PDA

View Full Version : Hương Trà, bạn cũ



Longhai
05-25-2013, 09:44 PM
Hương Trà, bạn cũ


Bảo Trâm, Minnesota



Tôi ngồi thẫn thờ trước màn hình, đọc đi đọc lại hai cái emails vừa nhận. Một chuỗi dài kỷ niệm từ hơn 40 năm, 43 năm trôi qua với bao dâu bể, có chuyện nhớ như in, có chuyện muốn nhớ cũng không nhớ nỗi. Chuyện này thì nếu không có cái email, tôi sẽ không bao giờ nhớ đến. Thực kỳ lạ, khi nhớ đến, tôi lại trào dâng những kỷ niệm đáng ra rất khó quên, thế mà đã quên.

Niên khóa 1965-66 tôi từ Sài Gòn về và theo học lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) ở trường Bán Công Huế, thường được lũ học trò nghich ngợm, phá phách gọi là trường “Bán Cơm Hến”. Tôi sống và đi học một cách lặng lẻ, phần do mẹ tôi đang bịnh, ngày càng yếu dần đi, phần do tính tôi nhút nhát, mang đầy mặc cảm. Trong lớp tôi không có bạn bè, cũng không cố ý làm quen với ai, duy nhất một người bạn gái, Hương Trà và tôi xem nhau như bạn cùng phái. Tôi xem Hương Trà như con trai và ngược lại Hương Trà cũng tự cho mình như con trai.

Hương Trà, Đoàn Thị Hương Trà là cái tên được nhắc lại trong email tôi vừa nhận. Thời gian đó, Tôi đang ở Kim Long với ba mẹ tôi, nhà Hương Trà cũng ở Kim Long, tôi và Hương Trà thường đi dạo với nhau khắp những cảnh đẹp của cố đô Huế, đôi lúc bằng xe đạp, đôi khi đi bộ. Thời đó học sinh có cái thú đi bộ, hai đứa đi từ Kim Long, sánh vai nhau vượt qua cầu Phú Xuân rồi cầu Bạch Hổ để xuôi xuống trường Bán Công, hơn nửa tiếng, vừa đi vừa nghịch ngợm, vừa nói đủ thứ chuyện.

Tính Hương Trà khi trầm lặng, khi rất sôi nổi, nhất là những chuyện liên quan tới thời sự. Hương Trà có cái nhìn về thời cuộc khác hẳn tôi, nhận xét tinh tế, ý kiến về các vấn đề liên quan rất sâu sắc. Tôi thường nghe một cách lơ đãng khi câu chuyện huớng về đề tài đó, nên đôi khi Hương Trà bực mình gắt “Tau nói mi có nghe tau không?” Hai đứa thường xưng mi tau như bạn bè cùng phái. Tôi chỉ cười, nhưng Hương Trà cũng không để ý lâu, chuyển sang chuyện khác, đủ thứ trên đời. Có điều đặc biệt, Hương Trà biết rõ tôi là người Hoàng Phái (Tiếng người Huế gọi các con cháu của vương triều nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng đã tàn phai theo năm tháng). Hương Trà biết vậy, nhưng đôi khi đi thăm thú lăng tẩm các vua nhà Nguyễn, Hương Trà cứ như không dằn được sự hằn học, làm như nhà các vị vua ấy đã gây cho tổ tiên Hương Trà điều gì cay đắng…

Tôi cũng không để ý tới nhiều lắm vì tuy là con cháu nhà Nguyễn, tôi có huởng chút gì của dòng tộc để lại đâu. Khi sinh ra đã là năm cuối cùng của triều Nguyễn, dù những dư vang của dòng họ còn đó.

Tôi và Hương Trà tiếp tục tình bạn vi diệu đó một thản nhiên và thoải mái, cả hai chưa bao giờ nói đến tình yêu trai gái, xem nhau như bạn trai, không hể tỏ ra bối rối hay ngại ngùng khi gặp nhau, cũng chẳng cảm thấy nhớ thương ray rức khi không đi chơi được với nhau, đôi khi cả mấy tuần, chỉ gặp nhau trong lớp rồi thôi. Nhưng khi gặp nhau, rủ nhau đi chơi thì vui vẻ mừng rở vô cùng, đôi khi thân mật đến độ hai đứa trên đồi thông lăng Tự Đức, Tôi nằm dài trên thảm lá và Hương Trà nằm gối đầu trên tay tôi, nói chuyện tầm phào, hay lặng im nghe thông reo, mỗi đứa một mộng mơ. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ hai đứa nghĩ tới điều gì khác ngoài tình bạn, cũng không cảm thấy rung động xác thịt quá đáng để bước quá lễ giáo. Với tôi những lúc đó, tôi nhớ lại đôi khi cũng cảm thấy mơ hồ một xung động trong tâm, nhưng là những xung động vi diệu của tình thân hơn là của xác thịt.

Có lần tôi và Hương Trà rình xem một cặp ôm nhau ở khu rừng nhỏ phía sau chùa Thiên Mụ, bỗng cả hai đứa cười khúc khích và bỏ chạy thục mạng, sợ anh chàng kia bắt được thì đần cho một trận, nhưng thực sự tại chúng tôi xem tầm bậy nên bỏ chạy chứ hai đứa có sợ ai. Lúc đó mặt Hương Trà đỏ như gầc chín, nhưng cả hai đứa đều không nghĩ rằng cũng là một cặp như cặp kia, cứ như là hai đứa con trai.

Tình bạn không kéo dài lâu, những biến động của sinh viên học sinh nổi dậy chống chính quyền đã đưa tôi và Hương Trà đi hai ngõ. Hương Trà tích cực tham gia vào đội học sinh quyết tử của trường. Tôi thì bàng quang, như những biến động kinh hồn đó không liên quan gì tới tôi. Nhiều lần Hương Trà gặp tôi kêu gọi tôi tham gia, nhưng tôi chỉ ậm ừ rồi bỏ qua. Hương Trà thì bận rộn với công việc, nên cũng mau chóng quên tôi. Sau những cuộc biễu tình, rồi xuống đường…đến đàn áp, tôi đã không còn nghe được tin tức về Hương Trà, gia đình Hương Trà cũng không cho tôi biết những gì xảy ra với Hương Trà, nhưng tôi mơ hồ Hương Trà vẫn đâu đó trong thành phố, nhưng bắt buộc phải trốn mật vụ ngày đêm đi tìm bắt những kẻ tham gia sinh viên học sinh quyết tử.

Bịnh tình mẹ tôi lúc này có vẻ khá hơn, nhưng gia đình rơi vào túng quẩn, một mình ba tôi không lo nỗi. Tôi liên lạc với bạn bè ở Sài gòn và rồi vào đó làm việc, tự nuôi thân và giúp ba mẹ tôi. Thời thế đẩy đưa, tôi vào lính, lập gia đình, rồi vào tù, rồi đi Mỹ…..Bốn mươi ba năm trôi qua, Tôi đã hầu như không còn nhớ đến Hương Trà. Nay bỗng nhiên nhận thư Hương Trà sau hơn 2 năm, MT, vợ tôi ra đi miên viễn.

Ngoài việc nhắc lại những kỷ niệm cũ, Hương Trà cho biết năm 1966 đã trốn được lên núi và sau này đã trở thành cán bộ cộng sản, nay đã về hưu, chồng Hương Trà cũng là một cán bộ cộng sản có chức vụ kha khá ở miền Trung, đã có 5 con nay đã lớn, nhưng chỉ có đứa lớn lập gia đình, có một cháu ngoại. Chồng Hương Trà đã qua đời hơn 18 năm rồi, khi đứa con gái nhỏ nhất mới 3 tuổi

Hương Trà cho biết là do đọc những bài báo chính trị của tôi mà biết tôi từ năm 2000, Hương Trà dọ hỏi thì biết tôi đang ở Mỹ, đã tính liên lạc ngay năm đó, nhưng sau ngại tôi còn “dị ứng” với cộng sản và cũng không muốn làm vợ tôi nghi ngờ. Sau này dù biết vợ tôi đã qua đời cũng chưa dám liên lạc, nên chờ mãn tang vợ tôi mới gởi thư thăm và mời tôi về thăm Hương Trà và thăm Huế. Kèm thư của Hương Trà còn có thư của con gái Hương Trà đang nghiên cứu luận án tiến sĩ ở Đại học Boston, cũng có ý mời tôi về thăm và sẽ lo tất cả cho tôi trong chuyến đi.

Đọc xong thư, tôi không khỏi ngẫn ngơ với chuổi ký ức đã quên, những kỷ niệm như trào sôi, cháy bỏng thúc tôi về Việt Nam. Tâm hồn tôi dâng niềm cảm xúc khi nghĩ tới những kỷ niệm sướng vui của thời trẻ, đồng thời tôi cảm thấy một nổi chua xót đắng cay và áy náy với tâm trạng phản bội lại anh em, bạn bè và cả con cái khi về thăm một cựu cán bộ cộng sản. Chẳng phải là tình, nhưng ai biết là chi, chẳng phải đã vội yêu khi người vợ thân yêu mới ra đi hơn hai năm, nhưng ai hiểu được uẩn khúc bên trong. Chẳng phải là phản bội lại lý tưởng trong suốt hơn ba thập niên cùng chia xẻ với anh em bạn bè những ý tưởng đấu tranh, nhưng ai hiểu cho không? Về Việt Nam đối với nhiều người gọi là “Việt Kiều” thì quá dễ, nhưng đối với tôi thì “không bao giờ”…“cho tới khi”…,trong đầu tôi luôn mang hai ý nghỉ đó. Nay tôi có nên đáp ứng không, về gặp Hương Trà là một cựu cán bộ cộng sản, anh em bạn bè và con cháu sẽ nghĩ sao?

Khi chấp nhận một cựu cán bộ cộng sản như người bạn, chấp nhận một cựu cán bộ cộng sản thay vì xem như kẻ thù thì là phản bội lý tưởng chứ gì nữa. Nhưng có đúng là tôi phải xem Hương Trà như kẻ thù? Tôi không thể nào suy nghĩ cho thấu đáo, chỉ cảm thấy cõi lòng xói đau như xát muối. Số phận nào đẩy đưa dân tộc Việt Nam đến nông nỗi này, định mệnh nào bắt tôi và Hương Trà và những bạn bè xưa cũ phải đối diện với những thống khổ đến nhức tim thắt ruột như vậy...


***

Từ đó tôi thường liên lạc với Hương Trà qua “email” hay “chat” với nhau qua “messenger.” Thời gian trôi, nhưng tôi không dứt khoát được về chuyện đi Việt Nam. Có gì đó trong tâm tưởng làm tôi ngại ngùng. Một phần, tôi biết do tình thương với vợ tôi quá sâu nặng, Tôi không bao giờ quên dù vợ tôi ra đi đã ba năm, cứ nghĩ tới thân ái với người đàn bà khác là tôi cảm thấy có lổi. Ngay cả sau khi vợ tôi qua đời, tôi không hề nghĩ tới chuyện về Việt Nam, vì nơi đó có quá nhiều kỷ niệm với vợ tôi, về chỉ thêm buồn, vã lại trước nay tôi cũng không hề có ý định về thăm Việt Nam khi không có nguyên cớ cấp bách buộc phải về.

Một phần tài chánh của tôi không dồi dào để thực hiện chuyến đi Việt Nam. Lâu mới về thăm quê hương, sẽ gặp những chi tiêu bất ngờ khi gặp bà con, bạn bè cũ, vì đã về Việt Nam, không chỉ để thăm người bạn cũ, còn phải thăm nhiều nơi, nhiều bà con, bạn bè khác. Tôi sẽ không chịu nổi khi chứng kiến những cảnh khổ đau của người dân trong nước, mà sức tôi thì hoàn toàn bất lực để giúp đở ngay chính thân nhân nghèo khổ của tôi, vậy thì về để làm gì, có ích chi?

Chỉ sau khi nhận được lời mời khẩn khoản của mẹ con Hương Trà, tôi mới có ý định về thăm một chuyến, vì qua bao thay đổi, việc gặp lại người bạn như vậy cũng là một việc làm có ý nghĩa. Với Hương Trà, tôi không e sợ sẽ rắc rối về tình cảm, Tôi chỉ e ngại về bạn bè từng tin ở tôi, cùng chung lý tưởng, sao nay lại về tỏ tình thân với một cựu cán bộ cộng sản. Nhưng tôi nghĩ là bạn bè thân nhau có thể hiểu được tôi, con cái của tôi cũng sẽ hiểu được.

Tôi tiếp tục liên lạc, tâm sự với Hương Trà thường hơn, Hương Trà cho tôi biết ngoài 4 đứa con chính thức, Hương Trà có một cô con gái lớn, cô con gái này Hương Trà sinh ra từ khi mới lên núi một thời gian ngắn. Đây là đoạn đời khổ đau nhất của Hương Trà, trốn một hoàn cảnh này để vấp phải một hoàn cảnh khác, đớn đau không kém. Nhưng Hương Trà lại mang một ý chí rất sắt đá, đã tới bước này, Hương Trà phải thành công theo hướng này. Hương Trà không còn đường để chọn lựa, trở về lại thành phố, chỉ có chết với chính quyền quốc gia, Hương Trà quyết phải vươn lên. Từ đó Hương Trà ỷ vào chức vụ của người cha đứa con, mặc dù không được chính thức thừa nhận, nhưng ai cũng nể phần nào, để được chuyển ra Thanh Hóa, cũng nhờ vậy mà Mậu Thân 1968 Hương Trà đã không có mặt…Từ đó Hương Trà vươn lên, nhất là sau 1975…Chỉ sau mấy tháng Hương Trà đã đạt được những chức vụ quan trọng và trở về Huế, rồi lập gia đình…Từ đó Hương Trà và chồng mới đi dần lên những chức vụ cao cấp hơn…

Nhưng Hương Trà giàu có là do Hương Trà làm ăn liên quan tới địa ốc, ngành nghề phất lên như gió ngay sau 1975, khi cộng sản mới chiếm được miền Nam. Hương Trà đã mua lại, tìm cách hợp thức hóa những căn nhà bán như cho, những căn nhà bỏ không…

Một thời gian, nghe tin Hương Trà yếu đi vì bịnh, rồi con Hương Trà báo cho tôi biết Hương Trà bịnh nặng, có thể không qua khỏi, nên tôi quyết định về thăm.


Về thăm Hương Trà

Tôi mua vé máy bay, đồng thời xin visa, vì tôi muốn tự mình đi Việt Nam, tự lo cho mình và sẽ điện thoại để đến thăm Hương Trà, không phiền lụy tới con của Hương Trà. Tuy nhiên gần tới ngày đi, tôi vẫn không nhận được visa. Vì vậy tôi liên lạc với con của Hương Trà. Con Hương Trà lại mua vé cho tôi về Việt Nam qua phi trường Nội Bài và cho biết sẽ xin visa từ đó. Tôi tới Nội Bài và con trai Hương Trà đón tôi tại phi trường, đưa tôi lên xe hơi đi thẳng về khách sạn mà không một ai hỏi han chi, ngay cả quan thuế. Tôi về Huế bằng chuyến bay sớm nhất ngay hôm sau. Visa đã có sẳn cho tôi, tuy nhiên hạn visa chỉ có một tháng thôi. Tôi hỏi thì con Hương Trà cho biết vì xin cấp bách nên chỉ là visa tạm, sau này xin gia hạn, không khó, tôi cũng không thắc mắc gi.

Đón tôi ở Phú Bài là con gái lớn của Hương Trà, được tự gìới thiệu là Tú Hoa, gọi tôi bằng bác và xưng con, đích thân cô con gái này lái xe hơi đưa tôi về nhà. Trước khi đưa tôi về nhà, cô con gái đưa tôi đi ăn sáng ở một nơi khá vắng vẻ bên bờ sông Hương gần trường Đồng Khánh và Quốc Học cũ. Tại đây cô gái cho tôi biết một số chi tiết về người Mẹ, Hương Trà đã không còn đi đứng được, đã không tự chăm sóc được và cô gái là người lo nuôi mẹ và mỗi tuần hai lần có y tá đến săn sóc cho Hương Trà, cô gái mong tôi hiểu là Hương Trà đã không còn là người đẹp hay còn khá để những ông VK về nhắm tới, cô gái mong tôi vì lòng thương hại mà xử dịu dàng với Hương Trà cũng đừng khinh khi Hương Trà. Cô gái nói chuyện giống như gái nhà quê xứ Huế, với giọng nói dịu dàng và nhỏ nhẹ, nhưng cô ta nói thẳng, nói thực, chẳng kiêng nể lo tôi phật lòng, có lẽ cô ta cũng đắn đo lắm mới bằng lòng cho tôi gặp mẹ. Những điều cô con gái nói về Hương Trà cũng không khác mấy “email” của Hương Trà gởi cho tôi

Tôi cho cô ta biết rằng tôi về thăm mẹ cô ta chẳng phải vì tình, chẳng phải để xin điều gì, cũng không phải để mắng chửi vì thù hận mà là về thăm người bạn cũ. Cô ta cho biết cô ta hiểu vì đã đọc thư qua lại giữa tôi và mẹ Hương rồi, nhưng chỉ muốn gặp mặt đây, nhắc lại, vì không muốn mẹ Hương sẽ đau đớn khi bị người bạn cũ khinh khi….

Tôi ngắm cô gái để xem có chút gì của Hương Trà ngày cũ, cô gái có lẽ cũng chỉ hơn con trai đầu của tôi chừng hai ba tuổi, gọi tôi bằng bác và xưng con, nhưng gọi bà mẹ là Mẹ Hương chứ không nói là “mẹ của con.” Tôi cũng nhận ra có nét phảng phất, nhưng đôi mắt hoàn toàn trái ngược vì Hương Trà có đôi mắt rất tinh anh và kiên nghị khi nhìn nguời khác, cô gái trước mặt tôi có đôi mắt như hai màn u tối, không dám nhìn thẳng phía trước mà chỉ e ấp nhìn xuống với cái đầu hơi cúi khi nói chuyện. Tuy nhiên mái tóc rất giống, nhưng cô gái này có tóc dài hơn nhiều, tới tận gần eo lung chứ không để tóc thề như Hương Trà. Gương mặt cũng thon tròn như Hương Trà nhưng ốm và xanh xao như người bịnh.

Điều không ngờ là khi đến nhà Hương Trà, trước khi vào ngõ, tôi nhận ra đó chính là căn nhà tôi từng sống từ 6 đến 13 tuổi với ông chú của tôi trong thời gian tôi học tiểu học ở St. Maria. Căn nhà cũ không còn, đường kiệt đi vào cũng đổi khác, tuy nhiên khu vườn thì tôi không quên được. Vì vậy tôi hơi bất ngờ, bảo con Hương Trà dừng xe trước khi vào vườn để hỏi thăm qua, được biết Hương Trà mua căn nhà đó năm 1978. Tôi nhớ lại sau khi ra tù, các em của tôi cho biết căn nhà tôi ở lúc nhỏ đã bán đi. Vậy là Hương Trà mua căn nhà này mà không hề biết đó là căn nhà của ông chú tôi, cũng không hề biết tôi từng ở đó lúc nhỏ. Sau khi mua, Hương Trà phá bỏ căn nhà cũ, xây lại nhà mới và năm 2003 đã sửa sang lại khang trang hơn.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần, vì biết chắc là Hương Trà hiện nay là một bà già, sẽ không là cô gái đầy hương sắc xưa, nhưng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự tàn phá của thời gian đối với Hương Trà. Trước mặt tôi là một bà già ốm tong với mái tóc gần bạc trắng lưa thưa, gương mặt xinh tươi tràn đầy sức sống giờ chi còn da bọc xương, hai má lõm sâu, da nhăn nheo xám nhợt như không còn sức sống. Hương Trà ngồi trên xe lăn đầu cúi gầm như không muốn nhìn mặt tôi. Tất cả những tươi vui sôi nổi thời trẻ của Hương Trà đã hoàn toàn biến mất, những dự đoán của tôi về một sắc thái hợm hỉnh của người cộng sản cũng không có chút gì… Tôi xót xa cho Hương Trà quá đổi, nhưng cố dằn để không biểu hiện ra ngoài mặt. So với tôi, Hương Trà đã thay đổi quá nhiều, không còn thể nào nhận ra Hương Trà ngày cũ, như chừng hơn tôi tới hơn 10 tuổi.

Tôi nhẹ nhàng cúi xuống bên xe lăn và gọi nhỏ “Hương Trà, mi còn nhớ tau không?” Bỗng Hương Trà òa khóc như con nít. Tôi không biết làm gì cho phải, liếc nhìn cô con gái, cô gái chạy tới ôm lấy đầu người mẹ vỗ về như dỗ đứa con. Tôi đứng nhìn mà lòng xót xa vô hạn. Ở phút đó, tôi chỉ trào dâng một tình thương người bạn gái cũ, những gì ngăn cách trong đầu óc của tôi đã hoàn toàn bay biến.

Tôi vuốt nhẹ bàn tay gầy guộc của Hương Trà nhưng cũng không biết nói gì, cuối cùng cô gái nói với mẹ “Mạ, bác Bảo Trâm đó mạ, mạ nhớ đúng không?” Lúc đó Hương Trà mới thực sự ngước nhìn lên và có ý hơi cười, “đúng rồi, Mạ đã thấy từ ngoài cửa, đúng rồi…anh….mi ngồi xuống đi.” Hương Trà vừa nói với con gái, vừa nói với Tôi

Cô gái đem cái ghể tới để tôi ngồi bên Hương Trà, tôi ngập ngửng nói

- Về gặp được mi, tau mừng lắm, về lại Huế tau cũng muốn khóc như mi, vì người Huế đi xa làm răng quên được Huế, nhưng chỉ dịp này tau mới về được, có lẽ tau cũng không ở được lâu.

- Cảm ơn mi đã về thăm tau, tau biết mi hận thù tau lắm….Hương Trà nói nhỏ

Tôi cười:

- Tau không hận thù mi mô, tau không còn hận thù ai từ lúc tau ở trong tù lận, vì tau biết vận nước chúng ta là như vậy, nhưng tau chống mi là vì mi là cộng sản thôi…Nhưng đừng nói chuyện ấy nữa, tau về thăm mi là được rồi.

Cô gái chen vào

- Mạ, mạ hứa với chúng con là không nói chuyện nớ mà.

Hương Trà im lặng rồi hỏi cô con gái đã đưa tôi đi ăn sáng chưa.

Tôi kể sơ về chuyến đi và đã gặp con của Hương Trà ngoài Bắc, kể sơ về con cái của tôi, Hương Trà ngồi nghe và chú ý hỏi lại xem con cái của tôi sống ra sao, cháu chắt ra sao, mặc dù những chuyện đó, tôi và Hương Trà đã từng nói với nhau trên “chat”. Hương Trà cũng kể về mấy bạn học xưa, nay chỉ còn một người cũng đã về hưu, cựu cán bộ công an.

Cuộc gặp gở ban dầu có vẽ hơi tẻ nhạt hơn là tôi tưởng, sau đó tôi đi tắm và soạn đồ dùng treo trong phòng riêng dành cho tôi.

Tới trưa, nhà Hương Trà không nấu cơm mà là có người đem tới như nấu cơm tháng, lần đó có tôi, nên mang rất nhiều thức ăn đặc biệt của Huế, như bánh bèo, bánh ướt, bánh ram, đủ thứ ăn chơi của Huế. Tôi biết dành riêng cho tôi là vì chỉ tôi ăn, Hương Trà và cô gái chỉ ăn chiếu lệ. Ăn xong, dù thừa cô gái cũng để chung vào cái giỏ xách và đến chiều người ta đem thứ khác tới, xách thức ăn dư đi. Tôi cảm thấy một sự phung phí ghê gớm, nhưng không nói gì, nhưng sau này mới biết, chính cô ta cố làm như vậy để giúp đở người nấu cơm tháng có thức ăn dư…

Căn nhà ở nhà quê, nhưng tiện nghi không khác gì căn nhà tôi ở Mỹ, những gì ở Mỹ có để trang trí và xử dụng, đều có trong căn nhà này. Hình như cô gái chuẩn bị dầy đủ cho tôi không thiếu một thứ gì. Lúc nghĩ trưa, Tôi nhận ra một điều khác thường, Hương Trà đã bịnh như vậy, ai là người viết thư cho tôi, “chat” với tôi thời gian qua, chỉ mấy ngày trước đây thôi Hương Trà gởi thư và viết đối đáp như không có chuyện gì xảy ra, chỉ nói là bị bịnh thôi. Vì vậy tôi đoán ra không khó, thời gian qua chính cô gái này đã tiếp xúc với tôi thay bà mẹ

Không thể nói hết sự bồi hồi khi tôi đến đúng ngay khu vườn cũ, nơi tôi từng ở cách đây gần 60 năm. Sáu mươi năm là một đời người, tôi đã trải qua suốt một đời để có thể về thăm nơi chốn cũ, nơi thân thương nhất của thời thơ ấu. Hiện nay dù tất cả đã thay đổi, nhà cửa, cây cối đường đi. Chỉ duy nhất cây khế góc vuờn phía trước là còn đó, nơi tôi thường trèo lên mỗi trưa hè nóng nực hay những tối dọa người qua đường….Tôi hỏi thì Hương Trà nói khi mua nhà, cây khế vẫn đó tới bây giờ, trong khi ba cây Thầu Đâu (Sầu Đông, Hoa Soan) đầu ngỏ đã không còn….Một cây khế khác, phía sau vườn, nhưng thuộc vườn nhà phía sau, tàn lá của nó ngã hẳn qua vườn nhà ông chú tôi, nơi tôi thích hái trộm và luôn cảm thấy ngon hơn cây khế trước nhà, cũng vẫn còn đó.

Hai tuần đầu tiên, dù Hương Trà đã yếu nhiều, theo cô con gái, bác sĩ cho biết cũng không còn bao lâu…Nhưng với sự chăm sóc chu đáo của cô con gái, tôi và cô con gái đưa Hương Trà đi thăm lại những nơi cả hai từng đi chơi với nhau trước đây hơn 40 năm. Không còn gì để nhận ra hình ảnh quê hương thân thương cũ, thay đổi quá nhiều. Không biết là do tình cảm hay do ký ức tuổi trẻ nhiều mông mơ hơn hay không, nhưng tôi nhận ra sự thay đổi quá kệch cởm, quá tang thương so với cảnh trí ngày trước.

Hương Trà khóc nhiều khi đến những nơi đó. Hương Trà khóc như trẻ thơ, trông rất tôi nghiệp, nhất là cả ba chúng tôi đứng trên bực cấp chùa Thiên Mụ nhìn xuống khúc eo sông Hương lững lờ trôi bên dưới, chính tôi cũng bật khóc. Chính nơi đây chứa biết bao kỷ niệm tuổi thơ của tôi, cũng là kỷ niệm khó quên với Hương Trả vào những chiều đi dạo từ Kim Long. Bốn mươi năm, biết bao thay đổi của một đời người, tôi và Hương Trà đến thăm hôm đó cũng với tâm tình hoàn toàn khác hẳn, nhưng chùa Thiên Mụ cổ kính, Sông Hương lặng lờ, mùi hoa sứ của hơn 40 năm trước vẫn phảng phất đâu đây.. Bên kia có phải Thọ Xương… tiếng mỏ thức canh văng vẳng? Và lăng Tự Đức, nơi tôi và Hương Trà từng nằm bên nhau nghe thông reo…rồi Long Thọ, Thành Lồi, Hổ Quyền…Bên dưới là làng Nguyệt Biều, nơi con gái đẹp nổi tiếng… Từ chúa Thiên Mụ đi lên trên nữa là Văn Thánh, Võ Thánh….nơi có nhà thờ gia đình tổ tiên của tôi. Quá nữa đến Long Hồ…Điện Hòn Chén… Lăng Gia Long….

Đến nơi nào Hương Trà cũng khóc, tôi và cô con gái cũng ngậm ngùi. Có lẽ nếu một mình tôi đến đó, lúc đó, tâm hồn tôi dững dưng hơn. Nhưng với người bạn cũ đang mong manh bên bờ tử sinh, cảnh vật bỗng như sống động, lung linh như tỏ bày chứng cứ của thịnh hưng và suy tàn, của vô thường…

Tôi cố hết lòng chìu chuộng, dịu êm, đở nâng Hương Trà với cả lòng thương yêu chân thật, đôi khi Hương Trà cần vuốt ve thân ái, tôi cũng an ủi vuốt tóc, vuốt lưng, ôm vào lòng như đứa em nhỏ dại. Tôi nghĩ rằng không còn bao lâu nữa, Hương Trà sẽ ra đi. Mà cơ hội gặp nhau cũng chỉ là lần cuối cùng… Tôi làm tất cả những gì có thể để Hương Trà vui và thanh thản. Tôi đối xử như với em gái, như một người tình nhỏ thân thương, với lòng bao dung và mến thương thực sự. Tôi vỗ về, hát nhỏ những bài ru em, hay ngâm những bài thơ hay cho Hương Trà ngủ…Dỗ dành khi Hương Trà biếng ăn, hay đau đớn…

Tôi rất nhẫn nại khi Hương Trà bực mình chuyện bâng quơ, nói năng gắt gỏng với cô con gái. Tôi tìm đủ cách cho Hương Trà quên đi cơn bịnh đang mang và thời gian còn lại quá ngắn với Hương Trà. Chính Hương Trà cũng biết thế…May là tôi đã về kịp, không thì ân hận suốt đời.

Bịnh thực sự của Hương Trà là ung thư xương. Trông người vẫn còn tỉnh táo, nhưng bác sĩ biết chắc là không bao lâu nữa.

Tôi và Hương Trà kể nhau nghe đoạn đời đã qua, về người bạn đời của nhau…về mọi sự. Hương Trà cũng rất khốn khổ từ khi lên núi tới sau 1975, tới khi lấy chồng…Hương Trà cũng tỏ vẻ hối hận khi đã làm người cộng sản, nhưng tôi không trách móc điều gì, Tôi chỉ nói những gì đã qua, thì là quá khứ, số phận dân tộc như vậy, chúng ta chỉ là một con ốc trong guồng máy của số mệnh thôi…

Một lần, cô gái đi chợ mua những thứ cần thiết. Tôi ở nhà săn sóc Hương Trà, nhân dịp này, Hương Trà kể tỉ mỉ lại thời gian từ sau khi Hương Trà lên núi đến khi Hương Trà về hưu, có lẽ đây là điều Hương Trà muốn tâm sự, nhưng chẳng biết nói với ai. Có lẽ Hương Trà có sắp xếp, nên cô gái đi rất lâu. Những điều tôi nghe được từ Hương Trà là những điều bí mật nhất mà chưa ai biết về những người nhảy núi theo việt cộng năm 1966, về TĐH, về HPNT, HPNP, TCS….NĐX,…về nhiều người nữa, những người tôi biết từ năm 1966, lúc học ở Huế. Có lẽ Hương Trà muốn tâm sự để biện hộ, cũng có thể để tôi biết sự thực về những người đó.

Tôi và cô con gái là hai người luôn bên cạnh Hương Trà suốt thời gian tôi ở Huế. Chỉ có hai lần hiếm hoi, tôi đi thăm vài ngườì bà con, ai cũng ngạc nhiên sao tôi về âm thầm quá, nhưng tôi không giải thích chi tiết,. Tôi nghĩ rằng sau chừng hai tháng thăm Hương Trà, tôi sẽ tới thăm bà con thường hơn.

Nhiều lần Hương Trà cũng đề cập xa xôi tới việc Hương Trà sẽ đi xa, mong tôi sẽ săn sóc cô con gái, cô Tú Hoa thay Hương Trà, vì chồng cô cũng đã qua đời, có một đứa con trai đang ở với bà nội tại Đà Nẳng. Lẽ dĩ nhiên là tôi nhận lời Hương Trà và hứa sẽ săn sóc cô con gái, đơn giản vì tôi đã xem cô con gái của Hương Trà như con. Tú Hoa có vẻ vui tươi từ khi tôi về thăm, hình như Tú Hoa giảm được chút mệt mỏi và lo âu, nên tươi tắn hơn.

Sau gần ba tuần găp nhau, Hương Trà phải vào bịnh viện và lịm đi nhanh chóng. Hương Trà đã qua đời bình yên…trong tay tôi và cô con gái…Trước đó mấy ngày, 2 con trai và bạn gái, hai cô con gái út chưa có chồng, về thăm mẹ đầy đủ. Nhân dịp này, Tôi mới gặp cô con gái từng du học ở Mỹ, người đầu tiên liên lạc với tôi, hình như cô ấy đã bảo vệ thành công cấp bằng Tiến sĩ ở Boston.

Trong vòng ba năm, tôi từ biệt hai người đàn bà đặc biệt trong đời…Biết diễn tả hết tâm tư của tôi cách nào….Bàng hoàng…đau đớn…trống không…Tôi cảm thấy hụt hẫng, mất mát lớn lao, tại sao đời tôi phải chứng kiến nhiều mất mát ngay trước mắt tôi như vậy. Mẹ tôi, rồi ba tôi, người vợ thân yêu và giờ đây, người bạn. Tôi và Hương Trà dù có một quãng đời chia xa quá khắt nghiệt, nhưng cuối cùng vẫn là người thân như ruột thịt. Nhớ lại dù chỉ hơn hai tuần gặp lại nhau nhưng tình thương của tôi đối với Hương Trà như đưọc kéo dài từ thời hai đứa học ở Bán Công tới giờ, tôi không còn nhận ra thời gian dài đứt đoạn, hai chúng tôi đã ở hai đầu chiến tuyến.

Sự thống khổ như buộc chặt lấy tôi khi tôi tránh không đưa Hương Trà ra nghĩa địa, tôi ngồi trong căn nhà giờ đây trống vắng như trong chính nhà mình, nhưng không còn ai, một mình cô đơn để nhớ, để thương. Căn nhà này mặc dù không là căn nhà cũ, nhưng chính là nơi tôi được yêu thương bảo bọc bởi ông bà chú của tôi bởi các cô của tôi, tất cả đã ra người thiên cổ, và tôi đã trở về để không gặp họ mà để tiển đưa người bạn gái, một người cộng sản, kẻ đã giam giữ tôi bao nhiêu năm trong một thứ ngục tù khổ sai trá hình. Tất cả nay đều là hư ảo, như một giấc mộng dài. Những gì đã qua hình như không còn chút dấu vết trong tôi, và tôi ngồi đó với lòng thương tiếc thực sự cô bạn thời niên thiếu, nay đã ra đi, ngay trong tay tôi.

Nhưng quả là số phận đã bắt tôi chịu đựng những sư mất mát này, ngay trước mắt mình. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi đã sống với vợ tôi bao năm hạnh phúc, vợ tôi ra đi thanh thản. Giờ đây ít nhất, tôi cũng giúp Hương Trà thoải mái ra đi, có cơ hội trút bỏ tâm tư sâu kín của Hương Trà, mà có lẽ Hương Trà không từng nói với ai, ngay cả với con cái…. Mong Hương Trà sẽ bình yên bước vào một cảnh giới khác, một nơi khác, sẽ không được gọi là trần gian. Trần gian chỉ có trần ai, khổ não, muộn phiền…

Sau khi Hương Trà ra đi, chỉ còn tôi và cô con gái trong nhà, căn nhà bỗng trống không lạnh lẽo, Tôi cũng thấy như lạnh theo căn nhà vốn ở trong khu vườn rất thân thương đối với tôi. Tôi đã muốn dọn đi, nhưng chờ gia hạn visa cho chắc ăn. Sau khi mọi chuyện yên ổn, cô con gái đưa cho tôi một bức thư, nói là chúc thư của Hương Trà gởi lại tôi.

Thư viết đã lâu, có lẻ trước khi tôi về thăm, trong thư Hương Trà cho biết Hương Trà để lại cho tôi một số tiền, và lần nữa nhờ tôi chú ý chăm sóc cô con gái. Ban đầu tôi không nhận số tiền đó, nhưng cô gái bảo rằng việc tặng số tiền đó là ước ao của mẹ Hương, đã bàn với các con rồi, mẹ Hương Trà bán một căn nhà nhỏ và để toàn bộ số tiền này tặng tôi, nói là đền bù 13 năm tôi trong tù…

Tôi bảo cô con gái giữ lại và sẽ chia cho các hội từ thiện, nhưng cô con gái đề nghị tôi và cô ta cùng đem đến ngay lúc đó, để tránh nghi ngờ về sau. Chỉ trong mấy ngày, tôi và cô con gái đã đến các hội từ thiện, các nhà thờ và chùa mà tôi từng gởi tiền giúp đở trước đây, hoặc những nơi cô con gái đề nghị. Khi đưa tiền, tôi dặn cô con gái nói là Mẹ cô trước khi qua đời có trối lại là đem tiền đó đến giúp. Phần còn lại, tôi cũng gởi lại cho cô con gái của Hương Trà, để chia sau.

Cô gái quả là rất lương thiện, vì nếu co ta không đưa ra chúc thư, tôi cũng không hề biết tôi có số tiền khá lớn đó.

Điều làm tôi bở ngở và bàng hoàng sau đó là cô con gái tâm sự nhiều…Tú Hoa đã góa chồng, chỉ có một đứa con hơn 10 tuổi. Nhà này nguyên là nhà của tôi, tôi về ở lúc nào cũng được…Tú Hoa nói qua ba tuần chứng kiến tôi đối xử với mẹ cô. Cô nhận ra tôi là người đàn ông nhân ái, có lòng thương yêu tha nhân bao la, mà đời cô chưa từng gặp….Nhất là việc tôi không đem tiền về Mỹ. Cô gái ước ao tôi xử với cô ta như với mẹ Hương, vì thực sự cô đã yêu tôi từ lâu, từ khi thay mẹ Hương tiếp xúc với tôi, cô xin lổi đã dấu tôi tới tận bây giờ. Tú Hoa cho biết mẹ Hương cũng đã bàn với cô, nếu thời gian tôi về Việt Nam mà cô nhận xét và yêu được thì mẹ Hương sẽ có cách giúp. Tôi nhớ lại có lẽ đó là điều Hương Trà nhờ tôi săn sóc cô con gái này và tôi đã hứa.

Tâm sự cũng khá dài…Ban đầu, thú thực tôi nghĩ rằng chắc cô ta muốn đi Mỹ, nên sắp xếp với mẹ chuyện này, nên cũng hơi tự ái, nhưng qua câu chuyện, cô gái chỉ muốn tôi ở Việt Nam với cô ta. Tú Hoa cho biết cả hai sẽ không làm việc nhiều, vì tiền của cô ta thừa kế quá dư đã, dù vậy cô ta cũng tiếp công việc nhẹ nhàng xưa nay là mua bán nhà…

Không suy nghĩ lâu, tôi giải thích cho cô ta biết hoàn cảnh của tôi, cũng như của Tú Hoa, vừa chênh lệch tuổi tác, và sức khỏe héo mòn của tôi. Tôi nói sơ ý của tôi là tôi không thể ở Việt Nam lâu dài, tôi chỉ xem cô ta như người em bé bỏng thôi và khuyên cô ta nên tìm một người đàn ông xứng đáng hơn, nên tìm người hợp ý mà lập lại cuộc sống. Nhưng Tú Hoa bảo khó có ai, vì người nào cũng chỉ nhìn vào cái gia tài Tú Hoa có mà thôi, nay không còn mẹ nữa thì hoàn toàn thuộc về Hoa. Gia tài đã được bà mẹ chia trước và hiện nay các em của Hoa đều giàu có, chẳng ai tranh chấp gì. Ngay người con gái nhỏ nhất, đang học đại học cũng có sẳn tài sản to lớn rồi. Tôi không hề thắc mắc về tài sản của Hương Trà và các con. Tôi không hề hỏi han tới, cũng như không hề chú ý chi về sự giàu sang đó.

Cô ta tâm sự, từng có nhiều người đàn ông theo đuổi cô ta, nhưng không ai thực lòng. Vã lại dù cô ta không kén chọn, nhưng chưa gặp người nào có lòng dạ như tôi, Hoa yêu tôi từ lâu, qua tiếp xúc email và chat, mặc dù không biết mặt nhau. Thời gian đó tôi và Hương Trà đồng ý là chỉ thấy mặt nhau khi tôi về thăm, nên cả hai đều không gởi hình cho nhau, vì biết có thấy hình thì chỉ thấy…hai con khỉ già, vậy thôi…

Tôi nghỉ rằng nếu Hoa muốn bước đi bước nữa, thì không khó, có điều có người thông cảm và yêu thương thực tình hay không thì khó mà đoán được. Vì dù chỉ về Việt Nam một lần trước khi nhà tôi qua đời, tôi cũng biết được lòng người thay đổi theo thời gian cộng sản cầm quyền, cái xấu lấn át điều thiện quá nhiều.

Nhưng tôi biết cô gái là con cán bộ cộng sản và giàu có thì cô ta cũng chỉ giao du với cái đám cộng sản tương tự, vừa vô học vừa tàn ác, tham lam, làm sao cô ta gặp được người tử tế, vì vậy tôi khuyên cô ta nên làm việc từ thiện, đi gặp gở những nơi người bình thường sinh hoạt, như các câu lạc bộ về thơ văn hay kỷ thuật… các nhà văn hóa, cô sẽ gặp được những người tốt. Hoa cho biết làm từ thiện thì hai mẹ con cô từng làm, nhưng gặp người tốt thì không, vì chính những người làm từ thiện này đã lừa mẹ con của cô một số tiền lớn… Cô chẳng tin ai được, mà bản thân cô tự làm thì không biết cách. Cô cũng cho biết sức học của cô mới có lớp 9 thôi và đi mua bán nhà cửa đều đi theo mẹ, Cô không làm gì từ lúc mẹ bịnh và nay mẹ qua đời, cô bỗng hụt hẫng, chẳng biết làm gì cho đúng.

Cô gái không yêu cầu tôi quyết định ngay, chỉ xin tôi suy nghĩ kỹ. Lẽ dỉ nhiên tôi cũng nói rõ ngay ý của tôi là từ nay tôi sẽ xem cô ta như em gái út của tôi vậy, Tôi cũng nói là sẽ giữ lời hứa săn sóc cô, và nếu có gì cần hãy báo cho tôi biết ngay. Cô gái chỉ cười buồn và mong tôi cứ suy nghĩ rồi sẽ bàn thêm sau.

Tôi thương xót cô gái quá đổi, nhưng tôi biết chắc chắn là không thể yêu cô gái này rồi, vì dù sao Tú Hoa cũng như con của tôi.

Nhưng tôi lại không có cơ hội ở lâu tại Việt Nam

Sau đám tang Hương Trà ba ngày, công an địa phương mời tôi đến gặp họ, và hỏi tôi có thể cho họ xem qua nội dung trong laptop của tôi đem về không. Tôi đồng ý và biết rằng công an biết hết mọi sự về Hương Trà cũng như chuyến về thăm của tôi. Họ có biết tôi là sĩ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hòa hay không thì tôi không biết. Quả là địch biết ta, ta chẳng biết chi về địch, chúng ta về Việt Nam thì đều như vậy, vì chúng ta hiện nay làm gì có khả năng để biết được công an việt cộng đang có ý định gì về từng chúng ta. Nhưng cộng sản thì muốn biết ta, họ có thể biết từng chi tiết, vậy chẳng phải về Việt Nam là về nộp mạng sao?

Tôi đến đồn công an cùng với cô con gái của Hương Trà, vì Tú Hoa lấy cớ tôi mới về bở ngở, cần Tú Hoa giúp đở. Bọn công an cũng nể vì Tú Hoa, nên bằng lòng. Tú Hoa cùng tôi đến rrụ sở công an, tôi đưa laptop cho họ và ngồi chờ. Công an xử với tôi khá lịch sự, mời ngồi ở phòng riêng có bàn ghế nệm, đầy đủ thức uống, cà phê, thuốc lá, dù lúc đó đã gần 10 giờ sáng, họ đem bún bò vào đãi tôi và cô gái, còn bảo tôi muốn ăn gì thêm cũng có, bất cứ lúc nào. Tôi ăn Bún Bò nấu ngay ở Huế, nhưng giống bún riêu của người Nam, không bằng bún bò Huế ở Mỹ, không bằng cả người nấu cơm tháng cho Hương Trà.

Trước khi về Việt Nam, Tôi đã delete toàn bộ những gì từng save trong máy. Nhưng với kỷ năng về tình báo kỷ thuật, họ lấy ra được hết. Hóa ra những gì tôi “save” rồi “deleted,” trong máy vẫn có một ngăn gọi là bí mật gì đó lưu giữ lại tất cả. Bản thân chủ nhân chiếc máy, tác giả các bài viết không thể mở ra được, nhưng công an cộng sản mở được. (Tôi nghĩ rằng FBI cũng mở được.) Những bài viết trước đây tôi viết về chính trị có đăng báo (dù đã delete) được công an cho biết đã lấy ra và đọc qua. Nhưng tôi cũng biết là họ từng biết những bài đó do tôi viết từ lâu, biết đâu nay muốn lòe chơi chứ chưa hẳn họ lấy ra được, vì thực ra sau này tôi có viết thêm hai bài, nhưng không nghe họ đề cập tới. Công an chỉ cho tôi biết vậy thôi, không hỏi gì thêm, cũng không trách móc hay kết tội gì.

Tôi cũng đoán chừng gia đình Hương Trà rất có thế lực trước đây và ngay cả bây giờ, vì quan sát những người đến thăm Hương Trà khi đang quàn tại nhà, tôi nhận ra có những nhân vật có vẻ cao cấp, và công an cũng nể vì những đứa con của Hương Trà.

Tôi đoán mục đích của công an là dò xem tôi về gặp Hương Trà có moi móc tin tức chi không, có lấy hồ sơ gì do Hương Trà trao lại không, vì cha của cô con gái mà Hương Trà gặp “tai nạn” khi Hương Trà mới lên núi trước đây có chức vụ lớn ở trung ương, nhưng tới chết vẫu chưa hề nhận Hương Trà và con gái. Bản thân Hương Trà và chồng sau cũng là kho tin tức cho một sĩ quan tình báo như tôi khai thác….

Nhân lúc đó, tôi cũng xin gia hạn visa, nhưng công an cho biết là họ không thể làm được, vì đây là visa đặc cấp cho người đặc biệt như tôi. Tôi chẳng hiểu tí gì về câu nói của công an, nhưng tôi chẳng hỏi gì thêm. Bọn công an nói là tôi cứ về Mỹ và trở lại Việt Nam như bình thường sẽ không trở ngại về visa. Sau đó cô gái cũng liên lạc với đứa em, nhưng người em cũng nói y như vậy.

Tú Hoa đưa tôi tới tận Nội Bài, Tú Hoa rất buồn…vì mẹ vừa qua đời, nay lại ở trong căn nhà rộng thênh thang, xa cách nhà hàng xóm…cô đơn, lặng lẽ. Tôi cũng cảm thấy mủi lòng cho số phận của Tú Hoa, nhưng không có cách nào khác. Giờ đây, tôi vẫn liên lạc thường xuyên với cô con gái Hương Trà qua “email” và “Yahoo messenger,” Tôi giao Tú Hoa toàn bộ số tiền còn lại, tùy cô ta xử dụng trong mục đích từ thiện…

Rút cục, chuyến đi Việt Nam của tôi gần như bí mật, các em tôi ở Sài Gòn tới giờ cũng tưởng tôi không có visa nên không về Việt Nam được. Tôi cũng không dài dòng, sợ bà con anh em của tôi tìm hiểu, thêm đau lòng người đã khuất. Hương Trà đã là người đàn bà hoàn toàn khác, ở Huế, ngoài các con của Hương Trà, chỉ duy nhất, có lẽ duy nhất tôi (không kể công an việt cộng) biết Hương Trà thực sự là ai trước 1975.

Chỉ mấy tháng sau, tôi lại được tin cô gái bịnh năng, cũng chính cô em gái trước đây báo cho tôi biết. Tôi gọi điện thoại về và nói với Tú Hoa tôi sẽ về thăm và sẽ chăm sóc Hoa như với người mẹ, nếu cần. Nhưng hình như qua mấy tháng suy nghĩ, cô ta chững chạc trong ứng xử hơn, cô thực tế hơn, hỏi tôi hai câu, mặc dù trước khi hỏi cũng nói rằng, dù Tú Hoa nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, nhưng đời sống không biết sao mà nói, chưa biết ai sống lâu hơn ai, sao không cho nhau chút hương vị cuối đời.

Sau đó Hoa muốn tôi xác định tôi về với tư cách gì, Hoa không muốn tôi chỉ vì thương hại mà về rồi bỏ đi chỉ vì bị dư luận chê bai. Hoa nói là bà con của tôi ở Huế chắc chắn biết Hoa, vậy tôi đã chuẩn bị để trả lời những thắc mắc của bà con anh em của tôi chưa? Khi tôi về với mẹ Hương, nếu ai biết, tôi có thể nói sự thực để giải thích, nhưng với Hoa, tôi giải thích ra sao? Nếu bà con của tôi dèm pha tôi về Việt Nam chỉ vì một cô gái, con của Việt cộng, (Hoa dùng đúng chữ này) thì tôi trả lời ra sao.

Thứ hai là tôi có chịu nhục với công an hay không, vì bất cứ ai sống ở Việt Nam, cũng có lúc phải hối lộ cho công an vì chuyện này, chuyện khác. Tú Hoa là người buôn bán nhà cửa, vì vậy việc hối lộ là thường tình, vậy tôi có “dị ứng” với việc đó không?

Trước cả hai câu hỏi, tôi đã không trả lời ngay được. Tôi không trả lời ngay được là vì tôi không hề có ý định về ở với Hoa như vợ chồng, nên không tính trước chuyện đó. Đơn giản khi nghe Hoa đau nặng, Tôi chỉ muốn về thăm, như thăm Hương Trà, vậy thôi. Quả là dù tôi đã hơn 65, nhưng không sâu sắc như Hoa, dù mong tôi về thăm, nhưng vẫn sáng suốt với thực tế.

Tôi biết hiện giờ tôi chỉ thương hại Tú Hoa thôi, thương vì Tú Hoa quá cô đơn, thương vì tình cảm sâu nặng của Tú Hoa, đôi khi nghĩ tới bà mẹ Hương Trà mà thương Hoa tới xoắn lòng… Tôi nghĩ rằng nếu thực sự vì bịnh hoạn mà Tú Hoa ra đi, không có tôi bên cạnh, tôi cũng sẽ đau buồn lắm.

Có lần tôi có ý định sẽ bảo lãnh Tú Hoa qua Mỹ. Nhưng Tú Hoa nói là không bao giờ ra đi, sống chết cô cũng ở Việt Nam thôi. Tôi hiểu, đó là tính cách của người Huế, nhưng cũng do Hoa đang làm ra tiền, Hoa nói qua Mỹ dù đem được tiền qua, cũng thời gian là hết. Hoa không quen cách làm việc bên Mỹ, sợ không kham nổi. Hoa chỉ học xong lớp 9, sau đó theo mẹ đi mua bán nhà….

Tôi biết làm gì hơn, về Việt Nam sống với Hoa như vợ chồng chăng? Đó là điều không bao giờ, dù thực sự tôi yêu cô gái ấy đi nữa. Tôi đã thoát khỏi nơi tăm tối để hưởng tự do của xứ sở dân chủ, nay lại trở về nơi mình đã bỏ đi, đã từng bị xem như rác thải. Ngu chi để tự mình trở lại làm loài rác thải như vậy. Chắc chắn là tôi không bao giờ về Việt Nam sinh sống rồi.

Đôi khi quá thương xót cô gái, Tôi đã tính chuyện đem cô ta qua với tư cách người vợ thực thụ, nếu là vợ chồng thực thụ thì cô ta cũng nghe lời tôi để đi Mỹ thôi, nhưng tôi cũng đủ tỉnh táo để biết rằng, làm vậy là thất bại.

Tôi tự biết tôi đã quá lớn tuổi, sức khỏe hao mòn hơn người bình thường, vì ở tù cải tạo quá lâu, mắt mờ, tai điếc, Tôi mang đủ thứ ngớ ngẫn của một người già lão, bịnh hoạn. Một cô gái hơn 40 sẽ chịu đựng để làm vợ tôi được bao lâu? Hiện nay vì Tú Hoa đang thấy ở tôi như một thần tượng vì chỉ thời gian ngắn biết tôi, mà thời gian đó tôi xử với tất cả tâm tình của người bạn thân với mẹ cô ta. Nhưng khi sống chung như vợ chồng thì khác hẳn, cô ta sẽ chứng kiến thực tế và cô ta sẽ “ngộ” ra cô ta đã sai lầm… Từ đó, sự đổ vở về tình cảm sẽ đau lòng gấp bội…

Cuộc đời vốn dỉ có sắp xếp của nó, tôi cứ để định mệnh đẩy đưa và vì vậy tới giờ, tôi và Hoa vẫn là hai anh em hay như hai người bạn thân. Thời gian sau, nghe tin Hoa đã sắp xếp cuộc sống ổn thỏa, giao phần lớn tài sản cho các em, dù các em đã giàu hơn Hoa, nhưng cô ta nói không cần nhiều, giúp cho chúng lo cho gia đình.

Tới năm 2012 đã là một thời gian đủ dài để Tú Hoa suy nghĩ thấu đáo và báo tin là đã có người yêu và sẽ tổ chức đám cưới giữa năm. Nghe Hoa kể về người đàn ông Hoa sắp lấy làm chồng, tôi cũng đoán biết anh ta là ngưòi tốt, tôi không hỏi thêm nhiều, chỉ chúc cô gái tìm được hạnh phúc, thành thật mong như vậy, tôi cũng không ngỏ ý sẽ về dự đám cưới. Tú Hoa cũng tỏ ra chững chạc hơn nhiều, nên tôi tin tưởng cô ta sẽ được hạnh phúc.



Bảo Trâm Minnesota