PDA

View Full Version : Người đàn bà không quá khứ



Longhai
04-25-2013, 02:06 AM
Người đàn bà không quá khứ


Ngọc Hương


Tác giả tình cờ gặp nàng trong một buổi tiệc lâu lắm rồi. Một buổi tiệc họp mặt cuối năm thì phải. Nàng ngồi trong một góc bàn. Nét mặt thanh tú nổi bật trong bộ âu phục ba mảnh màu tím Huế. Màu tím của đất Thần Kinh tạo cho nàng một vẻ trang nghiêm nhưng không kém phần tươi mát.

Buổi tiệc đi từ chiều sang đêm. Qua đến món tráng miệng, tác giả bỗng chú ý đến những ngón tay nàng với nước sơn màu hồng có chút ánh xà cừ nhưng thiếu hẳn bóng cuả một chiếc nhẫn dù một chiếc nhẫn làm duyên. Câu chuyện trong bàn tiệc đột nhiên chuyển hướng.

- Chị có được cháu nào không ?

- Vâng, tôi có.

Một câu trả lời lơ lửng, lửng lơ gây sự chú ý cuả mọi người.

- Người như chị chắc cả đời hạnh phúc ! Chẳng bù với chúng tôi. Cứ nhìn hai bàn tay cuả chị. Chắc chị chẳng bao giờ phải lo việc bếp nước ! Dòm chị coi khỏe re...

Ðôi mắt nàng lóe lên một tia vui. Rồi bằng một giọng như gió thoảng :

- Vâng, chị nói phải.

Nàng nở một nụ cười. Hai đuôi mắt cười theo.

- Cám ơn chị. Ðời đâu mấy lúc nghe được những lời này. Nhưng chị ạ... đã một lần...


***

Phi trường nằm chơ vơ nướng mình trong nắng. Cái sân xi-măng tỏa hơi nóng hầm hập khiến khách vãng lai ngại ngần. Cái nắng nung người ập từ không trung xuống, sân xi-măng hút sức nóng rồi tỏa ngược lại. Người và vật cùng cây cỏ mắc cạn trong biển nắng. Cái nắng khô khốc, bỏng da làm con người ngầy ngật như thể đang say trong men rượu. Ðỏ. Một lớp bụi đỏ phủ trùm lên đầu, lên cổ, lên tóc, lên quần áo, len qua các kẽ móng tay, móng chân. Những hạt mồ hôi thoát ra từ kẽ tóc, chân da vì sức nóng. Dơ ơi là dơ... Cái “dơ” hiện ra ngay trên những chiếc xe chạy ngang dọc khắp thị xã. Phi cơ lên xuống, dân sự lẫn quân sự làm phi trường nhộn nhịp. Người chủ quán năm xưa của cái câu lạc bộ toạ lạc trong cái phi trường đó thường thắp vài cây nhang cho các quan tài có phủ lá cờ trong lúc chờ giờ bay. Không gian thoang thoảng mùi nhang, không khí bỗng đâu trở nên huyền hoặc. Cả Phi trường di chuyển trong lặng lẽ. Một vài phụ nữ nhìn sững những cái quan tài trên đường trở về quê quán rồi rưng rưng nước mắt...

Vào những tháng đầu của năm 1972, một người đàn bà trẻ đặt chân xuống cái Phi trường cuả miền đất đỏ này. Một chương mới của cuộc đời nàng bắt đầu.


***

Con đường ngoằn nghèo có bề ngang vừa đủ cho khoảng hai chiếc xe Jeep chen nhau, lởm chởm đá sỏi dẫn đến một trạm gác nhỏ. Qua khỏi trạm gác này, một căn cứ Quân sự hiện ra. Căn cứ rộng mênh mông đi bộ cho đến khi nào hai chân thật mỏi thì đến được những dẫy nhà cuả toán thám sát. Năm gian phòng kế liền nhau làm thành một dẫy. Năm căn khác nằm đối diện. Hai dẫy “nhà” cách nhau vào khoảng năm, sáu thước tây. Kế ngay sau đó là nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng. Ðã qua không biết bao nhiêu năm rồi mà tiếng nước chảy ri rỉ giữa ban trưa trong dẫy nhà âm u đó vẫn còn gây cho làn da nàng nổi gai ốc mỗi khi vô tình nhìn lại quá khứ. Mỗi gian phòng có chiều rộng đâu vào khoảng năm thước. Chiều dài đo được chừng tám thước. Cửa ra vào nhìn thẳng ra cái cửa sổ con con ở cuối phòng. Ðồ đạc trong phòng rất đỗi đơn sơ: Hai cái giường ngủ dành cho cá nhân thường dùng trong quân đội, hai tấm nệm mỏng, một cái bàn viết, hai cái ghế. Ðời sống hụt chân bước thẳng vào miệng hố vô vọng cộng thêm gió cao nguyên mỗi chiều đem bụi đỏ từ trời nhuộm đất. Ôi chao, hai chữ số và phận quyện nhau cho tháng năm nhuốm màu hiu hắt.

Qua mùa thu, người đàn bà trẻ dọn sang nơi khác. Những căn phòng ở nơi này bớt nỗi chơ vơ như những dẫy nhà nơi khu thám sát. Nàng trang trí phòng bằng những tấm hình cắt ra từ những tạp chí phát hành cách miền đèo heo gió hú đó đâu hơn nửa trái địa cầu. Người đàn ông đưa nàng đến nơi thâm sơn cùng cốc này bỗng thay đổi hẳn thái độ. Gã mặc nhiên xem nàng như một cái ách gã đã lỡ quàng lên cổ, một gánh phiền hà. Hình như đời gã đã được phong cho cái sứ mạng bình thiên hạ thì phải còn trị nước chỉ là bước lẻ mà thôi ! Cái giấc mộng này ám ảnh gã đêm ngày. Ngày phú qúy vinh quang, cao sang mà đến chậm với gã thì đúng nàng là một cái xui xẻo phải cưu mang. Những bữa cơm thiếu thốn mọi hương vị, những mua bán vội vàng, những chịu đựng không cần thiết cho một người đàn bà trẻ. Một lựa chọn sai lầm nhưng đã mất thời gian tính để sửa đổi lại! Thôi cứ để bẵng đi những tháng cùng năm !

Một buổi nàng tò mò hỏi những người bạn láng giềng về rau tàu bay. Tại sao lại gọi là rau tàu bay ? Không một ai cho nàng câu trả lời thỏa đáng. Hai mắt mở tròn trong sự ngạc nhiên. Rau tàu bay đâu cần đi đâu xa mới thấy, bởi chốn này là rừng sâu, núi thẳm rồi. Rau tàu bay mọc thành những khu rừng con con trải đầy căn cứ. Những cây dại nầy cao khoảng chừng hơn thước tây và có những lá mang hình dạng hao hao lá đu đủ. Những người bạn mới quen khuyên nàng nên quên đi, đừng “đụng” tới vì món này sẽ đem lại một cái mỏi rất khổ sở cho khắp châu thân. Không thử không được. Phải thử một lần xem sao! Cái bản tánh tò mò cố hữu cuả nàng làm nàng luôn luôn là nạn nhân của chính mình. Hậu quả cuả cuộc thí nghiệm dại dột này là một đêm mất ngủ, lăn lộn vì mỏi. Thật là lạ lùng. Từ sau nửa đêm trở đi nàng thức giấc vì một cơn đau ập tới. Cái mỏi len vào từng sợi gân, từng bắp thịt, cái mỏi như theo huyết quản chạy khắp người không chưà một phân lẻ. Khắp châu thân nổi lên một cái khó chịu khiến con người phải khổ sở nghiến răng chờ cơn mỏi tự tiêu tan, không có thuốc trị. Ðây là vùng rừng núi, rất xa thành phố. Nàng nhớ lại những lời căn dặn. Nàng có cái cảm giác là đã phải đi bộ cả ngày trời, trên lưng còn phải mang nặng đến nỗi cả thân thể oằn xuống. Nàng lăn lộn trong cái đau đớn gây ra bởi rau tàu bay. Nàng nhớ lại bát canh ban chiều. Rau tàu bay chỉ có mỗi một món duy nhất là làm canh với vài con tôm khô, ít bột ngọt, chút xíu muối thêm một muỗng nước mắm. Cái vị hăng hăng của rau tần ô pha chung vị “ngon” đặc biệt cuả loại cây lạ nhưng “dở” nhiều hơn ngon.

Nếu nói về hương vị cuả rau tàu bay thì đây quả là một vị rau “Không tệ lắm” nhưng căn bản lại là loại cây có mang vị “độc” nhẹ của cây rừng. Từ cổ chí kim, loại rau này không hề xuất hiện trong thực đơn của cả hai miền Nam và Bắc. Nhưng từ lúc toán quân miền Bắc tiến Nam dùng đường mòn làm trục lộ chính, rau tàu bay được phát hiện là ăn được. Nhưng rồi sau đó không mấy ai dám dùng rau tàu bay vào việc nấu nướng nữa. Họa chăng là trong một hoàn cảnh không còn cái lựa chọn khi cơ thể lâm vào tình trạng thiếu chất tươi ở mức độ cực kỳ nguy cấp. Nàng rùng mình nghĩ tới những con đường, không hẳn là con đường, phủ đầy loại lá cây này và những toán quân di chuyển lặng lẽ ngày lẫn đêm...

Rồi có hôm nàng lang thang trong một khu rừng con và tìm thấy những quả cà nho nhỏ xinh xinh như những hòn bi. Những quả cà mang tên “Độc dược” đó có một màu vàng tươi thật đẹp mắt và đượm ít mùi thơm là lạ. Nàng tuy sợ hãi nhưng cũng hái một ít để ngắm rồi bẻ ra ngửi cái mùi thơm. Thoang thoảng mùi nhãn. Nàng tinh nghịch như một đứa trẻ con. Lần này thì chừa, không dám đem về nấu nướng ăn thử. Thôi, một lần là quá đủ cho mọi cuộc thí nghiệm. Có hôm nàng trố mắt nhìn hai phụ nữ gốc thiểu số ôm từng bó “môn” xanh ngắt, không biết là nấu được món gì. Tuy nhiên kinh nghiệm khổ sở của một lần ăn rau tàu bay vẫn còn ám ảnh khiến nàng không dám mạo hiểm thêm một lần thứ hai.


***

Ðã gọi là đàn bà thì đàn bà ở bất cứ nơi nào họ đều vận dụng tối đa những sáng kiến cuả mình để cho đời sống thêm phần tiện nghi nhưng nghĩ không nổi đến những nguy hiểm mà mình đã vô tình gây ra. Một buổi sáng nàng nghe giọng nói lơ lớ của thượng sĩ Y.B. Viên Thượng sĩ này cất giọng lệnh vỡ khi sương sớm vừa tan. Ông ta oang oang với mục đích “Khuyến cáo” cả làng trên lẫn xóm dưới :

- Mây ba nay không biên gi hên. Mây ba giang day ơ đây thi không đương. Ban đêm nêu co gi lam sao ma xe chay đương đây ? (Mấy bà này không biết gì hết. Mấy bà giăng dây ở đây thì không được. Ban đêm nếu có gì làm sao mà xe chạy được đây ?)

Nàng ló mặt ra khỏi khung cửa. Vừa thấy bóng nàng Thượng sĩ Y.B. bèn thêm một câu phụ đề cho bớt phần đụng chạm ngay lập tức :

- Ðan ba đông thân thi không sao. Dan ba co con thi moi can day phoi quan ao. (Ðàn bà độc thân thì không sao. Ðàn bà có con thì mới cần dây phơi quần áo).

Nàng chui vào nhà đóng cửa lại tủm tỉm cười thông cảm.

Thượng sĩ Y.B. gốc người thiểu số. Ông ta rất sốt sắng trong nhiệm vụ của mình. Là một Thượng sĩ thường vụ ông ta có công tác dọn dẹp bên trong, đánh bóng bên ngoài, chưa kể thêm cái nhiệm vụ lính. Thêm một điều lý thú là ông ta vừa lập lại gia đình. Sau khi bà vợ qua đời, ông ta về “bản” và được bà Thượng sĩ Y.B. bây giờ hỏi cưới.

Bà Thượng sĩ Y.B. mang hai giòng máu Pháp - Việt và có một khuôn mặt khiến người đối diện bàng hoàng. Không gặp thì thôi, ai ai đã diện kiến một lần không thể nào quên được những nét cực kỳ thanh tú của bà. Một khuôn mặt có được tất cả tuyệt hảo của đất trời ban cho một mỹ nhân. Một khuôn mặt vừa nhìn thì thần trí bỗng như say dại, mất hẳn quyền tự chủ. Hai hàng mi cong, mướt chớp khe khẽ có chút ít tự kiêu pha lẫn niềm vui của một người đàn bà biết sắc diện cuả mình đang đảo điên thần hồn người đối diện. Bà thường nở nụ cười thân thiện thay cho câu chào hỏi. Chao ôi, làm sao quên được hai làn môi đỏ thẫm và hai hàng răng đều, bóng như những viên ngọc trai trong chuyện Trọng Thủy và Mỵ Châu xa xưa.

Bà Y.B. tuyệt đối không học được lấy nửa lời tiếng Kinh. Bà vì cưới ông Thượng sĩ đi lính người Kinh nên bà phải tiếp xúc với xã hội ta. Vì lý do này nên bà Y.B. chỉ nhìn người đối diện bằng đôi mắt nai vàng tắm vạt nắng thu và nở một nụ cười khiến không biết bao nhiêu nhân mạng trong cái căn cứ thuở đó ngơ ngẩn, ngẩn ngơ, kể cả nàng ! Bình minh hay hoàng hôn, bà Y.B. đi đi lại lại khiến hàng cây bụi cỏ như xoa dịu được nỗi buồn và nhất là nỗi lo âu của một căn cứ nằm chơ vơ trong một góc rừng chờ giờ tấn công của đối phương.

Người đàn bà thiểu số thứ hai là phu nhân cuả một vị Ðại Úy, cũng gốc thiểu số. Bà nói được vài câu tiếng Việt. Ngoài việc nấu nướng cho gia đình bà còn biết dệt vải. Bà đặt ngay cái khung dệt giữa phòng khách và chăm chỉ làm việc. Có hôm vì quá tò mò nàng bèn đánh bạo bước vào hỏi thăm. Bà vui vẻ tiếp chuyện. Bà ngồi bệt trên mặt đất. Hai chân duỗi dài. Khung cửi đối diện đã có được một miếng vải dài khoảng nửa sải tay. Chung quanh bà không biết bao nhiêu là những cuộn chỉ màu. Một con thoi chạy thoăn thoắt. Bà giải thích : Cái khó là sau mỗi đợt chỉ đã chạy ngang thì người dệt phải dùng rất nhiều sức để cho sợi chỉ “mới” này sát thật sát với lằn chỉ cuả cả tấm vải. Ấy là chưa kể cách dệt những màu sắc theo một mẫu đặc biệt vì những cái váy của phụ nữ thiểu số rất sặc sỡ chứ không có mỗi một màu đen thật buồn con mắt như cái quần sa-teng của phụ nữ người Kinh. Cái “khó” còn nằm ở rất nhiều điểm khác nhau trong việc dệt vải tại tư gia này làm nàng nản chí bỏ ngay cái ý định học. Nàng nhủ thầm : khi nào muốn diện kiểu mới thì xuống chợ mua một tấm là xong ngay.

Mọi việc của cuộc đời theo nhau trôi, trôi một cách thản nhiên như giây, phút, giờ rồi thì ngày, tuần, tháng. Nhưng cuộc đời có đổi thay, thay đổi cho tháng năm trở thành nguồn hy vọng để cho nhân loại được có ngày ôn dĩ vãng và hạt giống lạc quan biết đâu đấy lại có cơ hội nẩy mầm trổ hoa, kết trái.

Khoảng đầu năm 1973, cả căn cứ đưa nhau ra ngoài phố. Nàng nghĩ lại rồi đoán mò là nếu chuyển căn cứ ra phố thì có phần bảo đảm hơn là vì nếu có gì sẽ có lực lượng bạn tiếp cứu, còn trong rừng sâu núi thẳm này nếu có cuộc tấn công xảy ra thì căn cứ sẽ phải đương đầu một thân, một bóng. Nhưng có lẽ đây là một sự tính toán không được chính xác lắm vì “nằm” tại thị xã, căn cứ mất hẳn đường rút lui.


***

Những dẫy nhà gỗ sơ sài được dựng lên, chen chúc nhau. Rồi Tết đến. Cái Tết này là một điểm đáng nhớ, nhớ lại với nụ cười. Người đàn bà trẻ quên làm sao được. Nàng có tánh tình một đứa trẻ con vui dễ, khó buồn. Nàng mang được cái tâm tư giản dị như một đứa trẻ nhà nghèo biết tự làm vui cho chính cá nhân mình, biết đùa nghịch với những món bỏ đi của đám bạn may mắn hơn mình với nét mặt hân hoan. Phải chăng Thượng Ðế đã hiểu rõ số phận hẩm hiu cuả nàng nên đã ban cho nàng một loại vũ khí để phòng thân.

Chiến đoàn trưởng trịnh trọng cất lời chúc Tết cho đơn vị và cho tất cả mọi người hiện diện hôm đó. Tất cả quan khách chăm chú lắng tai nghe từng lời, từng lời một. Các Nghệ sĩ của giàn nhạc mừng Xuân thì ngồi bệt dưới đất, trong một góc của phòng tiếp tân. Sắc phục của ngày trọng đại này chỉ là ở trần, bên dưới có đóng một cái khố và hết... Chắc đây là công khó cuả thượng sĩ thường vụ Y.B. Ông ta đã cất công về Bản mời cho được ban văn nghệ số một này để giúp căn cứ mừng xuân cho thêm phần trọng đại.

Cả ban nhạc với khuôn mặt trịnh trọng ngồi im phăng phắc không ai nói với ai lấy nửa lời. Thái độ này thật khác xa cái phần hoạt náo mở đầu cuả những ban nhạc người Kinh. Kẻ chạy ra, người chạy vào hỏi tiếng nhỏ, tiếng lớn, thậm chí còn thêm ít lời bẳn gắt cuả các vị điều khiển chương trình. Họ im lặng, không nhúc nhích. Họ ngồi yên như những pho tượng có thêm nhịp thở.

Lời chúc Tết cuả Chiến đoàn trưởng vừa chấm dứt thì ban nhạc vội vã trổ tài. Hình như họ chỉ chờ có thế. Một, hai... ba. Các Nghệ sĩ vận dụng hết sức lực và tài năng vào đôi tay. Một tay cầm chặt cái dùi đồng, một tay cầm cái thanh la con con và cứ thế mà gõ liên hồi. Cơn bão âm thanh đập vào màng nhĩ. Ðám quan khách người Kinh nín thở thưởng thức, môi bậm lại, hai mắt trợn tròn. Cũng may bài hòa tấu này chỉ kéo dài đôi ba phút rồi chấm dứt. Kẻ trước người sau, đám nghệ sĩ ngưng tay. Bầu không khí vừa bị xé ra bởi tiếng động được đan nhanh lại bằng tiếng hỏi thăm, trò chuyện, lao xao như bầy ong vừa vỡ tổ cuả quan khách người Kinh.

Tết năm nay uống trước, ăn sau. Một hàng vò có lẽ đầy ắp rượu cần sắp sẵn trước mặt quan khách. Quan khách phái nam được mời thử rượu cần mừng xuân. Qua vài hớp là họ tản mác khắp phòng. Cả căn cứ đã làm quen với hơi men cuả các loại rượu mạnh ngoại quốc nên không mấy ai buồn quay bước trở lại.

Nàng nhìn những vò rượu cần. Những vò rượu vắng khách buồn tênh. Rượu cần, một thứ rượu “Bán khai” được mô tả rất văn chương qua không biết bao nhiêu là chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện xứ Thượng, chuyện đường xa xứ lạ. Bây giờ rượu cần nằm ngay đây, không phải là chỉ có một vò nhưng là một chục vò thì phải.. Nàng nhìn quanh. Những vò rượu cần sao mời mọc quá. Nàng ngần ngại. Cành trúc cắm trên miệng vò thật là xinh, là lạ. Hàng ghế sau vò rượu nằm chơ vơ chờ khách mừng xuân. Nàng bậm môi tiến lên hàng ghế. Tất cả những đôi mắt trong phòng hướng về nàng. Nàng thong thả ngồi xuống cái ghể đẩu và tự nhiên đón lấy cành trúc hút một hơi dài. Cả phòng nín thở chờ đợi nhưng không một tiếng động. Lúc này chỉ có một mình nàng với rượu cần. Một hơi. Hai hơi... Chao ơi ! Chê là phải. Rượu gì như nước lạnh. Mà đúng là nước lạnh vì trong chớp mắt các Nghệ sĩ đã trở thành ban tiếp tân. Họ xách những thùng nước đến châm thêm cho đầy vò.

Có vò thoang thoảng mùi cam, có vò thơm mùi chanh, có vò chỉ toàn hương nước lã. Nàng quên hết những ngại ngần lúc ban đầu. Quan khách cũng làm lơ không một ai tiến lên ngăn cản. Dù sao đi nữa thì cũng là ngày tư, ngày tết. Nàng nếm tất cả. Nàng cố nhớ lại vị trị của cái vò có mùi cam, vị chanh, nhưng đâu đâu mất rồi. Không sao. Nàng bắt đầu lại từ vò thứ nhất. Quái, sao mà biến đâu nhỉ ? Rồi sang vò thứ hai, thứ ba...

Nàng trở về. Hai chân không làm sao bước qua khỏi ngưỡng cửa. Lạ thật, mặt đất sao bỗng dâng lên cao. Nàng ôm lấy khung cửa, bước vội vào nhà. May quá! Không hiểu sao, hình như có con bò đi trong lòng đất thì phải, cái lưng nó ghồ ghồ lên, tránh nó qua một bên, đừng đạp lên lưng nó. Tội nghiệp. Chân trái bước qua phải, chân phải bước qua trái. Nàng giật nhanh hàng khuy của cái áo dài, thêm một hột nút, rồi cái khuy kéo bật tung. Nàng loạng choạng tiến về cái giường kê trong góc phòng. Nàng chỉ còn chút thì giờ vơ vội cái mền mỏng đắp lên người vì một cơn buồn ngủ ập tới. Châu thân như vùi dưới lớp sóng thần, rồi từng mảnh xương da vỡ vụn tan biến trong khoảnh khắc.


***

Nàng rời căn cứ đâu một, hai tháng sau buổi tiệc xuân không tiền khoáng hậu cuả cuộc đời. Sau này, nàng góp nhặt được một vài tin tức qua lời một vị Thượng Sĩ của căn cứ đã may mắn thoát hiểm trong trận tấn công vào Thị xã Ban-Mê-Thuột những ngày đầu của tháng ba năm 1975 :

- Thượng Sĩ N.: Mất tích. Chị N. và sáu đứa con nhỏ di chuyển vào Sài Gòn ngay sau đêm căn cứ thất thủ.

- Thượng Sĩ, chủ Câu lạc bộ, và gia quyến đều tử nạn.

-Thượng Sĩ S., Bịnh xá : Mất tích.

- Thiếu Úy B. và Gia đình : Mất tích.

- Thiếu Úy V.: Mất tích.

- Thiếu Úy T.: Mất tích.

- Trung Úy Ð.: Ðịnh cư tại Washington D.C.

- Trung Úy N.: Ðịnh cư tại Georga.

- Trung Úy Q.: Tử nạn trong đêm Căn cứ thất thủ.

- Trung Úy T.: Mất tích.

- Ðại Úy K.: Ðịnh cư tại California.

- Ðại Úy Q., Đã hoán chuyển sang Binh chủng Nhảy Dù, mất tích.

- Ðại Úy V., Y sĩ Chiến đoàn, mất tích.

- Thiếu Tá P., Chiến đoàn phó, qua đời tại Hoa-Kỳ.

- Thiếu Tá T., Phi đội trực thăng, tử nạn trước ngày Căn cứ thất thủ.

- Trung Tá N.T.M., Chiến đoàn trưởng, định cư tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1999.

Căn cứ B.50, Ban-Mê-Thuột, nơi mà những Bóng Ma Biên Giới của chiến đoàn 3 xung kích, thuộc Sở Công Tác, Nha Kỹ Thuật, dùng làm điểm tựa đã bỏ hoang từ ngày đó. Chiến cuộc lan dần.


***

Mỗi khi nghe tiếng Trực thăng trên không, nàng lại nghe văng vẳng đâu đây có tiếng nói cười của Phi đội thả toán và triệt xuất họp nhau hàn huyên. Thỉnh thoảng nàng mân mê cái ống hút bằng nhựa dẻo và mỉm cười khi liên tưởng đến cành trúc, rượu cần, cùng một mảnh đời của một thuở xa xưa. Gió xuân man mát thoang thoảng hương nồng, vị ngọt cuả ngàn nụ hoa cà phê vươn mình trong sương sớm. Những nải chuối, đọt măng cuả buổi chợ Kinh-Thượng còn tươi màu nhựa. Rồi bỗng mọi vật trở thành lung linh mờ ảo. Một giọt nước mắt rơi an táng một phần đời.

Làn gió gây gây lạnh của xứ tuyết làm se lòng người cùng với khói sương theo nhau đến mỗi năm. Thành phố xam xám buồn buồn đứng chờ những hạt tuyết. Tuyết rơi nhiều, nhiều quá làm mòn dần ký ức nhưng mẩu chuyện đời nghe được vẫn còn nhớ mãi. Tháng rủ năm đi theo vận tốc của vó chân ngựa rong ruổi đường dài. Bẵng như thế mà đã qua hơn ba mươi năm. Có một đôi lần, cũng như nàng, tác giả mân mê cái ống hút làm bằng nhựa dẻo và nghe vang vang đâu đây dư âm tiếng nói, tiếng cười của một ngày vui đã xa.


Ngọc Hương