PDA

View Full Version : Ngày Xuân Ôn Cố Tri Tân



chimtroi
01-27-2009, 02:54 AM
Đúng Là Như Vậy

MÕ SÀIGÒN
Việt Báo Chủ Nhật, 1/25/2009 ( VietBao.com )


Vua Ai Công nước Lỗ. Một hôm ngồi ở hậu cung mặt buồn rười rượi, khiến ái phi Vương Diệp lòng dạ hổng yên. Xà tới thưa rằng:
- Ngàn cây tươi thắm. Hoa cỏ ngập tràn. Muôn dân đang tưng bừng đón mong ngày lễ hội, mà chúa thượng không vui, là nghĩa làm sao?
Ai Công chán nản đáp:
- Ta là Thiên tử, là con của Trời, mà không biết được… thọ đặng bao nhiêu, thì so với đám con dân có gì hơn đâu chứ?
Rồi dõi mắt nhìn vào cõi mông lung. Não nuột nói:
- Giang sơn gấm vóc. Châu báu ngọc ngà. Phi tần bao quanh. Bao nhiêu thứ nằm ở trong tay mà phải… buông bỏ thì làm sao buông nỗi?
Diệp bất chợt hiểu được tâm sự của chồng mình như vậy, lòng bỗng xót xa. Nhỏ nhẹ thưa rằng:
- Tiết trời xuân hạ thu đông. Trăng khi tròn khi khuyết. Ngày dù có đẹp đến đâu cũng bóp bụng đón đêm về. Cõi nhân sinh thường ra là vậy. Lại nữa, hôm thiếp thay hoàng thượng đi lễ chùa để cầu an cho bá tánh, bất chợt gặp một đạo sĩ. Có hỏi thiếp rằng: "Nương nương ở trong cung vàng điện ngọc. Ăn chẳng phải lo, còn nóng, rét, chẳng bao giờ nếm được. Vậy nương nương có bao giờ đặt mục đích cho đời mình hay chưa?". Thiếp toan không trả lời, bởi sợ hoa đã có chủ mà lạng quạng với người ngoài, e chết mẹ đi chăng? Nhưng thiếp bỗng giật mình nghĩ lại: "Người ta là đạo sĩ. Yêu chuộng tu hành. Nay trên con đường đông đúc - không hỏi ai mà lại hỏi chuyện mình - thì chắc kiếp trước không duyên thời phải nợ.". Nghĩ vậy, thiếp từ tốn đáp: "Phận nữ nhi thời tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, mà một khi đã tòng phu, thì chỉ nghĩ đến… phu chớ còn nghĩ đến cái gì thêm chi nữa?". Đạo sĩ cười cười đáp: "Nghĩ đến phu thế nào? Có thể vì kẻ tu hành mà nói rõ được chăng?". Thiếp ngẩng mặt nói: "Thân khỏe mạnh, tâm bình an, đặng có thể ở ngôi cao cho đời luôn sung sướng!". Lúc ấy, đạo sĩ nghiêm mặt nói rằng: "Thương chồng kiểu đó là hại chồng. Nương nương không biết thiệt hay sao?". Thiếp thảng thốt đáp: "Chồng ta là chúa thượng, tất yêu quý ngai vàng. Ta cầu xin Cậu Bà hoàn thiện tâm nguyện cho chồng, thời đúng điệu đúng tông. Sao lại có chuyện trật chìa vô trong đó?". Đạo sĩ đáp: "Càng đắm mình trong vật chất. Khi tổ tiên gọi về, ắt sẽ vướng víu không làm sao đi được, mà một khi không đi được thời tâm hồn bị dằn vặt xé chia. Mần răng sung sướng?". Thiếp nghe vậy, bỗng liên tưởng đến lúc chúa thượng khổ đau mà thần thiếp không gánh được, liền tái mét cả mặt mày. Run run nói: "Để cứu khổ cứu nạn cho chồng, thời ta phải làm sao?". Đạo sĩ đáp: "Thay vì lo sống lâu để làm vua, thời hãy lo sao cho bá tánh được bình an hạnh phúc. Làm được điều này, thì chẳng những không kẹt với tổ tiên, mà còn tạo thêm phước phúc cho ngày sau thêm nữa!". Nay xin bệ hạ hãy bảo trọng lấy thân. Chớ đừng nghĩ ngợi làm gì, bởi Trời cho thọ được bao nhiêu thời hưởng thụ bấy nhiêu. Chớ rầu chi cho… nóng!
Mấy ngày sau, ái phi Vương Diệp đang ngồi nơi bàn son phấn, bất chợt thấy đám thái giám mặt mày nghiêm trọng, chạy tới chạy lui, bèn ngẩng mặt lên. Hỏi:
- Mỗi khi ta ngồi trang điểm, là các ngươi rón rén nhẹ nhàng, mà nay cứ như… sắp hàng ra chiến trận, là nghĩa làm sao?
Tổng Thái giám đáp:
- Bẩm nương nương. Chúa thượng đang đón tiếp Đức Khổng Phu Tử ở Dưỡng tâm điện, nên đám nô tài muốn ào lên trên đó.
Vương Diệp lặng người đi một chút, rồi bất giác nói:
- Ngăn ngừa bạo lực. Phục hồi lễ nghĩa. Xiển dương đạo Thánh hiền. Đó là ngài Phu Tử. Còn các ngươi kéo bè kết đảng, bày mưu tính kế đặng sát hại lẫn nhau, mà nay lại đổ xô đi nghe điều lễ nghĩa, thì trước là không thật, sau là không xuôi, sau nữa có điều chi đang giấu!
Đoạn nghiêm mặt mà nhìn. Bọn thái giám thấy vậy, sợ không còn cái đầu để đội nón, bèn líu ríu thưa:
- Chúng nô tài muốn sống lâu để hầu hạ quý nương nương, nên muốn đến nghe là vì duyên cớ đó!
Diệp càng nghe càng lấy làm lạ, liền bực tức nói:
- Nghe đạo Thánh hiền mà sống được lâu. Ta thiệt không tin vào lời ngươi đâu đó!
Lúc ấy, có Đạo Quang, là thái giám lanh lẹ nhất trong hàng, bèn mau mắn nói:
- Nếu nương nương không tin bọn nô tài, thì xin quá bước lại xem, để… đen trắng được bày ra trước mắt.
Diệp nghe vậy, không nén được tò mò, bèn đứng dậy mà đi. Lúc đến nơi, thời ở trong ngạch cửa dòm ra, thì thấy Ai Công với Khổng Tử mặt mày hớn hở đang ngồi nhậu. Chợt Ai Công nói:
- Quả nhân ăn vịt tiềm, uống thuốc bắc, còn khiêu vũ dưỡng sinh. Thi thoảng lại tắm nước khoáng để châu thân được nhiều an lạc. Có thọ được chăng?
Khổng Tử vuốt râu đáp:
- Chưa!
Ai Công lại hỏi:
- Quả nhân tập thể dục, đi bộ vòng quanh vườn ngự uyển mỗi ngày, lại tập thiền theo phương pháp của… Yoga. Có thọ được chăng?
Khổng Tử chiêu một ngụm rượu, rồi khoan thai đáp:
- Chưa!
Ai Công nói hai lần, trớt quớt cả hai, toan thét tả hữu lôi thầy ra… chém, nhưng chợt nhớ tới câu… quá tam ba bận, bèn nuốt cục giận vô. Gắng gượng mà rằng:
- Quả nhân tránh đồ mỡ. Xa đồ ngọt, Chỉ chuộng tàu hủ với các loại rau. Có thọ được chăng?
Khổng Tử xua tay đáp:
- Chưa!
Ai Công lớn giọng nói:
- Vậy muốn thọ. Quả nhân phải làm sao?
Khổng Tử từ tốn đáp:
- Kẻ hạ thần từ xa tới đây, những mong chia với bệ hạ những gì thu tích được. Bệ hạ chẳng những không biết quý, lại còn dùng bạo lực đối xử với thần. Cho dẫu thần có chết tại nơi đây, thời tội của bệ hạ cũng không thoát được cảnh đời sau truy xét.
Ai Công từ nào tới giờ cứ mong ước tên mình được lưu vào kim cổ, nhưng nếu… lưu vào như thế này, thì thiệt là không ưng ý, liền xoay đầu trộm nghĩ: "Giết thì dễ. Rửa sạch mới khó. Nếu mình nóng nảy mà làm cỏ tên này, thì hậu duệ mai sau khó lòng vươn lên được.". Nghĩ vậy, bèn tươi tắn nói:
- Trời nóng, quả nhân cũng nóng theo. Thiết là không đúng!
Rồi hướng về Khổng Tử. Nghiêm trang nói:
- Thưa thầy! Muốn sống lâu thì quả nhân phải làm sao?
Khổng Tử chậm rãi đáp:
- Những điều bệ hạ nói hồi nãy, có thể giúp cho bệ hạ sống lâu, nhưng chưa đủ. Cái cần có là tinh thần. Tinh thần có sảng khoái, thì nghịch cảnh nào cũng vượt, đói khát nào cũng qua, mà không khéo lại còn lây qua người khác nữa…
Ai Công nghe vậy, như được Khổng Tử vén cho một tấm màn, bèn lắp bắp nói:
- Người khôn có sống lâu được không?
Khổng Tử đáp:
- Được! Khôn thì sống lâu. Chớ dại thì sao mà sống lâu được? Người ta có ba thứ tự mình làm cho mình chết. Chớ không phải là số mạng, mà ba thứ ấy đều do kẻ dại mà ra cả…
Ai Công nghe chết mà không phải vì số mạng, bèn rúng động châu thân. Ấp úng nói:
- Xin thấy mở lượng hải hà. Giải rõ được chăng?
Khổng Tử xoa râu đáp:
- Ăn uống không có chừng mực. Thức ngủ không có điều độ, lại phí sức ăn chơi. Người như thế phải chết vì bệnh tật, là cái tiêu thứ nhất. Phận là người dưới, mà đụng chạm người trên, không liệu định sức mình. Người như thế phải chết vì hình pháp, là cái… tận thứ hai. Yếu mà càn. Ít hơi mà làm dữ, mở miệng ra là khinh bạc. Người như thế không chết vì dao rựa, cũng chết vì cung tên, là cái hại thứ ba. Ba thứ ấy. Ngẫm cho kỹ không phải là số mệnh, mà chỉ là tự mình đào lỗ chôn thân mà thôi!
Rồi đảo mắt một vòng. Khi biết chắc là chẳng có cung nữ nào, bèn nhỏ giọng nói:
- Còn một cách tiêu diêu nữa cũng không phải vì số mạng. Ấy là bị tình phụ rồi nhảy sông. Ghen quá làm liều, hoặc yêu không được đáp trả rồi tìm quên trong men rượu, đến độ không làm chủ được bản thân, phá đi nhân phẩm của mình. Hạng người này, tuy là chưa chết xác thân, nhưng cũng coi như… đã tan hàng rồi đó vậy!
Nay nói về ái phi Vương Diệp, nghe đến đây bỗng quày quả lui về, khiến cung nữ Thiên Túc tất tả chạy theo. Hào hễn nói:
- Lời giảng của Đức Khổng Phu. Lẽ nào có điều chi không đúng?
Vương Diệp bực bội gắt:
- Đúng được có một phần, mà bảo ta chịu, là chịu làm sao?
Thiên Túc mặt bỗng ngớ ra như có người… tỏ tình với mình. Ú ớ nói:
- Đúng được có một phần. Dám xin nương nương khai mở cho sự kém hiểu biết của nô tài một chút được chăng?
Vương Diệp mạnh miệng đáp:
- Nhỏ như chiếc dép. Lớn như cái nhà, thậm chí áo quần đang mặc cũng còn có số. Lẽ nào cả mạng người mà bảo không có số còn tin được hay sao? Con người ta đang khỏe mạnh, bỗng đứng ngang ngạch cửa rồi trúng gió mà chết, thì tại số hay tại người? Cũng giống như người leo lên núi bẫy chim, rồi xẩy tay mà đi, thì chẳng lẽ tại người mà không tại số? Lại còn cả đám đi chơi, rồi có kẻ trượt vỏ chuối đập đầu xuống đất mà thác, thì tính làm sao đây? Cái số nó tới nên xui người ta làm ra như vậy, thì mới có cớ mà thăng. Chớ im rủ im ru mần răng mà thăng được…
Thiên Túc nghe Vương Diệp giải bày như vậy, trong bụng chưa thông, bèn vớt vát nói:
- Đành là vậy, nhưng nô tỳ thấy chúa thượng hết sức lắng nghe, lại nhiều phen vui sướng.
Vương Diệp "hứ" một cái, rồi bực bội gắt:
- Người nhẹ dạ trên trái đất này là đàn ông. Chớ không phải đàn bà. Nếu ngươi thực sự không tin. Lấy chồng đi khắc biết!

MÕ SÀIGÒN