PDA

View Full Version : Chống Cộng



Longhai
05-31-2013, 11:37 PM
Chống Cộng


Túy Hồng


Những lùm cây cao xé rách ánh nắng. Những luồng gió lộng cắt giảm cơn nóng chói mắt đi ngang phương trời Mỹ. Gió bão từ Đông Âu tấp vào Hoa Kỳ tuần trước đã kiệt sức, nay chỉ còn thoi thóp thổi.

Không khí nhẹ thoảng hương thơm của những lời hẹn ước từ hàng hoa bạch hồng bên đường, từ lùm lá xanh um khóm tre trúc mọc gần lối đi, từ cụm cây mưng già ven bờ hồ có đàn vịt bầu bơi lội trong chế độ tự-do : vịt, chó và chim ngang hàng với người. Người tôn trọng vịt, không cắt cổ vịt đánh tiết canh, không ác độc giết chó làm dồi như ở Việt Nam.

Kià đàn vịt bơi dưới ao hồ.
Thằng bờm-xờm quơ roi đuổi đánh.
A ha ha chúng kêu quác quác quác quác
Lội xan xát tan đàn.


Ở Mỹ, làm thân con vịt con chim con chó sướng hơn thân phận con gà.

Quê nhà chật hẹp, quê người rộng lớn, nhưng dù nước Mỹ đẹp, Việt Nam muôn đời vẫn đẹp hơn cả, theo sách Quốc-văn giáo khoa thư.

Phan rong chân bước dưới bóng mát một lúc rồi quay về nhà uống một ly nước lạnh. Mỗi ngày Phan uống tám ly nước theo lời bác sĩ khuyên. Bên hiên hàng xóm, ông láng giềng già cũng yêu đời ký thác sức khỏe của ông vào tám ly nước mỗi ngày. Buổi mai nào, ông cũng đi bộ khắp hầu hết những con đường giàu mạnh của thị trấn Beaverton để tu dưỡng cái sức khỏe dẻo dai của ông càng già càng gân. Lòng nhớ nước, ông ta thủ trong túi áo ấm một chai nước suối. Đi một đoạn, ông lại cầm chai nước tu một ngụm giữa đường. Phan hơi nhút nhát về chuyện tiêu tiền, nên mỗi ngày cố gắng uống tám ly nước lạnh nhạt thách, chán ngấy chảy xè-xè từ vòi máy vào mồm. Phan thèm uống bia dễ sợ, nhưng ráng nhịn, Phan rất thích bia vì hương vị của bia. Phan yêu bia hơn yêu vợ. Bia mới là bạn trăm năm, là mối tình chung kết, là câu hẹn thề cuối kiếp, là lý tưởng, là lẽ sống và sóng gió dục vọng. Đàn bà, danh lợi, tiền bạc trên cõi đời này, chắc chắn sẽ nhạt hơn một lon bia.

Với quyết tâm làm ăn cuả người Việt-kiều yêu nước, Phan uống nước nhiều lắm. Phan ăn chay năm ngày mỗi tháng; những ngày ngã mặn, Phan không hảo ngọt ăn chè, không ăn bánh bích-quy, để tiết kiệm sức khỏe mà đi cày và mua nhà mua xe.

Phan đã đạt được nguyện ước mua nhà; nhưng cái xe hơi thì còn nặng nợ sở ngân hàng mười hai tháng tiền trả góp.

Ăn chay, Phan phải hết sức cố gắng không ngã mặn ngã ngọt vì nghe hầu hết bạn bè chung quanh bảo rằng đường làm cho da mặt nổi mụn và nhăn nheo như lá rau diếp. Chắc là y học ngày hôm nay đã khám phá ra một chất độc nào đó trong đường, trong cây miá cây chuối, trong củ khoai lang ngọt ngào lời đường mật.

Xưa, đêm nào Phan cũng mơ được nằm ngủ với cô hàng xóm, để đè lên người cô mà đay nghiến khối thịt mềm, để nghe mac̣h máu của cô xôn xao động tình, để xoa tay lên hai đầu ngực nhỏ, và ấn tay xuống thót bụng cuả cô, và để ăn đôi môi mọng, tô đỏ như những đôi môi của nhiều người mẫu trên bìa báo phái đẹp diễn đàn. Nay, tuổi già khô hết nhựa tình, người già khó ngủ, nên Phan phải lọai bỏ những giấc chiêm bao, và phải nằm ngủ thật nghiêm trang, thật giản dị như tất cả những kẻ cao niên khác. Nhưng Phan vẫn yêu tiền bạc, yêu đàn bà và bươm bướm.

Buổi mai sau khi thức dậy, Phan đi bộ hai giờ, rồi về nhà chơi e-mail với bằng hữu xa gần để nới rộng tầm kiến thức, và biết đâu sẽ tìm được một người đàn bà dễ thương.

Qua những câu e-mail Phan đã được đọc trên mạng nhện, Phan nhận xét những lời e-mail thường thường dạy đời, nhưng Phan không học đời, không phê bình ai, không áp dụng luân lý Khổng Mạnh nhiều trong vấn đề giao hữu.

Với nhóm bạn ở Pháp, sự giao thiệp hạn hẹp trong lãnh vực văn nghệ; với Việt-kiều ở Mỹ, tình bằng hữu nặng phần chống Cộng hơn, Phan trao đổi những cảm nghĩ về vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội và ngoài ra, Phan chú ý rất nhiều những vụ ly dỵ trên thế giới..

Trong quá khứ mờ mịt khói súng, người Việt-Nam đã theo dõi chiến cuộc Triều-Tiên, báo chí Việt-Nam mỗi buổi sáng đều đăng lên trang nhất những trận ác đấu của quân sĩ Hàn quốc, những cuộc biểu tình bạo động cuả sinh viên và công chức, trong đó, số sinh viên Hàn-quốc bị giết có lúc lên tới hàng trăm nhân mạng. Ngoài ra, báo Việt Nam còn loan tin nhiều loạt bài thời sự khác, những diễn biến ác ôn dồn dập xẩy ra giữa hai phe Quốc Cộng nước Đại-Hàn.

Như văn chương, như sắc đẹp, chiến tranh quan trọng hàng đầu đối với Hàn-quốc. Đó là sự sống chết, là con đường hai chiều sinh tử. Từ đó, chiến tranh là chấp nhận chứ không phải phủ nhận.

Mọi việc đều giản dị trong chiến tranh, nhưng cái giản dị nhất chính là cái khó khăn phức tạp nhất. Nhiều cái khó tích tụ lại thành nhiều cuộc ác đấu giữa hai phe Hàn Quốc và trong mắt họ chiếu ra chiến tranh.

Giữa thập niên 1950, Hoa Kỳ, người hùng của đệ nhị thế chiến, liên binh chống Cộng và giao thương với quốc gia Nam-Hàn.

Giàu mạnh tự do dân chủ với lập trường quốc gia chói ngời, Nam Hàn là kỳ phùng địch thủ cuả Bắc Hàn, tay tổ Cộng Sản theo phe đế-quốc Nga-Sô, vốn là cha đẻ của chiến thuật dụng binh biển người, mẹ đẻ của bốn loại phi cơ Mig mang số mười chín hăm mốt hăm ba hăm chín, quân sư quạt mo nghĩ ra phép lạ đấu tranh tuyệt thực xuống đường.

Nam Hàn được Mỹ viện trợ kinh tế dồi dào, cho vay tiền, nâng đỡ tinh thần, khuyến khích mạnh tiến để trở thành một cường quốc của châu Á. Trên thị trường quốc tế, hàng hóa Nam-hàn ồ ạt đua chen với hàng hóa Nhật Bản.

Nam-Hàn sản xuất xe hơi Hyundai, và tung ra thương trường thế giới lu bù những đồ dùng điện tử, máy vi tính. Nam Hàn, cũng như Bắc Hàn, ngày nào cũng ăn vào miệng những hũ Kim-chi cay chua tuyệt vời.

Nhưng có bao giờ Nam Hàn biểu diễn một ngày quân lực trên đất Hiệp chủng quốc này không, như hơn một lần Nam Việt đã làm ?

Trọn tình bang giao với Nam Hàn, đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ quay nhìn Nam Việt, một Nam Hàn thứ hai, một tiền đồn chống Cộng.

Mỹ đã vào đây, Mỹ sẽ cứu người, sẽ giúp dân ta chống trả quân thù tham lam ăn cướp Miền Nam, sẽ nâng đỡ dân ta làm ăn no ấm, sẽ ở lại lâu dài không bỏ cuộc.

Nhưng Nam - Việt có phải là một Nam Hàn thứ hai dưới bầu trời ô nhiễm bụi đường, bụi đời, bụi độc này, khi đôi cánh hung thần Cộng-sản đang vỗ mạnh, đang cố tạo ra một ngày quốc hận để quân dân miền Nam sau này không quên. Ba mươi tháng tư, một ngày cuối tháng, một ngày đầu mùa.

Tháng giêng 1975, tỉnh Phước Long lọt vào tay Cộng quân, Tổng Thống Ford xin quốc hội Hoa Kỳ viện trợ cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu 300 triệu Mỹ Kim.

Toàn dân miền Nam có bao giờ quên những giây phút ngắn này, cái thời khắc đắng chát buồn tủi họ đã sống với nỗi lo sợ rất chính xác rằng thế nào Hoa Kỳ cũng cúp viện trợ, cũng sẽ cắt đứt mạch sữa của tình thương dành cho em bé Miền Nam trong hoàn cảnh nay sống mai chết khi đêm đêm hỏa châu thắp sáng bầu trời, Việt Cộng pháo kích vào đô thành trăm nghìn phát hỏa tiễn 122 ly ầm ầm reo réo từ trên không trung nóng lửa, đôi khi rớt xuống trúng vào khu đông dân cư và trường học. Nhưng, quân dân miền Nam có chống Cộng cách gì đi nữa mà Mỹ không chống cũng đành chịu.

Quốc hội Hoa Kỳ ích kỷ không són ra một xu viện trợ kể từ năm 1973.

Hai tuần lễ trước Tết Nguyên-đán 1975, Cộng quân bắt đầu chiến dịch tấn công miền Nam đại quy mô. Sau 3 ngày cầm cự, thành phố Ban mê-thuộc thất thủ, TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho các tướng lãnh bỏ miền Cao-nguyên rút về đồng-bằng. Sau một thời gian ngắn, quân đội miền Nam cũng bỏ rơi Huế, Đà Nẵng.. và dần dần theo thứ tự, tất cả vùng Một với vùng Hai chiến thuật cùng tuột khỏi tay miền Nam.

Sau hơn mười năm bắt tay cam kết không bỏ rơi, không phụ tình người em nhỏ Nam-Việt, người anh cả của thế giới tự do bỏ tay ra và thở dài rút quân về nước, bàn tay kia Mỹ vẫn chung thủy nắm Nam Hàn..

Cuộc chiến hết. Trại tù cải-tạo còn.. Sau hơn một thập niên trại tù hạ màn, rồi tù binh H.O được đưa sang Mỹ đổi đời. Chiến tranh Việt Nam còn được gọi là Chiến tranh Mỹ, người Mỹ đã mất gần một tỉ đô-la. Sau đó, người Mỹ còn xài Mỹ, tung ra những đồng đô khác để cưu mang Việt-kiều tị nạn ăn và sống.

Phan ngồi trước mặt máy vi tính mỗi ngày, đọc nhiều bài thơ văn chống Cộng. Giờ đây, người tù cải tạo đã thoát khỏi vòng lao-lý trở về, và người ấy chống Cộng. Giờ đây,Việt-kiều yêu nước chống Cộng. Phan lục lọi tìm kiếm trong mớ sách báo sắp xếp ngổn ngang một bài thơ chống Cộng của Triều Nguyên :

Nếu ai có một lần ra đất Bắc
Ngang trại tập trung, thấy xác người tù
Mang gông cùm trong giấc ngủ ngàn thu.
Anh tôi đó, người lính dù mũ đỏ.
Nếu ai thấy trên đường chiều lộng gió
Người góa phụ buồn, đầu chít khăn tang
Nuôi con thay chồng, đau xót nặng mang.
Chị tôi đó, cô nữ sinh thuở ấy.
Nếu trên vỉa hè tình cờ ai thấy
Đứa bé ngồi đôi mắt lệ tràn rỏi
Thân thê gầy còm, quần áo tả tỏi
Cháu tôi đó cuả ngày xưa bụ bẫm.
Nếu ai thấy ven bìa rừng xanh thẫm
Xác người lính trẻ tử trận chiều nao
Chưa có tương lai đã thành quá khứ
Bạn tôi đó người học trò mơ mộng
Nếu ai thấy trên một vùng biển rộng
Những con thuyền, những mạng sống mong manh
Những tiếng kêu la gào thét hãi hùng
Dân tôi đó sao chịu nhiều đau khổ
Nếu ai thấy giữa vinh hoa đồ sộ
Của xứ người, còn những kẻ hôm nay
Nhớ quê hương cho môi mặn mắt cay
Chúng tôi đó những người đang đi tới
Nếu ai thấy trong ngày mai quật khởi
Trên đất Việt Nam, có một xác người
Đã chết rồi mà môi vẫn cười tươi
Là tôi đó của một lần trở lại.

Triều Nguyên


Buổi mai, Phan thường ăn cơm chiên điểm tâm, uống ly sữa bò đã gạn hết chất béo. Sau đó, Phan đọc kỹ những bài thơ-văn đấu tranh trên mạng và trong sách báo. Hy vọng khi tới tuổi sụm bánh chè, Phan và người thầy giáo dạy đời của Phan, cái máy vi tính, vẫn chống Cộng không oải ba sườn chút nào.

Phan mở thi tập Sỏi Đá còn hờn cơn quốc biến của nhà thơ quân đội Lê-Khắc Anh Hào, đọc và nghe lại tiếng nói hận thù của dòng máu chiến đấu trong tim mạch sủi bọt căm hờn, người lính tù cải tạo tố cáo Việt Cộng tàn ác dối gian phi luân, tham vọng.

Lui lại thời gian trước năm 1975, Cộng quân miền Bắc tổng tấn công và đại thắng, chiếm nguyên con toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhịp cầu Hiền-Lương vắt ngang dòng sông Bến Hải suốt hai mươi mốt năm ròng giữ nhiệm vụ phân chia ranh giới Bắc Nam, nay nằm nghỉ phép. Quốc Gia miền Nam thế thủ với lập trường chia đôi tổ quốc làm hai mảnh, để chỉ giữ một nửa nước. Theo dư luận, và theo bình luận cả trong lẫn ngoài thì miền Nam bại trận và mất nguyên cả miền Nam, là tại vì giai cấp lãnh đạo quá dở, không nêu gương tốt cho quân lính miền Nam soi! Nên vào giờ chót, cuộc nội chiến dài lê từ năm 1954 tới năm 1975 mới kết liễu đúng như ai ai cũng đã tiên đoán. Từ trước đó cho đến sau đó, Cộng sản để lại ba tội ác đáng kể: Tội ác một là thay trời xử tội, chặt đầu cắt cổ mổ bụng kẻ thù Việt-gian bằng thanh gươm ngọn giáo trong khỏang đầu thập niên 1950; tội ác hai là cải cách điền địa, xúi dục nhân dân đấu tranh đấu tố địa chủ; tội ác ba là thiết lập trại tù cải tạo giam nhốt người của chính phủ Quốc gia sau năm 1975. Cộng sản tự tin cải chính rằng trong thời buổi chiến tranh, giết người lắm lúc không phải là tội ác, kẻ cầm cuộc chiến trong tay thì phải khi cương khi nhu, khi khó khi dễ để thu phục lòng dân. Dọa dân sợ hãi để dân phải theo phe mình, hoặc dễ dãi với dân để nắm lòng dân..đó là chiến thuật thủ thắng, là tuyệt vời nghệ thuật, không phải là tội ác, cũng không phải là tâm hiền khi giang sơn đang binh lửa. Quốc gia, từ trước cho đến sau, không để lại một tàn tích tội lỗi nào hết.

Về phần nghề nghiệp, Lê Khắc Anh-Hào vốn là Sĩ quan trong Quân lực miền Nam cộng hòa, học hành thành đạt, sang Mỹ viết văn làm thơ chiến đấu như phần đông các văn nghệ sĩ khác, và để lại hai thi-phẩm Đường tổ quốc Quang Trung giục trống và Sỏi đá còn hờn cơn quốc biến.

Trong khuôn khổ luân lý của tác phẩm, Anh-Hào trung thực và chính nghĩa, nặng và đầy sức khỏe chống Cộng, yêu thương đất nước Việt Nam như ca-sĩ Chế Linh nặng lòng buồn nhớ tổ quốc Chàm. Tất cả cuộc đời đàn ông, Anh-Hào dâng hết cho mảnh đất già cằn cỗi hình chữ S Việt Nam và tiến trình giải phóng dân tộc, Anh - Hào làm thơ lính, dòng thơ anh hùng không tả oán tả ân kéo dài tình tiết, không kể-lể dằng dai lãng mạn nửa mùa, Anh Hào làm những vần thơ chiến đấu với “ Uất thù, nước mắt, bằng những tin yêu và xót thương dành cho Tổ quốc, cho quê hương, cho những bạn bè tù ngục, cho những anh em đã nằm xuống trong nghiệt ngã, cho đông bào và cho cả cỏ cây, sỏi đá dưới khung trời Việt Nam bất hạnh. Tôi có lãng mạn trong thơ không ? Không ! Trong đại dương đau khổ chung của cả nước, lãng mạn không còn chỗ đứng. Tôi không phải là một nhà thơ đúng theo qui chuẩn và cảm quan của đời. Trái tim hữu tri nào trong lúc nhục nước chưa rửa lại có thể dùng phần đời còn lại của mình để “ ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây..”. Tôi chỉ là một chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, một đạo quân không thể buông súng nhưng đã bị bức tử, bị buộc phải bại trận vì những mưu đồ quốc tế, vì những bất hạnh của lịch sử, vì những sai lầm thiển cận tày trời của giai cấp lãnh đạo. Trên tiến trình giải phóng đất nước, thơ tôi chỉ xin được là cung tiễn, giáo gươm, súng đạn, là ngọn lửa hồng góp một chút lửa nuôi dưỡng dòng sinh mệnh bất tử của tổ quốc Việt Nam. (Lê khắc Anh Hào).

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đoàn kiêu binh Cộng-sản anh dũng đi vào Sài Gòn, dấn bước quân hành ngang qua đường Công lý, nhiều người dân mừng rỡ vì thấy trước mắt cuộc chiến lâu năm đã chấm hết, cảnh chết chóc do bom đạn gây ra chẳng còn nữa, cảnh ly loạn nhà tan vườn trống cũng hết luôn. Nhưng nhiều người dân thì sợ hãi tự hỏi những thứ thứ đó hết sao được !

Ngày 30 tháng Tư, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tham dự quốc lễ Mừng chiến thắng, chắp tay vái chào tất cả các đoàn thể đồng bào hiện có mặt và đặc biệt bày tỏ thiện cảm với phái đoàn tăng ni Phật giáo. Phật giáo từ nay có can đảm xuống đường gây áp lực với chính quyền Cộng Sản như Phật-giáo đã làm với chính quyền Quốc gia thời đệ nhị Cộng-hòa không ?

Thời gian tính từ những cuộc cách mạng máu cho đến năm 1917 khi chế độ Czar cáo chung, Nga Sô đã giết người như giết ngóe, giết ruồi. Trong ngày đăng quang của Mao Trạch Đông, Trung Quốc chỉ chọc tiết chừng một triệu cái cổ. Suốt cuộc nội chiến kéo dài từ 1954 cho đến 1975, các lãnh đạo Việt Minh Hồ Võ Phạm và các đàn em nối gót sau này, theo đạo Phật kiêng sát sinh nên không phóng tay giết hại dân hiền như các nhà lãnh đạo Nga-Tàu Mác-Lê-Mao. Một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp là : Máu đã đổ ra mấy chậu trong buổi lễ ra mắt quần chúng của Việt-Minh trong ngày Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn nhân quyền trước đông đảo quần chúng tụ họp tại Quảng Trường Ba-đình ?

Sau ba mươi tháng tư, kẻ toàn thắng tái thiết quốc gia. Tiết kiệm nhân lực, họ để dành người mà dùng, lấy nhân mạng làm nhân công, không giết người phung phí như Nga Sô đã giết trong cuộc cách mạng nông nô, Cộng sản Việt Nam bắt chước Cộng-sản Tàu một phần nào, họ bạc đãi đày đọa tù cải tạo phải làm việc nước như tôi tớ làm việc nhà: quét dọn giang sơn, lau chùi đất mẹ, tổng vệ sinh tổ quốc. Với phần việc tái thiết quốc gia quá ủ khắt khe đọa đày đó, tù binh cải tạo tại các trại tị nạn phải xả thân lao động mềm xương sôi mỡ, ứa nước bọt hờn căm.

Xác thịt muốn sống, xác thịt người tù thâm thù. Ngày hôm nay trên đất Mỹ thời tiết ngọt, người cựu tù binh cải tạo vẫn không quên mối thù chua Cộng sản.

Sức tàn em ngã xuống
Em sẽ thù Cộng Sản đến muôn năm.̣

(Lê Khắc Anh Hào)

Ngã xuống xong, em ngồi dậy ngay :
Lấy lại non sông chẳng mấy ngày.

(Lê Khắc Anh Hào)


Đá mòn, rêu mọc, nước chảy, hao trôi, cánh hạc bay vút về trời, nhưng nỗi căm hờn của Việt Kiều đối với Việt Cộng sẽ không mòn như đá, không bạc như tóc, không tan như muối morton; mà về già, Việt kiều sẽ thù dai và mối thù đó sẽ kết tinh thành khối u trong chùm ruột dưới đáy lòng. Chính nghiã và can đảm như vậy, phải chăng Lê-khắc Anh Hào vẫn còn trai trẻ như chiến sĩ Lý Tống, như ca sĩ Đàm vĩnh Hưng?

Sống ỏ̉̉̉ Mỹ tuy đã thâm niên và đời đã nguội, nhưng Việt-kiều vẫn nóng lòng nhớ nước thương Nam, vẫn còn gốc, vẫn giữ lý tưởng chống Cộng, và chống thẳng một đường dài không quẹo, hăng say hơn lúc Việt-kiều còn sống chung với Việt Cộng trước năm bảy lăm nữa. Chống Cộng giờ này vẫn lên hương và dậy mùi, hết gian nguy gai lửa xương khô cốt tàn. Chống Cộng sẽ truyền kiếp đời đời, không phải chỉ chống một chốc rồi chuồn như trước năm quốc hận, cũng không phải là một sứ mạng già queo, khô khan như cơm cháy, khó nuốt như viên thuốc chữa bệnh loãng xương, nghiêm lạnh như những lời dạy bảo của đạo đức Khổng Mạnh, mà là nguồn hứng dạt dào như mưa rơi. Chống Cộng vui dễ sợ, luân lý lên mặt dạy đời buồn thấy mồ.

Lê Khắc Anh Hào nghĩ rằng khắp ba miền Bắc Trung Nam, người dân nào cũng sẽ nghe được tiếng reo hò chiến thắng khi một ngày, Việt kiều phục quốc ngạo nghễ trở về đứng dẵm chân lên trên những đổ nát của Việt-cộng bại trận. Việt-kiều thù Việt Cộng không đội trời chung. Nếu có thể được, sẽ đội một trời riêng.

Việt Kiều sẽ trở về lấy lại giang sơn, dành lại tổ quốc trong tay Việt Cộng,Việt kiều xin thề và xin hứa chắc ăn với bà con cô bác như vậy.

Sẽ có một ngày mai thành Hồ đổi chủ.
Tên họ Hồ sẽ biến mất thiên thu.
Hết đảng, hết đoàn, hết cờ, hết Hồ, hết tù, hết khổ.
Thì chưa chắc ta đã hết căm thù.

Đó là chiến sĩ Lê Khắc Anh Hào, sau đây là nữ sĩ Lê Chân.

Về phần nghề nghiệp, Lê Chân là phóng viên phong trào liên minh cứu quốc Việt Nam/Tây Tạng.

Mai tôi chết cờ vàng xin được phủ
Để xác thân ấp ủ với sơn hà
Để hồn tôi trọn nghĩa với quốc gia
Để sống thác được mang hoài lý tưởng
Trước vận nước gieo neo
Vững tay chèo định hướng.

Lê Chân.


Một gánh giang sơn, một tất lòng
Trọn đời trung liệt với non sông.
Ai ơi tổ quốc lầm than quá!
Dân tộc quằn đau trong bão giông.
Ta đi gào thét cùng nhân loại.
Nhặt những mảnh tim thắm máu tươi.
Bắc tiến con đường ta xốc tới
Phơi trãi đời mình tổ quốc ơi !

Lê Chân.

Tiếp theo Lê Chân, Phan xếp bà chị họ của mình vào danh sách những đối tượng chống Cộng: Bùi thị Liên Ba.

Đây mới là một chiến sĩ chống Cộng đúng nhãn hiệu dầu cu là Mác-Su, chính danh con cá vàng tung tăng bơi lội, lanh như con cua Mỹ chân dài bày bán ở siêu thị và nguy hiểm như hai cái càng cua một khi đã bốc máu căm thù. Yêu nước như yêu chồng, bà chị họ của Phan đả-kích Cộng-sản bằng e-mail gửi đến bằng-hữu xa gần, bấm con chuột nhắt tìm đọc những bài viết thờii sự về diễn biến tình hình giữa Quốc và Cộng để chuyển tiếp khắp nơi cho mọi người. Đi đôi với việc lớn chống Cộng, Liên Ba sáng tác thơ văn như bao kẻ làm văn chương miễn phí khác.̣̣.Phan chưa thấy ai ngu như cái bà chị nhà văn này, bà cứ lải nhải kêu ca văn chương miễn phí, tại sao bà không hy vọng một ngày kia văn chương sẽ có giá, người làm văn nghệ sẽ được trả tiền nhuận bút. Khi quê hương vươn lên giàu mạnh, thì nền văn nghệ vươn lên giàu mạnh. Tạm thời, bà hãy dùng khả năng để viết cho những bạn bè của bà mỗi người một bài, Thanh Tâm Tuyền một bài, Mai Thảo một bài, Nguyễn Mạnh Côn một bài..vv để an ủi bạn và tự an ủi mình.

Liên Ba rất vui khỏe và sẽ mạnh giỏi chống Cộng đến chén cháo cuối đời và ly cà phê cuối kiếp ăn uống trong viện dưỡng lão. Còn xơi cơm mỗi ngày ba bữa, chị Ba của Phan còn tà tà chống Cộng mỗi ngày ba búa như Trình Giảo Kim đời Đường..

Là một phụ nữ mạnh, phó thường dân Liên Ba mạnh dễ sợ và dễ nễ. Ăn uống ban đêm, ngủ nhưng không ngáy ban ngày, viết văn làm thơ ban tối, làm vườn quét lá ban chiều, thay quần áo bỏ vào máy giặt ban khuya, đánh phấn bôi kem dưỡng da ban trưa, tắm rửa gội đầu ban tối, một tinh thần Quốc-gia mạnh tiến cất dấu trong một thân thể chống Cộng khêu gợi ngực đầy đít doi lủng lõm, Liên Ba được trời cho cái miệng ăn nhiều, sức khỏe về già vẫn dẻo dai, tâm hồn cởi mở tìm bạn bốn phương. Tuy nhiên vì là con gái Trời cho đẹp, bà chị họ của Phan còn được trời củng ban thêm một biệt tài nữa về phép xã-giao kèm theo một vòng tay ấm để ôm và để cầm, nên Liên Ba mở toang củả lòng ra, hân hoan đón mừng bằng hữu, tỏ tình thân thương với hầu hết những văn nghệ sĩ và những phó thường dân. Xa gần ai ai cũng yêu mến thích thương.

Lui lại thời gian khi lưỡi dao chiến tranh còn cắt đôi đất nước, dân Miền Nam cam chịu số trời, thủ phận làm ăn, một mặt dẹp Cộng, một mặt dụ Cộng. Miền Nam thành lập một bộ mới gọi là bộ Chiêu-hồi kêu gọi cán binh Việt Cộng hồi chánh, kêu gọi đồng bào hồi hướng, bình tĩnh quay mặt về chính nghiã quốc gia, và đứng dậy chống quân xâm lăng miền Bắc..Đêm khuya, tiếng chiêu hồi nhỏ to từ các đài phát thanh Sàigòn, Pháp Á, Tự-do và những đài khác do Mỹ bỏ tiền ra thành lập, vọng qua bên kia dòng sông Bến Hải, kêu gọi, thức tỉnh, tình tứ nói chuyện phải trái với người anh em cán binh: Anh! anh sinh Bắc tử Nam, anh có mẹ già, anh có vợ trẻ và con thơ. Anh hãy tỉnh men rủợu cuồng nhiệt, anh đừng đi lầm đường, đừng hy sinh mạng sống để mua một cái chết không lý tưởng, để chết vì một cái chết vô nghĩa, để mua một cái chiến tranh quá đắt giá, một cái giá phải trả bằng mạng sống. Một viên đạn đổi lấy một mạng người. Một cái chiến tranh đôi khi chỉ ngắn năm phút, nhưng cái giá phải bỏ ra để mua là thời gian dài hai ba chục năm, cộng thêm với mạng sống của anh, và mạng sống của người khác; người ấy có thể độc thân, có thể có người em gái, và thường thường người ấy có vợ, có con.

Trong thời gian một năm rưỡi Nghiêm Xuân Hồng làm bộ trưởng bộ Chiêu-hồi, chỉ có một hồi chánh viên tìm về với chính phủ Miền Nam.

Phan đưa ra một nhân vật chống Cộng khác : Nguyễn Văn Thiệu.

Ông Thiệu sinh ra đời vào giờ Hoàng-đạo ngày 11 tháng 12 năm 1924, số tử-vi là con ngựa với mũi tên bắn xuyên bốn phương trời, cung thiên mệnh là người cầm đầu một quốc gia.

Trước năm 1975, ông Thiệu làm Tổng Thống miền Nam. Ngày 21 tháng Tư năm bảy lăm, ông từ chức. Sau ba mươi tháng Tư, lửa chiến tranh tắt, đời sống nguội ngắt,Thiệu cắt đứt mọi đường dây liên lạc với quần chúng.

Không phải là người thơ, người văn, chính trị gia Nguyễn văn Thiệu là một người như nhiều người, một Tổng thống như những Tổng thống khác. Không để lại một câu văn xuôi, hoặc một câu văn vần nào, Tổng thống Thiệu để lại một lời nói đi vào lịch sử: “ Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm.” Ngoài ra, Tổng-thống Thiệu còn độc đáo trong cách hành văn và xử dụng từ ngữ, ăn đứt nhà văn Mai Thảo, ông Thiệu thường hay nói : Cái gọi là yêu nước, cái gọi là thương dân, cái gọi là chính nghĩa, Việt-Cộng nói có là không...

Theo đa số dân miền Nam thì ông Thiệu không làm được việc lớn, không tự tô vẽ cho mình một bản sắc riêng về chính trị ngoại giao, không có công hoặc có tội gì với tổ quốc. Dân không phục cũng không ghét không thương. Dân miền Nam còn cho rằng ba nhà lãnh đạo: Vua Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu ngang điểm nhau.

Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, theo một vài tài liệu bịa đặt và những lời đồn miệng trong dân chúng, thì ăn và xơi hơi nhiều : Sáu giờ sáng, vua ăn điểm tâm 12 món; mười một giờ trưa, vua xơi 50 món mặn, và 16 món ngọt tráng miệng.

Tổng-thống Ngô Đình Diệm đã làm được cái hay của ông ta : không tăng lương quân nhân công chức suốt nhiệm kỳ tại vị, (Nhưng lại vướng phải cái bà em dâu quá trời !)

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu làm điều hay khác : Trước giờ phút hấp hối của miền Nam, ông không từ chức, mà bị ép buộc phải xuống chức. Trong một vài trường hợp và hoàn cảnh, một ông tổng thống giỏỉ cũng là một tổng thống không từ chức khi đất nước lâm chung, mà phải bó gối ngồi lại để chịu trận, để lèo lái con thuyền trong cơn sóng dữ, cho đến khi miền Nam bị Cộng sản ăn cướp, và để chịu tội với toàn dân toàn quân lúc ấy đang bối rối, đang hoang mang chờ đợi không biết chuyện gì sẽ xẩy ra cho số phận mình, khi lá cờ vàng ba sọc đỏ hết thời rủ xuống, khi bài hát Này công dân ơi quốc gia đến ngày... hết giải phóng !

Sau đảo chánh 1-11-1963, miền Nam điêu đứng chống Cộng suốt hơn mười năm : Tình hình chính trị rối loạn, nền kinh tế thấm mệt, vật giá leo thang, bất công xã hội lan tràn, chiến tranh mỗi ngày mỗi cay cú, quân đội Hoa Kỳ tham chiến mỗi ngày mỗi nhiều, nếp sống địa phương lũng đoạn, luân lý thành thị buông thả, tự ái dân tộc tổn thương.

Một thời gian khá lâu sau khi Ngô-triều sụp đổ, Phật giáo vùng lên gây áp lực với chính quyền, sinh viên Phật tử xuống đường đấu tranh bất bạo động, ngồi kiết già không ngủ không ăn không nhậu, nhiều gia đình bày bàn thờ Phật ra đường phơi nắng bụi. Càng mạnh thế, cán bộ Cộng Sản xâm nhập các cơ sở chính quyền, len lỏi trong các hàng ngũ sinh viên, trà trộn trong các tổ chức quần chúng. Miền Nam đã sống những giờ phút mất ngủ bỏ ăn. Chỉ trong vòng hơn mười năm đã xẩy ra mười ba cuộc lật đổ: Dương Văn Minh cách mạng, Nguyễn Khánh chỉnh lý, Nguyễn Chánh Thi, Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo xuất đầu lộ diện cũng chẳng làm được một cái gì ra hồn..Cứ cách năm ba tuần, vài ba tháng lại có chuyện rục rịch chính biến, chỉnh lý, cách mạng, phản cách mạng, hiến chương Vũng Tàu..chính phủ nào lên cũng ngồi chưa nóng đít, đã bị lật đổ té nhào. Dân mất lòng, báo chí mất tín nhiệm, sinh viên Huế phản đối biểu tình đả đảo ngoài đường phố.

Tháng 2-1965, Uỷ ban lãnh đạo quốc gia được thành lập.

Tháng 4-1965, hiến pháp mới ra đời, khai sinh nền đệ nhị Cộng-Hòa, tình hình mới tạm yên sau những cơn bão loạn thời đại. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ít ra đã ổn định tình thế một phần nào vào thời buổi ấy.

Người Mỹ đã từng trải qua hầu hết những cuộc chiến Âu-Á và những đụng độ tranh cướp đất đai trên thế giới, dưới mắt họ, hai quốc gia Đại-Hàn và Việt Nam cam chịu số phận đất nươc bị cắt chia thành bốn mảnh, họ khen Nam-Hàn và Bắc Việt, họ chê Bắc Hàn và Nam-Việt.

Lãnh tụ Bắc-Hàn Kim-Jong II độc tài tham nhũng, viện cớ thời tiết giá lạnh tàn phá mùa màng dân chúng chịu đói lạnh để kêu xin viện trợ quốc tế, nhưng tiền viện trợ vẫn không tới tay dân.

Với miền nam Việt Nam, người Mỹ chê cả nước, từ ông tổng thống, ông tướng ông tá cho tới anh binh nhì và anh dân quèn. Một số ít vợ lính phe Quốc gia lấy súng của chồng đem ra chợ bán cho vợ Việt cộng, và một số rất ít chồng lính cũng bán vũ khí cho quân thù ! Từ 1954, các làng quê Nam Việt và các vùng phụ cận thành phố ngày còn đêm mất, ban ngày nếu quân đội miền Nam về làng thì dân chúng theo phe quốc gia; ban đêm quân đội trở về thành phố thì dân làng theo Việt Cộng.

Lúc người Mỹ đổ quân sang Nam tham dự cuộc chiến tâm lý, họ sẵn có nhiều kinh nghiệm để cố vấn quân dân Miền Nam hãy lấy nhân-tâm làm khí giới. Họ bảo rằng chính quyền miền Nam không được lòng dân như chính quyền miền Bắc. Bắc sẽ thắng Nam vì dân miền Bắc yêu nước hơn, chắt chiu nuôi dưỡng cuộc chiến, chung tình với chiến tranh đến giây phút tắt thở, và chủ chiến chứ không chủ hòa hoặc chủ bại Tại Miền Nam, Cộng Sản và không Cộng Sản lẫn lộn, báo chí và đài truyền thanh - truyền hình quả quyết rằng : Dân miền Nam sống trong sợ hãi chờ ngày bại trận, hơn 15% dân chúng miền Nam là Cộng, thiên Cộng hoặc thân Cộng. Ngay trong các ngôi chùa thờ Phật, cán binh Cộng sản cũng trà trộn, sinh viên cũng cạo trọc đầu tu giả để trốn quân dịch. Một cố vấn quân sự đưa ý kiến: Mỹ hãy bỏ tiền ra mua thuốc mê cho tất cả dân Miền Nam uống. Uống xong, toàn dân miền Nam mê đi, lúc đó, một đạo quân quốc tếc núp trên mây sẽ lái tàu bay đáp xuống và: cởi trần truồng toàn dân Miền Nam ra, khám xét kỹ để coi ai là Cộng Sản, ai là chống Cộng. Ai là Cộng Sản thì họ mặc áo quần vào cho người ta, khiêng ra dòng sông Bến Hải, liệng qua bên kia bờ. Nhưng một cố vấn khác phản đối: Giải pháp đó không được rồi đa, vì lột trần cởi truồng ra, thì ai ai cũng giống nhau hết, cũng cái trên cái dưới, cũng lông lá như nhau thôi, làm sao phân biệt được Quốc Cộng ?

Nếu ngày xưa, Nam Việt cũng chống Cộng hết mình như Nam Hàn, nếu ngày xưa, dân Nam việt cũng yêu nước như dân Hoa Kỳ.

Mỹ đã đối đầu với liên quân khủng bố quốc tế Afghanistan, Iraq, Pakistan..vv, Mỹ đã bị liên quân tấn công bất ngờ vào trung tâm thương mãi Nữu Ước vào ngày mười một tháng chín năm 2001. Ngày thất trận đó, ngày 11/ tháng 9, tức là tháng 9 ngày 11 đọc theo kiểu Mỹ, tức là ngày nine one one. 911, nước Mỹ lâm nguy, cứu thương cứu hỏa cứu binh sĩ và thường dân Mỹ. Emergency. Tướng Mỹ bốn sao Tommy Franks đã ví ngày nine one one với ngày Tết Mậu Thân Bắc-quân và Việt Cộng nằm vùng tấn công thành phố Huế.

Người Mỹ coi ngày 911 là ngày đổ máu bi thảm nhất trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ, người Hiệp-chủng quốc ý thức bổn phận làm công dân của mình, đứng vùng lên đánh bại liên quân khủng bố, tích cực bảo vệ tổ quốc đẹp tuyệt vời của mình, sinh viên nhập ngũ, thanh niên đầu quân đi lính hy sinh mạng sống bảo vệ Tổ quốc, đặt Tổ quốc vào địa vị đệ nhất cường quốc thế giới.

Và người Nam Việt đã làm gì sau ngày Tết con khỉ Mậu Thân ? Vươn lên vùng lên đứng lên hay ngã rạp xuống ?

Hai quốc gia Việt Nam và Hàn quốc cùng chịu số phận cắt chia làm bốn mảnh, nay còn lại ba. Bây giờ ở hải ngoại, con quốc-quốc Việt-kiều ăn chén cơm chống Cộng, tiêu đồng lương đô-la Mỹ, lòng ngậm ngùi nhớ cái gia-gia bên phương trời quê huơng nghìn trùng cách biệt..


Tuý Hồng
18-11-2012