PDA

View Full Version : Terre Des Hommes và Người Công Chức Già - Lê Xuân Nhị



buingocthang1965
05-06-2013, 10:15 PM
Terre Des Hommes và Người Công Chức Già
Trường sơn Lê Xuân Nhị

Hồn Tổ Quốc Ngự trong rừng thẳm
Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong....

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd3/HQPD_1367890245.jpg


Nhà văn Bùi Giáng, lẫy lừng trong ngôn ngữ, bắt đầu cuốn truyện dịch Terre Des Hommes của Antoine de St. Exupery như sau:
Câu chuyện kể, là chuyện phi công và phi cơ.
Nhưng giọng người là giọng trần gian đi tìm linh hồn mình giữa nước non hiu quạnh...
Tôi còn nhớ, đã đọc những giòng này vào một ngày xa xưa, hồi mới lên 15 tuổi. Hồi ấy, lòng tôi như một tờ giấy trắng, có thể buồn được chỉ vì đám mây bay, có thể ngẩn ngơ cả ngày khi đọc xong một câu chuyện tình buồn. Tuổi thơ tôi, như bao nhiêu người Việt Nam trẻ tuổi lúc đó, lớn lên trong giông bão, lửa đạn của chiến tranh vần vũ chung quanh chúng tôi suốt ngày.
Và tôi, một cậu bé trung học 15 tuổi, đã bắt đầu "đi tìm linh hồn mình," không phải giữa nước non hiu quạnh như người phi công lẫy lừng Antoine De St. Exupery thời trước, mà trong những trang sách, những giòng chữ, những câu văn. Tôi mê sách và coi sách như là bạn, là thầy, là cội nguồn của sự thông thái và hiểu biết. Ngay từ hồi rất nhỏ, tôi đã bắt đầu đọc rất nhiều. Từ Tam Quốc Chí đến Đông Châu Liệt Quốc, từ Kim Dung, đến Mai Thảo, đến Bùi Giáng, đến Duyên Anh, đến những truyện dịch của các nhà văn ngoại quốc cũ và đương nổi tiếng thời đó.
Trong tất cả những sách tôi đọc thời thơ ấu, có một cuốn đặc biệt làm lòng tôi mê đi từng lúc một như một người hút thuốc phiện. Mỗi trang, mỗi giòng chữ, mỗi một câu văn là một khám phá, một lạ lùng, một tha thiết. Đó là cuốn "Cõi Người Ta", tức Terre Des Hommes do Bùi Giáng dịch...
Câu chuyện kể, như phần mở đầu tôi viết, và như Bùi Giáng đã mở đầu, là chuyện phi công và phi cơ... Nhưng trong cuộc đời mình, có nhiều khi mình nhìn thấy một hình ảnh, đọc một đoạn văn, nghe một câu nói và từ đó mình bỗng bị ám ảnh, không thể nào quên được hình ảnh đó hay đoạn văn đó. Ám ảnh có khi đến suốt đời. Phần tôi, không hiểu vì lý do nào đó, có thể vì mình sinh ra vốn là một người thích mơ mộng, say mê chuyện mạo hiểm phêu lưu, tôi đã bị ám ảnh bởi một đoạn văn trong cuốn sách này. Một đoạn văn rất đơn giản, nhưng không hiểu vì sao, như đã nói, nó ám ảnh tôi và theo tôi suốt đời.
Đoạn văn kể lại người phi công trẻ Antoine De St. Exupery, hồi mới ra trường, làm việc tại một căn cứ không vận ở thành phố tên là Toulouse. Mỗi một buổi sáng, St. Exupery thức giấc sớm, ra ngồi chờ bên cột đèn để đón chuyến xe buýt cũ kỹ đi vào phi trường. Trên chiếc xe buýt đó là những người công chức già, những thầy ký, những người làm việc ở nhà băng, nhà đoan, các công sở. Đúng hơn, những người mà St. Exupery gọi là những "người trưởng giả của thành phố Toulouse". Mỗi một buổi sáng, người phi công trẻ St. Exupery leo lên xe, ngồi giữa những người này...
Ông ngồi giữa những người này như một vị thiên thần bị lạc cõi xuống trần gian. Chiếc xe lăn bánh nặng nề, chở ông cùng lớp người chung quanh đi từng đoạn đường. Ở trên xe, ông phải nghe đủ mọi loại chuyện người ta kể cho nhau. Chuyện buồn bực ở công sở, chuyện ông xếp khó tánh, chuyện khó khăn của cuộc sống. Nhà văn ngồi im lặng nghe và không hề nói gì.
Thế rồi bỗng dưng một ngày, St. Exupery hầu như cảm nhận được hết mọi chuyện đang xảy ra chung quanh mình. Và ông viết. Ông viết thật hay, thật chân thành, thật tha thiết. Tha thiết như thế nhưng những lời văn của ông như có thể làm chảy được lòng mình, làm cho mình se lại, thấy xót xa thân phận con người.
Tôi xin viết lại một đoạn văn đã làm tôi xúc động 35 năm về trước để bạn đọc cùng chia xẻ. Xin quý vị hãy đọc chậm để hiểu, không phải chỉ tâm trạng, mà còn là sự suy nghĩ lạ lùng, thoát tục, như nhuốm mùi thiền của nhà văn này:
...
Tôi được đánh thức giậy lúc ba giờ sáng. Tôi đẩy mạnh cánh cửa chớp, nhận thấy trời đang mưa trên phố, tôi trang nghiêm mặc áo quần.
Nửa giờ sau, ở vệ đường, ngồi trên chiếc va ly nhỏ, tôi chờ chiếc xe buýt đến. Biết bao bạn đồng nghiệp trước tôi, trong ngày được chuẩn nhận vào nghề cũng đã từng ngồi ngóng đợi như tôi, lòng se lại.
Từ góc đường, chiếc xe thời cũ đã nhô ra, tiếng kêu rầm rộ, đến bây giờ tới lượt mình, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp cũng được quyền ngồi trên chiếc ghế băng dài, chen giữa một ông ký nhà đoan chưa tỉnh ngủ và một vài công chức khác. Chiếc xe hôi mùi mốc, là hình ảnh những công sở bụi bặm, những bàn giấy cũ mòn, những cuộc đời tàn lụn. Cứ khoảng năm trăm thước, chiếc xe lại dừng, để chở thêm một thầy ký, một nhà đoan, một ông thanh tra nào nữa. Kẻ tới bước lên buông tiếng chào, xen vào ghế: Kẻ đã ngồi từ trước, chớm ngủ thiu thiu, cằn nhằn gù gật. Rồi mọi người cùng lần lượt lịm vào giấc thiu thiu. Trên các chặng đường trải đá gồ ghề của phố Toulouse, chiếc xe đi, ì ạch, thật là điều ải não... Và người phi công dặm đường ngồi chen trong đám công chức, thoạt tiên, chẳng có gì phân biệt hết... Nhưng những cột đèn cứ nối tiếp chạy lùi, nhưng phi trường cứ càng gần thêm mãi, và chiếc xe chở khách cũ kỹ lắt lây kia chỉ còn là cái kén mốc, và con người từ trong đó lột xác bước ra.
Mỗi bạn đồng nghiệp cũng từng đã như tôi, một sớm mai tương tự, đã từng cảm thấy tại thân mình, trong hình hài kẻ thuộc hạ dễ bị tổn thương, chịu quyền uy của viên thanh tra cau có, bất chợt nảy nở ra con người mang trách nhiệm chuyến tàu đi từ Tây Ban Nha và Phi Châu, bất chợt nảy ra con người lát nữa, giữa loạn cuồng sấm chớp, sẽ đương đầu với rặng núi Hospitalet nằm đen ngòm như một con hắc long... Ba giờ sau, ấy thế, bốn giờ sau, lúc đã chiến thắng con rồng đen, người ấy sẽ hoàn toàn tự do tự mình định đoạt nên bay vòng eo biển hay nhào thẳng tới tấn công dãy núi Alcoy, đem gan liền ra thi tài đấu sức với bão tố, với biển rộng rừng sâu...
Tôi bắt gặp những câu tâm sự người ta thủ thỉ trao nhau. Tâm sự bề bịnh tật, tiền tài, về những quẫn quanh gia đình cơ cực. Chúng cho thấy những vách tường tù ngục tẻ lạnh vây hãm những tấm thân kia. Và bất thình lình hiện ra trước mắt tôi khuôn mặt định mệnh.
Hỡi người công chức già, người bạn hiện diện nơi đây, chưa bao giờ có ai giúp cho anh một lối thoát, và anh cũng không chịu trách nhiệm gì về việc đó. Anh đã xây dựng cuộc sống bình thản của mình bằng cách trám kín mọi cửa ngõ nhìn ra ánh sáng. Gió không thể đi về, vì mọi lối đều bị bít bởi xi măng. Anh giống như những con mối. Anh cuộn tròn trong ổn định túc mãn của anh, trong những tập tục cũ mòn, trong những thói lề ngột ngạt của cuộc sống địa phương, anh dựng bức thành u tối che lấp lối đi về của gió rộng trùng khơi, của sương hồng tinh tú. Anh không muốn bận lòng vì những vấn đề trọng đại, anh đã khó nhọc nhiều mới quên lãng được thân phận con người anh. Anh không phải là người cư trú trên một tinh cầu xê dịch, anh không tự nêu ra với mình những câu hỏi oái oăm: Anh, hỡi anh, anh là người trưởng giả trung lưu thành phố Toulouse. Không ai nắm lấy vai anh mà đẩy mạnh, khi còn kịp lúc. Đến bây giờ, thì đã muộn. Thể chất đã khô, nguồn tim đã cạn, xương khớp cứng rắn rồi, kể tự bây giờ, không ai còn có thể đánh thức giậy trong người anh, ấy hồn nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học, của thở ban đầu, chắc hẳn đã có lần từng cư trú trong con người của anh.
...
Tôi nhớ mãi, hồi đó 15 tuổi, tôi đã đọc đi đọc lại đoạn văn này và suy nghĩ thật nhiều. Tôi còn ước giá biết được Pháp Văn nhiều hơn chút nữa thì sẽ đọc bằng nguyên bản chắc có lẽ sẽ hay hơn. Làm như được thúc đẩy bởi định mệnh, tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi cái câu "Hỡi người công chức già, người bạn hiện diện nơi đây, chưa bao giờ có ai giúp cho anh một lối thoát, và anh cũng không chịu trách nhiệm gì về việc này..."
Người công chức già ám ảnh lấy tôi kể từ lúc đó và suốt cuộc đời còn lại. Và vì đó, suốt đời tôi, tôi luôn luôn đi tìm một lối thoát cho tôi...
Năm 18 tuổi, tôi thoát ra khỏi đời sống học sinh tẻ nhạt, tình nguyện đi đăng lính. Tôi được vào lính Không Quân, lái tàu bay. Từ đó, mỗi một ngày, tôi cất cánh đưa con tàu lên cao, bay thoát ra khỏi cái cuộc sống nhọc nhằn của nhân loại phía dưới...
Phi trường Nha Trang nằm ngay bờ biển, và với địa thế của đất nước Việt Nam mình, tàu cất cánh lên chỉ có hai đường bay. Một là phải bay qua núi hoặc phải bay dọc theo bờ biển. Nếu bay qua núi, lộ trình phải tới, rất đơn giản, phải là Pleiku hay Ban Mê Thuột hay Quảng Đức. Ban Mê Thuột là vùng đất lạ lùng. Quảng Đức là một thị xã ngàn năm cô quạnh. Còn Pleiku là một vùng chiến địa sặc mùi tử khí, với bao nhiêu nguy hiểm cùng gió mưa chờ đợi. Nhưng được cái, cũng phần nào giống như St. Exupery nửa thế kỷ trước, lòng người phi công không hề thấy e dè sợ hãi mà lại như muốn biến thành sắt thép, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng nhào lộn với lửa đạn để bảo vệ quê hương mình. Người ta bảo "hồn thiêng sông núi", hay "Hồn tổ quốc ngự trong rừng thẳm" không phải là không có lý do. Bay qua núi, nhìn xuống những đỉnh cao sừng sửng thiêng liêng đã có từ ngàn triệu năm trước, lòng người phi công bỗng cảm thấy dạt dào một niềm cảm xúc khó mà tả được. Mới đầu chỉ là sự say mê thích thú cảnh tượng hùng vĩ của núi non rừng thẳm, rồi một lúc sau, bỗng dưng đâu đó trong linh hồn mình bỗng bùng lên mối tình thương của non sông tổ quốc. Và người phi công thốt nhiên bị tràn ngập bởi những cảm xúc không thể nào diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người. Những cảm xúc vừa hùng vĩ lại vừa dịu dàng. Vừa tươi đẹp lại vừa cuồng say. Có nhiều chuyến bay, suốt quảng đường dài hơn một tiếng đồng hồ, hai người phi công trong một con tàu nhỏ, cao chất ngất trong bầu trời, lạc lòi bé bỏng trên chốn núi non trùng điệp, không một câu đàm thoại vô tuyến được trao đổi giữa kẻ ngồi trước và người ngồi sau. Chừng như, sự im lặng là một khoảnh khắc thánh thiện cao quý vô vàn mà không ai đành lòng phá vỡ. Thỉnh thoảng, chỉ có tiếng bật quẹt của cái Zippo để mồi thuốc. Khói thuốc lá xanh thơm lừng quyện đầy phòng lái trong một vài giây đồng hồ...
Rồi sau đó là im lặng. Sự im lặng của thiền, của sự suy tư, của... cuộc đời....
Nếu hôm nào không kéo tàu qua khỏi núi mà lại bay dọc theo bờ biển thì người phi công giữ một cao độ thấp hơn, cỡ chừng 4 ngàn, vừa đủ lạnh để thắt kín cái khăn quàng cổ, và cũng không cao quá để có thể nhìn thấy những con sóng bạc đầu đang tung tăng nhảy nhót phía dưới. Bay dọc theo bờ biển thì lòng người cũng dịu dàng hơn, bởi biển bao giờ cũng đẹp, cũng sưởi ấm lòng người, cũng hứa hẹn những ngày tươi đẹp. Màu xanh của biển khác xa với màu xanh của đồi núi, giống như cha với mẹ. Cha là đồi núi, mẹ là biển khơi. Cha lúc nào cũng sừng sửng oai nghiêm, và bí mật. Có khi còn hung tợn nữa. Mẹ thì lúc nào cũng êm ái dịu dàng, và tràn ngập tình thương...
Làm sao tôi quên được những buổi sáng tuyệt vời như thế ở lứa tuổi vừa quá 20 một chút. Ngày xưa còn nhỏ đọc St. Exupery, tôi không ngờ rằng sau này lớn lên, mình cũng sẽ được cầm lái tàu bay. Cuộc đời phi công dù cũng có những đầy đủ oan khiên của một người lính, những thủ tục rườm rà lẩm cẩm, những xếp lớn khó tánh, những cú đá nhau tận mạng, nhưng tất cả những chuyện đó đều trở thành xa vời khi mình đem con tàu ra khỏi mặt đất. Lại có nhiều khi, sau một vài ngày tù túng dưới mặt đất, đi ra đi vào phải cẩn thận với quần áo tóc tai và quân phong quân kỷ, một buổi sáng đưa con tàu lên cao, tôi thấy như một người vừa thoát được nợ trần. Trong một giây phút cảm khoái bốc đồng, tôi tự hỏi mình rằng, không biết mình là người vừa biến thành chim hay chính là chim bị đày đọa xuống làm người?
Lên trời cao, bình phi lại, lấy hướng cho phi cơ xong, có chút thì giờ để suy nghĩ, tôi lại thấy thương cho đám người đang chịu "nhọc nhằn dưới thế". Lúc ấy, chính là lúc mà câu viết của St. Exupery về người công chức già trở về lại để ám ảnh lấy tôi:
"Hỡi người công chức già, người bạn hiện diện nơi đây, chưa bao giờ có ai giúp anh một lối thoát, và anh cũng không chịu trách nhiệm gì về việc đó..."
Lần nào cũng thế, tôi cảm thấy mình may mắn vô cùng vì mình được sống cuộc đời của một người phi công cỡi gió lướt mây chứ không phải cuộc đời của một người công chức...
Thế rồi bỗng dưng một ngày, tôi giật mình tỉnh giấc và thấy mình bắt đầu sống một cuộc đời mới. Cõi bom đạn chập chùng đã trở thành một thế giới xa vắng của ngày hôm qua, con tàu mình vùng vẩy hằng ngày đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời, thậm chí, đến cái vật mà mình đang cầm trong tay không phải là cái bản đồ hay đôi găng hay cái đặc lệnh hành quân mà là một cái nùi giẻ để lau nhà hay rửa chén. Nói làm sao cho hết nỗi chua chát của cuộc đổi đời?
Điều lạ lùng là ngày xưa, tuy khói lửa chiến tranh đầy dẫy, nhưng tôi lại có nhiều thì giờ để nghĩ đến St. Exupery và người công chức già trên chiếc xe buýt, còn bây giờ sang Mỹ, vật lộn với cơm ăn áo mặc hàng ngày, tôi quên bẳng đi những chuyện đó đến gần 15 năm. Phải, mười lăm năm trời tôi cày 2 gióp, 3 gióp, làm luôn thứ bảy, tiếp luôn chủ nhật, nuôi một gia đình với mấy đứa con và gởi tiền về nhà cho cha mẹ anh em. Mới đầu là vài gói quà nhỏ rồi lần lần hết lượng vàng này đến lượng vàng kia. Mười lăm năm trời nhọc nhằn trôi qua mau. Cha mẹ anh em lần lần qua đoàn tụ, công việc tôi cũng ngày càng trở nên dễ dàng. Tâm lòng thư thái lại. Một chiều chủ nhật cách đây chừng 10 năm, tôi đang ngồi uống bia và nghĩ đến việc sáng mai đi làm thì câu văn thời cũ bỗng trở về ám ảnh lấy tôi: "Hỡi người công chức già, người bạn hiện diện nơi đây..."
Tôi giật mình nhìn lại đời mình kể từ lúc cởi áo nhà binh sang Mỹ, đến bây giờ là đã hơn 15 năm, tôi sống như một người công chức. Có phần tệ hơn bởi người công chức già của Pháp sống còn có cuộc đời tương đối an nhàn, phần tôi, tôi làm việc quần quật tới hai ba việc một lần.
Lần này, đã trưởng thành, đã đổ mồ hôi nước mắt cho quê hương, đã lăn lộn với đời, đã làm đủ thứ nghề để tranh sống, tôi bắt đầu thấy thông cảm và hiểu được tâm trạng của những người công chức già mà 25 năm trước tôi đã coi thường hay thương hại. Họ chẳng có tội gì cả ngoài một cái tội mà con người ai cũng có là cái tội muốn an phận, tội sợ mạo hiểm, tội muốn sự bình dị và an nhàn cho cuộc sống mình. Nhưng con người ở trên cõi đời này, hỡi ơi, ai lại chẳng như thế...
Thêm vài lon bia nữa để "thông cảm" với người công chức già rồi ... tôi đi ngủ. Ngủ để sáng mai thức còn thức giấc được. Thế là cái tư tưởng ấy chỉ thoáng qua trong đầu tôi chỉ như một ...đám mây bay trên trời vào một ngày nắng mùa hè của thành phố New Orleans. Mây che chở được lòng tôi khỏi ánh nắng thiêu đốt của mặt trời trong chốc lát rồi bay đi, biến mất. Tôi tiếp tục cuộc sống thường nhật giống như người công chức già, tiếp tục "trám kín mọi cửa ngỏ nhìn ra ánh sáng, gió không thể đi về... "
Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn nghĩ đến người công chức già ngày xưa nhưng cuộc đời, nhất là cuộc đời bên Mỹ này, thường có nhiều chuyện để lo hơn là chuyện hình ảnh một người công chức già trên chiếc xe buýt của thời thơ ấu. Một hình ảnh của quá khứ, dù đẹp đến đâu cũng không mạnh bằng thực tế. Hình ảnh người công chức được thay thể ngay bởi hình ảnh... cái bill tiền nhà, tiền xe, tiền học cho con, V.v...
Rồi thời cuộc đưa đẩy, cách đây chừng vài năm, tôi bỗng trở thành một công chức nhà nước chính hiệu, làm việc cho chính phủ liên bang. Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy sớm, ra xe phóng như một thằng phải gió. Đầu óc tôi ngổn ngang hàng trăm chuyện ở sở. Chuyện phải làm vui lòng ông xếp lớn, làm vui lòng bà xếp nhỏ. Chuyện phải làm thế nào để kỳ tăng lương tới, tên của tôi sẽ được năm trong “sổ vàng”. Cứ như thế và như thế. Cho đến một ngày...
Phải, một ngày lên nhà thăm thân phụ, tôi bỗng nhìn thấy được cuốn “Cõi Người Ta” trên một kệ sách. Tôi cầm lấy và say sưa đọc...
Đọc đến đâu thì thấy lòng mình chùng xuống đến đó, nhất là khi đọc lại đoạn "Hỡi người công chức già..."
Tôi nhớ ngày xưa cách đây 35 năm, khi đọc đến đoạn này thì tôi tưởng tượng ngay đến hình ảnh của một người công chức già nua tội nghiệp trên chiếc xe buýt cũ càng, nhưng bây giờ, tôi lại nghĩ đến hình ảnh của cậu bé con “Lê Xuân Nhị” của tuổi thơ ấu ngày nào. Cái cậu Lê Xuân Nhị có thể buồn được vị một đám mây bay, một truyện tình buồn. Làm sao cậu bé Lê Xuân Nhị ngày xưa ấy biết được rằng, 35 năm sau, phũ phàng thay, chính cậu sẽ trở thành người công chức già tội nghiệp mà cậu thường khinh bỉ đó.
Telle est la vie des hommes!!!
Lòng tôi se lại, đau đớn bồi hồi. Đọc đến đoạn: “Anh, hỡi anh, anh là người trưởng giả trung lưu thành phố Toulouse. Không ai nắm lấy vai anh mà đẩy mạnh, khi còn kịp lúc. Đến bây giờ, thì đã muộn. Thể chất đã khô, nguồn tim đã cạn, xương khớp cứng rắn rồi, kể tự bây giờ, không ai còn có thể đánh thức giậy trong người anh, ấy hồn nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học, của thở ban đầu, chắc hẳn đã có lần từng cư trú trong con người của anh.” Thì nước mắt tôi bắt đầu chảy ra thật. Tôi không khóc cho tôi nhưng tiếc thương cho cái “ấy nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học của thuở ban đầu, chắc hẳn đã có lần từng cư trú trong con người tôi...”
50 năm qua, tôi đã cố gắng và đã sống như là một người. Nhìn lại cuộc đời, về phần vật chất, tôi thấy chẳng có gì phải hối tiếc. Phần tinh thần, thành thật mà nói, cũng không có gì phải hỗ thẹn với lương tâm. Nhưng cái làm cho tôi đau đớn là, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi nhận thấy mình chính là người công chức già của St. Exupery ngày xưa. Tôi đã “xây bốn bức tường chung quanh mình để che lấp mọi khe hở, gió không thể đi về, sương hồng tinh tú không thể qua lại.” Tôi phải mất một thời gian khá lâu để làm quen với sự túc mãn này của mình. Tôi đã vênh váo mặt mày khi ở một cái nhà to, hỉ hả khi lái một chiếc xe đời mới, mỉm cười hẹn hạ khi nhìn thấy cái pay check của mình nó lớn hơn người khác. Buổi tối về nhà, tôi nằm suy nghĩ và có kế hoạch làm việc ngày mai thế nào để xếp tôi thương tôi hơn nữa, để bọn Mỹ trong sở phục tôi hơn nữa...
Tôi đó sao? Người công chức già không phải của thành phố Toulouse mà của thành phố New Orleans. Tôi đó sao, người đã “cuộn tròn trong ổn định túc mãn của mình, trong những tập tục cũ mòn, trong những thói lề ngột ngạt của cuộc sống địa phương, tôi đã dựng bức thành u tối che lấp lối đi về của gió rộng trùng khơi, của sương hồng tinh tú.”
Tôi chưa bao giờ thấy tội nghiệp mình như buổi chiều hôm đó. Nếu ngày xưa, tôi đã không coi thường và khinh bỉ người công chức già của St. Exupery thì có lẽ bây giờ tôi sẽ thấy thoải mái hơn nhiều. Kẹt cái, tôi chính là người đem ông ta ra làm một đề tài để chế diễu, để thấy rằng mình khác hơn người, để thấy rằng mình sinh ra với một mục đích cao cả hơn, sống một đời sống khác thường hơn.
Hình như cái bản tính “muốn đi tìm một lối thoát cho mình” một lần nữa lại trở về với tôi nên kể từ hôm đó, người tôi không còn như xưa nữa. Trong sở, tôi hết ham muốn lấy lòng xếp, hết muốn chứng minh cho người ta biết rằng tôi luôn luôn là “the best and the brightest”. Buổi họp hàng tuần, từ một “thằng to mồm” nhất, tôi trở thành một người ít nói nhất. Sao cũng được, quý vị quyết định thế nào thì em theo thế ấy. Nhiều người ngạc nhiên. Nhiều kẻ thù của tôi trong sở lại mỉm cười đắc ý, liếc nhìn cái ghế tôi đang ngồi một cách ... bí mật.
Tôi thích tư lự. Đi làm về, tôi thường kéo ghế ra sau nhà ngồi hàng giờ đồng hồ bên cạnh lon bia để suy nghĩ về mình. Bạn bè trong sở bảo tôi là tôi đang bị khủng hoảng “Mid-life crisis”. Tôi chẳng biết nó là cái gì nhưng thấy mình thích tư lự thì cứ tư lự, thích ngồi một mình thì ngồi một mình. Điều nguy hiểm là tôi không biết mình muốn gì nữa.
Người công chức già tội nghiệp của St. Exupery ngày xưa, thật ra đó là hình ảnh của mỗi một người trong chúng ta ngày hôm nay. Ai trong chúng ta lại chẳng có lần nuôi mộng muốn làm một chuyện lớn cho đời mình. Ai trong chúng ta đã không từng mơ ước, như St. Exupery viết, trở thành một thi sĩ, một văn sĩ, một ca sĩ, một nhà thiên văn học, một đạo diễn xi-nê, một người làm được chuyện đội đá vá trời, một người làm được một chuyện gì cho mình và cho tổ quốc hay cho đồng loại. Nhưng giấc mơ đó cứ nằm mãi mãi trong lòng chúng ta, mỗi ngày một tàn lụn đi. Tôi chưa có thì giờ, tôi chưa có phương tiện, tôi còn bận chuyện vợ con, tôi còn phải làm xong việc này thì mới làm xong việc kia được. Hoặc thực tế hơn, tôi có nhiều bill quá.
Cứ thế và cứ thế, chúng ta ai cũng lần hồi khất hẹn mãi cái chuyện lớn của đời mình. Sang năm, trả xong cái nhà, tôi sẽ làm. “Mùa đông năm sau,” khi cháu nó ra trường rồi, tôi sẽ làm. Cứ như thế cho đến một ngày. Cho đến một ngày, mình nhìn lại thì thấy mình đã tiêu gần hết cuộc đời mình. Thế là những “Ấy hồn nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học, của thở ban đầu, chắc hẳn đã có lần từng cư trú trong con người của anh...” lần lần tàn lụn đi trong người mình.
Đó là lý do tại sao, ở tuổi già, người ta thường tiếc nuối dĩ vãng. Hầu hết chúng ta, ở vào buổi chiều của cuộc đời, ai lại chẳng có lần nhìn lại quãng đời mây nước đã qua mà không ão nảo nói với lòng mình rằng, nếu mà tôi được bắt đầu lại, tôi sẽ làm như thế này, tôi sẽ làm như thế nọ. Hồi ấy, sỡ dĩ không làm được là bởi vì tôi còn trẻ quá, tôi còn nhiều việc lo quá, tôi còn thế này, thế kia.
Đó là lý do tại sao, theo tôi nghĩ, ở tuổi già, người ta hay đâm ra trầm lặng hay khó tánh, hoặc thậm chí, trở nên khô khan như một cành cây héo.
Phần tôi, tôi vừa bước vào lứa tuổi 50, lứa tuổi “Ngủ thập Tri Thiên Mệnh”, hoặc lứa tuổi, như người xưa nói, mình biết mệnh trời dành cho mình đã như thế nào. Nhưng 50 tuổi ở Mỹ chưa thể gọi là lứa tuổi già. Nếu muốn làm việc gì, tôi còn tới 30 năm để làm chuyện đó. Chuyện đáng buồn ở đây là tôi vừa nhận ra rằng tôi đã bắt đầu thấy an phận với kiếp sống tù ngục của người công chức già, bắt đầu cảm thấy biết chấp nhận cái “nhà tù” mà tôi phải trình diện hằng ngày để chịu đựng từ 7:30 sáng đến 4:00 giờ chiều, bắt đầu tập chịu đựng được mụ xếp... vú to và khó tánh và thâm độc hơn bà phù thủy, với những người làm cùng sở đã đánh mất linh hồn, đã tự biến mình thành những cái máy biết cười, biết nói, biết làm tất cả những gì có thể làm được để được thăng quan tiến chức. Chút ít hạnh phúc gì của tôi, nếu có, là giờ tan sở về nhà, là những buổi chiều thứ sáu, thứ bảy với nào là rượu vang, nào là cognac, nào là bar-ber-cue, nào là Karaokê, nào là bạn bè v.v..., để rồi sáng hôm sau thức giấc nằm trên giường, thấy cuộc đời mình ngắn thêm đi một chút nữa và thấy tất cả những thứ mà tôi đang hưởng, tất cả những thứ mà người khác gọi là “thành công trên đất mới”, chưa phải là cái mà tôi muốn. Và như đã nói, chuyện đáng buồn ở đây là chuyện càng ngày thì tôi càng cảm thấy muốn chấp nhận sống một cuộc đời như thế.
Nhưng may mắn thay, cuộc đời tôi chưa chấm dứt ở đây. Tôi suy tư mãi thì cũng tìm ra được vấn đề mình muốn tìm. Một sáng, tôi chợt nhận ra và tìm thấy nó. Và tôi xin cắt nghĩa.
Chắc quý vị còn nhớ đoạn khi St. Exupery viết: “Không có ai nắm lấy vai anh mà đẩy mạnh, khi còn kịp lúc... Đến bây giờ, thì đã muộn. Thể chất đã khô, nguồn tim đã cạn, xương khớp cứng rắn rồi, kể tự bây giờ, không ai còn có thể đánh thức giậy trong người anh, ấy hồn nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học, của thở ban đầu, chắc hẳn đã có lần từng cư trú trong con người của anh...”
Tôi may mắn vì tôi được một vị thiên thần nắm lấy vai tôi và đẩy mạnh khi con kịp lúc. Thể chất tôi chưa khô và nguồn tim tôi chưa cạn. Vị thiên thần tuyệt vời ấy đã đánh thức giậy trong người tôi, ấy hồn nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học, của thuở ban đầu, chắc hẳn đã có lần từng cư trú trong con người tôi.
Tôi thật là may mắn...
May mắn lắm thay. Làm sao tôi có thể cám ơn người và cám trời cho hết được...

Trường sơn Lê Xuân Nhị
San Jose 6/4/99