiếc phao giúp người chết đuối khỏi chìm trong khi đợi tàu đến vớt. Khốn thay, nó tuột khỏi tầm tay tôi và trôi xa vời vợi. Tôi buồn lắm, có lẽ còn buồn hơn cả cụ Tú ngày xưa khi ông than "Bụng buồn còn biết nói năng chi, đệ nhất buồn là cái hỏng thi". Làm sao mà tôi không buồn cho được vì rớt Tú Tài là tôi không còn hội đủ điều kiện để được hoãn dịch vì lý do học vấn. Đau khổ hơn, đời tôi sẽ xuống dốc như trong mấy câu thơ dân gian mà ai đó đã đặt ra, nghe như diễu cợt nhưng lại đúng và đúng một cách chua chát :

"Rớt Tú Tài anh đi Trung-sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Bao giờ yên chuyện nước non
Anh về sẽ có Mỹ con anh bồng "

Rất may là tôi còn độc thân cho nên bốn câu thơ trên chỉ đúng với tôi có mỗi một câu. Tôi nghĩ có lẽ ai đó với óc tiếu lâm đã ngồi thêu dệt ra như thế, chứ học sinh đệ nhị vào thời của tôi lắm chàng chưa có người yêu chứ đừng nói chi đến chuyện có vợ có con. Sự hiện diện của quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã trở nên một cái gì rất quen thuộc với đại đa số quần chúng và số lượng đàn bà Việt Nam có chồng hay có bồ Mỹ mỗi ngày một tăng, nhất là các cô làm sở Mỹ hay gái bán Bar. Tôi nghĩ mà thương cho anh quân nhân nào đó xông pha nơi trận mạc trong khi vợ ở nhà vì hoàn cảnh khó khăn hay mãnh lực đồng tiền đã quên nghĩa tào khang để chạy theo một anh chàng viễn chinh với nhiều đô đỏ đô xanh.

Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân, tuân theo số mệnh, rớt tú tài anh đi Trung sĩ vậy ! Lại cũng lỗi tại tôi. Nếu tôi học hành giỏi giang khấm khá hơn có lẽ tôi đã không trượt vỏ chuối. Có lẽ tôi sẽ học xong trung học, tốt nghiệp đại học rồi ra làm thầy thông thầy phán hay kỹ sư , bác sĩ. Hoặc nếu tôi muốn tiến thân bằng đường binh nghiệp, có lẽ tôi sẽ vào Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt hay tệ lắm cũng Trường Bộ Binh Thủ Đức. Biết đâu tôi cũng đã trở thành những người mà tôi ưu ái gọi là ‘ông Thầy’, sẽ được đặc cách lên Tướng khi tuổi đời chỉ mới ngoài ba mươi. Lỗi tại tôi nên tôi đành chịu vậy.

Ngày tôi xách khăn gói ra Quân Vụ Thị Trấn trình diện nhập ngũ, trời mưa như trút. Tôi không biết đó là điềm lành hay dữ cho nên trong lòng cũng ít nhiều hoang mang xao xuyến. Chiến tranh mỗi lúc một leo thang, tôi không biết sẽ có ngày về vẹn toàn thân thể hay sẽ về trong cỗ áo quan phủ cờ vàng ba sọc đỏ như tôi đã từng thấy khắp nơi trong thành phố ở những ngày địch tổng tấn công. Tôi cố xua đi đám mây mù quái ác trong tâm trí nhưng càng cố xua, chúng lại càng kéo đến. Rồi tôi lại tự trách mình, lỗi tại tôi. Giá mà tôi không thi rớt.

Cuối cùng thì đời lính cũng không đến nỗi bi đát như tôi đã nghĩ. Rời Quân Vụ Thị Trấn, tôi được đưa lên Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ và sau đó lên xe GMC ra trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Những ngày tháng tại Đồng Đế đã biến tôi từ một chàng bạch diện thư sinh đến một người lính rắn chắc, đen đúa, vạm vỡ và quan trọng nhất là dai sức. Nhờ được tiêm thuốc, tôi ăn uống như cọp đói và lên cân rất nhanh. Cuộc sống ở quân trường rất gian khổ nhưng không vì thế mà tôi không tìm được cho mình những giây phút lãng mạn mỗi khi đứng nhìn ngọn núi Hòn Cô nằm dài như dáng một người con gái với bộ ngực vun đầy nằm xỏa tóc như đùa với biển cả ngoài kia. Cũng chính nơi đây có một anh thi sĩ nhà binh nào đó đã viết được hai câu thơ để đời :

"Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xỏa tóc đợi chờ ai "

Lần hồi mặc cảm thua thiệt tan dần trong tôi. Có lúc tôi còn thấy được vào lính là một đặc ân, nhất là sau những lần trò chuyện với những khóa sinh Sĩ quan đặc biệt. Tôi đâm ra yêu quân đội và thích cuộc đời quân ngũ khi nghĩ rằng ngày nào đó tôi cũng sẽ được cấp trên cho về đây dự khóa Sĩ Quan Đặc Biệt để trở thành Úy,Tá như ai. Quân đội và chính phủ lo cho tôi tận tình, từ manh quần tấm áo cho đến cả thuốc lá, cà phê. Tôi biết những gì tôi đang thụ hưởng ít nhiều cũng là mồ hôi nước mắt của người dân miền Nam. Họ đã chắt chiu dành dụm đóng góp để tiếp tay duy trì quân đội, nuôi dưỡng những người lính như tôi với niềm tin son sắt rằng chúng tôi sẽ đẩy lui bước tiến của quân thù, góp phần giữ yên làng xóm. Kỳ vọng của đồng bào tôi có lẽ không có gì là quá đáng. Mỗi tấc đất, ngọn rau là biết bao tình! Lính tráng chúng tôi sinh ra từ dân, lớn lên trong lòng dân tộc cho nên phải vì dân mà chiến đấu. Đã ăn lộc nước thì phải có bổn phận giữ gìn đất nước. Ý thức được trách nhiệm cao cả của mình, tôi vui lắm và chỉ mong sớm ra trường để xông pha trận mạc, giữ yên bờ cõi, đáp lại lòng tin của đồng bào ruột thịt thân yêu.

Trận đầu trong đời binh nghiệp, tôi thua. Không chỉ thua, tôi còn bị thương đến phải vào nằm Quân Y Viện hơn 2 tuần rồi được trả về đơn vị cũ. Lỗi tại tôi! Tôi thua vì thiếu kinh nghiệm chiến đấu, lính mới ra trường mà. Trước một kẻ thù đầy bản lỉnh với đủ loại vũ khí tối tân của khối cộng, trung đội tôi bị thương vong có đến hơn phân nửa. Tiểu đội tôi may mắn nhất, không ai mất mạng, chỉ có vài người bị thương. Thú thực, sau lần đụng trận đầu tiên ấy, tôi sợ lắm. Ý tưởng đào ngũ đã bắt đầu manh nha trong tâm trí tôi. Suốt hai tuần trong quân y viện, tôi đã không ngừng vật lộn với chính bản thân khi không biết mình sẽ làm gì sau khi xuất viện. Tôi sẽ trở lại cùng những chiến hữu mới quen của mình hay sẽ trốn về Sài gòn ? Cuối cùng, tôi dẹp được tư tưởng yếm thế đó và khi xuất viện, tôi mạnh dạn trở lại cùng đồng đội, tiếp tục quãng đời binh nghiệp.

Dù bị thương nhưng tôi không được cấp trên ban thưởng chiến thương bội tinh như có người nói tôi sẽ được. Tôi có hơi thất vọng nhưng rồi tự an ủi rằng không lần này thì lần khác, biết đâu lần bị thương thứ hai tôi sẽ được cả chiến thương lẫn anh dũng bội tinh. Tôi vẫn biết tôi đi chiến đấu là để thi hành bổn phận chứ không phải chỉ để kiếm huy chương. Còn sống là may ! Những huy chương ấy liệu có ý nghĩa gì nếu tôi trở về với tấm thân tàn phế hay bi thảm hơn, bỏ mình khi tuổi đời đang độ xuân xanh. Nghĩ thế, tôi yên phận và vững lòng chiến đấu.

Hết trận này sang trận khác, tôi vẫn bình yên. Thời gian trôi qua nhanh như đạn lướt qua đầu và cái lon Trung sĩ nhất vẫn chưa đến với tôi. Lỗi tại tôi. Tôi đã dám chỉa súng AR15 vào ngực một Trung sĩ Mỹ khi tên này ra lệnh cho con chó bẹc-giê của hắn xông vào tấn công một nữ tù binh Việt Cộng trần truồng như nhộng. Hắn bắt người nữ cán binh ấy cúi gập người xuống và nới lỏng dây cho con chó hung hăng xấn đến phía sau nàng trong một tư thế vừa dã man, vừa tục tĩu. Dù biết cô ta đứng trong hàng ngũ kẻ thù và trước đó không lâu đã không ngần ngại giết tôi hay bất cứ một đồng đội nào của tôi, tôi vẫn không dằn được cơn tức giận trước sự khinh mạn quá đáng của tên Trung sĩ Mỹ. Dù thế nào đi nữa, người nữ tù binh ấy vẫn là người Việt Nam, và tôi cũng là người Việt Nam. Tự ái dân tộc không cho phép tôi nhắm mắt làm ngơ. Tim tôi đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, máu tôi sùng sục sôi lên và tôi dí mạnh mũi súng vào ngực tên lính Mỹ trong khi ngón tay trỏ chỉ chực siết cò. Tôi ra lệnh cho hắn kéo con chó bẹc-giê lại, nếu không tôi sẽ bắn nát ngực hắn ra. Nhìn thấy gương mặt đằng đằng sát khí của tôi, hắn biết tôi không đùa. Hắn vội vã kéo ghịt con quân khuyển lại nhưng vẫn rất hậm hực khi phải chịu lép vế. Tôi buộc hắn trả quần áo lại cho cô nữ tù binh và hắn ta riu ríu làm theo, không dám có một lời phản đối.

Sau khi cơn giận lắng xuống và máu trong tôi dần dần nguội lại, tôi biết mình sẽ không được để yên. Tôi biết chuyện tôi làm sẽ đến tai cấp trên và không chừng sẽ có hậu quả rất lớn. Có thể họ sẽ buộc tội tôi đã làm sứt mẻ tình giao hảo với quân đội đồng minh, hơn thế nữa, tiếp tay che chở địch quân. Tuy có hơi lo cho tương lai của mình nhưng tôi thấy lương tâm tôi yên ổn vì tôi biết tôi đã hành động đúng. Sau khi cô nữ cán binh bị giải đi, tôi không biết số phận cô ta ra thế nào. Có thể cô ta đã bị tra tấn đến chết không chừng, nhưng thà vậy còn hơn là tôi phải thấy một người đàn bà cùng màu da - cho dù người đó là kẻ thù - bị làm nhục ngay trước mắt tôi.

Cuối cùng thì chuyện phải đến đã đến. Tôi bị phạt 30 ngày trọng cấm và bị thuyên chuyển ra Sư Đoàn 1. Như vậy có nghĩa là tôi sẽ phải đi xa Sài Gòn hơn, nhưng mặc, đã là lính thì phải chấp nhận đi khắp 4 vùng chiến thuật.

Hai tuần trước ngày ký kết hiệp định Paris, tôi được lên Trung-sĩ nhất. Viễn ảnh hòa bình bắt đầu cho tôi mơ đến một bóng hồng đầu tiên nào đó trong đời. Tôi nghĩ nếu phe bên kia tôn trọng các điều khoản trong hiệp định ngưng bắn và tái lập hòa bình, miền Nam sẽ hết chiến tranh và tôi sẽ được giải ngũ. Nhất định tôi sẽ đi học lại, lấy mảnh bằng Tú Tài, tốt nghiệp đại học, lấy vợ đẻ con và tạo cho mình một mái ấm gia đình. Tương lai êm đềm và xinh đẹp biết bao !

Oái oăm thay, chiến tranh đã không chìm lắng mà còn bùng nổ cao hơn. Tình hình bấy giờ lại càng thêm khó khăn với dẫy đầy thiếu thốn khi quân Mỹ bắt đầu triệt thoái khỏi miền Nam. Quân nhu, tiếp liệu không còn dồi dào như xưa. Từ trước đến giờ tôi vẫn nghe nói nhiều đến chuyện mấy bà phu nhân của những sĩ quan cao cấp lạm dụng quyền thế của chồng để làm nhiều điều bất chính nhưng tôi không tin. Tôi không tin là cấp lãnh đạo lại chấp nhận để những chuyện bậy bạ như thế xảy ra vì họ phải hiểu rằng thượng bất chánh, hạ tắc loạn. Tôi đã có lần bị Đại Đội Trưởng đòi ký củ vì không chịu phạt kỷ luật một Binh sĩ dưới quyền khi anh này bắt trộm gà của dân. Thiếu úy Trung đội trưởng bắt tôi phải nện cho anh ta mười hèo nhưng tôi chỉ lôi hắn ra thật xa, mắng cho một trận rồi thôi. Tôi thương những người lính dưới quyền như thương chính bản thân tôi. Tôi biết họ khổ lắm. Đồng lương chết đói, nhiều anh vợ con ở nhà nheo nhóc, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ấy thế mà họ vẫn hăng say chiến đấu, bữa đói bữa no. Làm sao tôi có thể đang tâm quất những ngọn roi khắc nghiệt lên thân thể họ được trong khi họ là những người sẵn sàng sống chết cùng tôi. Khi đụng trận, tôi thấy có ông Tướng nào bên cạnh tôi đâu ! Chỉ có họ và họ mà thôi. Khi tôi ngã, họ liều mạng vực tôi lên, cõng tôi mà chạy. Nếu không có những anh Binh nhì, Binh nhất gan dạ và chí tình như thế thì làm sao mà tôi còn sống đến ngày hôm nay và thêm được mấy cái cánh gà. Và chắc chắn cũng nhờ những người lính như thế mà các ông Thầy của tôi đã lên Thiếu úy, Trung úy, Đại úy. Họ đã nằm xuống cho kẻ khác đứng lên. Xác của họ đã hóa thành những ngôi sao lấp lánh trên cầu vai, cổ áo, mũ lưỡi trai hay bê rê của những vị Tướng lãnh cao cấp. Nhất tướng công thành vạn cốt khô, chân lý ấy không ai có thể phủ nhận được. Lỗi tại tôi. Có lẽ vì tôi đặt tình trên lý, không tuân lệnh thượng cấp để trừng phạt họ mà kỷ luật quân đội đã bị xuống dốc đến mức hỗn quan hỗn quân ở những ngày cuối cùng của miền Nam. Lỗi tại tôi !

Đầu năm 1974, nhờ sự gửi gắm của một người bà con mà tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành Quân Cảnh. Tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều khi không biết có nên chấp nhận sự giúp đỡ của người bà con ấy hay không. Tôi không muốn rời bỏ những chiến hữu đã cùng tôi nằm gai nếm mật vào sinh ra tử từ bấy lâu nay. Tôi không muốn bị anh em bè bạn chê trách là tôi tham sướng sợ khổ. Bấy lâu lắm người vẫn nghĩ rằng Quân Cảnh là một Binh chủng an nhàn và khó chết nhất, nhưng đó chỉ đúng với những đơn vị Quân Cảnh phục vụ trong thành phố hoặc tại Sài Gòn. Tôi đã từng nghe và biết có nhiều Hạ sĩ quan Quân Cảnh thuộc các đơn vị Quân Cảnh tác chiến đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi quyết định xin về Quân Cảnh theo ý muốn của gia đình tôi và sau đó được đưa về phục vụ gần Sài gòn. Đời chiến binh của tôi từ đó bước sang một ngả rẽ khác.

Đầu năm 1975, trước tình hình sôi động của chiến trường, ba Tiểu đoàn Quân Cảnh được lệnh giải thể để chuyển sang thành lập một liên đoàn Biệt Động Quân mà tiểu đoàn tôi là một. Cấp trên cho biết các Hạ sĩ quan Quân Cảnh sẽ được đưa ra Dục Mỹ huấn luyện cấp tốc để trở thành những Trung đội phó tương lai của Liên Đoàn 9 Biệt Động Quân. Đồng đội tôi có người rất sững sốt và rúng động khi nghe tin ấy vì họ chưa từng tác chiến bao giờ, nhưng với tôi, tin ấy cũng chỉ giống như tin tôi được đưa ra Sư Đoàn 1 vào năm 1969. Vã lại, tôi vẫn còn độc thân, đi đâu chẳng được. Vài anh Trung sĩ, Thượng sĩ Quân Cảnh đã có vợ con đùm đề tại Sài Gòn cho nên họ bịn rịn lắm. Nhưng họ không thể làm gì khác hơn vì một khi đã chọn màu áo Quân Cảnh là chấp nhận tuân theo kỷ luật quân đội một cách triệt để vì Quân Cảnh chính là biểu tượng của quân phong, quân kỷ. Ý thức như vậy cho nên dù buồn thối ruột, họ vẫn phải chuẩn bị khăn gói lên đường.

Xong khóa huấn luyện cấp tốc tại Dục Mỹ, tôi được bổ sung về tiểu đoàn 99, Liên Đoàn 9 Biệt Động Quân với chức vụ Trung đội phó. Trung đội trưởng của tôi là một Chuẩn úy rất trẻ, đã phục vụ trong Binh chủng Biệt Động Quân được hơn một năm. Trong thời gian chờ đợi tại Dục Mỹ, tôi không ngớt nghe tiếng đại bác từ hướng Khánh Dương vọng về. Nghe nói một đơn vị Nhảy Dù đang đụng trận rất lớn tại đây, và tôi đoán biết đâu chúng tôi sẽ được đưa ra tiếp viện cho các đơn vị bạn.

Trái với sự dự đoán của tôi, cả liên đoàn được lệnh di chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật. Các bạn đồng ngũ của tôi ở Quân Cảnh rất vui mừng khi nghe tin ấy. Thế thì họ sẽ lại có dịp gần gũi với gia đình ở Sài Gòn. Lúc ấy là khoảng giữa tháng 3 và tôi làm sao biết được miền Nam sẽ sụp đổ chỉ trong sáu tuần sau đó.
Từng đoàn xe GMC nối đuôi nhau đưa chúng tôi ra Nha Trang để xuống tàu trực chỉ Sài Gòn. Tuy có phần nào rối loạn vì chiếc HQ503 phải chở thêm không ít một số thường dân chen nhau chạy lên tàu, cả liên đoàn tôi cuối cùng cũng về đến Tân Cảng theo đúng lịch trình đã định. Sau một đêm ngủ lại tại đây, sáng hôm sau tiểu đoàn tôi được đưa về đóng tại Củ Chi với sứ mạng bảo vệ vòng đai Sài gòn.

Đến giờ phút ấy, tôi vẫn không biết Việt Nam Cộng Hòa đang sống những ngày cuối cùng. Mặt trận vùng ven đô vẫn yên tĩnh. Hàng ngày tôi tập họp trung đội, điểm danh và báo cáo lên chuẩn úy trung đội trưởng. Tối đến, Trung đội bung ra nằm chốt ngoài ruộng hay bìa làng theo sự chỉ định của Đại đội trưởng. Đêm từng đêm trôi qua bình yên vô sự, vô sự đến nỗi có lúc tôi đã nghĩ rằng an nhàn và lè phè như thế này thì làm sao xứng đáng mang danh Biệt Động Quân được.

Không lâu sau chuyện phải đến đã đến. Từ mấy tuần qua, địch quân có lẽ đã thăm dò và biết rõ vị trí của chúng tôi. Chuyện đó không khó vì vùng đất chúng tôi đang đóng có rất nhiều cán bộ Việt Cộng nằm vùng.

Những người dân mà chúng tôi gặp ngoài chợ, có khi cùng nhau ngồi uống rượu và hát cải lương, đã rất có thể là tai mắt của người anh em bên kia chiến tuyến. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4, Củ Chi như nổ tung, bốc lửa. Sau khi những đợt súng cối 82 ly của địch quân vừa dứt, hàng trăm cán binh Bắc Việt ào ạt xung phong tràn ngập chốt Trung đội tôi. Trước sức tấn công như vũ bão và hỏa lực kinh hồn của địch, bên cạnh đó, mối dây liên lạc với mấy ông thầy của tôi đã bị cắt đứt ngay từ phút đầu, tôi cùng vài anh em còn sót lại chạy ngược về huớng bìa làng và rút vào một xóm nhà gần đó tìm nơi trốn tránh. Chỉ trong vài giờ sau, khi tiếng súng đã im, du kích xã kéo nhau đi lùng sục và cuối cùng chúng đã tìm ra nơi trú ẩn của tôi. Toàn bộ tàn quân chúng tôi bị địch bắt đưa về tập trung trong khuôn viên trường Tân Phú Trung để chờ đợi quyết định mới của quân chiến thắng. Đến lúc ấy tôi vẫn chưa chịu tin Sài Gòn đang trong cơn hấp hối cho đến vài ngày sau khi ngồi trong khuôn viên trường học nhìn ra ngoài, thấy những chiếc xe tắc xi cắm cờ xanh đỏ sao vàng từ hướng Sài gòn chạy lên, tôi mới bắt đầu tin rằng thôi thế là hết, Sài gòn đã thất thủ và đời binh nghiệp của tôi xem như chấm dứt từ đây.

Rồi tôi và khá nhiều quân nhân khác được chúng thả về. Về lại Sài Gòn để sống những ngày nơm nớp sợ hãi trong nỗi hoang mang cùng cực. Thần kinh tôi lúc nào cũng căng thẳng, tôi nghĩ mình như cá nằm trên thớt, chỉ sống nhờ vào ân huệ của đối phương. Tha thì sống, không tha thì chết. Lỗi tại tôi! Tôi đã quá tin vào lời kêu gọi chiến đấu đến cùng của các cấp lãnh đạo. Nếu tôi sớm thức tỉnh, có lẽ tôi đãõ nghe ngóng sự tình, bỏ ngũ, chạy theo làn sóng người di tản vượt thoát ra những chiếc tàu lớn của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ đang chờ sẵn ngoài khơi. Nhưng không, tôi đã không đủ sáng suốt để nhận định tình hình. Tôi cũng không tin các cấp lãnh đạo có thể bỏ đất nước, bỏ thuộc cấp mà ra đi trong âm thầm lặng lẽ, ra đi như trốn chạy như thế. Sự lầm lẫn của tôi đã đẩy tôi vào cảnh khốn cùng của một kẻ chiến bại . Lỗi của tôi, tôi phải tự trách tôi, không thể trách người nào khác được.

Bây giờ sống vinh thân phì gia trên xứ người, nhớ về dĩ vãng, tôi cứ tìm đọc hết cuốn hồi ký này đến hồi ký khác của quí ông lãnh đạo và các tướng tá miền Nam trước năm 1975. Một điều tôi nghĩ ra được và nhận chân rất rõ rằng không một vị nào thú nhận mình đã có lỗi ít nhiều trong việc mất miền Nam vào tay cộng sản. Có vị chẳng những không nhận mình có lỗi mà còn xác quyết rằng lỗi đến từ người khác. Hầu như vị nào cũng đổ tội cho Hoa Kỳ, kết án Hoa Kỳ là một tên lừa thầy phản bạn, bỏ đồng minh tháo chạy để cuối cùng gây ra cái chết tức tưởi của miền Nam. Tôi nghĩ nếu những "ông Thầy" của tôi cho rằng họ không có lỗi thì chắc chắn lỗi làm mất miền Nam là của những người lính như tôi. Tôi vẫn không quên lời cha tôi, một nhà nho lỗi thời, đã nhiều lần kể cho tôi nghe chuyện những quan đại thần ngày xưa lúc nào cũng sẵn sàng treo ấn từ quan nếu nhà vua không nghe theo lời nói phải của họ; những vị tướng khi biết mình không giữ nổi thành thì tự sát chết theo thành để bảo toàn danh tiết. Ông nói đó chính là những người mà đời khen tụng là “sinh vi tướng, tử vi thần”. Ông còn nhắc đi nhắc lại với tôi câu "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Cổ nhân đã nói rõ là 'thất phu' chứ nào có nói 'sĩ phu', 'đại phu' hay 'trượng phu' đâu, phải không các bạn? Như thế lại càng rõ hơn là lỗi tại tôi rồi, vì với cương vị của một trung sĩ nhất, tôi đúng là kẻ thất phu và là kẻ phải có trách nhiệm trước sự tồn vong của đất nước. Còn đổ tội cho người bạn Mỹ thì tôi thấy có cái gì không ổn. Họ chỉ đến giúp chúng ta chiến đấu bảo vệ chính đất nước của chúng ta, và sự giúp đỡ ấy cũng chỉ có giới hạn. Nếu đổ lỗi cho họ thì chẳng khác nào chúng ta chỉ là những tên đánh giặc mướn! Đất nước quê hương là của chúng ta, chứ nào phải của người Mỹ. Có vị càng cay cú hơn, cứ đem câu "Sao chúng không chết phứt cho rồi" của ông Ngoại trưởng Kissinger ra mà trách và chua chát than rằng Mỹ đã quyết lòng bỏ miền Nam cho nên chỉ mong miền Nam chết càng sớm càng tốt để họ rảnh tay không còn phải lo nghĩ đến. Ông Nixon khi ra tranh cử Tổng thống đã lớn tiếng hứa hẹn với dân Mỹ rằng ông sẽ chấm dứt cuộc tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong danh dự và rút quân về trong một thời gian ngắn nhất. Ông đã thắng cử chính nhờ vào lời hứa hẹn này, và sau đó, ông đã chọn ông Kissinger để thực hiện những gì ông hứa với quốc dân đồng bào của ông. Với cương vị của một kẻ thừa hành, ông Kissinger bắt buộc phải làm theo chỉ thị cấp trên, và ông ta đã không khước từ một thủ đoạn nào để đạt đến mục đích. Bầy tôi trung thành nào lại không hành sử giống như ông Kissinger ! Mặt khác, nước Mỹ cho dù có tiền rừng bạc bể cũng không thể gắn bó với miền Nam từ đời này sang đời khác. Họ đã hy sinh hơn năm vạn quân và mất không biết bao nhiêu là tiền của, đến nỗi dân của họ đã chán ghét chiến tranh Việt Nam đến tận xương tủy. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vấn đề chính nằm ở chỗ các cấp lãnh đạo miền Nam phải nhận ra được ngày nào đó không xa người bạn Mỹ sẽ rút ra để kịp thời tìm những phương thức khác ngõ hầu đưa nước nhà ra khỏi tình trạng bế tắc.

Càng đọc nhiều những lời vàng ý ngọc của quí ông lãnh đạo miền Nam trước năm 1975, tôi càng thấy nếu quí ông không có lỗi thì lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy, xin quí ông từ nay không cần phải thanh minh hay trần tình gì cả. Quí ông đã xác quyết rằng mình không có lỗi thì hà cớ gì cứ phải phân bua. Quí ông cứ an phận trong cuộc sống tha hương và tự hài lòng với chính bản thân rằng nếu không có biến cố bảy mươi lăm thì làm gì mà có những khu thương mãi như thương xá Eden ở miền Đông, Phước Lộc Thọ hay Grand Century ở miền Tây Hoa Kỳ như một vị cựu bộ trưởng đã từng viết. Kẻ cần phân bua, trần tình và tạ tội trước quốc dân đồng bào chính là những tên thất phu như tôi, vì được hưởng ân huệ của nhân dân, ăn lộc nước mà tôi đã không bảo vệ dân tôi được, không giữ nước tôi được, không làm tròn trọng trách đồng bào tôi giao phó để phải phụ lòng tin của họ. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi !



VĐT
Cuối năm Ất Dậu
(Viết theo tâm sự một người)